SỰ TRÔNG CẬY VỀ SỰ KÊU GỌI
(Ê-phê-sô 1:18)
Tháng Bảy 2001
"Lại soi sáng con mắt của lòng anh em, hầu cho biết điều trông cậy về sự kêu gọi của Ngài là thể nào, sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển Ngài cho các thánh đồ là làm sao"
Kính thưa hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu. Chúng ta đang học lời cầu nguyện của sứ đồ Phao-lô cầu thay cho hội thánh tại Ê-phê-sô. Lời cầu nguyện bắt đầu từ câu 15 cho đến cuối đoạn 1. Như tôi đã đề cập trước đây, trong nguyên văn lời cầu nguyện nầy nằm chỉ trong một câu . Lời cầu nguyện của Phao-lô cho Hội thánh Ê-phê-sô bắt đầu bằng lời cảm tạ Đức Chúa Trời về quà tặng cứu rỗi mà bằng chứng về điều đó được nhìn thấy trong đời sống của những tín hữu. Phao-lô nhìn nhận rằng Đức Chúa Trời là Đấng bắt đầu và làm trọn đức tin của họ cũng như của chúng ta, Ngài là Đấng mà chúng ta phải dâng lên mọi sự biết ơn và lời cảm tạ . Ngay sau lời cảm tạ là lời khẩn nguyện được dâng lên cho Đức Chúa Trời. Lời khẩn nguyện đó là lời cầu xin ban Thánh Linh cho người Ê-phê-sô cũng như người đọc thư nầy để họ có được sự khôn ngoan, hiểu biết và được sự soi sáng. Thánh Linh của Đức Chúa Trời mở mắt chúng ta đến với lẽ thật trong Lời Ngài hầu cho chúng ta biết Đức Chúa Trời.
Có ba điều đặc biệt mà Phao-lô muốn chúng ta hiểu được trong sự ban cho của Đức Thánh Linh. Thứ nhất ông cầu xin cho mắt chúng ta được mở ra để biết được sự trông cậy về sự kêu gọi của Đức Chúa Trời. Thứ nhì ông cầu xin cho chúng ta biết sự giàu có về cơ nghiệp của chúng ta. Thứ ba, ông cầu xin để chúng ta biết được quyền năng của sự sống lại của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Hôm nay chúng ta sẽ xem xét điều thứ nhất trong những điều nầy. Chúng ta sẽ lần lượt xem xét từng điều một nhưng hôm nay chúng ta sẽ cùng suy nghĩ về sự trông cậy của sự kêu gọi. Hôm nay khi học phần Kinh Thánh nầy trước hết chúng ta sẽ suy nghĩ đến sự ngắn ngủi của niềm hi vọng thuộc về thế gian. Thứ nhì, chúng ta sẽ xem xét về sự bảo đảm của niềm hi vọng thuộc về trời. Cuối cùng, chúng ta sẽ xem xét về sự chắc chắn của sự kêu gọi của chúng ta.
Thường nếu chúng ta xem xét sự việc bằng cách so sánh là rất ích lợi. Thỉnh thoảng, khi so sánh điều nầy với điều kia chúng ta thấy được phước hạnh mà chúng ta có. Chúng ta có thể thấy được điều nầy là trỗi hơn điều kia. Vì lý do đặc biết đó hôm nay tôi muốn chúng ta suy nghĩ sơ lược về tính chất và phạm vi của niềm hi vọng mà thế gian ban cho để rồi chúng ta đối chiếu với niềm hi vọng mà chúng ta có được trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Trên thế gian nầy có nhiều nơi mà con người tìm đến hòng thoát khỏi những thất vọng và sự vô hi vọng của đời sống nầy bên ngoài Chúa Cứu Thế. Có một vài thuyết quan niệm bất cần đạo lý, nhìn nhận sự trống rỗng của đời sống nầy cho nên họ chủ trương "hãy ăn, hãy uống và vui chơi vì ngày mai chúng ta sẽ chết". Họ nhìn nhận rằng đời sống nầy không có gì cần xây đắp, cống hiến, khi họ ở bên ngoài Chúa Cứu Thế. Ở bên ngoài Chúa họ nhận biết không có gì chắc chắn hơn là sự chết.
Những người khác khi nhận biết mình thiếu hi vọng lại tìm cách trốn tránh cuộc đời bằng cách khác. Có những người thấy đời đầy tuyệt vọng và không còn hi vọng thì tìm cách kết liễu đời mình. Có người thì tìm cách trốn tránh cuộc đời bằng rượu chè hoặc hút sách. Có lẽ tình trạng chung đối với người ở bên ngoài Chúa Cứu Thế là tìm kiếm hi vọng nơi nhiều thứ khác. Để biết được xã hội nầy đặt sự hi vọng vào đâu người ta chỉ cần nhìn xem nơi nào mà con người đổ công sức, thì giờ và tiền bạc vào. Nếu quí vị suy nghĩ về điều đó thì sẽ thấy xã hội chúng ta đang đeo đuổi niềm hi vọng của đời nầy, là những hi vọng dẫn họ lạc lối và hết sức ngắn ngủi mà họ cứ cố giữ lấy.
Con người trong xã hội của thời đại chúng ta bị trói buộc trong sự theo đuổi những khoái lạc. Họ tìm thấy sự hi vọng của mình từ hết cuộc vui nầy đến cuộc vui khác. Tìm kiếm sự vui thú là động cơ chính trong đời sống của họ. Đây là những điều họ ham muốn hơn tất cả những gì khác hầu có thể sống qua từng ngày. Nhưng chúng ta thấy khi con người tìm kiếm hi vọng nơi đời nầy thì ngay lập tức họ phải nhận ra rằng cuộc theo đuổi những khoái lạc của đời nầy không phải là niềm hi vọng còn mãi bởi vì khoái lạc cũng qua đi và sự khoái lạc của đời nầy thường đem đến đau đớn, buồn rầu, khổ sở mà không mang đến niềm vui bất tận. Theo đuổi khoái lạc cũng đồng nghĩa với hi vọng trốn thoát sự vô vọng của trần gian nầy nhưng cuối cùng chỉ dẫn đến đau đớn, khổ sở và sau cùng là sự phán xét của Đức Chúa Trời.
Có nhiều người trong xã hội chúng ta đặt hi vọng vào gia đình mình. Họ đổ tất cả công sức vào gia đình, con cái, hạnh phúc của riêng mình và những điều tương tự như thế. Dù đời sống Cơ đốc nhân của chúng ta tập trung vào gia đình, vào sự dạy dỗ con cái lớn lên trong sự kính sợ Đức Chúa Trời, lo cho chúng nó có một trình độ giáo dục tốt v.v... nhưng hi vọng của chúng ta đặt nơi việc xây dựng gia đình. Gia đình cũng là tạm bợ vì nào ai biết đâu gia đình chúng ta có thể bị cất đi mất bất cứ lúc nào. Ngay cả gia đình của chúng ta trên đất nầy cũng không thể cung cấp một hi vọng hay sự bình an trường tồn được.
Xã hội chúng ta cũng bị vướng vào cuộc chạy đuổi theo sự giàu có. Nhiều người tìm thấy nguồn hi vọng của họ nơi tiền bạc. "Nếu tôi có đủ, hay nhiều hơn nữa thì tôi sẽ vui, rồi tôi sẽ có được tất cả mọi thứ tôi cần." Cũng như trên, hi vọng nầy cũng rất ngắn ngủi vì quí vị không thể đem tiền bạc theo được khi quí vị qua đời. Ngay cả nhiều người giàu có nhất trên thế giới cũng không có được một chút hạnh phúc trong đời sống của họ. Tiền bạc không thể mua hạnh phúc. Nó không ban cho quí vị niềm hi vọng trường cữu.
Có người theo đuồi hi vọng nầy bằng cách thay đổi xã hội, hi vọng sẽ để lại ảnh hưởng lâu dài đến nền văn hóa, hi vọng xã hội sẽ thay đổi trở nên tốt hơn. Nhưng ngay cả điều đó cũng tự tỏ ra là ngắn ngủi, nhất thời khi xã hội của con người và nền văn hóa thay đổi theo năm tháng. Không ai qua khỏi thử thách của thời gian. Tất cả những điều nầy, mà con người đặt hi vọng vào kể cả sự sống lâu, đều nằm trong sự kết luận của sách Truyền đạo: "Hư không của sự hư không", nhà Truyền đạo muốn nói vô nghĩa của sự vô nghĩa.
Người ta không thể tìm được niềm hi vọng nào nơi những vật thuộc về thế gian. Người ta cần nói chuyện với Sa-lô-môn, nhà truyền đạo, chính ông cũng đã theo đuổi hết thảy mọi sự, mong muốn tìm thấy hạnh phúc vui sướng nhưng khi đi đến kết luận ông nói chúng ta phải nghe theo luật pháp của Đức Chúa Trời và vâng theo Ngài, đó là mục đích của con người. Thư Phi-e-rơ thứ hai rất đúng khi chép rằng đời sống bên ngoài Chúa Cứu Thế là một đời sống trống rỗng và không có niềm hi vọng trường cữu.
Có người đặt hi vọng nơi những thần khác, nhưng Thánh Kinh chép rất rõ ràng những thần đó không có quyền cứu rỗi ai và không thể ban cho ai niềm hi vọng bền lâu . Mọi hi vọng bên ngoài Chúa đều ngã chết trên chiến trường của thời gian. Thế thì chúng ta còn lại gì? Chỉ là nỗi thất vọng thôi sao? Không, đối với chúng ta là người tin Chúa, chúng ta có niềm hi vọng trong sự kêu gọi của Ngài. Hi vọng mà chúng ta có nơi Đức Chúa Trời và hi vọng của thế gian nầy khác biệt rất nhiều bởi vì hi vọng mà chúng ta có nơi Chúa Cứu Thế phản ảnh bản tính của Ngài.
Niềm hi vọng mà chúng ta có nơi Đức Chúa Trời không chỉ hạn chế trong một ao ước, mong muốn mà là một thực tế chắc chắn. Niềm hi vọng được nói đến trong khúc Kinh Thánh đặc biệt nầy không chỉ nói đến niềm hi vọng về thiên đàng trong tương lai, mặc dù chắc chắn nó cũng bao gồm cả điều đó, mà còn là niềm hi vọng của sự làm trọn lời hứa dành cho những người được chọn bởi Đức Chúa Trời và điều đó chúng ta được quyền nếm trãi ngay trong hiện tại. Niềm hi vọng mà chúng ta nói đến là một sự đảm bảo ban cho chúng ta bởi Đức Chúa Trời. Niềm hi vọng mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta đặt nền tảng nơi bản tính của Đức Chúa Trời.
Nếu ai đó muốn thấy hi vọng của chúng ta khác biệt với hi vọng của thế gian như thế nào thì người ấu nên nhìn vào hi vọng của chúng ta, là hi vọng được châm rễ nơi bản tính của Đức Chúa Trời. Hi vọng của người tin Chúa là niềm hi vọng trường cữu bởi vì Đức Chúa Trời là Đấng Hằng Hữu. Khi hi vọng của chúng ta châm rễ và đặt nền tảng nơi Đức Chúa Trời, là Đấng không hề thay đổi, chúng ta không lo sợ rằng một ngày nào đó hi vọng ấy sẽ phải biến mất, không sợ rằng một ngày nào đó Đức Chúa Trời chết thì sự hi vọng của chúng ta cũng không còn. Đức Chúa Trời là Đấng Hằng Hữu, Ngài sẽ tồn tại cho đến đời đời nên hi vọng mà chúng ta đặt nơi Ngài là một niềm hi vọng trường cữu không bao giờ qua đi. Ngược lại, thế gian nầy được dựng nên trong giới hạn của thời gian và nó không tồn tại mãi mãi. Mọi vật đến rồi đi, mọi sự đều có cái bắt đầu và thời hạn tồn tại của nó. Cũng vậy, hi vọng mà người ta theo đuổi trên thế gian nầy sẽ không tồn tại nhưng hi vọng của người tin Chúa còn lại mãi mãi không ai có thể cất đi được.
Hi vọng của người tin Chúa cũng đáng tin cậy. Hê-bơ-rơ đoạn 6 cho chúng ta biết Đức Chúa Trời không bao giờ nói dối. Ngài đóng ấn lời hứa của Ngài cho chúng ta bằng một lời thề. Cho nên niềm hy vọng của chúng ta được bảo đảm vì được đặt trên nền tảng là tính chân thật của bản tính của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không thể nói với quí vị rằng Ngài sẽ làm điều nầy, điều nọ rồi ngày sau Ngài lại đổi ý. Không! Nếu quí vị đọc lời hứa trong Thánh Kinh thì thấy những lời hứa đó được thử nghiệm và được bảo đảm cho chúng ta. Đức Chúa Trời không thể nói dối, chắc chắn Đức Chúa Trời không bỏ qua lời hứa của Ngài. Lời hứa mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta trong Chúa Cứu Thế Giê-xu là chắc chắn tuyệt đối bởi vì nó được ràng buộc với bản tính của Ngài. Hi vọng của chúng ta không thể bị lay chuyển. Tuy nhiên, ngược lại với sự hi vọng vào những gì thuộc về thế gian nầy, nó có thể được thử nghiệm.
Nếu người ta đặt hi vọng vào chồng, vợ hay gia đình, quí vị hãy nghĩ xem biết bao nhiêu lần những hi vọng đó phải bị vất đi bởi những vụ li dị hay bởi những đứa con không kính trọng cha mẹ? Nếu quí vị đặt hi vọng của quí vị vào tiền bạc hay công việc làm ăn thì quí vị sẽ nhận thấy hi vọng nầy rất dễ tiêu tan bởi sự không thành thật của những người bạn làm ăn. Liệu quí vị có thể đặt lòng tin cậy vào những vật trên thế gian và cho rằng nó sẽ không thay đổi không? Không! Không thể nào tin cậy vào những gì tạm thời chóng qua.
Hi vọng của người tin Chúa không chỉ tìm thấy nơi sự hằng hữu của Đức Chúa Trời và sự đáng tin cậy của Ngài mà còn tìm thấy nơi quyền năng lớn lạ của Ngài. Đức Chúa Trời có quyền năng để cứu. Đức Chúa Trời có quyền năng đem chúng ta về ở với Ngài trên thiên đàng. Ngài có quyền gọi kẻ chết trong phần mộ sống lại và mang lên để cùng cai trị với Ngài. Đức Chúa Trời có khả năng ban cho và cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Đức Chúa Trời bày tỏ quyền năng lớn lạ của Ngài bằng cách khiến Chúa Cứu Thế sống lại, chúng ta sẽ học về điều nầy khi chúng ta tiếp tục học phần sau của khúc Kinh Thánh nầy. Như Đức Chúa Trời khiến Chúa Cứu Thế sống lại, chúng ta có thể tin tưởng rằng dù chúng ta có chết thì chúng ta biết rằng chúng ta sẽ không nằm luôn trong phần mộ mãi mãi. Giống như Chúa Cứu Thế Giê-xu đi ra khỏi phần mộ, chúng ta cũng sẽ được đem ra khỏi phần mộ và sống với Ngài. Quyền năng của Đức Chúa Trời tỏ ra rằng niềmhi vọng của chúng ta là bảo đảm. Nó được lập nền nơi bản tính của Đức Chúa Trời.
Hi vọng của người tin Chúa cũng đặt trên nền tảng là thẩm quyền tối thượng của Đức Chúa Trời. Không có gì ở bên ngoài quyền năng của Đức Chúa Trời. Không có gì xảy ra trên thế gian nầy mà Đức Chúa Trời phải nói: "Ôi dào, ta lại nhầm mất rồi, hay, ta không biết chuyện đó sẽ đến." Không có gì xảy ra trên thế gian nầy là tình cờ đối với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời điều khiển tất cả mọi sự, Đức Chúa Trời biết hết tất cả. Ngài không hề lay chuyển nên người tin Chúa có thể tin cậy mà đặt hi vọng vào thẩm quyền tối thượng của Đức Chúa Trời rằng Ngài sẽ thi hành điều tốt lành nhất cho sự vinh hiển Ngài. Khi suy gẫm về điều nầy chúng ta thấy hi vọng của Tin lành của Chúa Cứu Thế Giêxu đặt nền tảng trên bản tính của Đức Chúa Trời thì không hề bị lay động. Khi quí vị đối chiếu nó với niềm hi vọng của thế gian thì quí vị sẽ thấy rõ sự trái ngược. Thế gian không thể điều khiển tất cả mọi sự. Thế gian nầy không có quyền để kêu một người chết trong phần mộ sống lại. Thế gian nầy không thể tin cậy được, nó không tồn tại mãi mãi. Và hi vọng của chúng ta trái ngược với hi vọng của thế gian.
Hi vọng của chúng ta là hi vọng chắc chắn, nó đặt nền tảng trong sự vững vàng của sự kêu gọi của chúng ta. Khi suy nghĩ về hi vọng trong sự kêu gọi của chúng ta, chúng ta suy nghĩ về sự chắc chắn của sự kêu gọi chúng ta trong Chúa. Đức Chúa Trời là Đấng kêu gọi chúng ta. Đức Chúa Trời là Đấng thay đổi lòng của chúng ta. Có một lý thuyết phân biệt rõ sự kêu gọi bên trong và sự kêu gọi bên ngoài. Khi nói đến sự kêu gọi bên ngoài là nói đến sự kêu gọi giống như tôi đang giảng hôm nay. Những lời nầy giảng ra đến những người không tin và những tín hữu là giống nhau. Họ nghe Lời của Đức Chúa Trời được rao giảng, họ được kêu gọi ăn năn bằng đức tin, được kêu gọi từ bỏ tội lỗi và đến cùng Đức Chúa Trời. Đó là sự kêu gọi bên ngoài. Nhưng tôi tin rằng sự kêu gọi mà chúng ta đang nói ở đây không phải là sự kêu gọi bên ngoài mà là sự kêu gọi bên trong của Đức Chúa Trời.
Dĩ nhiên, sự kêu gọi bên trong là nói đến việc làm của Đức Thánh Linh và việc làm của Thánh Linh thì có hiệu quả, làm trọn mục đích của Ngài. Sự kêu gọi của Ngài thay đổi lòng của chúng ta. Niềm hi vọng về sự kêu gọi của Ngài là niềm hi vọng về Đức Chúa Trời, qua ý muốn tối thượng của Ngài đã kéo chúng ta ra khỏi thế gian nầy, nhận chúng ta làm con nuôi của Ngài (1:4) , chọn chúng ta ra giữa thế gian nầy để làm dân thuộc riêng về Ngài. Sự kêu gọi nói đến ở đây là sự kêu gọi của sự lựa chọn của Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta trở nên con cái Ngài là sự hi vọng về sự kêu gọi của Ngài.
Khi suy nghĩ về hi vọng của sự kêu gọi Ngài chúng ta đối diện với tính chất căn bản của quyền tối thượng của Đức Chúa Trời. Quyền tối thượng của Đức Chúa Trời đã kêu gọi chúng ta ra giữa thế gian nầy và cũng quyền tối thượng đó gìn giữ chúng ta cho đến cuối cùng. Vài chỗ trong Kinh Thánh minh họa cho điều nầy. Xin mở ra trong 2Ti-mô-thê 1:9, "Ấy chính Chúa đã cứu chúng ta, đã gọi chúng ta bởi sự kêu gọi thánh, chẳng phải theo việc làm chúng ta, bèn theo ý riêng Ngài chỉ định, theo ân điển đã ban cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ từ trước muôn đời vô cùng".
Chúng ta thấy rất rõ ràng sự kêu gọi là điều Đức Chúa Trời làm theo ý tối thượng riêng của Ngài, với mục đích tối thượng của Ngài. Ngài gọi chúng ta đến với Ngài trong Chúa Cứu Thế Giêxu. Khi quí vị hiểu được sự kêu gọi đó được ban cho chúng ta bởi Đức Chúa Trời và chúng ta được chọn bởi Ngài để làm con cái Ngài thì một lần nữa chúng ta nhận ra rằng hi vọng của chúng ta là một niềm hi vọng bảo đảm. Nếu Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta, làm sao chúng ta có thể từ chối được? Phi-líp 1:6, "Tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Jêsus Christ". Đức Chúa Trời là Đấng gọi chúng ta và cũng làm trọn sự kêu gọi của Ngài cho đến cuối cùng.
Hi vọng của người tin Chúa không dễ bị lay chuyển mà là một sự bảo đảm đáng được tin cậy. Thưa dân sự của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể nhìn xem thế giới xung quanh chúng ta và có thể bị dẫn dụ mà theo đuổi nó. Nhưng tôi hi vọng rằng quí vị sẽ nhận ra chẳng có niềm hi vọng nào ở nơi những điều đó. Dù quí vị có thể kinh nghiệm sự khoái lạc trong một giây phút ngắn ngủi nhưng không có điều nào còn lại, không có gì ban cho bởi thế gian nầy tồn tại lâu bền hơn tình yêu thương và sự hi vọng mà chúng ta có được trong Chúa Cứu Thế Giêxu.
Vì vậy, hôm nay tôi kêu gọi quí vị suy gẫm về lẽ thật đó, suy gẫm về niềm hi vọng của sự kêu gọi mà chúng ta có trong Chúa Cứu Thế để từ bỏ thế gian, từ bỏ tội lỗi, chống lại quỉ Sa-tan và thế lực của nó để đi theo Chúa Cứu Thế, yên nghỉ và tin tưởng rằng khi quí vị ở trong Chúa Cứu Thế nếu quí vị được kêu gọi bởi Ngài thì sự hi vọng của quí vị là bảo đảm. Quí vị có thể tin tưởng rằng Ngài sẽ thực hiện điều đó cho đến lúc hoàn tất. Amen.
Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúa ôi, chúng con vui mừng về hi vọng mà Ngài ban cho chúng con, hi vọng về sự kêu gọi của Ngài, hi vọng của sự chọn lựa sẵn sẽ không bao giờ bị cất đi khỏi những ai mà Ngài đã chọn. Chúa ôi, chúng con cám ơn Ngài về sự kêu gọi và sự lựa chọn Ngài ban cho chúng con là chắc chắn và được bảo đảm bởi Chúa Cứu Thế.
Chúa ôi, chúng con cầu xin rằng chúng con sẽ yên nghỉ về điều đó và chúng con cũng biết chắc rằng sự định sẵn của chúng con là điều chắc chắn. Cầu xin Chúa cho chúng con làm những điều đẹp ý Ngài và làm theo lẽ phải. Xin cho chúng con thấy được rằng bên ngoài Ngài là hoàn toàn vô vọng. Xin Chúa mở mắt cho chúng con để chúng con thấy hết cả niềm hi vọng của sự kêu gọi hầu cho chúng con thấy và hiểu được rằng không có niềm hi vọng nào lớn hơn, không có sự bình an nào tồn tại, không có sự vui mừng nào lớn hơn là sự nhận biết Chúa và Cứu Chúa Giêxu. Chúa ôi, chúng con cảm tạ Ngài về hi vọng của Tin lành. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Cứu Thế Giêxu . Amen.
Rev. Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)