Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Tin Lành Mác > Với Thẩm Quyền - 11/2010  


VỚI THẨM QUYỀN

"Kế đó, đi đến thành Ca-bê-na-um; nhằm ngày Sa-bát, tức thì Đức Chúa Jêsus vào nhà hội, khởi dạy dỗ tại đó. Chúng đều cảm động về sự dạy dỗ của Ngài, vì Ngài dạy như có quyền phép, chớ chẳng phải như các thầy thông giáo đâu. Vả, cũng một lúc ấy, trong nhà hội có người bị tà ma ám, kêu lên rằng: Hỡi Jêsus, người Na-xa-rét, chúng tôi với Ngài có sự gì chăng? Ngài đến để diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai: là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Chúa Jêsus nghiêm trách nó rằng: Hãy nín đi, ra khỏi người nầy. Tà ma bèn vật mạnh người ấy, cất tiếng kêu lớn, và ra khỏi người. Ai nấy đều lấy làm lạ, đến nỗi hỏi nhau rằng: Cái gì vậy? Sự dạy mới sao! Người nầy lấy quyền phép sai khiến đến tà ma, mà nó cũng phải vâng lời! Danh tiếng Đức Chúa Jêsus tức thì đồn ra khắp cả miền xung quanh xứ Ga-li-lê." (Mác 1:21-28)

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ, Nước Đức Chúa Trời đang chuyển động. Chúa Giêxu đã công bố rằng nước Đức Chúa Trời đã đến gần. Ngài đã lựa chọn và kêu gọi các môn đồ cho Ngài. Giờ đây Ngài và quân đội mạnh mẽ bao gồm bốn người của Ngài đã đến Cabênaum sẵn sàng đối diện với kẻ thù. Mác muốn chúng ta để ý tốc độ của diễn tiến sự việc. Chúng ta hãy nhìn xem thể nào ông thường xuyên dùng chữ "tức thì" trong phần Kinh Thánh này. Câu 18, 20, 21, 28, 29, 31, 42. Một loạt những sự kiện nhanh chóng này tỏ ra sự đến của nước Đức Chúa Trời với năng quyền trong Chúa Giêxu Christ. Đoạn Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng hầu hết những sự kiện này xảy ra trong vòng hai ngày. Khi nhìn vào những câu chuyện này, chúng ta phải nhìn xem thể nào nước mà Đấng Christ mang đến đã xâm nhập vào thế gian này và tự bày tỏ chính mình.

Đoạn Kinh Thánh chúng ta ghi lại sự va chạm ban đầu với kẻ thù. Rõ ràng rằng trận chiến tại đây là hết sức khác biệt với điều mà chúng ta có thể mong đợi. Không có gươm giáo, binh đoàn của người ta. Ấy là một cuộc chiến diễn ra trong nhà thờ phượng, nơi nhà hội, nơi mà hầu hết những người hiện diện chỉ là người chứng kiến sự thiệt mạng đầu tiên của một vương quốc đang suy đổ. Ấy là một cuộc khẩu chiến. Tuy nhiên đây chẳng phải là cuộc tranh biện về sự khôn ngoan mà là lời có thẩm quyền, lời chứa đựng quyền năng. Đây là lời chẳng phải nói ra mà thôi mà thật sự có năng quyền để làm trọn những gì đã phán. Đây là lời không trở về cách luống nhưng mà không làm trọn mục đích nó. Đây là lời sắc hơn gươm hai lưỡi. Những ai chứng kiến những lời này và quyền năng nó phải hồ nghi khi ngắm xem người thốt ra những lời ấy. Ấy chính là lời Đức Chúa Trời.

Hôm nay sách Tin Lành Mác mời gọi chúng ta ngồi vào hàng băng của nhà hội để chứng kiến cuộc chạm trán này. Cuộc chạm trán này sẽ bày tỏ cho chúng ta về những đức tính của Đấng Christ, về những gì phân biệt Ngài ra khỏi những người khác. Chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta thật sự là những người dự phần vào sự kiện này. Lời Đấng Christ có thể tiếp tục khiến chúng ta kinh ngạc thậm chí ngay hôm nay khi chúng ta nhận ra rằng những lời đó được nói ra với thẩm quyền. Những lời ấy vẫn còn thẩm quyền và chân thật cho đến ngày nay. Nó kêu gọi chúng ta ra khỏi sự nô lệ mà bước vào đời sống trong Đấng Christ. Satan và nước nó không có năng quyền trên chúng ta miễn là chúng ta thuộc về Đấng Christ. Chúng ta sẽ nhìn thấy trong phần Kinh Thánh chúng ta rằng chân Đấng Christ đã ở trên đầu con rắn và điều chúng ta chờ đợi là sự đạp nát nó đi.

Trong bài học lần này, chúng ta hãy cùng xem xét những điểm sau. Trước hết, chúng ta muốn học hỏi về sự dạy dỗ đầy thẩm quyền của Đấng Christ. Thứ hai, chúng ta muốn nhìn xem thẩm quyền của Đấng Christ trên nước Satan. Cuối cùng, chúng ta hãy cùng xem xét sự nhìn nhận thẩm quyền của Đấng Christ.

Thứ nhất, chúng ta sẽ học hỏi về sự dạy dỗ đầy thẩm quyền của Đấng Christ. Ngay sau khi Chúa Giêxu kêu gọi môn đồ Ngài, Ngài bắt đầu bày tỏ cho họ về những ý nghĩa của sự kêu gọi họ. Trong phần Kinh Thánh chúng ta học lần trước, các môn đồ được kêu gọi làm tay đánh lưới người. Trong phần Kinh Thánh lần này, chúng ta nhìn thấy Chúa Giêxu đánh lưới người. Ngài vào nhà hội giảng dạy và mục tiêu của sự giảng dạy Ngài là kéo người ta đến cùng Ngài. Chúa Giêxu đang tỏ cho các môn đồ thể nào Tin Lành phải được tấn tới, là qua sự rao giảng lời Đức Chúa Trời. Để trở nên tay đánh lưới người, môn đồ phải bắt chước Đấng Christ.

Chúa Giêxu bước vào nhà hội tại thành Cabênaum. Nhà hội là nơi thờ phượng của người Do Thái, nơi mà người do Thái tụ họp lại thờ phượng khi họ không ở gần đền thờ. Ngài bước vào nhà hội vào ngày Sabát. Dù không phải là điểm chính yếu của phần Kinh Thánh, chắc chắn chúng ta có thể thấy rằng Chúa Giêxu nghiêm túc giữ ngày Sabát bằng cách đi thờ phượng Đức Chúa Trời và nhóm họp với các tín hữu trong ngày của Chúa. Ngài ở đúng chỗ trong ngày Sabát. Tất nhiên, chúng ta là những người bắt chước Đấng Christ cũng nên làm như thế. Việc câu chuyện này xảy ra vào ngày Sabát cũng có thể làm nổi rõ những gì Chúa Giêxu mang đến trong sứ điệp Ngài và đặc biệt đối với người bị gánh nặng bởi quỷ ám trong mình.

Trong suốt buổi thờ phượng trong nhà hội, Chúa Giêxu được cho cơ hội giảng dạy. Chúng ta không được Kinh Thánh cho biết cụ thể nội dung bài giảng dạy của Ngài tại đây. Chúng ta chỉ được cho biết sự đáp ứng của thính giả trước sự giảng dạy đó. Tuy nhiên, chúng ta cũng không phải lo bị sai trật khi cho rằng sứ điệp Chúa Giêxu mang đến vào ngày hôm ấy là tương tự với những sự giảng dạy ghi lại trong các sách Phúc Âm. Đặc biệt hơn, có lẽ là sự giảng dạy của Ngài tập trung vào sứ điệp mà chúng ta thấy trong câu 14 và 15. Giờ đã trọn và nước Đức Chúa Trời đã đến gần. Hãy ăn năn và tin nhận Tin Lành. Sự giảng dạy của Chúa Giêxu có lẽ là khác biệt với những sự giảng dạy thường ngày của các thầy dạy luật trong thời đó. Thay vì tập trung vào những điểm chi tiết hơn trong luật pháp, Chúa Giêxu dạy họ thể nào phạm vi rộng hơn của lịch sử cứu rỗi đều chỉ về Ngài và công việc mà Ngài đến để làm trọn. Tất nhiên, với tư cách là đồng tác giả của kế hoạch cứu rỗi, Chúa Giêxu hiểu hơn hết mọi người rằng hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều chỉ về Ngài và sự bày tỏ của Ngài về Kinh Thánh cho những người tại nhà hội có lẽ rất sáng tỏ và khác biệt với cách mà mọi người quen thuộc.

Không chỉ nội dung sứ điệp của Chúa Giêxu là khác với tiêu chuẩn thông thường mà chính cung cách giảng dạy của Ngài cũng khác biệt. Chúa Giêxu rao giảng như có quyền. Không có sự gì thiếu chắc chắn trong sự công bố của Ngài. Ngài hiểu biết sứ điệp của mình. Sự giảng dạy của Ngài là "Đức Giêhôva phán rằng" Ngài hiểu biết sứ điệp đã được dự định và chức năng của nó trong lịch sử cứu chuộc. Sứ điệp của Chúa Giêxu mang đến được rao giảng với sự tin quyết. Không có sự ướm thử trong sự bày tỏ của Ngài. Thế nhưng mức độ thật của thẩm quyền trong sự giảng dạy của Chúa Giêxu không chỉ thấy được trong cung cách Ngài rao giảng sứ điệp mà còn trong sự khẳng định của nó trong lòng những người nghe đến. Những ai nghe Chúa Giêxu giảng dạy được đụng đến sâu thẳm trong lòng. Họ bị kết án bởi sứ điệp Ngài. Sự kêu gọi của Tin Lành được đặt vào lòng họ. Nó đòi hỏi họ đáp lời. Những ai lắng nghe Chúa Giêxu không thể làm ngơ đi lời kêu gọi đó.

Sứ điệp của Chúa Giêxu trái ngược với sứ điệp của các thầy dạy luật. Nếu Chúa Giêxu được biết đến với sự giảng dạy như có quyền, các thầy dạy luật được biết đến về sự thiếu thẩm quyền trong sự giảng dạy họ. Một lần nữa, đoạn Kinh Thánh không cho chúng ta những chi tiết cụ thể về sự giảng dạy của những thầy dạy luật nhưng chắc rằng nó thiếu vắng đi sự rõ ràng và thuyết phục trong sứ điệp của Chúa Giêxu. Nó thiếu đi sự hiểu biết và sự sâu nhiệm trong sự giảng dạy Ngài. Họ không dạy như Ngài "Đức Giêhôva phán rằng". Tất nhiên có một sự châm biếm đáng kinh ngạc tại đây khi đoạn Kinh Thánh làm nổi bật sự thật là những nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó không có thẩm quyền. Thẩm quyền đó thuộc về Đấng Christ. Nó cũng làm nổi bật sự mâu thuẩn theo sau mà chẳng bao lâu sẽ phát sinh giữa Đấng Christ và các thầy dạy luật cũng như người Pharisi về vấn đề ai thật sự có thẩm quyền. Những thầy dạy luật và người Pharisi nhìn thấy thẩm quyền của mình bị Đấng Christ thách đố cuối cùng sẽ vận dụng thẩm quyền đó để đóng đinh Ngài. Nhưng Chúa Giêxu sẽ đắc thắng thẩm quyền đó bằng cách sống lại từ trong kẻ chết. Một tác dụng nữa của sự so sách giữa thẩm quyền Chúa Giêxu và của các thầy dạy luật là một cách tế nhị nhưng hết sức rõ ràng liên kết những thầy dạy luật với vương quốc của Satan và đặc biệt là ma quỷ được nêu lên trong phần Kinh Thánh này. Đoạn Kinh Thánh chúng ta bàn về vấn đề thẩm quyền. Thẩm quyền của Chúa Giêxu trái ngược với thẩm quyền của các thầy dạy luật và Chúa Giêxu vượt hơn họ. Thẩm quyền của Chúa Giêxu trái ngược với thẩm quyền của ma quỷ và một lần nữa Chúa Giêxu thắng hơn. Cả hai lần ấy chính dân sự thốt lên đều đó. Chúa Giêxu có thẩm quyền hơn các thầy dạy luật. Ngài có thẩm quyền trên ma quỷ bởi chính ma quỷ cũng phải vâng lời Ngài.

Sứ điệp đầy thẩm quyền của Chúa Giêxu không kết thúc tại nhà hội tại thành Cabênaum. Sứ điệp Tin Lành của Chúa Giêxu tiếp tục rao ra với thẩm quyền xuyên suốt các thời đại khi tội nhân được kêu gọi đáp lại sứ điệp của Ngài. Hãy ăn năn và tin nhận Tin Lành. Ấy là một sứ điệp thuyết phục tấm lòng. Đối với những người được Đức Chúa Trời chọn lựa làm môn đồ Ngài, đây là sứ điệp kêu gọi chúng ta theo Ngài. Đối với những ai khước từ sứ điệp của Đấng Christ, nó là sự định tội đầy thẩm quyền về sự chống nghịch của họ. Họ đã khước từ thẩm quyền của Đấng Thánh của Đức Chúa Trời và tự liên kết mình với vương quốc đã bị đánh bại của Satan. Sự giảng dạy đầy thẩm quyền của Đấng Christ tiếp tục. Nó tiếp tục khi những người được kêu gọi rao giảng Tin Lành lặp lại sự kêu gọi của Đấng Christ. Họ đặt lời công bố của Tin Lành trong lòng người ta. Đây là trọng tâm của lời kêu gọi và chức vụ của họ. Những ai nhìn nhận mình đang hầu việc Đức Chúa Trời đối với dân sự Ngài mà lại không lặp lại sự giảng dạy của Đấng Christ cũng giống như những thầy dạy luật, giảng dạy mà không có thẩm quyền gì. Vấn đề đặt ra trước mắt chúng ta là chúng ta có nhận ra thẩm quyền của Đấng Christ và thuận phục thẩm quyền ấy hay không. Xin hãy ăn năn và tin nhận Tin Lành.

Thứ hai, chúng ta hãy cùng nói đến thẩm quyền của Đấng Christ trên nước của Satan. Đoạn Kinh Thánh tiếp tục nói về thẩm quyền của Đấng Christ trên vương quốc của ma quỷ. Trong số những người đến thờ phượng tại nhà hội, có một người bị quỷ ám. Một số người xem việc bị quỷ ám như là một chứng bệnh về thể xác, chẳng hạn như bệnh động kinh, đã được người ta nhìn thấy và diễn giải như là bị quỷ ám. Một số người khác khẳng định rằng bị quỷ ám liên hệ đến một sự rối loạn về tâm lý. Tuy nhiên, Kinh Thánh chỉ ra rằng quỷ ám không phải là một căn bệnh thông thường hay một căn bệnh nào đó bị người ta diễn dịch sai lệch. Những người bị quỷ ám bị chiếm hữu bởi một thần linh hoàn toàn khác biệt với họ. Ấy là sự đàn áp về tâm linh mà không phải là thể xác dù đôi khi nó ảnh hưởng đến phương diện thể xác của người đó. Một người bị quỷ ám đã chịu nộp mình cho vương quốc của ma quỷ. Còn về việc ngày nay còn có quỷ ám hay không, đây vẫn còn là một đề tài quá rộng cho chúng ta trong bài học lần này. Cũng đủ để bảo rằng ấy dường như là điều xảy ra đặc biệt vào thời đó để tỏ ra sự đắc thắng của Đấng Christ trên vương quốc của ma quỷ. Điều chúng ta có thể chắc chắn là không có Cơ đốc nhân nào có thể bị quỷ ám bởi một người không thể làm tôi hai chủ. Những người theo phái ân tứ tin vào điều này rõ là sai trật. Ấy là sự chối bỏ chính sứ điệp căn bản của đoạn Kinh Thánh này rằng thẩm quyền của Đấng Christ, bẽ gãy sự trói buộc của ma quỷ và vương quốc nó.

Điều chúng ta nhìn thấy trong đoạn Kinh Thánh hôm nay là câu chuyện đuổi quỷ. Chúa Giêxu đuổi quỷ khỏi một người. Vắng bóng trong câu chuyện đuổi quỷ này là hết thảy những lễ nghi của sự đuổi quỷ thời hiện đại. Chúa Giêxu chỉ phán với ma quỷ và ra lệnh cho nó ra khỏi người đó. Nói cách nôm na, Chúa Giêxu chỉ bảo ma quỷ hãy yên lặng và đi khỏi, ma quỷ đáp lại lời Ngài với sự vâng lời bắt buộc. Nó không có sự lựa chọn nào mà phải vâng lệnh Ngài. Mệnh lệnh của Chúa Giêxu hạ thấp ma quỷ và thẩm quyền nó. Ma quỷ giống như một đứa trẻ không còn sự lựa chọn nào mà phải thối lui trước thẩm quyền và ý muốn của cha nó.

Thế nhưng khung cảnh tại đây cũng tỏ ra một điều gì đó khá sâu sắc. Vương quốc của Satan đã bị đánh bại. Đầu con rắn đã bị đạp nát. Quyền lực của vương quốc tối tăm đang bị phá đổ. Ma quỷ, là đứa cám dỗ Ađam và Êva và đã đắc thắng giờ đây bị đánh bại không chỉ bởi sự đắc thắng của Chúa Giêxu trên cám dỗ mà thêm nữa nó đã bị đuổi ra khỏi người ta. Chúa Giêxu giờ đây đang cưỡng đoạt nước của Satan. Điều chúng ta đang nhìn thấy lúc bấy giờ là sự dựng nên mới mà Đấng Christ đã mang đến. Một sự sáng tạo mới nơi mà ma quỷ và quyền lực nó không còn chỗ ngự trị.

Chúng ta cũng được cho biết về sự tấn tới của nước Đức Chúa Trời. Ấy là cuộc chiến đấu giữa hai nước nhưng đây không phải là một cuộc chiến ngang sức. Đấng Christ hoàn toàn trội hơn. Cuộc tranh chiến sẽ đi đến đỉnh điểm khi Đấng Christ trở lại và vương quốc Satan bị giày đạp. Như sứ đồ Giăng chép trong 1Giăng đoạn 2, nước của Satan đều qua đi. Thẩm quyền của Chúa Giêxu trên Satan được tỏ ra trong đoạn Kinh Thánh này.

Như thế, chúng ta cũng biết rằng ma quỷ không còn quyền lực gì trên chúng ta. Nó không còn có thể lừa dối chúng ta được nữa. Chính chúng ta, như người bị quỷ ám, dù cá nhân chúng ta không bị quỷ ám, cũng đã được giải cứu khỏi nước của Satan mà bước vào nước Đức Chúa Trời. Chúng ta đã được giải cứu bởi lời của Đấng Christ. Chúng ta nhìn thấy rõ ràng sự suy bại của nước của Satan và được kêu gọi hãy chạy trốn khỏi đó.

Cuối cùng, chúng ta hãy cũng học hỏi về sự nhìn nhận thẩm quyền Đấng Christ. Trước hết, chúng ta hãy cùng xem ma quỷ nhìn nhận thẩm quyền Đấng Christ như thế nào. Điều đáng ngạc nhiên trong đoạn Kinh Thánh chúng ta hôm nay là chính ma quỷ cũng nhìn nhận Chúa Giêxu là ai. Sự nhìn nhận Đấng Christ là một sự kinh hoàng cho ma quỷ. Chúng ta có thể thấy rằng ma quỷ hết sức sợ hãi Ngài. Nó van xin Ngài hãy để nó yên. Nó hỏi Ngài "Chúng tôi với Ngài có sự gì chăng? Ngài đến để diệt chúng tôi sao?" rõ ràng rằng ma quỷ biết thẩm quyền của Đấng Christ và quyền năng Ngài. Không có gì lầm lẫn về kết quả của cuộc tranh chiến này. Ma quỷ biết nó đã phải mạc vận.

Ma quỷ biết rằng sự cuối cùng của nó chỉ là khúc dạo đầu của sự kết thúc của vương quốc Satan. Nó nói lên không chỉ cho bản thân nó mà còn cho hết thảy những quỷ khác nữa. Nó dùng chữ "chúng tôi", hàm ý rằng sự mạc vận toàn thể của chúng là chắc chắn.

Ma quỷ nhận diện Đấng Christ. Nó biết rằng Ngài là Đấng Thánh thật của Đức Chúa Trời. Nó biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời. Nó vô tình làm một chứng nhân cho sự thật rằng Chúa Giêxu là Con Đức Chúa Trời. Điều này cũng chỉ ra sự thật trong Giacơ đoạn 2 rằng ma quỷ tin Đức Chúa Trời và run sợ.

Có lẽ bằng cách gọi tên Đấng Christ, ma quỷ tìm cách tỏ thẩm quyền của nó trên Ngài, tin rằng nói tên ai đó tỏ ra thẩm quyền của mình. Chẳng hạn như Đức Chúa Trời đặt tên Ađam. Ađam đặt tên Êva. Người Do Thái không muốn nói ra danh xưng của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời cũng xưng danh Ngài cho Môise. Có lẽ ma quỷ hiểu lầm rằng nó có thể tỏ quyền ra trên Chúa Giêxu bằng cách xác nhận danh tánh Ngài. Thật ra nó chỉ sai lầm mà thôi.


Ma quỷ bị ép buộc phải thuận phục. Sự nhìn nhận của ma quỷ sẽ là sự nhìn nhận của hết thảy những ai bội nghịch khi họ phải đứng trước Chúa trong ngày cuối cùng. Những ai khước từ thẩm quyền của Chúa Giêxu bây giờ sẽ phải thuận phục thẩm quyền đó khi ấy và đối diện với sự hủy diệt trong sự khổ hình đời đời ở hỏa ngục nơi mà sâu bọ không bao giờ chết và họ sẽ phải bước vào nơi ở của mình cùng với những quỷ dữ.

Kế đến, chúng ta hãy cùng xem sự nhìn nhận của người ta. Sự giảng dạy và quyền năng của Chúa Giêxu cũng được đoàn dân đông nhìn nhận. Họ kinh ngạc trước sự giảng dạy của Ngài. Ngài dạy như có quyền. Đoàn dân cũng ngạc nhiên trước quyền năng Ngài trên ma quỷ. Lời nói và hành động của Chúa Giêxu liên hệ với nhau: công việc Ngài chứng thực cho sứ điêp Ngài. Phép lạ đuổi quỷ bày tỏ ra sự thật trong lẽ đạo mà Ngài rao giảng. Ngày nay chúng ta không cần phép lạ bởi sứ điệp đã được minh chứng. Công việc của Chúa Giêxu buộc người ta phải đặt câu hỏi "Ngài là ai?" Họ phải nhận ra Ngài đến từ Đức Chúa Trời bởi những việc Ngài làm không thể đến từ bất cứ thẩm quyền nào khác.

Sau hết, chúng ta hãy cùng xem chính chúng ta nhìn nhận Ngài ra sao. Đoạn Kinh Thánh bày tỏ cho chúng ta thẩm quyền của Đấng Christ. Nước của sự tối tăm đang qua đi. Chúng ta bị đối diện bởi sứ điệp này của Chúa Giêxu. Chúng ta phải đặt câu hỏi "Ngài là ai" và thuận phục thẩm quyền của Ngài. Bởi chính thẩm quyền ấy của Đấng Christ mà chúng ta được giải cứu.

Tóm lại, lời của Chúa Giêxu vẫn chưa mất đi năng quyền của nó. Sự giảng dạy của Đấng Christ tiếp tục làm người nghe sững sờ. Những giáo lý được Ngài triển khai là hết sức mạnh mẽ. Bởi lời Ngài, chúng ta được kêu gọi ra khỏi nước Satan và được giải cứu khỏi sự rủa sả. Bởi Lời Ngài, chúng ta được ban cho sự sống đời đời trong nước Đức Chúa Trời. Bởi thẩm quyền Đấng Christ, chúng ta được chuộc khỏi sự áp chế của nước của ma quỷ. Ấy là một lời chứng cho sự thua bại cuối cùng của vương quốc Satan mà sự tận chung của nó đã bắt đầu và đóng ấn chắc chắn. Ấy là một sự chỉ ra trước về vương quốc trọn vẹn của thiên đàng nơi mà dân sự Đức Chúa Trời sẽ không còn ở dưới ách nô lệ của vua của sự tối tăm. Amen.
ời trong nước Đức Chúa Trời. Bởi thẩm quyền Đấng Christ, chúng ta được chuộc khỏi sự áp chế của nước của ma quỷ. Ấy là một lời chứng cho sự thua bại cuối cùng của vương quốc Satan mà sự tận chung của nó đã bắt đầu và đóng ấn chắc chắn. Ấy là một sự chỉ ra trước về vương quốc trọn vẹn của thiên đàng nơi mà dân sự Đức Chúa Trời sẽ không còn ở dưới ách nô lệ của vua của sự tối tăm. Amen.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)