Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Êphêsô > Ăn ở Cách Xứng Đáng Trong Sự Hiệp Một - 01/2003  


ĂN Ở CÁCH XỨNG ĐÁNG TRONG SỰ HIỆP MỘT
(Êphêsô 4:2)

Tháng Giêng 2003

"Hãy khiêm nhường đến đều, mềm mại đến đều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chìu nhau."

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu của Cứu Chúa Giêxu Christ. Tuần rồi chúng ta bắt đầu một phần mới trong Êphêsô. Trong các đoạn 1, 2 và 3, chúng ta thấy được sự khẳng định căn bản về lẽ thật Tin Lành cho những ai ở trong Đấng Christ. Ấy là những ơn phước mà chúng ta được dự phần và sự giàu có mà chúng ta đã nhận lãnh. Trên nền tảng đó, sứ đồ Phaolô trình bày tiếp trong đoạn 4 đến 6 về sự sống mà chúng ta được kêu gọi đến. Cách sống ấy chính là kết quả của sự sống mà chúng ta đã được ban cho trong Đấng Christ.

Tuần trước chúng ta đã nói đến việc sống xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi chúng ta. Và trong phần thảo luận về sự kêu gọi của chúng ta, chúng ta đã nói đến sự kêu gọi ấy với ý nghĩa là Tin Lành của Đấng Christ mà chúng ta đã được ban cho. Ăn ở xứng đáng với sự kêu gọi của chúng ta hàm ý rằng chúng ta phải sống theo gương đấng Christ. Đấng Christ làm nền tảng hậu thuẩn cho sự hiểu biết của chúng ta về vị trí của chúng ta cũng như cách ăn ở chúng ta. Ngài chính là sự minh họa cho chúng ta biết mình cần phải sống một đời sống Cơ Đốc như thế nào. Bên ngoài Chúa Giêxu chắc chắn không ai có thể thật sự hiểu biết và có được năng lực để sống một đời sống như thế.

Từ câu 2 trở đi mô tả cho chúng ta những phẩm chất Cơ Đốc, là những phẩm chất mà những Cơ Đốc Nhân ăn ở xứng đáng với sự kêu gọi đã được nhận lãnh trong đấng Christ cần nên phát huy. Khi chúng ta xem xét những phẩm chất này, tôi muốn chúng ta trước hết cùng xem xét những phẩm chất đó được bày tỏ trong Đấng Christ như thế nào, kế đến, chúng ta sẽ học hỏi xem chúng ta được kêu gọi làm theo những phẩm cách đó của Ngài trong đời sống chúng ta ra sao. Chúng ta thấy rằng trong đoạn 4 câu 20, Chúa kêu gọi chúng ta phải học cho biết Đấng Christ "Nhưng anh em phải học cho biết đấng Christ thì chẳng phải như vậy." Tôi tin rằng học cho biết Đấng Christ nghĩa là nhìn xem Ngài và bắt chước Ngài trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Vì thế hôm nay tôi muốn chúng ta cùng xem xét những phẩm chất này trong khía cạnh của đời sống Đấng Christ và cách sống mà chúng ta phải học theo. Chúng ta sẽ cùng học trước hết về sự khiêm nhường, kế đến là sự mềm mại và cuối cùng là sự nhịn nhục mà chúng ta cần có với nhau, lấy lòng yêu thương mà chìu nhau.

Nét đầu tiên của đời sống Cơ Đốc học theo gương Đấng Christ là sự khiêm nhường. Đọc trong đoạn Kinh Thánh của chúng ta, tôi tin rằng chữ "khiêm nhường" đồng nghĩa với chữ "hạ mình" về nhiều mặt. Nói cách khác, Cơ Đốc Nhân chúng ta rất cần phải có một thái độ khiêm nhường, thái độ của một đầy tớ. Chúng ta không được có tư tưởng cao quá lẽ. Hẳn là trong Kinh Thánh chúng ta sẽ không tìm thấy một tấm gương khiêm nhường nào cao cả hơn tấm gương của Chúa Giêxu của chúng ta. Điều này được trình bày rõ ràng trong Philíp đoạn 2.

Tôi muốn chúng ta cùng mở ra xem phân đoạn này. "Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa. Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có. Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự." Rõ ràng rằng trong khúc Kinh Thánh trên sự khiêm nhường của Đấng Christ được minh họa một cách rất hùng hồn. Đấng Christ, Vua trên muôn vua, được tôn cao trên mọi loài thọ tạo, Đấng đã ở tại các nơi trên trời với Đức Chúa Trời đời đời như chính Đức Chúa Trời, chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ. Chính Ngài đã tự bỏ mình đi. Nói cách khác, trong tấm gương của Đấng Christ hóa thân làm người, trong chính thái độ sẵn sàng của Ngài để trở nên một con người, Đấng Christ đã bày tỏ sự sự khiêm nhường của Ngài.

Sự khiêm nhường của Ngài cũng minh chứng trong chính sự ra đời của Ngài: Ngài không sanh ra nơi cung điện mà tại nơi chuồng chiên máng cỏ, Ngài không ra đời như một đấng quân vương mà ra đời như một người đầy tớ. Nếu như có ai đó đáng được tôn vinh, nếu như có ai đó đáng được cúi đầu thờ lạy, thì ấy chính là Đấng Christ, Vua trên muôn vua và cũng chính là Đức Chúa Trời ngự giữa dân sự Ngài. Thế nhưng Chúa Giêxu không làm ra vẻ bề trên với chúng ta, trái lại Ngài hầu việc cách khiêm nhường.

Một tấm gương khiêm nhường phục vụ nữa của Đấng Christ được tìm thấy trong Giăng đoạn 13, tại đây ghi chép lại câu chuyện Chúa Giêxu lấy nước và khăn mà rửa những đôi chân dơ bẩn của các môn đồ Ngài. Đấng Christ mang lấy công việc của một đầy tớ thấp hèn nhất. Là hình ảnh của Đấng tẩy sạch tội lỗi của các môn đồ, Chúa Giêxu hạ mình xuống như một đầy tớ, sẵn sàng hầu việc và dạy các môn đồ Ngài ra đi và làm theo Ngài. Chúa Giêxu, Đức Chúa Trời của cả vũ trụ, Đấng tạo hóa của muôn loài, tự hạ mình xuống và sự hạ mình khiêm nhường của Ngài được bày tỏ ra hết sức rõ ràng.

Kinh Thánh cũng dạy chúng ta rằng chúng ta cần phải học theo thái độ đó. Chúng ta đọc thấy trong Philíp đoạn 2 rằng chúng ta cũng phải có đồng một tâm tình như thế, không chăm về lợi riêng mình, nhưng chăm về lợi của kẻ khác. Thái độ cũng được đề cập rõ ràng trong nhiều chỗ khác nữa. Chúng ta cùng mở ra trong Rôma đoạn 12 câu 3. Tại đây vị sứ đồ cũng trình bày trong ý nghĩa của những điều đã trình bày trước đó về sự học theo Đấng Christ "Vậy, nhờ ơn đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong anh em chớ có tư tưởng cao quá lẽ, nhưng phải có tâm tình tầm thường, y theo lượng đức tin mà Đức Chúa Trời đã phú cho từng người." Câu 10 nói rằng "Hãy lấy lòng yêu thương mềm mại mà yêu nhau như anh em; hãy lấy lẽ kính nhường nhau." Chúng ta thấy được thái độ mà chúng ta cần có với tư cách là dân sự của Đức Chúa Trời ăn ở xứng đáng với sự kêu gọi của mình. Chúng ta phải bắt chước Đấng Christ.

Cách chúng ta nhìn nhận người khác, cách chúng ta nhìn những anh chị em trong Chúa với chúng ta phải là thái độ của một người đầy tớ. Một trong những điều luôn gây ấn tượng cho tôi về một người chú của tôi, lúc ấy ông là quản lý của một cửa hàng mà trước đây tôi có làm việc khi tôi ở Grand Rapids, là ông dù là quản lý nhưng luôn đảm nhận những công việc thấp hèn nhất. Ông đổ rác, dọn nhà vệ sinh. Ông làm những công việc này như là tấm gương cho mọi người khác về tinh thần sẵn sàng phục vụ. Tôi tin rằng là dân sự của Chúa, chúng ta cần phải có thái độ đó đối với nhau, một tấm lòng của người đầy tớ học theo tấm lòng của Đức Chúa Trời và của Đấng Christ.

Giacơ đoạn 1 câu 9 và 10 có nói "Anh em nào ở địa vị thấp hèn hãy khoe mình về phần cao trọng mình, kẻ giàu cũng hãy khoe mình về phần đe hèn, vì người sẽ qua đi như hoa cỏ." Và trong phần sau của sách, Giacơ cũng dạy chúng ta không nên thích ngồi kề người giàu có nhưng hãy xem mình là thấp hèn trong cách chúng ta sống với người khác. Chúng ta thấy rằng xuyên suốt Kinh Thánh, Đức Chúa Trời lên án kẻ kiêu ngạo nhưng Ngài nâng người khiêm nhượng lên. Với Đấng Christ cũng vậy, sự khiêm nhường của Ngài cuối cùng dẫn đến sự tôn cao cho Ngài. Thế thì chúng ta được kêu gọi ăn ở xứng đáng với sự kêu gọi của chúng ta nghĩa là chúng ta phải bước đi cách khiêm nhường với tinh thần phục vụ lẫn nhau như Đấng Christ. Chúng ta phải trở nên giống như Ngài.

Nét phẩm chất thứ hai mà chúng ta tìm thấy trong Êphêsô đoạn 4 là sự mềm mại. Tôi tin rằng mềm mại trong Kinh Thánh có nghĩa là hiền lành. Một lần nữa tinh thần này cũng được bày tỏ trong Đấng Christ. Chúng ta hãy nhìn cách Chúa Giêxu đối với tội nhân. Ngài không nhìn dân Ysơraên với cặp mắt lên án và giận dữ mà phán về họ rằng Ngài động lòng thương xót họ vì họ như chiên không có người chăn. Chúng ta thấy tại đây một Đấng chính thật là Đức Chúa Trời và công bình trọn vẹn. Ngài là Đấng đáng ra có thể gay gắt nhất đối với con người, là Đấng đáng ra có thể khiến sự đoán xét và rủa sả đến trên loài người. Thế nhưng Đấng đến thế gian đã đến như là một đầy tớ khiêm nhường hiền lành. Chúng ta thấy cách Đấng Christ đối với tội nhân, cách Ngài sống giữa tội nhân và người thâu thuế, cách Ngài đối xử mềm mại với người đàn bà tội lỗi mà tha thứ tội cho bà.

Chúng ta để ý rằng những lời ra lệnh của Đấng Christ là dành cho những kẻ cứng lòng không ăn năn, cho những hàng lãnh đạo giáo hội đang dẫn dắt dân Ysơraên đi sai lạc. Thế nhưng Đấng Christ, là Chúa Giêxu, đối xử với người khác cách mềm mại và tôn trọng, cứng rắn nhưng yêu thương. Tôi tin rằng nếu chúng ta đồng hóa sự hiền lành và sự yếu đuối là không chính xác. Rõ ràng hai điều này không giống nhau. Chúng ta có thể nói rằng Chúa Giêxu đến với con người cách hiền lành, đối với họ cách mềm mại trong tình yêu thương. Thế nhưng chúng ta không bao giờ được sánh Ngài như một con người yếu đuối. Ngài không bị người ta đánh bại, Ngài đứng vững với những nguyên tắc của Tin Lành của Đấng Christ. Ngài đứng vững vàng trên những nguyên tắc đó nhưng trong sự giảng dạy của đấng Christ, trong cách Ngài đối cùng dân sự, Ngài cáo trách họ cách nhẹ nhàng và tôn trọng.

Cũng vậy, Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta có một thái độ như Chúa Giêxu. Vâng, có những lúc chúng ta được kêu gọi phải nói lên Lời Đức Chúa Trời và đối chất với người khác, thế nhưng Kinh Thánh dạy chúng ta phải nói với người khác cách hiền lành và tôn trọng. Xin chúng ta cùng mở ra trong Kinh Thánh để thấy điều này. Trong Côlôse đoạn 4 câu 5 và 6 "Hãy lấy sự khôn ngoan ăn ở với những người ngoại, và lợi dụng thì giờ. Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối đáp mỗi người là thể nào". Chúng ta thấy tại đây Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta nói năng một cách có ân hậu và nêm thêm muối hầu có thể đối chất với người khác hoặc chỉ cho họ thấy những sai trật nhưng chúng ta phải nói một cách có ân hậu với thái độ tôn trọng chớ không khắt khe độc đoán. 1Phierơ đoạn 3 câu 8 cũng nói tương tự "Rút lại, hết thảy anh em phải đồng lòng đầy thương xót và tình yêu anh em, có lòng nhơn từ và đức khiêm nhượng. Đừng lấy ác trả ác, cũng đừng lấy rủa sả trả rủa sả; trái lại, phải chúc phước, ấy vì đều đó mà anh em được gọi để hưởng phước lành." Chúng ta thấy rằng là dân sự của Chúa, là người bắt chước Đấng Christ, chúng ta được kêu gọi phải yêu thương nhau, phải nói năng cách mềm mại, phải đến choàng vai khích lệ những ai đang gặp sự tranh chiến.

Đôi khi chúng ta cũng phải cáo trách họ nhưng phải cáo trách với mục tiêu dìu dắt họ, đối với họ một cách mềm mại nhưng cứng rắn, hiền lành mà không gay gắt, dẫn dắt họ trong đức tin. Cách chúng ta đối đãi với nhau phải giống như cách Đấng Christ lấy lòng thương xót đối cùng chúng ta. Đấng Christ đáng ra đã có thể gay gắt với chúng ta vì chúng ta là tội nhân và chúng ta đáng ra cũng dễ có thái độ đoán xét và gay gắt với những người không sống theo ý Chúa. Nhưng Đức Chúa Trời đã kêu gọi chúng ta bày tỏ tình yêu thương, sự thương xót, sự khích lệ cách mạnh mẽ nhưng hiền lành.

Nét phẩm chất thứ 3 mà vị sứ đồ nói đến trong Êphêsô đoạn 4 là sự nhịn nhục, nhịn nhục và chìu nhau, lấy lòng yêu thương mà chìu nhau. Tại đây một lần nữa tấm gương cao cả nhất về sự nhịn nhục được tìm thấy nơi Đấng Christ. Chúa Giêxu đến trong thế gian, Ngài sống giữa tội nhân. Ngài sống hằng ngày giữa những môn đồ Ngài và họ dường như không hiểu biết gì về sứ điệp mà Ngài đang rao giảng. Ngài sống giữa dân Ysơraên, tuyển dân của Đức Chúa Trời. Ngài nhìn thấy họ sống trong tội lỗi, nhìn thấy họ nghi ngờ những lời hứa mà Đức Chúa Trời ban cho họ, nhìn thấy họ sống cách giáo điều mà không thật lòng yêu mến Đức Chúa Trời. Thế nhưng Chúa Giêxu thật nhẫn nại. Chúa Giêxu đặc biệt kiên nhẫn với mười hai sứ đồ Ngài bởi dù họ có nhiều lần thất bại nhưng Ngài cứ bày tỏ tình yêu thương và sự thương xót Ngài. Ngài chịu đựng họ. Với chúng ta chẳng phải cũng như vậy sao?

Chúng ta cứ thất bại trong sự hầu việc Chúa. Bao nhiêu lần tác giả Thi Thiên nói đến một Đức Chúa Trời hay nhịn nhục, chậm giận và đầy ơn? Làm sao chúng ta có thể sống bên ngoài ân điển của Đức Chúa Trời mà Ngài đã dùng mà chịu đựng chúng ta thậm chí trong những sự tranh chiến hàng ngày của chúng ta? Chúng ta cần sự nhịn nhục của Ngài, chúng ta cần sự tha thứ của Ngài. Nếu Ngài đã không chịu đựng chúng ta thì không ai trong chúng ta còn đứng nỗi. Sự nhẫn nại của Đấng Christ đối với tội nhân thật rõ ràng xuyên suốt Kinh Thánh.

Một lần nữa chúng ta hãy nhìn xem Đấng Christ và bắt chước Ngài. Là những người học theo Đấng Christ, chúng ta được kêu gọi đối đãi với nhau như Ngài. Kinh Thánh chép nhiều lời kêu gọi chúng ta phải chịu đựng nhau. Chịu đựng nhau nghĩa là chúng ta phải kiên nhẫn với nhau. Bởi chúng ta nhận ra rằng mỗi người trong chúng ta đều là tội nhân. Có thể nói biết bao lần mỗi người trong chúng ta đã sai trật. Nếu có ai nói điều gì khiến chúng ta tức giận, chúng ta đã sẵn lòng chịu đựng lẫn nhau như thế nào? Có giống như Chúa đã dạy "Tình yêu thương che đậy vô số tội lỗi" không?

Chúng ta nghĩ đến câu chuyện ẩn dụ về người đầy tớ bất trung mà Chúa Giêxu có nói đến. Trong đó một người đầy tớ được tha thứ nhiều. Anh ta được vị vua giàu có tha thứ cho nhiều lắm. Anh ta mắc nợ rất nhiều. Nhưng thay vì bỏ anh ta vào tù, vị vua phán rằng anh ta được tha nợ. Và rồi chính anh đầy tớ này ra khỏi tù và ngay lập tức đến gặp một đầy tớ khác cũng đang mắc nợ anh một ít tiền rồi nhất định không chịu tha nợ cho bạn mình và nổi giận tống bạn mình vào tù. Làm sao chúng ta là những người đã nếm biết sự tốt lành của Chúa, đã nếm trải sự nhẫn nại của Ngài đối cùng chúng ta, làm sao chúng ta có thể không bày tỏ một thái độ kiên nhẫn, chịu đựng, sẵn lòng tha thứ như Ngài đã đối cùng chúng ta?

Thế thì, muốn ăn ở xứng đáng với Chúa, chúng ta phải ăn ở khiêm nhường, mềm mại, sẵn sàng tha thứ và kiên nhẫn với nhau. Kinh Thánh dạy rằng chúng ta phải có cùng một thái độ sống như Đấng Christ. Nếu chúng ta thuộc về Đấng Christ, nếu cuộc đời chúng ta thật sự được Ngài biến cải, chúng ta không thể ăn ở như những người khác trên thế gian này, cứ miệt mài trong tội lỗi và sự thống khổ của họ, không muốn sống khiêm nhường, phục vụ hay chịu đựng lẫn nhau. Thái độ sống của chúng ta phải học theo Đấng Christ. Chúng ta phải sống theo sự kêu gọi mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi chúng ta trong Đấng Christ. Chúng ta phải bắt chước Ngài, ăn ở xứng đáng với sự kêu gọi của chúng ta. Amen.

Lạy Cha thiên thượng toàn năng của chúng con, Ngài đã ban cho chúng con một sự kêu gọi cao cả, sự kêu gọi để học theo Đấng Christ, để có một thái độ như Chúa Giêxu hầu sống xứng đáng với sự kêu gọi mà Ngài ban cho chúng con. Lạy Chúa, chúng con cầu xin Ngài ban cho chúng con một tinh thần khiêm nhường, phục vụ như Đấng Christ phục vụ chúng con. Xin cho chúng con chớ có tư tưởng cao quá lẽ mà luôn sẵn lòng để Ngài sử dụng chúng con. Cũng xin Ngài ban cho chúng con một tâm thần mềm mại, không gay gắt chỉ trích nhưng lấy lòng yêu thương mà khích lệ nhau trong đức tin.

Lạy Chúa, xin cho chúng con bày tỏ tình yêu thương với nhau. Chúng con cũng cầu xin Ngài cho chúng con có tinh thần chịu đựng những khiếm khuyết của nhau. Lạy Chúa, chúng con biết rằng mỗi người trong chúng con đều thiếu hụt sự vinh hiển của Ngài, đôi khi chúng con cũng không phải với nhau. Chúng con cầu xin Ngài thương xót chúng con như chúng con cũng bày tỏ lòng thương xót với anh chị em của chúng con. Con cầu xin Ngài đổ đầy lòng chúng con thái độ sống học theo gương Ngài. Chúng con cũng cầu xin Ngài tha thứ những thiếu sót của chúng con vì chúng con biết rằng chúng con phải hằng nương nhờ nơi ân điển Ngài như thế nào. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu Christ. Amen.

Rev. Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)