Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Samuên > Saulơ Đăng Quang - 01/2005  


SAULƠ ĐĂNG QUANG
(1Samuên 10:17-27)

Tháng Giêng 2005

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Chúa Giêxu Christ. Chúng ta vừa mới đọc xong phần sau của đoạn 10 sách 1Samuên. Quí vị có kinh ngạc, sửng sốt, thất kinh không? Dân Ysơraên thật đã sẵn sàng tôn Saulơ làm vua mình. Đây có phải là một sai lầm không? Đây có phải là một hành vi tội lỗi kinh khiếp của dân Ysơraên không? Làm thể nào điều này lại là sai lầm khi chúng ta đã thấy xuyên suốt những phần Kinh Thánh trước rằng Đức Chúa Trời can thiệp trực tiếp và tường tận vào mọi chi tiết nhỏ nhất trong việc hướng dẫn chọn lựa Saulơ làm vị vua đầu tiên của dân Ysơraên? Giờ đây cũng chính Đức Chúa Trời, qua tiên tri của Ngài là Samuên, triệu tập dân sự lại để tôn Saulơ làm vua, để công bố rằng Saulơ đã được chọn làm vua. Nếu thế thì chúng ta không nên sửng sốt thất kinh! Có lẽ sự việc cũng không đến nỗi tồi tệ! Có lẽ Saulơ sẽ là một vị vua chấp nhận được. Ông có vẻ vô hại, khiêm nhường, dè dặt và ít nhiều đáng tôn trọng. Có lẽ chúng ta nên nhìn thấy sự lựa chọn và đăng quang của Saulơ như là việc lành. Xét cho cùng, theo như Kinh Thánh cho chúng ta biết, ông là người mà Đức Chúa Trời đã lựa chọn. Đavít sau này nói đến Saulơ là người được Đức Chúa Trời xức dầu. Liệu chúng ta đồng tình một ý kêu gào bảo dân Ysơraên xoay hướng khỏi đường lối mình mà bãi bỏ đi việc đăng quang này hay chúng ta sẽ reo lên những lời khích lệ tán đồng rằng dân Ysơraên giờ đây đã có một vua mà Đức Chúa Trời lựa chọn? Kinh ngạc, sửng sốt, thất kinh? Hay tán đồng, khích lệ, vui mừng? Quí vị đang đứng phía bên nào? Hoặc giả quý vị không hoàn toàn đứng bên nào mà đang ở vị trí trung dung: trong tâm trạng phần nào phấn khởi với những gì đang diễn ra và cũng phần nào bi quan? Hoặc quý vị đang trong tâm trạng hoang mang? Nếu thế, quý vị đang có nhiều đồng minh, bởi đa số các nhà giải kinh cũng cảm thấy hoang mang như vậy.

Câu trả lời đúng là khi đọc đến 1Samuên đoạn 10, chúng ta nên hết sức kinh hoàng và ghê tởm trước phản ứng của dân Ysơraên trong phần Kinh Thánh này. Tận đáy lòng chúng ta phải thét lên: "Dân Ysơraên ơi, đừng làm như thế!" Khi học phần Kinh Thánh này, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ thấy rõ hơn mức độ trầm trọng của tội lỗi dân Ysơraên. Trong câu 17 chúng ta thấy "Samuên nhóm hiệp dân sự trước mặt Đức Giêhôva tại Míchba." Có hai điểm trong câu này mà tôi muốn nhấn mạnh. Trước hết, họ được nhóm hiệp lại "trước mặt Đức Giêhôva". Họ được kêu gọi nhóm hiệp trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Những gì họ sẽ nhìn thấy và nghe ngày hôm nay không phải là bởi riêng Samuên nhưng họ sẽ xem Samuên nói và hành động bởi lời của Đức Chúa Trời. Những lời này không do nơi Samuên mà do nơi Đức Chúa Trời. Thứ hai, chúng ta hãy để ý địa điểm nơi đây. Nhiều lần trong Kinh Thánh, cũng như trong phần Kinh Thánh này, địa điểm của sự kiện có ý nghĩa quan trọng. Samuên quyết định nhóm hiệp dân sự tại đâu? Ông nhóm hiệp họ tại Míchba. Chúng ta còn nhớ gì về Míchba không? Chúng ta đã đọc về địa danh này trước đây ra sao? Nếu trở lại chừng vài đoạn trước chúng ta sẽ thấy ý nghĩa của Míchba. Trong đoạn 7 chúng ta thấy dân Ysơraên đã nhóm hiệp tại địa điểm này. Tại đây dân sự nhóm hiệp trước mặt Đức Giêhôva với tấm lòng ăn năn. Chính tại Mích ba mà dân Ysơraên kêu nài Samuên kêu cầu cùng Đức Chúa Trời cho họ, xin ông làm người trung bảo cho họ với Đức Chúa Trời. Chính tại nơi này dân Philitin nhóm hiệp dàn trận nghịch cùng dân Ysơraên. Chính tại Míchba mà Đức Chúa Trời sai sấm sét trên quân đội Philitin và đánh bại họ cách vẻ vang. Chính tại chỗ này đã dựng lên hòn đá mang tên Êbênêxe: "Đức Giêhôva là sự tiếp trợ tôi".

Chúng ta nghĩ sao? Có phải Samuên triệu tập dân Ysơraên tại đây chỉ vì đây là một nơi nhóm hiệp thuận tiện nhất không hay ông đang muốn báo hiệu cho dân sự rằng một điều gì đó quan trọng hơn đang diễn ra? Động cơ của Samuên là gì? Chẳng phải trong sự lựa chọn địa điểm Mích ba này Samuên đang nói với dân Ysơraên rằng: "Hãy nhìn xuống dưới kia, nhìn về hòn đá Êbênêxe! Hãy nhớ đến Vị Vua ban chiến thắng cho các ngươi ngày hôm đó! Hãy nhớ lại ai đã đánh bại dân Philitin! Hãy nhớ lại ngày mà các ngươi đến với Đức Giêhôva với tấm lòng ăn năn chân thật. Hãy nhớ lại thể nào tiên tri Samuên kêu nài cùng Đức Chúa Trời và Ngài tha tội cho các ngươi. Hãy nhớ lại thể nào tại nơi này Đức Chúa Trời đã ban phước cho các ngươi bởi sự hiện diện Ngài! Giờ đây, hỡi dân Ysơraên, hãy nhóm hiệp tại Mích ba này và ăn năn về yêu cầu tội lỗi muốn có một vua của mình. Hãy đến! Hãy tôn cao và tán mỹ Đức Giêhôva làm vua mình!" Chúng ta thấy rằng địa danh Mích ba thu hút sự chú ý đến vương quyền của Đức Chúa Trời một cách rất rõ ràng. Chúng ta được nhắc nhở về sự lãnh đạo của Đức Chúa Trời trên dân Ysơraên. Nó nói với dân Ysơraên rằng sự đăng quang của Saulơ là không cần thiết. Họ đã có một Vị Vua!

Mục đích của sự nhóm hiệp này là kêu gọi dân sự trở lại, ăn năn về sự chống nghịch Đức Chúa Trời mình mà đến với Ngài. Sứ điệp này không phải được gợi ý ra một cách bất chợt như thế chỉ bởi địa điểm của cuộc nhóm hiệp này. Đức Chúa Trời phán bảo với dân Ysơraên một cách rất mạnh mẽ trong lời phán Ngài. Câu 18 và 19 là lời Đức Chúa Trời phán cùng dân sự nhóm hiệp lại. Kiểu mẫu được dùng để truyền đạt sứ điệp này rất hay. Sứ điệp của Đức Chúa Trời ban cho Samuên để phán bảo cho dân sự đi theo một kiểu mẫu mà các tiên tri hay dùng và Samuên hẳn nhiên là một trong những tiên tri đó. Kiểu mẫu này được gọi là "công thức của các tiên tri." Khi đọc đoạn Kinh Thánh, có vài chữ đập vào mắt chúng ta. Câu mở đầu của sứ điệp tiên tri là: "Giêhôva Đức Chúa Trời của Ysơraên có phán như vầy". Câu này không chỉ xuất hiện tại đây mà thôi. Nếu chúng ta quen thuộc với Kinh Thánh, chúng ta sẽ nhận ra rằng câu này xuất hiện hầu như trong hết thảy các sách tiên tri Cựu Ước. Khi Đức Chúa Trời đến với dân Ysơraên qua các tiên tri Ngài, Ngài sẽ phán cùng họ rằng: "Giêhôva Đức Chúa Trời phán như vầy" và dân sự sẽ lắng nghe vị tiên tri bởi vị tiên tri đang rao ra lời Đức Chúa Trời. Đây là điều Đức Chúa Trời muốn phán cùng ngươi, vị tiên tri là phát ngôn viên của Đức Chúa Trời, rao ra lời Ngài. Dân Ysơraên phải lắng nghe vị tiên tri phán. Thế thì công thức của các tiên tri bắt đầu bởi câu: "Giêhôva Đức Chúa Trời có phán như vầy."

Khía cạnh thứ hai của sứ điệp tiên tri là sự nhắc nhở về ân huệ của Đức Chúa Trời cho họ. Đây là cách mà nhiều tiên tri bắt đầu lời tiên tri của họ, bằng cách nói với dân sự rằng: "Hãy xem, đây là những gì Đức Chúa Trời đã làm cho các ngươi. Các ngươi có thể nhìn thấy sự nhân từ, năng quyền Ngài thể hiện vì các ngươi không?" Đây là phần nói lên lời tuyên bố của Đức Chúa Trời trên dân sự Ngài: Tại sao họ cần phải vâng lời Ngài? Tại sao việc ở trong mối thông công của Ngài thật ra là vì lợi ích của họ? Tại sao họ phải ăn năn hết lòng? Trong đoạn Kinh Thánh của chúng ta hôm nay, chẳng phải Đức Chúa Trời cũng đang phán bảo với dân Ysơraên như thế sao? Đức Chúa Trời nhắc lại cho dân sự việc Ngài giải cứu họ khỏi Êdíptô. Khi còn ở Êdíptô, họ chẳng là gì cả, họ là một dân cúi đầu cam chịu kiếp nô lệ. Họ bị người Êdíptô hà hiếp. Họ còn khó tồn tại nổi bởi người Êdíptô chèn ép không cho họ phát triển. Vậy mà giờ đây họ đã trở nên một dân tộc sống trong xứ mà Đức Chúa Trời ban cho. Đức Chúa Trời chiến cự cách mạnh mẽ cho họ. Họ vừa mới chứng kiến xuyên suốt sách Giôsuê thể nào các dân ngã quỵ trước mặt họ khi Đức Chúa Trời chiến cự cho dân sự Ngài. Đức Chúa Trời chiến cự cùng các dân tộc. Những thành kiên cố và những dân giềnh giàng trước đây từng khiến họ kinh hãi đã lần lượt ngã xuống trước dân Ysơraên có phải không? Không! Chúng ngã xuống bởi quyền năng của Đức Chúa Trời. Lời Kinh Thánh tại đây cho thấy những lợi ích của việc có Đức Chúa Trời làm vua. Là vua trên dân Ysơraên trong suốt thời Môise và Giôsuê, Đức Chúa Trời dẫn dắt dân sự đắc thắng trên các vua, các nước.

Chúng ta hãy xem dân Ysơraên muốn gì? Họ muốn có vua giống như các dân tộc khác. Những vua của các dân tộc này đã ngã gục trước quyền năng của Đức Chúa Trời. Làm sao dân Ysơraên lại muốn có một vua như thế khi đã có Vị Vua này rồi? Ý này lại được nhấn mạnh bởi câu Kinh Thánh nói rằng các vua đó đã hà hiếp dân Ysơraên. Các dân tộc này cùng với các vua họ là những kẻ hà hiếp như Samuên đã nói trong đoạn 8, rằng khi dân Ysơraên muốn một vua thì vua đó cuối cùng sẽ trở nên kẻ hà hiếp họ. Có Đức Chúa Trời làm vua mình là hết sức có lợi cho họ. Đức Chúa Trời đang phán cùng họ: "Hãy nhìn xem ta và những gì ta đã làm cho các ngươi." Trong câu 19, Ngài chuyển trọng tâm sang dân Ysơraên. Đức Chúa Trời phán cùng dân sự Ngài rằng: "Ta đã giải cứu các ngươi, ta đã ban cơ nghiệp cho các ngươi nhưng các ngươi đã từ chối ta mà tìm đến một vua của đời này." Làm sao dân Ysơraên lại khước từ Đức Chúa Trời để đổi lấy Saulơ? Hỡi dân Ysơraên! Các ngươi đã lắc đầu trong sự yên lặng đáng sững sờ. Các ngươi đã khước từ Chúa mình!

Phần thứ ba trong sứ điệp tiên tri là sự định tội. Nhiều tiên tri trong dân Ysơraên khi đến với dân sự rao cho họ lời định tội cụ thể. Ở đây lời định tội đã được công bố. Họ bị định tội là khước từ Đức Chúa Trời mình. Đó là một sự quở trách nghiêm trọng đáng sợ mà Đức Chúa Trời rao ra cho dân sự Ngài trong phần Kinh Thánh này. Trong sự dại dột tội lỗi của mình, họ đã xây lưng lại với Đức Chúa Trời mình. Thật là không tin nổi! Họ đã quay lưng lại với Đấng Cứu Chuộc mình! Họ đã quay lưng lại để đi theo một con người, một con người không danh tiếng gì mang tên Saulơ! Hãy nghe lời tuyên bố tiên tri của Đức Chúa Trời mà Samuên đang rao báo rồi chúng ta sẽ thấy mình nhấp nhỏm như chờ đợi điều gì đó sẽ xảy ra. Bởi sau sự định tội, chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra: Sự rủa sả và đoán phạt của Đức Chúa Trời sẽ giáng trên dân sự tội lỗi này bởi họ đã khước từ Đức Chúa Trời mình! Chúng ta sẽ ngồi nhổm mà chờ đợi sấm sét giáng xuống, đất hả miệng nuốt họ đi hay một điều gì đó thể hiện sự rủa sả và công bình của Đức Chúa Trời đối cùng một tội lỗi kinh khiếp như thế. Hầu hết trong những sứ điệp tiên tri, tiếp theo đây là đến lời kết án. Nó sẽ được tiếp theo ngay đây hay ít ra cũng được công bố. Các ngươi bị rủa sả bởi những lý do như thế... Dân Ysơraên lẽ ra đáng bị rủa sả vì tội khước từ Đức Chúa Trời.

Câu 19 chép, "Vậy bây giờ..." chúng ta chắc sẵn sàng nghe xem sự đoán phạt là gì! "Vậy bây giờ hãy ứng hầu trước mặt Đức Giêhôva từ chi phái và từ hằng ngàn người." Sao vậy kìa? Câu này nghe có vẻ vô thưởng vô phạt phải không? Thử xem lại xem. Có lẽ Đức Chúa Trời còn điều gì nữa không? Sao không thấy sự đoán phạt nào? Chẳng lẽ Đức Chúa Trời cho qua luôn sao? Một nhà giải kinh cho rằng phần đoán phạt không nhắc đến bày tỏ sự nhân từ của Đức Chúa Trời. Tại sao họ vừa mới nghe công bố về tội lỗi mình xong thì Ngài đã tha thứ cho họ và sẵn sàng tiến tới? Tôi không nghĩ vậy. Sự đoán phạt của Đức Chúa Trời cho dân Ysơraên đến ngay tại chỗ của nó. Thế thì sự đoán phạt đó là gì? Ấy chính là sự lựa chọn Saulơ làm vua họ. Sự công bố án phạt không bị bỏ đi mà nó đến ngay trong việc ban cho dân Ysơraên chính điều họ muốn: Một vua! Một vua đời này! Một vua như các dân tộc khác! Trong phần Kinh Thánh của chúng ta, sự đoán phạt dành cho việc dân sự đòi một vua và việc ban cho một vua trùng hợp chính xác tại một điểm. Sứ điệp của Samuên trong câu 18 và 19 cho thấy rõ việc Saulơ đăng quang chính là sự đoán phạt của Đức Chúa Trời cho dân Ysơraên.

Rất có thể rằng chính quá trình chọn lựa Saulơ làm vua cũng cho thấy điều đó nữa. Quá trình bố trí dân sự đứng riêng ra từ chi phái và từ hằng ngàn người được tìm thấy ở một số ít các phần Kinh Thánh khác tuy nhiên nó bày tỏ một điều gì đó. Chúng ta nhớ đã gặp diễn trình này trong Giôsuê đoạn 7 khi Acan đánh cắp của cải trong thành Giêricô và cả dân sự phải chịu khổ vì một tội lỗi đó. Đức Chúa Trời bảo dân sự đi ngang trước mặt Giôsuê rồi Ngài chỉ ra một chi phái, rồi một họ hàng, rồi một gia trưởng... và rồi Acan bị chỉ ra. Chúng ta cũng sẽ thấy điều này tương tự như vậy trong 1 Samuên đoạn 14 khi chép về câu chuyện Saulơ và Giônathan bị chỉ ra bởi Saulơ đã ra một lời thề vội vàng và Giônathan vô tình vi phạm lời thề đó. Saulơ và Giônathan bị chỉ ra và Đức Chúa Trời tỏ ra rằng Giônathan vi phạm lời thề đó. Bởi đó, xét một cách nghiêm túc, theo lời của Saulơ, Giônathan phải bị giết. Chúng ta thấy việc bắt thăm cũng được sử dụng trong việc chỉ ra Giôna. Chúng ta thấy có sự tương tự trong những quá trình đó. Quá trình đó có thể dùng để chỉ ra ai đó mắc một tội lỗi nghiêm trọng nào đó cần phải bị xử phạt. Tôi cảm thấy dường như chính quá trình chọn lựa Saulơ ở đây nhấn mạnh vấn đề tội lỗi ẩn giấu trong khao khát có một vua đời này của dân Ysơraên. Saulơ được chỉ ra như là hiện thân của tội lỗi của dân Ysơraên.

Một điểm khác cũng tỏ ra điều này nữa. Chúng ta thấy có một điểm tương đồng rất sát giữa 1Samuên đoạn 10 và Các Quan Xét khi chép về Ghiđêôn. Chúng ta nhớ rằng Đức Chúa Trời chọn lựa Ghiđêôn làm người giải cứu dân Ysơraên hầu đánh bại kẻ thù của họ lúc bấy giờ là dân Mađian. Trong thời Saulơ, kẻ thù đó là dân Philitin. Đức Chúa Trời cung ứng người giải cứu cho dân sự. Người lãnh đạo của dân sự Ngài được chính Ngài trực tiếp kêu gọi vào chức vụ. Trong cả hai trường hợp của Saulơ và Ghiđêôn, chúng ta thấy có một sự thoái thác. Hai người này dường như không thấy bảo đảm về sự kêu gọi của mình nên cần phải có những dấu hiệu để củng cố sự nhận biết rằng mình đã được Đức Chúa Trời kêu gọi vào trách nhiệm đó. Trong cả hai trường hợp, chúng ta thấy dân sự Đức Chúa Trời muốn tôn hai người làm vua. Trong trường hợp của Ghiđêôn, chúng ta thấy đây là lần đầu tiên dân Ysơraên muốn ném bỏ khuynh hướng của Đức Chúa Trời mà tìm lấy một vua đời này cho mình. Tuy nhiên, bởi ơn Đức Chúa Trời, Ghiđêôn khước từ điều đó. Ông biết rằng đó không phải là ý muốn Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã không chọn lựa ông làm vua. Ông vâng phục Đức Chúa Trời và vì thế nổ lực đầu tiên của dân Ysơraên muốn tôn một vua cho mình bị thất bại. Chúng ta cũng thấy trong Các Quan Xét đoạn 9 rằng con trai của Ghiđêôn là Abimêléc muốn làm vua. Giôtham lên tiếng cảnh giới dân sự rằng một vua như thế chỉ là một vua hung tàn và họ không nên chọn Abimêléc làm vua. Điều thú vị là Ghiđêôn đặt tên con mình là Abimêléc. "Mêléc" trong tiếng Hêbơrơ có nghĩa là "vua" và "Abi" nghĩa là "cha tôi". Liệu có thể nào là khi Ghiđêôn khước từ tước vị vua, lòng ông vẫn còn nuôi ao ước mong manh được làm vua? Việc đặt tên con là "cha tôi là vua" bày tỏ ao ước trong tấm lòng Ghiđêôn. Tuy nhiên, cuối cùng, tấm lòng đó đầu phục ý chỉ của Đức Chúa Trời. Thế nhưng trong phần Kinh Thánh hôm nay của chúng ta, chúng ta thấy Saulơ không đầu phục Đức Chúa Trời. Ông đã chấp nhận lời đề nghị mà Ghiđêôn đã sáng suốt khước từ.

Saulơ được chọn làm vua nhưng người ta không thấy ông đâu cả. Ông đang trốn sau mớ đồ đạc. Các nhà giải kinh đưa ra nhiều ý kiến khác nhau ở đây. Ý thứ nhất, cũng là ý phổ biến nhất, là Saulơ là một người khiêm nhường, rằng ông không phải là loại người theo đuổi chức tước mà bởi khiêm tốn ông đi ẩn trốn. Ý kiến thứ hai là Saulơ, dù được Đức Chúa Trời kêu gọi vào chức vụ đó, cảm thấy mình không xứng đáng cho sự kêu gọi vĩ đại đến thế. Ông là một người hay thẹn và khiêm nhường, một người e sợ người khác, một người ít nhiều miễn cưỡng không muốn nhận tước vị đó. Vì thế ông cần được dỗ dành khích lệ mới nhận lấy chức vụ. Cả hai ý kiến đó nói đến tính khiêm nhường, không đủ sức so với chức vụ... tỏ ra ít nhiều cảm thông với Saulơ. Saulơ khiêm nhường, không đủ sức... Chúng ta ai nấy cũng có lúc thiếu kém đặc biệt là trước một chức vụ lớn lao như thế. Có lẽ chúng ta cũng nên cảm thông với ông!

Tôi cho rằng suy nghĩ đó chưa sát với diễn tiến tại đây. Tôi cho rằng việc ông ẩn mình khỏi dân sự tại đây không cho thấy ông là một người dễ mến mà cho thấy ông là một người lãnh đạm thờ ơ. Hãy xem: Ông là một người cao lớn hơn mọi người từ vai trở lên, mạnh khỏe, đẹp trai. Vậy mà ông chạy đi trốn. Thế thì chúng ta tự hỏi: "Đây là vua tương lai của dân Ysơraên đây sao?" Đàng sau dáng vẻ bên ngoài này của Saulơ: một người cao lớn đẹp trai, dường như chúng ta nhìn thấy một người hèn nhát. Bên trong lớp vỏ này chúng ta tìm thấy một con người rất yếu đuối nhu nhược. Điều này dường như thích hợp với chiều hướng của đoạn Kinh Thánh này và tính cách của Saulơ sau này nữa. Saulơ này là người đứng cao hơn hết thảy dân sự một cái đầu nhưng ông đã làm gì khi đứng trước Gôliát? Có phải ông nói rằng: "Tôi có thể đối đầu với hắn" và can đảm ném hòn đá khiến Gôliát ngã gục không? Không hề! Saulơ trốn tránh trách nhiệm của mình, đi vào trại mình và hèn nhát như mọi người trong trại quân Ysơraên. Đến khi một chàng thiếu niên đến bảo ông rằng chàng sẽ ra chiến đấu cùng Gôliát, vẻ can đảm của ông biến mất hoàn toàn. Sự hèn nhát lộ rõ: Ông sai cậu thiếu niên ra trận chiến đấu thay cho mình. Chúng ta thấy ông không phải là một con người mạnh mẽ để người khác trông cậy. Ông bên ngoài có vẻ thích hợp với tước vị vua nhưng bên trong là một người hèn nhát yếu đuối. Ông không phải là người đặt lòng tin nơi Đức Chúa Trời mà tiến bước ra trận không hề sợ hãi. Ông hoàn toàn trái ngược với Đức Chúa Trời và với vị vua kế tiếp của dân Ysơraên mà tôi đã đề cập đến là Đavít, một người dù không có dáng vẻ bề ngoài nhưng chắc chắn có tấm lòng. Sự can đảm của Đavít tỏ rõ ra, ông thích hợp với tước vị vua vì ông tin cậy Đức Chúa Trời.

Chúng ta thấy tính cách của vua Saulơ: Ông không xứng đáng với sự kêu gọi được ban cho mình. Làm sao dân Ysơraên không thấy được sự dại dột mình? Việc Saulơ đi ẩn mình cho người đọc phần Kinh Thánh này một sự mô tả rõ nét hơn về tình trạng tội lỗi của dân Ysơraên. Họ chẳng ngồi thụ động nghe Samuên quở trách cũng không ăn năn sự dại dột tội lỗi của mình. Thật ra việc tìm không thấy Saulơ khiến họ làm gì? Việc đó buộc họ phải cầu hỏi Đức Chúa Trời một lần nữa. Họ không cứ để mặc cho sự việc ra sao thì ra, họ phải cầu hỏi Đức Chúa Trời một lần nữa. Quí vị thấy họ đương đầu cùng Đức Chúa Trời, điều đó được thể hiện rõ trong phần Kinh Thánh này: Bất chấp sự quở trách, họ đang tìm kiếm Saulơ và kêu cầu Đức Giêhôva rằng: "Xin giúp chúng tôi tìm ra vua của chúng tôi" Tại đây có một sự chơi chữ khá thú vị: Tên "Saulơ" có nghĩa là "cầu hỏi". Một nhà giải kinh nói rằng: "Họ đang cầu hỏi cho được Cầu Hỏi." Việc chẳng tìm thấy Saulơ buộc họ cầu hỏi Đức Giêhôva để tìm vua họ. Họ không chỉ ngồi yên để sự việc diễn tiến đến đâu hay đến đó. Ngược lại họ tích cực theo đuổi việc có vua. Khi Đức Chúa Trời cho họ biết Saulơ ở đâu, chúng ta thấy họ phản ứng thế nào? Kinh Thánh nói "Người ta chạy tìm người tại chỗ đó." Chúng ta có thể hình dung được điều này phải không? Khi Đức Chúa Trời cho họ biết Saulơ ở đâu, dân sự chạy đi tìm ông. Họ háo hức tìm kiếm Saulơ. "Saulơ đâu rồi? Vua của chúng ta đâu rồi?"

Chúng ta rất cần biết rằng Saulơ không dự phần trong câu chuyện lịch sử cứu chuộc. Dường như ông không thể làm gì ngoài việc chấp nhận sự kêu gọi cho mình. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là Saulơ không phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của mình trong vấn đề này. Chúng ta thấy Saulơ có thể đã khước từ, thật ra, ông lẽ ra đã nên khước từ một cách mạnh mẽ hơn. Saulơ lẽ ra nên vật lộn như Giacốp vật lộn cùng Đức Chúa Trời, bảo rằng ông không chịu cho đi nếu Đức Chúa Trời không ban phước cho ông. Tôi muốn chúng ta để vài phút tự hỏi: "Liệu chúng ta sẽ làm gì nếu chúng ta ở trong vị trí của Saulơ?" Chúng ta biết, bởi toàn thể dân Ysơraên đều biết, rằng Đức Chúa Trời không muốn dân Ysơraên có vua và ước muốn có vua là một sự phế truất Đức Chúa Trời. Nó đồng nghĩa với việc khước từ không muốn Đức Chúa Trời làm vua họ nữa. Trong trường hợp đó, chúng ta sẽ làm gì? Liệu chúng ta có nói "Không, thưa Chúa! Con không muốn tước vị này. Con không muốn thay chỗ của Ngài. Con không muốn làm vua dân Ysơraên mà không được Ngài ban phước, không có lời hứa của Ngài rằng Ngài cứ làm Vua của con và con cứ làm tôi tớ Ngài. Con không muốn tôn mình lên trên Ngài."

Đức Chúa Trời không cám dỗ Saulơ phạm tội. Kinh Thánh cho chúng ta biết rõ ràng rằng Đức Chúa Trời không hề cám dỗ Saulơ mà rằng: "Thôi nào, Saulơ, cứ nhận tước vị vua đi! Không sao đâu!" Đây rõ ràng là một sự thử thách của Đức Chúa Trời cho Saulơ tương tự như thử thách dành cho Ađam vậy. Ađam đứng trước cây biết điều thiện và điều ác, ông nghĩ mình có thể được như Đức Chúa Trời và ông ăn trái cây đó. Giống như Ađam, Saulơ nhiệt tình sẵn sàng mà đặt mình vào chỗ Đức Chúa Trời và dân Ysơraên cùng hiệp tác trong tội lỗi của ông khi họ la lên rằng: "Nguyện vua vạn tuế!" Nó có nghĩa là: "Chúng tôi chấp nhận người được ban cho chúng tôi."

Saulơ là người mà Đức Chúa Trời đã chọn lựa. Đoạn Kinh Thánh của chúng ta nói rất rõ: "Các ngươi có thấy người mà Đức Giêhôva đã chọn chăng?" Thế thì làm thế nào sự lựa chọn của Đức Chúa Trời lại sai lầm được? Đoạn 8 câu 18 chép, "Bấy giờ các ngươi sẽ kêu la vì cớ vua mà các ngươi đã chọn, nhưng Đức Giêhôva không nghe các ngươi đâu." Hai điều đó có mâu thuẩn với nhau không? Đức Chúa Trời lựa chọn hay dân Ysơraên lựa chọn? Đoạn Kinh Thánh của chúng ta cũng như cả phần Kinh Thánh từ đoạn 8 đến đoạn 12 cho thấy rằng Đức Chúa Trời chọn lựa vị vua mà dân Ysơraên ao ước. Nếu nói theo cách nói của Tân Ước, chúng ta có thể nói rằng Đức Chúa Trời phó họ cho sự tham dục của lòng mình. Đức Chúa Trời ban cho họ điều họ muốn. Ngài ban cho họ một vị vua theo đời này, một vị vua hèn nhát, một vua chẳng lãnh đạo họ như Đức Chúa Trời được.

Cuối cùng, Kinh Thánh cho chúng ta biết Samuên đặt một quyển sách trước mặt Đức Chúa Trời. Quyển sách này nêu bật tính mãnh liệt của phần Kinh Thánh này rằng hành động của dân Ysơraên là đáng bị định tội. Samuên đặt trước mặt Đức Chúa Trời một quyển sách nêu bật cung cách của một vua. Cách nói ở đây giống y như ở đoạn 8 câu 11: "Nầy là cách của vua sẽ cai trị các ngươi. Người sẽ bắt con trai các ngươi đặng đánh xe mình, hoặc đặt vào quân kị, để chạy trước xe của người." Đó là cách xử sự của một vua. Khi Samuên chép những điều đó trong một quyển sách và đặt trước mặt Đức Giêhôva, ông đang nói với dân Ysơraên rằng: "Hãy xem! Một lúc nào đó các ngươi sẽ đọc quyển sách này và ta sẽ nói với các ngươi rằng ta đã bảo các ngươi rồi. Đây là hậu quả tội lỗi của các ngươi. Hình phạt cho việc chọn lựa Saulơ đã đến."

Kính thưa hội thánh, chúng ta đã nhìn thấy tội lỗi ghê tởm của dân Ysơraên. Tôi hy vọng rằng giờ đây chúng ta đã thấy kinh hoàng trước cung cách tội lỗi của họ khi khước từ Đức Chúa Trời. Tuy nhiên để chúng ta khỏi đứng đó kinh hoàng quở trách dân Ysơraên mà không nhìn vào chính lòng mình, chúng ta hãy tự nhắc nhở về những sự "tìm kiếm vua" của chính mình.

Có những người xưng nhận là Cơ Đốc Nhân trong hội thánh tìm cách đặt mình hay người khác vào chỗ của Đức Chúa Trời. Họ tôn con người hay thậm chí những người chết lên chỗ của Đức Chúa Trời. Đó là những vua và thần tượng đời này mà người ta muốn hầu việc. Những thần tượng đó bị lu mờ khi so sánh với Đấng Christ. Nhìn bên ngoài những thần tượng đó có thể trông giống như vị cứu tinh vĩ đại của chúng ta. "Nếu như con có nhiều tiền hơn, Chúa ơi, con có thể làm gì cho vương quốc Ngài? Con có thể làm gì cho gia đình con? Nếu như con có nhiều điều thú vị hơn thì chắc là cuộc đời sẽ vui hơn, con sẽ vui hưởng cuộc sống nhiều hơn, rồi thì con sẽ hạnh phúc hơn. Chúa ơi, nếu Ngài ban cho con điều đó... khi ấy con sẽ hạnh phúc hơn. Hay nếu Chúa ban cho con một người vợ hay một người chồng mà con có thể gần gũi thân mật thì con sẽ hạnh phúc. Nếu Chúa ban cho con nhiều quyền lực hơn nhiều ảnh hưởng hơn thì con sẽ thỏa lòng. Hãy ban cho con một vua đời này, một Chúa của đời này có khả năng giúp con thoát khỏi cuộc sống rối rắm này, khỏi những vấn nạn của con..."

Chúng ta thấy vua chúa thần tượng đời này không ra chi trước Đức Chúa Trời. Những điều đó là tội lỗi và chúng ta không được để lòng mình bị lôi cuốn mà tìm kiếm những điều này thay cho Đức Chúa Trời vĩ đại mình. Xin chúng ta đừng để lòng mình cúi xuống trước những điều đó. Thay vào đó, hãy tìm kiếm và thay vào chỗ những thần tượng đó bằng một Vua theo lòng Đức Chúa Trời. Hãy tìm kiếm Vị Vua thật, Vị Vua Công Bình, Đấng cũng là Đức Chúa Trời. Hãy tìm kiếm Đấng Christ, Đấng ngồi trên ngai đời đời và hầu việc một mình Ngài mà thôi!

Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)