SAULƠ QUA ĐỜI
(1Samuên 31)
Tháng Tám 2006
Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong Chúa Giêxu Christ. Saulơ bước vào trận chiến cuối cùng này với người Philitin dưới sự rủa sả của Đức Chúa Trời. Chúng ta còn nhớ trong đoạn 28, trong chuyến viếng thăm bà bóng ở Ênđôrơ, ông đã được báo cho biết rằng mình chắc sẽ qua đời trong trận chiến này. Điều này chắc chắn sẽ xảy đến bởi Saulơ đã phạm tội cùng Đức Chúa Trời trong đoạn 15 khi tha chết cho vua Amaléc. Nước Ysơraên sẽ bị cất lấy khỏi ông và các con trai ông như là hậu quả của sự bất tuân của ông đối cùng Đức Chúa Trời. Thế nên đến với đoạn 31, chúng ta không mấy gì ngạc nhiên về diễn tiến của nó bởi chúng ta đã biết trước điều gì sẽ xảy ra. Điều đã được tiên báo giờ đây đã đến.
Thế thì chúng ta có vui mừng khi triều đại của Saulơ đã đến hồi chung cuộc không? Con người cứ theo đuổi hành hạ Đavít vô tội mãi giờ đây đã bị cất bỏ. Vị vua cứng lòng ngang nghịch của Ysơraên cuối cùng sẽ bị thế chỗ bởi một vua theo lòng Đức Chúa Trời. Cuối cùng Đavít sẽ lên ngôi, sẽ được sống yên ổn mà không còn phải bị đe dọa mạng sống bởi cuộc truy đuổi của Saulơ nữa. Người theo lòng Đức Chúa Trời sau cùng sẽ lên ngôi vua Ysơraên. Saulơ giờ đây phải chịu Đức Chúa Trời phán xét. Đời ông thế là xong! Tuy nhiên, chúng ta không tìm thấy sự vui mừng nào trong đoạn 31 với sự chết của Saulơ. Sách 1Samuên kết thúc với sự buồn rầu rất nghiêm túc. Chúng ta không vui mừng thậm chí với cái chết của vị vua tội lỗi ngang nghịch này. Chúng ta tạm biệt sách 1Samuên với một tấm lòng nặng trĩu. Vua đầu tiên của Ysơraên bị đánh bại và sỉ nhục bởi tay người Philitin, kẻ thù của Ysơraên.
Trở về với phần mở đầu của sách, sách 1Samuên bắt đầu với tình trạng không có vua. Cái điệp khúc cuối cùng của sách Các Quan Xét, là sách ngay trước 1Samuên, vẫn còn vang lên: "Đương lúc đó, không có vua trong Ysơraên; ai nấy làm theo ý mình lấy làm phải." Cái chu kỳ lặp đi lặp lại của sách Các Quan Xét: bị xâm chiếm - người giải cứu - xâm chiếm - người giải cứu là kết quả của việc Ysơraên không có vua. Chu kỳ này không thể bị phá vỡ nếu không có vua. Thế nhưng giờ đây ở cuối sách 1Samuên, chúng ta chưa thấy chút tiến triển nào. Vua đầu tiên của Ysơraên chưa phá vỡ được chu kỳ đó. Tại đây dân Ysơraên vẫn còn y trong tình trạng của đoạn 4: bị đánh bại và sỉ nhục bởi kẻ thù là quân Philitin. Dân Ysơraên cần học được rằng họ không nên tìm kiếm một vua như các dân tộc khác. Đây là khuôn mẫu một vua mà họ khăng khăng đòi phải có trong đoạn 8. Thế nhưng Đức Chúa Trời sẽ dạy dân Ysơraên rằng một vua như thế sẽ phải chấm dứt dưới sự phán xét và rủa sả của Đức Chúa Trời. Ao ước muốn có một vua như những dân tộc khác sẽ dẫn đến sự phán xét cuối cùng đã tỏ ra như chúng ta đọc trong đoạn Kinh Thánh hôm nay. Thay vào đó dân Ysơraên phải tìm kiếm một vua mà Đức Chúa Trời chọn lựa, một vua theo lòng Đức Chúa Trời, mà không phải như các dân tộc khác.
Thế thì vua Saulơ đi đến một kết thúc hết sức nhục nhã. Bởi tội lỗi ông phạm cùng Đức Chúa Trời, vương quyền của ông trên Ysơraên đã kết thúc. Saulơ và ba con trai ông qua đời trong trận chiến với dân Philitin. Khi đọc đoạn Kinh Thánh này, chúng ta được kể về cái chết của ông một cách bình thường. Kinh Thánh không cho chúng ta nhiều chi tiết về trận chiến. Trọng tâm rơi vào sự qua đời của Saulơ và ba con trai ông. Chúng ta được cho biết rằng Saulơ đã qua đời, dân Ysơraên chạy trốn khỏi trận chiến. Người Philitin cứ tấn công Saulơ và ba con trai ông. Ba con trai Saulơ chết nhưng Saulơ thì bị thương nặng. Saulơ rất lo rằng người Philitin sẽ bắt ông làm phu tù, hành hạ, chế nhạo ông nên bảo chính người vác binh khí mình giết mình đi. Ông cầu cứu người bảo vệ mình cất mạng sống mình hầu ông thoát khỏi sự nhục nhã nếu phải bị bắt. Người vác binh khí của Saulơ sợ không dám thực hiện mệnh lệnh của ông có lẽ vì quá lo không dám cất mạng sống của vị vua Ysơraên. Ông không muốn cất đi mạng sống của người chịu Đức Chúa Trời xức dầu dù ông được đề nghị làm điều đó. Cũng có thể bởi lòng tôn trọng và yêu mến đối với vua, ông không thể vung gươm giết vua. Giống như Đavít, ông không giết người chịu xức dầu của Đức Chúa Trời. Vì thế Saulơ buộc phải tự cất mạng sống mình đi bằng cách ngã trên chính thanh gươm mình.
Khi đọc đến cuối phần này, chúng ta thấy sự sụp đổ của Saulơ đã hoàn tất. Chúng ta thấy lời tóm tắt của 1Samuên đoạn 31 câu 6 như là lời kết: "Như vậy, trong ngày đó, Saulơ, ba con trai người, kẻ vác binh khí người, và hết thảy kẻ theo người đều chết chung nhau." Sự chết của Saulơ và những người theo ông khiến chúng ta choáng ngợp. "Vì tiền công của tội lỗi là sự chết". Đoạn Kinh Thánh này thể hiện điều đó thật rõ ràng. Chúng ta biết vì sao Saulơ phải chết. Chúng ta biết ông bị Đức Chúa Trời rủa sả. Ông không vâng lời Đức Chúa Trời. Hậu quả trên nhà Saulơ là bởi tội lỗi ông. Nước Ysơraên cũng suy sụp với ông. 1Samuên 31:7 cho thấy không những Saulơ và các con trai ông bị ảnh hưởng mà cả Ysơraên cũng đồng chịu hậu quả. Dân Ysơraên thấy đạo binh Ysơraên chạy trốn, Saulơ và ba con trai ông đã chết , thì bỏ các thành mình mà trốn đi. Giờ đây các thành họ không có người bảo vệ nữa. Ysơraên sụp đổ. Các thành của nó giờ đây bị quân thù chiếm đóng. Đây là một ngày hết sức bi thảm cho Ysơraên. Hoàn toàn không có chút vui mừng nào trong sự suy sụp của Saulơ. Chỉ có sự đau thương mà thôi.
Tuy nhiên sự sỉ nhục cho Ysơraên và đặc biệt là cho riêng Saulơ không dừng lại ở đó. Sáng ngày hôm sau, dân Philitin đi ra lục soát những người lính, thu nhặt chiến lợi phẩm. Tại đó trên núi Ghinhbôa, họ tìm thấy các con trai Saulơ và chính Saulơ nữa. Họ tước lột khí giới của Saulơ, cắt đầu ông rồi loan báo cho khắp xứ dân Philitin rằng Saulơ đã bị đánh bại. Họ loan tin trong các đền thờ của người Philitin, tất nhiên với hàm ý rằng các thần của họ đã đánh bại thần của Ysơraên, rằng họ đã đắc thắng, sức mạnh của họ đã lấn át. Saulơ và các con trai ông đã bị giết. Họ mang binh khí Saulơ đặt trong đền thờ của họ. Họ phỉ báng xác Saulơ bằng cách treo nó vào tường thành Bếtsan. 1Sử ký đoạn 10 cho chúng ta biết sau khi đầu Saulơ bị cắt lìa ra, người Philitin đem treo nó trong đền thờ thần Đagôn. Nó bị treo tại đó cách nhục nhã. Chắc hẳn người Philitin làm điều này để tôn vinh các thần mình là những thần tượng mà họ cho rằng đã mang đến chiến thắng cho họ. Tuy nhiên, khi xem xét cách họ đối xử với Saulơ và xác ông, chúng ta thấy nó rất tương tự với cái chết của Gôliát. Tôi tin rằng có một sự tương đồng có chủ ý tại đây: chẳng hạn như cả hai đều bị lột binh khí và những binh khí đó đều được mang vào đặt trong những đền thờ. Rõ ràng rằng trong trường hợp của Đavít, binh khí của Gôliát được mang vào đền Đức Chúa Trời như lời chứng rằng chính Đức Chúa Trời đã ban cho ông chiến thắng trên Gôliát. Như Saulơ, đầu Gôliát cũng bị cắt đi. Thanh gươm của cả hai đều được sử dụng nghịch cùng họ. Hai người đều được mô tả là rất cao lớn, dáng vẻ mạnh mẽ. Thế thì Saulơ đã chịu cùng số phận của Gôliát. Chúng ta tìm thấy nhiều điểm thú vị khi đặt để hai nhân vật này cạnh nhau. Gôliát, người Philitin không chịu cắt bì, chống nghịch Đức Chúa Trời, chế nhạo thần của Ysơraên, đã bị phán xét. Saulơ, thuộc Ysơraên, là người xem thường lời Đức Chúa Trời, cũng phải chịu đồng một số phận.
Một điều thú vị nữa là cả hai đoạn Kinh Thánh 1Samuên 17 và 1Samuên 31 đều đề cập đến "người Philitin không chịu cắt bì". Saulơ lo ngại rằng những người không chịu cắt bì sẽ đâm ông và sỉ nhục ông. Trong những đoạn Kinh Thánh trước, khi đề cập đến "những kẻ không chịu cắt bì", nhóm từ này được nói đến bởi Giônathan và Đavít. Cả hai đề cập đến những người Philitin không chịu cắt bì như là nguồn động viên khích lệ cho mình. Bởi người Philitin là những người không chịu cắt bì, Đavít tin rằng họ không có quyền gì trên ông. Ông bước ra trước mặt Gôliát với sự can đảm lớn bởi Gôliát chỉ là một người Philitin không chịu cắt bì. Giônathan và người vác binh khí ông, chỉ hai người nghịch cùng cả đạo binh Philitin, bước đi không sợ hãi bởi Giônathan biết, như lời chứng của ông trong 1Samuên 14, những người này chỉ là những người Philitin không chịu cắt bì. Những người không chịu cắt bì không được những phước hạnh của giao ước. Vì vậy Giônathan và người vác binh khí ông bước đi đầy tin tưởng trước những người Philitin không chịu cắt bì.
Tuy nhiên chúng ta thấy Saulơ thì hoàn toàn ngược lại. Khi Saulơ nghĩ đến những người Philitin không chịu cắt bì, ông không nghĩ đến họ trong mối quan hệ giao ước giữa ông với Đức Chúa Trời. Thay vào đó ông nghĩ đến họ trong sự sợ hãi. Ông sợ những người Philitin và sợ cách họ sẽ xử với ông. Trong tận thâm tâm, ông cũng giống như họ. Ông cũng giống như các vua của các dân tộc khác. Ông không phải là người yên nghỉ trong sự bình an tin cậy bởi biết Đức Chúa Trời mình. Saulơ là một vua như các vua của các dân tộc khác và sự suy sụp của ông cũng chẳng khác chi họ. Sự so sánh giữa Saulơ và Gôliát cũng tỏ ra điều đó. Hai người này căn bản cũng giống như nhau: cả hai, bởi sự chống nghịch Đức Chúa Trời, phải gặt hái sự phán xét công bình của Ngài. Saulơ phải bị nhục nhã. Xác ông bị sỉ nhục bởi tội lỗi ông.
Chúng ta cũng nên để ý một chủ đề được lặp đi lặp lại trong sách này là việc cắt đầu. Hình ảnh "cắt đầu" trong sách 1Samuên là rất quan trọng. Chúng ta tìm thấy ý đó trong đoạn 5 khi hòm giao ước của Đức Chúa Trời được đặt trong đền thờ Đagôn. Người Philitin tin rằng Đagôn đã chiến thắng Đức Chúa Trời của Ysơraên. Vậy mà chỉ sáng hôm sau họ đã thấy đầu Đagôn rơi xuống đất cùng với cả tay chân, đầu gãy lìa ra. Chúng ta thấy chủ đề đó một lần nữa trong đoạn 17 khi nói đến đầu Gôliát bị chặt bởi tay Đavít. Chủ đề đó lại xuất hiện trong đoạn 31 khi đầu Saulơ bị cắt đi. Thế thì những người này, Gôliát, Saulơ và Đagôn, có điều gì chung? Tôi cho rằng họ đều tự tin rằng mình cao hơn Đức Chúa Trời. Họ đều tin rằng tự họ có thể sai khiến Đức Chúa Trời theo ý mình. Họ tin rằng họ không phải ở dưới ý muốn Ngài. Thần Đagôn được người Philitin xem là mạnh hơn Đức Chúa Trời. Gôliát khi chế nhạo dân Ysơraên đã làm điều đó trên nền tảng là chế nhạo thần của Ysơraên bởi thần đó không có quyền bảo vệ họ. Gôliát chế nhạo mối quan hệ giao ước của Ysơraên với Đức Chúa Trời cho rằng mình sẽ chiến thắng họ. Saulơ cũng thế: Ông tự cho rằng mình khôn ngoan hơn Đức Chúa Trời khi không chịu vâng theo ý muốn Đức Chúa Trời. Hết thảy những người đó cuối cùng phải chịu sự phán xét của Đức Chúa Trời. Họ đều đi đến chỗ chết.
Câu chuyện của Saulơ kết thúc với một sự giải cứu, giải cứu xác Saulơ và các con trai ông khỏi tìm trạng nhục nhã. Sự giải cứu này được khởi xướng bởi những người ở Giabe trong Galaát. Những người mạnh dạn ở đó đã đi một chuyến đi dài để lấy những xác này xuống. Chúng ta còn nhớ Giabe trong Galaát là một trong những thành được giải cứu khi Saulơ mới lên làm vua. Saulơ đã giải cứu dân sự ở đây khỏi tay quân thù. Họ ra đi mà không sợ phải trả cái giá nếu người Philitin nổi lên nghịch cùng họ. Họ đứng dậy giải cứu xác Saulơ và các con trai ông. Họ đem các thây đó về Giabe, thiêu đi, là cách làm khá bất thường đối với dân Ysơraên. Chúng ta đặt câu hỏi tại sao họ lại thiêu những xác đó. Theo tôi có lẽ việc thiêu xác này không có ý làm mất danh giá những xác đó hơn nữa. Chúng ta thấy những người Giabe trong Galaát khi đi đến Bếtsan lấy những xác về bởi lòng tôn kính đối với Saulơ mà không phải là xem thường. Thế thì việc thiêu xác này chắc hẳn phải có một ý nghĩa tích cực trong cái nhìn của họ. Tôi nghĩ họ thiêu những xác này hầu làm tinh sạch chúng khỏi tay của những người Philitin không chịu cắt bì đã làm ô uế và sỉ nhục những xác đó. Họ thiêu chúng đi hầu làm sạch chúng khỏi sự ô uế của người Philitin. Họ không chỉ thiêu xác mà còn đem chôn dưới cây liễu xủ tơ ở Giabe. Một lần nữa chúng ta có thể đặt câu hỏi vì sao họ đem chôn cốt đó dưới cây liễu xủ tơ. Theo sự tìm hiểu của tôi, cây liễu xủ tơ là một loại cây xanh quanh năm. Nó không chết đi vào mùa đông. Nó được nhìn như biểu hiện của sự sống và sức lực. Đôi khi Kinh Thánh dịch cây này là cây sồi. Cây sồi trong Kinh Thánh được nhìn nhận với ý nghĩa tương tự như thế, là biểu tượng của sức lực và sự sống. Cũng vậy, khi chôn những xác này dưới cây sồi, họ trông đợi sự sống và sức lực cho vua mình.
Chúng ta cần đặt câu hỏi rằng ngày nay đoạn Kinh Thánh này muốn dạy dỗ chúng ta điều gì. Điều đầu tiên chúng ta cần hiểu rằng rõ ràng đây là kết cục của những người sống trong sự không công bình. Những ai chống nghịch Đức Chúa Trời sẽ phải chịu sự phán xét và thạnh nộ công bình của Ngài. Khi nhìn thấy sự phán xét của Đức Chúa Trời được làm trọn, chúng ta phải được cảnh tỉnh rằng nếu chúng ta không ăn năn, không bước theo Chúa Giêxu, không hầu việc Ngài như là Cứu Chúa của chúng ta thì sự phán xét đó cũng có thể đến trên chúng ta. Thế thì đây là lời khích lệ chúng ta bước theo Chúa Giêxu.
Thứ hai, chúng ta có thể đặt mình trong vị trí của Saulơ. Chúng ta có thể giống như ông bởi nếu ở ngoài Chúa Giêxu chúng ta là ai? Chúng ta cũng như Saulơ mà thôi, cũng là những tội nhân, chống nghịch Đức Chúa Trời và ý chỉ của Ngài. Chúng ta khăng khăng nắm giữ vương quyền của mình bất chấp ý muốn Đức Chúa Trời. Chúng ta muốn cai trị cuộc đời mình mà không đầu phục ý chỉ Đức Chúa Trời. Chúng ta xem thường Đức Chúa Trời và Đấng chịu xức dầu của Ngài. Nếu không có Thánh Linh Đức Chúa Trời hành động trong lòng, chúng ta cũng ghét bỏ Đấng chịu xức dầu của Đức Chúa Trời. Giống như Saulơ, không có Chúa Giêxu, chúng ta sẽ ở dưới sự phán xét và thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Giống như trường hợp Saulơ, vương quốc của Đức Chúa Trời sẽ bị cất đi khỏi chúng ta và cuộc đời chúng ta sẽ kết thúc bởi sự chết, không chỉ là sự chết thể xác này, mà là sự chết đời đời. Nếu chúng ta còn ở ngoài Chúa, chúng ta cũng cùng số phận với Saulơ.
Khi nhìn vào sự chết của Saulơ một cách kỹ lưỡng, chúng ta cũng sẽ nhìn thấy Đấng Christ chết thay cho chúng ta. Saulơ phải chịu sự rủa sả trên ông bởi tội lỗi của chính ông. Nhưng Chúa Giêxu mang lấy sự rủa sả đó cho chúng ta. Chúa Giêxu là Đấng chết thay cho chúng ta. Dù chúng ta đáng chết, Đấng Christ chịu sự rủa sả cho chúng ta. Ngài chết hầu chúng ta có thể sống. Ngài đã chết hầu sự phán xét của Đức Chúa Trời không thi hành trên chúng ta mà trên chính Ngài. Chúa Giêxu tự nguyện phó sự sống mình cho dân sự Ngài. Đọc trong Tân Ước, chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều điểm tương đồng hơn: Chúa Giêxu cũng bị tước lột áo mình, bị treo trên thập tự giá, chịu sỉ nhục bởi tay những người không chịu cắt bì. Ngài bị hành hình trên thập tự giá, bị treo lên mang lấy sự rủa sả của Đức Chúa Trời dành cho tội lỗi. Những kẻ ở dưới thập tự giá chế nhạo Ngài, cười cợt Ngài. Những kẻ chống Ngài tưởng rằng cuối cùng họ đã thắng được Ngài. Ngài bị lột trần, nhục nhã trước đám đông nhạo báng. Ngài đã bị khinh ghét, bị treo lên thay cho những người ngắm nhìn sự sỉ nhục Ngài. Chúa Giêxu bị rủa sả khi bị treo trên cây gỗ. Ngài chịu sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Tương tự, xác Chúa Giêxu cũng được lấy khỏi cây gỗ một cách yêu thương trìu mến và được đặt vào phần mộ.
Tuy nhiên, không giống Saulơ, thân thể Chúa Giêxu được phục sinh. Khác với Saulơ là người vẫn cứ ở trong phần mộ, sự chết không giành được quyền phán quyết cuối cùng trên Chúa Giêxu. Với Ngài, có sự đắc thắng trên sự chết. Với Ngài, có sự hy vọng bởi Ngài được phục sinh khỏi phần mộ. Ngài được sống lại về trời, ngồi bên hữu Đức Chúa Trời. Ngài trở nên Vị Vua mà vương quốc Ngài sẽ không bao giờ bị dời đi. Sách 1Samuên không kết thúc trong sự tuyệt vọng. Chúng ta thật sự đọc nó với tấm lòng nặng trĩu nhưng vẫn còn hy vọng. Saulơ đã qua đời. Nhưng có một vị vua mới đang chờ đợi. Vị vua này đã được nhận diện cho chúng ta: vua Đavít mà dòng dõi ông sẽ ngồi trên ngôi mãi mãi, vương quốc ấy sẽ không bao giờ chấm dứt. Con trai Đavít sẽ làm vua. Con trai ấy sẽ là Vua theo lòng Đức Chúa Trời, Vua cai trị trong sự công bình và Vua này sẽ giải cứu chúng ta khỏi mọi kẻ thù chúng ta. Amen.
Lạy Đức Chúa Trời toàn năng Cha của chúng con. Lạy Chúa, khi xem xét sự chết của Saulơ, chúng con nhìn vào đó với sự buồn rầu bởi nhìn thấy một con người đã chống nghịch Ngài, không ăn năn và phải chết dưới sự phán xét của Ngài. Chúng con cầu xin Chúa cho chúng con để tâm đến lời cảnh tỉnh của Thánh Kinh rằng chúng con không được làm một vua như những dân tộc khác, chúng con không được bước theo cách thức của thế gian này, rằng chúng con chỉ bước theo Đấng Christ mà thôi. Xin cho chúng con thấy Đấng Christ là Đấng đã chết cho chúng con, hầu chúng con hướng về Vua công bình của Ysơraên, là Đấng chết thay cho dân sự mình, là Đấng đã chịu sự sỉ nhục, đau khổ, khốn cùng mà chúng con đáng phải chịu nhưng đã được sống lại khỏi sự chết, là Đấng mà nơi Ngài chúng con có sự trông cậy, sự hy vọng được dự phần vào vương quốc đời đời không bao giờ kết thúc. Xin niềm hy vọng đó cho chúng con sự yên nghĩ và bình an trong thế giới hay thay đổi này hầu chúng con biết cách chắc chắn bất di dịch rằng vương quốc của Đức Chúa Trời không bao giờ suy bại và chúng con, những người đi theo Con Trai thật của Đavít, sẽ đồng trị với Đấng ấy đời đời, biết rằng hết thảy kẻ thù nghịch Ngài sẽ bị giày đạp dưới chân Ngài và chúng con sẽ cai trị cách khải hoàn mãi mãi. Amen.
Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)