SỰ KÊU GỌI LÀM MÔN ĐỒ
"Ngài đi dọc theo mé biển Ga-li-lê, thấy Si-môn với Anh-rê, em người, đương thả lưới dưới biển; vì hai người vốn làm nghề chài. Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng họ rằng: Hãy theo ta, và ta sẽ khiến các ngươi trở nên tay đánh lưới người. Tức thì hai người bỏ chài lưới mà theo Ngài. Đi một đỗi xa xa, Ngài thấy Gia-cơ, con Xê-bê-đê, với em là Giăng, đương vá lưới trong thuyền. Ngài liền kêu hai người; thì họ để Xê-bê-đê, cho mình, ở lại trong thuyền với mấy người làm thuê, mà theo Ngài." (Mác 1:16-20)
Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ,
Sách Tin Lành Mác là một câu chuyện được đan dệt cẩn thận về cuộc đời và chức vụ của Chúa Giêxu. Bảo rằng nó là một câu chuyện không có nghĩa là làm giảm đi tính lịch sử của nó, là những gì thật sự đã diễn ra của từng sự kiện được ghi lại. Thế nhưng cách sách Mác được bố trí, sự lựa chọn các câu chuyện và nơi chốn của những câu chuyện đó trong toàn bộ sách thường nhắm vào sự nhấn mạnh một mục tiêu thần học cao hơn. Chúng ta phải lắng nghe câu chuyện thật cẩn thận rồi lắng nghe sứ điệp mà sách Mác đang muốn chuyển tải.
Một trong những điều mà sách Tin Lành này thành công là gợi lên sự mong đợi của chúng ta rồi nói cho chúng ta điều gì đó trái ngược với điều đã được mong đợi. Điều này đặc biệt đúng khi chúng ta đọc sách Phúc âm này trong ánh sáng của những sự trông đợi về ngày cuối cùng của người Do Thái trong thời của Chúa Giêxu. Họ đang trông đợi một vua, một Đấng Mêsi, Đấng sẽ bẻ gãy sự cai trị của đế quốc La Mã và phục hồi sự vĩ đại của nước Ysơraên. Trong những câu đầu của đoạn 1, chúng ta được cho biết về một người loan tin mang Tin Lành, loan báo sự đến của một vị vua lớn, là đấng mà các tiên tri đã nói đến. Giăng Báp tít đến như là tiên tri cuối cùng trước ngày lớn của Chúa. Chính Chúa đang đến và Giăng dọn đường cho Ngài. Ông nói đến đấng đên sau mình mà sự vĩ đại của Ngài thật là sâu rộng đến nỗi ông không đáng được xem là tôi tớ hèn mọn nhất của Ngài. Nếu quí vị lắng nghe câu chuyện cách cẩn thận, quí vị trông đợi rằng chúng ta sẽ được giới thiệu về một vị vua vĩ đại quyền oai. Chúng ta chờ đợi Ngài đến, cỡi ngựa trắng, mặc quân trang của nhà vua. Chúng ta trông đợi một người thanh thế, thẩm quyền, thế vị, ai đó khiến người ta phải nể sợ. Chúng ta trông đợi một ai đó với dáng vẻ và hành động như là một vua. Thê nhưng vị Vua này không giống như điều chúng ta mong đợi. Ngài đến đơn độc từ Galilê, mà không phải từ Giêrusalem, không kèn không trống. Ngài được báp tem giống như một thường dân từ Giuđa và Giêrusalem. Thậm chí tiếng nói từ trời tuyên bố rằng Chúa Giêxu là Con Đức Chúa Trời dường như cũng không được nhiều người nghe thấy. Sau báp tem, Chúa Giêxu biến mất một mình trong đồng vắng với các thú rừng. Đây không phải là vị vua mà chúng ta trông đợi nhưng Ngài thật sự là Vua.
Sự trông đợi của chúng ta được nâng lên một lần nữa với đoạn Kinh Thánh mà chúng ta học lần trước. Chúa Giêxu đến rao giảng và nói với chúng ta rằng thì giờ đã được trọn và nước Đức Chúa Trời đã đến gần. Tính cấp bách của sứ điệp này được làm nổi bật bởi sự kêu gọi dân chúng ăn năn và tin nhận. Có lẽ giờ đây chúng ta có thể trông đợi sự đến của nước Ngài cùng với hết thảy sự vinh hiển nó. Thế nhưng cũng như Vua chẳng giống như sự trông đợi của chúng ta, vương quốc Ngài cũng thế. Để xây dựng một vương quốc, người ta cần liên minh, tập họp những người thế lực và làm việc với những lãnh đạo tôn giáo để gom nhóm người ta lại dưới vua. Chẳng bao lâu chúng ta trông đợi nhìn thấy vị vua cỡi ngựa theo sau bởi những lính chiến tinh nhuệ sẽ chiến đấu với kẻ thù, một vua như Đavít với những tôi tớ trung thành sát cánh bên mình. Một lần nữa sự trông đợi của chúng ta bị tan vỡ. Điều chúng ta nhìn thấy trong đoạn Kinh Thánh thật là trái ngược: chẳng phải là chiến sĩ mà lại là người đánh cá, chẳng phải những người sẵn sàng chiến trận mà là những người đang gỡ lưới, không phải những người nổi tiếng mà là những người tầm thường, chẳng phải là một đội quân đông đảo mà là mấy anh em. Ấy là cách mà nước Đức Chúa Trời được giới thiệu.
Chủ điểm được nêu lên trong sách Tin Lành này là Vua và nước Ngài thì khác biệt với những gì người ta trông đợi. Tính chất của nước ấy không giống với những trông đợi của thế gian vì nó không thuộc về thế gian. Mục tiêu của sách này là dạy chúng ta về bản chất thật của Vua và vương quốc Ngài. Trong đoạn Kinh Thánh của chúng ta lần này, chúng ta cần hiểu rằng là công dân của nước Đức Chúa Trời, chúng ta được kêu gọi làm môn đồ của Ngài. Tại đây chúng ta được giới thiệu về một chủ đề sẽ xuất hiện nổi bật xuyên suốt sách Mác khi chúng ta được hướng dẫn về ý nghĩa của sự làm môn đồ theo cách của Thánh Kinh.
Khi suy nghĩ đến sự làm môn đồ, chúng ta muốn xem xét hai vấn đề: Thứ nhất, bản chất của lời kêu gọi của Đức Chúa Trời. Thứ nhì, bản chất của sự làm môn đồ. Trong điểm thứ hai này, chúng ta cùng xem xét hai khía cạnh: làm người đánh lưới người và làm môn đệ của Chúa Giêxu.
Thứ nhất, chúng ta hãy cùng xem xét về sự kêu gọi của Đấng Christ. Đoạn Kinh Thánh khiến chúng ta chú ý đến mối tương quan giữa sự giảng dạy về nước Đức Chúa Trời và sự làm môn đệ Ngài. Sự giảng dạy của Đấng Christ kêu gọi người ta ăn năn và tin nhận Tin Lành được tiếp liền theo sau bởi sự kêu gọi các môn đồ hàm ý rằng sự làm môn đồ là sự đáp lời cần thiết cho sự kêu gọi đó. Những ai thuộc về nước Đức Chúa Trời là những người cũng được kêu gọi làm môn đồ Ngài. Sự ăn năn và tin nhận trong Đấng Christ tất sẽ dẫn đến sự làm môn đồ Ngài. Những ai được kêu gọi ra khỏi nước tối tăm cũng được kêu gọi đến sự sống trong nước Đức Chúa Trời. Sự sống trong nước Ngài bao hàm sự làm môn đồ. Sự làm môn đồ là điều chiếm hữu đời sống người tin Chúa. Nó là công tác tối hậu của vương quốc. Sự Đấng Christ kêu gọi chúng ta làm môn đồ là sự kêu gọi vào nước Ngài và vào công việc của nước ấy.
Mối tương quan giữa sự làm môn đồ với nước Đức Chúa Trời cũng bày tỏ bản chất của nước Đức Chúa Trời. Chúa Giêxu dạy chúng ta rằng nước Đức Chúa Trời giống như hột cải, là hột nhỏ nhất trong các thứ hột trước khi nó được trồng và mọc lên thành cây. Sự kêu gọi của các môn đồ minh họa điểm này. Tại điểm này, hạt giống được trồng và nước Đức Chúa Trời còn nhỏ bé, thật ra chỉ bắt đầu với hai cặp anh em nhưng xuyên suốt chức vụ của Đấng Christ và môn đồ Ngài, nước Đức Chúa Trời đã tấn tới và kết quả một cách to lớn hơn nhiều. Dù dường như nhỏ bé tầm thường, sự kêu gọi bốn người này chỉ ra rằng nước Đức Chúa Trời đã đến.
Khi nhìn vào phần Kinh Thánh hôm nay, chúng ta cũng nhìn thấy rằng sự kêu gọi của Đấng Christ là do chính Ngài chủ động chớ không phải là do các môn đồ Ngài. Ấy chính Đấng Christ nhìn thấy những người này và gọi họ làm môn đồ Ngài. Các môn đồ không tìm kiếm Ngài trước. Chúa Giêxu nhìn thấy họ và gọi họ theo Ngài. Sự kêu gọi các môn đồ này có lẽ hoàn toàn trái ngược với tiêu chuẩn môn đồ thời đó. Những thầy Rabi và thầy giáo của thời đó cũng có môn đồ nhưng những môn đồ này thường chọn lựa người thầy để mình theo học và đến với người mình lựa chọn đó hy vọng rằng họ sẽ nhận mình làm môn đồ. Thế nhưng tại đây chính Đấng Christ nhìn thấy họ và gọi họ làm môn đồ Ngài. Việc Đấng Christ chủ động đến với những người này tỏ ra sự toàn quyền tể trị của Ngài trong sự kêu gọi dân sự Ngài. Đây cũng là sự dạy dỗ của Đấng Christ trong Giăng đoạn 15 câu 16 khi Chúa Giêxu nhắc họ rằng họ chẳng chọn Ngài nhưng Ngài đã chọn họ.
Sự kêu gọi của Đấng Christ cũng là sự kêu gọi với thẩm quyền. Ngài kêu gọi môn đồ Ngài theo Ngài và họ liền bỏ việc mình đang làm mà theo Ngài. Sự vâng phục trọn vẹn của các môn đồ trước tiếng kêu gọi của Chúa Giêxu bất chấp những trở ngại có thể xảy đến khi họ đáp lời Ngài tức thì tỏ ra rằng sự kêu gọi của Đấng Christ là không thể khước từ được. Các môn đồ nghe tiếng người chăn họ và liền theo Ngài.
Sự kêu gọi các môn đồ trong đoạn Kinh Thánh hôm nay không chỉ riêng đối với họ mà cũng là sự kêu gọi đối với chúng ta ngày nay. Chúng ta được Đấng Christ kêu gọi ăn năn và tin nhận. Chúng ta được kêu gọi đến sự sống trong nước Đức Chúa Trời. Chúng ta được kêu gọi đi theo Đấng Christ và làm môn đồ Ngài. (Những ai đã là môn đồ Ngài biết rằng ấy chính Đấng Christ đã chủ động sự kêu gọi. Ngài chọn lựa chúng ta làm môn đồ Ngài mà không phải chúng ta chọn Ngài.)
Thứ hai, chúng ta hãy cùng học hỏi về bản chất của sự làm môn đồ của Đấng Christ. Đã hiểu được bản chất của sự kêu gọi của Đấng Christ, giờ đây, chúng ta muốn nhìn thấy bản chất của sự làm môn đồ thật là ra sao. Một trong những đặc điểm chúng ta có thể nhìn thấy xuyên suốt sách Tin Lành Mác là sự lặp lại. Trong phần Kinh Thánh của chúng ta, chúng ta thấy sự lặp lại hai lần: hai câu chuyện của hai anh em. Chúng ta có hai câu chuyện căn bản là giống nhau liên quan đến sự kêu gọi của những môn đồ đầu tiên. Các câu chuyện có những đặc điểm và lời lẽ tương tự: Chúa Giêxu đi, Ngài nhìn thấy, Ngài gọi, họ theo Ngài. Mỗi câu chuyên mô tả hai người là anh em, đều làm nghề đánh cá. Sự lặp lại nhằm mục tiêu làm nổi bật tầm quan trọng của sự làm môn đồ trong nước Đức Chúa Trời. Sự lặp lại gia thêm sự nhấn mạnh lên tầm quan trọng của nó. Thế nhưng sự lặp lại cũng khiến người ta chú ý đến những khác biệt giữa hai sự kêu gọi. Trong khi hai câu chuyện này có nhiều điểm giống nhau, mỗi câu chuyện đều có những yếu tố độc đáo của nó. Simôn và Anhrê được Đấng Christ bảo rằng Ngài sẽ khiến họ trở nên tay đánh lưới người. Giacơ và Giăng bỏ cha mình là Xêbêđê lại trên thuyền mà theo Chúa Giêxu. Sự khác biệc giữa hai câu chuyện này làm sáng tỏ bản chất của sự làm môn đồ thật. Điều này không có nghĩa là sự làm môn đồ của Giacơ và Giăng là khác với sự làm môn đồ của Simôn và Anhrê. Giacơ và Giăng cũng là những tay đánh lưới người. Simôn và Anhrê cũng phải bỏ mọi sự mà theo Đấng Christ. Thế nhưng sự khác biệt giữa hai câu chuyện khiến chúng ta để ý đến hai khía cạnh quan trọng của việc làm môn đồ.
Trước tiên, chúng ta hãy cùng xem xét ý nghĩa của việc làm tay đánh lưới người. Khía cạnh trước tiên của sự làm môn đồ Đấng Christ thật liên quan đến việc làm tay đánh lưới người. Có một mối liên hệ rõ ràng giữa nghề nghiệp đầu tiên và sự kêu gọi mới của Chúa Giêxu cho các môn đồ Ngài. Trước đây họ làm người đánh cá nhưng giờ đây họ là tay đánh lưới người. Chủ đề của sự kêu gọi họ chuyển từ "cá" sang "người".
Trên bề mặt, sự kêu gọi của Chúa Giêxu thật đơn giản dễ hiểu. Sứ mạng của các môn đồ là tập trung mang Tin Lành đến cho thế gian hư mất. Họ phải nói cho người ta về Chúa Giêxu Christ và kêu gọi người ta đến với sự ăn năn và đức tin trong Ngài. Sự kêu gọi của họ là phát triển nước Đức Chúa Trời trong thế gian này và họ phải làm điều đó khi họ đánh lưới những linh hồn. Tất nhiên chúng ta hiểu sự kêu gọi này. Chúng ta là những khâm sai của Đấng Christ trong thế gian này. Chúng ta đã được ban cho sự kêu gọi để chia sẻ lẽ thật của Tin Lành với những ai chưa tin. Sự kêu gọi của chúng ta cũng giống nhưng những môn đồ đã trở nên tay đánh lưới người. Là môn đồ của Đấng Christ, chúng ta cần hiểu được bản chất này. Chúng ta mang lời chứng cho danh Đấng Christ và nói cho người khác về Tin Lành ân điển.
Điều thú vị trong đoạn Kinh Thánh của chúng ta là Chúa Giêxu là người đánh cá đầu tiên. Ngài là môn đồ đầu tiên. Ngài cũng đánh lưới người. Simôn, Anhrê, Giăng và Giacơ là cá. Ngài kêu gọi họ theo Ngài. Khi nhìn vào đoạn Kinh Thánh này, chúng ta thấy rằng điều mà bốn môn đồ này được kêu gọi làm theo là bước theo dấu chân của Chúa Giêxu, làm người băt chước Ngài. Sự kêu gọi cũng nấy trên chúng ta là những kẻ cũng được kêu gọi bắt chước Ngài. Chúng ta phải nhận lấy cách nghiêm túc sự kêu gọi đã đặt để trong lòng chúng ta mà chia sẻ Tin Lành mà chúng ta đã được ban cho. Chúng ta phải là tay đánh lưới người.
Sự ẩn dụ mà Chúa Giêxu dùng là rất hay và bày tỏ đặc tính của công tác đánh lưới người. Đánh lưới liên quan đến việc bắt cá ra khỏi chỗ của nó. Mang cá ra khỏi nước là chỗ ở của nó dẫn đến cá phải chết. Mặt khác, khi chúng ta nghĩ đến việc đánh lưới người, điều đó cũng bao gồm việc kéo người ta ra khỏi chỗ của họ. Thế nhưng đối với người ta, người ta đã chết mất trong tội lỗi và sự vi phạm mình rồi. Họ không có sự sống. Những ai đánh lưới người tìm cách kêu gọi họ từ sự chết mà đến sự sống trong Đấng Christ.
Sự ẩn dụ cũng châm rễ trong Cựu Ước. Nhiều đoạn Kinh Thánh trong Cựu Ước nói về sự đánh lưới người: Giêrêmi 16:16, Êxêchiên 29:4; 38:4, Amốt 4:2, Habacúc 1:14-17. Nổi bật nhất là trong Giêrêmi 16:16 khi chúng ta đọc thấy rằng Chúa sẽ sai gọi nhiều người đánh cá. Bối cảnh của những đoạn Kinh Thánh này là sự phán xét. Bởi lý do sự phán xét có vẻ không phải là ý chính của việc làm tay đánh lưới người trong phần Kinh Thánh của chúng ta và việc đánh lưới người tại đây được trình bày với ý tích cực, sự liên hệ giữa những phần Kinh Thánh Cựu Ước này và việc làm tay đánh lưới người thường bị bỏ qua. Thế nhưng bối cảnh của phần Kinh Thánh chúng ta hôm nay cũng liên quan đến sự phán xét của Đức Chúa Trời. Lời kêu gọi ăn năn tin nhận Tin Lành được rao ra với ý thức rằng nước Đức Chúa Trời đang đến gần. Có một sự đe dọa ẩn ý về sự phán xét của Đức Chúa Trời trong lời kêu gọi này. Nói cách khác, nếu người ta không chịu ăn năn tin nhận, họ sẽ phải chịu lấy sự định tội và thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Là những tay đánh lưới người, những môn đồ cũng phải rao giảng rằng nước Đức Chúa Trời đang đến gần và sự khước từ không chịu ăn năn sẽ dẫn đến sự phán xét của Đức Chúa Trời. Thế nhưng chúng ta cũng có thể bước một bước xa hơn và nói rằng là người đánh lưới người, chúng ta đang kêu gọi người ta đến với một đời sống trong Đấng Christ. Một đời sống kêu gọi chúng ta đến với sự hiệp một với Đấng Christ trong sự chết của Ngài và sau hết là trong sự sống qua sự sống lại của Ngài. Ấy chính là trong sự phán xét tỏ ra nghịch cùng Đấng Christ mà chúng ta cũng chịu phán xét. Là những tay đánh lưới người, chúng ta kêu gọi người ta đến với sự chết trong Đấng Christ, để đóng đinh con người cũ và bước vào sự sống trong Ngài.
Chúng ta không thể ngơ đi sự kêu gọi làm môn đồ này. Chúng ta là những tay đánh lưới người.
Kế đến, chúng ta hãy cùng xem xét việc làm môn đồ của Chúa Giêxu. Chúng ta không chỉ là những tay đánh lưới người, chúng ta cũng được kêu gọi làm môn đồ của Chúa Giêxu. Chúa Giêxu kêu gọi môn đồ Ngài hãy theo Ngài. Chúng ta nhìn thấy trong phần Kinh Thánh chúng ta những hàm ý căn bản của việc đi theo Đấng Christ. Điều này đặc biệt được bày tỏ ra cách sống động trong hành động của Gia cơ và Giăng. Họ bỏ lưới và cha mình. Nói cách khác, theo Đấng Christ có cả việc bỏ đi nghề nghiệp và gia đình. Tôi không có ý nói rằng phần Kinh Thánh này hàm ý rằng chúng ta hết thảy phải bỏ gia đình và nghề nghiệp mình mà bước vào chức vụ hầu việc Chúa trọn thời gian. Điều đoạn Kinh Thánh hôm nay dạy chúng ta là theo Chúa Giêxu là điều quan trọng hơn hết, trên hết đối với người tin Chúa. Nghề nghiệp hay gia đình chúng ta đều đứng hàng thứ hai đối với sự kêu gọi hàng đầu là sự hầu việc Đức Chúa Trời. Điều này có thể được nhìn thấy trong đời sống của các môn đồ. Họ tiếp tục đánh cá. Họ duy trì mối tương giao với gia đình mình. Chúng ta đọc thấy câu chuyện về Phierơ và bà gia mình. Tuy nhiên khi nghề nghiệp hay gia đình ngăn trở sự theo Chúa của chúng ta hay đi sai với ý muốn Đức Chúa Trời thì Đấng Christ phải là trên hết trên đời sống chúng ta.
Là những người theo Đấng Christ hàm ý sự hầu việc Ngài bất cứ nơi nào Ngài đặt chúng ta. Chúng ta có thể làm công việc của nước Đức Chúa Trời với tư cách là người cảnh sát, người sinh viên, nhân viên tính tiền ở siêu thị, lập trình viên máy tính. Đời sống chúng ta bày tỏ một đời sống hầu việc Đấng Christ. Chúng ta không ngại phải nói về Ngài. Chúng ta làm môn đồ Ngài qua cách hành xử của chúng ta, không tham gia vào những gì không làm sáng danh Ngài. Chúng ta đặt Ngài lên trên hết. Chúng ta tìm cách để được ngồi nơi chân Ngài, học biết về Ngài, lớn lên trong đức tin và hầu việc Ngài trung tín tại hội thánh và bằng cách mang Tin Lành ra cho thế gian sa ngã.
Tóm lại, kính thưa quý hội thánh, xin hãy lắng nghe lời kêu gọi của Đấng Christ để làm môn đồ Ngài. Xin hãy làm những tay đánh lưới người. Xin hãy bỏ đi mọi sự và theo Ngài. Amen.
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)