ĐAVÍT: BẠN HAY THÙ?
(1 Samuên 29)
Tháng Bảy 2006
Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Hôm nay tôi phải ôn trở lại chút ít những bài đầu trong loạt bài học của chúng ta. Trong những bài học đó chúng ta có nói rằng mục tiêu chính của sách này là ban cho Ysơraên một vị vua. Sách Các Quan Xét kết thúc như là điềm báo trước cho sách này và nó kết thúc với lời than rằng "Đương lúc đó, không có vua trong Ysơraên; ai nấy làm theo ý mình lấy làm phải." Khi học tiếp sách 1Samuên, chúng ta đã thấy vấn đề chính trong sách này là dân Ysơraên sẽ lựa chọn một vua, một vị lãnh tụ, như thế nào. Họ có ao ước một vua dựa theo tiêu chuẩn của riêng họ không? Họ có muốn một vua giống như những dân tộc khác xung quanh họ không? Hay họ sẽ phục sự và đi theo vị vua mà Đức Chúa Trời sẽ ban cho họ? Liệu họ có đi theo vị vua theo lòng Đức Chúa Trời không? Sự lựa chọn của họ được diễn ra trong cuộc tranh chiến giữa Đavít và Saulơ.
Saulơ là vị vua được dân sự lựa chọn, được lựa chọn bởi sự đòi hỏi khăng khăng của họ. Bên ngoài rõ ràng Saulơ thích hợp với hình ảnh một vua theo ý nghĩ của dân Ysơraên. Ông có hình vóc cao lớn, sức mạnh và dáng dấp bên ngoài của một vị vua. Ông thích hợp với tiêu chuẩn một vua của các dân tộc chung quanh. Tuy nhiên bên trong chúng ta thấy ông là người tiếp theo vấn nạn ngay từ đầu của dân Ysơraên: Saulơ làm theo ý mình lấy làm phải. Ông không giải quyết được vấn nạn của dân Ysơraên. Vương quốc Ysơraên không được phước dưới sự lãnh đạo của ông.
Ngược lại, Đavít là người theo lòng Đức Chúa Trời. Ông là người được Đức Chúa Trời lựa chọn, không phải trên nền tảng của hình thức bên ngoài mà người ta thường trông đợi ở một vị vua. Ông được lựa chọn khi hãy còn non trẻ. Chính tấm lòng của ông mà không phải là dáng vẻ bên ngoài của ông đưa ông lên ngôi vị vua. Đavít không bị chi phối bởi những lợi ích ích kỷ, bởi tiêu chuẩn của riêng mình mà được dẫn dắt bởi ý chỉ Đức Chúa Trời và vâng theo ý chỉ đó. Ông sống theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Sứ điệp hiển hiện của sách này là khuyên chúng ta hãy đi theo Đavít. Đavít là vị vua thật của Đức Chúa Trời. Ông hầu việc Đức Chúa Trời. Ông được Đức Chúa Trời ban phước. Ông chiến thắng ngoài trận mạc. Ông không làm điều sai quấy. Ông là một người lãnh đạo trung tín, yêu thương dân sự của Đức Chúa Trời. Ông là người đáng cho chúng ta đi theo. Hãy đi theo ông!
Những sự kiện của sách 1Samuên không chỉ bày tỏ về Đavít mà trên hết còn bày tỏ cho chúng ta tính cách thật của Đấng Christ, Vị Vua thật của Ysơraên, Vị Vua tối hậu trong ngày cuối cùng. Chúng ta thấy Đavít miêu tả trước Con Trai mình, Con Vua Đavít, là Chúa Giêxu Christ. Vì vậy 1Samuên trở nên một lời biện giải cho vương quyền của Đavít. Nó khích lệ dân Ysơraên đi theo ông, đi theo vị vua vô tội, công bình, trung tín mà Đức Chúa Trời đã lựa chọn, người theo lòng Ngài. Đồng thời họ cũng được kêu gọi khước từ một vua giống các dân tộc khác, chỉ làm theo điều mình thấy là phải. Chúng ta biết Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho vị vua công bình và Ngài sẽ phán xét vua không công bình. Sách 1Samuên cũng là một lời biện giải thúc giục chúng ta đi theo Đấng Christ, Con Vua Đavít. Cây phủ việt sẽ không rời khỏi tay Ngài. Ngài và những ai ở trong Ngài sẽ được Đức Chúa Trời ban phước. Ngài là vị lãnh đạo vô tội, trung tín luôn hành động cho dân mình. Đấng Christ, khác với Đavít, là người trọn vẹn theo lòng Đức Chúa Trời. Khi học 1Samuên, chúng ta được thúc giục bước theo Đấng Christ, Con vua Đavít. Vì thế, khi học tiếp sách này, chúng ta rất cần hiểu sứ điệp của sách này trong ánh sáng đó.
Thế thì khi đến đoạn 29, một lần nữa chúng ta phải đặt câu hỏi liệu Đavít có đang sống đúng với vai trò là vua thật của Ysơraên không. Mọi việc dường như trái ngược: Chúng ta trông thấy kia là Đavít đứng với Akích. Akích là kẻ thù của dân sự Đức Chúa Trời. Ông là vua Gát thuộc Philitin. Ông đang tiến quân ra trận nghịch cùng dân Ysơraên. Chúng ta đã biết trong đoạn 28 rằng Đavít đã liên minh với Akích. Cũng trong đoạn này, chúng ta biết được về sự chết của Saulơ: ngày chung kết của Saulơ đang đến gần. Chúng ta biết rằng cuộc chiến trong đoạn kế sẽ đánh dấu điểm chung cuộc của Saulơ: sự qua đời của Saulơ và các con trai ông. Vì thế đến đoạn 29 chúng ta tự hỏi rằng Đavít đang đứng với đạo quân Philitin, liệu ông sẽ là người giáng cú chót lên Saulơ không? Liệu Đavít, vua Ysơraên, sẽ chiến đấu nghịch cùng dân sự của chính mình không? Nếu làm thế, ông chẳng trở nên hình ảnh phản diện của một vị cứu tinh cho dân sự mà không phải là vị cứu tinh sao? Thay vì là vị cứu tinh của Ysơraên, ông sẽ là người chinh phạt Ysơraên. Vâng, khi đến đoạn 29, chúng ta phải hoang mang khó hiểu bởi điều mình đọc thấy. Chúng ta thấy khó chấp nhận hình ảnh Đavít đứng chung với kẻ thù của Ysơraên dàn trận nghịch cùng chính dân sự mình. Liệu Đavít có thật sự liên kết với kẻ thù của dân sự Đức Chúa Trời không?
Trước tiên, chúng ta để ý rằng quân Phillitin đang nhóm hiệp tại Aphéc. Nếu xem trong sách 1Samuên, chúng ta sẽ thấy Aphéc là một địa danh quan trọng. 1Samuên 4:1 chép: "Ysơraên ra trận đón người Philitin, và đóng trại gần Êbênêxe, còn người Philitin đóng trại tại Aphéc." Thế thì trận chiến này diễn ra tại cùng một địa danh với một trận chiến khác. Tất nhiên, trận này dẫn đến một thất bại nhục nhã cho dân Ysơraên. Chúng ta còn nhớ câu chuyện khi hòm giao ước được mang ra trận với dân Ysơraên, dân Ysơraên reo tiếng vui mừng lớn bởi họ tưởng rằng mình có Đấng giải cứu vĩ đại ở giữa mình. Rốt lại cuối cùng dân Ysơraên mất hòm giao ước. Hòm giao ước đi vào xứ Philitin. Dân Ysơraên bị đánh bại ê chề. Lần này câu chuyện cũng ít nhiều tương tự. Lần này không phải hòm giao ước đang ở giữa người Philitin mà là người được Đức Chúa Trời xức dầu, người theo lòng Đức Chúa Trời, vua thật của Ysơraên, đang ở đó. Liệu Đavít sẽ hỗ trợ hay cản trở người Philitin? Tôi tin rằng khi xem hai câu chuyện này, đặt chúng cạnh nhau, chúng ta thấy trong sự so sánh đã gợi ý rằng Đavít cuối cùng sẽ chiến đấu nghịch cùng quân đội Philitin hầu tiêu trừ họ. Sự có mặt của ông giữa vòng họ không có nghĩa rằng ông sẽ chiến đấu cho họ.
Chúng ta thấy ban đầu người Philitin vui mừng, đặc biệt là Akích. Akích vui mừng, hứng khởi. Ông có được điều gì? Ông có được Đavít, người đã từng chiến đấu cho dân Ysơraên, ở với ông. Đavít, người đã giết hàng vạn, giờ đây không còn ở với dân Ysơraên nữa mà ở với dân Philitin. Chắc chắn rằng có Đavít đứng về phe mình, họ sẽ đánh Saulơ thua nặng. Ban đầu Akích vui mừng lắm. Chúng ta nhớ trong đoạn 4 và 5 khi dân Philitin mới đoạt được hòm giao ước, điều gì đã xảy ra? Hòm giao ước ở giữa họ. Họ mang hòm giao ước vào đặt trước tượng thần mình là Đagôn và điều gì đã xảy ra cho Đagôn đêm đó? Nó ngã xuống và đầu gãy lìa ra. Chúng ta nhớ trong đoạn này và ngay cả trong đoạn 28 hay đề cập đến đầu người Philitin. 1Samuên 28:2 chép: "Thế thì, ta sẽ lập ngươi làm thị vệ ta luôn luôn." Chữ dùng ở đây chính xác là "ta sẽ lập nguơi làm người canh giữ đầu ta." Một lần nữa, trong 1Samuên 29:4, người Philitin rất quan tâm đến đầu "... vì hắn làm thế nào cho được hòa cùng chủ mình, há chẳng phải nhờ những thủ cấp của chúng ta sao?" Những quan trưởng đạo quân Philitin đã khôn ngoan mà lo ngại rằng Đavít cuối cùng sẽ lấy đầu họ trong trận chiến nghịch cùng người Philitin. Tôi tin rằng họ suy nghĩ như vậy là đúng. Đavít, giống như hòm giao ước của Đức Chúa Trời, cuối cùng sẽ đánh bại người Philitin. Các tướng đạo binh Philitin nhận ra sự thất bại cuối cùng của họ. Mối liên hệ giữa hai đoạn 4 và 29 này cũng báo hiệu trước sự thất trận của dân Ysơraên ngày hôm sau như họ đã từng thất bại trong trận chiến ghi lại trong đoạn 4. Chúng ta cũng biết rằng cuối cùng Đức Giêhôva sẽ đắc thắng. Đức Giêhôva và dân sự Ngài sẽ đắc thắng qua Đavít. Đavít sẽ trở về cùng dân sự mình và họ sẽ đánh bại dân Philitin. Các quan trưởng Philitin có lý khi lo ngại về sự hiện diện của Đavít giữa vòng họ.
Câu 2 cho thấy các quan trưởng dân Philitin và đạo quân kéo ra và duyệt binh từng trăm từng ngàn nhưng Đavít và những người theo ông đi ra tận phía sau. Câu này một lần nữa cho thấy rằng cuối cùng Đavít sẽ đánh bại họ. Khi nhìn con số "từng trăm từng ngàn" và so sánh với điều họ nói về Đavít trong câu 5: "Saulơ giết hàng ngàn, còn Đavít giết hàng vạn", chúng ta biết người Philitin không tương sức với Đavít. Họ đang kéo ra từng trăm từng ngàn trong khi Đavít đã từng giết hàng vạn. Tại đó chúng ta đã cảm thấy được sự đắc thắng của Đavít trên kẻ thù của dân sự Đức Chúa Trời. Người Philitin không tương sức với Đavít bởi Đức Chúa Trời ở cùng ông. Các quan trưởng Philitin không muốn Đavít đi với họ. Rõ ràng là họ rất nghi ngờ về ý định thật của Đavít. Những người Hêbơrơ trước đây đã từng trở gươm nghịch lại họ trong một trận chiến khác (1Samuên 14) sau khi Giônathan và người vác binh khí mình chiến đấu với quân Philitin, quân Philitin chạy trốn và những người Hêbơrơ trước đây phục dân Philitin lúc ấy lại phản lại họ. Vì thế họ đã quen với tình huống đó hay ít ra họ cũng đã biết một sự kiện mới đây rằng những người Hêbơrơ đã theo họ lại quay lại chống lại họ và trở nên kẻ thù của họ. Họ chắc hẳn đã lo ngại một cách đúng đắn rằng Đavít dù có vẻ muốn chiến đấu trong hàng ngũ của họ vẫn có thể hành động như những người Hêbơrơ kia.
Akích đáp lời bằng cách đứng ra bảo đảm về Đavít: "Không, thưa các quan trưởng, Đavít không phải là người như chúng ta tưởng. Trước đây Đavít đã theo vua Saulơ nhưng bây giờ Đavít không còn theo Saulơ nữa. Đavít đã đến cư ngụ giữa chúng ta. Đavít đã là bạn của chúng ta. Đavít đã chiến đấu cho tôi. Tôi có thể đảm bảo cho tính cách của Đavít. Các ngươi sẽ không bị mất đầu đâu. Hãy yên tâm rằng Đavít sẽ chiến cự cho chúng ta vì Đavít đã chiến đấu cho tôi." Tuy nhiên, trong thâm tâm của chúng ta, đã đọc thấy những gì xảy ra, chúng ta biết rằng Đavít đã không nói thẳng hết với Akích. Đavít đã không phục sự Akích. Ông vẫn luôn phục sự cho sự nghiệp của dân Giuđa. Đoạn 27 cho chúng ta biết Đavít chiến trận cùng dân Giêsurít, dân Ghiệtxít, dân Amaléc và các dân khác. Đavít đang làm trọn trách nhiệm làm vua của mình. Ông không phục vụ nhu cầu gì của Akích cả. Ông chỉ đang làm những gì tốt đẹp nhất cho dân Giuđa dù ngay khi ấy Akích vẫn tin Đavít đang hành động cho ông. Dù cho đến thời điểm đó Đavít chưa làm hại gì cho Akích, ông vẫn đang phục sự cho dân Giuđa.
Khi xem xét Akích trong đoạn Kinh Thánh này và những tình huống khác nữa, chúng ta thấy Akích được mô tả như một người khá dại dột. Ông thật dại dột khi Đavít giả điên trước mặt ông, những tướng lĩnh của ông cũng có mặt tại đó và cảnh cáo ông rằng đây chính là người đã giết hàng vạn mà thể nào Akích lại để cho Đavít đi. Dầu vậy Akích đã ngây thơ mà để cho vị vua của Ysơraên đi nghĩ rằng Đavít không hại gì cho mình. Đavít giả đò điên cuồng nhưng thật ra ông mới là người hành động khôn ngoan trong câu chuyện đó. Akích nghĩ rằng Đavít là tôi tớ mình. Ông tưởng rằng Đavít chịu phục vụ ông và ông có thể sai khiến Đavít theo ý mình. Nhưng ông không biết rằng Đavít chỉ hành động cho Đức Chúa Trời và cho dân sự Ngài.
Những người Philitin khác không tin tưởng lắm. Họ không chịu để Đavít chiến đấu trong hàng ngũ của họ. Họ sợ rằng giữa chừng trận chiến Đavít sẽ trở mặt nghịch cùng họ, tấn công họ. Họ cho rằng Đavít chỉ có thể tìm lại được sự sủng ái của Saulơ nếu giao nộp thủ cấp của vài người Philitin. Giống như trước đây, Đavít đã từng giao nộp dương bì của người Philitin, họ cho rằng giờ đây Đavít cũng sẽ nộp thủ cấp người Philitin cho Saulơ để giải tỏa mối quan ngại của Saulơ đối cùng Đavít. Tại đây một lần nữa cho chúng ta hình ảnh rằng họ lo phải rơi đầu như thần Đagôn của họ. Họ dẫn chứng tiếng đồn về Đavít để yêu cầu không cho Đavít ra trận, tiếng đồn đã được đề cập đến trong đoạn 21. Liên hệ hai đoạn với nhau một lần nữa chúng ta thấy sự dại dột ngây thơ của Akích đối cùng Đavít được nêu bật. Bài ca đó tập trung vào sự thật là Đavít đã từng chiến thắng hàng vạn. Bài ca này bày tỏ tấm lòng của những người nữ trước thành tựu của Đavít. Bài ca này thể hiện sự thật về Đavít. Ông là lãnh tụ thật của Ysơraên, là người vĩ đại hơn Saulơ nhiều, là người đã giết hàng vạn. Người Philitin hiểu Đavít luôn là mối đe dọa thật sự cho họ. Vì thế họ bảo với Akích rằng những người của Đavít sẽ không thể ra trận cùng họ.
Akích liền báo cho Đavít rằng các quan trưởng Philitin không đồng ý cho Đavít ra trận. Đến lượt Đavít phản đối. Akích nói rằng điều này không phải bởi ý của Akích, rằng qua những năm tháng Đavít ở với ông, Đavít đã không làm chi hại đến ông. Ông còn nói "ngươi vốn đẹp lòng ta như một thiên sứ của Đức Chúa Trời." Đavít đã không làm gì sai quấy nhưng Akích bất lực không thể thay đổi suy nghĩ của các quan trưởng Philitin. Akích tin tưởng Đavít. Đavít phản đối. Tôi tin rằng tại đây Đavít giả đò thất vọng. Không nhất thiết là Đavít muốn chiến đấu nghịch cùng dân sự mình. Không, ông không muốn điều đó. Ấy chính là bởi sự tể trị của Đức Chúa Trời mà ông được gìn giữ khỏi phải làm điều đó. Tuy nhiên, ông cũng biện minh rằng mình thật đứng về phía Akích khiến Akích tin rằng ông đang đứng về phe Philitin. Tại đây có ý kiến cho rằng Đavít giả đò thất vọng, có ý kiến khác lại hiểu theo cách khác. Họ cho rằng khi Đavít nói "Tôi có làm điều gì, và từ khi tôi ở gần vua đến ngày nay, vua có tìm thấy điều chi nên quở trách nơi tôi tớ vua, mà tôi không được đi đánh quân thù nghịch của chúa tôi, là vua?", khi nói đến "chúa tôi, là vua", Đavít không có ý nói về Akích mà có ý nói về Saulơ. Đavít thật sự liên minh với vua mình, vua Saulơ. Cho dù thế nào đi nữa, rõ ràng rằng Đavít sẽ không được phép ra trận.
Tôi tin rằng đây chính là sự tể trị của Đức Chúa Trời bởi thực tế mà nói, Đavít không thể chiến đấu cho bất cứ phía nào trong trận chiến này. Nếu ông chiến đấu cho bên Philitin, ông phải chịu đánh mất sự vô tội mình. Trong những đoạn trước Đavít luôn bảo vệ tính mạng của Saulơ, bảo rằng Saulơ là người được Đức Chúa Trời xức dầu và ông không muốn tay mình vấy máu của Saulơ. Giờ đây, nếu ra trận với người Philitin và nếu Saulơ qua đời trong trận chiến đó, Đavít không những phải chiến đấu nghịch cùng dân sự của Đức Chúa Trời mà ông còn phạm tội làm đổ huyết người chịu Đức Chúa Trời xức dầu. Đavít không thể lưu lại trong hàng ngũ Philitin mà còn vô tội và làm một vua công bình tin kính cho dân Ysơraên được. Tuy nhiên, tôi tin rằng Đavít cũng không thể chiến đấu cho quân Ysơraên được. Bởi nếu chiến đấu về phe Ysơraên, ông sẽ phải chịu thua trận này, mà như thế ông không thể được nhìn thấy như là vị cứu tinh của Đức Chúa Trời cho dân Ysơraên trong bối cảnh này được. Ông sẽ bị giảm giá trị và không thể là một vua xứng đáng đăng quan trên ngôi nước Ysơraên. Thế nên Đức Chúa Trời đã định rằng Đavít không chiến đấu trong trận này. Thay vào đó, trong đoạn 30, ông được kêu gọi chiến đấu với người Amaléc. Trong trận chiến với người Amaléc, Đavít hoàn tất trách nhiệm mà Saulơ đã không làm thành trong đoạn 15. Cùng lúc Saulơ bị đánh bại, Đavít công khai thể hiện rằng ông là vua thật của Đức Chúa Trời. Đavít được tránh khỏi trận chiến này. Ông không phải là bạn của kẻ thù của Đức Chúa Trời. Ông không phải là bạn của kẻ thù của Ysơraên. Ông không phải là kẻ phản bội dân sự của Đức Chúa Trời. Ông vẫn là vị cứu tinh chính đáng của Ysơraên.
Chúng ta rất cần thấy rằng Đavít phải được nhìn thấy là một người vô tội, một người trung tín với dân sự của Đức Chúa Trời giống như Đấng Christ. Nếu xem trong Tân Ước, chúng ta thấy Akích tương tự như nhân vật Philát: Ông là một người cai trị ngoài đời mà lại công bố sự vô tội của vua Ysơraên. Tuy nhiên, lời công bố này của họ cuối cùng hóa ra dại dột bởi chính vị vua đang đứng trước mặt họ đây sau này sẽ phán xét họ. Đấng Christ cuối cùng sẽ là Đấng đoán xét cả thế gian này. Đấng Christ vô tội. Ngài không bao giờ hành động nghịch cùng dân sự mình. Ngài không phản bội. Ngài luôn chiến đấu cho dân sự mình. Ngài trung tín cho đến cuối cùng, Ngài chết trên thập tự giá để cứu chuộc chúng ta. Đavít mô tả trước sự trung tín của Đấng Christ. Giống như người ta được kêu gọi đi theo Đavít, chúng ta được kêu gọi đi theo Đấng Christ trung tín và vô tội. Amen.
Lạy Cha thiên thượng quyền năng của chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài vì sự mặc khải của Lời Ngài. Ngài đã mặc khải cho chúng con qua dòng dõi của Saulơ và Đavít Vị Vua mà chúng con phải đi theo. Chúng con phải bước theo Vị Vua chiến cự cho Ysơraên, Vua giải cứu chúng con khỏi sự hủy diệt và sự rủa sả. Xin cho chúng con đi theo Con Vua Đavít. Vương quốc của Đấng ấy sẽ còn đến đời đời. Xin ban phước cho chúng con để chúng con hầu việc Đấng ấy cách trung tín. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu Christ. Amen.
Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)