Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Samuên > Dựng Lên Ê-bên-ê-xe - 10/2004  


DỰNG LÊN Ê-BÊN-Ê-XE
(1Samuên 7:1-17)

Tháng Mười 2004

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Chúa Giêxu Christ. Có một bài thánh ca quen thuộc mà chúng ta hay hát có cái tên Êbênêxe. Đó là bài Thánh Ca số 28 với tựa đề "Phước nguyên từ trời xin chảy vào lòng", lời câu 2 nói rằng "Đến đây là nhờ Chân Chúa phò trì. Nguyền xây cất Êbênêxe". Nếu chúng ta không biết 1Samuên đoạn 7 thì có lẽ trước đây chúng ta đã từng hát câu 2 của bài hát này mà ít nhiều không hiểu biết ý nghĩa thật của nó. "Xây cất Êbênêxe" có nghĩa là gì? Đoạn Kinh Thánh hôm nay cho chúng ta biết cái tên này được đặt cho một hòn đá được Samuên dựng lên trong xứ Ysơraên. Hòn đá này có ý nghĩa gì đối với chúng ta trong thế kỷ hai mươi này đến nỗi ngày nay chúng ta vẫn còn hát về nó? Đã từ lâu nếu chúng ta trở lại xứ Ysơraên tìm hòn đá đó, chắc nó đã bị quên lãng và hầu như không thể tìm thấy được nữa trên xứ sở đồi núi này. Tuy nhiên, Êbênêxe có nghĩa là "Hòn đá tiếp trợ". Ý nghĩa của nó liên hệ đến việc Đức Chúa Trời tiếp trợ chúng ta, Ngài tiếp trợ chúng ta trong lúc cần kíp như dân Ysơraên lúc này vậy. Tôi hy vọng rằng sau bài giảng này chúng ta có thể hiểu được tầm quan trọng của Êbênêxe của chúng ta và sự tiếp trợ của nó cho chúng ta hầu chúng ta sẽ hát bài thánh ca này vào cuối buổi nhóm với sự thông hiểu.

Trước khi bước vào đoạn 7, tôi muốn ôn lại bài học lần trước bởi ngữ cảnh đóng vai trò hết sức quan trọng để hiểu đúng Kinh Thánh. Tôi muốn chúng ta hiểu được ngữ cảnh của nó bởi toàn bộ sự hùng hồn của nó chỉ có thể hiểu được khi đặt trong ngữ cảnh của nó mà thôi. Trước hết tôi muốn chúng ta hiểu rằng chúng ta cũng giống như những người Ysơraên trong đoạn Kinh Thánh này và trong những phần Kinh Thánh khác nữa. Vì thế đến với đoạn Kinh Thánh này, chúng ta cần nhìn thấy chính mình trong đó. Chúng ta cần hiểu rằng nó nói về chính chúng ta với một điểm khác biệt chính yếu là chúng ta là dân Ysơraên MỚI. Thế nên khi đọc đoạn Kinh Thánh này, chúng ta hiểu rằng nó đã được hoàn tất trong Đấng Christ. Chúng ta cần nắm được rằng những người này không phải là những người xa lạ không can hệ gì đến chúng ta. Họ là chính chúng ta, chính quý vị và tôi.

Những đoạn đầu của sách 1Samuên, đặc biệt là đoạn 1 và 2, mở ra cho chúng ta một sự trái ngược lớn giữa Hêli-các con trai ông và Anne-Samuên. Có một sự so sánh tương phản giữa hai nhóm này suốt từ đoạn 1 câu 1 đến đoạn 2 câu 26. Hêli và hai con trai, Hópni và Phinêa, tượng trưng cho tình trạng tâm linh của dân Ysơraên lúc bấy giờ. Chúng ta đọc trong đoạn 2 rằng Hêli và hai con trai ông hết sức gian tà y như tình trạng của dân Ysơraên như chúng ta đã học Các Quan Xét đoạn 21 trước khi bước vào sách này. Họ đang trong tình trạng phá sản về đạo đức, trống rỗng, vi phạm giao ước của Đức Chúa Trời. Hópni và Phinêa đang hầu việc trong đền thờ với một cung cách xuyên tạc đi ý nghĩa của tế lễ của Đức Chúa Trời. Họ tham lam lấy phần thịt tế lễ thuộc về Đức Chúa Trời. Họ làm ô uế giao ước. Họ sống như những kẻ tà dâm trước mặt Đức Chúa Trời ngay cả tại nơi đền thờ. Họ là những người vi phạm giao ước một cách tệ hại nhất, là những tội nhân trước mặt Đức Chúa Trời. Họ có dáng vẻ bên ngoài của sự ngoan đạo nhưng không có sự hầu việc trong lòng đối với Đức Chúa Trời. Bởi thế họ bị định tội.

Khi chúng ta đọc tiếp 1Samuên, từ đoạn 2 câu 27 đến đoạn 4 câu 22, Hêli và hai con trai ông cùng với những người mà họ đại diện cho là trọng tâm của phần Kinh Thánh đó. Họ là những người vi phạm giao ước và phải chịu sự rủa sả của Đức Chúa Trời. Sự phán xét và rủa sả của Đức Chúa Trời đang đến nghịch cùng họ. Trong phần sau của đoạn 2, Đức Chúa Trời sai một tiên tri đến với Hêli phán với ông rằng gia đình ông đang bị rủa sả. Trong đoạn 3, Samuên lặp lại sứ điệp đó. Hai chứng nhân này đã báo trước cho Hêli rằng ông đang ở dưới sự rủa sả của Đức Chúa Trời.

Đọc tiếp, chúng ta thấy một đặc điểm nữa của thời kỳ này là sự thiếu vắng lời Đức Chúa Trời. Đoạn 3 câu 1 cho chúng ta biết: "Trong thời đó, lời của Đức Giêhôva lấy làm hiếm hoi". Lời Ngài hiếm hoi đến nỗi cuối cùng trong đoạn 3 khi Samuên nghe tiếng Ngài, ông không nhận ra. Đức Chúa Trời không ban lời Ngài cho dân sự vì họ đã khước từ giao ước Ngài. Không chỉ không có lời Đức Chúa Trời thôi, họ còn đánh mất cả hòm giao ước nữa. Trong đoạn 4, người Ysơraên mang hòm giao ước ra chiến trận với người Philitin và người Philitin chiếm được hòm giao ước. Hòm giao ước, vật đại diện cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời, đã vắng mặt khỏi Ysơraên. Sự hiện diện của Đức Chúa Trời không còn giữa họ nữa. Thế thì không có lời Đức Chúa Trời và cũng không có sự hiện diện Ngài bởi hòm giao ước đã đi khỏi.

Chúng ta cũng nhận thấy sự thiếu vắng một người trung bảo. Hêli và hai con trai ông là những thầy tế lễ. Với tư cách là thầy tế lễ, họ phải đứng trước mặt Đức Chúa Trời như là người đại diện cho dân sự Ngài. Tuy nhiên chúng ta còn nhớ tính nết hết sức bại hoại của họ. Trong đoạn 2 câu 25, Hêli nhận ra rằng họ không thể cầu thay cho dân sự, ông nói: "nhược bằng người phạm tội cùng Đức Giêhôva, ai sẽ cầu thay cho?" Những thầy tế lễ gian tà này, những người đại diện cho dân sự trước mặt Đức Chúa Trời, không có khả năng làm người trung bảo xứng đáng giữa Đức Chúa Trời và con người. Là những thầy tế lễ gian ác, họ không thể cầu thay cho dân sự Đức Chúa Trời. Trong đoạn 4, chúng ta đọc thấy Hópni, Phinêa và Hêli qua đời. Rõ ràng là không có hy vọng gì cho sự cầu thay cho dân sự Đức Chúa Trời. Không có người trung bảo nữa. Cuộc khủng hoảng của dân Ysơraên thể hiện ở cuối đoạn 4 với đoạn 4 là cao điểm của phần đầu sách 1Samuên. Sự khủng hoảng được tóm tắt trong ý nghĩa cái tên Ycabốt, cái tên đặt cho con Phinêa, là "sự vinh hiển đã lìa khỏi". Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đã lìa khỏi dân Ysơraên. Đó là tình trạng thuộc linh của họ.

Ở trên tôi có trình bày là câu chuyện này nói về chúng ta. Đây là tình trạng của những người không tin Chúa. Đây là chính chúng ta nếu ở ngoài Chúa. Sự khủng hoảng của dân Ysơraên là nghiêm trọng bởi không có Chúa, dân tộc này chẳng là gì cả. Họ phải chết mất, phải ở dưới sự rủa sả của Đức Chúa Trời. Họ đang đi đến sự hủy diệt. Họ sẽ không tồn vong trong xứ trừ khi Đức Chúa Trời trở lại cùng họ. Sự tồn tại của họ trong xứ Canaan ngay từ ban đầu hoàn toàn bắt nguồn từ sự cung ứng của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã mang họ đến xứ sở đó. Không có Đức Chúa Trời, họ không còn là gì nữa. Khi vợ Phinêa đi từ cõi sống sang cõi chết, không chịu nhìn đứa con mới chào đời của mình, bà thì thào cái tên của đứa trẻ "Ycabốt". Và bởi đó bà đang đặt tên cho hết thảy những ai không biết Đức Chúa Trời, không biết sự hiện diện Ngài, không biết tiếng Ngài. Đó là cái tên tuyệt vọng, trống rỗng, để lại cho chúng ta cảm giác đau thương. Ngày hôm nay "Ycabốt" có phải là tên của chúng ta không? Nó đã từng là tên của tôi. Bên ngoài Đấng Christ, tôi đã từng vô vọng. Không có Đấng Christ, sự vinh hiển Ngài mất khỏi tôi. Nhưng giờ đây nó không còn là tên tôi nữa bởi sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đã trở lại.

Đoạn 5 đến đoạn 7 không cứ để chúng ta trong sự tuyệt vọng. Trong đoạn 5 và 6, Đức Chúa Trời quyết định mang sự vinh hiển Ngài trở lại với dân sự Ngài. Ngài phô bày sự vinh hiển Ngài cho người Philitin thấy đến nỗi họ không chịu nổi sự hiện diện Ngài ở giữa họ nữa. Ngài đánh ngã hình tượng thần Đagôn vô dụng thành từng mảnh. Ngài giáng dịch bịnh trên dân sự này cho đến khi họ phải chịu buông tha hòm giao ước và gởi trả nó về Bếtsêmết hầu dân sự Đức Chúa Trời có thể một lần nữa vui mừng trong sự hiện diện Ngài. Ngài trở lại với dân sự Ngài từ một chiếc xe hai con bò kéo. Dân sự Đức Chúa Trời tiếp đón hòm giao ước với sự vui mừng và ca ngợi lớn dâng lên Ngài (đoạn 6). Họ cảm tạ Ngài, tuy nhiên, khi hòm giao ước trở về, Đức Chúa Trời cũng phải nhắc nhở họ tôn trọng sự thánh khiết Ngài, đối với Ngài một cách tôn trọng và kính sợ đúng mực bởi Ngài là Đức Chúa Trời, Đấng tạo nên trời và đất. Chúng ta thấy trong đoạn 6 rằng việc Đức Chúa Trời khởi xướng và quyết định mang sự vinh hiển Ngài trở lại với dân sự Ngài là chủ đề của đoạn 5 và 6. Đức Chúa Trời toàn quyền tể trị trong sự cứu vớt dân sự Ngài cũng như Ngài toàn quyền hành động trên sự cứu rỗi của chúng ta. Nếu nói đoạn 4 là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng của đoạn 1 đến đoạn 7 thì đoạn 7 là đỉnh điểm của giải pháp cho cuộc khủng hoảng đó bởi nó nói đến sự phục hồi của dân Ysơraên, sự trở lại của sự vinh hiển Đức Chúa Trời với dân sự Ngài. Nó nói đến việc chúng ta được phục hồi để đến sự thông công với Đức Chúa Trời.

Chúng ta xem hòm giao ước có ảnh hưởng gì khi trở về với dân Ysơraên. Chúng ta hãy cùng xem trong đoạn 7 câu 2, khi hòm giao ước trở về ở giữa họ, "cả nhà Ysơraên đều than nhớ Đức Giêhôva." Sự hiện diện Ngài ở giữa họ khiến họ phải quỳ gối xuống, khiến họ kêu xin Ngài, dẫn họ đến sự ăn năn chân thật. Chữ "than nhớ" trong nguyên ngữ Hêbơrơ hàm ý một sự than khóc sâu thẳm tự đáy lòng, một sự than khóc bởi tang chế. Tại đây họ than khóc thành khẩn vì tội lỗi mình. Dân Ysơraên than khóc trước hòm giao ước. Họ hỏi Samuên, vị tiên tri của Đức Chúa Trời -là lời Đức Chúa Trời đã trở lại cùng họ- rằng "Chúng tôi phải làm gì đây hầu đứng trước Đức Chúa Trời thánh khiết này?" Samuên bảo họ thật hết lòng trở lại cùng Đức Giêhôva, hết lòng theo Ngài (câu 3 trở về sau). Họ phải có một lòng tin cậy chân thật nơi Đức Chúa Trời. Samuên bảo họ trở về với giao ước Ngài đã lập cùng họ và hầu việc chỉ một mình Ngài mà thôi. Sự quan tâm của họ phải được chuyển hướng hầu họ hướng về Đấng đưa họ đến xứ này, hướng về Đấng đã cứu chuộc họ khỏi Êdíptô, Đấng mang sự cứu rỗi đến cho họ. Họ phải hầu việc một mình Ngài mà thôi.

Samuên nói tiếp rằng họ cũng phải ăn năn tội nữa. Ăn năn, không chỉ ở đây mà cả trong Tân Ước, bao gồm hành động nữa. Nó không chỉ là cảm xúc đau đớn và than khóc về tội lỗi mà còn là sự cất bỏ đi hay xoay hướng khỏi tội lỗi. Tại đây dân Ysơraên được kêu gọi cất bỏ tội thờ những thần lạ và Át-tạt-tê. Khi xem lịch sử dân Ysơraên, chúng ta biết rằng thần Ba-anh và Át-tạt-tê là hai thần chính của người Ca-na-an mà dân Ysơraên thỉnh thoảng cũng nhận lấy làm thần mình. Ba-anh tượng trưng cho một thần nam còn Át-tạt-tê tượng trưng cho một thần nữ nhưng cả hai đều là thần của sự phì nhiêu hay sự sinh sản. Ngày nay nếu chúng ta đi sang xứ Ysơraên, chúng ta có thể tìm thấy trong các viện bảo tàng những tượng tạt theo hình thần Ba-anh và Át-tạt-tê. Đây là những thần tượng mà người ta tìm đến không chỉ khi cầu khẩn cho được con cái mà còn khi cầu khẩn cho sự phì nhiêu của đất đai, cho hạt giống nảy mầm, cho mưa xuống. Dân Ysơraên đã hướng mắt mình về những thần tượng này. Tại đây, Samuên, với tư cách là tiên tri của Đức Chúa Trời, bảo dân sự phải xây khỏi những thần tượng này mà thờ phượng một mình Đức Chúa Trời mà thôi. Điều này đáng lẽ đã phải được thực hiện từ lâu trong dân Ysơraên. Từ đoạn 4 khi dân sự bị dân Philitin đánh bại, lẽ ra họ đã phải nhận ra rằng họ đã phạm tội trước mặt Đức Chúa Trời mà ăn năn thật lòng để hầu việc Ngài thay vì cứ tin cậy vào sự hiện diện bên ngoài của hòm giao ước tại trận mạc.

Giờ đây cả dân Ysơraên nhóm họp tại Mích-ba xưng tội mình, cữ ăn, múc nước đổ ra trước mặt Đức Giêhôva. Việc "đổ nước" có ý nghĩa quan trọng trong Kinh Thánh vì hai lý do. Chúng ta thấy nước thường được dùng để nói đến sự rửa sạch. Thế thì sự đổ nước ra nói đến nhu cầu được rửa sạch tội lỗi của dân sự. Họ cần rửa sạch lòng mình trước mặt Đức Chúa Trời. Ngoài ra, khi đọc về sự đổ nước ra trong Kinh Thánh, chúng ta thấy thành ngữ này thường được dùng để nói đến sự đau đớn thống khổ. Khi đọc Thi Thiên 22 câu 14, "Tôi bị đổ ra như nước, các xương cốt tôi đều rời rã; Trái tim tôi như sáp, tan ra trong mình tôi." Trong sách Ca Thương, sách nói về sự đau thương của dân sự Đức Chúa Trời vì sự đoán phạt của Ngài, đoạn 2 câu 19 chép, "Hãy chổi dậy kêu van lúc ban đêm, vừa đầu các phiên canh; Đổ lòng ra như nước ở trước mặt Chúa. Hãy giơ tay hướng về Chúa vì sự sống con nhỏ ngươi, chúng nó ngất đi vì đói nơi góc phố." Tại đây chúng ta cảm nhận được sự đau thương, tuôn đổ ra, lòng tan chảy trước mặt Đức Chúa Trời.

Lời kêu gọi ăn năn của Samuên gợi lại lời kêu gọi ăn năn trước khi Đấng Christ đến. Nếu đọc trong Tân Ước, chúng ta sẽ thấy sứ điệp của Giăng BápTít và chính Chúa Giêxu rao giảng cho dân chúng là "Các ngươi phải ăn năn vì nước thiên đàng đã đến gần." Cũng vậy trong 1Samuên đoạn 7, vương quốc Ysơraên đã đến gần. Trong những đoạn kế tiếp chúng ta sẽ đọc thấy dân Ysơraên muốn tìm một vua. Họ muốn tìm một vua một cách hấp tấp giống như dân sự Đức Chúa Trời trong thời Chúa Giêxu muốn thúc đẩy cánh tay của Đức Chúa Trời bằng cách tôn Chúa Giêxu làm vua một cách vội vã.

Đây là một lời kêu gọi ăn năn thật tự tấm lòng. Đây cũng là lời kêu gọi cho chúng ta nữa. Chúng ta không chỉ thờ phượng Chúa ngoài mặt. Không phải việc chúng ta có mặt tại đây khiến chúng ta được đẹp ý Ngài. Vấn đề quan hệ là ở tấm lòng. Thi Thiên 51 câu 17 chép: "Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương: Đức Chúa Trời ôi! Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dễ đâu." Chúng ta không thể lôi kéo sự hiện diện của Đức Chúa Trời một cách không phải phép như dân Ysơraên trong đoạn 4. Vấn đề thờ phượng Chúa không phải là vấn đề bên ngoài mà là vấn đề của lòng tin cậy và ăn năn chân thật trước mặt Ngài. Chúng ta không thể tìm ơn Đức Chúa Trời bằng cách thực hiện những nghi thức tôn giáo. Chúng ta phải có một lòng đau thương thành khẩn về tội lỗi chúng ta.

Chúng ta cũng thấy trong đoạn Kinh Thánh này một sự trở lại của một người trung bảo. Trong đoạn 7 câu 5, Samuên nói: "Ta sẽ cầu Đức Giêhôva giùm các ngươi." Trong câu 8 dân sự nói cùng Samuên rằng: "Xin chớ vì chúng tôi mà ngừng kêu cầu Giêhôva Đức Chúa Trời chúng tôi, để Ngài giải cứu chúng tôi khỏi tay dân Philitin." Đáp lại, Samuên thay mặt họ dâng một của tế lễ là một chiên con còn bú. Một chiên con mới sanh cho một dân tộc mới ra đời. Samuên đang làm cầu nối giữa Đức Chúa Trời và con người. Ông đang giữ vai trò của một thầy tế lễ tìm kiếm sự giảng hòa giữa Đức Chúa Trời và dân sự . Ông kêu cầu cho họ hầu tội lỗi họ được tha và họ được Đức Chúa Trời thương xót.

Chúng ta thấy Samuên đang hành động như Môise trước đó. Môise trước đây cũng kêu cầu Đức Chúa Trời chớ hủy diệt dân Ysơraên, xin Ngài tha thứ tội lỗi họ và chớ cất sự hiện diện Ngài khỏi họ bao giờ hầu kẻ thù của Đức Chúa Trời sẽ bị đánh bại. Samuên cũng giống như chính Đấng Christ. Chúa Giêxu, thầy tế lễ tối cao, trong Giăng đoạn 17, kêu cầu cho hội thánh Ngài. Ngài cầu thay cho họ trước mặt Cha. Ngài cầu xin Cha gìn giữ họ, ban Thánh Linh cho họ hầu sự hiện diện Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ lìa khỏi họ. Chúa Giêxu là Chiên Con tế lễ được ban cho một lần đủ cả vì dân sự Ngài hầu tội lỗi họ được tha và họ được thương xót. Sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời, hậu quả của tội lỗi và sự chết nấy trên Chúa Giêxu vì chúng ta. Kinh Thánh nói Chúa Giêxu vẫn tiếp tục cầu thay cho chúng ta. Hêbơrơ đoạn 7 câu 23 đến 25, "Vả lại, số thầy tế lễ rất nhiều, vì sự chết nên không giữ luôn được chức vụ. Nhưng Ngài, vì hằng có đời đời, nên giữ lấy chức tế lễ không hề đổi thay. Bởi đó Ngài có thể cứu toàn vẹn những kẻ nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho những kẻ ấy." Rôma đoạn 8 câu 34 chép, "Đức Chúa Giêxu Christ là Đấng đã chết, và cũng đã sống lại nữa, Ngài đang ngự bên hữu Đức Chúa Trời, cầu nguyện thế cho chúng ta." Chúng ta thấy chính Chúa Giêxu đang cầu nguyện thế cho chúng ta. Ấy chính Chúa Giêxu đang đứng trong vị trí như Samuên trong đoạn Kinh Thánh hôm nay của chúng ta đây. Đấng Christ cầu thay cho dân sự Ngài. Đức Chúa Trời đáp lời và giải cứu họ. Ngài ban cho họ sự sống và sự hiện diện Ngài.

Samuên cầu nguyện, Đức Chúa Trời đáp lời. Đức Chúa Trời đã trở lại với dân sự Ngài. Ngài ban cho họ sự hiện diện Ngài. Những người Philitin trước đây muốn chinh phục dân Ysơraên giờ đây muốn hủy diệt họ. Họ nhóm nhau lại dàn trận nghịch cùng dân Ysơraên. Sự châm biếm ở đây là chúng ta thấy dân Philitin và dân Ysơraên nhóm nhau lại tại cùng một chỗ. Đoạn 4 câu 1 nói rằng: "dân Ysơraên ra trận đón những người Philitin và đóng trại gần Êbênêxe." Sự việc diễn ra như vậy hầu chúng ta nhận ra sự tương đồng giữa hai đoạn Kinh Thánh này: giữa một dân Ysơraên trước khi nhận biết Đức Chúa Trời để bước vào giao ước vâng phục Ngài và một dân Ysơraên giờ đây sống cho Đức Chúa Trời với một người trung bảo đại diện cho họ. Sự tương phản thật hết sức rõ ràng. Dù hòm giao ước của Đức Chúa Trời không hiện diện trong trận chiến, sự hiện diện Ngài thật hiển hiện: "sấm sét nổ vang trên dân Philitin." Dân Philitin rơi vào tình trạng hoang mang. Đức Chúa Trời chiến cự cho dân sự Ngài. Kẻ thù của dân Ysơraên bỏ chạy. Họ chạy thục mạng trước Đức Chúa Trời toàn năng bởi họ đã biết quyền năng của Ngài và biết rằng họ không thể đứng nổi trước mặt Ngài. Chúng ta thấy đây là sự ứng nghiệm của bài ca của Anne. 1Samuên đoạn 2 câu 10 chép: "Kẻ nào chống cãi Đức Giêhôva sẽ bị phá tan! Từ trên trời cao, Đức Giêhôva sẽ sấm sét cùng chúng nó. Ngài sẽ đoán xét bốn phương của đất, ban thế lực cho Vua Ngài, Và làm cho quyền năng Đấng chịu xức dầu của Ngài ra lớn." Đức Chúa Trời đã trở lại. Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đã trở lại với dân Ysơraên. Chắc chắn Ngài đang ở giữa họ. Dân Ysơraên thậm chí không cần chiến đấu vì Đức Chúa Trời đã ban cho họ chiến thắng. Vì thế Samuên dựng lên một hòn đá. Ông gọi chỗ đó là Êbênêxe. Đức Chúa Trời đã tiếp trợ họ. Êbênêxe có nghĩa là hòn đá của sự tiếp trợ. Trong đoạn 4, cái tên Ycabốt được đặt. Sự vinh hiển Đức Chúa Trời đã lìa khỏi. Trong đoạn 7, một tên mới được đặt ra bày tỏ một sự đảo ngược to lớn: Đức Chúa Trời đã giúp đỡ họ, sự vinh hiển Ngài đã trở lại.

Chính Đấng Christ đã ban cho chúng ta chiến thắng trên kẻ thù chúng ta. Kinh Thánh cho chúng ta biết kẻ thù lớn nhất của chúng ta là chính sự chết bởi sự chết là sự rủa sả lớn nhất. Sự chết, tội lỗi và nỗi thống khổ nó đã bị hủy diệt tận gốc bởi Đấng Christ, Đấng sống lại từ kẻ chết và ban sự sống cho hết thảy những ai tin nhận Ngài. Ngài cũng đã ban sự đắc thắng trọn vẹn nghịch cùng những kẻ chống nghịch Đức Chúa Trời và hội thánh Ngài. Chúng ta thấy Đấng Christ là Êbênêxe của chúng ta. Ngài là hòn đá góc nhà (1Phierơ 2). Ngài là sự tiếp trợ cho chúng ta khi khốn khó. Ấy là trong Đấng Christ mà sự vinh hiển của Đức Chúa Trời trở lại cùng dân sự Ngài (Giăng 1). Ngài là hòn đá tiếp trợ chúng ta. Chúng ta chăm xem Ngài và được nhắc nhở rằng Ngài đã ban cho chúng ta sự đắc thắng. Ngài đã tiếp trợ chúng ta. Ngài ở cùng chúng ta. Vâng, ngay cả trong hiện tại Ngài vẫn ở cùng chúng ta trong lúc thử thách, tranh chiến. Chúng ta hướng về Ngài. Ngài là vầng đá tiếp trợ của chúng ta. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Đấng Christ đang ở trên trời cầu thay cho chúng ta. Chúng ta không phải đáp máy bay đi Do Thái cùng với những nhóm khảo cổ để đào bới tìm kiếm hòn đá Êbênêxe này. Nhưng chúng ta sẽ đi đến đất hứa, sẽ nhìn xem Đấng Christ. Và khi ngắm xem Đấng Christ nơi thiên đàng, chúng ta sẽ nói "Ấy là Êbênêxe của tôi. Tôi đã đến đây là nhờ Chân Chúa phò trì. Bởi Cha đẹp lòng, tôi đã quay về thiên quốc bình yên" Chúa Giêxu là Êbênêxe của tôi. Ngài là hòn đá tiếp trợ tôi, là Đức Chúa Trời ở với tôi, giúp đỡ tôi. Ngài ban cho tôi sự đắc thắng qua Chúa Giêxu Christ. Giờ đây tên tôi không còn là Ycabốt mà là Êbênêxe.

1Phierơ đoạn 2 nói rằng tôi là hòn đá sống, là lời chứng sống cho thế gian rằng Đức Chúa Trời là sự tiếp trợ tôi, rằng Đức Chúa Trời đã ban cho tôi sự đắc thắng. Đời sống tôi là lời chứng bền vững cho lẽ thật đó. Cũng như hòn đá Êbênêxe là lời nhắc nhở luôn về sự tiếp trợ của Đức Chúa Trời cho dân Ysơraên, tôi là lời chứng cho thế gian rằng sự vinh hiển của Đức Chúa Trời ở cùng dân sự Ngài. Thánh Linh Ngài ngự trong lòng tôi. Sự hiện diện Ngài ở trong tôi. Không điều gì có thể phân rẽ tôi và cả quý vị nữa, nếu quý vị ở trong Đấng Christ, khỏi sự hiện diện và tình yêu thương vững bền của Ngài.

Hỡi dân sự của Đức Chúa Trời, hãy hát lên bài Thánh ca số 28 này! Hãy ca ngợi cách thông hiểu! Hãy hướng về hòn đá tiếp trợ của chúng ta và biết rằng chiến thắng của chúng ta đã được làm trọn. Trong Đấng Christ, sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đã trở lại với dân sự Ngài và Ngài đã và sẽ còn giúp đỡ chúng ta!

Lạy Cha toàn năng thiên thượng của chúng con. Hôm nay chúng con cảm tạ Ngài vì hòn đá mang tên Êbênêxe, một sự nhắc nhở luôn cho chúng con rằng Chúa Giêxu Christ là sự tiếp trợ của chúng con vì Ngài đã ban cho chúng con sự đắc thắng trên Satan, trên cả vương quốc nó và trên chính sự chết nữa hầu chúng con có thể sống bởi chính Ngài đang sống và cai trị đời đời. Khi gặp vấn nạn, xin cho chúng con trông đợi sự tiếp trợ từ nơi Ngài, xin cho chúng con yên nghỉ vì biết rằng chúng con có một Đấng cầu thay cho chúng con trên trời đang kêu cầu cho chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài vì chúng con có Đấng Christ. Khi chúng con sống trong thế gian này, xin cho chúng con làm những hòn đá sống, những Êbênêxe sống, làm chứng cho sự tiếp trợ của Đức Chúa Trời cho những ai tin cậy nơi Ngài. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu. Amen.

Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)