Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Êphêsô > Hai Sự Mầu Nhiệm - 10/2002  


HAI SỰ MẦU NHIỆM
(Ê-phê-sô 3:2-6)

Tháng Mười 2002

"Vả, anh em có nghe Đức Chúa Trời ban chức cho tôi, là ân điển mà Ngài vì anh em phó cho tôi, thể nào bởi sự tỏ ra, tôi đã hiểu biết điều mầu nhiệm mà tôi mới bày tỏ cùng anh em mấy lời. Đọc đến thì anh em có thể rõ sự hiểu biết của tôi về lẽ mầu nhiệm của Đấng Christ, là lẽ mầu nhiệm trong các đời khác, chưa từng phát lộ cho con cái loài người, mà bây giờ đã được Đức Thánh Linh tỏ ra cho các sứ đồ thánh và tiên tri của Ngài. Lẽ mầu nhiệm đó tức là: Dân ngoại là kẻ đồng kế tự, là các chi của đồng một thể, đều có phần chung với chúng ta về lời hứa đã nhờ Tin Lành mà lập trong Đức Chúa Jêsus Christ."

Kính thưa hội thánh yêu dấu trong danh Chúa Cứu Thế Giêxu, tôi rất thích nghe những câu chuyện kỳ bí lý thú lành mạnh. Tôi nghĩ rằng nhiều người trong quí vị cũng thích như vậy. Thường thường khi nói đến chuyện bí ẩn chúng ta thường nghĩ đến những chuyện có liên quan đến tội ác. Chuyện bí ẩn thì muôn màu muôn vẻ. Chuyện bí ẩn là chuyện liên quan đến một số manh mối, khám phá ra manh mối mới và khi khám phá ra đầu mối mới thì chúng ta tiếp tục liên kết những yếu tố khác nhau nầy lại để tìm ra câu giải đáp cho những điều bí ẩn nào đó. Quí vị biết không? Thật là lý thú khi khám phá ra được điều gì đó mới mẻ, rồi sắp xếp những điều đó lại với nhau, để cho những mảnh nhỏ ăn khớp nhau như chơi trò xếp hình, những mảnh nhỏ được xếp vào vừa vặn, ăn khớp với những lỗ còn trống. Để hiểu được những gì trước kia còn bị giấu kín khỏi chúng ta, những điều chưa được ai biết tới, sự tìm tòi nghiên cứu sẽ cho chúng ta câu trả lời cho những điều bí ẩn và huyền nhiệm. Chúng ta bắt đầu với một vấn đề bí ẩn, rồi sau một thời gian nghiên cứu, xem xét một số dữ kiện, chúng ta sắp xếp những điều đó lại với nhau để tìm ra giải pháp.

Khúc Kinh Thánh của chúng ta hôm nay nói về một điều bí ẩn, một huyền nhiệm. Sự huyền nhiệm đó được tỏ ra cho sứ đồ Phao-lô. Điều huyền nhiệm được tỏ ra mà Phao-lô được hiểu biết đó là độc nhất. Khi quí vị chơi trò xếp hình, quí vị có thể xếp những mảnh nhỏ lại với nhau, đây là điều mà quí vị tìm kiếm để khám phá ra. Nhưng quí vị thấy trong trường hợp của sứ đồ Phao-lô, về phần ông không hề có sự tìm tòi nào hầu cho sự mầu nhiệm về Tin lành của Chúa Cứu Thế Giêxu được tỏ ra cho ông. Sự mầu nhiệm mà sứ đồ Phao-lô nói đến phải được tỏ ra cho ông bởi Đức Chúa Trời Chí Cao. Phaolô hiểu biết sự mầu nhiệm và lời giải đáp cho sự mầu nhiệm đó chỉ bởi sự khải tượng trực tiếp từ Đức Chúa Trời. Lẽ thật được tỏ ra cho các sứ đồ không phải bởi nhận thức riêng tư do sự khôn ngoan và sự hiểu biết riêng của họ nhưng chỉ bởi Đức Chúa Trời bày tỏ chính mình Ngài ra cho họ biết.

Hôm nay chúng ta muốn nói về sự mầu nhiệm được tỏ ra cho sứ đồ Phao-lô trước tiên bằng cách suy gẫm về khải tượng đặc biệt của Đức Chúa Trời tỏ ra cho Phao-lô. Thứ nhì chúng ta sẽ xem xét về một sự mầu nhiệm hai mặt được bày tỏ ra, và cuối cùng chúng ta sẽ suy nghĩ về phước hạnh của các sự mầu nhiệm nầy đối với Hội thánh của Chúa Cứu Thế Giêxu và đối với chúng ta là dân sự của Đức Chúa Trời. Trước khi nói về sự mầu nhiệm được tỏ ra cho mình, sứ đồ Phao-lô nhắc nhở người đọc rằng sự mầu nhiệm đã tỏ ra nầy chỉ duy nhất được bày tỏ cho ông. Sự kêu gọi của ông, như chúng ta đã học trong tuần trước, là một sự kêu gọi độc nhất bởi cách ông được nhận biết lẽ mầu nhiệm trên một khía cạnh nào đó biệt riêng ông ra đối với những sứ đồ khác nhưng mặt khác lại nối kết ông lại với họ.

Không giống như các sứ đồ kia là những người đã từng đi với Chúa Cứu Thế Giêxu, những người từng nói chuyện với Ngài khi Ngài còn trên đất, những người đã nhìn xem Chúa Giêxu chết trên thập tự giá, những người hội họp lại với các thánh đồ trong phòng kín khi Chúa Giêxu đến và nói chuyện với họ, những người nhìn xem Chúa Cứu Thế phục sinh, những người nhìn thấy Chúa Cứu Thế Giêxu thăng thiên về trời. Sự hiểu biết của họ được mở ra dần khi Chúa Cứu Thế dạy dỗ họ về Tin lành của Chúa Cứu Thế Giêxu. Sự trở lại đạo của Phao-lô là khác biệt với kinh nghiệm của các sứ đồ kia. Sự trở lại đạo của Phao-lô không giống như họ, rất thình lình và gây ấn tượng sâu sắc. Chắc chắn quí vị còn nhớ câu chuyện Phao-lô được biến cải một cách đột ngột trong sách Công vụ các Sứ đồ đoạn 9 trên đường đi đến Đa-mách. Ông đi đến Đa-mách với mục đích là bắt bớ và giải đem về những người được biết là Cơ-đốc nhân. Lúc ấy ông còn chống nghịch lại Chúa Cứu Thế. Sự trở lại đạo của Phao-lô đến thình lình khi ánh sáng từ trời chiếu xuống và Phao-lô đối diện với Chúa Cứu Thế đã sống lại.

Trên con đường đến Đa-mách đó Phao-lô không còn phủ nhận Chúa Giêxu là Chúa Cứu Thế, Con Đức Chúa Trời hằng sống nữa bởi chính mắt ông đã nhìn thấy Cứu Chúa Phục sinh. Cứu Chúa đã sống lại tỏ chính Ngài ra cho một sứ đồ được kêu gọi. Vì lý do đó Phao-lô tự xem mình là một thai sanh non, theo 1Cô-rinh-tô 15. Ông tự xem mình là nhỏ nhất trong các sứ đồ, ông đã không được luôn đồng hành với Chúa Cứu Thế mà thình lình đối diện với Tin lành Ngài sau khi đã đứng dưới trướng của những người hành hạ Ê-tiên, một đầy tớ trung tín của Đức Chúa Trời, cho đến chết. Ông là một người bắt bớ hội thánh của Chúa Cứu Thế nhưng giờ đây đã được mặt đối mặt với Đấng Chí Cao là chính Chúa Cứu Thế Giêxu sống lại. Dù sự kêu gọi của ông là duy nhất theo ý nghĩa đó, nhưng khải tượng đầy ấn tượng của Chúa Cứu Thế cho Phao-lô đồng thời lại liên kết ông với những sứ đồ kia. Bởi vì giống như Phao lô, các sứ đồ kia đã tận mắt nhìn thấy Cứu Chúa Phục sinh. Đây là một trong các tiêu chuẩn đặc biệt để được gọi là sứ đồ, nghĩa là họ phải tận mắt thấy Chúa Giêxu, được chính Chúa Cứu Thế kêu gọi để rao giảng Tin lành của Ngài. Một nhân tố nữa thiết lập vai trò sứ đồ của ông là vì ông được chính Đức Chúa Trời ban cho khải tượng nầy nên ông có thể nói với quyền hạn của một sứ đồ của Chúa Cứu Thế.

Nếu quí vị đọc sách 2 Cô-rinh-tô, phần cuối của sách nầy là lời biện hộ của sứ đồ Phao-lô. Thực tế ông là một sứ đồ chính thức và được sự ủy quyền của Chúa Cứu Thế nhân sự kêu gọi đặc biệt đó. Sự mầu nhiệm của Tin lành của Chúa Cứu Thế được bày tỏ ra một cách đặc biệt cho ông. Ông cũng được kêu gọi đặc biệt để đem Tin lành đến cho dân ngoại. Lần trước chúng ta đã để thì giờ nói về vấn đề đó cho nên hôm nay chúng ta không nói thêm nhiều nữa nhưng trong Công vụ các Sứ đồ đoạn 9 có chép việc Phao-lô được kêu gọi làm sứ đồ cho dân ngoại. Không giống như các sứ đồ kia dù trong số họ cũng có người đem Tin lành đến cho dân ngoại nhưng chủ yếu hầu hết họ tập trung vào dân Giu-đa.

Phao-lô được kêu gọi một cách đặc biệt truyền Tin lành ra cho các nước của dân ngoại và A-na-nia được bảo cho biết về sự kêu gọi đó và cũng bày tỏ ra cho sứ đồ Phao-lô. Khải tượng của Đức Chúa Trời xác định Phao-lô là một sứ giả có đầy đủ tư cách về sự mầu nhiệm của Tin lành và cũng kêu gọi ông vào chức vụ đặc biệt là đem Tin lành đến cho dân ngoại. Đây không phải là điều tự Phao-lô đặt ra mà được tỏ ra một cách đặc biệt cho ông. Ông đã tận mắt tận tai trông thấy và lắng nghe tiếng Cứu Chúa Phục sinh. Khải tượng của Phao-lô chứa đựng một sự mầu nhiệm hai mặt được giải tỏ ra. Tôi tin rằng có hai sự mầu nhiệm được nói đến trong khúc Kinh Thánh của chúng ta hôm nay.

Sự mầu nhiệm đầu tiên là sự mầu nhiệm về Chúa Cứu Thế, chúng ta thấy điều nầy trong Ê-phê-sô 3:4 khi Phao-lô nói rõ ràng rằng, "Đọc đến thì anh em có thể rõ sự hiểu biết của tôi về lẽ mầu nhiệm của Đấng Christ". Sự mầu nhiệm thứ nhất được tỏ ra cho Phao-lô là công việc và chức vụ của Chúa Giêxu. Sự mầu nhiệm thứ hai là sự dân ngoại được kể vào như trong câu 6, "Lẽ mầu nhiệm đó tức là: Dân ngoại là kẻ đồng kế tự, là các chi của đồng một thể, đều có phần chung với chúng ta về lời hứa đã nhờ Tin Lành mà lập trong Đức Chúa Jêsus Christ". Cả hai sự mầu nhiệm đó được tỏ ra cho sứ đồ Phao-lô.

Trong bài chú giải về sách Ê-phê-sô, Tiến sĩ Martin Loyal Jones nói về những sự mầu nhiệm nầy, thứ nhất là sự mầu nhiệm chung, ấy là sự mầu nhiệm về Chúa Cứu Thế, còn sự mầu nhiệm đặc biệt kia là sự tỏ ra của Đức Chúa Trời về việc dân ngoại được kể vào. Dĩ nhiên sự mầu nhiệm về Chúa Cứu Thế là nổi bật hơn. Ông đã viết trong cả thư tín nầy về sự mầu nhiệm của Tin lành và giải bày từng phần một cho chúng ta như khi chúng ta đãhọc qua đoạn 1 và 2 và lấy làm lạ về ân điển của Chúa Cứu Thế Giêxu. Ê-phê-sô đoạn 1 và 2 giải tỏ ra thực sự về những điều Chúa Giêxu đã làm cho chúng ta, rằng chúng ta đã được chuộc bởi ân điển và chỉ bởi ân điển mà thôi bởi đức tin chớ không phải bởi việc làm của chúng ta, rằng chúng ta đã được chọn bởi Đức Chúa Trời Chí Cao. Phao-lô hiểu biết được những điều nầy và chia sẻ lại cho hội thánh. Ông hiểu biết công việc của Chúa Cứu Thế Giêxu là điều mà các tiên tri chỉ suy nghĩ và tưởng tượng mà không hiểu được trọn vẹn, điều mà các thiên sứ trông đợi để được nhìn thấy theo như 1Phi-e-rơ đoạn 1, điều đã được giấu kín trong quá khứ mà giờ đây được bày tỏ ra trong Chúa Cứu Thế Giêxu.

Trong Cựu ước chúng ta nhìn xem Tin lành của Chúa Cứu Thế chỉ bằng hình bóng, mặc dù người thời đó hiểu rằng họ cần có một của lễ chuộc tội nhưng họ không biết được rõ ràng ai là Đấng Cứu Chuộc và điều nầy được bày tỏ ra như thế nào. Giờ đây điều đã từng giấu kín đã được bày tỏ ra, điều trước kia chỉ được làm hình bóng nay đã ứng nghiệm. Có ai hiểu được điều nầy hơn sứ đồ Phao-lô, một học giả của Cựu ước, một học trò chăm chỉ của Ga-ma-li-ên là một người Pha-ri-si đã học làu Kinh Thánh từ đầu cho đến cuối mà, dầu đã học Cựu ước, đã không thể hiểu rằng Chúa Cứu Thế Giêxu là sự ứng nghiệm về những điều ấy. Nhưng thình lình khi Chúa Cứu Thế bày tỏ chính Ngài cho Phao-lô trên đường Đa-mách thì mảnh xếp hình được xếp vào vừa vặn. Phao-lô hiểu rằng Chúa Giêxu là Chiên Con của Đức Chúa Trời, là tế lễ cho tội lỗi của con người. Ngài là Đấng Mê-si, nói cách tổng quát Ngài là đấng cai trị trên hết thảy. Ngài là A-đam thứ nhì nhưng đã giữ luật pháp một cách trọn vẹn và sự công bình của Ngài được ban cho chúng ta. Ngài là đầy tớ chịu khổ trong Ê-sai 53. Những luật pháp và lời tiên tri mà Phao-lô đã biết giờ đây đã được ứng nghiệm. Sự hiểu biết mà Phao-lô được ban cho không phải nhờ sự tự học hỏi của bản thân ông nhưng bởi sự mặc khải khi Thánh Linh của Đức Chúa Trời mở mắt ông và cái vảy rớt xuống thì ông mới hiểu thấu được sự mầu nhiệm của Tin lành của Chúa Cứu Thế Giêxu. Giờ đây ông có thể nói cách thông hiểu, giờ đây sự mầu nhiệm của Chúa Cứu Thế được tỏ ra, rằng chúng ta được cứu nhờ Ngài và chỉ một mình Ngài mà thôi, rằng tội lỗi của chúng ta được cất khỏi như phương đông xa cách phương tây, rằng điều mà những con sinh tế trong thời Cựu ước không làm được thì Chúa Cứu Thế đã làm trọn. Ấy là cốt lõi của sứ điệp của Phao-lô hầu cho chúng ta hiểu được rằng chúng ta được cứu khỏi tội lỗi và sự khốn khổ của nó.

Thật vậy tội lỗi là một sự khốn khổ, thật vậy, tội lỗi dẫn đến cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Chúng ta đã được cứu ra khỏi điều đó, được đem vào sự sống mới và được dự phần trong sự vui mừng của sự cứu rỗi. Chúng ta cũng có thể hiểu biết được sự mầu nhiệm của Tin lành khi Phao-lô mở ra cho chúng ta và tiếp tục cầu nguyện hầu chúng ta cũng được hiểu để có thể nhận thức điều đã được bày tỏ ra cho ông là sứ điệp mà ông rao giảng. Đó là lời cầu nguyện của ông và cũng là lời cầu nguyện của chúng ta nữa hầu cho chúng ta hiểu được sự mầu nhiệm của Tin lành, để lòng chúng ta được tràn ngập như lời Phao-lô sau đó trong lời cầu nguyện trong đoạn 3, hầu cho chúng ta hiểu được chiều sâu, chiều cao, chiều rộng, chiều dài của tình yêu thương của Chúa Cứu Thế Giêxu. Đó là sự mầu nhiệm của Tin lành đã được bày tỏ ra cho Phao-lô, sự mầu nhiệm mà Phao-lô yêu mến. Sự mầu nhiệm được đặt để trong lòng của Phao-lô để chia sẻ, để rao bảo cho cả thế giới về tin mừng của Chúa Cứu Thế Giêxu. Sự mầu nhiệm của Tin lành của Chúa Cứu Thế giờ đây được giải tỏ ra trong chính Chúa Cứu Thế Giêxu. Thế nhưng sự mầu nhiệm có tính cách riêng biệt kia là lẽ thật về Tin lành cũng dành cho dân ngoại nữa.

Tôi tin rằng điều nầy cũng được nói đến, nếu quí vị xem trong câu 6 thì thấy sự mầu nhiệm của Tin lành được giảng ra không chỉ cho người Giu-đa nhưng cũng cho dân ngoại nữa. Quí vị có thể hỏi tại sao điều đó lại là một sự mầu nhiệm. Khi đọc trong Sáng-thế Ký đoạn 12 về lời hứa của Đức Chúa Trời cho Áp-ra-ham rằng các dân tộc trên thế gian sẽ nhờ ông mà được phước, qui vị sẽ thấy lời hứa được ban cho Áp-ra-ham không chỉ dành riêng cho người Giu-đa mà thôi nhưng trong thời điểm của Đức Chúa Trời, mọi dân tộc trên thế gian sẽ nhận được phước hạnh lớn lao đó về giao ước được ban cho Áp-ra-ham. Sách Ê-sai và các sách tiên tri khác nói rằng Tin lành của Chúa Cứu Thế bao gồm luôn cả dân ngoại. Thế thì tại sao điều đó lại là một sự mầu nhiệm? Nếu quí vị xem xét quan điểm của người Giu-đa trước đó, quí vị sẽ thấy họ chống lại việc dân ngoại được kể vào giao ước. Thực tế có một số người ngoại được kể vào chung với họ, chúng ta nghĩ đến Ru-tơ và một số người khác nữa được tiếp nhận vào và thật sự trở thành người Giu-đa. Trong quá khứ một số dân ngoại đã được kể vào. Nhưng chúng ta thấy để được kể vào trong giao ước, điều trước tiên là họ phải trở thành người Giu-đa, nghĩa là họ phải chịu phép cắt bì và phải làm theo luật pháp của Đức Chúa Trời. Vì vậy thực chất họ phải từ bỏ cương vị dân ngoại của họ để trở thành người Giu-đa. Điều đó vượt quá quan niệm của người Giu-đa cho nên gây ra sự xung đột mà kết quả là Phao-lô bị ở tù.

Những dân ngoại nầy được kể vào dân sự của Đức Chúa Trời mà không phải chịu cắt bì, không phải mang lấy gánh nặng của luật pháp, rằng Tin lành được ban cho người Giu-đa và người ngoại như nhau, rằng ân điển của Chúa Cứu Thế Giêxu đền trả cho tội lỗi của cả hai ngang nhau, rằng cả hai đều được dự phần trong mọi phước hạnh của giao ước. Đã từ lâu người Giu-đa tự tách mình ra vì cho rằng chỉ qua họ người ta mới nhận được ân điển. Thế nhưng vòng xiềng xích bị bẻ ra và Tin lành của Chúa Cứu Thế ban đến cho cả người Giu-đa lẫn dân ngoại đều như nhau. Họ hiệp một cùng nhau và được hòa thuận lại cùng Đức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế Giêxu. Đây thật là một sự thay đổi triệt để đối với quá khứ, một huyền nhiệm được ứng nghiệm trong Chúa Cứu Thế Giêxu. Điều đó có ích lợi gì đối với hội thánh ngày hôm nay? Như chúng ta đã nói đến trong lần trước, hội thánh được ích lợi vì hầu hết chúng ta là dân ngoại. Hầu hết chúng ta không được sanh ra bởi cha mẹ là người Giu-đa, nhưng dầu vậy Tin lành của Chúa Cứu Thế cũng được ban cho chúng ta một cách lạ lùng hầu cho chúng ta có thể dự phần trong sự vui mừng của Tin lành của Chúa Cứu Thế, hầu cho chúng ta trở thành người kế nghiệp, cùng một thân và dự phần vào lời hứa của Chúa Cứu Thế Giêxu.

Giao ước đã được lập với Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp thì giờ đây là của quí vị. Kể cả quí vị nữa cũng sẽ được cùng cai trị với Ngài trong sự vinh hiển. Quí vị cũng được dự phần trong lời hứa về cơ nghiệp và cơ nghiệp sẽ không bao giờ bị cất khỏi quí vị. Phước hạnh và lời hứa ban cho dân Giu-đa cũng được ban cho quí vị. Lời tiên tri về sự cao trọng của vương quốc Đức Chúa Trời cũng là lời hứa ban cho quí vị. Quí vị là thành viên trong dân sự giao ước của Đức Chúa Trời. Đây là một mầu nhiệm, một sự mầu nhiệm tuyệt vời cho hội thánh của Đức Chúa Trời. Nhờ vậy chúng ta được kể vào và cũng được hòa thuận lại cùng Đức Chúa Trời.

Thứ nhì, chúng ta được ích lợi một cách rõ ràng bởi sự hiểu biết lẽ mầu nhiệm của Phao-lô: lẽ mầu nhiệm về Tin lành được ban cho ông để rao ra cho hội thánh và chúng ta giờ đây là dân sự của Đức Chúa Trời có thể đọc được công vụ của các sứ đồ và các tiên tri. Chúng ta đọc về những lẽ mầu nhiệm nầy và qua sự hành động của Đức Thánh Linh, lòng chúng ta bắt đầu hiểu được sự mầu nhiệm về Tin lành của Chúa Cứu Thế. Chúng ta bắt đầu hiểu rằng khi Chúa Cứu Thế chết trên thập tự giá thì chúng ta cũng đồng chết với Ngài, rằng khi Ngài sống lại từ kẻ chết thì chúng ta cũng đã cùng sống lại với Ngài, rằng khi Ngài thăng thiên về trời thì chúng ta cũng cùng ngồi với Ngài nơi đó. Sự mầu nhiệm của Tin lành là sự hiệp một với Chúa Cứu Thế được tỏ ra cho sứ đồ Phao-lô qua sự mầu nhiệm được ban cho ông để truyền lại cho các dân tộc. Chúng ta thật sự là người kế tự, chúng ta đã nếm biết được sự nhân từ của Ngài. Bởi Thánh Linh Ngài chúng ta đã được hòa thuận lại cùng Đức Chúa Trời qua huyết báu của Chúa Cứu Thế Giêxu.

Khi quí vị học qua khúc Kinh Thánh nầy quí vị nên nhận biết rằng sứ đồ Phao-lô không khoe khoang về điều mà Đức Chúa Trời tiết lộ ra cho ông là sự mầu nhiệm của Tin lành. Đối với ông, vấn đề không phải là ông hãnh diện vì được kêu gọi làm sứ đồ của Chúa Cứu Thế Giêxu. Thật ra trong câu 8 ông nói, "Phải, ân điển đó đã ban cho tôi, là kẻ hèn hơn hết mọi thánh đồ, để rao truyền cho dân ngoại sự giàu có không dò được của Đấng Christ". Trong những khúc Kinh Thánh khác nữa ông cũng nhận mình kém hơn những người khác và ông làm chứng về điều đó. Phao-lô không khoe mình mà ông chỉ khẳng định quyền hạn chức sứ đồ của mình rằng ông đã được trông thấy Chúa Cứu Thế và là sứ đồ của Ngài. Qua sự cảm ứng của Thánh Linh ông viết lại hầu cho chúng ta tràn đầy lòng kinh ngạc về Tin lành của Chúa Cứu Thế Giêxu. Đây là một sự mầu nhiệm, là điều mà chúng ta không thể nào hiểu được trừ khi Đức Chúa Trời bày tỏ ra cho chúng ta.

Tạ ơn Đức Chúa Trời là chúng ta cũng đã được mở mắt, cùng với sứ đồ Phao-lô, cái vảy trong mắt chúng ta cũng rớt ra hầu cho chúng ta hiểu và nếm biết được sự nhân từ của Chúa Cứu Thế. Khi chúng ta đọc những câu Kinh Thánh như vậy, khi chúng ta hiểu được lẽ mầu nhiệm của Tin lành thì làm sao chúng ta không đáp lại bằng lòng yêu mến Đấng Cứu Chuộc của chúng ta? Đời sống của chúng ta được giấu trong Chúa Cứu Thế, chúng ta là kẻ kế tự của lời hứa của Ngài. Dù sống hay chết, dù chúng ta có trải qua bất cứ sự thử thách nào, không gì có thể phân cách chúng ta khỏi sự yêu thương của Chúa Cứu Thế Giêxu theo như Rô-ma đoạn 8. Quí vị được gìn giữ trong tay của Ngài và lời hứa của Đức Chúa Trời bảo đảm rằng bất cứ sự thử thách, hoàn cảnh nào mà chúng ta đối diện trong đời sống nầy, Tin lành của Chúa Cứu Thế Giêxu luôn có câu giải đáp cho chúng ta trong hoàn cảnh đó. Chúng ta có sự hi vọng và yên nghỉ không phải trên những gì của thế gian nầy nhưng những gì của thiên đàng theo lời hứa của Đức Chúa Trời, chúng ta yên nghỉ trên những lời hứa đó. Sự mầu nhiệm của Tin lành của Chúa Cứu Thế Giêxu đã được tỏ ra.

Quí vị có tin nhận nơi Ngài không? Quí vị có tin cậy nơi Ngài là Chúa và Cứu Chúa của quí vị không? Quí vị có tin rằng Ngài cất đi mọi tội lỗi của quí vị và quăng chúng đi như phương Đông xa cách phương Tây không? Thưa dân sự của Đức Chúa Trời, sự mầu nhiệm của Tin lành Chúa Cứu Thế Giêxu đã được tỏ ra cho chúng ta trong sách Ê-phê-sô. Cầu xin Đức Chúa Trời qua Đức Thánh Linh Ngài soi sáng lòng quí vị và mở mắt quí vị để hiểu được sự tuyệt vời của sự mầu nhiệm nầy và phước hạnh về điều đó được ban cho chúng ta. Amen.


Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con cám ơn Ngài về sự mầu nhiệm của Tin lành Chúa Cứu Thế Giêxu đã được mở ra cho chúng con hầu cho chúng con cũng được kể vào số các thánh là những người đã được xưng công bình và được hòa thuận lại cùng Đức Chúa Trời. Chúa ôi chúng con cầu xin Ngài ban cho chúng con tấm lòng tràn đầy sự ngợi khen hầu dù trong lúc bị khó khăn thử thách nhất thì chúng con cũng thấy được Tin lành của Chúa Cứu Thế Giêxu là điều quí báu nhất. Dù chúng con phải mất đi những gì của thế gian nầy nhưng chúng con không bao giờ bị chia cách khỏi Chúa Cứu Thế.

Chúa ôi chúng con cầu nguyện rằng nếu có ai ở đây chưa xưng nhận đức tin mình nơi Ngài, hay lòng họ còn cứng cỏi, xin sự mầu nhiệm của Tin lành Ngài được tỏ ra cho họ qua Thánh Linh Ngài hầu cho họ cũng hiểu được lẽ thật vinh hiển của sự cứu chuộc. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Cứu Thế Giêxu. Amen.

Rev. Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)