Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Tin Lành Mác > Hết Cơn Sốt - 12/2010  


HẾT CƠN SỐT

"Đi một đỗi xa xa, Ngài thấy Gia-cơ, con Xê-bê-đê, với em là Giăng, đang vá lưới trong thuyền. Ngài liền kêu hai người; thì họ để Xê-bê-đê, cha mình, ở lại trong thuyền với mấy người làm thuê, mà theo Ngài. Kế đó, đi đến thành Ca-bê-na-um; nhằm ngày Sa-bát, tức thì Đức Chúa Jêsus vào nhà hội, khởi dạy dỗ tại đó. Chúng đều cảm động về sự dạy dỗ của Ngài, vì Ngài dạy như có quyền phép, chớ chẳng phải như các thầy thông giáo đâu. Vả, cũng một lúc ấy, trong nhà hội có người bị tà ma ám, kêu lên rằng: Hỡi Jêsus, người Na-xa-rét, chúng tôi với Ngài có sự gì chăng? Ngài đến để diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai: là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Chúa Jêsus nghiêm trách nó rằng: Hãy nín đi, ra khỏi người nầy. Tà ma bèn vật mạnh người ấy, cất tiếng kêu lớn, và ra khỏi người. Ai nấy đều lấy làm lạ, đến nỗi hỏi nhau rằng: Cái gì vậy? Sự dạy mới sao! Người nầy lấy quyền phép sai khiến đến tà ma, mà nó cũng phải vâng lời! Danh tiếng Đức Chúa Jêsus tức thì đồn ra khắp cả miền xung quanh xứ Ga-li-lê. Vừa ở nhà hội ra, Chúa và môn đồ đi với Gia-cơ cùng Giăng vào nhà Si-môn và Anh-rê. Vả, bà gia Si-môn đang nằm trên giường, đau rét; tức thì chúng thưa với Ngài về chuyện người. Ngài bèn lại gần, cầm tay người đỡ dậy; bệnh rét dứt đi, và người bắt tay hầu hạ. Đến chiều, mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ bệnh và kẻ bị quỉ ám đến cùng Ngài. Cả thành nhóm lại trước cửa. Ngài chữa lành nhiều kẻ đau các thứ bệnh, và đuổi nhiều quỉ, chẳng cho phép các quỉ nói ra, vì chúng nó biết Ngài." (Mác 1:19-34)

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Câu chuyện này thoạt nhìn tưởng như là một câu chuyện không mấy gì quan trọng. Bà gia Phierơ nằm trên giường bị sốt và Chúa Giêxu chữa lành cho bà. Trong chỉ hai câu Kinh Thánh, chúng ta học biết về phép lạ này, phép lạ cụ thể được ghi chép lại ngắn nhất trong cách sách Phúc Âm. Ấy là một phép lạ được thực hiện tại nơi nhà riêng, được ít người chứng khiến không mang nhiều kịch tính kèn trống phô trương gì. Đoạn Kinh Thánh này thường được dùng để chứng minh rằng Phierơ lập gia đình và để đối kháng với quan điểm của Công Giáo về sự độc thân của ông, ngoài ra không có gì đặc sắc nữa. Đây không phải là một phép lạ tự nhiên gây cho chúng ta phải chú ý. Nó cũng không phải là phép lạ gây ấn tượng như một số phép lạ khác mà Chúa Giêxu đã làm. Bịnh sốt cũng phổ biến và thường qua khỏi. Sự bình phục của người bị mù, què hay người chết xem dường như kỳ lạ và đầy kịch tích hơn. Tuy nhiên, chính phép lạ này lại có chỗ trong cả ba sách Tin Lành (Luca 4, Mathiơ 8, và trong sách Mác), nó được đặt tại một vị trí nổi bật. Ấy chính là tại nơi mở đầu của sách Tin Lành này ngay sau khi Chúa Giêxu khởi sự chức vụ Ngài. Ấy là phép lạ chữa lành đầu tiên được ghi lại. Nói cách khác, sách Mác đang lôi kéo sự chú ý của chúng ta vào đó.

Bằng cách nào đó, chúng ta được lôi kéo vào phép lạ này vì tính gần gủi của nó. Chúa Giêxu bước vào nhà bà gia Phierơ sau buổi nhóm họp tại nhà hội. Phierơ báo cho Chúa Giêxu và những người khác biết rằng bà gia ông đang đau bệnh nằm trên giường, không hầu việc họ được. Chúa Giêxu đến bên giường bà và nhẹ nhàng nắm lấy tay bà, đỡ bà dậy thì bệnh sốt của bà liên khỏi. Ấy chính là giữa sự hiện diện của gia đình, tại nơi mái nhà riêng tư này mà phép lạ được làm ra. Bà nhận được sự quan tâm và chăm sóc độc quyền của Chúa Giêxu khi Ngài tập trung lên tật bệnh bà một cách cá nhân và chữa lành cho. Trong câu chuyện này, chúng ta chú ý vào sự thương xót và yêu thương Ngài cho dân sự Ngài.

Sách Tin Lành Mác đưa chúng ta đến câu chuyện này vì nó bày tỏ cho chúng ta về tình thương của Đấng Christ dành cho chúng ta. Bởi khi nói cụ thể về bà gia Phierơ, chúng ta có thể hiểu rằng nó cũng là câu chuyện của mỗi chúng ta nữa. Chúng ta cũng được chữa lành bởi năng quyền của Đấng Christ và được đưa vào sự hầu việc Ngài. Chúng ta nhìn thấy trong câu chuyện này sự tấn tới của nước Ngài và đặc tính của nước ấy.

Khi xem phần Kinh Thánh này, chúng ta sẽ cùng xem ba điểm sau: Thứ nhất, chúng ta sẽ xem bối cảnh của phép lạ này. Thứ hai, chúng ta muốn xem xét về chính phép lạ và mục tiêu của nó. Cuối cùng, chúng ta sẽ bàn đến sự đáp ứng trước phép lạ đó.

Thứ nhất, chúng ta hãy xem xét bối cảnh của phép lạ. Chúng ta rất cần ghi nhớ bối cảnh này. Chúa Giêxu vừa mới bắt đầu chức vụ Ngài bằng sự công bố rằng nước Đức Chúa Trời đã đến gần trong câu 14 và 15. Sự đến của nước mà Đấng Christ nói đến chuyển sang giai đoạn cao nhất của nó từ đó trở đi. Chúa Giêxu tức thì tiến tới việc kêu gọi các môn đồ là những người liền theo Ngài. Ngài liền tiếp theo việc này bằng cách bước vào nhà hội và đuổi quỷ minh chứng sự đắc thắng cuối cùng của Ngài trên Satan và các quỷ nó. Từ đó Ngài liền bước vào nhà bà gia Phierơ và chữa lành cho bà, rồi sau đó đến nhiều người khác nữa. Điều quan trọng mà chúng ta cần nhìn thấy là lời nói của Chúa Giêxu liền theo sau bởi hành động của Ngài. Nước Đức Chúa Trời đang tấn tới và những sự kiện đi theo sau lời giảng dạy của Chúa Giêxu là những dấu chỉ rằng nước Đức Chúa Trời đã đến. Thế thì việc Chúa Giêxu chữa lành cho bà gia Phierơ bày tỏ cho chúng ta điều gì đó về đặc tính của nước mà chúng ta sẽ nhìn thấy sắp tới.

Khi chúng ta nhìn về bối cảnh này, chúng ta cũng nhận ra rằng đoạn Kinh Thánh này di chuyển từ cụ thể đến tổng quát. Điều này có nghĩa là chúng ta được đọc về hai phép lạ cụ thể, việc Chúa đuổi quỷ trong nhà hội và chữa lành cho bà gia Phierơ, sau đó đoạn Kinh Thánh tiếp tục nói cho chúng ta rằng nhiều quỷ được đuổi khỏi và nhiều người được chữa lành. Chúng ta được cho những ví dụ cụ thể nhưng chúng ta cũng được cho biết rằng những câu chuyện cụ thể đó không đứng riêng rẽ. Còn nhiều chuyện khác tương tự như thế. Những phép lạ này không phải là những sự kiện riêng rẽ mà xảy ra thường xuyên khi nước Đức Chúa Trời mà Chúa Giêxu mở đường đang tấn tới nhanh chóng.

Chúng ta cũng cần để ý rằng sách Mác phân biệt rõ ràng sự bị quỷ ám và tật bệnh về thể xác. Một số người cho rằng những người thời xưa liên hệ mọi thứ bệnh tật với công việc của ma quỷ. Thế nhưng đoạn Kinh Thánh của chúng ta rõ ràng phân biệt ra hai điều đó.

Đoạn Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết rằng phép lạ này, giống như phép lạ trước xảy ra trong ngày Sabát. Tại đây, việc này dường như chẳng gây tranh luận gì, có lẽ vì được thực hiện tại nơi nhà riêng nhưng trong đoạn 3, sự chữa lành trong ngày Sabát trở thành chuyện lớn đặc biệt đối với những người Pharisi bởi họ cho rằng việc chữa bệnh là một sự vi phạm luật pháp về ngày Sabát. Hơn nữa, chúng ta có thể thấy rằng người ta cũng bị ảnh hưởng bởi quan điểm này về ngày Sabát khi họ chờ đợi đến khi mặt trời lặn mới đem người bệnh đến với Chúa Giêxu.

Điểm cuối cùng tôi muốn nêu lên về bối cảnh rộng hơn là chúng ta thấy rằng Chúa Giêxu thi hành chức vụ của Ngài với dân chúng thuộc mọi giới trong mọi hoàn cảnh. Ngài đuổi quỷ khỏi một người đàn ông nơi công cộng. Ấy là một nơi tiêu biểu mà người ta dễ tìm thấy những người đàn ông. Ngài chữa lành cho bà gia tại nhà riêng của bà, một nơi tiêu biểu chúng ta hay gặp những người phụ nữ. Phép lạ của Ngài biến cải những cuộc đời của những người nam và người nữ. Đặc biệt là trong sách Mác, rất thú vị khi chúng ta nhìn thây thể nào Chúa Giêxu làm việc trong đời sống của những người thấp bé, nghĩa là những người không có vị trí nổi bật gì. Những con người nhỏ bé đến rồi đi mà không được nghe nói đến một lần nữa trong những đoạn Kinh Thánh khác. Họ có thể được những độc giả ban đầu biết đến nhưng chúng ta ngày nay không biết họ. Những con người tầm thường này trong sách Mác nhắc nhở chúng ta rằng Tin Lành của Chúa Giêxu tác động đến những con người thật trong lịch sử. Đồng thời, chúng ta không được cho cơ hội để lưu lại với họ bởi tác giả sách Mác muốn chúng ta lưu lại nơi Đấng Christ mà thôi bởi công việc của Đấng Christ tiếp tục biến cải đời sống của những con người tầm thường như chính chúng ta cho đến tận hôm nay.

Thứ hai, chúng ta hãy cùng xem xét về chính phép lạ đó. Chúng ta chuyển sự tập trung từ một bối cảnh rộng đến những chi tiết cụ thể của phép lạ. Chúng ta được cho biết rằng sau khi Chúa Giêxu vào nhà bà gia Phierơ, Ngài được báo cho biết rằng bà đang đau bệnh. Trong cùng câu chuyện này được ghi lại trong sách Luca, vị bác sĩ, cho chúng ta biết rằng đây là một chứng sốt khá nặng. Trong sách Giăng, cùng chữ được dùng để nói đến bệnh sốt cho thây rằng nó có thể dẫn đến tử vong. Việc Chúa Giêxu phải đỡ bà dậy hàm ý rằng bệnh sốt buộc bà phải nằm dài. Nó khiến bà yếu sức. Bà không thể làm được những việc hàng ngày vì thân thể bà quá yếu mỏn. Có thể chúng ta cũng đã từng bị bệnh sốt như bà gia Phierơ. Bà phải chịu đựng bệnh sốt ấy mà không có được thuốc men hiện đại hầu làm giảm bớt những triệu chứng. Chúng ta không biết rõ đó là bệnh sốt gì nhưng chúng ta biết rằng nó là bệnh nặng.

Khi được báo cho biết về bệnh sốt, Ngài liền đến với bà. Ngài nắm lấy tay và đỡ bà lên khỏi giường. Ngay khi Ngài làm điều đó thì cơn sốt liền đi khỏi. Chẳng phải là cơn sốt chỉ qua đi và cơ thể bà đang từ từ bình phục lại. Dường như chẳng giống như cơn sốt qua đi và cơ thể bà cần thời gian để phục hồi. Đoạn Kinh Thánh chỉ ra rằng sự chữa lành cho bà là trọn vẹn hoàn toàn. Chẳng những cơn sốt qua đi tức thì mà hết thảy những ảnh hưởng của nó cũng thế. Sức lực bà phục hồi ngay tức thì. Bà trở nên mạnh lành trở lại như chẳng đã bệnh bao giờ. Bà có thể ngay tức thì trở lại với công việc và bắt đầu hầu việc Chúa Giêxu và môn đồ Ngài. Chẳng có thuốc men nào trên thị trường có thể phục hồi cơ thể người ta nhanh chóng và trọn vẹn như thế. Sự chữa lành của bà gia Phierơ thật sự là một phép lạ.

Phép lạ mà Chúa Giêxu làm phục vụ cho một mục tiêu. Chẳng phải chúng ta phải chờ đợi một phép lạ mỗi lần bị sốt. Trong tuần rồi, tôi bị viêm họng. Tôi đi bác sĩ, lấy thuốc và nghỉ ngơi. Tôi đã chẳng đi tìm một mục sư khác mong đợi một phép lạ nào đó giúp tôi khoẻ lại. Tôi tin rằng Đức Chúa Trời, trong sự toàn quyền tể trị của Ngài, sẽ phục hồi sức khoẻ của tôi, nhưng điều đó khác với việc trông đợi một phép lạ. Phép lạ là điều khác thường. Mục đích của phép lạ là đi kèm và khẳng định cho sứ điệp căn bản của Tin Lành. Một khi đã được khẳng định rồi, không cần có phép lạ nữa và phép lạ nói chung cũng không còn nữa. Chẳng phải là Đức Chúa Trời không còn làm phép lạ được nữa nhưng khi chức năng của phép lạ đã được trọn thì phép lạ không còn cần thiết nữa.

Thế thì mục tiêu của phép lạ này là gì? Tại sao nó lại quá nổi bật trong sách Tin Lành Mác? Điều đầu tiên chúng ta có thể nói rằng phép lạ chứng thực sứ điệp và người mang sứ điệp. Sự thật rằng Chúa Giêxu có khả năng thi hành những sự chữa lành lạ lùng như thế tỏ ra rằng Ngài đến từ Đức Chúa Trời. Chỉ có Đức Chúa Trời có thể phục hồi sức khoẻ người ta theo cách như thế. Chỉ có Đấng được Đức Chúa Trời sai đến mới có thể thi hành những phép lạ dường ấy. Việc Chúa Giêxu chữa lành cho bà gia Phierơ một cách lạ lùng khiến chúng ta lắng nghe sứ điệp Ngài. Nó bảo đảm rằng Ngài từ Đức Chúa Trời sai đến, rằng lời công bố của Ngài là Con Đức Chúa Trời là thật. Phép lạ này kêu gọi chúng ta tin nơi Đấng Christ và sứ điệp cứu rỗi mà Ngài mang đến.

Thế nhưng mục tiêu của phép lạ này và của các phép lạ nói chung còn đi xa hơn thế. Phép lạ bày tỏ cho chúng ta về tính chất của sự cứu rỗi chúng ta. Nó dạy chúng ta về những gì Đấng Christ đã làm cho chúng ta. Khi chúng ta nhìn vào tật bệnh trên bà gia Phierơ, chúng ta cũng nhận ra căn nguyên của tật bệnh đó. Không chỉ là vi khuẩn hay vi trùng tấn công thân thể người ta mà sau hết hết thảy mọi tật bệnh đều có căn nguyên từ sự rủa sả của Đức Chúa Trời trên tội lỗi. Vườn Êđen không hề biết đến những tật bệnh đó. Khi con người sa vào tội lỗi, sự khốn khổ này cũng giáng trên con người khi thân thể người ta phải trải qua những khốn khổ và đau đớn liên quan đến sự chết. Tội lỗi là nguồn gốc của bệnh tật. Điều này không nhất thiết là một tội lỗi cụ thể nào đó nhưng tội lỗi nói chung khiến chúng ta phải chịu sự rủa sả chung nghịch cùng tội lỗi. Khi Chúa Giêxu chữa lành bà gia, Ngài bày tỏ ra sự đắc thắng Ngài trên tội lỗi. Chúa Giêxu đụng đến bà. Ngài nắm lấy tay bà. Ấy là hình ảnh của việc Ngài mang lấy sự khốn khổ bà trên chính mình Ngài. Trong Êsai đoạn 53 câu 4, tôi tớ chịu khổ mang lấy trên mình sự khốn khổ và bệnh tật của chúng ta. Có một sự trao chuyển sự khốn khổ của bà gia sang Chúa Giêxu. Ngài sẽ chịu khổ và chết. Ngài sẽ mang lấy sự rủa sả hầu bà có thể được giải cứu khỏi đó. Chúng ta cũng nhận thấy rằng Chúa Giêxu đỡ bà dậy. Tại đây dùng cùng một một chữ với chữ dùng cho sự sống lại của Đấng Christ. Nói cách khác, phép lạ này là hình ảnh về sự cứu rỗi của chúng ta trong Đấng Christ. Ngài mang lấy tội lỗi chúng ta. Ngài ban cho sự sống mới. Ngài mang lấy sự rủa sả và chúng ta đưọc ban cho sự tự do khỏi sự thạnh nộ công bình của Đức Chúa Trời nghịch cùng tội lỗi chúng ta. Phép lạ này là hình bóng, là hình ảnh của công việc sắp đến của Chúa Giêxu. Ấy là hình bóng của công việc Chúa Giêxu làm cho chúng ta. Ngài nắm lấy tay chúng ta và ban cho chúng ta sự sống. Chúng ta có thấy thể nào câu chuyện này không đơn thuần là một câu chuyện về một người đàn bà hai ngàn năm trước? Nó còn nói về điều Đấng Christ làm cho chúng ta ngày nay nữa.

Phép lạ này cũng dạy chúng ta về tính chất của nước mà Chúa Giêxu mang đến. Chúng ta đã thấy rằng tính chất ấy đến trong bối cảnh của sự giảng dạy của Chúa Giêxu về nước Đức Chúa Trời. Phép lạ này bày tỏ cho chúng ta về đặc tính của nước ấy. Nó tỏ ra rằng nước của Chúa Giêxu sẽ là một nước không có bệnh tật. Nó là một nước không có đau thương và than khóc. Sự rủa sả của Đức Chúa Trời nghịch cùng tội lỗi hoàn toàn bị trừ tiệt. Khi nước Đức Chúa Trời tấn tới dưới Đấng Christ trong phần Kinh Thánh của chúng ta, chúng ta sẽ nhìn thấy cuối cùng nước ấy sẽ bày tỏ chính mình ra thể nào. Chúa Giêxu đắc thắng tội lỗi và sự chết. Nước đời đời của Ngài, mà những ai thuộc về Ngài được hưởng cơ nghiệp trong đó, sẽ chẳng thấy hậu quả của tội lỗi nữa. Nước ấy sẽ trọn vẹn. Sự sống trong nước Ngài sẽ không còn bị vấy bẩn bởi những tật bệnh nữa. Những bệnh ung thư, sốt, trầm cảm, thấp khớp, viêm họng, cảm cúm sẽ không còn làm tăm tối cuộc đời của những ai ở trong nước Đấng Christ.

Giờ đây chúng ta đã từng trải sự tha thứ tội lỗi và sự tự do khỏi sự thạnh nộ và rủa sả của Đức Chúa Trời. Nhưng cuối cùng chúng ta sẽ nhìn thấy trọn vẹn sự tự do này khi Đấng Christ trở lại và chúng ta bước vào sự vinih hiển Ngài. Phép lạ này làm cho lòng chúng ta đầy tràn hy vọng bởi nó tỏ ra sự đắc thắng cuối cùng trên tội lỗi và những hậu quả đau buồn của nó. Điều mà Chúa Giêxu đã ban cho bà gia Phierơ ngày xưa, ngày nay Ngài cũng ban cho chúng ta.

Cuối cùng, chúng ta hãy cùng xem xét sự đáp ứng lại phép lạ này. Chúng ta thấy rằng phép lạ của Chúa Giêxu phục hồi hoàn toàn sức khoẻ cho bà gia Phierơ. Sự phục hồi của Chúa Giêxu khiến bà làm việc được. Bà liền đáp lại bằng cách hầu việc Ngài. Bà làm điều đó một cách vui vẻ sẵn lòng.

Đoạn Kinh Thánh hôm nay cho chúng ta biết rằng bà hầu việc họ theo nghĩa đen của nó. Tại đây Kinh Thánh dùng cùng một chữ dùng cho các thiên sứ hầu việc trong câu 13. Bà trở nên người tôi tớ chẳng phải thật sự là đầy tớ nhưng là một người sẵn lòng phục vụ người khác đặc biệt là phục vụ Đấng Christ. Đây là một chủ đề quan trọng khác của sách Mác. Những ai mà đời sống được Đấng Christ động chạm sẽ trở nên môn đồ Ngài. Họ hầu việc Ngài, trở nên tấm gương cho chúng ta là những người mà đời sống cũng được Chúa Giêxu đụng đến. Chúng ta cũng muốn hầu việc Ngài. Chúng ta muốn sống cho Ngài.

Chúng ta hãy sẵn lòng hầu việc Đấng Christ. Có nhiêu cách cho chúng ta hầu việc Ngài. Chúng ta có thể hầu việc bằng cách thờ phượng Ngài cách cá nhân hay hiệp lại với anh em. Chúng ta có thể hầu việc bằng cách vâng mạng lịnh Ngài. Chúng ta có thể phục vụ những người có cần.

Tóm lại, chúng ta có nhìn thấy thể nào phép lạ này đụng đến đời sống chúng ta. Chúng ta một lần nữa được kêu gọi hãy tin danh Đấng Christ. Ngài đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi và sự thống khổ của chúng ta. Niềm hy vọng chúng ta là ở trong Ngài. Chúng ta không sợ hãi những gì sẽ xảy đến cho chúng ta trong tương lai vì Ngài đã chữa lành chúng ta, đắc thắng tội lỗi và sự rủa sả nó. Nước thiên đàng đời đời là thuộc về chúng ta. Ngài cũng kêu gọi chúng ta làm môn đồ Ngài. Ngài kêu gọi chúng ta hầu việc Ngài. Xin hãy tìm cách hầu việc Ngài đê đáp lại ân điển Đức Chúa Trời bày tỏ ra cho chúng ta. Amen.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)