LỜI CẦU NGUYỆN CỦA ANNE
(1Samuên 1:9-18)
Tháng Hai 2004
Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong Cứu Chúa Giêxu Christ. Lần trước khi học đoạn mở đầu của sách 1Samuên, chúng ta tập trung vào nỗi đau đớn nặng nề của Anne. Chúng ta nói về thể nào bà phải chịu đau đớn bởi sự son sẻ mình. Nỗi khổ sở của bà còn trở nên nặng nề hơn bởi sự chế nhạo liên tục của người vợ thứ hai của Êncana là Phinêna. Bà phải ở trong tình trạng khổ sở không chịu đựng nổi hết năm này qua tháng nọ, bị kẻ phân bì mình chọc tức. Bước theo diễn tiến câu chuyện, chúng ta bị cuốn vào sự việc và thấy cảm thông với nỗi thống khổ của Anne. Chúng ta mong muốn thấy bà được binh vực trước kẻ phân bì mình. Chúng ta cũng chờ đợi điều Đức Chúa Trời sẽ hành động qua bà. Nếu chúng ta quen thuộc với những sự kiện diễn ra trong dân Ysơraên xuyên suốt sự mặc khải của lịch sử cứu chuộc, ngay từ những phần Kinh Thánh này, chúng ta đã nhận ra một sự chờ đợi, một sự trông đợi rằng Đức Chúa Trời sẽ can thiệp vào câu chuyện này. Điều này được nêu bật lên bởi nhiều lần trong lịch sử dân Ysơraên chúng ta thấy chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời được thực hiện do những người sanh bởi những người đàn bà son sẻ.
Chúng ta cũng rất cần được nhắc nhở rằng sự đau đớn của Anne và sự son sẻ của bà, sự không có khả năng sinh ra một sự sống mới, sự son sẻ trong liên hệ đến sự rủa sả của việc không có con, trên nhiều khía cạnh, là tiêu biểu cho tình trạng của toàn thể dân Ysơraên. Khi đọc Kinh Thánh, đôi khi chúng ta có khuynh hướng chỉ tập trung vào từng cá nhân. Tất nhiên mỗi cá nhân có một vai trò nào đó và chúng ta có thể học hỏi được từ gương của họ. Chúng ta có thể học hỏi từ Anne khi bà hướng về Đức Chúa Trời trong sự tuyệt vọng mình và kêu xin Ngài giải cứu mình. Chúng ta có thể nhìn vào cuộc đời của Anne và nhìn thấy sự khổ sở gây nên bởi tình trạng đa thê. Chúng ta có thể học tấm gương tin kính của họ và những điều giống như vậy trái ngược hẳn với sự bất tuân của Hêli. Tuy nhiên còn những điều quan trọng hơn là chỉ những gì diễn ra trong mái gia đình nhỏ bé này trong dân Ysơraên. Đức Chúa Trời đang mặc khải kế hoạch cứu rỗi của Ngài và sự son sẻ của bà là hình bóng của một điều lớn hơn đang diễn ra trong dân Ysơraên.
Dân Ysơraên cũng giống như Anne đang bị những dân tộc khác gây phiền nhiễu. Họ cứ phải chịu sự áp bức. Họ cần có một vua, một ai đó cai trị họ, ai đó mang lại sự sống cho một xứ sở dường như cằn cỗi và khốn khổ. Khi học sách Các Quan Xét, chúng ta thấy rằng nếu Đức Chúa Trời không can thiệp thì dân tộc Ysơraên chắc chắn cuối cùng phải bị diệt vong dưới sự rủa sả và phán xét của Đức Chúa Trời do cách sống liên tục chống nghịch cùng Ngài. Vào cuối sách Các Quan Xét, chúng ta thấy họ đang sống cách khốn khổ. Thế thì hình ảnh bà Anne phải khổ sở là hình bóng cho một sự việc lớn hơn trong dân Ysơraên. Khi đọc tiếp phần Kinh Thánh chúng ta sẽ thấy rõ hơn với những điểm tương đồng trong đó.
Nhưng ấy chính là giữa sự đau đớn này mà Anne phá vỡ cái vòng lẩn quẩn của nỗi thống khổ mình mà kêu cầu cùng Đức Chúa Trời. Bà đến thẳng nơi Đức Chúa Trời mà kêu xin. Giữa nỗi thống khổ mình, bà kêu xin cùng Đấng duy nhất mà bà biết có thể cứu giúp bà khỏi nỗi niềm của mình. Những câu đầu nhắc đi nhắc lại rằng ấy chính Đức Chúa Trời là Đấng làm cho bà son sẻ và bà biết rằng cũng chính Đức Chúa Trời làm cho bà có con cái. Lời kêu cầu cá nhân của bà cũng rất giống sự kêu xin của cả dân Ysơraên. Đọc trong sách Các Quan Xét, chúng ta thấy rằng khi họ bị đánh bại, khi phải khổ sở, họ làm gì? Họ kêu xin Đức Chúa Trời cho họ một người giải cứu. Điều đó chỉ rõ hơn rằng lời kêu cầu cá nhân của Anne kêu xin trong nỗi thống khổ mình là tiêu biểu cho lời cầu xin trong một phạm vi lớn hơn của cả dân tộc kêu xin một người giải cứu và cuối cùng là kêu xin một vị vua.
Anne lên đền thờ. Bà chuyển từ tình trạng thụ động sang hành động. Bà vào đền thờ với một mục tiêu rõ ràng. Bà muốn đứng trước mặt Đức Chúa Trời và thề nguyện cùng Ngài. Bà cầu xin Ngài cho bà có con. Bà vào đền thờ và theo câu 9 trở về sau chúng ta có cảm giác rằng bà vào đền tạm một mình ngoại trừ một người khác nữa đang ngồi tại đó. Bà đứng trong đền thờ cầu nguyện. Bà cầu nguyện mà tuôn tràn giọt lệ. Bà cầu xin với tấm lòng sầu khổ dốc đổ lòng mình trước mặt Đức Chúa Trời. Bà cầu nguyện thầm chỉ nhép miệng mà không ra tiếng. Trong nỗi đau thương bà kêu xin Đức Chúa Trời mình giải cứu. Bà cầu nguyện và thề nguyện.
Chúng ta rất cần xem xét cách bà bắt đầu lời thề nguyện này. Bà mở đầu bằng cách gọi Đức Chúa Trời là Đức Giêhôva của vạn quân. Lần trước tôi có trình bày rằng lần đầu tiên cụm từ "Đức Giêhôva của vạn quân" được nhắc đến là trong câu 3 khi Êncana và gia đình mình đi thờ phượng Đức Giêhôva vạn quân tại Silô. Nhưng tại đây chúng ta thấy Anne mở miệng nói ra danh xưng đó. Một điều quan trọng là khi chúng ta nói đến Đức Giêhôva vạn quân, chúng ta nói đến Đức Giêhôva của đạo binh, của đám đông, của nhiều người. Rõ ràng tại đây gợi ý rằng Đức Giêhôva là Vua. Ngài cai trị như Vị Vua. Ngài thống lĩnh đạo binh trên trời.
Vì thế khi nghĩ đến Anne, Êncana và những người thờ phượng Đức Giêhôva vạn quân, chúng ta phải nhận ra rằng bà nghĩ đến Vị Vua công bình của dân Ysơraên. Bà biết ai là Đức Giêhôva của dân Ysơraên, ai là Vua của dân Ysơraên. Điều này rõ ràng trái ngược hẳn với điều chúng ta sẽ học sau này đặc biệt là trong đoạn 7 khi dân Ysơraên kêu cầu Đức Giêhôva ban cho mình một vua của đời này và Đức Chúa Trời nhắc nhở họ rằng như thế một cách nào đó họ đã khước từ Ngài làm Vua của họ. Khi dân Ysơraên muốn có một vua, họ đã bị kết tội khước từ Vị Vua thật của mình. Thế nhưng đó không phải là tấm lòng của Anne hay của Êncana khi họ lên thờ phượng Đức Giêhôva vạn quân tại Silô. Họ nhìn nhận Vị Vua của dân Ysơraên và cúi xuống trước mặt Ngài. Tại đây chúng ta thấy rõ lòng tin kính chân thật của bà khi bà kêu cầu cùng Đức Chúa Trời. Bà nhìn nhận quyền tể trị của Ngài. Bà nhận ra quyền năng và thẩm quyền của Ngài và đến với Ngài đặt mình dưới thẩm quyền đó, cúi mình trước mặt Ngài như là một Đức Giêhôva của vạn quân.
Lúc bấy giờ bà thề nguyện và hẳn nhiên lời thề nguyện đó còn tùy thuộc vào ý muốn Đức Chúa Trời đối với điều bà nài xin. Vì thế lời thề đó có điều kiện. Bà cầu xin Đức Chúa Trời làm cho bà bốn điều. Có bốn động từ được nhắc đến trong câu 11. Bà xin Đức Chúa Trời "đoái xem nỗi sầu khổ" của mình. Bà xin Đức Chúa Trời "nhớ lại" bà. Bà xin Đức Chúa Trời "chẳng quên" bà, cũng là phản đề của việc "nhớ lại". Và cuối cùng bà xin Đức Chúa Trời "ban cho một đứa trai". Lời thề nguyện cầu xin của bà rõ ràng nhắc lại những gì Đức Chúa Trời đã làm cho dân Ysơraên khi giải cứu họ khỏi xứ Êdíptô. Xuất Êdíptô ký đoạn 4 câu 31, "Chúng bèn tin, hiểu rằng Đức Giêhôva đã thăm viếng dân Ysơraên, và thấy đều cực khổ của mình, chúng bèn cúi đầu và thờ lạy." Đoạn 2 câu 24, "Ngài nghe tiếng than thở chúng, nhớ đến sự giao ước mình kết lập cùng Ápraham, Ysác và Giacốp." Dân Ysơraên cũng giống như Anne cần được Đức Chúa Trời "nhớ" đến, cần được Ngài "đoái xem nỗi sầu khổ" mình, cần Ngài "chẳng quên" họ trong xứ Êdíptô. Họ cần Ngài ban cho họ một người giải cứu hầu giải cứu họ khỏi sự thống khổ mình như Anne đến với Đức Chúa Trời kêu xin Ngài khi bà than khóc khổ sở vì nỗi niềm của mình. Tại đây rất giống nỗi khổ sở của dân Ysơraên trong đất Êdíptô. Điều mà Anne cầu xin là sự giải cứu. Bà tìm kiếm sự giải cứu khỏi nỗi thống khổ mình. Bà tìm kiếm sự giải cứu khỏi sự rủa sả đang làm cho bà đau đớn. Bà tìm kiếm sự giải cứu khỏi nỗi đau buồn kèm theo sự rủa sả đó. Bà tìm kiếm sự giải cứu khỏi sự dằn vặt của sự phản đối đối với bà. Bà tìm kiếm sự cứu rỗi, sự cứu rỗi khỏi hậu quả đau đớn của tội lỗi, một sự cứu rỗi chỉ có thể có được với sự ra đời của một con trai.
Chắc chắn Samuên không phải là Đấng Cứu Chuộc. Ông không phải là Đấng Christ. Ông không phải là Đấng Mêsi. Tuy nhiên khi nhìn vào Samuên chúng ta có thể thấy rõ rằng ông là kiểu mẫu của một Đấng Cứu Chuộc như những quan xét trong sách Các Quan Xét vậy. Samuên cuối cùng sẽ là một người dọn đường cho Đấng Christ, là Vị Vua vĩ đại chân thật của dân Ysơraên.
Lời cầu xin một con trai của Anne gắn chặt với chương trình cứu rỗi toàn quyền của Đức Chúa Trời cho dân sự Ngài. Lời cầu xin của bà kèm theo một lời hứa. Bà không chỉ xin mà còn kèm theo một lời hứa. Bà thề nguyện sẽ dâng đứa trẻ đó cho Đức Chúa Trời. Điều này có nghĩa là nếu Đức Chúa Trời thương xót ban cho bà một con trai thì con trai này sẽ được dâng lại cho Ngài. Bà sẽ dâng cho Đức Chúa Trời y như điều bà nhận được. Một số người đưa ra ý kiến rằng việc dâng Samuên cho Đức Chúa Trời này là một kiểu mẫu cho mọi người trong hội thánh, nghĩa là khi chúng ta được Đức Chúa Trời ban cho con cái, chúng ta phải dâng con cái mình cho sự hầu việc Chúa trọn đời. Vì thế họ nói đến việc dâng con thay vì lễ báp têm. Hẳn nhiên chúng ta ao ước con cái mình được dâng cho Đức Chúa Trời. Chúng làcon cái Ngài. Tuy nhiên việc dâng con trẻ tại đây không được trình bày như là một điều có tính cách quy phạm cho mọi người trong hội thánh và tất nhiên không phải ai cũng được yêu cầu dâng con mình cho Đức Chúa Trời theo cách đó. Đây là một điều đặc biệt tại đây trong lịch sử cứu chuộc. Tại đây Samuên sẽ được Đức Chúa Trời sử dụng trong một nhiệm vụ cụ thể và sự dâng ông cho Chúa phục vụ cho mục tiêu đó. Niềm vui lớn nhất của Anne là đứa con yêu dấu mình, thế nhưng bà sẽ dâng nó cho Đức Chúa Trời. Bà sẽ ràng buộc Samuên vào sự hầu việc Đức Chúa Trời trọn đời. Khi nghĩ đến điều đó trong lời thề nguyện của Anne, chúng ta thấy sự hy sinh của bà nhắc cho chúng ta nhớ lại việc Ápraham định dâng Ysác làm của tế lễ. Dù rằng sau này chúng ta thấy Đức Chúa Trời cho bà có thêm những con cái khác nhưng lúc bấy giờ ấy là đứa con duy nhất của bà và bà không biết mình sẽ có thêm con cái nữa hay không. Thế nhưng bà dâng lại đứa con duy nhất đó cho Đức Chúa Trời, bà cung hiến nó cho Ngài. Bà chịu cho con mình đi. Một lần nữa chúng ta thấy chủ đề về sự cứu rỗi xuất hiện tại đây. Tại đây là hình ảnh của Đấng Christ. Ngài là Con Một được dâng lại cho Đức Chúa Trời. Bà cũng hứa rằng dao cạo sẽ chẳng đưa ngang qua đầu nó. Lời thề nguyện này gắn liền với điều được chép trong Dân số ký đoạn 6 về lời thề nguyện Naxirê. Nhiều người Naxirê thề nguyện tạm thời. Tuy nhiên Samuên sẽ được cam kết dâng hiến cho Đức Chúa Trời trọn đời. Ông sẽ là một người Naxirê. Một lần nữa chúng ta thấy sự tương đồng với Đấng Christ khi Kinh Thánh nói rằng Ngài sẽ là người Naxarét. Một lần nữa Samuên là hình bóng của Đấng Christ, Đấng Cứu Chuộc vĩ đại. Samuên sẽ là một người giải cứu đối với dân Ysơraên như Samsôn, cũng là một người Naxirê.
Con của Anne sẽ là một người giải cứu cho dân Ysơraên. Sự ra đời của Samuên sẽ mang lại niềm hy vọng mới cho dân Ysơraên. Qua sự phục vụ của ông, một lần nữa họ sẽ được trở lại với mối thông công với Đức Chúa Trời và được ban cho một vị vua tin kính thật. Chúng ta thấy rằng sự ra đời của Samuên làm hình bóng cho Đấng Christ. Ông là một người giải cứu, giải cứu khỏi nỗi đau thương của Anne, còn Đấng Christ là Đấng Giải Cứu của chúng ta, Ngài giải cứu chúng ta khỏi nỗi thống khổ của chúng ta. Qua dòng huyết của Đấng Christ, chúng ta được giải phóng khỏi sự rủa sả của tội lỗi. Đức Chúa Trời đã "nhớ lại nỗi sầu khổ"của chúng ta, Ngài "chẳng quên" chúng ta, và Ngài "ban cho" chúng ta một Đấng Giải Cứu trong Cứu Chúa Giêxu. Cho nên khi chúng ta đau thương, khi chúng ta nhận ra tội lỗi mình, khi chúng ta nhìn thấy sự rủa sả, chúng ta nhìn xem Đấng Christ và kêu cầu cùng Ngài. Sự kêu cầu của chúng ta đã được đáp lời. Ngài đã ban cho chúng ta sự giải cứu khỏi sự thống khổ mình, tức là hậu quả đau đớn của việc bị bỏ mặc trong tội lỗi mình.
Thế nhưng, khi Anne đang cầu xin thề nguyện, giữa lúc bà đang vật vã với nỗi niềm trong tâm hồn mình, Hêli đang ngồi gần cửa của đền thờ chăm xem bà. Ông thấy Anne không cầu nguyện theo cách bình thường. Ông nhìn cung cách bên ngoài của Anne, thấy không bình thường, ông liền tiếp cận bà. Tại đây có chép rõ rằng Hêli là thầy tế lễ. Ông là người biện minh cho dân sự trước mặt Đức Chúa Trời. Đó là trách nhiệm của ông. Thế nhưng tại đây ông không làm người biện hộ cho nhu cầu của Anne mà lại đứng ở vị trí của một người chống đối. Ông cư xử như là một người buộc tội bà chớ không phải như là người trung bảo dàn xếp cho bà theo như trách nhiệm của một thầy tế lễ. Ông không tiếp cận bà như một người muốn giúp đỡ mà như một người đã định sẵn là bà có lỗi. Ông bày tỏ sự thiếu kiên nhẫn với bà cho rằng bà say rượu mà hỏi bà rằng "Chừng nào nàng mới hết say?" Ông xét đoán, định tội một cách thiếu kiên nhẫn ngay tức khắc rằng đây là một người đàn bà say rượu cần phải bị đuổi ra khỏi đền thờ. Ông không cần hỏi hay tra xét xem điều mình nghĩ là đúng hay sai. Ông kết án một người được Đức Chúa Trời chọn lựa. Ông tự cho là bà có tội một cách máy móc.
Có lẽ điều này nói lên một điều gì đó về khung cảnh tôn giáo của dân Ysơraên lúc bấy giờ. Có thể Hêli thấy cảnh này rất thường khi hầu việc trong đền thờ. Tuy nhiên có thể nó cũng thể hiện một vấn đề thuộc linh sâu sắc hơn rằng thầy tế lễ trong dân Ysơraên không thể phân biệt được giữa sự cầu nguyện khẩn thiết cung kính và sự say sưa. Trong bối cảnh này, Hêli phải được xem như là một người chống đối, của Anne. Chúng ta thấy điều này trong suốt đoạn Kinh Thánh. Hêli đã được nhắc đến ngay từ trước cùng với Hópni và Phinêa. Họ phải được xem thấy như là một nhóm người hoàn toàn trái ngược với gia đình Êncana đặc biệt là Anne. Sự đề cập đến Hêli, Hópni và Phinêa xuyên suốt phần Kinh Thánh cho thấy rằng họ là thành phần trái ngược với gia đình Êncana.
Chúng ta không thấy rõ sự giả hình của Hêli sao? Tại đây Hêli đứng trước Anne và kết tội bà say sưa. Thế nhưng sau này trong sách Samuên Đức Chúa Trời đối chất với Hêli về việc gì? Ngài đối chất với Hêli về việc ông không răn dạy các con mình khi chúng làm những điều gian ác trong đền thờ. Các con Hêli đang sống trong tội lỗi mà ông không mấy để ý đến. Trong khi đó ông nhìn thấy một người đàn bà yếu đuối trong đền thờ và cho rằng bà say rượu nên đến mà kết tội bà. Anne nói rằng bà không phải là một người đàn bà gian ác. Bà không thông đồng với ma quỉ và vương quốc nó. Bà không phải là người như thế. Bà biện minh rằng mình không say rượu. Cùng một từ ngữ cũng được dùng trong 1Samuên đoạn 2 câu 12, "Hai con trai của Hêli là người gian tà." Chữ "gian tà" này giống với chữ dùng cho chữ "gian ác" trong đoạn 1 câu 16. Hai con trai của Hêli là con trai của sự hủy diệt, của gian ác và của Satan. Còn Anne không phải là người đàn bà gian ác. Suốt đoạn Kinh Thánh bày tỏ rằng vị thầy tế lễ già gian ác này và hai con trai ông, cũng là những thầy tế lễ, sắp bị thế chỗ. Dân Ysơraên tội lỗi mà đại diện là hai thầy tế lễ gian ác này sắp bị đoán phạt và những thầy tế lễ này sắp bị truất khỏi chỗ mình. Đức Chúa Trời sắp thay thế họ bằng một thầy tế lễ tin kính là người sẽ xét đoán và dẫn dắt dân sự Đức Chúa Trời một cách đúng đắn.
Một lần nữa chúng ta được kêu gọi xem Samuên như là hình bóng của một Đấng Cứu Chuộc, một thầy tế lễ tin kính là người sẽ trình diện dân sự Đức Chúa Trời cách đúng đắn trước mặt Ngài. Một lần nữa, Đấng Christ là Thầy Tế Lễ tối cao mà Samuên làm hình bóng cho Ngài. Chúng ta hướng về Ngài như là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta chớ không phải hướng về những thầy tế lễ gian ác của thế gian là những người giảng dạy những con đường khác và sống đời sống gian ác. Chúng ta không theo họ. Chúng ta đi theo Đấng Christ. Những kẻ không tin kính sẽ phải bị Đức Chúa Trời phán xét.
Một lần nữa, Anne tin kính xuất hiện như là một người tự biện hộ cho mình nghịch cùng người kết án sai lầm. Đến lúc ấy Hêli mới thôi không kết án bà như lúc đầu nữa. Đến lúc ấy Hêli mới chúc phước cho bà. Hêli bảo đảm với bà rằng Đức Chúa Trời đã nghe lời bà cầu xin và bảo rằng ông cũng mong Đức Chúa Trời sẽ đáp lời cầu xin của bà. Chúng ta thấy rằng khi Anne ra về, có một sự thay đổi lớn trong thái độ của bà so với lúc đầu. Chúng ta đọc trong câu 7 thể nào bà khóc lóc. Câu 10, "Anne lấy làm sầu khổ trong lòng... tuôn tràn giọt lệ." Bà không ăn nổi bởi thái độ chống đối của người vợ kia. Thế nhưng giờ đây, khi bà đã cầu nguyện xong, đã trút đổ tấm lòng mình ra trước mặt Đức Chúa Trời và cầu xin Ngài giải cứu, bà ra về một cách đầy tin tưởng. Bà ra về lòng tin cậy rằng Đức Chúa Trời sẽ lắng nghe lời cầu xin của bà rằng Đức Chúa Trời sẽ ban cho bà một người giải cứu. Bà ra về với niềm hy vọng. Bà ra về, không còn tỏ thái độ như trước, bà ăn và nét mặt không còn buồn rầu nữa. Bà ra về với sự hy vọng, hy vọng bởi bà biết rằng Đức Chúa Trời đã nghe lời bà cầu xin.
Như trong bài học đầu tiên của sách Samuên, chúng ta có nói rằng sách này khởi đầu bằng một câu chuyện về sự giải cứu. Đây là một sứ điệp của sự hy vọng, hy vọng được giải cứu. Sự ra đời của Samuên chỉ cho họ đến vị vua của họ, dẫn họ đến với một vị vua tin kính và sau hết là chỉ về sự Đấng Christ đến. Niềm hy vọng của Anne và niềm hy vọng của sự cứu rỗi. Tại đó cũng có niềm hy vọng về sự cứu rỗi của chúng ta, hy vọng được tự do khỏi sự tuyệt vọng của chúng ta, hy vọng được tự do khỏi sự rủa sả có được trong Chúa Giêxu Christ là Đấng mà tiên tri và thầy tế lễ Samuên cuối cùng chỉ về Ngài. Xin hãy đặt lòng tin vào Chúa Giêxu Christ chúng ta, Thầy Tế Lễ tin kính của chúng ta, Con Trai, là Đấng Giải Cứu vĩ đại của chúng ta, thì chúng ta sẽ được cứu. Amen.
Lạy Cha thiên thượng toàn năng của chúng con. Lạy Chúa, chúng con được đọc câu chuyện của Anne và nhìn thấy nỗi đau đớn của bà, chúng con được nhắc nhở về hậu quả tội lỗi và sự đau đớn mà tội lỗi mang đến. Chúng con được nhắc nhở về sự rủa sả trên tội lỗi và biết rằng chỉ một mình Ngài có thể ban sự sống cho những ai đang chết mất trong tội lỗi và sự vi phạm mình. Chỉ có Ngài có thể ban cho chúng con một Đấng Cứu Chuộc.
Lạy Chúa, chúng con hướng về Đấng Christ, là Con được sinh ra làm Vua, Vua của một dân mà Ngài kêu gọi, một Vị Vua hầu chúng con có thể theo Ngài làm công dân của nước Ngài. Lạy Chúa, xin cho chúng con có thể hướng về Ngài như là Đấng Mêsi, Đấng Cứu Chuộc của chúng con hầu chúng con có thể tìm thấy trong Ngài niềm hy vọng của chúng con. Và khi chúng con lo phiền, khi lòng chúng con nặng nề, khi chúng con chịu khổ, chúng con có thể hướng về Ngài, hầu trong sự cầu nguyện chúng con sẽ được nhắc nhở rằng Ngài thật đã ban cho chúng con một Đấng Cứu Rỗi hầu chúng con có thể được an ủi, hầu chúng con có thể ra đi như Anne với niềm hy vọng và sự bình an vì biết rằng Ngài lắng nghe lời cầu xin của chúng con. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu. Amen.
Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)