Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Samuên > Các Con Trai Gian Tà Của Hêli - 5/2004  


CÁC CON TRAI GIAN TÀ CỦA HÊLI
(1Samuên 2:11-26)

Tháng Năm 2004

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Chúa Giêxu Christ. Phần Kinh Thánh hôm nay của chúng ta đưa ra một sự tương phản rõ rệt giữa gia đình Êncana-Anne và gia đình Hêli. Khi nhìn vào sự khác biệt này chúng ta thấy rằng sự tương phản trở nên hết sức rõ rệt vào phần kết thúc. Hôm nay khi xem xét câu chuyện được trình bày cho chúng ta trong 1Samuên đoạn 2 này, chúng ta muốn cùng học những bài học về những hậu quả của một đời sống chống nghịch cùng Đức Chúa Trời và những ơn phước ban cho những ai thuộc về Ngài, nhìn biết Ngài và Đấng Christ.

Phần Kinh Thánh cho chúng ta biết sự bại hoại của hai con trai Hêli. Chúng ta đã được biết về Hópni và Phinêa trong đoạn 1. Tại đó Hópni và Phinêa chỉ được đề cập đến là các thầy tế lễ tại Silô. Tuy nhiên sự tương phản của Hêli và gia đình ông đã bắt đầu ngay từ đây. Sự khác biệt giữa gia đình Hêli và gia đình Êncana-Anne càng mạnh mẽ hơn khi chúng ta đọc qua phần đầu của sách 1Samuên cho đến đoạn 4 khi Samuên thay thế Hêli và các con trai ông đã bị Đức Chúa Trời giết đi. Có một sự phân biệt đều đặn dần dần thể hiện ra giữa hai gia đình này. Trong đoạn này và đoạn 2 từ câu 12 trở đi, rõ ràng rằng tính cách đạo đức của hai gia đình này hoàn toàn khác biệt với nhau.

Chúng ta được thu hút chú ý đến sự gian ác của hai con trai Hêli. Câu 12 cho chúng ta biết rằng "hai con trai của Hêli là người gian tà", rằng họ là những người gian ác. Nếu dịch theo nghĩa đen chỗ này có thể dịch là hai con trai của Hêli là "con của Belial", nghĩa là con của sự gian tà, của ma quỷ, của sự gian ác. Kinh Thánh nói họ "chẳng nhận biết Đức Giêhôva". Điều này hoàn toàn trái ngược với điều chúng ta mong đợi nơi một thầy tế lễ hằng ngày hầu việc trước mặt Đức Chúa Trời trong đền thờ, dâng tế lễ trước mặt Ngài. Chúng ta trông đợi những người hầu việc Đức Chúa Trời phải trung tín yêu mến Ngài và hướng sự phục sự mình về Ngài, khích lệ dân sự Đức Chúa Trời đi theo Ngài. Thế nhưng chúng ta không thể trông đợi những điều này nơi Hópni và Phinêa. Việc Hópni và Phinêa được gọi là "con của sự gian tà" cho thấy sự giả hình của Hêli. Hêli chính là người gọi Anne một cách thẳng thừng là con của sự gian tà, một sự kết án mà Anne khước từ một cách đường hoàng ngay tức khắc. Hành động của Anne cho thấy bà thật sự thuộc về Đức Giêhôva. Bà được Đức Chúa Trời binh vực với kết quả là Đức Chúa Trời ban cho bà một con trai. Bà không phải là con của sự gian tà nhưng hai con của Hêli rõ ràng là con của sự gian tà, con của ma quỷ. Hơn nữa, rõ ràng là các con của Hêli để tâm nhiều hơn đến Belial, hầu việc nó và lắng nghe tiếng nó hơn là nghe lời cảnh báo đối cùng cha mình trong câu 23 và 24. Nói cách khác, họ quan tâm nhiều hơn đến người cha kia của họ.

Sự gian tà của Hópni và Phinêa lộ rõ trong cách ăn ở của họ tại đền thờ. Họ không chỉ bị gọi là con của sự gian tà mà họ còn chứng tỏ mình là con của sự gian tà. Hành động của họ để lộ tấm lòng của họ. Cung cách của họ đặc biệt quá đáng và nó thể hiện ra trong thái độ của họ với những của tế lễ phải được dâng lên cho Đức Chúa Trời. Khi xem phần quy định dâng tế lễ trong sách Lêvi ký, chúng ta có thể thấy phần trình bày rất có hệ thống thể nào thầy tế lễ phải dâng tế lễ cho Đức Chúa Trời. Tại đó có sự hướng dẫn rất cụ thể mà họ phải tuyệt đối tuân thủ bởi mỗi khía cạnh của việc dâng tế lễ này có một ý nghĩa. Những tế lễ đó rất ý nghĩa. Nếu làm khác đi những nguyên tắc đó thì sẽ biểu hiện những mục tiêu và ý nghĩa khác. Vì thế mà những thầy tế lễ phải tuân thủ từng lời từng chữ trong việc dâng tế lễ cho Đức Chúa Trời.

Kinh Thánh cũng có những lời cảnh giới cho những thầy tế lễ phải tuân thủ theo những thủ tục đó một cách cẩn trọng hoặc Đức Chúa Trời sẽ không đẹp lòng và đoán xét họ. Nếu xem lại trong Lêviký đoạn 10 trong câu chuyện về hai con trai Arôn, Nađáp và Abihu. Kinh Thánh kể rằng họ dâng lửa lạ trên bàn thờ. Ngay tức khắc họ bị Đức Chúa Trời đoán phạt phải chết. Dân Ysơraên trong lịch sử của mình đã có những lời cảnh báo rõ ràng cho những thầy tế lễ phải trung tín gìn giữ trình tự của sự dâng tế lễ. Bởi những tế lễ dâng cho Đức Chúa Trời bao hàm nhiều ý nghĩa, phải được gìn giữ thánh sạch và dâng lên cho Ngài theo như chỉ dẫn. Đó là những của tế lễ thánh cho Đức Chúa Trời.

Phần Kinh Thánh của chúng ta hôm nay cho thấy rằng Hópni và Phinêa chẳng để tâm đến ý muốn Đức Chúa Trời. Họ không ao ước làm theo Ngài, không ao ước dâng lên một của tế lễ đẹp lòng Ngài. Ngược lại, chúng ta đọc thấy rằng tấm lòng họ đầy sự tham lam. Họ tham ăn. Điều duy nhất mà họ quan tâm là được đầy bụng với những phần lựa chọn trong những của dâng. Đúng là thầy tế lễ chắc chắn được ban cho những phần nào đó trong những thịt dâng tế lễ tại đền thờ trên bàn thờ cũng như có khi những người dâng tế lễ cũng được dự phần ăn những thức ăn trong của dâng nữa. Tuy nhiên họ phải lấy những phần cụ thể chỉ rõ dành cho họ. Đức Chúa Trời có nói rõ những phần nào họ có thể lấy được. Họ không được lấy chỉa mà chỉa vào trong vạc, nồi hay chảo mà lấy những gì mình thích. Không phải là vì những thịt họ lấy mà là vì những phần nhất định trong đó và cung cách lấy thịt đó làm cho việc làm của họ là một sự ăn cắp của Đức Chúa Trời. Họ được phân phối cho những phần nhất định nào đó trong thịt dâng tế lễ nhưng Hópni và Phinêa không để tâm đến, họ chỉ muốn những phần thịt ngon nhất. Hópni và Phinêa bởi tay đầy tớ mình sẽ lấy một phần thịt dư dật ngay khỏi bàn thờ cho mình. Chúng ta thấy họ coi thường Đức Chúa Trời. Hơn nữa, nếu xem xét những gì họ được phép ăn, chúng ta thấy họ tỏ ra sự cẩu thả hơn nữa. Trong việc lấy và ăn mỡ trong của dâng dù dân Ysơraên có nói với họ hãy đợi cho đến khi mỡ đã được xông lên, đầy tớ của thầy tế lễ cứ khăng khăng lấy thịt nguyên như vậy.

Chúng ta thấy rằng khi đọc phần hướng dẫn về sự dâng tế lễ, chúng ta sẽ thấy rõ rằng thầy tế lễ và dân Ysơraên không được phép ăn phần mỡ của thịt. Mỡ thuộc về Đức Giêhôva. Phần mỡ được xem là phần thịt tốt nhất. Vì nó là phần tốt nhất, nó thuộc về Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng xứng đáng nhận lãnh phần tốt nhất trong thịt dâng tế lễ. Thế thì trách nhiệm của thầy tế lễ là bảo đảm chắc rằng mỡ được xông lên. Lêviký đoạn 3 câu 17 nói rõ, "Ấy đó là luật lệ đời đời cho dòng dõi các ngươi, mặc dầu ở nơi nào, ngươi chẳng nên ăn mỡ hay là huyết." Lêviký đoạn 7 câu 22 còn nói rõ hơn, "Đức Giê-hô-va lại phán cùng Môi-se rằng: Hãy truyền cho dân Y-sơ-ra-ên rằng: Chẳng nên ăn một thứ mỡ nào của bò, chiên hay là dê. Mỡ của con thú nào chết hay là bị xé sẽ được dùng về mọi việc, nhưng các ngươi không nên ăn; vì ai ăn mỡ của những thú người ta dùng lửa dâng cho Đức Giê-hô-va, sẽ bị truất khỏi dân sự mình. Trong nơi nào các ngươi ở chẳng nên ăn huyết, hoặc của loài chim hay là của loài súc vật. Phàm ai ăn một thứ huyết nào sẽ bị truất khỏi dân sự mình." Chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời cấm dân Ysơraên không được ăn cả mỡ và huyết. Nếu họ ăn mỡ trong của lễ dâng lên cho Đức Chúa Trời, họ phải bị truất khỏi dân sự. Họ phải bị đem ra ngoài trại quân không còn xứng đáng thuộc về dân sự Đức Chúa Trời nữa. Họ bị dứt khỏi, bị kết án.

Trong câu 15 của phần Kinh Thánh của chúng ta, chúng ta thấy rằng thầy tế lễ muốn lấy thịt trước khi xông mỡ. Dù bị sửa sai, họ chống cự và khăng khăng hăm dọa giựt lấy. Chúng ta ngạc nhiên khi thấy sự tham ăn của những thầy tế lễ, họ khăng khăng trong sự bất tuân cứng cổ của mình nghịch cùng Đức Chúa Trời, "Không; ngươi phải cho tức thì, bằng không, ta sẽ giựt lấy." Chúng ta có thể tưởng tượng được tội lỗi của những thầy tế lễ này không? Những thầy tế lễ lấy của dân sự những của tế lễ họ mang đến. Những thầy tế lễ lấy của Đức Chúa Trời những của tế lễ thuộc về Ngài. Bởi những việc làm đó, họ bày tỏ thái độ coi thường hết mức đối với Đức Chúa Trời.

Hành động của họ chuốc lấy cho mình sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Tội lỗi của họ thật quá lớn trước mặt Đức Chúa Trời (câu 17). Họ tạo nên không những trong họ mà còn trong những người khác một sự ghê tởm về của tế lễ dâng lên cho Đức Chúa Trời. Tại đây chúng ta được nhắc nhớ lại sách Malachi có nói về những thầy tế lễ thiếu tôn trọng trong sự dâng của lễ cho Đức Chúa Trời, thể nào họ làm ô uế bàn thờ Ngài. Chắc chắn những thầy tế lễ của thời Malachi cũng như sự gian tà của các con trai Hêli sẽ phải bị phán xét.

Sự gian tà của họ không dừng lại. Chúng ta đọc tiếp trong câu 22, "Khi Hêli tuổi đã rất cao, được hay mọi điều hai con trai mình làm cho cả Ysơraên, và thế nào họ nằm cùng các người nữ hầu việc tại cửa hội mạc." Chúng ta thấy họ khinh thường đến mức nào. Họ gây cho những người đến thờ phượng Đức Chúa Trời phạm tội, dắt họ đến sự bại hoại. Theo lời Đức Chúa Trời, lẽ ra họ đã phải bị ném đá. Họ phải bị truất khỏi dân sự. Thế nhưng Hêli nhắm mắt làm ngơ. Ông không định tội con mình. Vâng, ông cũng có quở trách họ. Ông nhìn nhận hành động bại hoại của con mình. Thế nhưng ông không làm gì để kết thúc tình trạng thiếu tin kính của họ. Vì thế chính ông cũng đáng tội. Với tư cách thầy tế lễ, công việc của ông là giữ đền thờ được tinh sạch và thánh khiết và không cho kẻ gian tà vào nơi đó. Là thầy tế lễ, lẽ ra ông đã nên đuổi các con trai mình ra khỏi đền thờ và dẫn đầu dân sự ném đá họ vì hành động quá ghê tởm của họ. Vì ông đã không làm như vậy nên Đức Chúa Trời sẽ thi hành sự đoán phạt trên cả gia đình. Sai lầm của họ dẫn đến sự rủa sả cho mình. Họ sẽ bị đoán phạt phải chết.

Câu chuyện của Hêli và sự bại hoại của ông phải chăng là một lời cảnh cáo cho mọi người? Ấy là một lời cảnh cáo cho dân Ysơraên là những người sống trong sự gian tà vào thời Các Quan Xét, những người làm theo ý mình lấy làm phải giống như hai con Hêli. Ấy là lời cảnh cáo rằng nếu cứ miệt mài trong sự bạn nghịch và cách sống gian tà, tiếp tục khước từ giao ước, họ cũng sẽ đối diện với sự phán xét của Đức Chúa Trời. Ấy là một sự khích lệ cho những ai trung tín hầu cứ trung tín theo Ngài bởi biết rằng sự không nhìn biết Đức Chúa Trời, không bước đi cách công bình sẽ dẫn đến hậu quả là sự đoán phạt của Ngài.

Hôm nay khi đọc phần Kinh Thánh này, chính chúng ta cũng phải suy gẫm lấy lời cảnh giới này cho mình bởi điều này cũng xảy đến cho chúng ta nếu chúng ta không biết Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta không nhìn biết Chúa Giêxu Christ là Chúa và Cứu Chúa của cá nhân chúng ta, nếu sự công bình của chúng ta không tìm thấy trong Ngài thì chúng ta sẽ phải chịu sự đoán phạt Ngài và sự rủa sả của sự chết cũng sẽ giáng trên chúng ta. Những ai công khai khước từ ý muốn Đức Chúa Trời, làm ô danh Ngài, không tôn trọng của tế lễ dâng lên cho Ngài, những người lấy bụng mình làm chúa mình như Tân Ước có nói, họ sẽ phải chịu sự thạnh nộ và định tội của Ngài. Những ai không dâng đời sống mình làm của lễ sống cho Ngài chắc phải chịu định tội.

Chúng ta phải tra xét chính lòng mình cách cẩn trọng để xem của lễ mà chúng ta đang dâng cho Đức Chúa Trời, của lễ sống của chúng ta, có được dâng lên một cách tôn vinh hiển Đức Chúa Trời không trong mọi cách cư xử, lời nói, việc làm trong đời sống chúng ta? Sự công bình của chúng ta chắc chắn không đến từ chúng ta mà từ Chúa Giêxu Christ. Nhưng là những người đáp ứng lại ân điển của Đức Chúa Trời, chúng ta cũng được kêu gọi dâng chính mình làm của lễ sống, thánh khiết và công bình, quy vinh hiển cho Đức Chúa Trời.

Trái ngược hẳn với những điều trên là Samuên. Chúng ta đọc thấy nhiều lần, "Đứa trẻ... phục sự Đức Giêhôva trước mặt Hêli, thầy tế lễ" (câu 11), "Còn Samuên phục sự trước mặt Đức Giêhôva. Người hãy còn thơ ấu..." (câu 18), "Còn gã trai trẻ Samuên cứ lớn lên, Đức Giêhôva và người ta đều lấy làm đẹp lòng người" (câu 26). Chúng ta thấy rằng Samuên đúng là trái ngược hẳn với Hêli và hai con trai gian tà của ông. Ông phục sự Đức Giêhôva ngay từ khi hãy còn thơ ấu khi ông thờ phượng Đức Chúa Trời tại đền thờ. Ông mặc một cái êphót bằng vải gai, cái êphót mà mẹ may cho mỗi năm, cái êphót có liên hệ đến sự phục sự mang tính chất thầy tế lễ của ông.

Có một sự gợi ý rõ ràng tại đây rằng Hêli và hai con trai ông sẽ phải đối diện với sự định tội của Đức Chúa Trời và cách sống gian tà của họ sẽ dẫn đến hậu quả là sự chết. Họ sẽ bị truất khỏi. Đức Chúa Trời sẽ dấy lên cho Ngài một thầy tế lễ mới công bình. Cái êphót bằng vải gai của Samuên có liên hệ đến những công việc tế lễ của ông và cái áo đó được Anne may cho trong sự liệu trước về điều đó. Hết năm này sang năm khác bà cho Samuên một cái áo. Bởi đó Anne giữ lời thề nguyện mình trước mặt Đức Chúa Trời. Bà dâng con mình cho Đức Chúa Trời và tiếp tục dâng nó để phục sự Ngài. Chúng ta cũng nhìn thấy sự trung tín của chồng bà là Êncana khi mỗi năm ông lên đền thờ thờ phượng Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy sự trung tín của Êncana và Anne trái ngược với Hêli và hai con trai ông. Có ý kiến cho rằng chiếc áo Anne cho Samuên về hình bóng có liên hệ đến sự che chở mà Samuên cần để bảo vệ ông khỏi sự gian ác của nhà Hêli.

Chúng ta thấy rằng Anne cũng được Hêli chúc phước và lời chúc phước đó được ban cho. Một điều thú vị là chúng ta thấy thầy tế lễ Hêli chúc phước cho Anne và Anne được phước mà sinh ra thêm nhiều con cái nữa. Câu 21 cho chúng ta biết bà thọ thai và sanh ba con trai và hai con gái nữa. Bà có thêm năm con nữa ngoài Samuên. Quả thật Đức Chúa Trời đã ban cho bà sự sống mới. Bà được ban cho sự sống, được ban cho dư dật nhiều hơn điều bà trông đợi hay cầu xin. Điều này cũng hoàn toàn trái ngược với điều sắp xảy đến cho Hêli. Hêli không được ban phước. Trong bối cảnh của đoạn Kinh Thánh chúng ta hôm nay, Hêli đang bị rủa sả. Chúng ta biết rằng gia đình ông chẳng bao lâu nữa sẽ phải đối diện với sự chết chớ không phải sự sống. Trong khi Anne và gia đình bà được ban cho sự sống, Hêli và các con trai ông sắp đối diện với sự rủa sả là sự chết.

Đây cũng là sự dạy dỗ rõ ràng cho những ai ở trong Đấng Christ. Những ai biết Chúa, yêu mến Ngài, hầu việc Ngài, những ai có tấm lòng được Đức Chúa Trời thay đổi và được Đấng Christ ban cho sự công bình Ngài cũng sẽ được Ngài ban phước. Họ sẽ được ban cho sự sống mới trong Ngài.

Thế thì khi nhìn vào đoạn Kinh Thánh này, chúng ta nhìn thấy một sự trái ngược giữa Samuên với Hêli và hai con trai ông. Nó hướng chúng ta đến xa hơn câu chuyện của Hêli và Samuên. Nó chỉ chúng ta về cuộc đời của Đấng Christ. Chúng ta hãy cùng suy nghĩ trong chốc lát về những thầy tế lễ sống trong thời Chúa Giêxu. Chúa Giêxu đã nói gì về những thầy tế lễ như thế đang hầu việc trong đền thờ Đức Giêhôva? Chúa Giêxu đối diện với họ và bảo rằng cha họ không phải là Đức Chúa Trời mà là ma quỷ. Những thầy tế lễ hầu việc trong đền thờ thời Chúa Giêxu bị Ngài kết tội tham lam vì Ngài vào đền thờ hai lần lúc bắt đầu và kết thúc chức vụ của Ngài để dọn sạch đền thờ khỏi những kẻ đổi bạc. Sự tham lam của những thầy tế lễ ăn cắp đồng tiền của người đàn bà góa. Họ cũng bị lên án về tội không dẫn dắt dân sự Đức Chúa Trời. Họ bị Đức Chúa Trời quở trách cách rõ ràng có cơ sở bởi miệng của tôi tớ Ngài là Giăng Báptít và bởi chính Đấng Christ về sự gian ác quá độ của họ. Cuối cùng vai trò của họ cũng chấm dứt. Đền thờ bị phá hủy.

Kinh Thánh cho chúng ta thấy Hêli và hai con phải chịu sự định tội và thạnh nộ của Đức Chúa Trời, bị thế chỗ, và cũng cho thấy Samuên là người công bình. Ông là thầy tế lễ thật sự công bình mà Đức Chúa Trời sẽ dùng để thay thế cho những thầy tế lễ gian tà đang hầu việc trước mặt Ngài. Samuên sẽ là người trung tín đại diện cho dân sự Đức Chúa Trời trước mặt Ngài. Ông sẽ là thầy tế lễ công bình.

Khi đọc trong Tân Ước, chúng ta thấy hết sức rõ ràng rằng Chúa Giêxu là thầy tế lễ thượng phẩm vĩ đại đó. Ngài là Đấng cao trọng hơn cả Samuên. Ngài là Đấng sẽ đứng trước mặt Đức Chúa Trời làm thầy tế lễ thượng phẩm thật và trung tín nhất. Có lý do khiến chúng ta đi đến kết luận đó. Khi chúng ta đọc trong câu 26, "Còn gã trai trẻ Samuên cứ lớn lên, Đức Giêhôva và người ta đều lấy làm đẹp lòng người" ; Luca đoạn 2 câu 52, "Đức Chúa Jêsus khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta". Đây có phải là chuyện tình cờ viết ra không? Khó có thể như vậy được! Điều Đức Chúa Trời muốn nói là Chúa Giêxu là thầy tế lễ chân thật và trung tín. Samuên chỉ về Ngài. Chúa Giêxu là Đấng sẽ thật sự đại diện cho dân sự Đức Chúa Trời trước mặt Đức Chúa Trời. Ngay từ khi còn nhỏ Chúa Giêxu đã phục sự trong đền thờ, dạy dỗ các thầy thông giáo v.v... Khi chúng ta đọc tiếp trong 1Samuên đoạn 3, chúng ta sẽ thấy Samuên cũng mang một vai trò như thế khi ông nghe Đức Chúa Trời phán và hướng dẫn cho Hêli biết lời Ngài. Chúng ta thấy có sự tương đồng giữa Samuên và Đấng Christ. Samuên là một thầy tế lễ trung tín sẽ dẫn dắt dân sự Ngài. Nhưng Chúa Giêxu là Thầy Tế Lễ cuối cùng, là Đấng duy nhất. Samuên sẽ đến rồi đi nhưng Đấng Christ là thầy tế lễ trung tín của chúng ta đời đời. Ngài sẽ phục sự Đức Chúa Trời với sự trung tín. Những ai đến với Ngài, đến với Thầy Tế Lễ thượng phẩm tối cao, Đấng hầu việc Đức Chúa Trời cách trọn vẹn thánh khiết, sẽ đến như những người dâng lên cho Đức Chúa Trời những của tế lễ thật.

Là dân sự Đức Chúa Trời, chúng ta được kêu gọi đi theo Ngài và tìm thấy sự công bình mình trong Ngài. Như dân Ysơraên được kêu gọi xây mắt khỏi sự lãnh đạo thiếu trung tín của Hêli và hai con trai để thấy rằng những thầy tế lễ đó bị định tội và nhìn về Samuên, chúng ta cũng được kêu gọi xây mắt khỏi những thú vui gian ác tội lỗi của thế gian này và hướng về Thầy Tế Lễ Tối Cao của chúng ta, là Chúa Giêxu Christ, để mang của tế lễ chúng ta đến trước Ngài, để sống cách thánh sạch công bình trước mặt Ngài. Amen.

Lạy Cha thiên thượng toàn năng của chúng con. Hôm nay chúng con được học phần Kinh Thánh này và suy gẫm về lời cảnh báo tại đây rằng những ai sống trong sự gian ác và bạn nghịch, những ai ít để tâm đến việc đi theo đường lối Ngài, đến việc dâng cho Ngài của tế lễ chân thật sẽ bị định tội. Lạy Chúa chúng con cầu xin Chúa cho không ai trong chúng con rơi vào tình trạng đó. Xin cho chúng con biết hết lòng trân trọng sự kêu gọi chúng con, thờ phượng phục sự Ngài ngày đêm và làm đẹp lòng Ngài hầu chúng con sẽ là một dân tộc thánh cung hiến cho Ngài, đi theo Ngài.

Chúng con cũng cầu xin cho những người chưa biết Ngài, những người còn chăm mắt về những thầy tế lễ gian tà, rằng Ngài sẽ cho lòng họ nhận ra tội lỗi mình và được ăn năn thật hầu họ sẽ xoay hướng về Thầy Tế Lễ thật là Chúa Giêxu, hầu được Ngài làm đại diện cho họ, hầu tội lỗi họ được tha và rửa sạch, hầu họ sẽ yêu mến Ngài như là Chúa và Cứu Chúa của mình. Xin cho húng con được kể là công bình trong Ngài. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu. Amen.

Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)