Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Samuên > Lời Cầu Nguyện Được Nhậm - 3/2004  


LỜI CẦU NGUYỆN ĐƯỢC NHẬM
(1Samuên 1:19-28)

Tháng Ba 2004

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Chúa Giêxu Christ. Khi suy nghĩ về câu chuyện Samuên ra đời, khi đọc cả đoạn một, chúng ta thấy câu chuyện tiến triển theo ba giai đoạn riêng biệt. Trong giai đoạn một, chúng ta mô tả sự đau khổ rất lớn của Anne. Bà chịu khổ vì son sẻ không có con được. Chúng ta đọc về sự đau đớn của bà trong ánh sáng của sự chống đối liên tục của Phinêna, kẻ phân bì bà. Trong giai đoạn hai của câu chuyện, chúng ta thấy thể nào Anne tiến từ chỗ đau đớn sâu thẳm đến chỗ kêu xin cùng Đức Chúa Trời. Bà kêu cầu cùng Đức Chúa Trời hy vọng được giải cứu khỏi sự thống khổ mình và cam kết bởi một lời thề nguyện dâng con trai mình hầu việc Đức Giêhôva trọn đời. Đến giai đoạn cuối của đoạn Kinh Thánh này, chúng ta nhìn thấy lời cầu xin của Anne được nhậm và chúng ta cũng thấy lời thề nguyện của Anne trước mặt Đức Chúa Trời được làm trọn.

Vậy nên khi xem xét câu chuyện này, chúng ta cần xem xét nó một cách toàn bộ. Chúng ta cần ghi nhớ rằng hàm ý của câu chuyện này sâu sắc hơn những kết quả thấy được trên từng nhân vật chính trong câu chuyện rất nhiều. Đúng là những kết quả đó cũng gây ấn tượng, tuy nhiên kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời đang được bày tỏ ra trong phân đoạn này. Và câu chuyện về sự đau buồn của Anne đổi ra vui mừng hay sự giải cứu khỏi tình trạng tuyệt vọng của bà là một mô hình nhỏ mô tả tình trạng của cả dân Ysơraên và thậm chí khi suy nghĩ sâu hơn, nó cũng nói lên chính cuộc đời của chúng ta dưới mắt Đức Chúa Trời. Nó nói lên sự thống khổ của họ, nói đến sự kêu xin của dân Ysơraên cùng Đức Chúa Trời xin được giải cứu và rằng lời cầu xin đó sắp được đáp lời.

Chúng ta nhớ sách Các Quan Xét kết thúc rằng "Đương lúc đó, không có vua trong Ysơraên, ai nấy làm theo ý mình lấy làm phải." Cần có một giải pháp cho tình trạng tuyệt vọng của dân Ysơraên. Tại đây trong 1Samuên đoạn một, sự ra đời của Samuên báo trước nhu cầu cấp bách của dân Ysơraên cần có một vị vua tin kính. Trong bài học này chúng ta sẽ tập trung vào việc Đức Chúa Trời đáp lời cầu xin của Anne. Kế đến chúng ta sẽ xem xét sự đáp ứng một cách vâng phục của Anne đối cùng sự thương xót của Đức Chúa Trời.

Trước hết chúng ta muốn tập trung vào việc Đức Chúa Trời đáp lời cầu xin của Anne. Không bao lâu sau khi Êncana và Anne trở về nhà sau chuyến đi Silô, chuyến đi lên đền thờ hằng năm, Anne có thai. Tại đây một người đàn bà son sẻ đã nhiều năm ao ước sanh con giờ đây cuối cùng nếm trải được niềm vui có con. Và đoạn Kinh Thánh cho chúng ta thấy rõ ràng một cách không tránh né được rằng ấy chính Đức Chúa Trời đã cho bà có con. Đây là điều chính Đức Chúa Trời đã làm cho bà. Đây là một phép lạ bằng cách nào đó đã được thi hành trên đời sống bà. Kinh Thánh chép rằng "Đức Giêhôva bèn nhớ đến nàng" (câu 19). Theo bài học trước, chúng ta thấy đây chính là điều bà cầu xin. Khi bà cầu xin và thề nguyện cùng Đức Chúa Trời, bà xin Ngài "đoái xem nỗi sầu khổ của con đòi Ngài, nhớ lại nó chẳng quên." Chỉ vài câu sau đó, chẳng bao lâu sau trong cuộc đời bà, Đức Chúa Trời thật sự đã "nhớ lại" bà. Đây chính là điều bà cầu xin Ngài trong đền thờ. Đoạn Kinh Thánh nhắc rất rõ rằng chính Đức Chúa Trời đáp lời cầu xin của Anne, chính Ngài đáp lời kêu nài khẩn thiết của bà.

Khi suy nghĩ về chữ "nhớ", chúng ta nghĩ trên một nghĩa rộng hơn bởi khi Kinh Thánh nói đến việc Đức Chúa Trời "nhớ" đến một con dân Ngài, thường Kinh Thánh nói đến điều này trong bối cảnh của sự cứu rỗi. Trong câu chuyện của Noê trong Sáng Thế Ký đoạn 8 câu 1, trong khi ông đang lênh đênh trong cơn nước lụt, Đức Chúa Trời "nhớ lại" Nôê và cứu ông. Trong Xuất Êdíptô ký đoạn 2 câu 24 nói về dân Ysơraên khi họ chịu khổ sở tại Êdíptô "Ngài nghe tiếng than thở chúng, nhớ đến..." Và giờ đây Anne được Đức Chúa Trời nhớ đến. Tại đây nói đến sự giải cứu khỏi sự đau đớn của bà. Tự bà hoàn toàn bất lực không thay đổi được cảnh ngộ khốn khổ của mình. Bà kêu nài cùng Đức Chúa Trời là Đấng lắng nghe lời kêu xin khẩn thiết của bà.

Tiêu điểm của phân đoạn Kinh Thánh này là ở Đức Chúa Trời và sự giải cứu của Ngài cho dân sự Ngài. Ấy chính Ngài toàn quyền tể trị hầu ban cho dân sự Ngài điều mà họ cần kíp nhất: một Đấng giải cứu, mà Samuên chỉ về Ngài. Trọng tâm của chúng ta là chính Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi Ngài. Khi Anne ra về sau khi cầu nguyện, bà ra về với một lòng tin tưởng rất vững vàng rằng Đức Chúa Trời trong sự toàn quyền tể trị của Ngài sẽ đáp lời kêu xin của bà. Việc Đức Chúa Trời nhớ đến Anne nói lên việc Ngài nhớ đến cả dân Ysơraên. Sự ra đời của Samuên không chỉ là cho Anne mà là cho cả dân sự của Đức Chúa Trời. Ấy là một phần của toàn bộ chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Niềm hy vọng ban cho Anne trong sự ra đời của Samuên chính là niềm hy vọng cho cả dân Ysơraên. Khi nhìn thấy một người đàn bà son sẻ nay sanh được con cái, họ có thể nhìn thấy bàn tay của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời sẽ dùng con người này, đứa trẻ này, để hầu việc Ngài một cách tuyệt vời. Dân Ysơraên sẽ nhờ Samuên mà được phước bởi như Giăng Báptít hướng dân sự về Vị Vua tối thượng của mình, sau này Samuên cũng sẽ hướng dân Ysơraên về vị vua của họ.

Anne đã đặt cho con mình cái tên rất thích hợp là Samuên vì bà đã cầu xin nó nơi Đức Chúa Trời. Samuên là sự đáp lời của Đức Chúa Trời cho lời cầu xin giải cứu của Anne. Anne cầu xin Đức Chúa Trời giải cứu mình khỏi sự đau khổ mình. Tên Samuên là lời làm chứng rằng Đức Chúa Trời đã nhậm lời cầu nguyện của Anne. Chúng ta có thể thấy điều đó trong phần Kinh Thánh của chúng ta "Anne thọ thai và sanh một con trai, đặt tên là Samuên, mà nói rằng: Tôi đã cầu xin nó nơi Đức Giêhôva." Bà cầu xin Đức Chúa Trời ban cho mình một con trai và Ngài đáp lời bà. Sự ra đời của Samuên là công việc của tay Đức Chúa Trời.

Một điều có lẽ chúng ta nên nhắc đến trong phần Kinh Thánh này là: khi suy nghĩ đến việc chúng ta cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời, chúng ta biết rằng đôi khi lời cầu xin của chúng ta không được Ngài trả lời một cách đầy ấn tượng như thế. Không phải lúc nào chúng ta quỳ gối trước mặt Ngài, ngay cả khi chúng ta đang phải đau thương khốn khổ, Ngài cũng đáp lời như ước muốn của chúng ta. Không phải lúc nào chúng ta cũng nhận được điều chúng ta xin Ngài. Tuy nhiên điều này không có nghĩa rằng Đức Chúa Trời không nghe thấy tiếng kêu nài của chúng ta. Cũng không có nghĩa rằng Ngài không có khả năng ban cho chúng ta điều chúng ta cầu xin. Vấn đề là chúng ta phải cầu xin Ngài trong tinh thần vâng phục ý chỉ của Ngài, biết và tin cậy rằng Ngài sẽ làm điều mà Ngài thấy là tốt đẹp nhất. Tuy nhiên như đã trình bày, chúng ta tin rằng câu chuyện này về Anne và sự ra đời của Samuên chỉ về chính sự cứu rỗi. Nó nói về sự giải cứu khỏi sự rủa sả, ra khỏi sự tuyệt vọng mà đến với sự hy vọng. Những ai cầu xin cùng Đức Chúa Trời, kêu xin Ngài giải cứu sẽ không bị bỏ. Đoạn Kinh Thánh này chỉ về điểm cuối cùng là Đấng Christ là Đấng mà trong Ngài chúng ta tìm thấy sự giải cứu khỏi tội lỗi và sự thống khổ của chúng ta. Nó hướng chúng ta về Vị Vua vĩ đại của dân Ysơraên. Khi chúng ta quỳ gối trước mặt Ngài kêu xin Ngài ban cho chúng ta một Đấng Giải Cứu hầu giải cứu chúng ta khỏi sự thống khổ mình, thì Đức Chúa Trời nghe tiếng chúng ta. Bởi chính Đức Chúa Trời đặt vào lòng chúng ta ao ước ăn năn tội, ao ước được cứu. Ngài lắng nghe lời cầu xin thống hối chân thành của dân sự Ngài kêu xin Ngài giải cứu. Cho nên khi chúng ta đến với Chúa, nếu chúng ta chưa được cứu thì chúng ta cần phải chân thành kêu xin Ngài giải cứu. Đức Chúa Trời lắng nghe tiếng cầu xin của những ai chân thành kêu xin Ngài.

Đoạn Kinh Thánh của chúng ta không chỉ nói đến sự quan phòng của Đức Chúa Trời dành cho Anne. Khi đã nếm biết sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, đã biết được công việc của Đức Chúa Trời trong lòng Anne, chúng ta cũng thấy có một sự đáp ứng rất rõ ràng đối cùng sự ban cho mà Đức Chúa Trời đã ban cho bà. Anne biết rằng đứa trẻ trong lòng mình là sự đáp lời trực tiếp cho lời cầu xin của bà. Sự giải cứu khỏi sự đau đớn này là một sự ban cho của Đức Chúa Trời. Bà không còn có thể làm gì khác hơn là ca ngợi Đức Chúa Trời và trung tín giữ lời thề nguyện cùng Ngài.

Chúng ta để ý ngay khi đọc suốt 1Samuên đoạn 1 và thấy sự trái ngược hoàn toàn giữa gia đình Êncana và gia đình Hêli. Tại đây gia đình của Êncana trong phần sau của đoạn 1 một lần nữa được mô tả như là một gia đình công bình, tin kính và trung tín đi thờ phượng Đức Chúa Trời tại Silô. Hằng năm, Êncana trung tín đưa gia đình mình đi thờ phượng Đức Chúa Trời ở đền thờ Ngài và làm xong sự hứa nguyện mình. Ông đi dâng tế lễ cho Đức Giêhôva. Sự tin kính của Êncana và Anne trái ngược hoàn toàn với sự thiếu tin kính của Hêli và các con trai ông. Tại đây là một sự tương phản có chủ ý vì khi chúng ta học tiếp trong sách 1Samuên, chúng ta biết Hêli và các con trai ông sẽ bị Đức Chúa Trời đoán phạt. Họ là những người gian ác. Họ là những người hầu việc trong đền thờ đáng lẽ phải làm gương cho bầy chiên nhưng ngược lại họ lại là những người ăn cắp, cướp giựt, lừa gạt và vô đạo đức. Đức Chúa Trời sẽ không dung chịu gia đình này trong đền thờ Ngài. Trái ngược hẳn với gia đình đó là gia đình của Êncana và Anne cùng với sự trung tín của họ trước mặt Đức Chúa Trời cũng như Samuên cuối cùng sẽ thay thế những thầy tế lễ gian ác kia. Một lần nữa, điều này chỉ về Đấng Christ. Đấng Christ, thầy tế lễ thượng phẩm vĩ đại, sẽ thay thế cho tất cả những thầy tế lễ đến trước mình bởi Ngài là trọn vẹn và công bình còn tất cả những thầy tế lễ đến trước Ngài đều mang những tội lỗi mình và tự mình không thể xứng đáng cho chức vụ đó. Đấng Christ là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm thật. Ngài là Đấng công bình trước mặt Đức Chúa Trời và sẽ làm trọn chức vụ đó một cách trọn vẹn.

Chúng ta thấy khi gia đình Êncana lại một lần nữa lên đền thờ, ai đọc câu chuyện này lần đầu chắc phải tự hỏi không hiểu Anne sẽ trung tín giữ lời thề nguyện của mình không. Khi đọc qua phần Kinh Thánh này, chúng ta tự hỏi không biết bà có thể cho đi đứa con mà Đức Chúa Trời đã ban cho bà không. Liệu bà có thể cho đi cái tài sản đáng giá nhất đó của mình, niềm ao ước lớn lao nhất của lòng mình không? Liệu bà có thể dâng đứa con này để nó hầu việc Đức Chúa Trời không? Liệu bà sẽ giữ lời thề nguyện mình mà trung tín cùng Đức Chúa Trời không? Đúng là bà đã nhận lãnh một quà tặng lớn lao nhưng giờ đây bà phải cho nó đi.

Một lần nữa, chúng ta thấy câu chuyện này có điểm tương đồng với cuộc đời của Ápraham và Ysác bởi chính Ápraham cũng bị thử thách. Mới đầu chúng ta đọc thấy rằng Anne không cho nó đi. Bà không mang nó theo lên đền thờ. Điều này không có ý nói rằng bà phạm tội trong việc chờ đợi chưa dâng đứa trẻ. Tuy nhiên chúng ta cảm giác thấy có sự chần chờ. Bà không mang đứa trẻ lên đền thờ ngay tức khắc vì bà đang dứt sữa cho nó. Bà đang chuẩn bị cho đứa trẻ cho đến khi nó lớn đủ mà không cần sự săn sóc đặc biệt của mẹ nữa. Hầu hết các nhà chú giải cho rằng có lẽ lúc ấy là khoảng sau ba tuổi. Thật ra, khi chúng ta xem xét những ý kiến khác nhau, chúng ta thấy đó chỉ là những sự phán đoán có nghiên cứu, dựa trên chi tiết là ba con bò đực làm tế lễ liên quan đến ba năm tuổi của đứa trẻ. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Samuên còn nhỏ lắm khi ông được đưa lên đền thờ.

Giữa lúc bà chờ đợi đứa trẻ dứt sữa mới mang nó lên đền thờ, chúng ta đọc thấy một điều khá quan trọng. Êncana nói với vợ mình rằng hãy cho đứa trẻ dứt sữa đã NHƯNG "nguyện Đức Giêhôva làm ứng nghiệm lời hứa của Ngài!" "Đức Chúa Trời làm ứng nghiệm lời hứa của Ngài". Thật ra đây là chủ đề mà chúng ta sẽ tìm thấy trong suốt sách 1Samuên. Nó dự báo vai trò của Samuên trước mặt Đức Chúa Trời. Ông sẽ được Đức Chúa Trời sử dụng để làm ứng nghiệm lời hứa của Ngài trong dân Ysơraên, để dạy dân Ysơraên về ý chỉ của Đức Chúa Trời. Ông sẽ là người rao ra Lời Đức Chúa Trời một cách trung tín. Ông sẽ là người lắng nghe Lời Đức Chúa Trời và làm sứ giả cho Ngài. Chúng ta đã thấy điều này ngay từ đầu sách Samuên rằng Đức Chúa Trời trực tiếp phán cùng ông và ông phải mang lấy sứ điệp của Ngài. Ông sẽ làm cho Lời Đức Chúa Trời được ứng nghiệm. Câu nói của Êncana dự báo trước điều này. Ông nhận ra rằng ý muốn của Đức Chúa Trời phải được thực hiện. Và vì thế lời thề nguyện của Anne phải được làm trọn. Chồng bà nói rằng phải có một sự đáp ứng một cách vâng phục đối cùng Đức Chúa Trời và ý muốn của Ngài. Một khi đứa trẻ đã dứt sữa, Anne phải dâng nó để hầu việc Đức Chúa Trời.

Chúng ta đọc trong Kinh Thánh rằng "vừa khi dứt sữa, nàng bèn dẫn nó theo mình đến đền của Đức Giêhôva." Bà mang đứa trẻ đến trước mặt Đức Chúa Trời. Giờ đây bà sẽ dâng nó để hầu việc Ngài. Dâng đứa trẻ cho Đức Chúa Trời, bà đã dâng cho Ngài cả tấm lòng mình và tình yêu của một người mẹ dành cho con. Bởi đó bà tỏ cho chúng ta thấy rằng bà đã dâng hết thảy những gì mình có cho Đức Chúa Trời, dâng cho Ngài điều Ngài ban cho bà. Anne mang con mình đến với Hêli và nhắc lại lời cầu nguyện của mình. Nếu chúng ta đọc và so sánh, chúng ta sẽ thấy rằng bà nhắc lại y như lời Hêli. Trong câu 17, Hêli nói "Hãy đi bình yên, nguyện Đức Chúa Trời của Ysơraên nhậm lời nàng đã cầu xin cùng Ngài." Câu 27 "Ấy vì đứa trẻ này mà tôi cầu nguyện. Đức Giêhô va đã nhậm lời tôi đã cầu xin cùng Ngài." Chúng ta thấy bà dùng lại y những lời đó, chỉ rõ mối liên hệ chặt chẽ giữa lời cầu xin của bà và sự nhậm lời của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời luôn thành tín và Anne nhận ra sự thành tín mà Đức Chúa Trời đã tỏ cùng bà. Bà dâng đứa trẻ cho Đức Chúa Trời để hầu việc Ngài mãi mãi. Bà nói rằng "trọn đời nó".

Chúng ta nhìn vào sự trung tín của Anne như là một tấm gương cho mình. Sự đáp ứng của bà đối cùng sự giải cứu của Đức Chúa Trời cũng phải thể hiện một cách hùng hồn sự đáp ứng của chúng ta đối với Ngài nữa. Nó phải tỏ ra thể nào chúng ta phải đáp lại công việc của Đấng Christ, là Đấng giải cứu chúng ta. Chúng ta đáp ứng thế nào với công việc của Đức Chúa Trời trong đời sống và trong lòng chúng ta? Hãy nghĩ xem Anne đã dâng gì cho Đức Chúa Trời? Bà dâng cho Ngài tình yêu sâu sắc nhất của mình trong hiện thân là đứa trẻ. Bà dâng cho Đức Chúa Trời chính cuộc đời mình. Cũng vậy, khi nghĩ đến những gì Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta trong sự cứu rỗi, chúng ta càng phải đáp lại Ngài mà dâng cho Ngài cả đời sống và tấm lòng của chúng ta bao nhiêu nữa? Chúng ta cần bỏ đi những gì chúng ta lấy làm vui thích và những điều tội lỗi không đẹp lòng Ngài. Nhiều khi chúng ta buộc phải tập trung vào thờ phượng Đức Chúa Trời trong khi chúng ta cho rằng mình có nhiều việc phải làm. Lòng và tư tưởng của chúng ta cần phải chuyên chú vào sự thờ phượng Đức Chúa Trời và dâng cho Ngài lòng biết ơn của chúng ta. Chúng ta cần sống một cuộc đời đáp ứng lại tình yêu thương mà Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho chúng ta bằng đời sống trung tín và vâng phục. Chúng ta thấy rằng việc Đức Chúa Trời làm việc và nhớ đến chúng ta đòi hỏi một sự đáp ứng từ tấm lòng chúng ta, rằng chúng ta cần phải dâng chính đời sống mình cho Ngài.

Chúng ta hãy nghĩ xem Samuên có ý nghĩa như thế nào đối với Anne. Phải chăng Anne đã dâng cho Đức Chúa Trời một của lễ sống khi dâng con mình cho Ngài? Đáp lại sự giải cứu của Đức Chúa Trời, chúng ta thật được kêu gọi phải hầu việc Ngài. Rôma đoạn 12 câu 1 kêu gọi chúng ta phải hầu việc Ngài như là của lễ sống, dâng lên Ngài tấm lòng chúng ta không chỉ trong một giai đoạn ngắn ngủi mà đời đời mãi mãi. Khải Huyền đoạn 7 cho chúng ta biết rằng những tín hữu chúng ta được kêu gọi hầu việc Đức Chúa Trời trong đền thờ Ngài. Tại đó những thánh đồ vây quanh ngai Đức Chúa Trời, hầu việc và thờ phượng Ngài ngày và đêm. Cũng thế, chúng ta là những người được Đức Chúa Trời ban cho ân điển vĩ đại của Ngài cần phải dâng chính mình làm của lễ sống cho Ngài, dâng chính mình mà thờ phượng Ngài, trung tín với lời thề nguyện mình trước mặt Đức Chúa Trời. Sự cứu rỗi là một sự ban cho tuyệt vời, là ơn phước của Đấng Christ mà chúng ta không bao giờ trả nổi. Nó kêu gọi chúng ta dâng đời sống mình cho Ngài.

Chúng ta tìm thấy trong câu chuyện của Anne một câu chuyện cứu rỗi. Đó là sự tự do khỏi sự tuyệt vọng. Trong câu chuyện của Anne, chúng ta có thể tìm thấy câu chuyện của chính mình bởi qua câu chuyện đó, chúng ta đọc thấy về chính sự tuyệt vọng và bất lực của chúng ta khi ở dưới sự rủa sả của Đức Chúa Trời và thể nào chúng ta được ra khỏi đó mà đến với sự vui mừng trong sự ra đời và chức vụ của Chúa Giêxu, Vị Vua thật của Ysơraên, thể nào giờ đây chúng ta được kêu gọi đáp lại Ngài bằng sự dâng chính mình hầu việc Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy trung tín với sự thề nguyện của mình trước mặt Đức Chúa Trời. Nếm trải ân điển Ngài, chúng ta hãy hết lòng hết ý tận hiến cho Ngài trong mọi phương diện của đời sống mình hầu tôn vinh hiển cho Ngài. Amen.

Lạy Cha thiên thượng quyền năng của chúng con. Lạy Chúa, một lần nữa chúng con cảm ơn Ngài khi một lần nữa được lắng nghe sứ điệp về sự cứu rỗi, được thấy thể nào chúng con được ra khỏi sự thống khổ mà vào sự sống, thể nào kế hoạch cứu rỗi của Ngài được bày tỏ ra khi Ngài ban cho dân Ysơraên một vị vua và thể nào Samuên chỉ về vị vua đó. Lạy Chúa, chúng con hướng về một Vị Vua vĩ đại hơn là chính Đấng Christ. Chúng con cảm ơn Ngài vì Đấng Christ là Đấng Giải Cứu của chúng con, là Đấng giải cứu chúng con khỏi tội lỗi và sự thống khổ, là Đấng chuộc mua chúng con, là Đấng trả thay tội lỗi chúng con, là Đấng mang chúng con từ sự trống rỗng mà vào sự sống vui mừng bình an. Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa cho chúng con đừng ngồi yên như những kẻ vô ơn, như những kẻ chẳng hề để tâm đến việc làm trọn lời thề nguyện của mình cùng Ngài. Xin cho chúng con sống đời sống trung tín, vâng lời Ngài trong mọi lời nói, việc làm, tư tưởng của chúng con. Xin Ngài tha thứ những khiếm khuyết của chúng con và ban cho chúng con một ao ước mãnh liệt hơn muốn sống trung tín trong sự thờ phượng và tôn vinh hiển Ngài trong mọi sự. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu. Amen.

Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)