KẾ HOẠCH TRỌN VẸN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
(Ê-phê-sô 3:9-10)
Tháng Mười Một 2002
"Và soi sáng cho mọi người biết sự phân phát lẽ mầu nhiệm, từ đời thượng cổ đã giấu kín trong Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên muôn vật. Ấy vậy, hiện nay sự khôn sáng mọi đường của Đức Chúa Trời cậy Hội thánh mà bày tỏ ra cho những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền trong các nơi trên trời."
Kính thưa hội thánh yêu dấu trong danh Chúa Cứu Thế Giêxu. Tuần rồi chúng ta học trong câu 8 nói về sự ngạc nhiên của Phao-lô về ân điển ban cho ông để rao giảng Tin lành cho dân ngoại. Đối với ông đây là một phước hạnh lớn. Niềm vui trong sự rao giảng Tin lành của Phao-lô được minh chứng trong nền tảng của sứ điệp của ông là sứ điệp mà ông được kêu gọi rao giảng ra. Thật phước hạnh biết bao khi được nói cho người khác về sự giàu có không dò lường được, không sai lầm được tìm thấy chỉ trong Chúa Cứu Thế Giêxu. Chúng ta thấy sự sốt sắng của Phao-lô về công việc được giao phó cho ông và chúng ta thấy điều đó gắn chặt với hiểu biết của ông về sứ điệp của Tin lành. Không gì khiến ông vui hơn là thấy những đời sống được thay đổi bởi Tin lành của Chúa Cứu Thế. Ông tìm thấy một sự hào hứng trong điều đó và xem đó là một đặc ân.
Như tôi có đề cập đến trong tuần rồi rằng những nam thanh niên nên suy nghĩ nghiêm túc về cơ hội rao giảng lời của Đức Chúa Trời. Cầu xin Chúa dấy lên ngay trong vòng chúng ta những người hiểu biết về Tin lành của Chúa Cứu Thế và nức lòng mừng rỡ mong muốn chia sẻ Tin lành đó với hội thánh trên thế gian. Dĩ nhiên tôi biết rằng trong một ý nghĩa nào đó tất cả chúng ta đều có trách nhiệm phải chia sẻ Tin lành với người khác nhưng tôi tin rằng có những người đặc biệt được kêu gọi đến sự hầu việc Chúa bằng sự giảng Tin lành. Có một sự ham thích và vui mừng trong sự kêu gọi đó. Một trong những vinh dự đó là được rao giảng Tin lành ra từ Lời của Đức Chúa Trời và được Đức Chúa Trời dùng để làm tỏ tường những điều có lẽ không dễ hiểu được, hầu bày tỏ ra Tin lành của Đức Chúa Trời, sự khôn ngoan lớn về kế hoạch tối cao của Ngài được bày ra trong suốt Cựu ước cho đến khi sự huyền nhiệm được tiết lộ ra trong sự đến của Chúa Cứu Thế.
Thật là một sự vui mừng khi được phép rao giảng và dạy về lẽ thật của Thánh Kinh. Khi nói về sự vui thích của mình trong việc chia sẻ sứ điệp Tin lành, sứ đồ Phao-lô nói Tin lành đó là "sự giàu có không dò được", rồi ông tiếp tục trong câu 9 và 10 cho biết tại sao ông xem sự kêu gọi của ông vào công tác phục vụ Chúa, đặc biệt là đến với dân ngoại, là một công việc bởi ân điển của Đức Chúa Trời ban cho ông. Vì vậy chúng ta muốn tiếp tục xem xét về sự vui thích của Phao-lô trong Thánh Linh bằng cách suy nghĩ 3 điều sau đây: Thứ nhất, chúng ta sẽ xem xét sự mong muốn của ông trong việc giúp người khác thấy được mối thông công trong sự mầu nhiệm. Thứ nhì, chúng ta sẽ xem xét sự mong muốn bày tỏ ra điều trước kia còn giấu kín. Cuối cùng, ông mong muốn trình bày sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời trước "những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền".
Điểm thứ nhất được tìm thấy trong phần đầu của câu 9, "và soi sáng cho mọi người biết sự phân phát lẽ mầu nhiệm". Một phần ân điển được ban cho sứ đồ Phao-lô khi ông giảng dạy là mở ra cho mọi người biết lẽ mầu nhiệm của Tin lành. Sự mong muốn của ông khi ông rao giảng là người nghe ông sẽ thấy và hiểu được rằng Chúa Cứu Thế là con đường duy nhất dẫn đến sự cứu rỗi. Chữ soi sáng ở đây muốn nói rằng khi Tin lành của Chúa Cứu Thế được rao giảng ra, khi Phao-lô được dùng làm đầy tớ của Đức Chúa Trời để giải thích về Chúa Cứu Thế thì ánh sáng sẽ soi ra và những ai bắt đầu nghe về Tin lành của Chúa Cứu Thế Giêxu có thể thấy được. Kẻ mù ngồi trong tối tăm có thể thấy được ánh sáng của Tin lành.
Vâng, thật sự đây là một phần trong lời cầu nguyện trong đoạn 1:18, "lại soi sáng con mắt của lòng anh em, hầu cho biết điều trông cậy về sự kêu gọi của Ngài là thể nào, sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển Ngài cho các thánh đồ là làm sao." Sự mong muốn ở đây là quí vị được soi sáng và quí vị được soi sáng là khi Tin lành được rao giảng và Đức Thánh Linh làm việc trong lòng quí vị. Lời cầu nguyện nầy là của Phao-lô, sự mong muốn của ông là ánh sáng của Tin lành chiếu sáng trong vòng những người được nghe giảng Tin lành. Chắc chắn rằng khi chúng ta học tiếp trong sách Ê-phê-sô nầy như chúng ta đã thấy, Phao-lô được cảm ứng bởi Đức Thánh Linh với mục tiêu là hầu cho mắt của ngườii đọc được soi sáng, hầu cho chúng ta có thể thấy được ân điển của Đức Chúa Trời được bày tỏ ra rất rõ ràng qua việc làm của Chúa Cứu Thế Giêxu khi chúng ta học từng câu Kinh Thánh.
Ông muốn qui vị hiểu được lẽ mầu nhiệm để phải kinh ngạc về lẽ mầu nhiệm đó, để kinh nghiệm nó và để thấy được những gì Đức Chúa Trời ban cho quí vị. Thưa dân sự của Đức Chúa Trời, khi quí vị suy nghĩ về điều này sẽ thấy rằng đây là mục đích của hết thảy những lẽ thật Thánh Kinh được giảng dạy cách trung tín. Lòng ao ước nóng nảy của những người muốn chia sẻ về Tin lành của Chúa Cứu Thế Giêxu là hầu cho tất cả mọi người có thể hiểu biết được Chúa Cứu Thế, hầu cho sự mầu nhiệm về Tin lành không còn là kín giấu đối với quí vị nữa, nhưng quí vị có thể hiểu và thấy được lẽ thật, hầu cho quí vị được đem ra khỏi sự chết đến sự sống nếu quí vị tin nhận nơi Chúa Cứu Thế Giêxu. Một lần nữa xin quí vị để ý điểm nầy, mong muốn của ông là tất cả mọi người biết được lẽ mầu nhiệm.
Sứ điệp của Tin lành vượt khỏi ranh giới của màu da, ngôn ngữ và dân tộc. Tất cả mọi người đều nên được nghe về Tin lành của Chúa Cứu Thế Giêxu. Đó là quyền năng của Đức Chúa Trời đến với tất cả những ai tin nhận. Vì vậy sứ điệp của Tin lành phải được giảng ra khắp cùng trái đất và điều Phao-lô mong muốn là không chỉ một thứ dân nào mới được nghe về Tin lành mà tất cả mọi người đều thấy được "sự phân phát lẽ mầu nhiệm" đó. Tôi tin rằng khi Phao-lô nói đến "sự phân phát lẽ mầu nhiệm" trong câu Kinh Thánh nầy là có ý nói cho cả người Giu-đa và người ngoại. Người Giu-đa và dân ngoại trải qua nhiều năm đã thù nghịch với nhau nhưng giờ đây qua Chúa Cứu Thế Giêxu họ được thông công với nhau và quan trọng hơn nữa là họ được thông công với Đức Chúa Trời. Họ được đem vào trong mối thông công với Chúa và cùng nhau được hiểu biết lẽ mầu nhiệm của Tin lành được tỏ ra trong chính mình Chúa Cứu Thế Giêxu.
Hôm nay chúng ta cần nêu một câu hỏi là: Đó có phải cũng là mong muốn của quí vị không? Đó có phải là mong muốn của quí vị đối với những người xung quanh quí vị là những người quí vị tiếp xúc hằng ngày không? Sau khi nếm biết được sự "giàu có không dò được của Chúa Cứu Thế", quí vị có mong muốn chia sẻ Tin lành với họ để họ cũng biết được sự trông cậy về sự cứu rỗi không? Sự rao giảng Tin lành có phải là mong muốn của quí vị không? Không phải tôi bảo quí vị sau khi rời khỏi đây hôm nay phải đi gõ cửa từ nhà nầy đến nhà khác, cũng không đòi hỏi tất cả quí vị trở thành mục sư. Rõ ràng là phân nửa trong số quí vị không thể làm công tác đó được nếu quí vị là phụ nữ bởi công tác đó không dành cho quí vị. Thế nhưng chúng ta được kêu gọi chia sẻ Tin lành của Chúa Cứu Thế, là chia sẻ Tin lành mà chúng ta đã được nghe. Cũng cần nói thêm là chúng ta rao giảng Tin lành ra không phải vì mặc cảm tội lỗi vì nghĩ rằng chúng ta buộc phải rao giảng vì chúng ta là tín hữu. Thế nhưng điều quan trọng mà chúng ta thấy khi chúng ta rao giảng Tin lành của Chúa Cứu Thế là vì chúng ta biết Tin lành nầy là hi vọng duy nhất cho thế gian hư mất nầy.
Nói cách khác, sự truyền giảng Tin lành, như Phao-lô và những sứ đồ khác thấy, được thực hiện bởi tình yêu thương của chúng ta đối với người lân cận mình. Một khi đã nếm biết được sự nhân từ của Chúa Cứu Thế Giêxu, ao ước của chúng ta là những người khác cũng cùng được dự phần trong sự thông công đó. Xin mở ra trong 1Giăng 1:1-4, quí vị sẽ thấy lẽ thật đó cũng được bày tỏ ra ở đây. "Điều có từ trước hết, là điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ, về lời sự sống; vì sự sống đã bày tỏ ra, chúng tôi có thấy, và đang làm chứng cho, chúng tôi rao truyền cho anh em sự sống đời đời vốn ở cùng Đức Chúa Cha và đã bày tỏ ra cho chúng tôi rồi; chúng tôi lấy điều đã thấy đã nghe mà truyền cho anh em, hầu cho anh em cũng được giao thông với chúng tôi. Vả, chúng tôi vẫn được giao thông với Đức Chúa Cha, và với Con Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ. Chúng tôi viết những điều đó cho anh em, hầu cho sự vui mừng của anh em* được đầy dẫy."
Chúng ta có thấy ao ước mạnh mẽ muốn làm chứng về Chúa được ghi lại trong thư tín nầy của Giăng không? "Hầu cho sự vui mừng của anh em* được đầy dẫy" khi họ được dự phần trong sự thông công với những người tin Chúa, được dự phần trong mối thông công với Đức Chúa Trời, là Cha thiên thượng của họ, cũng như với Chúa Cứu Thế. Đó cũng nên là động cơ thúc đẩy lòng chúng ta muốn thấy những người còn hư mất nhìn biết được tình yêu thương của Chúa Cứu Thế hầu cho ai nấy đều thấy được sự mầu nhiệm. Thứ nhì, Phao-lô được tỏ ra sự mầu nhiệm mà trước đó đã giấu kín. Như được chép ở phần sau của câu 9, "từ đời thượng cổ đã giấu kín trong Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên muôn vật "bởi Chúa Giêxu Christ"**". Điều muốn nói ở đây là sự cứu chuộc của chúng ta, sự cứu rỗi của chúng ta trong Chúa Cứu Thế Giêxu là một phần trong kế hoạch đời đời tối cao của Đức Chúa Trời. Điều nầy đôi khi được nhắc đến như là "Kế hoạch cứu chuộc của Đức Chúa Trời".
Như chúng ta đọc trong Ê-phê-sô đoạn 1 thì thấy rằng kế hoạch nầy không phải là kế hoạch mới vạch ra của Đức Chúa Trời nhưng trong câu 4 chép rằng Ngài chọn chúng ta trước khi sáng thế. Kế hoạch nầy vượt quá dòng lịch sử, trước khi thế gian được dựng nên. Chúa Cứu Thế và sự cứu rỗi của chúng ta là một phần trong kế hoạch tối cao đó. Lịch sử được bày ra trong Thánh Kinh không phải là điều tình cờ, ngẫu nhiên nhưng ở dưới quyền điều khiển tối cao của Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng điều khiển dòng lịch sử cho đến cuối cùng, Ngài điều khiển kế hoạch cứu chuộc cho đến cuối cùng được ứng nghiệm trong Chúa Cứu Thế Giêxu. Kế hoạch của Đức Chúa Trời như quí vị đọc trong Cựu ước được bày ra cho đến khi Chúa Giêxu đến thế gian. Sự giấu kín của Tin lành đã được bày tỏ ra trọn vẹn trong Chúa Cứu Thế. Nhiều điều được giấu kín trong thời Cựu ước. Dù nhiều điều được tỏ ra nhưng cách thức nào để con người được cứu thì chỉ được biết một phần nào đó. Chỉ qua luật pháp và sứ điệp người ta không thể nào hiểu được sự mầu nhiệm của Tin lành một cách đầy trọn. Họ luôn trông đợi cho đến khi Đức Chúa Trời cuối cùng bày tỏ Ngài ra một cách đầy trọn trong chính mình Chúa Cứu Thế. Họ trông đợi một ngày khi điều bị giấu kín được giải bày ra.
Cựu ước chỉ được làm cho sống động lại khi chúng ta thấy được sự mầu nhiệm giấu kín được mở ra. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều nầy, so với hệ thống dâng tế lễ khi mà những con chiên, con dê không ngừng được dâng làm của lễ trong đền thờ thì giờ đây trong Tân ước, Chiên Con thật của Đức Chúa Trời là Chúa Cứu Thế Giêxu vượt quá điều đó là dường nào. Trước đó người ta chỉ nhìn thấy hình bóng nhưng ngày nay chúng ta có thể thấy lời Thánh Kinh được ứng nghiệm. Điều bị giấu kín giờ đây được tỏ ra. Chúng ta hãy nghĩ về sự thành lập dân Y-sơ-ra-ên, thế nào đất nước họ được lập nên bởi Đức Chúa Trời và lời hứa của Ngài rằng qua dòng dõi của Đa-vít, Con Ngài sẽ đến và ngồi trên ngôi ấy đời đời cho đến đời đời. Khái niệm đó là xa lạ đối với dân Y-sơ-ra-ên bởi vì hết thảy vua của họ đến rồi đi, sống và rồi cũng chết. Cuối cùng chúng ta đọc thấy trong Thánh Kinh sự thất bại của dân Y-sơ-ra-ên vì tình trạng tội lỗi của họ.
Làm sao lời hứa của Đức Chúa Trời cho Đa-vít trong 1Sa-mu-ên đoạn 7 có thể ứng nghiệm được rằng ngôi của ông sẽ tồn tại đời đời? Giờ đây chúng ta nhìn thấy được điều đó trong Chúa Cứu Thế. Chúa Cứu Thế là vua ngự trên ngai, là Đấng không bao giờ qua đi. Vương quốc Ngài là vương quốc đời đời, nó không thuộc về thế gian nầy và sẽ không bao giờ bị đánh bại. Tất cả những điều nầy trong Cựu ước dẫn chúng ta đến với Chúa Cứu Thế. Trong khi trong Cựu ước những điều đó chỉ ở dưới dạng hình bóng, giờ đây nó được bày tỏ ra trọn vẹn trong Chúa Cứu Thế Giêxu. Giờ đây chúng ta có thể hiểu được kế hoạch giấu kín của Đức Chúa Trời được tỏ ra qua Chúa Giêxu.
Thật vui mừng biết bao khi giờ đây chúng ta có thể bày ra lẽ thật của Cựu ước dưới hình thức của Tân ước. Hãy nghĩ về sách Hê-bơ-rơ, thế nào sách nầy đã dùng những biểu hiệu, kiểu mẫu khác nhau của Cựu ước để chỉ ra rằng giờ đây những điều đó được ứng nghiệm trong sự hiện đến của Chúa Cứu Thế. Thật là vinh dự cho chúng ta là những người sống trong thế kỷ hai mươi, đứng phía bên nầy của thập tự giá và thấy được sự ứng nghiệm của lời hứa của Đức Chúa Trời trong Cựu ước. Hê-bơ-rơ đoạn 11 chép về điều nầy trong 2 câu cuối, "Hết thảy những người đó dầu nhơn đức tin đã được chứng tốt, song chưa hề nhận lãnh điều đã được hứa cho mình. Vì Đức Chúa Trời có sắm sẵn điều tốt hơn cho chúng ta, hầu cho ngoại chúng ta ra họ không đạt đến sự trọn vẹn được" (Hê-bơ-rơ 11:39-40).
"Điều tốt hơn cho chúng ta", điều tốt hơn cho chúng ta đó là gì? Chúng ta đã thấy sự ứng nghiệm trong Chúa Giêxu, chúng ta đã thấy được điều giấu kín trước kia mà giờ đây được bày ra một cách trọn vẹn. Sự vui mừng của Phao-lô trong việc rao giảng Tin lành của Chúa Cứu Thế là giải bày kế hoạch của Đức Chúa Trời trước kia còn giấu kín để cho chúng ta thấy được thế nào Cựu ước dẫn chúng ta đến Cứu Chúa phục sinh. Luật pháp đã được làm trọn nên chúng ta không còn ở dưới sự rủa sả của Đức Chúa Trời nữa mà được cứu rỗi bởi sự công bình của Chúa Cứu Thế Giêxu. Quí vị thấy kế hoạch của Đức Chúa Trời được nói đến ở đây. Kế hoạch của Đức Chúa Trời không hề thay đổi, không thể biến đổi, tiếp tục hé mở ra cho đến sự hiện ra của Chúa Cứu Thế và tiếp tục mở ra đến ngày nay và cho đến khi Chúa Cứu Thế trở lại trong vinh hiển.
Đây không phải là một điều ngẫu nhiên mà là một phần trong kế hoạch của Đức Chúa Trời. Câu Kinh Thánh như thế nầy nói lên sự chống lại những dị giáo trong thời đại mới nầy, gây khó chịu ngay cả cho nhiều giáo hội Tin lành. Điều đó được một số người biết đến như là "sự cởi mở của Đức Chúa Trời". Ý của họ là Đức Chúa Trời không có kế hoạch tối cao của Ngài. Theo họ thì thật ra Đức Chúa Trời không thể có kế hoạch tối cao được bởi vì con người chúng ta tự quyết định chọn lấy và Đức Chúa Trời không can dự vào sự lựa chọn của con người. Họ nói Đức Chúa Trời không thể biết trước tương lai bởi vì Ngài không xen vào sự lựa chọn của chúng ta, vì vậy giống như chúng ta Ngài chỉ đoán trước tương lai, nhưng câu Kinh Thánh như thế nầy loại bỏ quan niệm đó. Không, Đức Chúa Trời điều khiển dòng lịch sử, Đức Chúa Trời là Đấng Tối cao có quyền điều khiển tất cả mọi sự, hướng dẫn kế hoạch của Ngài từng chi tiết một cho đến sự hiện ra của Chúa Cứu Thế, bày tỏ ra kế hoạch đó cho đến khi Ngài trở lại trong vinh hiển. Kế hoạch này tỏ ra một cách rõ ràng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Không điều gì nằm ngoài tầm tay Ngài. Chúng ta ở dưới sự điều khiển tối cao của Ngài.
Cuối cùng, sự rao giảng của Phao-lô sẽ được biết đến bởi những "những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền trong các nơi trên trời". Nhiều sách chú giải phải vật lộn với câu hỏi rằng ai là "những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền" được nói đến ở đây? Nhiều sách chú giải nếu không phải là hầu hết nói rằng "những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền" trong câu Kinh Thánh nầy ý nói đến những thiên sứ tốt lành là vật thọ tạo trên trời đang hầu việc Đấng Tối Cao. Vì vậy họ giải thích câu nầy dưới dạng của 1Phi-e-rơ 1:12, "Các đấng ấy đã được tỏ cho rằng chẳng phải vì mình, bèn là vì anh em mà truyền ra những điều đó, là những điều hiện nay đã rao cho anh em, bởi những người nhờ Đức Thánh Linh từ trên trời sai xuống, mà giảng Tin Lành cho anh em; các thiên sứ cũng ước ao xem thấu những sự đó." Họ giải thích khúc Kinh Thánh kia dựa vào câu nầy nói rằng mong muốn của Phao-lô là giảng Tin lành trong vòng các thánh hầu cho hội thánh của Chúa Cứu Thế Giêxu có thể tin nhận những sự giảng dạy đó hầu cho "những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền" có thể nhìn xuống với sự kinh sợ, ngạc nhiên về những gì Đức Chúa Trời đã làm trong sự cứu chuộc nhân loại đầy tội lỗi này. Họ nói câu Kinh Thánh đó nói đến những người đang ở các nơi trên trời.
Tôi tin rằng dù điều nầy không phải hoàn toàn không thể xảy ra nhưng tôi nghĩ khúc Kinh Thánh nầy cần được giải thích khác hơn đặc biệt là khi quí vị thấy cách dịch nhóm từ "những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền" trong suốt sách Ê-phê-sô. Những chữ nầy được dùng mấy lần, tôi xin quí vị xem với tôi. Trong Ê-phê-sô 1:20-21, "Mà Ngài đã tỏ ra trong Đấng Christ, khi khiến Đấng Christ từ kẻ chết sống lại và làm cho ngồi bên hữu mình tại các nơi trên trời, cao hơn hết mọi quyền, mọi phép, mọi thế lực, mọi quân chủ cùng mọi danh vang ra, không những trong đời nầy, mà cũng trong đời hầu đến nữa", xin xem phía dưới, "đều là những sự anh em xưa đã học đòi, theo thói quen đời nầy, vâng phục vua cầm quyền chốn không trung tức là thần hiện đương hành động trong các con bạn nghịch" (Ê-phê-sô 2:2). Câu cuối mà tôi muốn quí vị xem là Ê-phê-sô 6:12, một lần nữa "những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền" được nhắc đến, "Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy."
Tôi tin rằng câu 10 trong đoạn 3 cũng cùng một ý với các câu kia khi dùng những chữ "những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền" trong sách Ê-phê-sô. Những chữ nầy phải được hiểu là quyền lực của sự gian ác, tức là những kẻ chống nghịch lại cùng Đức Chúa Trời Chí Cao. Rất có thể quí vị sẽ hỏi vậy tại sao Phao-lô mong muốn bày tỏ sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời cho "những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền" gian ác chống nghịch lại cùng Đức Chúa Trời? Tôi tin rằng "những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền" là ý muốn nói về ma quỉ và cả vương quốc của nó. Chúng được tỏ cho thấy sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời khi nhìn xem Chúa Cứu Thế, nhìn xem hội thánh của Ngài để có thể thấy rằng Đức Chúa Trời đã chiến thắng chúng, rằng Chúa Cứu Thế đã đắc thắng, hầu chúng nhìn biết rằng Ngài cầm quyền trên tất cả, rằng sự diệt vong của chúng là chắc chắn. Chúng không thể cản trở kế hoạch tối cao của Đức Chúa Trời. Mặc dù ngày chung cuộc của chúng là rõ ràng và chắc chắn nhưng nếu quí vị xem trong sách Khải-huyền đoạn 12 thì sẽ thấy nhiều lần ma quỉ cố gắng tìm cách phá ngang kế hoạch của Đức Chúa Trời bằng cách tiêu hủy phần còn lại của dân Y-sơ-ra-ên để lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ thành sự thật.
Chúng ta thấy thế nào ma quỉ muốn trừ diệt Chúa Giêxu nên dùng Hê-rốt giết những em bé từ hai tuổi trở xuống. Chúng ta thấy thế nào ma quỉ tìm cách cản trở kế hoạch của Đức Chúa Trời qua sự cám dỗ Chúa Giêxu. Nhưng quí vị thấy đó, ma quỉ và tất cả những cố gắng của nó đều thất bại và tại đây Tin lành được rao giảng ra cho người Giu-đa và dân ngoại như nhau. Đây là một lời chứng cho thế gian và cho những kẻ chống nghịch lại cùng Tin lành rằng Chúa Cứu Thế đã chiến thắng và sự thất bại của họ là chắc chắn. Mọi việc đã an bài không còn gì thay đổi nữa. Chúa Cứu Thế đã chiến thắng. Thật là một sứ điệp tuyệt vời khi rao ra cho cả thế gian rằng Đức Chúa Trời đã và đang cứu tội nhân. Ngài ban sự sống cho những kẻ đáng nhận lãnh sự chết.
Đây là thông điệp của sự hi vọng, một sứ điệp ngời sáng để rao ra hầu cho ai nấy có thể nhìn biết sự mầu nhiệm của Tin lành. Lòng chúng ta mong muốn rằng nhiều người khác nữa có thể thấy được sự vinh hiển của Tin lành của Chúa Cứu Thế hầu họ biết được sự mầu nhiệm trước kia giấu kín và giờ đây được bày tỏ ra trong Chúa Cứu Thế. Thật là tuyệt vời khi được phép rao điều nầy ra cho thế gian hư mất. Vì vậy, thưa dân sự của Đức Chúa Trời, quí vị đã nếm biết được sự giàu có của Đức Chúa Trời. Tuần trước quí vị đã đào sâu vào sự giàu có không dò lường được của Chúa Cứu Thế. Nếu quí vị đã thấy được sự mầu nhiệm của Tin lành, tin cậy vào Tin lành đó, thấy được sự sâu nhiệm của tình yêu của Đức Chúa Trời đối với quí vị, làm sao quí vị có thể giữ lấy điều đó cho riêng mình? Làm sao quí vị không mong muốn rao điều nầy ra cho thế gian để làm chứng rằng Chúa Cứu Thế cầm quyền và Ngài đã chiến thắng? Ngài ban sự sống cho những người đang chết mất. Ngài tha thứ tội lỗi cho chúng ta và cho chúng ta cùng ngồi ở các nơi trên trời với Ngài. Đây là thông điệp của Đức Chúa Trời cho thế gian hư mất nầy. Nếu chúng ta yêu người lân cận mình thì chúng ta nên mong muốn đem họ đến với Thánh Kinh cùng với chúng ta để họ được thấy sự mầu nhiệm của Tin lành được tỏ ra. Chúng ta cầu nguyện để mắt họ cũng được mở ra với lẽ thật của sự mầu nhiệm nầy. Amen.
Lạy Cha chúng con ở trên trời, Chúa ôi, chúng con cám ơn Ngài về lẽ thật trong Lời Ngài một lần nữa được tỏ ra cho chúng con. Chúng con biết điều tuyệt vời nhất trong sự cứu rỗi của chúng con là chúng con không bị bỏ trong tội lỗi và sự khốn khổ của mình nhưng chúng con đã được giải thoát cho được tự do bởi Tin lành của Chúa Cứu Thế Giêxu. Chúa ôi chúng con cám ơn Ngài về điều đó. Chúng con cầu nguyện rằng Chúa cũng ban phước cho chúng con khi chúng con mong muốn rao lời nầy ra cho thế gian hư mất nầy hầu cho nhiều người biết được Tin lành của ân điển, hầu cho họ cũng nếm biết được rằng Chúa là Đấng nhân từ. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Cứu Thế Giêxu. Amen.
Rev. Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)