Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Tin Lành Mác > Kỳ Thi Của Đấng Christ: Điểm Xuất Sắc - 8/2010  


KỲ THI CỦA ĐẤNG CHRIST: ĐIỂM XUẤT SẮC

"Tức thì Đức Thánh Linh giục Ngài đến nơi đồng vắng. Ngài ở nơi đồng vắng chịu quỉ Satan cám dỗ bốn mươi ngày, ở chung với thú rừng, và có thiên sứ hầu việc Ngài." (Mác 1:12-13)

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ.

Khi chúng ta học dần dần mỗi lần vài câu Kinh Thánh trong một phân đoạn, chúng ta có lợi thế là đi sâu vào những chi tiết và có thể nhìn thấy bối cảnh của sứ điệp nhưng cũng có yếu điểm là đôi khi chúng ta đánh mất đi cái nhìn tổng thể. Lời giới thiệu của Mác được ghi chép với tính cách gây ấn tượng mạnh. Nó lướt nhanh để gây cho chúng ta cảm xúc hồi hộp và chờ đợi. Nó nài xin chúng ta hãy đọc với cảm giác sửng sốt và kinh ngạc.

Sứ đồ Mác đang giới thiệu cho chúng ta sự khởi đầu của một điều gì đó mới mẻ. Ấy là Tin Lành. Ai đó phải nhớ rằng trong thế giới La mã, cái từ ngữ mà chúng ta dùng liên hệ với "tin lành" là chữ được dùng để loan báo sự viếng thăm của hoàng đế hay một nhân vật tầm cỡ nào đó. Các hoàng đế La Mã, thích người ta biết đến mình là những con trai của các thần, giờ đây phải đối diện với Đấng mà sứ đồ Mác gọi là Con Đức Chúa Trời. Tin Lành của ông liên hệ đến sự đến của một Đấng Mêsi, Đấng chịu xức dầu, vua của Ysơraên. Chính lời giới thiệu của Mác là một thách đố đối với tính ưu việt của La mã. Sứ điệp của ông, trong thế giới của thế kỷ thứ nhất, có lẽ là gây bực dọc và chấn động. Nó như gào thét: "Hãy nói cho tôi nữa đi!" Sứ đồ Mác nói cho chúng ta về người đưa tin đã được sai đi để loan báo sự đến của Ngài trong đồng vắng. Tuy nhiên không phải người dọn đường nào cũng khiến chúng ta phải để tâm. Tại đây là một người đưa tin mà sự đến và sứ điệp của người đó cũng đã được loan báo trước bởi các tiên tri. Người báo tin này ăn mặc như tiên tri Êli, là người phải đến trước Ngày của Chúa, là người có sứ điệp rao báo ra bảo người nghe phải sửa soạn cho sự đến của Chúa. Cả Giêrusalem và Giuđê đều trở nên vắng vẻ khi người ta lũ lượt kéo ra đồng vắng để lắng nghe vị tiên tri này. Người ta ăn năn tội và được Giăng làm phép báp têm để sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Trời. Chúng ta như nín thở chờ đợi xem Đấng mà Giăng bảo rằng hoàn toàn vĩ đại hơn bản thân ông, Đấng mà trong sự hiện diện của Ngài, Giăng chẳng hơn gì là một tôi tớ hèn mọn nhất, Đấng sẽ làm báp têm bằng Thánh Linh. Sau đó một nhân vật đơn độc đến từ Galilê. Ngài cúi xuống để được Giăng làm phép báp-têm. Bất chợt các tầng trời mở ra. Thật ra, đoạn Kinh Thánh dùng chữ là "xé ra" Một giọng nói từ trên trời thông báo rằng người ấy là con yêu dấu của Đức Chúa Trời, Đấng làm đẹp lòng Ngài. Điều này là thật sao? Ngài là Đấng ấy sao? Liệu Ngài sẽ là Đấng giải cứu Ysơraên, dẫn họ qua đồng vắng đề vào xứ ban cho họ làm cơ nghiệp sao? Liệu hết thảy các dân tộc trên thế giới sẽ được phước nhờ Ngài chăng? Liệu Ngài sẽ là Đấng đạp đầu con rắn? Chúng ta hãy đợi xem. Ngài phải chịu thử thách. Ngài phải đối diện với kẻ thù số một của Đức Chúa Trời và dân sự Ngài và làm cái điều mà hết thảy mọi người trước Ngài đều không làm được: đắc thắng kẻ thù đó.

Ấy chính cuộc thử thách của Đấng Christ là nội dung của đoạn Kinh Thánh chúng ta hôm nay. Đức Thánh Linh đưa Chúa Giêxu và đồng vắng để chiến đấu với Satan. Trong sự học hỏi hôm nay, chúng ta muốn nhìn thấy những điểm sau:

i. Thứ nhất, lối mòn thất bại.
ii. Thứ hai, sự đắc thắng của Chúa Giêxu.
iii. Cuối cùng, tầm quan trọng của sự đắc thắng đó đối với chúng ta là những kẻ ở trong Ngài.

Thứ nhất, chúng ta hãy cùng xem xét lối mòn thất bại. Đoạn Kinh Thánh của chúng ta đưa chúng ta vào phạm vi của thế giới siêu nhiên. Nó làm nổi bật cuộc tranh chiến giữa Đức Chúa Trời và Satan, giữa vương quốc của tối tăm và vương quốc sáng láng. Cuộc tranh chiến này là thật. Êphêsô đoạn 6 chỉ rõ rằng chúng ta không chiến đấu cùng thịt và huyết bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy. Cuộc chiến thuộc linh này là phông màn cho cuộc chiến giữa những người thuộc vương quốc Đức Chúa Trời và những kẻ thuộc vương quốc tối tăm. Sự Đấng Christ chịu cám dỗ đi vào tận trung điểm của cuộc chiến này.

Thật rõ ràng từ đoạn Kinh Thánh hôm nay rằng cuộc chiến này đã mang lấy một lịch sử lâu dài. Dấu tích của lịch sử cứu chuộc rải rác những câu chuyện của những người đã từng chiến đấu vào thất bại. Đoạn Kinh Thánh của chúng ta hàm ý nhiều người trong số đó. Chính sự đề cập đến sự Đấng Christ chịu cám dỗ gợi lại trong tâm trí chúng ta cuộc chiến đầu tiên trên thế gian giữa ma quỷ và con người đầu tiên, là Ađam trong vườn Êđen. Ađam và Êva đang trong thời gian thử thách được dạy rằng không được ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác, nếu bất tuân thì phải chết. Thế nhưng chính tại nơi vườn này, ma quỷ đã lẻn vào mang hình của con rắn, cám dỗ Êva ăn trái và bởi đó vi phạm mạng lịnh rõ ràng của Đức Chúa Trời. Ađam, thay vì phán xét công bằng kẻ làm ác, lại dự phần vào tội lỗi của họ khiến cho cả nhân loại sa ngã trong chính ông. Sự trung thành của Ađam đối với Đức Chúa Trời đã bị thử nghiệm. Ông đã thất bại. Thay vì được sống với Đức Chúa Trời, ông bị đuổi khỏi vườn và bị rủa sả với sự chết. Ađam đầu tiên đã thua cuộc với ma quỷ và đã thất bại trước cám dỗ nó. Thiên sứ với thanh gươm sáng lòa chặn con đường của ông đến cùng cây sự sống. Ađam, con Đức Chúa Trời, theo Luca đoạn 3, đã thất bại trong cuộc thử nghiệm của mình.

Đọan Kinh Thánh của chúng ta cũng gợi lại một cuộc thử nghiệm nữa: cuộc thử thách Ysơraên trong đồng vắng. Có nhiều yếu tố ám chỉ điều này. Việc Chúa Giêxu bị cám dỗ trong đồng vắng là điều rõ ràng nhất. Ngoài ra nó cũng được hàm ý trong con số 40. Chúa Giêxu chịu cám dỗ 40 ngày, dân Ysơraên đi trong đồng vắng 40 năm. Theo một cách nào đó, sự thử nghiệm này là sự tóm lượt của sự thử thách của Ađam. Dân Ysơraên được kêu gọi vâng theo mạng lịnh Đức Chúa Trời. Nếu họ vâng theo, họ sẽ được phước và được xứ đượm sữa và mật làm cơ nghiệp. Nếu họ thất bại, họ sẽ phải chịu Đức Chúa Trời rủa sả và chết mất. Dĩ nhiên chúng ta biết rằng dân Ysơraên đã chẳng vâng lời Đức Chúa Trời. Họ chịu thua cám dỗ của ma quỷ. Họ cứ liên tục chống nghịch và lằm bằm nghịch cùng Đức Chúa Trời và hậu quả là họ phải lưu lạc 40 năm trong đồng vắng. Cả một thế hệ ngã chết trong đồng vắng. Ysơraên, con Đức Chúa Trời, theo Xuất Êdíptô ký đoạn 4 câu 23, đã thất bại trong cuộc thử nghiệm.

Một số người cho rằng đoạn Kinh Thánh này cũng hàm ý nói đến Êli là người chạy trốn đến núi Hôrếp (cũng là núi Sinai) và trong 40 ngày được chim quạ nuôi (1Các vua 19). Êli cũng thất bại trong cuộc thử nghiệm mình. Ông cũng thắc mắc về Đức Chúa Trời, than phiền như những người Ysơraên trước ông, tủi thân cho đến khi Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài qua giọng nói nhỏ nhẹ. Chính Êli cũng thua cuộc.

Còn nhiều điều nữa có thể kê về những con trai Đức Chúa Trời đã thua cuộc. Môise, người khiêm hòa hơn hết trên đất người sống, đã đập hòn đá hai lần vì tức giận và bị phạt không cho vào đất hứa. Đavít, người theo lòng Đức Chúa Trời, phạm tội cùng Bátsêba và giết Uri. Hậu quả là con trai ông phải chết. Sôlômôn, vị vua khôn ngoan nhất của Ysơraên, làm điều ác trước mắt Đức Chúa Trời và vương quốc ông phải bị xé làm hai. Các con trai khác của Đavít cũng thất bại. Thế thì vị vua công bình dẫn dắt dân Ysơraên trong sự công bình ở đâu? Cho đến đây, chưa hề có ai vượt qua được cuộc thử nghiệm.

Điểm mà Kinh Thánh Cựu Ước muốn nhắm vào là con người không thể thắng hơn tội lỗi và sự cám dỗ nó. Con người xu hướng về sự sa ngã. Sách Rôma nói rõ điều này trong đoạn 3: "Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không". "Vì mọi người đều đã phạm tội thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời". "Tiền công của tội lỗi là sự chết". Mọi người đều đã thất bại trong cuộc thử nghiệm.

Đồng vắng mà Đấng Christ bước vào là một nghĩa địa, đầy hài cốt của những người đã sa ngã trước cám dỗ của ma quỷ. Những xương cốt khô của chúng ta chắc cũng sẽ nằm kề bên hài cốt của những người đã ngã trong trũng nếu không có công việc của Đấng Christ và Đức Thánh Linh ban sự sống của Ngài.

Thứ hai, chúng ta hãy cùng xem xét sự đắc thắng của Đấng Christ. Lời giới thiệu của sứ đồ Mác để lại cho chúng ta câu hỏi sau cùng: Liệu Chúa Giêxu có phải là Đấng sẽ phá vỡ khuôn mẫu của Cựu Ước không? Liệu Ngài có thành công trong những điều mà những người khác đã thất bại không? Liệu ngài có thật sự là Đấng Mêsi đã hứa hay chỉ là một vua đời đời theo kiểu khác của Ysơraên?

Người ta không thể không nghĩ rằng sự loan báo trong câu 11 rằng Chúa Giêxu là con yêu dấu của Đức Chúa Trời mà Ngài đẹp lòng mọi đàng không chỉ nói lên sự thật đó mà còn là một thách đố đối với Satan. Nó có hiệu quả như là một sự thách đố mà Đức Chúa Trời đưa ra cho Satan khi nói đến Gióp: "Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi tớ của ta chăng; nơi thế gian chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi điều ác?" Dĩ nhiên Satan không thể khiến Gióp chối bỏ Đức Chúa Trời, dù Gióp có thắc mắc về Ngài và bị Đức Chúa Trời quở trách về điều đó. Tại đây Đấng Christ đang bước vào một khung cảnh giống như thế.

Tin Lành Mác không cho chúng ta nhiều chi tiết về những cám dỗ của Satan. Chúng được mô tả ra chi tiết cho chúng ta trong sách Mathiơ và Luca. Đối với Mác, cho chúng ta biết rằng Ngài bị ma quỷ cám dỗ và không đầu hàng cám dỗ cũng là đủ. Như Ađam trước Ngài, trong Khu Vườn với những hoàn cảnh thuận tiện hơn nhiều, và dân Ysơraên trong đồng vắng, Chúa Giêxu đối diện với cám dỗ của Satan và cứ trung tín. Ngài không hề phạm tội. Ngài không phàn nàn gì về Đức Chúa Trời. Ngài không vi phạm điều răn gì của Đức Chúa Trời. Trong mọi mặt Ngài giống như chúng ta nhưng Ngài không hề phạm tội. Là Ađam thứ hai, Ngài thành công tại những gì mà Ađam thứ nhất đã thất bại. Là người Ysơraên trọn vẹn, Ngài vâng theo điều răn Đức Chúa Trời. Ngài vượt qua kỳ thi với điểm xuất sắc.

Không giống những phúc âm khác, sách Mác không nói rằng ma quỷ lìa Ngài. Điều này có thể hàm ý rằng theo một cách nào đó, dù Đấng Christ đắc thắng, cuộc thử thách của Chúa Giêxu vẫn còn tiếp diễn. Chúng ta đọc thấy trong Mác đoạn 8 câu 33 khi Chúa Giêxu quở trách Phierơ vì khuyên Ngài chớ đi về thành Giêrusalêm, Ngài nói rằng "Hỡi Satan, hãy lui ra đằng sau ta." Trong vườn Ghếtsêmanê, Ngài thúc giục các môn đồ cầu nguyện kẻo họ sa vào cám dỗ, hàm ý về sự cám dỗ đang còn tiếp tục của ma quỷ tại vườn Ghếtsêmanê. Không giống như Gióp, cuộc đời Chúa Giêxu là một cuộc tranh chiến liên tục với sự chịu khổ. Thân thể Ngài phải chịu sự hành hạ độc ác của ma quỷ cho đến chết. Thế nhưng Chúa Giêxu không nao núng. Ngài công bình cho đến cuối cùng. Ngài vượt qua sự thử nghiệm.

Tiếp theo cuộc thử thách của Satan, chúng ta được bảo rằng có thiên sứ đến hầu việc Ngài. Điều này không chỉ bảo đảm cho ta rằng Đấng Christ thật sự vượt qua cuộc thử nghiệm mà còn cho thấy vai trò hoàn toàn trái ngược của thiên sứ so với câu chuyện của cuộc thử thách đầu tiên của Ađam. Giả thử Ađam đã giết chết con rắn như ông đáng lẽ đã nên làm cùng với người vợ bội nghịch, có lẽ thiên sứ cũng đã đến hầu việc ông và an ủi ông sau thử thách cam go ấy. Thay vào đó thiên sứ được sai để quăng Ađam ra khỏi vườn và đứng canh ngay lối vào vườn. Thiên sứ trở nên đại diện cho sự đoán xét công chính của Đức Chúa Trời mà không phải là người thi hành sự nhân từ Ngài. Thế nhưng Chúa Giêxu đã không thất bại. Ngài đã đắc thắng và thiên sứ đến hỗ trợ và hầu việc Ngài.

Đoạn Kinh Thánh chúng ta cũng đề cập đến sự hiện diện của những thú rừng. Sách Mác là phúc âm duy nhất đề cập đến chi tiết này. Người ta thắc mắc tại sao Mác, một người ít lời, lại đề cập đến chi tiết này. Có hai điều tại đây có liên hệ với nhau. Điều trước nhất là những thú này nhắc chúng ta về Vườn Êđen, nơi Ađam và Êva đã từng sống hòa bình với những thú hoang. Họ không sợ thú rừng và thú rừng cũng chẳng sợ họ. Đoạn Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Chúa Giêxu ở với những thú rừng. Ngài không bị chúng làm hại mà chúng cũng không bị Ngài làm hại. Có ý đề nghị rằng điều này hàm ý rằng Đấng Christ mang đến một sự sáng thế mới, một sự dựng nên mới khi mà con người và thú rừng không còn nghịch thù. Điều thứ hai chúng ta có thể nghĩ đến là lời tiên tri trong Êsai đoạn 11, đoạn 65 và Ôsê đoạn 2 khi mà đồng vắng được làm mới lại và mối tương giao giữa con người và thú rừng không còn là nghịch thù nữa. Chúa Giêxu là Đấng đến mang lại sự thay mới này. Ấy chính là tính chất của nước thiên đàng của Đấng Christ.

Sự thử thách của Đấng Christ là cần thiết. Ngài phải bị thử thách hầu Ngài có thể tỏ ra là trọn vẹn và công bình. Ngài phải bị thử thách để cũng giống như chúng ta. Chúng ta có thể thấy rằng trong sự báp têm, Đấng Christ mang lấy sự rủa sả của Đức Chúa Trời nghịch cùng tội lỗi chúng ta. Trong sự chống trả cám dỗ, Chúa Giêxu bày tỏ chính ngài là công bình và vâng phục Đức Chúa Trời. Trong Đấng Christ, chúng ta được ban cho cả sự tha thứ tội lỗi và sự công bình Ngài. Đấng Christ cần phải đắc thắng trong cuộc đối đầu cùng Satan. Nếu Ngài thất bại, Ngài không thể là Đấng Cứu Chuộc cho chúng ta. Khi ấy sự chết Ngài là vì chính tội lỗi Ngài. Nếu Ngài đã phạm tội, Ngài đã chẳng thể nào được Đức Chúa Trời minh chứng và khiến sống lại từ trong kẻ chết. Sự trung tín của Đấng Christ ban cho Ngài quyền cứu dân sự Ngài khỏi tội lỗi họ. Là Ađam thứ hai, hết thảy những ai ở trong Ngài được làm nên công chính. Như tội lỗi của nhân loại là hậu quả của sự mang lấy tội của Ađam theo Rôma đoạn 5, sự công bình của con người được ban cho những ai tin bởi đức tin nơi Chúa Giêxu trên căn bản của sự công bình của Đấng Christ. Ađam là đầu mà bởi đó mọi người đều phạm tội nhưng giờ đây Đấng Christ là đầu mà trong Ngài chúng ta đều được nên công bình. Trong sự vâng phục Ngài đối cùng Đức Chúa Trời và sự khước từ cám dỗ của ma quỷ Ngài đã được quyền ban sự cứu rỗi cho con cái Ngài. Ngài là vua công bình, Đấng dẫn dắt dân sự mình vào sự công bình. Ngài là Đấng làm được điều mà hết thảy những con trai khác của Đavít đều không làm được. Ngài lấy được quyền làm vua đời đời cho dân sự Đức Chúa Trời.

Cuối cùng, chúng ta hãy cùng xem những ứng dụng cho chúng ta là những ai ở trong Đấng Christ. Đoạn Kinh Thánh hôm nay thật quan trọng đối với chúng ta. Nó bày ra sự bất lực của chúng ta khi phải chống cự cám dỗ của ma quỷ. Như những người của Cựu Ước, chúng ta đã thất bại. Chúng ta đã phạm tội cùng Đức Chúa Trời. Chúng ta tự mình đã không và không thể chống cự lại sự cám dỗ của ma quỷ. Là những người hoàn toàn bại hoại, đã sa ngã với đầu là Ađam, chúng ta không thể khiên mình xứng đáng nhận lãnh ân sủng của Đức Chúa Trời. Chúng ta đã thất bại. Điều nầy buộc chúng ta tìm kiếm Đấng Cứu Chuộc là Đấng có thể cứu chúng ta khỏi tội lỗi và những hậu quả nó.

Đoạn Kinh Thánh dạy chúng ta rằng sự cứu rỗi của chúng ta chỉ có thể tìm thấy trong Đấng Christ. Sự công bình của chúng ta tìm thấy trong Ngài. Ngài thành công tại nơi chúng ta thất bại. Trong sự công bình Ngài, chúng ta được làm hòa cùng Đức Chúa Trời.

Thế nhưng chúng ta cũng cần nhìn vào sự cám dỗ của Đấng Christ, rằng trong Ngài chúng ta đã trở nên hơn cả người đắc thắng. Trong Đấng Christ, chúng ta cũng có thể đắc thắng cám dỗ. Đấng Christ đã ban cho chúng ta một tấm lòng mới, tấm lòng ao ước sống vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời. Ấy là ở trong Đấng Christ mà chúng ta được ban cho sức mạnh và khả năng để chống trả cám dỗ của ma quỷ. Ấy là Đức Thánh Linh mà Ngài ban cho, Đấng ban cho chúng ta sự ao ước muốn sống cho Đức Chúa Trời và chống trả ma quỷ. Chỉ trong Đấng Christ thì những thế mạnh của ma quỷ mới bị đánh bại. Nhiều người nhìn về sự cám dỗ của Đấng Christ và nghĩ rằng khi họ bị cám dỗ, điều duy nhất họ phải làm là trích dẫn Kinh Thánh như Đấng Christ đã làm vậy. Thế nhưng sự đắc thắng của chúng ta trên Satan là sâu sắc hơn thế nhiều. Trong Đấng Christ chúng ta được ban cho một tấm lòng mới. Chúng ta muốn khước từ những gì Satan mời gọi. Sự vui mừng của chúng ta là trong sự hầu việc Đức Chúa Trời mà không phải trong chính chúng ta. Trong sự đắc thắng của Đấng Christ trên Satan, chúng ta có được sự đắc thắng. Sự đắc thắng trên Satan và sự cám dỗ nó có được chẳng phải chỉ nhờ trích dẫn Thánh Kinh nhưng là từ một tấm lòng được tạo nên theo ảnh tượng Ngài.

Tóm lại, Chúa Giêxu thật khác hẳn với những người đến trước Ngài. Ngài thành công trong những gì những người kia đã thất bại. Là Đức Chúa Trời và là người, Ngài đắc thắng cám dỗ của ma quỷ và vượt qua cuộc thử nghiệm. Ngài là vị vua công bình. Ngài là đầu của chúng ta mà trong Ngài chúng ta được khiến trở nên công bình. Xin hãy đặt lòng tin nơi Ngài. Amen.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)