Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Chức Tế Lễ Của Mọi Tín Hữu - 5/2008  


CHỨC TẾ LỄ CỦA MỌI TÍN HỮU
(1Phierơ 2:5b)

Kính thưa hội thánh yêu dấu của Chúa Cứu Thế Giêxu. Hôm nay tôi muốn trình bày tổng quát về lập luận của sứ đồ Phierơ cho đến điểm này của thư tín 1Phierơ. Chúng ta rất dễ tập trung vào chi tiết của đoạn văn mà đánh mất đi cái nhìn tổng quát, toàn bộ bức tranh mà đoạn Kinh Thánh muốn vẽ nên. Trong sách 1Phierơ, phần thứ nhất bắt đầu từ đoạn 1 bằng lời chào thăm gửi cho những người lưu lạc và phần đầu nầy chấm dứt ở đoạn 2 câu 12, mà tại đó một lần nữa câu 11 đề cập đến người nhận thư là "người ở trọ, kẻ đi đường". Phần này bắt đầu và chấm dứt bằng sự đề cập đến những con dân lưu lạc của Đức Chúa Trời. Cả phần đầu trong sách nầy quan tâm đến một vấn đề là địa vị của chúng ta; địa vị của dân sự Đức Chúa Trời trong thời Tân ước.

Là người tin Chúa chúng ta là ai? Chúng ta là ai trong mối liên hệ với thế gian mà chúng ta đang sống? Khi chúng ta học tiếp phần đầu của sách 1Phierơ này thì chúng ta sẽ thấy lập luận được trình bày ở đây: Hội thánh là dân Ysơraên mới. Một dân Ysơraên mới đã dấn bước vào một cuộc ra đi vinh hiển hơn. Chúng ta là dân đang hành trình về đất hứa. Sự dạy dỗ nầy được tóm tắt cho chúng ta trong 1Phierơ đoạn 2 từ câu 9 đến câu 10 nhưng vẫn còn thể hiện suốt đến trọn phần Kinh Thánh này. Sự so sánh với cuộc vượt khỏi Êdíptô được tìm thấy ở nhiều chỗ. Chúng ta, cũng giống như dân Ysơraên, được gọi là những người ở trọ, những khách bộ hành. Nơi này không phải là quê hương chúng ta. 1Phierơ cho chúng ta biết về một cơ nghiệp được giữ cho chúng ta bởi lời hứa của Đức Chúa Trời. Đây là một cơ nghiệp đảm bảo cho chúng ta bởi Đức Chúa Trời đã phán hứa điều đó cho dân sự Ngài. Ngài phán với chúng ta rằng trong hiện tại chúng ta đang ở giữa thế gian này, đang chịu đựng thử thách và khốn khó, rất giống với dân Ysơraên chịu thử thách khốn khó trong chuyến hành trình đến xứ Canaan. Vì điều đó, chúng ta được dạy phải đặt sự trông cậy mình trên cơ nghiệp được ban cho chúng ta trong ngày cuối cùng. Như dân Ysơraên được biệt riêng ra, được kêu gọi sống thánh khiết, chúng ta, là dân sự Đức Chúa Trời, cũng được kêu gọi sống thánh khiết. Dân Ysơraên, đặc biệt là tại núi Sinai, được kêu gọi phải làm cho mình ra sạch khi ra mắt Đấng Phán Xét toàn năng khi Ngài ngự xuống trên núi. Cũng thế, chúng ta đứng trước Đấng Phán Xét trong sự kính sợ trước mặt Đức Chúa Trời chúng ta. Như dân Yơraên xưa nhận lãnh lời Đức Chúa Trời suốt những ngày trong đồng vắng, 1Phierơ đoạn 1 cũng cho chúng ta biết chúng ta được nhận lãnh lời Ngài "anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hay hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời." Như dân Ysơraên nhận lãnh Lời Đức Chúa Trời, chúng ta được cho biết rằng hội thánh Tân Ước cũng nhận lãnh Lời Ngài. Sau khi qua khỏi Sinai, Xuất Êdíptô ký cho chúng ta biết rằng dân Ysơraên được truyền cho xây dựng đền tạm. Tại đây trong bài học trước chúng ta cũng được cho biết thể nào đền thờ Đức Chúa Trời, nơi ngự của Ngài, đang được xây dựng nên. Sách Xuất Êdíptô ký cũng chép về sự thiết lập chức tế lễ trong dân sự Đức Chúa Trời. Tại đây, chúng ta cũng đọc thấy về việc chúng ta được lập làm chức tế lễ của Đức Chúa Trời. Địa vị chúng ta đang được nhấn mạnh tại đây. Chúng ta cần hiểu mình là dân Ysơraên mới của Đức Chúa Trời đang trên chuyến ra đi mới và sau chót về một cơ nghiệp đời đời. Chúng ta có thể nói cuộc "xuất Êdíptô" đang được tái diễn với chúng ta là những người trong chuyến hành trình. Đọc sách Xuất Êdíptô Ký, chúng ta đang đọc câu chuyện của chính chúng ta. Đôi khi tôi lo rằng quý vị cho rằng mối liên hệ giữa Tân và Cựu ước này quá sâu hay dường như không mấy gì liên quan đến chúng ta. Chúng ta không nhìn thấy được mối tương quan của nó với cuộc sống ngày thường của chúng ta. Thế nhưng chúng ta thấy rằng mối liên hệ này có thể được nhìn thấy rõ ràng nếu học hỏi kỷ lưỡng xuyên suốt phần Kinh Thánh này. Chúng ta không cần tìm hiểu ẩn ý hoặc gán ghép tùy tiện ý nghĩa vào những từ ngữ. Chính đoạn Kinh Thánh đưa ra những kết luận này và mọi điều đó có một mục tiêu rõ ràng. Đức Chúa Trời muốn chúng ta nhìn thấy mình là dân Ysơraên mới. Ấy là chủ điểm của 1Phierơ.

Ngài muốn chúng ta hiểu rằng chúng ta đang trên một chuyến hành trình. Ngài muốn chúng ta biết rằng thế gian mà chúng ta đang sống đây không phải là nhà chúng ta. Chúng ta chỉ đang đi ngang qua để hướng về đất hứa. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta thư tín này. Ngài muốn chúng ta biết chắc rằng cơ nghiệp chúng ta đang được giữ cho chúng ta, rằng chúng ta được vững tâm về sự tồn tại của cơ nghiệp đó, rằng cơ nghiệp đó đang được giữ cho chúng ta bởi năng quyền Đức Chúa Trời qua sự sống lại của Đấng Christ. Tại sao? Thành thật mà nói, chúng ta có xu hướng nghi ngờ và cần phải được bảo đảm như dân Ysơraên xưa khi đi qua đồng vắng. Khi họ bắt đầu nghi ngờ lời hứa Đức Chúa Trời, họ bắt đầu nhìn lui lại những năm tháng nô lệ tại Aicập và thậm chí còn thấy những điều đó là hấp dẫn đối với mình nữa. Đức Chúa Trời muốn chúng ta hiểu rằng đời sống này vẫn tràn đầy những thử thách và những thử thách này nhiều lúc thử luyện đức tin chúng ta. Thế gian mà chúng ta đang sống đây tràn đầy những tranh chiến cả về thể xác lẫn về tâm linh. Tuy nhiên những vấn nạn này chỉ tồn tại trong giây lát khi so với sự cứu rỗi đã được chuộc mua cho chúng ta trong Đức Chúa Giêxu Christ. Đức Chúa Trời muốn chúng ta hiểu rằng chúng ta là những viên đá sống bởi mối tương quan của chúng ta với hòn đá hằng sống đã sống lại. Ngài muốn chúng ta biết rằng là dân sự Ngài, chúng ta tạo nên một đền thờ mới, một nhà của Đức Chúa Trời. Ngài muốn chúng ta biết rằng Ngài ngự trong chúng ta, ngự với dân sự Ngài nhờ vào công việc của Đấng Christ. Bởi điều này chúng ta có thể luôn chắc chắn về sự hiện diện của Ngài trong những giây phút đen tối nhất của cuộc đời mình. Điều này cũng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta được kêu gọi đến sự thánh khiết bởi chính Đức Chúa Trời ngự trong đền thờ Ngài. Xuyên suốt đoạn Kinh Thánh này, Đức Chúa Trời thiết lập địa vị của chúng ta là dân Ysơraên mới của Đức Chúa Trời. Ngài muốn chúng ta hiểu biết điều đó trước khi đi vào vấn đề những hàm ý của địa vị này. Hiểu biết chúng ta là ai, là hội thánh Tân Ước, có những hàm ý cho chúng ta. Một khi nắm được vấn đề, nó thay đổi cách chúng ta suy nghĩ về cuộc sống trong thế gian này, mối tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời và những gì Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta trong Đấng Christ.

Tôi nhận ra rằng tôi đã đi hơi xa trong phần giới thiệu này để giải thích ngữ cảnh của phần đầu sách 1Phierơ. Thế nhưng trong phần Kinh Thánh này, một lần nữa, vị sứ đồ đang thúc đẩy chúng ta trong sự thiết lập địa vị chúng ta là hội thánh của Đấng Christ. Vấn đề không chỉ là chúng ta được làm nên những viên đá sống xây nên nhà thiêng liêng của Đức Chúa Trời mà những đá sống này cũng được mô tả như là những thầy tế lễ trong đền thờ thánh của Đức Chúa Trời. Chúng ta không chỉ là những viên đá mà chúng ta còn là những thầy tế lễ hầu việc bên trong. Những tín hữu trong Đấng Christ được gọi là chức tế lễ thánh theo như phần Kinh Thánh hôm nay. Chúng ta thường ít nghĩ đến đền thờ và thầy tế lễ vì những điều này không quen thuộc đối với suy nghĩ và văn hóa chúng ta. Vai trò của thầy tế lễ và đền thờ có lẽ được hiểu rất rõ trong thời kỳ của sách 1Phierơ đặc biệt là với người Do Thái, là dân tộc rất quen thuộc với sự hoạt động của đền thờ và thầy tế lễ. Điều này chắc cũng rất rõ ràng đối với người Hy Lạp bởi họ cũng xây những đền thờ vĩ đại và những thầy tế lễ tận tụy cho việc thờ cúng một thần nào đó. Tuy nhiên tại đây chúng ta chắc rằng sứ đồ Phaolô đang nghĩ về chức tế lễ mà Đức Chúa Trời lập nên trong Cựu ước để dành cho sự hầu việc trong đền thờ Ngài. Cũng thế, Đức Chúa Trời cũng kêu gọi chúng ta, những tín hữu thời Tân Ước, bước vào chức tế lễ. Chúng ta để ý rằng trong Cựu ước chức dịch này cũng được ban cho hết thảy dân Ysơraên. Nếu mở ra trong Xuất Êdíptô ký đoạn 19 câu 6, trước sự ban cho luật pháp, Đức Chúa Trời phán về dân sự Ngài rằng: "Các ngươi sẽ thành một nước thầy tế lễ, cùng một dân tộc thánh cho ta. Bấy nhiêu lời đó ngươi sẽ nói lại cùng dân Y-sơ-ra-ên." Trên một phương diện nào đó, chức dịch này được ban cho toàn thể dân Ysơraên là dân được kêu gọi làm tôi tớ Đức Chúa Trời. Đây cũng là quan điểm cải cách về chức tế lễ của hết thảy mọi tín hữu. Đây là điều được biện hộ trong phần Kinh Thánh này. Không phải chỉ một số ít người nào đó được kêu gọi làm chức tế lễ mà là chức tế lễ của hết thảy những ai tin cậy Đức Chúa Trời. Dù trong Cựu ước, dòng dõi Arôn và người Lêvi được kêu gọi vào chức tế lễ như là những người đại diện cho dân sự Đức Chúa Trời, chức vụ đặc biệt đó ngày nay không còn cần thiết nữa bởi chúng ta đọc thấy trong sách Hêbơrơ rằng Đấng Christ đã dâng của tế lễ cho chức vụ chuộc tội đó một lần đủ cả, phó chính mình Ngài làm của tế lễ một lần đủ cả cho dân sự Ngài. Chúng ta hết thảy đều được kêu gọi làm chức tế lễ cho Đức Chúa Trời.

Khi xem những đòi hỏi của Cựu ước cho chức tế lễ hầu việc trong đền thờ, ta thấy rằng yếu tố nổi bật nhất là những thầy tế lễ được kêu gọi phải thánh khiết. Xuất Êdíptô ký cho chúng ta thấy quần áo của thầy tế lễ được mô tả hết sức cụ thể: quần áo của thầy tế lễ hầu việc trước mặt Đức Chúa Trời phải thanh sạch và không vết. Sách Lêvi ký và Dân số ký cho thấy họ được kêu gọi phải ăn mặc tốt đẹp. Họ phải ra mắt Đức Chúa Trời một cách sẵn sàng. Họ phải thánh sạch về đạo đức. Họ có những tiêu chuẩn cho đời sống hôn nhân của họ. Họ không được ra mắt Đc Chúa Trời trong tình trạng ô uế. Họ không được đụng vào xác chết. Họ phải thanh sạch. Họ được kêu gọi phải gìn giữ sự thanh sạch không chỉ về thể xác mà còn gìn giữ sự thanh sạch bên trong nữa. Không điều chi ô uế được đụng đến họ. Chúng ta cũng được biết rằng trước khi họ phục sự trước mặt Đức Chúa Trời, họ phải vì chính mình mà dâng của tế lễ trước đã. Chính họ cũng cần sự rẩy huyết của Đấng Christ để thanh tẩy họ hầu họ được thanh sạch và thánh khiết để hầu việc trong đền thờ Đức Chúa Trời. Dân số ký đoạn 18 cho chúng ta biết rằng những thầy tế lễ hầu việc trong nhà Đức Chúa Trời phải thuộc dòng dõi thầy tế lễ. Ngoài ra, chỉ những ai thuộc dân Ysơraên mới được bước vào đền thờ. Người ngoại hay khách lạ không được phép vào đền thờ Đức Chúa Trời, nếu vi phạm, họ phải bị xử tử. Thánh Kinh Cựu ước cho chúng ta ý niệm rằng những thầy tế lễ được biệt riêng ra thánh. Mũ họ đội trên đầu xưng rõ điều đó: Thánh cho Đức Giêhôva. Thầy tế lễ phải nên thánh cho Đức Giêhôva. Điều này có nghĩa là chúng ta không thể làm thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời mà không thánh khiết. Chúng ta cũng hiểu rằng tự bản thân chúng ta không thể thánh khiết. Chúng ta là những tội nhân. Tự chúng ta, chúng ta làm ô uế đền thờ Ngài. Chúng ta là những tôi tớ không xứng đáng. Làm sao chúng ta có thể đứng trong sự hiện diện Ngài và hầu việc như những thầy tế lễ được? Chúng ta nhớ đến đoạn Kinh Thánh trong Xachari đoạn 3, khi tiên tri Giêhôsua, thầy tế lễ tối cao của Đức Chúa Trời hầu việc trước mặt Ngài trong khi Satan chỉ trích ông rằng ông không thích hiệp để hầu việc trong đền thờ Ngài bởi ông đang mặc áo bẩn. Ông không thánh khiết, không xứng đáng để phục sự Ngài. Tại đây Đức Chúa Trời hai lần quở trách Satan. Ngài cất đi và thay áo bẩn cho Giêhôsua bằng áo công bình. Cũng thế, khi nghĩ đến chính bản thân mình là thầy tế lễ Đức Chúa Trời, chúng ta cũng cần hiểu rằng chúng ta cần phải được làm nên thánh. Như Giêhôsua, tội lỗi chúng ta cần phải được cất đi. Bên ngoài Chúa Giêxu, chúng ta không xứng đáng để hầu việc. Để làm một thầy tế lễ trong nhà Đức Chúa Trời, chúng ta phải được nên thánh khiết. Nếu muốn được nên thánh, chúng ta phải ở trong Đấng Christ. Chúng ta phải tin nhận Ngài. Những người ở ngoài không được phép bước vào nhà Đức Chúa Trời. Thế thì đây là sự kêu gọi cho chúng ta: Nếu chúng ta muốn làm thầy tế lễ trong nhà Đức Chúa Trời, ngày đêm hầu việc Ngài, kinh nghiệm mối thông công tuyệt vời với Ngài thì trước hết chúng ta phải trở lại với Đấng Christ hầu chúng ta được làm nên thánh khiết. Chúng ta phải được thanh tẩy. Phải có huyết đổ ra vì chúng ta. Chúng ta cũng được kêu gọi đến đời sống thích hiệp với chức vụ mà mình được gọi đến. Chúng ta không chỉ được thanh tẩy bởi huyết Đấng Christ mà giờ đây khi đã được thanh tẩy, chúng ta được kêu gọi sống đời sông thánh khiết trước mặt Chúa. Dân số ký đoạn 18 nói đến nhiệm vụ của thầy tế lễ, tại đó chúng ta cũng đọc thấy những phước hạnh của chức vụ này. Dân số ký đoạn 18 câu 7 chép: "Nhưng ngươi và các con trai ngươi phải kỹ lưỡng lo cho xong chức tế lễ, quản trị các điều chi thuộc về bàn thờ, và vật chi ở phía trong màn; các ngươi phải làm việc mình tại đó. Chức tế lễ của các ngươi là một việc ta phong cho như một của ban: người ngoại nào đến gần sẽ bị xử tử." Chúng ta cần hiểu rằng chức tế lễ là một ân tứ mà Đức Chúa Trời ban cho Arôn, các con trai ông và người Lêvi. Nó là ân tứ bởi họ được đặc quyền hầu việc Đức Chúa Trời trong đền thờ Ngài.

Thi Thiên 27 câu 4 chép: "Tôi đã xin Đức Giê-hô-va một điều, và sẽ tìm kiếm điều ấy! Ấy là tôi muốn trọn đời được ở trong nhà Đức Giê-hô-va, Để nhìn xem sự tốt đẹp của Đức Giê-hô-va, Và cầu hỏi trong đền của Ngài." Thi Thiên 84 bày tỏ lòng ham thích ở trong sự hiện diện Đức Chúa Trời của tác giả Thi Thiên, "Hỡi Đức Giê-hô-va vạn quân, Nơi cư trú Ngài đáng thương thay!... Vì một ngày trong hành lang Chúa đáng hơn một ngàn ngày khác. Thà tôi làm kẻ giữ cửa trong nhà Đức Chúa Trời tôi, Hơn là ở trong trại kẻ dữ" (Thi Thiên 84:1,10). Chúng ta cũng đọc thấy điều này trong Thi Thiên 135. Chúng ta thấy rằng có một sự vui mừng, một ân tứ mà Đức Chúa Trời ban cho những thầy tế lễ hầu việc trong nhà Ngài. Đây là ân tứ tối cao của mọi tín hữu, tức là đặc quyền làm thầy tế lễ Đức Chúa Trời. Điều này cũng được bày tỏ trong sách Khải Huyền khi Kinh Thánh dạy chúng ta rằng chúng ta cũng là một dân thầy tế lễ, "và Ngài đã làm cho những người ấy nên nước, và thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời chúng ta; những người ấy sẽ trị vì trên mặt đất" (Khải huyền 5:10). Khải Huyền đoạn 7 cũng chép rằng chúng ta là những người ngày đêm hầu việc trước ngai Đức Chúa Trời. Khải Huyền đoạn 20 câu 6 chép: "Phước thay và thánh thay những kẻ được phần về sự sống lại thứ nhứt! Sự chết thứ nhì không có quyền gì trên những người ấy; song những người ấy sẽ làm thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và của Đấng Christ, cùng sẽ trị vì với Ngài trong một ngàn năm." Những câu Kinh Thánh trên nhấn mạnh cho chúng ta rằng đây là điều Đức Chúa Trời đã chuộc mua cho chúng ta qua huyết Đấng Christ hầu chúng ta được trở nên thầy tế lễ hầu việc Đức Chúa Trời, thầy tế lễ đời đời cho Ngài, dâng lên Ngài những của lễ đẹp lòng Ngài.

Đoạn Kinh Thánh chúng ta cho biết rằng chúng ta được kêu gọi làm chức tế lễ hầu dâng cho Ngài của tế lễ thiêng liêng đẹp lòng Đức Chúa Trời qua Đấng Christ. Trước hết, chúng ta để ý rằng những của lễ này là của lễ thiêng liêng. Chúng ta không còn cần giết con sinh, không cần sự chết như công việc của thầy tế lễ Cựu ước. Không còn cần giết những con vật trên bàn thờ Đức Chúa Trời. Của tế lễ đã được làm trọn một lần đủ cả trong Đấng Christ. Chúng ta không còn bị buộc phải có sự đổ huyết nữa bởi huyết Đấng Christ đã thỏa đáp hết mọi đòi hỏi đó. Thay vào đó chúng ta cần dâng lên của lễ thiêng liêng của sự hầu việc cho Đức Chúa Trời mà không phải là của tế lễ cụ thể đòi hỏi phải giết con sinh thay cho chúng ta. Chúng ta cần hiểu rằng những của tế lễ này không chuộc tội cho ai. Những của tế lễ mà chúng ta dâng lên Đức Chúa Trời trong chức vụ thầy tế lễ không phải là sự đền trả cho tội lỗi. Không có điều gì chúng ta dâng lên Đức Chúa Trời có thể làm thỏa đáng sự công chính trọn vẹn của Đấng Christ. Thi Thiên 49 cho chúng ta biết rằng những tế lễ đó quá đắt giá đối với chúng ta đến nỗi không ai có thể cho ai sự cứu rỗi được. Êsai đoạn 64 câu 4 chép rằng dù công việc thiện hảo nhất của chúng ta cũng chỉ như áo nhớp. Chúng ta không có khả năng bởi công việc mình, hay của tế lễ của mình mua được chút đặc ân gì trong mắt Đức Chúa Trời. Vì thế của tế lễ mà Chúa nói đến tại đây không phải là của tế lễ chuộc tội bởi Đấng Christ là của tế lễ duy nhất đền trả tội lỗi. Ngài đền trả cho tội lỗi một lần đủ cả. Của lễ này không được dâng lên một lần nữa mà đã được làm trọn. Đấng Christ đã thỏa đáp đòi hỏi công chính thiên thượng của Đức Chúa Trời. Của tế lễ của chúng ta được Đức Chúa Trời nhậm qua Đấng Christ. Của lễ chúng ta không tự nó được dâng lên mà được thánh hóa bởi huyết Đấng Christ. Trong Cựu ước chúng ta đã nhìn thấy sự phân biệt đó giữa các của tế lễ. Một số của tế lễ là hình ảnh của sự chuộc tội mà cuối cùng Đấng Christ sẽ dâng lên. Ấy là của lễ chuộc tội, là ngày lễ chuộc tội khi con dê được dâng lên. Những điều này mô tả công tác chuộc tội của Đấng Christ. Tuy nhiên, cũng có những của tế lễ khác được dâng lên trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời gọi là của lễ cảm tạ, là của lễ dâng lên để tỏ lòng biết ơn cho Đức Chúa Trời vào mùa gặt về những gì Đức Chúa Trời đã ban cho. Ấy chính là của tế lễ này, không phải là của lễ chuộc tội, mà chúng ta dâng lên cho Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, chúng ta được kêu gọi dâng lên của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, đó là của lễ được thực hiện theo ý Đức Chúa Trời. Tôi thường ái ngại khi thấy người ta dâng lên những của tế lễ không đẹp lòng Đức Chúa Trời. Tôi thấy ái ngại khi nghe một cuộc thảo luận của một giáo phái khác về vấn đề phụ nữ trong chức vụ lãnh đạo hội thánh và thể nào những người phụ nữ này muốn hầu việc Chúa bằng cách nắm giữ những chức vụ mục sư, trưởng lão v.v... và cho rằng mình đang hầu việc Đức Chúa Trời và dâng của lễ cho Ngài. Chúng ta thấy rõ trong Kinh Thánh rằng những của lễ đó không đẹp lòng Đức Chúa Trời. Đây không phải là điều mà Đức Chúa Trời đã dự định cho chức vụ đó. Đó không phải là của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời mà ngược lại còn đi ngược lại ý muốn Ngài. Tại đây kêu gọi chúng ta dâng lên Đức Chúa Trời những của lễ thích hiệp Lời Ngài. Chúng ta thấy điều này hết sức quan trọng bởi trong Cựu ước thể nào của tế lễ của hai con trai Arôn là Nađáp và Abihu cuối cùng dẫn đến sự thiệt mạng của chính họ. Của lễ của chúng ta phải thích hiệp với ý đã mặc khải của Đức Chúa Trời. Thế thì khi chúng ta thờ phượng, chúng ta thờ phượng theo ý Đức Chúa Trời. Chúng ta hầu việc Ngài theo như điều Ngài dạy bảo chúng ta trong lời Ngài.

Vậy của lễ thiêng liêng mà Kinh Thánh kêu gọi chúng ta dâng lên tại đây cụ thể là gì? Tôi tin rằng Kinh Thánh cũng soi sáng cho chúng ta về vấn đề này. Xin xem trong Thi Thiên 51 câu 16 và 17, "Vì Chúa không ưa thích của lễ, bằng vậy, tôi chắc đã dâng; Của lễ thiêu cũng không đẹp lòng Chúa: Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương: Đức Chúa Trời ôi! lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu." Chúng ta cần dâng của lễ gì cho Đức Chúa Trời hầu được đẹp lòng Ngài? Ấy là lòng đau thương thống hối, là tâm thần đau thương. Chúng ta cần đến trước Ngài nhận rằng mình có tội như Đavít đã làm trong Thi Thiên 51, "Tôi đã phạm tội cùng Chúa, chỉ cùng một mình Chúa thôi." Ông kêu xin sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Ngài muốn chúng ta dâng lên Ngài tâm thần đau thương, tấm lòng thống hối nhận mình có tội và thật lòng ăn năn tội lỗi đó. Thế thì chúng ta dâng của lễ đó cho Ngài khi chúng ta quỳ gối xuống xin Ngài tha thứ tội lỗi chúng ta. Ấy là của tế lễ đẹp lòng Ngài. Rôma đoạn đoạn 12 câu 1, "Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào." Chúng ta phải hy sinh chính cái tôi chúng ta, hết thảy của chính chúng ta, ý chí, tình cảm, tấm lòng, hoạt động của chúng ta làm của tế lễ cho Đức Chúa Trời. Kinh Thánh dạy chúng ta, mọi việc làm của chúng ta, hoặc ăn hoặc uống cũng phải vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm, cảm tạ Ngài vì mọi sự Ngài làm cho chúng ta. Philíp đoạn 2 câu 17, sứ đồ Phaolô nói về mình rằng: "Ví dầu huyết tôi phải dùng để tưới trên của tế lễ và của dâng đức tin anh em tôi cũng vui lòng, lại đồng vui với anh em hết thảy." Tại đây ông đang nói về sự rao giảng lời Đức Chúa Trời dù giữa sự bắt bớ, tranh chiến, ấy là của lễ hy sinh cho Đức Chúa Trời đẹp lòng Ngài khi chúng ta truyền rao Lời Ngài khắp nơi. Philíp đoạn 4 câu 18 chép: "Vậy, tôi đã nhận được hết, và đương dư dật; tôi được đầy dẫy vì đã nhận đồ nơi Ép-ba-phô-đích mà anh em gởi cho tôi, như một thứ hương có mùi thơm, tức là một của lễ Đức Chúa Trời đáng nhận, và đẹp lòng Ngài." Của tế lễ đề cập đến tại đây là của tế lễ về tiền bạc, vật chất mà chúng ta dâng lên cho Đức Chúa Trời và cho công việc Ngài, hay qua sự dâng hiến tại hội thánh. Hêbơrơ đoạn 12 câu 28 nói đến một loại của lễ nữa, "Như vậy, vì chúng ta có phần trong một nước không hay rúng động, nên hãy cảm ơn, hầu cho lấy lòng kính sợ hầu việc Đức Chúa Trời một cách đẹp lòng Ngài". Một phần của tế lễ chúng ta dâng lên là sống đời sống kính sợ Đức Chúa Trời. Hêbơrơ đoạn 13 câu 15 và 16, "Vậy, hãy cậy Đức Chúa Jêsus mà hằng dâng tế lễ bằng lời ngợi khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông trái của môi miếng xưng danh Ngài ra. Chớ quên việc lành và lòng bố thí, và sự tế lễ dường ấy đẹp lòng Đức Chúa Trời." Tại đây nói đến của tế lễ ngợi khen, của tế lễ vui mừng, bày tỏ lời ngợi khen dâng lên Đức Chúa Trời cho sự cứu rỗi mà chúng ta có được trong Đức Chúa Giêxu Christ. Câu 16 cũng nói đến của tế lễ bằng sự chia sẻ, làm việc tốt. Các em thiếu nhi hãy nghĩ đến điều này, khi các em hầu việc Đức Chúa Trời ngay trong chính mái gia đình của các em, làm thế nào các em dâng lên Đức Chúa Trời một của lễ đẹp lòng Ngài? Bằng cách chia sẻ với anh em trong gia đình, với bạn bè... Của tế lễ đó là đẹp lòng Ngài. Các em hãy nghĩ đến điều đó trong đời sống hằng ngày của mình với anh hị em trong nhà trong tuần tới này nhé. Mác đoạn 12 câu 33, "Thật phải kính mến Chúa hết lòng, hết trí, hết sức và yêu kẻ lân cận như mình, ấy là hơn mọi của lễ thiêu cùng hết thảy các của lễ." Tại đây Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta đến với một đời sống trọn vẹn yêu mến Ngài và phục vụ người lân cận, ấy là của lễ đẹp lòng Ngài. Cuối cùng là Mathiơ đoạn 16 câu 24, 25 nói đến đỉnh cao của của lễ mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta dâng lên. Nó là đỉnh cao của của lễ vì nó được dâng lên tương tự như chính của lễ của Đấng Christ, "Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng môn đồ rằng: Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta. Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mà mất sự sống mình thì sẽ được lại." Đức Chúa Trời đang kêu gọi chúng ta đến của lễ tối cao là sự vác thập tự giá mình, đóng đinh con người cũ của chúng ta mà theo Ngài, chịu khổ nạn và tranh chiến vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời. Ấy là những của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời. Chúng ta cần biết rằng chúng ta không đền trả tội lỗi mình. Đây không phải là những của lễ chuộc tội mà là những của lễ bày tỏ sự ca ngợi và vinh hiển mà Đức Chúa Trời chúng ta đáng phải được.

Chúng ta thấy rằng Cơ Đốc Nhân là những thầy tế lễ hầu việc Đức Chúa Trời, được mang vào mối thông công ngọt ngào với Ngài, có Đức Chúa Trời hằng ngày ngự giữa mình. Chúng ta đã được làm nên thánh qua Đấng Christ. Chúng ta được kêu gọi dâng chính mình mình làm của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời. Chúng ta không tự mình dâng của lễ cho Đức Chúa Trời mà dâng lên cho Ngài qua Đấng Christ. Ấy chính Đấng Christ thanh tầy những công việc của chúng ta khiến chúng được đẹp lòng Đức Chúa Trời. Cảm tạ Đức Chúa Trời vì sự ban cho của Ngài không xiết kể! Amen!

Lạy Cha toàn năng thiên thượng của chúng con. Khi chúng con hiểu được địa vị của chúng con là dân Ysơraên mới của Đức Chúa Trời, là nước thầy tế lễ được kêu gọi hầu việc Ngài để dâng lên Ngài những của lễ đẹp lòng Ngài, xin cho chúng con xem xét sự kêu gọi mình, vui mừng trong sự hầu việc, được thánh khiết, không bị bại hoại bởi tội lỗi, được thanh tẩy bởi huyết Chiên Con là Đấng đã thanh tẩy hết mọi vi phạm chúng con. Xin cho chúng con sống đời sống thánh khiết trước mặt Ngài khi chúng con ngày đêm hầu việc trong đền thờ Ngài. Xin chúc phước cho chúng con. Chúng con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Giêxu Christ. Amen.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)