SÍNH LỄ ĐẮT GIÁ
(1Samuên 18:1-30)
Tháng Mười 2005
Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Lần này chúng ta sẽ tiếp tục học đến 1Samuên đoạn 18. Chúng ta rất cần nhớ câu chuyện này được xây dựng trên cơ sở những diễn tiến trước đó. Thật sự đây là phần tiếp tục của câu chuyện đã bắt đầu trong đoạn 17, câu chuyện của Đavít và Gôliát. Trong câu chuyện đó, chúng ta đọc thấy Đavít được tỏ ra cho toàn thể dân Ysơraên rằng ông sẽ là vị cứu tinh của dân sự. Ông là người giải cứu họ. Ông đạt được chiến thắng trong đoạn 17 vì Đức Chúa Trời ở cùng ông. Qua đó ông tỏ ra xứng đáng giữ lấy ngôi Saulơ làm vua dân Ysơraên. Ông là vị vua sẽ thay thế một Saulơ đã bị khước từ. Chúng ta phải hiểu khi đọc đoạn 17 rằng câu chuyện này không phải xoay quanh Đavít và sự vĩ đại của ông, không phải về một người yếu đánh bại kẻ mạnh mà chủ yếu là về Đức Chúa Trời ở cùng Đavít. Đavít đã được Đức Chúa Trời xức dầu làm vua, một vua đã được khẳng định qua chiến thắng trên Gôliát. Ở cuối đoạn 17, vấn đề trở nên rõ ràng hơn đối với mọi người rằng Đavít sẽ là vị vua thật của Ysơraên, một vua theo lòng Đức Chúa Trời, một vua thay thế cho vua Saulơ.
Đoạn 18 tập trung vào đáp ứng của dân sự đối với Đavít là người được Đức Chúa Trời xức dầu. Chúng ta có thể nhìn thấy những sự đáp ứng như: Giônathan yêu mến Đavít, dân sự yêu mến Đavít, những tôi tớ của Saulơ kính mến Đavít, những người nữ trong dân Ysơraên yêu mến Đavít, Ysơraên và Giuđa yêu mến Đavít, Micanh yêu mến Đavít, Đức Giêhôva yêu mến Đavít, Saulơ ghen ghét Đavít. Xuyên suốt đoạn Kinh Thánh, mọi người đều thể hiện lòng thương mến đối với Đavít ngoại trừ Saulơ.
Saulơ coi khinh Đavít. Ông ghen ghét Đavít bằng một lòng ghen ghét không nguôi. Đavít là mối hiểm họa cho ngôi vua của ông. Đavít là người khiến ông lu mờ và cướp mất sự vinh quang của ông. Saulơ ganh tị với sự vinh hiển của Đavít và kinh hoảng trước sự ưa chuộng càng gia tăng của mọi người dành cho Đavít. Sự sợ hãi của Saulơ đối với Đavít cứ tiếp tục gia tăng khi ngày càng nhiều bằng chứng tỏ ra rằng Đức Chúa Trời ưa thích Đavít. Saulơ căm ghét Đavít. Hai lần trong tâm trạng sốt hoảng, cây giáo của Saulơ muốn cắm vào tim Đavít mà không được. Saulơ hết sức muốn kẻ xen vào này, kẻ đe dọa ngôi báu của ông khuất mắt của ông đi.
Chúng ta ngày nay khi đọc đoạn Kinh Thánh này dễ thấy cảm thông với Đavít. Đavít vô tội. Ông chỉ làm điều đúng mà thôi. Đavít không có ác ý gì. Ông chẳng muốn làm điều gì quấy. Ông không có ý sâu hiểm khiêu khích Saulơ nổi giận. Ông cũng chẳng có ác ý hất Saulơ khỏi ngai vàng. Ông không chủ ý làm gì để phản đối hay đe dọa Saulơ bằng bất cứ cách nào. Qua cách cư xử của Đavít, chúng ta thấy Đavít cư xử cách khôn ngoan tôn trọng khiêm nhường đối với vua trong mọi cách. Trong một phương diện nào đó, điều nầy khiến cho ai tiếp xúc với Đavít đều quý mến ông, ngoại trừ Saulơ. Chúng ta dễ dàng cảm thông với Đavít có lẽ vì điều đó không đòi hỏi điều gì nơi chúng ta. Ngược lại khá khó khăn cho Saulơ để yêu thương Đavít vì điều đó đòi hỏi Saulơ phải chịu đầu phục Đavít. Điều đó buộc Saulơ phải đánh mất sự vinh quang mình, bỏ đi cương vị của mình, buộc ông phải hạ mình, bỏ đi sự quý trọng mình, quyền lực, thẩm quyền của mình. Trong cách nhìn của Saulơ, không cách nào ông có thể nhường những điều đó cho Đavít là người Đức Chúa Trời xức dầu. Những lần trước chúng ta đã nhấn mạnh rằng đây cũng là điều Đức Chúa Trời muốn nơi chúng ta: Chúng ta cần cúi mình trước mặt Đấng Christ, Đấng chịu xức dầu của Đức Chúa Trời. Ngài đòi hỏi chúng ta dốc đổ, đầu phục và cúi mình trước mặt Ngài, chịu hạ vương quyền của chính đời sống chúng ta xuống dưới vương quyền Ngài.
Từ câu 17 trở về sau, chúng ta thấy lòng ghen ghét không dứt của Saulơ đối với Đavít được bày tỏ ra. Chúng ta thấy Saulơ tiếp tục kế hoạch ngấm ngầm hạ Đavít. Ông thực hiện điều đó bằng cách đòi một sính lễ đắt giá để Đavít được làm phò mã ông. Chúng ta nhớ rằng Saulơ đã hứa gả con gái mình cho ai giết được Gôliát. Đoạn 17 cho thấy những giải thưởng liệt kê ra, câu 25 chép: "Các ngươi có thấy người đó xơm tới chăng? Hắn đến đặng sỉ nhục Ysơraên. Nếu ai giết được hắn, thì vua sẽ ban thưởng nhiều của cải, gả con gái mình cho người đó và miễn xâu thuế cho nhà cha người ấy trong Ysơraên." Thế thì Đavít đã được hứa gả con gái của Saulơ. Đavít đã đánh bại Gôliát, tên khổng lồ người Phillitin. Tuy nhiên, vua lại không nhiệt tình giao con gái cho Đavít. Thay vào đó, Saulơ lại bày mưu, trong thâm tâm là để khử Đavít cho khuất mắt mà không phải lộ ra rằng chính mình là nguyên nhân cho sự tiêu trừ Đavít. Lúc này Đavít đã có được một số khá nhiều người ủng hộ trong dân sự nhưng Saulơ xác định rằng chính ông sẽ tiêu diệt Đavít. Tuy nhiên sẽ có lợi cho Saulơ nếu điều đó được thực hiện bởi tay người Philitin. Vì thế Saulơ lập mưu khiến người Philitin thực hiện hành vi dơ bẩn này thay ông.
Thế thì Saulơ đề nghị gả con gái mình cho Đavít, tuy nhiên, với một điều kiện (câu 17): Saulơ không gả con gái cho Đavít mà không đòi giá. Saulơ đòi Đavít phải đánh dân Philitin cách mạnh bạo. Đọc Kinh Thánh, chúng ta thấy Saulơ không hoàn toàn thẳng thắn về động lực và hành động của mình. Nói một cách nghiêm túc, Mêráp đã thuộc về Đavít rồi; Đavít đã chiến đấu cách mạnh bạo trong trận chiến với Gôliát. Saulơ hoàn toàn không có quyền áp đặt thêm điều kiện gì trên Đavít để được làm phò mã Saulơ. Đavít đã làm xong điều kiện đề ra. Hơn nữa, hành động của Saulơ là hạ phẩm giá Đavít xuống. Ông không tôn trọng Đavít như là người xứng đáng được vinh dự kết hôn cùng con gái ông. Lẽ ra Saulơ đã nên tuyên dương Đavít trước mọi người rằng: "Đây là người xứng đáng được cưới con gái ta bởi đã giành được chiến thắng vĩ đại này cho ta và cho dân sự." Nhưng khi đọc đoạn Kinh Thánh này, chúng ta thấy Saulơ chỉ nói với Đavít rằng: "Nầy Mêráp, con gái của ta; ta sẽ gả nó cho ngươi làm vợ." Saulơ chẳng nói với Đavít như đối với một người đã giành được chiến thắng. Ông chỉ nói với Đavít như đối với một thần dân không xứng đáng. Saulơ nói như ban ơn cho Đavít khi gả con gái cho Đavít. Kinh Thánh cho chúng ta thấy Đavít đáp lời với thái độ tôn trọng đúng mức đối với Saulơ, một thái độ của một thần dân đối với vua. Đavít đáp lời một cách khiêm tốn không chút ngạo mạn. Đavít không nói rằng mình có quyền cưới Mêráp. Đavít nói rằng mình không phải là một người có tầm cỡ, rằng ông không xuất thân từ một gia đình danh tiếng, tôn trọng hay giàu có. Ông không có cương vị để làm phò mã vua. Khi đọc đoạn Kinh Thánh này, chúng ta muốn nói với Đavít khiêm nhường rằng: "Đavít, ông hoàn toàn có quyền cưới con gái vua. Ông đã chứng tỏ mình qua chiến thắng vẻ vang trên người Philitin. Ông là người có cương vị nổi bật và xứng đáng bởi chiến thắng đó." Tuy nhiên, cách nói của Saulơ với Đavít hàm ý rằng "Ngươi nói đúng đó. Ngươi không xứng đáng." Và Saulơ gả con gái mình cho người khác.
Chúng ta có thể nhìn thấy sự nham hiểm của Saulơ đối với Đavít qua cung cách của ông. Điều đó thể hiện trong việc ông gả Mêráp cho người khác trong thời điểm đáng lẻ phải gả cho Đavít. Điều này thực chất cũng giống như khi Đavít đang ở trước ngai thánh chờ Mêráp đến để cả hai được hiệp làm một trong hôn nhân, Saulơ lại đến một nhà thờ khác tiến hành hôn phối cho Mêráp với một người khác. Sự thiếu tôn trọng và sỉ nhục tỏ tường mà Saulơ đối cùng Đavít thật là độc ác. Mức độ khiêu khích trong hành động của Saulơ đã đạt đến cao điểm. Saulơ đã thất tín với Đavít. Ông đã bội lời hứa với đạo binh trong đoạn 17. Ông làm mất danh dự Đavít bằng việc gả con gái cả của mình cho người khác. Con đầu lòng, dĩ nhiên, có một cương vị đặc biệt so với con kế. Vì thế, bằng cách đó Saulơ đã đâm cây nhọn vào tim Đavít.
Kinh Thánh cũng cho chúng ta thấy tấm lòng của Saulơ. Cả sách 1Samuên tập trung vào chủ đề của bề ngoài và bề trong. Chúng ta được cho thấy rằng bề ngoài của người ta phải được xem xét cách cẩn trọng. Điều quan hệ là bề trong nơi tấm lòng. Chúng ta được cảnh tỉnh không quá tin tưởng nơi những gì bên ngoài trên bề mặt của vấn đề. Chúng ta được kêu gọi nhìn vào trong tấm lòng. Khi nhìn vào Saulơ trong đoạn Kinh Thánh này, chúng ta thấy bên ngoài Saulơ muốn tỏ ra thân thiện với Đavít, sẵn sàng gả con cho Đavít, rằng ông quan tâm đến việc chiến cự cùng kẻ thù của Đức Chúa Trời, chiến trận cho Đức Giêhôva. Saulơ nói cùng Đavít trong câu 18 rằng: "Chỉ phải giúp ta cách mạnh bạo và đánh giặc cho Đức Giêhôva." Saulơ nghe có vẻ trung tín tốt đẹp. Tuy nhiên khi đọc tiếp chúng ta có thể nhìn thấy con người bên trong của Saulơ. Thật ra trong lòng Saulơ nghĩ gì? "Saulơ nói thầm rằng: Tay ta chớ nên hành hại hắn, nhưng thà tay của dân Philitin còn hơn." Thật ra trong tâm trí của Saulơ ông không mảy may nghĩ đến chiến trận của Đức Giêhôva, trong thâm tâm, ông chẳng mấy quan tâm đến Đavít. Ông chỉ muốn Đavít chết đi cho khuất mắt! Sự hai lòng của Saulơ thật rõ ràng đối với người đọc. Chúng ta nhìn thấy sự giả hình của Saulơ. Saulơ không thể thấy rằng bởi Đức Chúa Trời ở cùng Đavít, khi ra trận Đavít có thể càng vững tin hơn rằng Đức Chúa Trời ở cùng mình và bảo vệ mình. Tuy nhiên Saulơ cứ theo đuổi cái tham vọng mù quáng muốn tiêu diệt Đavít. Saulơ cứ muốn tiêu diệt Đavít. Thế nên sau khi con gái lớn của Saulơ được gả cho người khác, Saulơ vẫn mừng khi nghe con gái Micanh của mình để ý Đavít. Micanh yêu mến Đavít. Saulơ không có chút lương tâm: Ông dùng con gái thứ hai của mình để bẫy Đavít. Ông vui mừng khi biết Micanh yêu mến Đavít không phải là vì ông muốn nhìn thấy con gái mình hạnh phúc tiến tới hôn nhân, có con cái, có mái gia đình, có Đavít làm con rể. Thật ra ông vui khi nghe Micanh yêu mến Đavít vì đó là một cơ hội nữa cho ông để đánh bẫy Đavít hầu giết Đavít đi. Saulơ, người không ngần ngại giết chính con trai mình là Giônathan vì đã trội hơn mình trong trận chiến trước đây, giờ đây cũng không ngần ngại dùng con gái mình như cái bẫy để tẩy Đavít cho khuất mắt. Chúng ta nhìn thấy sự gian ác trong tấm lòng của Saulơ một cách tỏ tường khi đọc tiếp trong đoạn Kinh Thánh.
Đavít không sẵn sàng vào cuộc ngay với Saulơ. Ông đã đủ khôn ngoan trước thủ đoạn và sự hai lòng của Saulơ. Saulơ phải sai tôi tớ mình đến với Đavít để can thiệp, để thuyết phục Đavít rằng lần này là chuyện nghiêm chỉnh, rằng lần này Saulơ thật sự ngỏ lời gả con gái cho Đavít, rằng Saulơ thật tình muốn Đavít làm con rể mình. Saulơ nói dối với Đavít qua lời tôi tớ mình rằng "Vua lấy làm đẹp lòng ngươi." Tuy nhiên đoạn Kinh Thánh cho thấy rõ ràng rằng ấy chỉ là một lời nói dối trơ tráo. Chẳng có chút đẹp lòng nào nơi Saulơ dành cho Đavít mà chỉ có sự căm ghét càng gia tăng. Saulơ gởi tôi tớ mình đi thuyết phục Đavít nghĩ tới việc cưới Micanh làm vợ. Qua môi miệng tôi tớ mình, Saulơ khích lệ Đavít tin rằng ông muốn có Đavít làm con rể. Một lần nữa, Đavít đáp lời một cách đúng mực. Ông đáp lời cách khiêm nhường. Ông nói rằng "Làm phò mã của vua, há là việc nhỏ mọn trước mặt các ngươi sao? Tôi vốn là một người nghèo nàn và hèn tiện." Làm thế nào một tôi tớ tầm thường trong quân đội của vua lại được xét đến để làm phò mã vua?
Một lần nữa, chúng ta thấy Saulơ lợi dụng sự khiêm nhường của Đavít. Dù Saulơ không có quyền đòi một giá nào nữa làm sính lễ nhưng một lần nữa Saulơ cứ đưa ra một sính lễ. Sự rộng lượng của Saulơ chỉ là bên ngoài mà thôi. Ông nói với Đavít rằng ông sẵn sàng bỏ qua chuyện sính lễ. Đavít không cần phải nộp một khoản tiền nào để được cưới con ông làm vợ. Saulơ làm ra vẻ như ông đang làm ơn cho Đavít. Đavít không cần nộp sính lễ, tiền bạc gì. Ông chỉ cần một trăm dương bì của người Philitin. Chúng ta hãy thử suy nghĩ trong giây lát. Cái giá này không rẻ hay dễ dàng chút nào. Thật ra, điều mà Đavít phải thỏa đáp để có được Micanh làm vợ là một cái giá quá đáng. Điều này là quá đáng vì trong thâm tâm Saulơ đã biết rằng Đavít rất có khả năng mất mạng. Thật ra, đó chính là điều Saulơ mong muốn khi đòi giá đó. Đó là một giá quá đáng vì Đavít có thể phải trả giá bằng chính mạng sống mình, là điều mà Saulơ thầm ao ước. Dĩ nhiên Đavít đã làm tiêu tan niềm hy vọng của Saulơ. Đavít không trực tiếp đáp lời Saulơ mà ông đến ra mắt trong tay đã có sẵn số dương bì nộp cho Saulơ. Đavít trở về đúng thời hạn cho phép. Ông đến nộp không chỉ một trăm mà hai trăm dương bì của người Philitin. Bởi đó Đavít tỏ ra sự ưu việt của mình với tư cách là người được chọn. Đavít xứng đáng được vợ vì ông trả cái giá gấp đôi. Saulơ hoàn toàn không còn lý cớ nào mà chỉ phải thực hiện đúng hẹn cuộc hôn phối mà mình đã đề ra.
Một lần nữa Saulơ phải đối diện với chứng cứ rằng Đức Chúa Trời ở cùng Đavít. Đây là điểm cốt lõi xuyên suốt đoạn Kinh Thánh: Đức Chúa Trời ở cùng Đavít và Saulơ không thể làm gì hòng làm suy yếu người được Đức Chúa Trời xức dầu. Bất chấp âm mưu cất mạng sống Đavít của Saulơ, Đức Chúa Trời ở cùng Đavít. Saulơ thấy điều đó ngày một rõ hơn khi Đavít tiếp tục tham gia vào hàng quân. Saulơ phải đối diện với bằng chứng rằng Đức Chúa Trời ở cùng Đavít. Saulơ ngày càng biết chắc Đavít chính là người thế vị mình. Tuy nhiên khi càng biết rõ điều này, Saulơ có đầu phục năng quyền của Đức Chúa Trời không? Liệu ông có nhận ra ông không thể chiến thắng người được Đức Chúa Trời xức dầu? Liệu ông có quỳ gối xuống đầu phục vị vua của Đức Chúa Trời không? Liệu ông có nói "Ta đã bại. Ngươi chính là vị vua chính đáng của dân Ysơraên" không? Không hề! Saulơ cứ miệt mài trong sự gian ác mình. Ông cứ miệt mài trong sự chống nghịch người được Đức Chúa Trời xức dầu. Saulơ không thể nào hạ mình xuống phục sự Đức Chúa Trời hay người được Đức Chúa Trời xức dầu. Chúng ta thấy Đavít tiếp tục tấn tới trong sự khôn ngoan. Danh tiếng ông càng ngày càng được biết đến cho đến khi ông được sự tôn trọng lớn giữa vòng dân sự.
Một điểm nữa cần được nói đến khi thảo luận về đoạn Kinh Thánh này là vấn đề sính lễ. Tại sao Saulơ đòi những dương bì của người Philitin? Tại sao Saulơ lại đòi thứ sính lễ bẩn thỉu đến thế? Dương bì gắn liền với khả năng giao hợp và sinh sản con cái. Chắc chắn đây là một mối quan tâm, một vấn đề chính đáng của hôn nhân. Sự thật là Saulơ không hề quan tâm đến sự mất khả năng giao hợp của kẻ thù mình, kẻ thù của Đức Chúa Trời. Điều ông thật sự ao ước là nhìn thấy sự bất lực của Đavít: Saulơ vui thích khi thấy dòng dõi của Đavít phải bị kết thúc. Không điều gì khiến Saulơ vui thích cho bằng nhìn thấy những người Philitin không chịu cắt bì kia gây cho người Ysơraên chịu cắt bì này phải tuyệt tự vì mất mạng, thay vì chính Đavít khiến cho những người Philitin phải bất lực vì mất mạng. Saulơ đang làm theo mệnh lệnh của Satan, kẻ muốn nhìn thấy cái chết của Đấng chịu xức dầu của Đức Chúa Trời, của hậu tự chịu xức dầu. Khải Huyền 12 cho chúng ta thấy đây là ao ước của Satan ngay từ ban đầu, nghĩa là kết thúc dòng dõi Đavít, kết thúc lời hứa mà Đức Chúa Trời đã ban cho Êva rằng dòng dõi bà sẽ chà đạp đầu con rắn. Saulơ đang bận rộn làm công tác của Satan, là muốn hủy diệt người thật sự được Đức Chúa Trời xức dầu.
Thứ hai, chúng ta có thể thấy phản ứng đầu tiên của người Ysơraên về sính lễ này là gớm ghiếc. Đòi Đavít nộp thứ sính lễ này là một điều gớm ghiếc đối với người Ysơraên bởi người Ysơraên gớm ghiếc những người không chịu cắt bì. Người Ysơraên thật khước từ không chấp nhận những kẻ ô uế. Ước muốn của Saulơ là làm cho Đavít bị ô uế. Dĩ nhiên, cách duy nhất thu được số dương bì này là giết những người có dương bì đó. Tôi có thể bảo đảm rằng không ai sẵn lòng hiến dương bì nếu không bị giết. Điều này làm gia tăng sự ô uế của Đavít bởi ông buộc phải đụng vào thi thể của những kẻ không chịu cắt bì. Chúng ta nhìn thấy điều gì trong đoạn Kinh Thánh này? Chúng ta thấy vị cứu tinh của Ysơraên buộc phải chịu sỉ nhục. Đavít phải trở nên ô uế bởi dính líu với kẻ chết. Sự chết của chính ông là mục tiêu của sính lễ mà Saulơ đòi. Điều Saulơ hy vọng trông mong là chính Đavít sẽ bị giết trong trận chiến trong khi cố gắng đạt được cái giá mà Saulơ đòi hỏi. Khi Đavít trở về cung Saulơ với những dương bì của người Philitin, chắc hẳn Saulơ phải ngạc nhiên lắm. Saulơ nhìn Đavít dường như Đavít vừa sống lại từ trong kẻ chết. Lẽ ra Đavít phải chết. Không cách nào Đavít có thể thu được số dương bì này mà còn bình yên đứng đây. Thậm chí Đavít còn thu được đến hai trăm dương bì, gấp đôi số lượng yêu cầu. Như chúng ta đã trình bày trước đây, Đavít xuất hiện xuyên suốt sách 1Samuên và 2Samuên như là hình bóng của Đấng Christ, người chịu xức dầu của Đức Chúa Trời, người theo lòng Đức Chúa Trời. Từ dòng dõi Đavít sẽ sanh ra Đấng Mêsi. Sự căm ghét của Saulơ đối với Đavít cuối cùng thành ra sự căm ghét đối với Đấng Christ. Chúng ta cũng thấy Đấng Christ sẵn sàng trả giá cho cô dâu của Ngài. Đấng Christ trở nên ô uế vì chúng ta. Đấng Christ tự bắt mình chịu chết để cưới chúng ta làm vợ Ngài. Ngài chịu sự sỉ nhục trên thập tự giá. Nhưng bởi năng quyền của Đức Chúa Trời, Ngài được phục sinh và Ngài cưới vợ yêu dấu mình, là người yêu mến Ngài, là hội thánh Ngài.
Chúng ta thấy khi đọc 1Samuên 18, đoạn Kinh Thánh kêu gọi chúng ta đáp ứng. Chúng ta có trong số những người yêu mến Đavít là người làm hình bóng về Đấng Christ không? Chúng ta có yêu mến Đấng Christ không? Chúng ta có hầu việc Ngài không? Chúng ta có sẵn sàng phó sự sống chúng ta vì Ngài không? Hay chúng ta cũng giống như Saulơ, căm ghét Đấng Christ? Chúng ta ghét Ngài vì những gì Ngài đòi hỏi nơi chúng ta, nghĩa là dâng đời sống mình cho Ngài, hầu việc một mình Ngài. Chúng ta làm hết mọi cách để dẹp Ngài đi hầu chúng ta có thể cứ tiếp tục trong tội lỗi và sự chống nghịch mình. Kinh Thánh kêu gọi chúng ta đáp ứng. Tôi cầu xin rằng chúng ta sẽ ngày càng yêu mến chàng rể của chúng ta hơn. Amen.
Lạy Cha thiên thượng quyền năng của chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài vì Lời Ngài bày tỏ ra cho chúng con hôm nay. Xin cho lẽ thật này lưu lại trong lòng chúng con. Xin cho chúng con hầu việc Đấng Chịu Xức Dầu của Ngài, Vua của chúng con. Xin cho chúng con khiêm nhường quỳ gối trước mặt Ngài và hầu việc một mình Ngài mà thôi. Ngài đã trả giá chuộc chúng con. Ngài đã trả giá vì tội lỗi chúng con, ban sự sống cho chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài về Lời Ngài. Xin cho Lời này khích lệ con cái Ngài. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu. Amen.
Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)