Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Samuên > Bữa Ăn Cuối Cùng Của Saulơ - 6/2006  


BỮA ĂN CUỐI CÙNG CỦA SAULƠ
(1Samuên 28:3-25)

Tháng Sáu 2006

Kính thưa hội thánh yêu dấu của Chúa Cứu Thế Giêxu. Chúng ta đã đến phần cuối của sách 1Samuên. Chúng ta tiến nhanh đến ngày băng hà của vua Saulơ, vị vua đầu tiên của Ysơraên. Sự chết của ông đã đến gần trong tầm mắt của chúng ta. Chúng ta được cho biết trong phần Kinh Thánh nầy rằng Saulơ và các con trai của ông sẽ chết trong trận chiến với dân Philitin ngày hôm sau. Khi đọc đến phần Kinh Thánh hôm nay chúng ta thấy câu chuyện bất ngờ xoay khỏi câu chuyện Đavít liên kết với người Philitin mà chúng ta đã học kỳ rồi. Đavít đã liên minh với vua Akích và đến đoạn 28 câu 2 chúng ta bị bỏ dỡ không biết Đavít cuối cùng sẽ đứng về phía dân Philitin hay Ysơraên. Chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời trong đoạn 29. Giữa chừng câu chuyện đó xen vào câu chuyện về chuyến đi của Saulơ đến Ênđôrơ. Tại đây chúng ta không biết Đavít sẽ trung thành với dân sự mình hay ông sẽ đánh trận cho dân Philitin. Ông có ở trong vòng đám đông dân Philitin tụ tập lại tại Sunem đang đe dọa quân của Saulơ không? Ông sẽ chiến đấu nghịch cùng dân Ysơraên hay không? Liệu ông sẽ dự phần trong cái chết của Saulơ không hay tay ông sẽ không phạm đến sự đổ máu ấy?

Đoạn 28 xen vào có tác dụng đặt hai vị vua, hai người chịu Đức Chúa Trời xức dầu, bên cạnh nhau. Trung tâm điểm của đoạn 28 đặt vào Saulơ, vị vua Ysơraên bị từ bỏ và sa bại. Ngay cả trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời làm vua, Saulơ đã dự phần vào một việc mà Thánh Kinh gọi là sự gớm ghiếc trước mặt Đức Chúa Trời. Ông cầu hỏi người đã chết qua bà bóng, vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 18.

Theo phần Kinh Thánh của chúng ta, Saulơ đang bị rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Dân Philitin đã chia cắt đất nước Ysơraên. Nếu xem vị trí của Sunem trên xứ Ysơraên, chúng ta sẽ thấy nó nằm ngay trung tâm của nước Ysơraên, chia xứ nầy ra làm hai và dân Philitin đã tiến công về hướng Bắc một cách mãnh liệt. Đây là hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan cho vua Saulơ và viễn cảnh không mấy gì tốt đẹp cho dân Ysơraên. Dường như họ không làm gì hơn là chờ chết. Khi thấy đội quân Philitin, Saulơ kinh hãi. Ông khiếp sợ, run rẫy vì cớ họ. Ông tê liệt không biết phải làm gì. Ông hốt hoảng. Khi đọc xuyên suốt sách 1Samuên, chúng ta thấy đây chính thật là cá tính của Saulơ. Dầu trong thực tế Saulơ cao lớn, giềnh giàng xứng đáng là một vị vua nhưng thật sự ông lại là một người hèn nhát khi phải chiến đấu cho quyền lợi của dân Ysơraên. Ông hèn nhát trong nhiều tình huống chớ không riêng gì ở đây. Trong đoạn 14, con trai ông đánh trận thế cho ông. Trong đoạn 19 khi Đavít đánh Gôliát, Saulơ không bao giờ đứng hàng đầu nơi trận mạc mà lại để người khác đánh thế cho ông. Ông thật sự hèn nhát.

Phần Kinh Thánh nầy nhắc chúng ta rằng Samuên đã chết, Saulơ không biết phải cầu hỏi ai. Đức Giêhôva không đáp lời ông. Ông không biết phải làm gì. Samuên không còn ở quanh quẩn đâu đó để cho ông tham khảo ý kiến hay tìm lời chỉ bảo. Trong sự cùng quẩn đó ông xoay qua cách khác để tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời cho tình cảnh của mình. Ông tìm kiếm Đức Chúa Trời bằng chiêm bao, bằng urim hay qua các tiên tri nhưng Ngài không đáp lời ông. Chúng ta để ý Saulơ dùng ba cách: số ba là con số của sự trọn vẹn. Nói cách khác, Saulơ đã thử tìm đủ mọi cách để tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời trong hoàn cảnh khó khăn tột cùng nầy. Dầu vậy Đức Chúa Trời không đáp lời Saulơ. Ngài hoàn toàn im lặng. Saulơ bị cô lập. Đức Chúa Trời chẳng đáp lời. Saulơ không thỏa lòng với sự yên lặng của Đức Chúa Trời. Ông xem đó như một chướng ngại mà tự ông có thể xoay sở cất bỏ hay tháo gỡ. Có lẽ bằng phương pháp của riêng mình, ông có thể đến gần Đức Chúa Trời được.

Sự khước từ của ông đối với sự yên lặng của Đức Chúa Trời cho thấy thái độ không vâng phục của ông đối với Ngài. Ông không chấp nhận điều mà Đức Chúa Trời không ban cho ông. Con người chúng ta có thể xem nổ lực của ông là can đảm, có thể khen ngợi rằng ông kiên trì tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Nhưng có lẽ đúng hơn nếu chúng ta nhìn thấy sự tìm kiếm của ông chỉ là một sự ngoan cố do thái độ khước từ của ông đối với sự yên lặng của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần hiểu vài điều liên quan đến vấn đề nầy. Kinh Thánh bảo chúng ta phải cứ kiên trì không ngừng đến với Chúa trong sự cầu nguyện, nhưng trường hợp này không phải là như vậy. Chúng ta cần hiểu rằng việc Saulơ bị Đức Chúa Trời từ bỏ là hậu quả của hành động tội lỗi của ông, hành động tội lỗi mà ông chưa chịu ăn năn. Lòng ông không ăn năn trước mặt Chúa. Chúng ta thấy sự im lặng của Đức Chúa Trời đối với Saulơ không phải là chuyện mới. Trong đoạn 14 ông đã bị loại bỏ không nhận được lời của Đức Chúa Trời do tội lỗi của ông trong đoạn 13 và một lần nữa trong đoạn 15. Trong cả hai đoạn Kinh Thánh ông đều bị Đức Chúa Trời rủa sả vì cớ sự phản nghịch của ông đối cùng Ngài. Thêm nữa chúng ta không thấy Saulơ đến với Chúa trong thái độ ăn năn và hạ mình mà ông đi theo ý riêng và mục tiêu ích kỷ của mình. Cho đến giờ phút cuối cùng Saulơ vẫn ngoan cố trong sự chống nghịch Đức Chúa Trời. Ông không tìm kiếm Đức Chúa Trời để làm theo ý muốn Ngài.

Một điểm nữa cũng cần nên đề cập đến là chức vị vua của Saulơ không làm gì được để cải thiện hoàn cảnh của dân Ysơraên. Bắt đầu trong đoạn 1 và 2 của sách 1Samuên chúng ta thấy nan đề của dân Ysơraên trước khi họ có vua vẫn dai dẳng cho đến hết sách. Chúng ta tìm thấy điều gì trong phần khởi đầu của sách? Ấy là "Lời của Đức Giêhôva lấy làm hiếm hoi". Người ta không nhận ra tiếng của Ngài. Tình trạng này vẫn còn đó ở phần cuối của sách. Samuên mang đến một sự gián đoạn ngắn giữa giai đoạn im lặng đó của Đức Chúa Trời nhưng sự im lặng liên quan đến vị vua của họ lại tái diễn. Có một vua giống như các dân tộc khác không cải thiện hoàn cảnh của dân Ysơraên. Chúng ta thấy trong phần đầu của sách rằng kẻ thù chính của dân Ysơraên là dân Philitin và họ vẫn còn chiến đấu với dân Philitin trong phần cuối của sách. Chúng ta cũng tìm thấy dân sự của Đức Chúa Trời sống trong sự gian ác ở phần đầu của sách, giờ đây chúng ta tìm thấy Saulơ ở Ênđôrơ phạm một sự gớm ghiếc trước mặt Đức Chúa Trời. Không có thay đổi gì trong xứ Ysơraên. Vua Ysơraên đã không thành công trong việc nhóm hiệp dân sự lại thờ phượng Đức Chúa Trời. Saulơ đã thất bại. Ông thất bại vì ông không phải là người theo lòng Đức Chúa Trời, không phải là vị vua thuận phục theo Lời Ngài. Vì cớ đó họ vẫn còn phải tiếp tục cuộc chiến cũ. Điều nầy xảy ra đúng như lời tiên tri của Samuên về một vua mà dân Ysơraên mong muốn. Họ muốn có một vua như các dân tộc khác và họ đã được điều đó: một vua không công bình, không được Đức Chúa Trời ban phước. Saulơ đã thất bại. Ông đã không làm được điều mà một vua cần nên làm. Ông không phải là một vua mà Đức Chúa Trời muốn dân Ysơraên đi theo. Đavít mới là vị vua đó.

Saulơ tìm cách cưỡng ép tình huống. Ông tìm cách cưỡng ép Đức Chúa Trời phán với ông. Vì vậy ông tìm đến bà bóng để gọi Samuên. Saulơ đã trừ khỏi xứ những đồng cốt. Tất nhiên đó là điều tốt, là điều nên làm trong cương vị làm vua. Đây là điều Phục Truyền Luật Lệ Ký đoạn 18 chép: "Ở giữa ngươi chớ nên có ai đem con trai hay con gái mình ngang qua lửa, chớ nên có thầy bói, hoặc kẻ hay xem sao mà bói, thầy phù thủy, thầy pháp, kẻ hay dùng ếm chú, người đi hỏi đồng cốt, kẻ thuật số, hay là kẻ đi cầu vong" Ai làm những điều đó sẽ bị trừ khỏi xứ, bị xử tử. Chúng ta thấy việc Saulơ đi cầu hỏi đồng cốt cũng gợi ý cho sự qua đời sau cùng của Saulơ. Ông cầu hỏi đồng cốt thì cuối cùng phải bị truất khỏi dân sự. Việc Saulơ trừ khỏi xứ những đồng cốt và tà thuật được ám chỉ đến lần nữa. Hết thảy là ba lần. Nó được đề cập đến ba lần để nhắc Saulơ về việc làm sai trái của ông. Ông làm ngược lại chính luật của mình. Chúng ta thấy trong câu 3: "Samuên đã qua đời... Saulơ đã trừ khỏi xứ những đồng cốt và những thầy tà thuật.". Và rồi dường như để nhấn mạnh thêm, khi ông đi đến người đàn bà cầu vong, chẳng khác nào bà ta đang cầm cái gương soi vào chính mặt Saulơ và nói: "Ông biết rõ điều Sau-lơ đã làm, thể nào người trừ khỏi xứ những đồng-cốt và thầy tà thuật. Vậy, cớ sao ông lại gài bẫy đặng giết tôi?", "Saulơ, ông có hiểu tôi không nên làm điều này không? Ông cũng không nên làm bởi vì sẽ phạm đến luật của xứ?" Rồi chúng ta thấy thêm một lần nữa trong câu 12, người đàn bà sợ Saulơ bởi sau khi nhận ra Saulơ, bà nghĩ mình đã bị lừa và chắc phải chịu sự đoán phạt của Saulơ. Nhưng Saulơ đã tha cho bà. Thật thú vị khi biết ra sự trớ trêu trong cách Saulơ tha thứ cho người đàn bà nầy. Người đàn bà nầy không đáng được tha thứ bởi bà đã can dự đến việc gớm ghiếc. Nhưng Saulơ phát ra lời thề, ông lấy danh Đức Giêhôva ra mà thề: "Ta chỉ Đức Giê-hô-va hằng sống mà thề, sẽ chẳng xảy đến cho ngươi một điều hại chi về việc nầy đâu!" Quí vị thấy không? Ngay cả trong hành động nầy Saulơ cũng phản nghịch Đức Chúa Trời. Không những ông đã phản nghịch Đức Chúa Trời trong việc cầu hỏi đồng cốt mà còn trong việc ông không làm trọn trách nhiệm trừ bỏ người đàn bà nầy trong vòng dân sự. Ông đã thề trước mặt Đức Chúa Trời. Có thể nói rằng Saulơ đã bị buộc soi mặt mình vào gương trong mỗi bước trên con đường cầu hỏi đồng cốt nầy nhưng ông vẫn cứ khăng khăng. Điểm nầy rất quan trọng bởi tôi thấy có một số sách chú giải gần như thương hại ông khi ông đi đến bước đường nầy. Hầu như họ thấy tội nghiệp ông bởi dường như ông đã cố gắng quá chừng. Tuy nhiên, khi đọc phần Kinh Thánh nầy chúng ta thấy lòng Saulơ hết sức cứng cỏi đến mức ông từ bỏ ý muốn Đức Chúa Trời để khăng khăng theo con đường riêng mình, ý muốn riêng mình. Ông đã không đến với Đức Chúa Trời một cách khiêm nhường và ăn năn.

Chúng ta để ý Saulơ đến với người đàn bà nầy vào ban đêm. Ông đến với người đàn bà nầy vào ban đêm trong sự che đậy của bóng tối. Chữ "tối" "ban đêm" thường nói đến sự giấu giếm, bao che cho tội lỗi. Sống trong tối tăm nghĩa là sống trong tội lỗi. Chúng ta chú ý một điều nữa là để đến gặp người đàn bà nầy trước tiên ông phải cởi bỏ vương bào của mình. Chúng ta thấy vương bào của vua rất có ý nghĩa trong suốt sách 1Samuên. Vì vậy khi Saulơ cởi bỏ áo vua của mình, chúng ta nhận thấy điều sắp xảy ra: Vương quốc sắp bị tước khỏi tay ông. Chúng ta đọc tiếp và thấy người đàn bà gọi Samuên lên. Một điểm người ta thường hỏi khi đọc đến phần Kinh Thánh nầy đó là người hiện ra đó có phải thật sự là Samuên không hay là ma quỉ, hay là sự bịa đặt của người cầu đồng cốt. Samuên có thật sự được gọi lên hay không? Có nhiều câu trả lời khác nhau, kể cả trong vòng những người theo phái chính thống. Khi tôi học phần Kinh Thánh nầy tôi tin rằng đây thật là Samuên. Tôi xin nói rõ việc nầy không phải là tiêu chuẩn để chúng ta làm theo. Quí vị không thể nào đi xuống phố hay đâu đó để tìm một người cầu vong là người thật sự nói chuyện với người đã chết. Đây không phải là việc bình thường. Quí vị không thể nào nói chuyện với người đã chết được. Nhưng chỉ một lần nầy Đức Chúa Trời cho phép Samuên trở lại. Tôi xin chỉ ra vài điểm: "Saulơ hiểu là Samuên", "Samuên hỏi Saulơ", "Samuên đáp", "các lời của Samuên khiến người sợ hoảng". Mỗi khi đề cập đến Samuên tại đây, Kinh Thánh không nói đây là ma quỷ hay là sự bịa đặt của người cầu vong mà tỏ ra rằng đây thật sự là Samuên. Hơn nữa, tôi có thể nói sứ điệp được ban cho ở đây giống như sứ điệp của Samuên trước kia. Không có gì mâu thuẩn giữa sứ điệp trong đoạn 15 và sứ điệp ở đây. Một điểm nữa là cách người đàn bà nầy giật mình trước sự xuất hiện của Samuên. Tôi nghĩ điều đó bày tỏ rằng người đàn bà nầy ngạc nhiên khi thật sự gặp Samuên. Bà không trông đợi điều này. Không phải bà kinh ngạc vì trông thấy Samuên bởi Saulơ đã yêu cầu gọi chính Samuên. Thế thì tại sao bà la lớn tiếng lên? Tôi tin rằng bà la lớn lên vì bà kinh ngạc bởi điều đó thật sự xảy ra. Samuên đã thật sự ra khỏi phần mộ để nói chuyện với Saulơ. Đây là chuyện có một không hai. Tôi muốn nói rằng rất có thể trong những lần khác bà chỉ dối gạt người ta khiến họ nghĩ rằng bà nói chuyện với người chết nhưng thật ra là không có. Theo kinh nghiệm của bà có điều gì đó khác thường đang xảy ra nên bà phải kinh ngạc. Cùng lúc bà kinh ngạc vì sự hiện diện của Samuên bà nhận ra rằng nếu đây thật sự là Samuên thì người đang đứng đây yêu cầu bà gọi Samuên phải là Saulơ. Không phải lời thỉnh cầu nào cũng được đáp lại theo cách nầy trừ khi người yêu cầu là ai đó thật sự quan trọng. Người đang đứng trước mặt bà yêu cầu gọi Samuên không phải là một người tầm thường nào đó mà phải là vua Ysơraên.

Saulơ cũng nhận ra đây là Samuên. Ông mô tả Samuên đang mặc một cái áo tơi. Như tôi đã đề cập trước đây, cái áo có ý nghĩa rất quan trọng trong suốt sách nầy. Một lần nữa chúng ta được gợi lại về chiếc áo của Samuên. Trong đoạn 15 áo Samuên bị xé ra biểu tượng cho việc vương quốc sẽ bị cất khỏi Saulơ. Hình ảnh Samuên mặc chiếc áo tơi hướng chúng ta về đoạn 15, cứ nhắc nhở chúng ta về sự rủa sả trên Saulơ, sự phân cách khỏi Đức Chúa Trời vì cớ sự phản loạn chống nghịch của ông đối với Ngài.

Đọc tiếp, chúng ta thấy Samuên nói với Saulơ sau khi ông được gọi lên: "Nhân sao ngươi quấy sự yên tịnh ta mà gọi ta lên?" Quí vị có thể cảm nhận được qua cách nói được thể hiện ở đây rằng Samuên hơi phiền lòng Saulơ vì đã gọi ông lên từ chỗ ngơi nghỉ của ông. Cách trả lời của Samuên không báo hiệu điều tốt lành cho Saulơ. Chúng ta có thể đoán trước được câu trả lời của Samuên sẽ không thuận lợi cho Saulơ. Saulơ đáp lời và nói với Samuên rằng ông đang gặp hoạn nạn lớn. Dân Philitin đang bao vây ông và ông cần sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Ít nhất ông cần sự chỉ dẫn của Samuên để có thể biết được mình nên làm gì. Có thể nói ông đang chết đứng. Ông không biết làm gì. Rồi Samuên đáp lại: "Nhân sao ngươi cầu vấn ta?" Một lần nữa câu hỏi bắt đầu bằng chữ "tại sao". Samuên trả lời: "Tại sao ngươi cầu vấn ta? Sứ điệp của Đức Chúa Trời không phải đã truyền cho ngươi rồi sao? Ngươi không biết điều Đức Chúa Trời đã bảo cho ngươi sao? Việc ngươi tìm đến ta cũng chẳng thay đổi được sứ điệp đã truyền cho ngươi trong đoạn 15." Saulơ không thích sứ điệp đó, ông hi vọng rằng nó sẽ thay đổi nhưng Samuên vẫn cứ trung tín với sứ điệp rủa sả ban đầu trong đoạn 15. Saulơ đã bị Đức Chúa Trời lìa bỏ bởi tội của ông với người Amaléc, bởi ông chống nghịch Đức Chúa Trời, tưởng rằng mình biết nhiều hơn Ngài. Vương quốc của Saulơ đã bị tước đoạt khỏi tay ông. Ngày hôm sau Saulơ sẽ chết, dân Philitin sẽ thắng trận. Vương quốc sẽ bị dời khỏi Saulơ mà ban cho Đavít. Saulơ không thể làm gì để thay đổi thực tế nầy. Sự việc đã được định đoạt bởi Đức Chúa Trời.

Thế có nghĩa là không còn hi vọng gì cho Saulơ chăng? Saulơ có thể ăn năn tội mình ngay cả trong giây phút cuối cùng nầy không? Tôi nghĩ ông có thể ăn năn. Vương quốc có thể sẽ bị tước khỏi ông, ngày hôm sau ông có thể chết trong chiến trận nhưng tôi tin rằng cho đến giờ phút cuối cùng của đời mình, Saulơ vẫn còn có thể ăn năn. Tuy nhiên tận trong lòng Saulơ vẫn phản nghịch Đức Chúa Trời, từ chối Ngài nên sự chung cuộc của ông đã được định sẵn. Ông đã đuổi đi vị cứu tinh của mình. Ông đã đuổi Đavít qua xứ Philitin. Người đã từng chiến thắng dân Philitin giờ đây đang đứng về phía dân Philitin. Không, chúng ta chưa biết Đavít sẽ cùng đánh trận với dân Philitin hay không nhưng Đavít đã bị xua đến với kẻ thù của Saulơ. Ông không thể cầu cứu vị cứu tinh đó được nữa. Sứ điệp của Samuên không có gì mới đối với Saulơ. Samuên không thêm gì vào những điều Saulơ đã biết từ lâu trong đoạn 15. Nhưng giờ đây lời Samuên nói với Saulơ gia thêm sự chắc chắn cho lời tiên báo trước đây. Đức Chúa Trời không trả lời Saulơ bởi vì không cần nói thêm gì nữa. Saulơ ngã xuống đất. Một lần nữa đây là hình ảnh của điều sắp xảy đến. Saulơ sẽ ngã xuống trong trận chiến ngày hôm sau.

Khi xem phần Kinh Thánh nầy chúng ta cần nhìn thấy điều gì? Chúng ta thấy một vị vua giống như các dân tộc khác. Một vua không cứu được. Một vua sống cho chính mình không chịu quì xuống trước mặt Đức Chúa Trời. Đi theo ông không ích lợi gì. Cuối cùng chúng ta sẽ thấy công lý của Đức Chúa Trời được bày tỏ ra nghịch cùng ông. Ngày nay sứ điệp dành cho chúng ta cũng như thế. Nếu chúng ta cứ khăng khăng trong sự gian ác mình, nếu chúng ta cứ miệt mài trong sự chống nghịch Đức Chúa Trời, nếu chúng ta cứ nhất định sống tách rời khỏi ý muốn của Đức Chúa Trời thì đến lúc nào đó công lý sẽ tỏ ra. Ngoại trừ chúng ta quì gối xuống trước mặt Cứu Chúa có một và thật, Vị Vua thật, Đấng theo lòng Đức Chúa Trời, Chúa Cứu Thế Giêxu, chúng ta phải ở dưới sự rủa sả của Đức Chúa Trời. Chỉ khi nào chúng ta chịu quì gối xuống trước Chúa Cứu Thế, Cứu Chúa của chúng ta thì chúng ta mới được cứu. Sứ điệp ngày hôm nay cho chúng ta là chúng ta không nên cứng lòng chống nghịch Đức Chúa Trời. Chúng ta cần nên quì xuống trước Đấng chịu xức dầu của Ngài.

Cuối cùng chúng ta thấy Saulơ được đãi bữa ăn cuối cùng: Bò con mập bị giết, bánh không men được bẻ ra. Ông được năn nỉ mời dùng bữa ăn cuối cùng nầy. Dù ban đầu ông từ chối nhưng sau đó ông nhận lời. Khi chúng ta xem phần Kinh Thánh về bữa ăn cuối nầy tôi muốn chúng ta chú ý đến mối liên hệ của nó với bữa ăn cuối của Chúa Cứu Thế Giêxu. Chúng ta thấy trong cả hai trường hợp đều có bánh không men. Chúng ta thấy Chúa Cứu Thế chết dưới sự rủa sả của Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy sự tương tự rằng cả hai, Chúa Giêxu và Saulơ, vào đêm hôm trước đều đi ra "lúc ban đêm". Ngôn ngữ giống nhau được dùng ở đây. Chúng ta thấy khi Chúa Giêxu chết trên thập tự giá Ngài kêu lên lời gì? Ngài kêu lên: "Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi?" Saulơ cũng kêu lên tương tự như vậy. Tất nhiên Saulơ kêu xin vì cớ tội lỗi của chính ông mà bởi đó ông đã bị Đức Chúa Trời từ bỏ. Trường hợp của Chúa Giêxu thì không giống như vậy. Ngài đã kêu lên vì gánh lấy sự rủa sả thế cho chúng ta. Chúa Giêxu chết trên thập tự giá gánh lấy sự rủa sả và Ngài bị từ bỏ vì cớ chúng ta. Chúa Giêxu bước đi vào trong bóng đêm để thế chỗ cho chúng ta vì chúng ta, nếu không bởi ân điển của Đức Chúa Trời, cũng chẳng khác gì Saulơ. Chúa Giêxu gánh lấy sự rủa sả để chúng ta được sống trong sự sáng. Khác với Saulơ, Chúa Cứu Thế là trọn vẹn nhưng Ngài chết thế cho chúng ta. Quí vị thấy Chúa Cứu Thế là Vị Vua khác hẳn với Saulơ bởi Ngài là Đấng thật sự làm nên sự đổi thay. Ngài là Đấng đem lời của Đức Chúa Trời đến cho dân sự Ngài. Ngài là Đấng khôi phục lại mối tương giao hoàn hảo. Ngài là Vị Vua theo lòng Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng gánh lấy sự rủa sả cho chúng ta để mở cửa thiên đàng hầu cho chúng ta có thể sống trước sự hiện diện của Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta. Amen.

Lạy Chúa là Cha chúng con ở trên trời. Chúng con nhìn thấy sự gian ác của chính chúng con. Chúng con nhìn thấy sự phản nghịch của chúng con. Chúng con biết chúng con là tội nhân. Chúng con biết chúng con đáng bị Ngài phán xét và định tội. Nếu để tự chúng con thì sự rủa sả đổ trên Saulơ cũng sẽ đổ trên chúng con. Nhưng bởi ân điển của Đức Chúa Trời, Ngài đã sai Con Ngài xuống thế gian nầy để gánh lấy sự rủa sả thế cho chúng con. Chúng con đã được cứu. Chúng con là những người đi theo Vị Vua thật của Ysơraên. Chúng con cầu xin Chúa cho chúng con có tấm lòng ăn năn thật sự hầu từ bỏ con đường gian ác mình mà theo Chúa. Chúa ôi, chúng con cám ơn Chúa về Chúa Cứu Thế, là Đấng theo lòng Đức Chúa Trời, Đấng trọn vẹn trong mọi đường, Vị Vua công bình, xứng đáng để chúng con đi theo. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Cứu Thế Giêxu. Amen.

Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)