Trang Bìa > Tìm Hiểu Tin Lành > Tin Dữ Và Tin Lành  


TIN DỮ VÀ TIN LÀNH

Chúng ta sẽ đứng lui lại để nhìn một cách tổng quát về toàn bộ mục đính của Tin Lành. Bắt đầu từ lúc khởi đầu và kéo dài suốt cho đến hết. Phân đoạn Kinh Thánh chúng ta sẽ dùng là Rô-ma 5:12-21.

"Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội...

Vì, trước khi chưa có luật pháp, tội lỗi đã có trong thế gian, song chưa có luật pháp, thì cũng không kể là tội lỗi. Nhưng từ A-đam cho đến Môi-se, sự chết cai trị cả đến những kẻ chẳng phạm tội giống như tội của A-đam, là người làm hình bóng của Đấng phải đến. Song tội lỗi chẳng phải như sự ban cho của ân điển. Vì nếu bởi tội lỗi của chỉ một người mà mọi kẻ khác đều phải chết, thì huống chi ơn của Đức Chúa Trời và sự ban cho trong ơn Ngài tỏ ra bởi một người là Đức Chúa Jêsus Christ, chan chứa cho hết thảy mọi người khác là dường nào! Lại sự ban cho nầy chẳng phải như việc xảy đến bởi một người phạm tội đâu: sự phán xét chỉ bởi một tội mà làm nên đoán phạt; nhưng sự ban cho của ân điển thì sau nhiều tội rồi, dẫn đến sự xưng công bình. Vả, nếu bởi tội một người mà sự chết đã cai trị bởi một người ấy, thì huống chi những kẻ nhận ân điển và sự ban cho của sự công bình cách dư dật, họ sẽ nhờ một mình Đức Chúa Jêsus Christ mà cai trị trong sự sống là dường nào!

Vậy, như bởi chỉ một tội mà sự đoán phạt rải khắp hết thảy mọi người thể nào, thì bởi chỉ một việc công bình mà sự xưng công bình, là sự ban sự sống, cũng rải khắp cho mọi người thể ấy. Vì như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội, thì cũng một lẽ ấy, bởi sự vâng phục của một người mà mọi người khác đều sẽ thành ra công bình.

Vả, luật pháp đã xen vào, hầu cho tội lỗi gia thêm; nhưng nơi nào tội lỗi đã gia thêm, thì ân điển lại càng dư dật hơn nữa, hầu cho tội lỗi đã cai trị làm nên sự chết thể nào,thì ân điển cũng cai trị bởi sự công bình thể ấy, đặng ban cho sự sống đời đời bởi Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta."

Ngay từ ban đầu, con người hết sức quan tâm đến câu hỏi "Tôi là ai?". Những triết gia thi nhau mà suy luận triết học. Họ dò xét tư tưởng của nhau cố gắng tìm ra giải đáp cho câu hỏi "Tôi là ai?", "Tôi từ đâu đến?", "Thế giới nầy là gì?". Những nhà nhân loại học và khoa học cũng từng vật lộn với vấn đề: "Nguồn gốc của con người", "Xuất xứ của thế giới". Mọi người đều tự hỏi không biết "Tôi là ai?", "Tôi từ đâu đến?", "Sự thật là gì?". Ngay cả Phi-lát, khi Chúa Giê-xu đứng trước mặt ông, ông đã nói thay cho tất cả nhân loại: "Lẽ thật là cái gì?" (Giăng 18:38).

Rõ ràng con người muốn biết về sự thật. Lạ thay! Thượng Đế đã dựng nên cả vũ trụ nầy, một Thượng Đế quyền năng chỉ phán một lời thì vũ trụ nầy được hình thành. Một Thượng Đế là Chúa của các chúa, Vua của các vua đã ban cho chúng ta một quyển sách phi thường. Trong quyển sách nầy Ngài đã trình bày rõ ràng cho chúng ta bằng lời để chúng ta có thể biết một cách chính xác, "Chúng ta là ai và từ đâu đến?", "Những nan đề của chúng ta là gì?", "Tương lai sẽ ra thế nào?", "Điều gì sẽ xảy ra khi tận thế?". Tất cả những dữ kiện quan trọng cần thiết được ban cho chúng ta bởi Thượng Đế qua Lời của Ngài là Kinh Thánh. Tôi không ngừng ngạc nhiên khi thấy mình có thể nắm gọn trong bàn tay quyển sách luật pháp của Thượng Đế ban cho con người hầu cho con người có thể biết được họ là ai và họ cần gì? Tôi xin nhắc lại: "Kinh Thánh là quyển sách luật pháp".

Khi làm việc cho Family Radio, tôi có nhiều dịp nói chuyện với những luật sư. Khi có dịp, tôi đề cập đến câu hỏi: Kinh Thánh là gì? và tôi nói với những luật sư như thế nầy: Nếu có quyển sách nào mà các luật sư cần phải quan tâm đến thì đó là Kinh Thánh. Bởi vì Kinh Thánh là quyển sách luật pháp cao nhất từng được viết. Đây là quyển sách luật pháp được sắm sửa cho chúng ta bởi Thượng Đế. Trong quyển sách luật nầy Thượng Đế đã bày ra nguyên tắc căn bản của "Những gì nhân loại thật sự cần". Bao gồm trong nguyên tắc đó, Thượng Đế đã ban cho chúng ta nhiều dữ kiện khác như là: Chúng ta đến từ đâu? Nan đề của chúng ta là gì?.

Nếu bạn là luật sư, bạn cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của luật pháp đã được Hiến pháp đề ra hay do cơ quan Lập pháp viết ra. Bạn sẽ so sánh giữa luật nầy với luật kia để tìm ra những chi tiết có thể áp dụng với những trường hợp đặc biệt. Hãy làm như vậy với Kinh Thánh. Hãy tập thói quen đọc Kinh Thánh, so sánh Thánh Kinh với Thánh Kinh. Đây là quyển sách luật. Khi làm như vậy, cuối cùng bạn sẽ khám phá ra một luật quan trọng của Thượng Đế. Luật nầy cho con người biết rằng "Họ cần gì?" và giải pháp như thế nào.

Tuy nhiên, vấn đề rắc rối là khi chúng ta bước vào đọc Kinh Thánh, trước tiên chúng ta sẽ tìm thấy tin dữ. Tin dữ thì rất bi thảm, đến đỗi không có gì bi thảm hơn. Hầu hết nhân loại dừng lại tại đó. Đây là những điều họ không muốn đối diện, những điều họ không muốn nói tới. Người ta không muốn nghe Kinh Thánh nói thêm gì nữa. Thực tế, bạn biết không? Ngày nay, hầu hết những bài giảng không đề cập đến tin dữ.

Như bạn biết, tôi không cần nhắc lại thêm nữa: Cho đến khi chúng ta đối diện với quyển sách luật pháp mà Thượng Đế ban cho chúng ta một cách công bằng và thành thật hoàn toàn, chúng không thể nào nhận ra Tin lành là gì và Tin lành có ảnh hưởng đến đời sống của con người như thế nào. Thật vậy, ngợi khen Thượng Đế, bởi đã có một tin lành. Giờ chúng ta hãy bàn về tin dữ trong giây lát.

Chúng ta đọc trong Rô-ma 5:12 "Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội..." Đó là tin dữ! Khi chúng ta tìm tòi trong cả Thánh Kinh để hiểu câu nầy thật sự nói gì, chúng ta sẽ thấy nhiều điều thảm thương và khủng khiếp. Trước hết, ai là "một người"? Dĩ nhiên bạn biết câu trả lời, đó là A-đam và Ê-va từ lúc ban đầu, bởi vì họ chống nghịch cùng Thượng Đế. Kinh Thánh cũng nói với chúng ta rằng những người được sanh ra sau A-đam và Ê-va đã không phạm tội giống như tội của A-đam (Câu 14).

Bạn thấy không? A-đam và Ê-va phạm tội trước khi chưa hề có sự tiêm nhiễm tội lỗi nào trong nhân loại. Họ được dựng nên một cách hoàn hảo, không có chút tội lỗi, không một vết bẩn của tội lỗi trên họ. Trong trạng thái hoàn hảo đó họ đã phạm tội. Nhưng từ đó trở đi, mỗi người đều phạm tội bởi vì chúng ta đã bị tiêm nhiễm bởi tội lỗi. Chúng ta đã được hoài thai và sinh ra trong tội lỗi, Kinh Thánh tuyên bố như vậy (Thi-thiên 51:5). Sự tiêm nhiễm của tội lỗi đã lây lan trên toàn bộ nhân loại. Người đầu tiên đã phạm tội cho nên tất cả chúng ta đều phạm tội.

Tội lỗi là gì? Bạn có biết định nghĩa của tội lỗi trong 1Giăng 3:4 không? "Tội lỗi tức là trái luật pháp", nghĩa là vi phạm luật pháp mà Thượng Đế đã đặt ra. Khi A-đam và Ê-va được bảo rằng họ có thể ăn trái của tất cả các cây trong vườn nhưng về cây biết điều thiện và điều ác họ chẳng nên ăn. Khi họ ăn trái của cây đó, họ đã vi phạm mạng lệnh mà Thượng Đế đã ban ra, họ đã vi phạm luật pháp. Kể từ đó, sự tiêm nhiễm tội lỗi đã thấm vào dòng giống của loài người, vì thế tất cả đều phạm tội. Chúng ta sẽ xem xét kỹ điều nầy một chút.

Thượng Đế nói với A-đam và Ê-va trong vườn Ê-đen rằng "nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết". Ở đây trong Rô-ma 5:12 nói rằng: "lại bởi tội lỗi mà có sự chết", nghĩa là, sự chết là kết quả của tội lỗi. Trong những câu kế tiếp chúng ta đọc thấy chữ tội lỗi và sự chết được lặp đi lặp lại nhiều lần. Hai chữ nầy đi song song với nhau như là hai mặt của đồng tiền. Nhưng sự chết đó là sự chết gì?

Tôi nhớ lại nhiều năm trước đây khi tôi còn vật lộn với câu hỏi nầy. Thượng Đế nói với A-đam và Ê-va "vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết". Có người nói: Họ đã không chết, họ còn sống thêm 900 năm nữa trước khi họ chết về thể xác. Lúc đó tôi chỉ nghĩ về cái chết của họ thôi nên tôi trả lời rằng, hột giống của sự chết về thể xác đã được gieo vào thể xác của họ nên thân thể họ sẽ từ từ già đi và cuối cùng sẽ chấm dứt bằng cái chết về thể xác. Chắc chắn rằng điều nầy cũng bao gồm trong đó, nhưng càng học Kinh Thánh nhiều hơn, tôi tin chắc rằng Kinh Thánh dạy chúng ta về một sự chết khác. Có hai khía cạnh khác của sự chết còn khủng khiếp hơn cái chết về thể xác.

Khi A-đam và Ê-va phạm tội, khi ấy tấm lòng của họ có gian ác giống như chúng ta đọc trong Giê-rê-mi 17:9 không? "Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được?" Câu trả lời là: Không! Họ tốt hoàn toàn, tất cả những gì chúng ta tìm thấy chỉ là một khuyết điểm nhỏ mà thôi. Họ vâng theo lời Thượng Đế về tất cả mọi việc trừ ra "ăn trái cây cấm", chỉ một tội rất nhỏ. Nhưng Thượng Đế đã đặt ra nguyên tắc trong Kinh Thánh: "Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều răn, thì cũng đáng tội như đã phạm hết thảy" (Gia-cơ 2:10). Chúng ta thấy câu nầy cũng ứng dụng ngay tại vườn Ê-đen. Và, "tiền công của tội lỗi là sự chết".

Vào lúc A-đam và Ê-va phản loạn chống nghịch lại cùng Thượng Đế, Thượng Đế đã rủa sả loài người cho nên con người trở nên gian ác kinh khiếp. Họ bị cất mất phước hạnh của sự ao ước vâng theo lời Thượng Đế. Chỉ có Thượng Đế mới có thể làm được điều nầy bởi vì Ngài là Thượng Đế thánh khiết, công bình. Tội lỗi thật là khủng khiếp nên phải dẫn đến kết quả như vậy. Từ đó trở đi, khi đọc về con người, chúng ta tìm thấy toàn là sự xấu xa, lòng người ta là xấu xa, lòng người ta là gian ác. "Vì từ trong lòng người mà ra những ác tưởng, những tội giết người, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, làm chứng dối, và lộng ngôn" (Ma-thi-ơ 15:19).

Tôi từng lấy làm lạ khi tôi thấy những người đàn ông, đàn bà, trẻ em có đời sống hiền lành đạo đức ngay cả họ không có mối liên hệ nào với Chúa Cứu Thế Giê-xu. Tôi nhớ có một giáo sĩ đến Trung Quốc vào những năm 1920, lúc đó tôi còn nhỏ. Lúc trở về Mỹ, giáo sĩ đó nói rằng: Tôi sống với những người Hoa là những người thờ phượng những thần hư không, nhưng tôi thấy sự hiền lành trong đời sống của họ. Điều nầy cứ làm tôi suy nghĩ . Làm sao họ sống tốt được khi họ không có Chúa Cứu Thế Giê-xu?" Sao thế? Tại sao tất cả chúng ta không phải là Hít-le?

Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng, bởi vì Thượng Đế kềm giữ đời sống của chúng ta, nếu không, chúng ta sẽ hủy diệt đời sống nầy một cách nhanh chóng nếu có thể được. Vì vậy mà chúng ta thấy được sự tử tế của con người, tình thương của mẹ dành cho con . . . Nếu để tự mình, lòng dạ của chúng ta sẽ vô cùng gian ác. Bởi vì chúng ta đã chết, chết về thuộc linh. Về thuộc linh chúng ta chỉ là một cái xác chết. Thêm nữa, chúng ta chết trong ý nghĩa: "chúng ta là đối tượng cho sự hình phạt đời đời", đó là sự chết thứ hai. Vì chúng ta phản loạn chống nghịch Thượng Đế nên chúng ta chuốc lấy hình phạt của Ngài dành cho chúng ta như Kinh Thánh chép. Đó là điều khủng khiếp nhất trong những điều khủng khiếp.

Nếu bạn lấy Kinh Thánh ra và bắt đầu đọc từ đầu, từng câu, từng phân đoạn nói về địa ngục hay những lời cảnh cáo chúng ta về hình phạt đời đời sẽ đến, bạn sẽ thấy những điều nầy cứ liên tục được chép đi chép lại nhiều lần và ngôn ngữ của nó thật là vô cùng ghê sợ và khủng khiếp. Qua những điều nầy Thượng Đế đã vẽ ra bức tranh về sự kinh khiếp khi bị quăng vào địa ngục đời đời.

Thỉnh thoảng, bạn nghe ai đó trải qua một kinh nghiệm đau khổ tột bực và người đó nói rằng: Tôi khổ giống như ở trong địa ngục. Thật ra người đó nói mà không biết mình nói gì. Mọi việc xảy ra trên mặt đất nầy chỉ trong thời gian ngắn rồi sau cũng chấm dứt. Bên nầy của phần mộ chúng ta luôn sống dưới ân huệ của Thượng Đế trong một mức độ nào đó. Ngài vẫn gìn giữ thế giới nầy bởi quyền năng và tình thương của Ngài đối với người được cứu cũng như người không được cứu. Địa ngục là nơi kéo dài mãi mãi.

Trong Phục-truyền Luật-lệ-ký 28 Thượng Đế đã cho chúng ta hình ảnh về địa ngục. Ngài dùng cách diễn đạt rằng vào buổi sáng các ngươi sẽ trông cho đến chiều tối bởi vì sự đau khổ trong lòng của các ngươi quá đổi. Khi đêm đến thì các ngươi ao ước rằng trời mau sáng bởi vì sự đau khổ tột bực. Điều nầy cứ tiếp diễn cho đến đời đời kiếp kiếp. Khóc lóc, nghiến răng, nơi sâu bọ chẳng hề chết và lửa chẳng hề tắt hành hạ những người trong đó cho đến đời đời. Thật là một TIN DỮ phải không?

Đó là sự chết sẽ đến với nhân loại. Tốt hơn là chúng ta nên nghe theo Kinh Thánh bởi Thượng Đế đã ban cho chúng ta những dữ kiện nầy để chúng ta biết mình là ai và nan đề của chúng ta là gì. Như vậy chúng ta mới thật sự thấy cần đến giải pháp cho nan đề nầy. Thượng Đế cũng khiến cho sự chết về thể xác đến trên thế gian, và sự chết về thể xác là một sự nhắc nhở rằng địa ngục đang đến, nhắc nhở rằng sự hình phạt đời đời là biện pháp hệ trọng kế tiếp của Ngài.

Sự chết về thể xác là sự chết lần thứ nhất và sự hình phạt đời đời nơi địa ngục được Kinh Thánh gọi là sự chết thứ hai. Sự chết thứ hai được ám chỉ bởi sự chết thứ nhất là sự chết về thể xác. Vì vậy, mỗi khi có người qua đời - hàng trăm ngàn người chết trong mỗi 24 tiếng đồng hồ - là một sự nhắc nhở cho nhân loại rằng sự hình phạt đời đời đang đến. Bạn không nhận ra rằng hình phạt đời đời đang đến sao? Đó là một tin rất dữ! Vấn đề càng phức tạp hơn khi chúng ta học Kinh Thánh và tìm thấy rằng chỉ cần một tội cũng đủ đưa chúng ta vào địa ngục. (Ê-xê-chia 3, 18).

Giả sử, nếu bạn có thể tìm được một người công bình, nhưng nếu người đó chỉ phạm một tội thì tất cả những điều công chính của người đó thành ra vô nghĩa. Tội lỗi thật là ghê tởm và kinh khủng. Nó là hành động chống lại Thượng Đế quyền năng, Đấng đã dựng nên vũ trụ nầy một cách hoàn hảo. Thượng Đế là công bình trọn vẹn, cơn thạnh nộ của Ngài cũng hoàn toàn công bằng đòi hỏi án phạt phải được đền trả. Thượng Đế tuyên bố trong 2Cô-rinh-tô 5:10 "Bởi vì chúng ta thảy đều phải ứng hầu trước tòa án Đấng Christ, hầu cho mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt". Bởi Thượng Đế dựng nên con người phải chịu trách nhiệm về lối sống của mình. Chúng ta là vật thọ tạo khác với loài vật. Chúng ta được dựng nên theo ảnh tượng của Thượng Đế để sống một cách hoàn hảo trước mặt Ngài, để thờ phượng Ngài, nhưng chúng ta đã phản loạn.

Xin đừng hiểu lầm điều nầy: Chúng ta bị quăng vào địa ngục không phải vì tội của A-đam. Thượng Đế đã đặt ra nguyên tắc trong Phục-truyền 24:16 "Chớ vì con mà giết cha, cũng đừng vì cha mà giết con. Phàm người nào phạm tội thì phải giết người nấy". Chúng ta đi vào địa ngục không phải vì tội của A-đam, chúng ta vào địa ngục bởi vì chúng ta phạm tội. Có ai trong vòng chúng ta dám nói rằng mình chưa bao giờ phạm tội không? Thực ra, bạn và tôi đều phải thú nhận rằng mỗi chúng ta đều phạm tội lần nầy tiếp đến lần khác. Điều đó bày tỏ rằng chúng ta phải đứng trước ngôi phán xét của Thượng Đế và địa ngục là hậu quả sẽ đến. Chúng ta sẽ bị kết án và sự công chính hoàn hảo của Thượng Đế đòi hỏi chúng ta phải đi vào địa ngục.

Nhưng lạ lùng thay đã có một tin lành! Một tin tốt lành! Thật là một tin tốt lành! Ngợi khen Thượng Đế vì có một tin lành. Chúng ta không thể thật sự nhận rõ tin ấy tốt lành như thế nào trừ khi trước hết chúng ta đã nhận thấy được tin dữ thật kinh khiếp ra sao. Chúng ta đọc thấy ở đây: "Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết" (Rô-ma 5:8). Điều đó có nghĩa gì? Hãy suy nghĩ về điều nầy một cách khách quan.

Giả sử, bạn phạm một tội ác và bạn bị kết án là có tội. Theo luật pháp của xứ bạn đang sống thì bạn phải ngồi tù 20 năm để đền cho tội đó. Bạn có tội, luật pháp tuyên bố rằng bạn phải ngồi tù 20 năm. Sau khi bạn ở 20 năm trong tù, cai ngục đến mở cửa ngục ra và nói rằng bạn được tự do. Theo luật pháp, tội đó không còn chống lại bạn nữa, bạn đã đền trả đầy đủ cho tội ác đó. Bạn có thể vi phạm một tội khác và có thể bị kết án tù nhưng không phải tội đó vì tội đó đã được trả đầy đủ. Thượng Đế tuyên bố rằng: "Tiền công của tội lỗi là sự chết". Chúng ta đã thấy sự chết được nói đến ở đây là hình phạt đời đời.

Nếu tôi chỉ cần ở trong địa ngục đời đời rồi sau đó tôi có thể lên thiên đàng thánh khiết của Thượng Đế bởi vì tôi đã đền trả trọn vẹn cho tội lỗi của tôi. Nói như vậy có đúng không? Nếu tôi chỉ ở trong địa ngục đời đời... Bất hạnh thay! đời đời có nghĩa là kiếp kiếp, mãi mãi. Nếu tôi cố gắng vào thiên đàng bằng con đường đó, nghĩa là tự tôi cố gắng trả cho tội lỗi của tôi, thì tôi sẽ không bao giờ đạt đến chỗ cuối cùng để trả dứt. Vì vậy, tôi sẽ ở trong địa ngục đời đời.

Một điều khắc sâu vào trí của tôi khi tôi nghiên cứu Kinh Thánh một cách rất tỉ mỉ là tôi không thấy có sự ân xá. Không có sự van xin mặc cả, không có cách nào để làm cho quan án xiêu lòng. Khi Thượng Đế trong bản tánh công bình chính trực của Ngài ra lệnh rằng phải bị hình phạt đày đọa đời đời thì Ngài khẳng định như vậy. Không có con đường tắt. Hình phạt đời đời phải được đền trả.

Hoàn cảnh của tôi thật tuyệt vọng! Bởi vì nếu tôi cố gắng trả cho tội lỗi của tôi bằng cách đi vào địa ngục, tôi sẽ không bao giờ ra khỏi địa ngục và sẽ không bao giờ được vào thiên đàng. Thật vậy, hoàn cảnh của tôi tuyệt vọng vô cùng! Trừ khi, tôi tìm được ai đó, và ai đó thương tôi nhiều lắm. Làm sao tôi có thể tìm được một người như vậy? Một người vui lòng gánh lấy hết tội lỗi của tôi và đứng thế vào chỗ tôi trước vành móng ngựa nơi tòa công lý của Thượng Đế. Người đó sẽ thay tôi đứng trước ngôi phán xét và bị kết án tội thay cho tôi và chịu Thượng Đế đưa mình vào địa ngục đời đời. Nếu vậy thì những đòi hỏi của luật pháp Thượng Đế sẽ hoàn toàn được thỏa mãn về phần tôi mà tôi sẽ không phải đi vào địa ngục. Đó là một sự giàn xếp dễ dàng phải không? Nếu tôi chỉ cần tìm được một người rất yêu thương tôi.

Tôi xin được phép hỏi, bạn có yêu thương tôi đủ để đi vào địa ngục thay cho tôi không? Không! bạn không thể làm được điều đó bởi vì bạn có tội riêng của bạn. Vì vậy tôi phải làm sao? Không có một con người nào, ngay cả nếu chúng ta yêu thương nhau và muốn làm điều đó. Thực tế, chúng ta không được chấp nhận làm người thay thế bởi vì chúng ta phải đi vào địa ngục cho tội lỗi của chúng ta. Có lẽ tôi sẽ tìm 1.000 con chiên, hay 10.000 con bò để dâng làm của tế lễ? Điều đó cũng không thể trả được, bởi vì con người phạm tội nên chỉ có con người mới có thể đền trả cho tội lỗi. Có lẽ tôi sẽ tìm được một thiên sứ yêu thương tôi đủ? Thiên sứ không phạm tội, nhưng thiên sứ không phải là loài người mà là một vật thọ tạo khác. Vì vậy, thiên sứ không thể làm người thay thế được.

Chúng ta phải tìm cho ra một người hoàn toàn. Xin đợi một phút, nếu người đó chỉ là một con người bình thường, người đó chỉ có thể trả cho tội lỗi của tôi mà thôi, và người đó phải ở trong địa ngục đời đời thay thế cho tôi để tôi được vào thiên đàng. Nhưng còn bạn thì sao? Nếu chúng ta chất tội của bạn lên trên tội của tôi, tội của tôi đã như cái núi rồi, nếu chất tội của bạn lên thì sẽ càng lớn hơn nữa. Rồi khi chúng ta nói đến tội lỗi của những người khác trên thế giới nầy mong muốn thoát khỏi địa ngục thì tội đó chất cao đến vô tận.

Vì vậy, chúng ta phải tìm cho được người nào đó có khả năng gánh chịu cơn thạnh nộ của Thượng Đế đến mức độ như vậy để Thượng Đế có thể gia tăng cơn thạnh nộ của Ngài hầu đủ cho hết thảy những người nào tin cậy vào người đó và muốn người đó thay chỗ cho mình. Đó chính là Con Người mà Thượng Đế đã cung cấp. Chỉ có một người có thể làm được điều nầy là chính Thượng Đế.

Chúng ta nói về Thượng Đế quyền năng; chúng ta nói về Thượng Đế Đấng tạo nên quả đất và vũ trụ nầy. Chúng ta nói về Thượng Đế hằng hữu từ đời đời cho đến đời đời; chúng ta nói về Thượng Đế tạo dựng nên vũ trụ nầy chỉ bằng lời phán Ngài. Nhưng chúng ta không thấy Thượng Đế trong sự vô hạn Ngài, chúng ta không thấy sự oai nghi trong sự hiện hữu vĩ đại Ngài cho đến khi chúng ta thấy được Thượng Đế trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài là Đấng có đủ khả năng đền trả tội lỗi cho tất cả những người tin nhận Ngài. Đó là tình yêu thương của Thượng Đế.

Chúng ta hãy chú ý điểm nầy, không có con đường tắt để cho Chúa Giê-xu trở thành Cứu Chúa của chúng ta. Thượng Đế không thể nào đến với Chúa Giê-xu và nói rằng: "Đây là con đường để giải thoát, nhưng vì Con là người trong nhà, Con là chính Thượng Đế nên chúng ta sẽ giảm hình phạt lại một chút. Chúng ta chỉ cần thừa nhận ngoài miệng về việc Con đền trả tội lỗi mà thôi. Với sự ủy thác và tán thành thiên thượng Ta sẽ tuyên bố rằng Con đã trả đầy đủ". Không được! không làm cách đó được. Vì sao vậy? Vì Thượng Đế là công chính, Ngài phải hình phạt Chúa Giê-xu đến mức tối đa tương đương với tội lỗi của những người mà Ngài định cứu, không có việc giảm bớt. Vì thế bạn thấy tại sao Thượng Đế quyền năng trong thân xác của Chúa Cứu Thế Giê-xu gieo mình xuống đất kêu lớn tiếng trong vườn Ghết-sê-ma-nê đang khi chưa có ai tra tay trên Ngài,"Cha ơi! nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con!" Một Thượng Đế tối cao kêu la một cách đáng thương!

Tôi thấy chán ngán với nhiều người chỉ thấy sự chuộc tội bằng những vết đinh đâm vào tay Ngài. Tất cả những điều họ có thể thấy được chỉ là sự khủng khiếp của sự hành hình bằng thập tự giá. Hãy xem, hai tên cướp cũng bị đóng đinh giống như Ngài, hơn nữa họ còn bị đánh cho gãy ống chân mà chết trước khi cái chết đến. Đó không phải là sự chịu khổ của Chúa Cứu Thế, đó chỉ là điều hiển hiện ra bên ngoài để bày tỏ sự thống khổ mà thôi. Sự thống khổ thật được bày tỏ ra khi tiếng kêu đau khổ thốt ra từ đôi môi của Ngài "Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi?"

Ngài đang chịu đựng hình phạt tương đương với hình phạt bạn và tôi và những người tin nhận nơi Ngài trong suốt dòng lịch sử nhân loại đáng phải chịu. Ngài đang gánh chịu sự hành hạ tương đương với địa ngục đời đời, tương đương với cơn thạnh nộ của Thượng Đế đổ ra trên chúng ta đời đời. Bởi vì Ngài là Thượng Đế và cũng là người. Là người để Ngài có thể trở thành người thay thế cho chúng ta, là Thượng Đế hằng hữu để Thượng Đế có thể hình phạt Ngài đến mức độ thỏa mãn sự đòi hỏi của công chính cho tội lỗi của chúng ta.

Đây có phải là một tin tuyệt vời không? Chúng ta tự hỏi tại sao con người không mong muốn chạy đến với một Cứu Chúa như vậy? Tại sao họ không chạy đến kêu xin: Chúa ôi, con muốn Ngài thay thế cho con? Toàn bộ vấn đề là: Con người đã chết! Con người không muốn một loại Cứu Chúa như vậy. Con người không muốn loại giải pháp nầy cho nan đề của họ. Bởi vì trong sự tự cao, kiêu căng của con người, họ chỉ muốn tự nghĩ ra bằng thứ triết lý, tôn giáo, phúc âm, việc làm đạo đức hay điều gì đó của riêng mình để có thể tìm ra con đường tự đến cùng Thượng Đế. Vì vậy, cái tôi của họ, sự tự tôn tự đại của họ cũng còn đó.

Chỉ khi nào chúng ta nhận biết rằng không còn giải pháp nào khác, không còn cách nào, chỉ cần một tội cũng đủ tống tôi vào địa ngục, bị kết tội, bị ở dưới cơn thạnh nộ của Thượng Đế. Dù cho tôi có cố gắng cách gì đi nữa, nếu sau đó tôi có thể sống một đời sống hoàn hảo, tôi cũng vẫn phải đi vào địa ngục. Những ai cố gắng vào thiên đàng bằng cách sống một đời sống Cơ đốc nhân gương mẫu vẫn bị vào địa ngục như thường. Bởi vì tất cả những gì chúng ta làm đều bị vấy bẩn bởi tội lỗi. Dù cho chúng ta có sống tốt cách nào chúng ta cũng vẫn phải đối diện với món nợ tội lỗi phải trả. "Tiền công của tội lỗi là sự chết". Nên nhớ điều nầy bao gồm sự đày đọa đời đời.

Đó là thông điệp mà chúng tôi muốn trình bày cho thế giới qua đài Family Radio. Đó là thông điệp tuyệt vời của Tin Lành rằng: Có một con đường giải thoát tội lỗi của chúng ta. Đây là thông điệp tình yêu của Thượng Đế. Ân điển tuyệt vời của Thượng Đế là: Bất cứ ai tin nhận nơi Ngài, bất cứ ai giao thác đời mình nơi Ngài, bất cứ ai hạ mình xuống nhìn nhận rằng mình không ra gì cả, "Lạy Chúa! xin thương xót tôi", người đó sẽ được cứu, "không bị hư mất mà được sự sống đời đời". Tin Lành nầy cứ tiếp tục và tiếp tục.

Mỗi khi chúng ta bắt đầu nói về thiên đàng, về trời mới đất mới, về thân thể được sống lại của chúng ta và chúng ta trở thành người đồng kế tự với Chúa Cứu Thế Giê-xu, khi nói về chúng ta được làm con cái của Ngài, nói về việc chúng ta được đồng trị với Chúa... chúng ta chỉ biết ngây người kinh ngạc không nói được nên lời. Làm sao có thể được rằng Thượng Đế không chỉ đền trả cho tội lỗi của tôi để tôi không còn bị địa ngục hăm dọa nữa mà Ngài còn ban dư dật những phước hạnh dường như không hề hết trên tôi. Ôi! sự cứu rỗi thật tuyệt vời làm sao! Thật chúng ta có một Cứu Chúa tuyệt vời! Chỉ đứng lặng ngắm, suy gẫm, nghiền ngẫm về điều nầy trong tâm trí cũng đủ khiến chúng ta rung động cả tâm hồn.

Tất cả những điều nầy thật tuyệt diệu theo lý thuyết, nhưng cũng là sự thật, chắc chắn là thật. Quyển sách luật pháp của Thượng Đế chép như vậy, và Thượng Đế không bao giờ nói dối. Quyển sách luật pháp của Thượng Đế tuyên bố một cách khẳng định. Và chúng ta có cơ sở vững chắc về những điều mà chúng ta vừa nói đến. Không có gì nghi ngờ cả. Nhưng nếu tôi không có mối liên hệ một cách cá nhân với Chúa Cứu Thế Giê-xu, những điều nầy không có ích gì cho tôi.

Một câu hỏi lớn mà mọi người phải đối diện đó là: "Nếu tôi - kể cả bạn nữa - qua đời đêm nay thì điều gì sẽ xảy ra? Ít nhất có một nhà thờ sẽ đứng ra tính toán mọi việc. Chắc hẳn một số tiền phải được chi ra, những bài cầu nguyện sẽ được đọc hi vọng sẽ giúp ích cho người đã chết. Điều nầy không đúng với Kinh Thánh. Kinh Thánh chép: "Theo như đã định cho loài người, phải chết một lần, rồi chịu phán xét" (Hê-bơ-rơ 9:27).

Có bao nhiêu người trong chúng ta biết chắc rằng chúng ta sẽ còn sống đến ngày mai? Có ai biết chắc như vậy không? Không ai trong chúng ta biết được điều đó. Không một ai trong chúng ta được Thượng Đế hay bất cứ ai đó bảo đảm rằng chúng ta sẽ sống đến ngày mai. Vâng, thật sự bạn có thể sống đến 20 tuổi, 40 hay 80 tuổi. Thực tế là, dù chúng ta sống được nhiều năm, có sức khoẻ tốt, có nhiều dự định cho ngày mai, tuần tới, chúng ta cũng không được bảo đảm rằng mình sẽ sống đến ngày mai.

Chúng ta có thể bị đem đi bằng một chứng bịnh khó hiểu. Chúng ta có thể qua đời bằng một chứng đau tim. Máy bay có thể đâm sầm vào chỗ bạn đang ngủ tối nay. Có hàng ngàn cách khác nhau mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể bị cất đi một cách dễ dàng. Vào thời điểm nào trong đời chúng ta mới phải đối diện với câu hỏi về cõi đời đời của chúng ta? Có phải chúng ta gác qua một bên từ ngày nầy qua ngày khác, nghĩ rằng ngày mai chúng ta sẽ lo đến chuyện đó không? Có phải khi già hơn chúng ta sẽ nghĩ đến? Có phải sau khi con cái khôn lớn hết rồi chúng ta mới tính đến, hay khi chúng ta về hưu, lúc ấy chúng ta mới đối diện với câu hỏi đó?

Chừng nào chúng ta mới có thể đối diện với câu hỏi đó? Có phải là phút lâm chung trên giường bệnh của chúng ta? Có lẽ lúc đó chúng ta vẫn còn đủ thời gian để nói với Thượng Đế rằng, tôi sắp tắt hơi, xin cho tôi vào thiên đàng? Hầu hết những người trước khi chết rất bận rộn với cái chết đang đến, bận rộn với bệnh tình, với sự đau đớn, thuốc men, hôn mê, nên họ không còn thì giờ để nghĩ đến việc nầy. Kinh Thánh chép rằng: "Mà nếu chúng ta còn trể nãi sự cứu rỗi lớn dường ấy, thì làm sao tránh cho khỏi được?" (Hê-bơ-rơ 2:3). Kinh Thánh cũng chép rằng: "Kìa, hiện nay là thì thuận tiện; kìa, hiện nay là ngày cứu rỗi!" (2Cô-rinh-tô 6:2). Hiện nay, ngày nay chớ không phải ngày mai, bởi vì ngày mai có lẽ sẽ không đến với bạn.

Có lẽ bạn sẽ nói rằng: Ông Camping ơi, ông dọa tôi à? Đúng là ông đang muốn làm cho tôi sợ? Vâng, tôi không ngại mà thừa nhận điều đó. Có lẽ bạn sẽ nói rằng: Không ai có thể ép buộc tôi, không ai có thể làm cho tôi sợ, không ai có thể làm cho tôi ăn năn tội được. Cũng được, nếu bạn không muốn sợ thì hãy cứ sống trong tội lỗi của bạn. Nhưng, nếu Chúa cất mạng sống bạn khi bạn chưa được cứu, chắc chắn bạn sẽ ở trong địa ngục đời đời.

Hãy suy nghĩ điều nầy: Tại sao trong Kinh Thánh Thượng Đế nói nhiều với chúng ta về địa ngục? Tại sao Kinh Thánh kể về địa ngục một cách rõ ràng? Có phải Ngài muốn viết cho đầy những chương trong Kinh Thánh không? Có phải Ngài không còn gì để nói? Chỉ có vậy thôi sao? Ô! tôi biết rồi, Y-sơ-ra-ên là một dân cứng cổ. Họ cần nên biết về điều nầy, còn tôi là người tốt, đạo đức, tôi không cần phải đọc về những điều nầy. Có lẽ người Pha-ri-si, họ là những "bức tường tô trắng nhưng bên trong đầy xương cốt", họ đúng là những người xấu xa nên Chúa Giê-xu nói về những điều nầy chỉ cho họ mà thôi.

Xin nhớ, Kinh Thánh là quyển sách luật pháp cho toàn thể nhân loại, trong đó Thượng Đế với tình yêu thương lạ lùng, với lòng nhân từ và thương xót của Ngài đã mở quyển sách luật pháp ra để cho chúng ta thấy một cách trong suốt, rõ ràng nan đề là gì. Ngài làm điều nầy bởi vì Ngài yêu chúng ta. Ngài làm vậy để chúng ta biết nhu cầu của mình hầu đến với Ngài mà kêu xin rằng: "Lạy Chúa, xin thương xót tôi!"

Tôi muốn bạn làm điều nầy trước khi đi ngủ tối nay. Tôi muốn bạn tự hỏi câu hỏi nầy một cách nghiêm chỉnh. Nếu tối nay là đêm cuối cùng của tôi trên thế gian nầy thì sao? Hãy tự đặt mình vào chỗ đó. Nếu tối nay là đêm cuối cùng của tôi trên thế gian nầy, tôi có biết được tôi sẽ đi về đâu không? Nếu bạn không thể trả lời được câu hỏi nầy một cách thành thật rõ ràng trong tâm linh của bạn rằng: "Tôi biết Đấng Cứu chuộc tôi đang sống, tôi biết Chúa Giê-xu là Cứu Chúa của tôi, tôi biết tôi là một tội nhân, Chúa Giê-xu đã đền trả cho tội lỗi tôi. Tôi thấy được bằng chứng đó rõ ràng bởi vì tôi ưa thích những gì Kinh Thánh nói và muốn dâng đời sống tôi để hầu việc Ngài. Khi tôi đọc những điều nầy trong Kinh Thánh tôi không sợ hãi khi phải đối diện với nó. Tôi biết rằng tội lỗi của tôi đã được đền trả."

Nếu bạn chưa có kinh nghiệm đó, hãy dành đêm nay cầu xin với Thượng Đế rằng: "Lạy Chúa, xin thương xót con! Chúa ôi, xin thương xót con!" Xin cho tôi nói với bạn điều nầy: Tình yêu thương của Thượng Đế thật lạ lùng, bất chấp chúng ta đã chết trong tội lỗi của mình, hoàn toàn phản loạn chống nghịch lại Ngài, nhưng lời hứa của Ngài cho chúng ta là nếu chúng ta tìm kiếm Ngài hết lòng thì sẽ gặp được (Giê-rê-mi 29:13).

Có người khi nghe nói về sự định trước của Chúa thì cãi lại rằng có lẽ tôi không phải là người được Chúa chọn, vì không phải là người được Chúa chọn nên tôi không có cơ hội nào. Ấy là chuyện của Chúa, Ngài biết ai là người mà Ngài chọn. Nếu bạn nhìn nhận rằng bạn là một tội nhân và đang trên đường đi vào địa ngục, thế là đủ. Sau đó bạn sẽ tự hỏi câu hỏi nầy: Tôi có muốn đi địa ngục không?

Đôi khi tôi có dịp nói chuyện với một vài người, họ nói một cách bất cần rằng: Tôi không được cứu, tôi sẽ đi vào địa ngục, điều đó có sao đâu? Tôi tự nhủ trong lòng rằng: Bạn ơi, bạn không biết bạn đang nói gì, điều đó chưa đụng đến cõi lòng bạn đâu. Nếu bạn thật sự biết bạn đang nói gì, nếu bạn biết đó là một chuyện rất khủng khiếp đáng sợ mà bạn phải đối diện, bạn sẽ không ngủ được đêm nay, bạn sẽ thống khổ mà thưa với Thượng Đế rằng: Chúa ôi, xin thương xót tôi.

Đó là thông điệp mà Thượng Đế ban cho chúng ta. Tin dữ và TIN LÀNH. Tin dữ thì thật là khủng khiếp. Tin Lành thì quá tuyệt vời không lời nào mô tả được. Tôi hi vọng trong đời sống của mỗi người đọc được điều nầy sẽ tìm thấy sự tin quyết rằng Chúa Giê-xu là Cứu Chúa của mình. Nếu sự tin chắc ấy chưa có trong đời sống bạn và nếu bạn đau đớn khổ sở về điều đó trước mặt Thượng Đế, Ngài sẽ ban cho bạn sự tin quyết ấy và bạn sẽ biết được rằng Chúa Giê-xu là Cứu Chúa của bạn.

Lạy Cha chúng con ở trên trời, khi chúng con ôn lại toàn bộ thông điệp cứu rỗi mà Ngài đã giải bày ra cho chúng con trong Lời của Ngài. Thêm một lần nữa, chúng con đối diện với câu chuyện khủng khiếp mà thế giới nầy đang đối diện và chúng con đáng phải chịu. Chúng con đáng phải chịu bởi khi nhìn vào đời sống mình, chúng con nhìn nhận rằng bản chất của chúng con hoàn toàn chống lại Ngài. Nhưng thưa Cha, cùng lúc đó khi chúng con xem Lời của Ngài, chúng con bắt đầu nhận biết tình thương lạ lùng tuyệt vời của Ngài đã ban cho chúng con để cung ứng cho chúng con một lối thoát qua Chúa Cứu Thế Giê-xu, rằng: Thượng Đế đã mang gánh tội lỗi của tất cả những ai tin nhận nơi Ngài. Chúng con chỉ biết đứng đó ngạc nhiên, thỏa lòng, vui mừng cảm tạ Ngài. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Cứu Thế Giê-xu. Amen!

Harold Camping

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)