Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Êphêsô > Quyền Được Đến Gần - 5/2002  


QUYỀN ĐƯỢC ĐẾN GẦN
(Ê-phê-sô 2:18)

Tháng Năm 2002

Kính thưa hội thánh yêu dấu trong danh Chúa Cứu Thế Giêxu. Cách đây rất lâu, có một khu vườn, một khu vườn đẹp hơn tất cả những gì mà mắt quí vị và tôi từng thấy. Một chỗ đầy dẫy những bông hoa và đủ mọi loại cây. Những bông hoa tô điểm cho thảm cỏ tạo cho nó một vẻ hài hòa tuyệt đẹp. Khu vườn tươi tốt đó mà tôi đang nói đến được tưới mát bởi bốn con sông với nước trong như pha lê bao quanh khu vườn đó. Điều đặc biệt là trong khu vườn nầy không có những loài cỏ dại mọc lên chen lấn làm cho nghẹt ngòi những bông hoa và làm hỏng đi vẻ đẹp của khu vườn.

Ở giữa khu vườn đó có hai người đang sống: một người nam và một người nữ. Hai người sống với nhau trong sự hòa hợp trọn vẹn. Không bao giờ có những tư tưởng không lành mạnh giữa họ. Không bao giờ có một lời nói ra trong giận dữ hay thiếu tử tế. Hai người đó không biết đau đớn là gì. Họ không hề biết đến những đau buồn làm hỏng đi thế giới nầy. Ở nơi họ có một niềm hạnh phúc và vui thỏa bất tận.

Chúng ta biết khu vườn nầy bằng cái tên của nó, Vườn Ê-đen. Nhưng điều đáng chú ý nhất về khu vườn đặc biệt nầy không phải là vẻ đẹp không phai tàn của nó. Điều đáng chú ý nhất cũng không phải là sự vô tư đáng yêu của hai con người trong khu vườn đó. Không, khi quí vị nghĩ sâu hơn về điều nầy, quí vị sẽ thấy rằng vẻ rực rỡ của nó thể hiện sự gần gũi của nó với Đức Chúa Trời. Ở trong khu vườn đó con người hoàn toàn có quyền đến với Cha. Chúng ta đọc trong Sáng-thế Ký đoạn 2 thể nào con người nói chuyện với Đức Chúa Trời và trong đoạn 3 Đức Chúa Trời đi ngang qua vườn và trò chuyện với con người. Cả hai điều đó nói lên đồng một ý là quyền được đến với Cha.

Nhưng bởi một hành động khủng khiếp nhất, sự sống trong khu vườn đẹp đẽ nầy bị gián đoạn và chấm dứt. Người nam và người nữ đó xem thường Đức Chúa Trời Chí Cao và chống nghịch lại Ngài. Quí vị đã biết điều gì đã xảy ra. Họ và dòng dõi của họ bị trục xuất ra khỏi vườn và bị cấm không bao giờ được bước vào khu vườn lần nữa. Tại nơi cửa vào vườn, một thiên sứ được đặt tại đó với lưỡi gươm chói lòa để bảo vệ cây sự sống. Họ không có quyền được bước vào nơi ấy nữa.
Thời gian sau đó, khi dân Y-sơ-ra-ên rời xứ Ai-cập, khi đi ngang qua đồng vắng để vào đất hứa, dân tộc nầy được dạy bảo phải cất một cái lều rất lớn. Cái lều nầy được dùng làm nơi thờ phượng Đức Chúa Trời, một nơi biểu tượng cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời ở giữa dân sự của Ngài. Cuối cùng cái lều đó được thay thế bằng một ngôi nhà bền vững hơn làm bằng cây Si-tim và đá lớn. Ngôi đền thờ nầy lớn và vinh hiển lắm được bọc bằng vàng, khắc chạm rất đẹp, giăng những màn và vải. Trong đền thờ đó của Đức Chúa Trời có một phòng gọi là nơi chí thánh. Trong nơi kín nhiệm đó có biểu tượng của Đức Chúa Trời ngự giữa dân sự Ngài.

Thật là một vinh dự lớn cho dân Y-sơ-ra-ên khi họ được quyền đến với Đức Chúa Trời qua đền thờ nầy. Nhưng khi đọc Kinh Thánh quí vị sẽ thấy quyền được đến gần Đức Chúa Trời nầy là hình ảnh về điều sẽ xảy đến. Vì quyền được vào đền thờ nầy hay vào lều tạm của dân Y-sơ-ra-ên còn chưa được trọn vẹn. Chúng ta thấy được điều nầy khi Đức Chúa Trời trong giữa đám mây ngự xuống đền thờ và lều tạm. Trong cả hai trường hợp, khi đám mây đã vào trong đền thờ rồi thì thầy tế lễ không thể vào được. Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời không cho phép thầy tế lễ bước vào làm công việc thường ngày của họ. Không ai có thể vào đền thờ đó, họ không được phép đến gần Ngài. Chúng ta cũng thấy được điều nầy sau đó trong lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên, nghĩa là không ai được phép bước vào phía sau của nơi thánh để vào nơi chí thánh. Có một bức màn ngăn cách giữa hai nơi nầy.

Mỗi năm chỉ một lần và chỉ một người, là thầy tế lễ thượng phẩm được phép vào nơi chí thánh. Một hình ảnh liên tục kéo dài cho dân tộc Y-sơ-ra-ên nhìn thấy rằng quyền được đến cùng Đức Chúa Trời vẫn chưa được trọn vẹn. Họ cần có huyết để có thể bước vào nơi chí thánh đó. Điều nầy chỉ về một điều lớn lao hơn, tốt đẹp hơn nhưng chưa xảy đến. Sau đó, vì cớ sự phản loạn của dân tộc Y-sơ-ra-ên, sự vinh hiển của Đức Chúa Trời hoàn toàn lìa khỏi đền thờ. Cái đền thờ vĩ đại mà Sa-lô-môn xây cất chỉ còn là một đống gạch vụn ngổn ngang. Một lần nữa, quyền được đến cùng Cha lại bị từ chối. Trong cả hai trường hợp, tội lỗi là một vật cản không thể vượt qua được giữa Đức Chúa Trời và loài người. Con người không được đến cùng Đức Chúa Trời vì họ không thể sống sót trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là thánh khiết và công bình không thể nào chịu đựng được tội lỗi. Tội lỗi phải được đền trả, phải được cất đi nếu con người muốn đến và sống động trước Đức Chúa Trời Chí Cao và công bình.

Nếu quí vị suy nghĩ kỹ khi đọc khúc Kinh Thánh nầy, quí vị sẽ thấy rằng quyền được đến gần Đức Chúa Trời là điều đáng ao ước hơn tất cả những gì khác trên thế gian nầy. Được sống trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời, ở dưới sự bảo vệ, tình thương của Ngài, được Ngài yêu mến là nhu cầu lớn nhất của chúng ta. Đây phải là ao ước lớn nhất trong lòng chúng ta bởi vì nếu không có quyền đến cùng Đức Chúa Trời thì chúng ta không có hi vọng gì cả. Nếu chúng ta lên thiên đàng mà không có quyền đến cùng Đức Chúa Trời thì chúng ta sẽ phải đứng đó để chịu phán xét mà thôi.

Vì vậy hôm nay chúng ta sẽ xem câu 18 của Ê-phê-sô đoạn 2. Chúng ta sẽ nói về sự cho phép đến cùng Đức Chúa Trời được ban cho chúng ta hầu cho chúng ta có thể đến trước sự hiện diện của Cha. Chúng ta sẽ xem xét một cách đặc biệt câu 18, "Vì ấy là nhờ Ngài mà chúng ta cả hai đều được phép đến gần Đức Chúa Cha, đồng trong một Thánh Linh." Khi chúng ta xem xét câu nầy sẽ thấy có một điều rất thú vị về đặc điểm của sự cho phép đến gần Đức Chúa Trời được ban cho những người tin Chúa. Điều đầu tiên mà quí vị nên để ý khi đọc câu Kinh Thánh đặc biệt nầy đó là cả ba thành viên trong ba ngôi của Đức Chúa Trời có liên hệ đến sự cứu chuộc của người tin Chúa. Mỗi một ngôi trong ba ngôi Đức Chúa Trời đóng một vai trò quan trọng trong sự cứu rỗi của chúng ta. Điều đó được nói đến trong câu nầy.

Nếu quí vị xem mấy chữ đầu, "Vì ấy là nhờ Ngài", quí vị chú ý ở đây nói đến Chúa Cứu Thế Giêxu bởi vì trong các câu trước chép rằng Ngài là Đấng chết trên thập tự giá để gánh lấy sự thù hằn giữa con người và Đức Chúa Trời. Qua Chúa Cứu Thế vật cản trở là tội lỗi được cất khỏi. Qua sự chết và sự sống lại của Ngài mà tội lỗi của chúng ta được đền trả. Sự chết của Ngài đền trả cho tội lỗi của chúng ta. Chắc chắn chúng ta đã nghe nói đến điều nầy nhiều lần. Tôi hi vọng rằng điều này sẽ lặp đi lặp lại từ bục giảng nầy và quí vị sẽ được nghe thêm nhiều lần nữa. Bởi vì thực sự rằng Chúa Cứu Thế Giêxu đã giang tay Ngài ra trên thập tự giá, chịu đinh đóng vào tay chân, chịu đau đớn rồi chết, qua thực tế đó, qua cái chết trên thập tự giá đó mà chúng ta được cứu.

Dĩ nhiên, Chúa Giêxu là một con người hoàn hảo. Ngài là con người duy nhất chưa bao giờ phạm một tội lỗi nào trong những ngày tháng của đời mình. Ngài là con người duy nhất không đáng chết nhưng đã chết và gánh trên vai Ngài cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi của chúng ta. Chúa Giêxu là con đường duy nhất dẫn đến sự cứu rỗi. Không có con đường nào khác ngoài Chúa Cứu Thế Giêxu. Chỉ có sự chết của Ngài mới thỏa đáp được cái giá phải trả mà Đức Chúa Trời đòi hỏi. Không hề có ai trong thời đại nào có thể dâng một của lễ nào lớn hơn. Quí vị thấy không, thưa dân sự của Đức Chúa Trời? Chúng ta không bao giờ cảm thấy mệt mõi khi nghe về thực sự nầy. Bởi vì chúng ta sẽ dùng cả cõi đời đời để ghi nhớ về Chiên Con đã bị giết. Những bài hát của chúng ta trực tiếp dâng lên Chúa và Cứu Chúa của chúng ta là Đấng đã chuộc lại đời sống chúng ta từ trong hố sâu. Ngài đã cứu chúng ta khỏi sự bị hủy diệt. Suốt cõi đời đời chúng ta sẽ dâng vinh hiển lên cho Cứu Chúa nầy bởi vì chúng ta biết rằng chúng ta không xứng đáng để được ở nơi đó. Nhưng bởi ân điển của Chúa Cứu Thế Giêxu, Đấng đã chết trên thập tự giá chúng ta được phép đến gần Đức Chúa Cha qua Chúa Cứu Thế.

Thưa dân sự của Đức Chúa Trời, quí vị rất cần phải luôn ghi sâu điều này vào tâm trí mình, ấy là bởi ân điển của Chúa Cứu Thế mà quí vị được cứu. Quí vị rất cần ghi vào trí và lòng quí vị phải luôn tràn đầy tình yêu thương và sự yêu mến Đấng Cứu Chuộc vĩ đại nầy để quí vị có thể hầu việc Ngài và vâng phục Ngài là Đấng đã yêu quí vị trước. Chúng ta đã nói đến một khu vườn, khu vườn Ê-đen, và trong một khu vườn khác, vườn Ghết-sê-ma-nê, chúng ta thấy Chúa Cứu Thế Giêxu. Chúng ta thấy Ngài bắt đầu chặng đường đi đến sự chết. Sự đau đớn và khổ sở tột bực dâng lên trong lòng của Ngài. Vì sao Ngài phải chịu những điều đó? Bởi vì Ngài sắp cứu một dân về cho Ngài. Sự chết của Chúa Cứu Thế đưa đến kết quả là bức màn trong đền thờ được xé ra để mở ra con đường đến cùng Đức Chúa Trời. Ngay tức thì sau khi Chúa Giêxu chết trên thập tự giá, bức màn đó trong đền thờ bị xé ra và chúng ta nhờ Chúa Cứu Thế mà giờ đây có thể đến gần Đức Chúa Trời.

Xin quí vị mở ra với tôi trong Hê-bơ-rơ đoạn 6 câu 19 và 20, "Chúng ta giữ điều trông cậy nầy như cái neo của linh hồn, vững vàng bền chặt, thấu vào phía trong màn, trong nơi thánh mà Đức Chúa Jêsus đã vào như Đấng đi trước của chúng ta, vì đã trở nên thầy tế lễ thượng phẩm đời đời, theo ban Mên-chi-xê-đéc." Quí vị thấy không, Chúa Giêxu đã đi vào phía trong bức màn. Bức màn được đề cập ở đây là bức màn phân cách nơi thánh và nơi chí thánh. Chúa Giêxu là thầy tế lễ thượng phẩm đã vào phía trong bức màn, Ngài đã đi vào đó trước chúng ta. Bởi vì Chúa Cứu Thế đã vào đó trước thì chúng ta cũng sẽ được đem vào đó nữa hầu cho chúng ta có thể sống trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Đó là phước hạnh của việc được cứu qua Chúa Cứu Thế. Chúa Cứu Thế đã mở ra con đường đến cùng Đức Chúa Trời.

Thưa dân sự của Đức Chúa Trời, rõ ràng hầu hết chúng ta đã hiểu rằng Chúa Cứu Thế là Đấng làm trọn công việc lớn lao của sự cứu rỗi qua sự chết của Ngài trên thập tự giá. Hôm nay chúng ta cũng phải thấy rằng Chúa Cứu Thế đã làm trọn công việc của sự phục hồi nhưng Đức Thánh Linh là Đấng ứng dụng lẽ thật đó trong đời sống của chúng ta. Ông John Murray viết một quyển sách tựa đề là "Hoàn tất và thực nghiệm ơn cứu rỗi". Phần đầu của quyển sách ông tập trung để suy gẫm về công việc của Chúa Giêxu trên thập tự giá trong đời sống chúng ta, thế nào Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Rồi ông tiếp tục nói đến việc ứng dụng sự cứu rỗi đó, trong đó Đức Thánh Linh thực nghiệm điều đó vào đời sống chúng ta mỗi ngày. Ấy là bởi Đức Thánh Linh nầy mà chúng ta được phép đến gần Đức Chúa Trời là Cha. Không phải chúng ta chỉ được đến gần Đức Chúa Trời trong tương lai nhưng trong hiện tại chúng ta cũng được ban cho quyền đó. Quí vị hãy suy nghĩ thế nào Đức Thánh Linh làm việc trong đời sống của chúng ta. Điều đầu tiên quí vị nghĩ đến là Đức Thánh Linh mở mắt chúng ta để thấy được lẽ thật trong Lời của Đức Chúa Trời như thế nào. Có ai trong chúng ta có thể hiểu được Tin lành và tin nhận Tin lành mà không cần công việc ứng dụng của Đức Thánh Linh không?

Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời là Đấng làm việc trong lòng của chúng ta hầu cho chúng ta hiểu và tin nhận vào lẽ thật lớn lạ nầy. Như chúng ta đã thấy khi học trong đoạn 2 rằng, sự cứu rỗi là sự ban cho của Đức Chúa Trời chớ không phải bởi việc làm. Vì vậy chúng ta không thể khoe khoang là bởi sự khôn ngoan và hiểu biết của chính chúng ta mà chúng ta đến được với Chúa Cứu Thế. Không, công việc nầy là của Đức Thánh Linh và bởi sự làm việc của Ngài trong lòng chúng ta mà chúng ta được ban cho đức tin. Việc làm của Chúa Cứu Thế Giêxu được ứng dụng vào chúng ta từng cá nhân một. Việc làm của Đức Thánh Linh không dừng lại sau khi khiến chúng ta tin nhận nơi Chúa Cứu Thế. Đó không phải là công việc duy nhất của Ngài. Khi suy nghĩ về Đức Thánh Linh chúng ta nghĩ đến Ngài là Đấng "làm công tác thực tế" trong lòng của chúng ta. Ngài ở đó, Ngài không ngừng ở với chúng ta, Ngài ngự trong chúng ta.

Khi Chúa Giêxu rời môn đồ, Ngài hứa với họ rằng Đấng Yên Ủi sẽ đến, Đấng Yên Ủi đến để thay vào chỗ của Ngài hầu cho các môn đồ không phải bơ vơ. Và ai là Đấng Yên Ủi đó nếu không phải là Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời? Ngài ở với chúng ta. Có một vài chỗ trong Kinh Thánh chỉ rõ thực sự đó. Xin mở ra với tôi trong 1Cô-rinh-tô 6:19, "Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao? Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời." Một chỗ khác nữa được tìm thấy trong 2Cô-rinh-tô 6:16, "Có thể nào hiệp đền thờ Đức Chúa Trời lại với hình tượng tà thần? Vì chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời hằng sống, như Đức Chúa Trời đã phán rằng: Ta sẽ ở và đi lại giữa họ; ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ, và họ làm dân ta.", một chỗ nữa, Ê-phê-sô 2:22, "Ấy, anh em cũng nhờ Ngài mà được dự phần vào nhà đó, đặng trở nên nhà ở của Đức Chúa Trời trong Thánh Linh."

Quí vị thật sự là nơi ở của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời ở trong lòng của quí vị. Khi suy nghĩ về đền thờ trong Cựu ước chúng ta nghĩ đến ngôi nhà bằng đá. Khi suy nghĩ về đền thờ trong Tân ước trước tiên chúng ta nghĩ đến Chúa Cứu Thế, rồi Đức Chúa Trời đến qua Đức Thánh Linh để lập đền thờ trong lòng của con người nhờ vậy Ngài luôn luôn ở cùng chúng ta. Ngài là Đấng Yên Ủi theo lời hứa và chúng ta trở nên đền thờ của Đức Chúa Trời. Qua Đức Thánh Linh chúng ta có được mối thông công với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Mỗi ngày, mỗi giây phút, Đức Chúa Trời ngự trong lòng chúng ta. Không chỉ thế thôi nhưng như chúng ta đã học được trong sách Ê-phê-sô và thấy rằng Đức Thánh Linh là của cầm, là sự bảo đảm về sự cứu rỗi của chúng ta. Thường khi nghĩ đến cơ nghiệp chúng ta cứ nghĩ đến điều đang chờ đợi chúng ta trong vinh hiển. Chúng ta nghĩ đến điều sẽ đến khi Chúa Cứu Thế trở lại, khi chúng ta sống với Ngài trên thiên đàng nhưng quí vị thấy không, công việc của Đức Thánh Linh đã mang điều đó xuống cho chúng ta như là một của cầm, một sự bảo đảm cho sự cứu rỗi của chúng ta, rằng Đức Chúa Trời đã hành động trong chúng ta. Đức Chúa Trời đã ở cùng chúng ta mặc dù chúng ta vẫn còn chờ đợi sự ứng nghiệm trọn vẹn khi Chúa Cứu Thế trở lại.

Cả hai công việc của Chúa Cứu Thế và của Đức Thánh Linh đem chúng ta đến gần Đức Chúa Cha. Việc làm của Chúa Cứu Thế mang đến sự tha thứ tội lỗi, việc làm của Đức Thánh Linh kêu gọi chúng ta trở nên người tin nhận nơi Chúa Cứu Thế. Vai trò của Đức Chúa Cha trong sự cứu rỗi của chúng ta cũng được nói đến trong những bài học trước của chúng ta trong sách Ê-phê-sô. Mặc dù điều đó không được nhắc lại trong câu Kinh Thánh nầy nhưng chúng ta đã thấy, Đức Chúa Trời đã khởi sự công việc Ngài trong sự cứu rỗi của chúng ta từ ban đầu. Trước khi sáng thế Đức Chúa Trời là Cha đã kêu gọi chúng ta được thuộc về Ngài. Chúng ta được chọn, thưa dân sự của Đức Chúa Trời, trong kế hoạch cứu chuộc tối cao của Ngài chúng ta đã được cứu. Đức Chúa Trời là Cha đã sai Con Ngài xuống thế gian hầu cho chúng ta được cứu. Đức Chúa Cha cũng đóng vai trò rất quan trọng trong sự cứu rỗi nhân loại.

Vì vậy hôm nay chúng ta sẽ nêu lên những câu hỏi như sau: Sự quan trọng thật khi được phép đến gần Đức Chúa Cha là gì? Được đến gần Đức Chúa Cha có ý nghĩa lớn lao gì? Việc hiện nay chúng ta được phép đến gần Cha bởi Đức Thánh Linh qua Chúa Cứu Thế có ý nghĩa gì với chúng ta không? Khi suy nghĩ về điều đó tôi nghĩ câu trả lời là: Dĩ nhiên, điều đó rất có ý nghĩa. Được phép đến gần Đức Chúa Cha nghĩa là chúng ta được hòa thuận lại cùng Đức Chúa Trời. Nếu quí vị chưa được hòa thuận lại cùng Đức Chúa Trời, quí vị không có niềm hi vọng nào cả. Quí vị không có hi vọng gì để sống mà chỉ có sự sợ hãi sự chết. Chỉ trong Chúa Cứu Thế chúng ta mới có thể đứng trước sự hiện diện của Ngài. Chỉ qua Chúa Cứu Thế Giêxu và sự ứng dụng điều đó vào lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh thì chúng ta mới được về ở với Ngài trong vinh hiển. Chúng ta suy nghĩ về đền thờ, suy nghĩ về khu vườn và được đem đến sách Khải-huyền. Trong sách Khải-huyền chúng ta thấy không có đền thờ nữa bởi vì Đức Chúa Trời và Chúa Cứu Thế là đền thờ ở giữa thành Giê-ru-sa-lem mới. Đức Chúa Trời ở nơi đó và chúng ta cũng sẽ ở nơi đó đứng trước sự hiện diện của Ngài. Trong Khải-huyền 22 chúng ta đọc được khu vườn mới có cây sự sống, ở đó chúng ta được phép ăn trái cây đó và sống đời đời trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời, hoàn hảo và thánh khiết nhờ việc làm của Chúa Cứu Thế. Quí vị thấy không, việc chúng ta được phép đến gần Đức Chúa Cha là rất quan trọng. Điều quan trọng nhất trong đời sống của quí vị là biết đến Chúa Cứu Thế Giêxu và được đến gần ngôi của Ngài.

Thứ nhì, được đến gần Đức Chúa Trời có nghĩa là chúng ta được cứu khỏi sự phán xét và cơn thạnh nộ của Ngài. Chúng ta đã thấy trong câu 3 đoạn 2 rằng chúng ta tự nhiên làm con của sự thạnh nộ. Quí vị thấy không, ở bên ngoài Chúa Cứu Thế là ở dưới sự đoán phạt của Ngài. Ông Jonathan Edwards, như chúng ta đã có lần nhắc đến, đã giảng một bài giảng hùng hồn về "Tội nhân trong bàn tay thạnh nộ của Đức Chúa Trời". Trong bài giảng đó ông bày ra một hình ảnh về sự kinh khiếp của địa ngục, nỗi thống khổ khi bị chia cách với Đức Chúa Trời, sự đau đớn khi ở dưới cơn thạnh nộ của Ngài. Đó là điều đang chờ đợi những ai không được đến gần Đức Chúa Cha qua Chúa Cứu Thế Giêxu bởi Đức Thánh Linh. Dầu vậy, lời của Jonathan Edwards không thể diễn tả hết sự kinh khiếp của địa ngục. Vì vậy chúng ta được cảnh cáo trong câu Kinh Thánh nầy về tầm quan trọng của việc tin nhận Chúa Cứu Thế Giêxu hầu cho chúng ta được cứu rỗi, hầu cho chúng ta được đến gần Đức Chúa Trời và ở với Ngài đời đời trên thiên đàng.

Chúng ta cũng không nên nghĩ rằng sự đến gần Đức Chúa Trời chỉ xảy ra trong tương lai bởi vì ngay cả trong hiện tại chúng ta đã được đến gần ngôi ơn phước. Nếu quí vị xem trong Hê-bơ-rơ đoạn 4, quí vị sẽ thấy qua việc làm của Chúa Cứu Thế giờ đây chúng ta có thể dạn dĩ đến gần ngôi ơn phước của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể đến với Đức Chúa Trời qua sự cầu nguyện của chúng ta mỗi ngày và trình dâng nhu cầu của chúng ta đến trước Ngài để cầu xin Ngài. Chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời không ở xa chúng ta nhưng qua ân điển của Chúa Cứu Thế chúng ta được ở gần Ngài. Ngài lắng nghe những nhu cầu của chúng ta và cung ứng cho chúng ta. Quí vị thấy không, thưa dân sự của Đức Chúa Trời? Qua Chúa Cứu Thế chúng ta được phép đến gần Đức Chúa Cha. Qua sự đổ huyết hi sinh của Ngài chúng ta được sống trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Ấy là bởi việc làm của Đức Thánh Linh trong lòng của chúng ta, nếu chúng ta là người tin Chúa, chúng ta sẽ có một sự bảo đảm rằng Đức Chúa Trời luôn luôn ở cùng chúng ta vì chúng ta là đền thờ của Thánh Linh Ngài.

Chúng ta đã được ban cho quyền được đến gần Đức Chúa Trời. Đối với người tin Chúa không còn có thiên sứ đứng nơi cửa để ngăn trở chúng ta vào cùng Đức Chúa Trời. Không còn có bức màn chia cách chúng ta với nơi chí thánh nữa. Nhưng bởi ân điển của Chúa Cứu Thế Giêxu, sự rủa sả trong khu vườn đã được đổi ngược lại và chúng ta là dân sự của Đức Chúa Trời phải đầy lòng biết ơn đối với Đấng Sáng Tạo chúng ta. Có một bài hát rất được người đời ưa chuộng, tôi nghe ý của bài hát nầy nói rằng Đức Chúa Trời đang ở xa nhìn chúng ta, tôi không biết chắc ai hát bài hát đó nhưng nó khiến cho người ta có cảm giác rằng Đức Chúa Trời là Đấng ở rất xa và tay của Ngài không cai quản thế gian, Ngài chỉ ngồi đó như là một người quan sát, nhìn xem những điều tiếp diễn xảy ra trên thế gian nầy. Quí vị thấy không? Đó không phải là Đức Chúa Trời của quí vị. Nếu quí vị là người tin nhận nơi Chúa Cứu Thế Giêxu, Đức Chúa Trời không phải là Đấng ở xa tận nơi đâu nhưng Ngài là Đấng ở trong lòng của quí vị. Ngài không phải là ai đó ở rất xa mà quí vị không thể trò chuyện với Ngài được nhưng Ngài ở gần, ngay cạnh bên chúng ta và chúng ta có thể đến với Ngài mỗi giờ mỗi ngày. Amen.

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con cám ơn Ngài về lẽ thật trong Lời của Ngài. Chúa ôi, con cầu xin rằng lòng chúng con sẽ bị bắt phục bởi lẽ thật nầy để chúng con thờ lạy Ngài và bước theo Ngài.

Chúa ôi, cầu xin Ngài tha thứ tội lỗi của chúng con. Chúng con cám ơn Ngài về ân điển của Chúa Cứu Thế Giêxu trên thập tự giá. Ngài đã giải thoát chúng con khỏi tội lỗi và sự đau khổ của chúng con. Chúng con cám ơn Ngài về Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời là Đấng thay đổi lòng chúng con, là Đấng ngự bên trong chúng con.

Cầu xin Chúa cho chúng con hiểu biết thêm về công việc Ngài đã thay đổi lòng chúng con và hành động trong chúng con. Chúa ôi, cầu xin Ngài cho chúng con có sự vui mừng vì biết rằng chúng con được đến gần Đức Chúa Cha qua Chúa Cứu Thế Giêxu. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Cứu Thế Giêxu. Amen.

Rev. Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)