Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Samuên > Bài Ca Của Anne - 4/2004  


BÀI CA CỦA ANNE
(1Samuên 2:1-10)

Tháng Tư 2004

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Chúa Giêxu Christ. Chúng ta đã cùng nhau học hỏi câu chuyện tuyệt vời này về Anne và sự ra đời của con trai bà là Samuên. Khi học đoạn 1, chúng ta đã thấy Anne trong tình trạng tuyệt vọng khi bà cứ phải đổ nước mắt mà kêu xin cùng Đức Chúa Trời. Chúng ta đã thấy bà đi từ chỗ tuyệt vọng đó đến chỗ nức lòng mừng rỡ ca ngợi Đức Chúa Trời đã giải cứu mình. Thật là một sự thay đổi lớn trong chỉ một đoạn Kinh Thánh này. Đáp lại ân điển của Đức Chúa Trời đối cùng mình, bà trung tín giữ lời thề nguyện và dâng đứa trẻ lại cho Đức Chúa Trời. Nó sẽ hầu việc Đức Chúa Trời trong đền thờ Ngài trọn đời mình.

Niềm vui và sự cảm tạ của bà thể hiện tột đỉnh trong bài cầu nguyện hay bài ca được ghi lại trong đoạn 2 này. Ấy là một lời cầu nguyện cảm tạ tỏ bày lời ca ngợi khôn xiết của Anne về quyền năng Đức Chúa Trời nâng đỡ người yếu đuối và hạ kẻ kiêu ngạo. Bài ca của Anne cũng tỏ ra rằng đối với bà sự ra đời của Samuên không chỉ có ý nghĩa cho riêng Anne mà còn cho cả Ysơraên, cho cả dân sự của Đức Chúa Trời. Cảm xúc thể hiện trong bài ca này đúng cho bất kỳ người nào tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Dù Kinh Thánh ghi rõ rằng đây là lời cầu nguyện của Anne dâng lên cho Đức Chúa Trời, nhưng nếu đọc trong nguyên bản tiếng Hêbơrơ, chúng ta sẽ thấy nó như là một bài thi thiên, một bài ca, rất giống với bài ca ở cuối sách 2Samuên đoạn 22 khi Đavít ca ngợi Đức Chúa Trời vì sự giải cứu và công việc quyền năng Ngài trong dân Ysơraên. Nó cũng có những điểm tương đồng với bài ca của Mari trong Luca đoạn 1. Tại đó chúng ta cũng thấy nhiều ý tưởng và đặc điểm tương tự. Nó tuân theo nhiều đặc điểm của thi thiên bao gồm nhịp điệu và vận luật cũng như lối viết song song. Thế nên bài cầu nguyện này là một bài ca dâng lên Đức Chúa Trời, một bài ca ngợi thể hiện bằng một lời cầu nguyện. Chúng ta có thể nói rằng đây là một lời cầu nguyện cảm tạ dâng lên dưới dạng thi thiên. Trường hợp này không phải là duy nhất. Có nhiều thi thiên cũng là những lời cầu nguyện dâng lên Đức Chúa Trời dưới dạng bài ca như vậy. Chúng ta có nhiều bài thánh ca và bài hát tương tự như thế.

Chúng ta sẽ cùng học hỏi bài ca này theo ba phần. Đầu tiên, chúng ta sẽ cùng học trong câu 1 đến 3 bày tỏ lời cảm tạ cá nhân của Anne dâng lên Đức Chúa Trời. Sau đó trong câu 4 đến 8, chúng ta sẽ xem xét những sự đảo ngược được trình bày tại đó, thể nào Đức Chúa Trời đảo ngược hoàn cảnh của dân sự Ngài. Cuối cùng từ câu 9 đến câu 10, chúng ta sẽ cùng xem thể nào điều đó được áp dụng cho cả dân Ysơraên.

Từ câu 1 đến 3, chúng ta sẽ thấy bài ca cảm tạ này về nhiều mặt là một bài ca ngợi của một cá nhân dâng lên Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể thấy điều này trong câu 1 đặc biệt khi đại danh từ chỉ ngôi được nhắc đi nhắc lại nhiều lần "lòng tôi" "mặt tôi" "miệng tôi" "tôi đầy khoái lạc". Chữ "tôi" tỏ ra rằng đây là điều xuất phát từ tấm lòng của Anne dâng lên Đức Chúa Trời. Anne đang ca ngợi Đức Chúa Trời vì sự giải cứu cho bà trong hiện tại, một sự giải cứu cho cá nhân bà và niềm vui của bà tỏ ra trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy tâm trí bà hoàn toàn không thắc mắc gì về việc ai ban cho bà đứa trẻ này, hay ai đã cho bà có con cái. Đây không phải là một sự tình cờ. Không, đây là một sự ban cho của Đức Chúa Trời. Chính Đức Chúa Trời ban phước cho bà. Đây là một sự đáp lời cầu nguyện cho bà. Bà dâng lên cho Đức Chúa Trời lòng biết ơn. Bà không thắc mắc rằng sự tiếp trợ mình đến từ đâu. Nó đến từ Đức Chúa Trời, Đấng tạo ra trời và đất. Sự biết ơn của bà hướng về Đấng giải cứu bà. Ấy chính là sự cứu rỗi Ngài ban cho bà cách nhưng không. Dù bà không xứng đáng nhưng đã được ban cho cách nhưng không.

Kinh Thánh viết rằng Đức Chúa Trời "đỡ cho mặt tôi ngước lên", (nguyên văn: "đỡ cho sừng tôi ngước lên") nghĩa là Ngài ban cho bà sức lực. Chữ "sừng" được sử dùng ở đây nhắc tới hình ảnh cái sừng của thú vật mà sừng của con thú đó là biểu hiện của sức mạnh và phẩm giá. Nó chỉ về chiến thắng và thành công. Chúng ta có thể thấy cách dùng đó trong Thi Thiên 89 câu 17 và 92 câu 10. Đức Chúa Trời đã ban cho bà sức lực và sự đắc thắng. Đây không phải là điều tự bà có được. Nó được ban cho bà cách nhưng không bởi chính Đức Chúa Trời.

Khi đọc cụm thứ 3 trong phần Kinh Thánh này, "Miệng tôi thách đố kẻ thù nghịch tôi" (nguyên văn: "miệng tôi hả hoác trước kẻ thù nghịch tôi"). Câu này giống như hình ảnh một con sư tử đứng trước con mồi mình, nghĩa là kẻ thù của dân sự Đức Chúa Trời sẽ bị nuốt lấy. Nó cũng có thể là một dấu hiệu của vùng Trung Đông về sự khinh thường đối với kẻ thù, có ý rằng kẻ thù chắc sẽ bị phá hủy. Thế thì ý nghĩa tại đây trong bài ca này là kẻ thù của Đức Chúa Trời không thể đứng lên nghịch cùng Ngài bởi Đức Chúa Trời sẽ tiêu diệt chúng và những người thuộc về Ngài sẽ được minh oan và đắc thắng. Niềm vui và sự giải cứu của Anne đến từ cánh tay Đức Chúa Trời. Sự đắc thắng và sức mạnh của bà là kết quả của sự giải cứu Ngài. Đó là công việc của tay Đức Chúa Trời và bà hoàn toàn công nhận điều đó trong bài ca mà bà dâng lên cho Ngài.

Trong câu 2, sự duy nhất và quyền năng của Đức Chúa Trời của Ysơraên được tôn cao. Chúng ta thấy trong câu này có 3 cụm từ phủ định "Chẳng có ai thánh" "Chẳng có Chúa nào" "Không có hòn đá nào." Phần Kinh Thánh ba lần thể hiện thực sự rằng không có ai cao hơn Đức Chúa Trời. Ấy là thực sự được thể hiện xuyên suốt Thánh Kinh rằng chỉ có một Đức Chúa Trời. Chỉ có một Đấng cứu rỗi. Chỉ có một Đấng có quyền. Không ai có thể đứng nổi trước mặt Ngài. Không có thần nào trước mặt Ngài. Các thần khác đều là những thần tượng. Chúng ta đọc suốt Kinh Thánh dạy rằng những ai đặt lòng tin cậy nơi các thần tượng đó là đặt lòng tin cậy nơi những thần không nói được, không di chuyển được và không có quyền lực gì trước mặt Đức Chúa Trời. Ít lâu sau trong sách 1Samuên, chúng ta sẽ đọc thấy hòm giao ước của Đức Chúa Trời bị dân Philitin lấy và thể nào thần Đagôn của họ cứ té sấp trước mặt hòm giao ước của Ngài. Không có thần nào như Đức Chúa Trời của chúng ta. Không có thần nào như Đức Chúa Trời của dân Ysơraên. Không có đấng nào để người ta kêu xin cùng đấng đó và được lắng nghe. Chúng ta nhớ đến câu chuyện các tiên tri Ba-anh kêu la cùng thần mình xin nghe tiếng họ mà sai lửa từ trời xuống. Nhưng thần của họ không nghe được. Lời cầu nguyện của Anne dâng lên cho một Đấng thánh như Đức Chúa Trời thì không như thế. Chẳng có thần nào như Đức Giêhôva. Không ai có thể bảo vệ chăm xem dân sự mình, chẳng ai có thể cứu dân sự mình như Đức Giêhôva.

Chúng ta không thể đứng nổi trước một Đức Chúa Trời quyền năng thánh khiết như thế với thái độ kiêu ngạo. Bất kỳ ai biết rằng Đức Chúa Trời mà chúng ta thờ phượng, Đức Chúa Trời của dân Ysơraên, là Đấng cai trị tối cao trên mọi sự, Đấng công bình và thánh khiết trong mọi đường lối mình, đều nhận ra rằng không ai đứng nổi trước mặt Ngài với sự kiêu ngạo. Đức Chúa Trời biết những ai kiêu ngạo và họ sẽ bị hạ xuống. Đức Chúa Trời biết và Ngài sẽ phán xét việc làm của họ.

Thế thì khi xem phần đầu của bài ca này, chúng ta thấy đây là sự nhìn nhận sự toàn quyền tể trị của Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng có thể mở miệng mình ca ngợi bằng bài ca này, bằng những câu đầu của bài ca này, bởi chúng ta có thể vui mừng trong sự cứu rỗi mình. Sự cứu rỗi của chúng ta được Đức Chúa Trời ban cho. Chúng ta nhìn nhận sự vĩ đại của Ngài. Chúng ta nhìn nhận sự thấp hèn của mình bởi tội lỗi và sự thống khổ mình. Và chúng ta nhìn nhận rằng chỉ trong Đấng Christ, chỉ trong Đức Giêhôva như phần Kinh Thánh này nhắc đi nhắc lại, mà chúng ta có thể giành được sự đắc thắng trên sự rủa sả của sự chết, của tội lỗi. Chúng ta nhận ra quyền năng lớn của Đức Chúa Trời và kêu xin chỉ một mình Ngài mà thôi. Chúng ta đến với Ngài một cách khiêm nhường, khiêm nhường trước mặt Đức Chúa Trời của trời và đất.

Từ câu 4 đến 8 liệt kê ra một loạt những sự đảo ngược. Ý tôi muốn nói là sự đảo ngược tình huống. Chúng ta thấy nó được liệt kê ra trong tất cả những câu này. Sự đảo ngược bởi quyền năng của Đức Chúa Trời. Trong câu 4 "cây cung của kẻ dõng sĩ đã gãy." Tại đây chúng ta thấy một đội quân hùng mạnh và cây cung của họ, trang bị của họ bị gãy, còn "người yếu mòn thắt lưng bằng sức lực." Đức Chúa Trời đã đảo ngược hoàn cảnh của họ. Kẻ mạnh ngã xuống còn người yếu được chỗi dậy. Trong câu 5 "kẻ vốn no nê phải làm mướn" như những đầy tớ đặng kiếm ít bánh từ bàn chủ. Những người vốn no nê nay bị hạ xuống. Thế nhưng "người xưa đói đã được no nê", Đức Giêhôva đã cung ứng cho họ. Và đặc biệt đúng cho trường hợp của Anne là "người đàn bà vốn son sẻ nay sanh sản bảy lần". Một người trước đây không thể sanh con nay sanh sản với số con cái trọn vẹn. Số bảy là con số trọn vẹn. "Còn người có nhiều con, ra yếu mỏn", không sanh con cái được. Câu 6 "Đức Giêhôva khiến cho chết, cho sống; Ngài đem người xuống mồ mả, rồi khiến lại lên khỏi đó. Đức Giêhôva làm cho nghèo nàn, và làm cho giàu có; Ngài hạ người xuống, lại nhắc người lên, đem kẻ khốn cùng ra khỏi bụi đất, và rút người nghèo khổ ra ngoài đống phân, đặng để họ ngồi bên các quan trưởng, cùng ban cho một ngôi vinh hiển làm cơ nghiệp." Chúng ta thấy thể nào những sự đảo ngược được đề cập đến ở đây. Nó nói lên năng quyền của Đức Chúa Trời hầu cung ứng cho dân sự Ngài.

Khi đọc phần này, chúng ta được nhắc lại về phần Kinh Thánh trong Mathiơ đoạn 5. Mathiơ đoạn 5 khi nói về các phước lành có nói rằng kẻ than khóc sẽ được an ủi, những kẻ có lòng khó khăn sẽ được hưởng nước thiên đàng, những kẻ nhu mì sẽ hưởng được đất, những kẻ đói khát sẽ được no đủ, những kẻ hay thương xót sẽ được thương xót. Tại đây có những sự đảo ngược tình huống bởi công việc của Đức Chúa Trời trong lòng họ. Chính những người khiêm nhường, yếu đuối, bất lực, những người nhìn nhận tình trạng của mình lại được Đức Chúa Trời phục hồi và ban phước. Chúng ta cũng tìm thấy chủ đề về sự đảo ngược vận mệnh này trong bài ca tụng của Mari. Đây là điều mà Đấng Christ làm cho dân sự Ngài. Ngài sẽ đảo ngược sự đau thương họ và mang họ vào sự vui mừng bởi Ngài sẽ ban cho họ vương quốc đời đời.

Tuy nhiên một điều đặc biệt đáng lưu ý là ở trung tâm của phần liệt kê những sự đảo ngược này, ấy là "Đức Giêhôva khiến cho chết, cho sống; Ngài đem người xuống mồ mả, rồi khiến lại lên khỏi đó." Đây là một sự đề cập rõ ràng đến sự đắc thắng của Đấng Christ trên sự rủa sả của sự chết. Đây là một sự trông đợi về sự cứu rỗi mà Đấng Christ ban cho những ai đã chết với tội lỗi và giờ đây đang sống cho Ngài.

Tuy nhiên điều chúng ta cần phải rút ra từ phần Kinh Thánh này là thái độ mà chúng ta cần có trước mặt Đức Chúa Trời. Từ câu 4 đến 8, chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời không màng đến những kẻ có lòng kiêu ngạo khoe mình trong thế gian, những người mà tâm trí chỉ chuyên vào quyền lực, sức mạnh và của cải đời này, những người say mê vun đắp tài sản trên đất này. Ngài nhìn vào tấm lòng của những người khiêm nhường, vào tấm lòng của những người nhận biết sự yếu đuối mình, cúi mình xuống trước mặt Ngài không với thái độ cao ngạo tự mãn dựa vào sức riêng mình. Ngài đoái đến những ai nhận biết sự cứu rỗi và sức lực mình đến từ Đức Chúa Trời mà không phải từ chính bản thân mình. Đây là những người đến trước mặt Đức Chúa Trời với thái độ ăn năn, đổ nước mắt ra mà cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ, cúi xuống trước Ngài kêu xin sự cứu rỗi, nhìn nhận sự bất lực của mình trong sự tự cứu lấy mình. Thật sự chính những người nghèo khổ, người tụt hậu, những người yếu đuối nhận biết mình là tội nhân trước mặt một Đức Chúa Trời thánh, những người hạ mình đến trước Ngài sẽ được hưởng ngai vinh hiển này. Chúng ta thấy rằng nếu chúng ta lên mình kiêu ngạo trong đường lối mình và cho rằng mình có thể cứ tiếp tục chống nghịch Đức Chúa Trời mà không cần lo nghĩ đến sự rủa sả và phán xét của Ngài, nếu chúng ta cho rằng thế gian này là tất cả, và rằng chúng ta có thể tự sức mình vươn lên mà thành công, thì sự kiêu ngạo đó trước mặt Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ thất bại. Chỉ những ai khiêm nhường cúi xuống trước Đức Chúa Trời hết lòng ăn năn và tin cậy sẽ được Đức Chúa Trời nâng lên và mang đến cùng Ngài hầu được hưởng ngai vinh hiển Ngài.

Khi đọc hai câu cuối của bài ca của Anne, chúng ta nhận ra rằng sự ra đời của con trai Anne có ý nghĩa rộng hơn là chỉ cho riêng Anne. Điều mà ân điển Đức Chúa Trời ban cho bà qua sự ra đời của con trai bà cũng là cho cả dân Ysơraên. Đức Chúa Trời là Đấng ban cho bà đứa con này và tình cảnh của bà là hình ảnh của dân Ysơraên. Cả dân Ysơraên cần phải nhìn xem lời kêu cầu công bình mà Anne dâng lên Đức Chúa Trời, lời cầu xin giải cứu, mà nhìn thấy thể nào Đức Chúa Trời đã giải cứu bà. Họ phải nhận ra rằng những người thánh của Đức Chúa Trời, những người bước đi trong Ngài sẽ được Ngài gìn giữ. Ngài sẽ chăm xem bảo vệ và giải cứu họ.

Chúng ta để ý phần cuối câu 10 chép rằng "Đức Chúa Trời sẽ ban thế lực cho vua Ngài". Nói cách khác, một Vị Vua sẽ xuất hiện. Câu này dự báo một Vua sẽ đến. Nó báo trước vai trò của Samuên là người sẽ công bố sự đến của Vua đó. Một Vị Vua được Đức Chúa Trời ban thế lực, một Vị Vua sẽ cai trị trên trời, một Đấng sẽ đoán xét bốn phương của đất, sẽ thi hành sự phán xét công bình của Chúa. Vị Vua này sẽ do Đức Chúa Trời lựa chọn, Đấng cai trị công bình, Đấng sẽ phục hồi năng lực cho dân Ysơraên, Đấng sẽ cai trị cách công bình trong dân Ysơraên, Đấng sẽ đáp lại câu nói nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong sách Các Quan Xét rằng "Đương lúc đó, không có vua trong Ysơraên, ai nấy làm theo ý mình lấy làm phải." Đức Chúa Trời sẽ ban một Vị Vua vĩ đại cho dân Ysơraên. Dân Ysơraên cần một Vua công bình.

Trong tương lai sắp đến, chúng ta thấy Samuên sẽ xức dầu cho Đavít. Đavít là vị vua của Đức Chúa Trời, là vua mà Ngài chọn lựa. Ông là người được nâng lên, được Đức Chúa Trời dùng để mở rộng vương quốc, để mang đến nhiều của cải và thạnh vượng cho dân sự. Ông cai trị cách công bình và đắc thắng kẻ thù của Đức Chúa Trời. Ông là một vị vua thành công và mạnh sức. Ông là vị vua khiêm nhường trước mặt Đức Chúa Trời. Trong 2Samuên đoạn 22 chúng ta thấy sự ứng nghiệm về nhiều mặt trong lời cầu nguyện và bài ca này. Nó cho dân sự Đức Chúa Trời thấy rằng Ngài thật sự đã ban phước cho dân sự Ngài. Ngài thật sự đã đảo ngược vận mệnh của họ. Bởi ở cuối sách Các Quan Xét, họ không là gì cả mà giờ đây họ trở nên một dân tộc hùng mạnh.

Tuy nhiên chúng ta biết rằng các vua của họ, ngay cả vua Đavít, cũng đều thất bại trong nhiều phương diện. Ông không phải là Vị Vua tối cao của dân Ysơraên. Nhưng sự làm trọn sau chót của phần Kinh Thánh này chỉ về Đấng Christ. Ngài là Vị Vua thật sự công bình của dân Ysơraên. Ngài là Đấng Giải Cứu thật của họ, là Đấng mà quyền năng Ngài sẽ trở nên lớn lạ trên hết. Sức mạnh Ngài sẽ hoàn tất chiến thắng trên mọi dân tộc. Ngài sẽ đắc thắng chính sự chết nữa. Ngài là Đấng Giải Cứu thật, là Đấng sẽ đến làm Quan Án công bình. Khi đọc trong Khải Huyền đoạn 19, chúng ta đọc thấy về một Vị Vua cưỡi ngựa trắng đến phán xét kẻ dữ. Đoạn Kinh Thánh này sau cùng cũng sẽ được làm trọn trong Ngài. Đức Chúa Trời làm cho quyền năng Đấng Christ ra lớn trên hết thảy. Những người khiêm nhường trong Ngài được nâng lên. Những ai thuộc về vương quốc trên trời của Ngài được vững lập đời đời. Những kẻ ác kiên quyết chống nghịch cùng Ngài, hết thảy kẻ thù Ngài sẽ bị đánh bại, bởi Ngài đã đến làm Đấng Giải Cứu toàn quyền của chúng ta.

Khi đọc bài ca này của Anne, chúng ta nhận ra rằng đây cũng là bài ca của chính chúng ta. Chúng ta nhận ra rằng đây là bài ca mà chúng ta muốn dâng lên ca tụng bởi nó đã được làm trọn trong Đấng Christ. Chúng ta đã được ban cho một Con Trẻ, một Vua, đã được sanh ra bởi Mari hầu giải cứu chúng ta. Ngài là Đấng Giải Cứu chúng ta. Ngài là Đấng đảo ngược sự rủa sả. Ngài cất đi sự chết chắc chắn của chúng ta và ban cho chúng ta sự sống mới. Ngài sẽ đến để đoán xét bốn phương của đất. Chúng ta phải khiêm nhường hạ mình xuống trước Ngài bởi nếu không, chúng ta sẽ phải ở dưới sự phán xét Ngài. Chúng ta sẽ nghe tiếng của Chúa, là tiếng vang lên với tiếng sấm sét và sự phán xét mà bởi đó Ngài sẽ phán xét hết thảy kẻ dữ. Kính thưa dân sự của Đức Chúa Trời, hôm nay khi quý vị lắng nghe tiếng Ngài trong Lời Kinh Thánh, xin đừng lên mình kiêu ngạo cho rằng mình có thể đứng nổi trước mặt Đức Chúa Trời bởi sức riêng mình hay bởi những việc làm mình. Xin hãy hạ mình xuống, quỳ gối trước mặt Ngài, nhìn nhận rằng mình không ra gì để rồi nếu quý vị ở trong Đấng Christ, Ngài sẽ nâng quý vị lên. Ngài sẽ ban sức cho quý vị, ban cho quý vị sự sống sau sự chết và ban cho quý vị sự cứu rỗi đời đời. Amen.

Lạy Cha thiên thượng của chúng con. Hôm nay lòng chúng con vui mừng. Sừng của chúng con được nâng lên bởi Chúa. Chúng con tin cậy nơi Ngài. Chúng con có sự trông cậy về sự cứu rỗi đời đời, sự hy vọng rằng chúng con sẽ được sống trong sự vinh hiển của cơ nghiệp chúng con. Lạy Chúa, chúng con cầu xin Ngài cho bài ca này của Anne cũng là bài ca của chúng con dâng lên trước Ngài hầu chúng con có thể nhìn nhận trước mặt cả thế gian rằng Ngài là Đức Chúa Trời thánh, rằng không có ai như Ngài, không có ai quyền năng, khôn ngoan và cao cả hơn Ngài cho chúng con hầu việc. Lạy Chúa, chúng con cảm ơn Ngài vì sự giải cứu và sự trông cậy về sự cứu rỗi mà Ngài đã ban cho trong Chúa Giêxu Christ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con đừng kiêu ngạo, đừng lên mình trước mặt Ngài. Nhưng xin cho chúng con có tâm thần khiêm nhường hầu chúng con có thể cúi xuống trước mặt Ngài và hướng về Ngài như là nguồn của sự hy vọng chúng con. Cũng xin cho chúng con hướng về Vị Vua đời đời của chúng con, Đấng chịu xức dầu của Ngài. Chúng con biết rằng Ngài đã làm cho quyền năng của Đấng ấy ra lớn và Đấng ấy là Vị Vua quyền năng sẽ đến trong sự phán xét công bình trong ngày cuối cùng để hình phạt kẻ ác và mang những ai thuộc về mình theo với mình. Xin cho chúng con đặt lòng tin vào sứ điệp của bài ca này. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu. Amen.

Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)