Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Ân Điển Bình An Thêm Lên - 01/2007  


NGUYỀN XIN ÂN ĐIỂN VÀ BÌNH AN THÊM LÊN
(1Phierơ 1:2)

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Hôm nay phải chăng chúng ta đang sống trong thời chiến? Nếu mở đài truyền thanh hay truyền hình, mở trang đầu của các tờ báo, chúng ta sẽ đọc thấy bài đưa tin về những vụ đánh bom ở Irắc, về những vụ tử vong. Đất nước chúng ta đang có chiến tranh. Chúng ta tự hỏi khi nào và ở đâu sẽ có hòa bình. Trong khi cuộc xung đột tại Irắc cứ sôi sục phía bên kia thế giới, tại quê nhà, chúng ta đang đối diện với cuộc chiến chống khủng bố. Cảnh sát và các nhân viên chánh phủ khắp nơi đang đề cao cảnh giác tìm kiếm những người muốn hại chúng ta, chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống tệ hại nhất. Chúng ta là một dân tộc mệt mõi và nhấp nhỏm sợ lại bị tấn công. Chúng ta tự hỏi khi nào và ở đâu chúng ta mới có hòa bình an ổn. Chiến tranh và tiếng đồn về chiến tranh không phải là điều khiến chúng ta phải ngạc nhiên. Kinh Thánh cho chúng ta biết đó là thực sự của thế giới tội lỗi mà chúng ta đang sống. Tuy nhiên trong khi những cuộc chiến tranh đang sôi sục khắp nơi trên thế giới, còn có một cuộc chiến nữa liên tục chống lại những người tin Chúa. Thống kê cho biết trong thế kỷ của chúng ta có nhiều người đã bị giết vì danh Chúa hơn những thế kỷ trước. Có người đã bị bắt bớ, chịu khổ dữ dội vì danh Chúa. Thậm chí ngay trên xứ sở của chúng ta đây cũng có cái nhìn xem thường về đức tin Cơ Đốc, đôi khi là sự chia rẻ trong gia đình, đôi khi là cha mẹ nghịch với con cái. Cuộc chiến nghịch cùng Đấng Christ và hội thánh Ngài cứ diễn ra ác liệt. Chúng ta tự hỏi khi nào và bao giờ chúng ta sẽ nhìn thấy sự yên ổn.

Chúng ta đang sống trong một thế giới tội lỗi và xung đột. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà tình trạng thiếu hòa bình an ổn dường như là chuyện bình thường, khi người ta, đặc biệt là những Cơ Đốc Nhân, có thể chuẩn bị tinh thần để đối diện với xung đột và đau khổ. Thế nhưng khi tra xem Kinh Thánh, hầu hết các thư tín Tân Ước đều mở đầu bằng một câu rất giống nhau, "nguyền xin ân điển và sự bình an thêm lên cho anh em!" Làm thế nào hội thánh có thể tìm thấy được ân điển và sự bình an trong một thế giới đầy ghen ghét, xung khắc và tranh chiến? Làm thế nào chúng ta, hội thánh của Chúa Giêxu Christ, có thể biết được ân điển và sự bình an? Đây là điều chúng ta muốn nói đến trong bài học hôm nay.

Điều đầu tiên tôi muốn chúng ta nhìn biết tại đây là tình trạng xung đột khổ đau này không phải là điều gì mới. Đây không phải là điều gì mới của thế hệ chúng ta mà đã diễn ra xuyên suốt dòng lịch sử. Chúng ta đã nhìn thấy chiến tranh tiếp diễn qua nhiều thế kỷ từ khi có loài người. Chúng ta thấy sự chịu khổ của những Cơ Đốc Nhân không chỉ trong thời đại của chúng ta mà trong thời của Phierơ và các sứ đồ nữa. Sứ đồ Phierơ, trong sự linh ứng của Đức Chúa Trời, đã viết ra thư tín này mà trong đó ông bày tỏ rõ ràng thực tế về sự chịu khổ của Cơ Đốc Nhân. Ông không tránh né mà khẳng định thực tế của nó. 1Phierơ đoạn 1 câu 6 và 7 chép: "Anh em vui mừng về điều đó, dầu hiện nay anh em vì sự thử thách trăm bề buộc phải buồn bã ít lâu; hầu cho sự thử thách đức tin anh em quí hơn vàng hay hư nát, dầu đã bị thử lửa, sanh ra ngợi khen, tôn trọng, vinh hiển cho anh em khi Đức Chúa Jêsus Christ hiện ra". Vị sứ đồ nhìn nhận thực tế của hội thánh: họ phải chịu khổ, chịu thử lửa. 1Phierơ đoạn 2 câu 21, "Anh em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chơn Ngài". 1Phierơ đoạn 3 câu 13 đến 15 chép: "Ví bằng anh em sốt sắng làm lành thì có ai làm dữ lại cho anh em? Nếu anh em phải vì sự công bình mà chịu khổ, ấy thật là có phước. Chớ sợ điều họ sợ và đừng rối trí; nhưng hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em, song phải hiền hòa và kính sợ." Chúng ta thấy tại đây một lần nữa nhấn mạnh trọng tâm về sự chịu khổ vì danh Chúa. 1Phierơ đoạn 4 câu 12 và 13, "Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Nhưng anh em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, hầu cho đến ngày vinh hiển của Ngài hiện ra, thì anh em cũng được vui mừng nhảy nhót." Vị sứ đồ đang nói rằng thực tế của thế giới này là đau khổ, xung đột và tranh chiến cùng hội thánh Đấng Christ. Khải Huyền đoạn 12 cho chúng ta thấy sự bắt bớ và ghen ghét liên tục vẫn luôn là cuộc theo đuổi của ma quỷ đối cùng hội thánh. Như thế gian ghen ghét Đấng Christ thể nào thì họ cũng ghen ghét những người tin cậy Ngài thể ấy. Kinh Thánh cho thấy Cơ Đốc Nhân chúng ta có thể chắc rằng phải chịu khổ vì đấng Christ. Ấy chính là giữa thực tế này của đời sống Cơ Đốc mà lời chúc phước được viết ra, "Nguyền xin ân điển và sự bình an thêm lên cho anh em!" Làm thế nào lời chúc phước bình an và ân điển này có thể thành hiện thực cho những tín đồ Đấng Christ được?

Khi xem đoạn Kinh Thánh này, chúng ta cần hiểu ý của vị sứ đồ khi nói đến ân điển. Khi nói đến ân điển, ông nói đến toàn bộ công việc của Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi của chúng ta. Khi xem cách ông dùng từ này trong suốt thư tín, chúng ta sẽ hiểu ý ông muốn nói đến công việc của Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi chúng ta. Ân điển phải liên quan với điều gì đó không bởi công trạng của chúng ta và chúng ta không xứng đáng được. Ân điển là điều chúng ta nhận lãnh không phải vì chúng ta xứng đáng mà vì Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta cách nhưng không. Mối liên hệ của Đức Chúa Trời với dân sự Ngài xuyên suốt Kinh Thánh rõ ràng là mối tương giao của ân điển. Chúng ta hiểu rằng chúng ta đều là tội nhân. Như Kinh Thánh dạy chúng ta, "Tiền công của tội lỗi là sự chết." Sống chống nghịch Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo chúng ta, chúng ta đáng chịu sự đoán xét và thạnh nộ của Ngài. Kinh Thánh dạy rằng mọi người đều đã phạm tội và đáng phải chịu hình phạt vì tội lỗi đó. Vì tấm lòng tội lỗi của con người, con người trở nên thù nghịch cùng Đức Chúa Trời. Sự sa bại của tấm lòng phải chăng là thực tế rất cá nhân của hết thảy chúng ta? Vấn đề không chỉ là tất cả chúng ta đều sa ngã trong tội lỗi của Ađam, nhưng nếu đánh giá chân thành về tấm lòng chúng ta trước tấm gương của luật pháp Đức Chúa Trời, chúng ta biết rõ rằng chúng ta đều phạm tội cùng Ngài. Chúng ta phạm tội cùng Ngài hằng ngày. Tội lỗi trong quá khứ chúng ta đã chồng chất thành một khối khổng lồ. Trừ khi được Đức Chúa Trời tha thứ, chúng ta không thể đứng trước Đức Chúa Trời mà nói rằng chúng ta đáng được Ngài chiếu cố. Chúng tôi thường đặt câu hỏi này cho những thuộc viên mới của hội thánh "Nếu bạn tin nhận Chúa, vì sao Chúa cho phép bạn vào thiên đàng?" Có khi chúng tôi nhận được câu trả lời rằng "Tôi được phép vào thiên đàng vì tôi đi nhà thờ, vì tôi sống đời sống thiện hảo." Cách nhìn đó là sai lầm. Chúng ta không thể vào thiên đàng trên cơ sở công trạng riêng của chúng ta. Chúng ta không vào thiên đàng bởi chúng ta là những người tốt. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng thậm chí việc làm thiện hảo nhất của chúng ta cũng bị hoen ố tội lỗi. Chúng ta không xứng đáng tự mình ra mắt Đức Chúa Trời. Chỉ bởi ân điển mà chúng ta được cứu qua đức tin. Điều này không phải bởi chúng ta mà là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Thậm chí đức tin của chúng ta cũng được Đức Chúa Trời ban cho như là một quà tặng ân điển.

Sự trông cậy của tín đồ không tìm thấy trong việc làm của họ mà trong công việc của Đức Chúa Trời cho họ. Chắc chắn đây là điểm được nhấn mạnh xuyên suốt sách 1Phierơ. 1Phierơ đoạn 1 câu 3 chép: "Ngợi khen Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài lấy lòng thương xót cả thể khiến chúng ta lại sanh, đặng chúng ta nhờ sự Đức Chúa Jêsus Christ sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông cậy sống," Chính Đức Chúa Trời là Đấng đáng được ngợi khen. Chính Đức Chúa Trời, trong sự nhân từ dư dật Ngài, đã ban cho chúng ta sự trông cậy đó. Ấy chính ân điển của Đức Chúa Trời cứu chúng ta. Đây là một sứ điệp quý báu cho Cơ Đốc Nhân chúng ta, rằng chúng ta được cứu là bởi ân điển. Thế thì thư tín này bắt đầu với lời chúc phước "Nguyền xin ân điển và sự bình an thêm lên cho anh em" là thích hiệp lắm!

Nguyền xin ân điển được ban cho anh em! Nguyền xin anh em được nếm biết ân điển của Đức Chúa Trời! Nguyền xin anh em được biết sự tha thứ tội lỗi! Nguyền xin anh em được biết sự phán xét của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi anh em, cất đi biết bao tội lỗi, cất lấy tấm lòng đen tối của anh em và rửa sạch nó đi! Trong những bài giảng trước, chúng ta đã nói đến ân điển của Đức Chúa Trời, sự chọn lựa của Ngài, sự biết trước của Ngài đối với dân sự Ngài, sự chọn lựa toàn quyền tể trị của Ngài hầu trong tình yêu mà chọn lựa một dân tộc không xứng đáng để tôn vinh hiển cho Ngài. Ngài kéo chúng ta đến cùng Ngài, hành động trong lòng chúng ta thông qua Thánh Linh Ngài áp dụng công tác cứu rỗi vào chúng ta, thánh hóa chúng ta, tẩy sạch lòng chúng ta, biệt riêng chúng ta ra làm dân sự Ngài. Ấy chính Đấng Christ đã rải huyết Ngài, làm thỏa đáng sự phán xét công chính của Đức Chúa Trời và ban cho chúng ta sự công chính và vâng phục trọn vẹn của Ngài. Ấy chính nhờ Chúa Giêxu mà chúng ta có thể đứng trước ngai phán xét của Đức Chúa Trời một cách trọn vẹn, thánh khiết, công bình. Bởi đó mà trong Đấng Christ chúng ta có thể trở nên những người xứng đáng dự phần sự vinh hiển Ngài. Tôi xin được phép nêu lên cho quý vị một câu hỏi "Quý vị có ý thức được tình trạng tội lỗi và khốn khổ của mình không?", "Chúng ta có ý thức được rằng mình không xứng đáng đứng trước Đức Chúa Trời? Chúng ta có ao ước thoát khỏi tội lỗi đó không?" Kinh Thánh dạy rằng chúng ta chỉ cần tin nơi Chúa Giêxu Christ. Chỉ bởi ân điển Ngài tội lỗi chúng ta mới có thể được tẩy sạch. Chỉ ân điển Đức Chúa Trời, và chỉ ân điển ấy mà thôi, mới có thể ban cho chúng ta sự bình an.

Khi suy nghĩ về ân điển, chúng ta thấy ân điển dẫn chúng ta đến sự bình an. Ân điển đến trước sự bình an. Sự bình an trong ngữ cảnh của đoạn Kinh Thánh chúng ta hôm nay không mang nghĩa là tình trạng không xung đột trên đất này. Sự bình an ở đây là sự bình an không của thế gian này, sự bình an thiên thượng, sự bình an vượt khỏi thế gian này. Sự bình an này chắc chắn ảnh hưởng đến đời sống trên đất của chúng ta nhưng nó bắt nguồn từ thực tế thiên thượng. Trước tiên, nó là sự bình an, hòa thuận cùng Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cho chúng ta biết khi chúng ta còn là người có tội, chúng ta là kẻ thù của Đức Chúa Trời và của vương quốc Ngài. Chúng ta còn nhớ khi con người sa ngã trong Sáng Thế Ký đoạn 3, một thiên sứ được đặt ở cửa vườn với gươm lưỡi chói lòa, một thanh gươm nhằm giữ kẻ thù của Đức Chúa Trời không vào được trong vườn. Ấy là một hình bóng nhắc nhở chúng ta rằng trong tội lỗi, chúng ta là kẻ thù của Đức Chúa Trời. Chỉ ân điển Đức Chúa Trời mới có thể tái lập mối thông công giữa Đức Chúa Trời và dân sự Ngài. Chỉ ân điển Đức Chúa Trời mới có thể dẫn chúng ta đến sự bình an và mối tương giao thuận hòa với Đức Chúa Trời. Trong Cựu Ước, của lễ thù ân là hình ảnh của mối thông công được tái lập giữa chúng ta với Đức Chúa Trời, một mối gắn bó hòa thuận giữa Đức Chúa Trời và loài người. Mối tương giao hòa thuận này có được nhờ vào của tế lễ. Sự giảng hòa cùng Đức Chúa Trời mang đến cho chúng ta sự bình an lớn nhất, sự hòa thuận cùng Đức Chúa Trời và bởi sự bình an này mà chúng ta có thể có sự trông cậy về sự sống đời đời với Đức Chúa Trời, sự trông cậy về một cơ nghiệp trên trời. Vì vậy mà vị sứ đồ nhiều lần viết cho hội thánh của những người tan lạc chịu khổ này về sự trông cậy về lời hứa của Đức Chúa Trời hầu trong sự trông cậy của họ về sự giảng hòa cùng Đức Chúa Trời, họ có được sự bình an.

Trong Cựu Ước chúng ta cũng thấy điều này trong lời chúc phước của Arôn cho dân Ysơraên: "Cầu xin Đức Giê-hô-va ban phước cho ngươi và phù hộ ngươi! Cầu xin Đức Giê-hô-va chiếu sáng mặt Ngài trên ngươi, và làm ơn cho ngươi! Cầu xin Đức Giê-hô-va đoái xem ngươi và ban bình an cho ngươi!" Ân điển và sự bình an là những yếu tố trong lời chúc phước của Arôn cho dân Ysơraên. Họ cũng cần ân điển của Đức Chúa Trời, ân điển được biểu tượng trong của tế lễ là hình bóng chỉ về Đấng Christ. Họ cũng có thể có sự bình an bởi biết rằng họ đã được làm hòa cùng Đức Chúa Trời và Ngài ngự giữa họ. Đây chính là sự bình an khiến chúng ta được bình an trong thế giới nhiều vấn nạn này. Chúng ta không thể hy vọng có được sự bình an của thế gian này. Chúng ta không thể hy vọng rằng một ngày nào đó thế gian tội lỗi này, thế gian của những xung đột, chiến tranh và đau khổ này sẽ không còn như thế nữa. Thế gian tội lỗi này, cho đến cuối cùng khi Chúa trở lại phán xét, sẽ vẫn còn đầy dẫy những xung đột. Thế nhưng, chúng ta là hội thánh Đức Chúa Trời có thể có sự bình an giữa những thử thách và khổ nạn. Chúng ta có thể có được một sự bình an vượt quá thế gian này. Chúng ta có thể đọc về sự bình an này trong nhiều chỗ trong Kinh Thánh. Giăng đoạn 14 câu 27 và 28 chép: "Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi. Các ngươi từng nghe ta nói rằng: Ta đi, và ta trở lại cùng các ngươi. Nếu các ngươi yêu mến ta, thì sẽ vui mừng về điều ta đi đến cùng Cha, bởi vì Cha tôn trọng hơn ta." Đó là sự bình an mà Chúa ban. Trong Giăng đoạn 16 câu 33, "Ta đã bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các ngươi có lòng bình yên trong ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi!" Chúa Giêxu nói rằng dù chúng ta đang sống trong một thời hoạn nạn, chúng ta có thể có sự bình an trong sự hiểu biết về công việc của Đấng Christ đã hoàn tất: Ngài đã đắc thắng thế gian và sự thống khổ nó. Philíp đoạn 4 câu 6 và 7 chép: "Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn và trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ." Rôma đoạn 8 câu 34 đến 39, "Ai sẽ lên án họ ư? Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng đã chết, và cũng đã sống lại nữa. Ngài đang ngự bên hữu Đức Chúa Trời, cầu nguyện thế cho chúng ta. Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương của Đấng Christ? có phải hoạn nạn, khốn cùng, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, hay là gươm giáo chăng? Như có chép rằng: Vì cớ Ngài, chúng tôi bị giết cả ngày; Họ coi chúng tôi như chiên định đem đến hàng làm thịt. Trái lại, trong mọi sự đó, chúng ta nhờ Đấng yêu thương mình mà thắng hơn bội phần. Vì tôi chắc rằng bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta." Chúng ta có đang lo phiền không? Chúng ta có đang lo sợ về những gì sẽ xảy đến không? Những người lính trong quân ngũ giữa chiến trận có thể nói rằng mình có sự bình an không? Họ có thể có sự bình an nếu họ biết tình yêu và ân điển Đức Chúa Trời, nếu họ tin nơi Chúa Giêxu Christ. Giữa nguy cơ khủng bố, giữa sự bắt bớ và chịu khổ, liệu chúng ta có thể biết sự bình an không? Chắc chắc là có! Khi tôi nghĩ đến những người đã bị thiêu sống vì đức tin, họ đã bước đi trên đường với lời ca ngợi Chúa trên môi. Họ rời thế gian này với sự bình an trọn vẹn và kiên quyết bởi họ tin chắc vững vàng nơi Chúa. Cơ Đốc Nhân chúng ta có thể có sự bình an bất chấp hoàn cảnh nào biết rằng Đức Chúa Trời chăm xem chúng ta và ban cho chúng ta một sự trông cậy vinh hiển. Chúng ta có thể có được sự bình an trong hoạn nạn nếu chúng ta biết Đấng Christ và ân điển Ngài.

Cuối cùng, khi xem xét về sự bình an và ân điển, Kinh Thánh chép: "Nguyền xin ân điển và sự bình an thêm lên." Điều này có nghĩa là xin cho sự bình an này được gia tăng, lớn lên. Tại đây là sự nhìn nhận rằng có sự tăng trưởng trong đời sống Cơ Đốc của chúng ta và trong sự bình an đó. Chữ "thêm lên" tại đây trong nguyên ngữ được dùng theo một thể thức nhằm thể hiện một lời chúc hay lời cầu xin chân thành cho dân sự Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy những chữ này được dùng trong lời chào thăm của thư tín 2Phierơ và Giuđe nữa. Khi suy nghĩ về điều này, đây cũng nên là lời cầu nguyện của chúng ta nữa. Đây không phải là điều chúng ta có thể tự mình làm ra. Chúng ta không thể tự tạo ra sự bình an và ân điển cho mình. Đây là điều Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta. Đây cần lời cầu nguyện của mỗi tín đồ. Ngày hôm nay lời cầu nguyện của tôi cho quý vị cũng là xin cho quý vị được biết ân điển của Đức Chúa Trời, sự tha thứ tội lỗi và sự trông cậy về sự sống đời đời. Xin cho quý vị từng trãi được sự bình an của Đức Chúa Trời trong thế gian đầy tranh chiến này. Nguyền xin ân điển và sự bình an thêm lên cho quý vị! Amen!

Lạy Cha thiên thượng quyền năng của chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài vì ân điển chúng con được nhìn biết trong Chúa Giêxu Christ, ân điển của Chúa chịu chết của chúng con, Đấng chịu khổ trên thập tự giá vì chúng con và trả giá đền tội lỗi chúng con, tẩy khỏi chúng con mọi sự không công bình của chúng con, khiến chúng con làm dân sự Ngài. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết ơn Chúa về ân điển Ngài. Xin cũng ban cho chúng con sự bình an. Trong khi thế gian đang bị đảo lộn bởi những xung đột và tranh chiến, chúng con biết rằng nếu chúng con đã được giảng hòa cùng Ngài, thì dù thế gian có đối đãi chúng con như thế nào, chúng con vẫn đứng nổi, chúng con có thể bình an bởi không điều gì có thể phân cách chúng con khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Xin cho sự bình an và ân điển Ngài được thêm lên cho chúng con hầu chúng con có thể tin cậy vững vàng nơi Ngài. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu Christ. Amen.

Dịch từ bài giảng của Rev. Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)