Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Cơ Đốc Nhân Sống Giữa Thế Gian - 11/2008  


CƠ ĐỐC NHÂN SỐNG GIỮA THẾ GIAN
(1Phierơ 2:13-17)

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Cơ Đốc Nhân cần có mối quan hệ thế nào với nhà cầm quyền của thế giới mà chúng ta đang sống đây? Đây là trọng tâm của đoạn Kinh Thánh chúng ta hôm nay. Câu trả lời cho vấn đề này không thống nhất giữa Cơ Đốc Nhân xuyên suốt nhiều thời đại. Hãy còn nhiều câu hỏi chưa giải đáp được cho đến ngày hôm nay. Thế thì Cơ Đốc Nhân chúng ta cần nên sống trong mối quan hệ thế nào với chính quyền của xứ sở chúng ta? Một số người cho rằng Cơ Đốc Nhân cần tìm cách tranh giành ảnh hưởng trong chính phủ, rằng họ cần tìm cách thống nhất giáo hội và nhà nước để thiết lập một nền chính trị thần quyền Cơ Đốc hầu thúc đẩy sự cai trị đất nước bằng những nguyên tắc và luật lệ của Thánh Kinh. Tất nhiên ý tưởng này được trình bày bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên chúng ta có thể nhìn thấy nó được thể hiện xuyên suốt dòng lịch sử. Chúng ta nhìn thấy nó nơi đế quốc La Mã khi giáo hội Công Giáo La Mã thống lĩnh sự cai trị đa phần của Châu Âu trong thời Trung Cổ. Chúng ta cũng nhìn thấy điều này trong cuộc nội chiến tại Anh Quốc khi những người thuộc phái Thanh Giáo, cha đẻ của giáo hội Trưởng Lão, chiến đấu để thiết lập một nền chính trị thần quyền. Chúng ta cũng nhìn thấy quan điểm này trong thần học hiện đại với thuyết tái xây dựng. Tuy nhiên một số người khác trả lời cùng câu hỏi này bằng cách ủng hộ cho một sự tách rời tuyệt đối khỏi chính quyền và chính trị. Quan niệm của họ là: chính quyền là một tổ chức của đời và Cơ Đốc Nhân không nên dự phần vào đó. Thế thì chúng ta đưa ra câu hỏi "Liệu Cơ Đốc Nhân có nên thống lĩnh chính quyền và tìm cách thiết lập một nước dưới đất hay Cơ Đốc Nhân nên khước từ chính quyền như là một tổ chức không cần thiết của đời này nên chúng ta không nên dự phần vào đó bởi chúng ta là công dân trên trời?" Hay còn một giải pháp thứ ba?

Kinh Thánh dạy chúng ta nhìn mối liên hệ của chúng ta với nhà cầm quyền theo một cách nhìn không được trình bày một cách thỏa đáng trong những quan niệm kể trên. 1Phierơ đoạn 2 chỉ ra thể nào Cơ Đốc Nhân cần sống giữa môi trường người ngoại. Vấn đề trước hết là thể nào Cơ Đốc Nhân cư xử trong mối quan hệ với nhà cầm quyền. Chúng ta cần bước vào vấn đề này tại một khởi điểm đúng, một cơ cấu liên hệ đúng.

Trước hết, chúng ta hãy xem ngay chữ đầu tiên của câu 13. Câu 13 dẫn chúng ta đến điểm liên hệ bởi chữ "Bởi đó", chữ này khiến chúng ta suy nghĩ đến những gì ở trước nó. Nó đưa chúng ta trở lại với thực sự là chúng ta là "người ở trọ, kẻ đi đường" được kêu gọi sống đời sống đáng tôn trọng giữa vòng người ngoại. Thế thì điểm liên hệ của tín hữu là sự nhắc nhở về công việc của Chúa Giêxu Christ biệt riêng chúng ta khỏi thế gian. Chúng ta được nhắc nhở về công việc của Đấng Christ đã được đề cập trong 1Phierơ đoạn 1, công việc trả nợ tội cho dân sự Ngài, ban sự hy vọng về cơ nghiệp trên trời cho chúng ta. Thiên đàng là quê hương chúng ta, ấy là ý mà đoạn Kinh Thánh chúng ta muốn nói đến. Chúng ta là công dân nước Trời. Chúng ta là dân Ysơraên mới của Đức Chúa Trời. Chúng ta là dân của riêng Ngài, dân chọn lựa của Ngài, biệt riêng khỏi thế gian, nên thánh, bước vào mối thông công với Đức Chúa Trời. Ấy là địa vị của chúng ta và là khởi điểm của chúng ta. Như Phierơ nói trong phần đầu của thơ tín này, chúng ta không chỉ là dân Ysơraên mới mà còn là những người kiều ngụ rải rác, là dân Ysơraên tan lạc khắp nơi trên thế giới, tạm sống giữa những dân ngoại bên ngoài đất hứa. Chúng ta sống tại đây trong sự hiểu biết rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ được gọi về quê hương để nhận lãnh điều đã hứa cho chúng ta, là điều được bảo đảm bởi sự sống lại của Đấng Christ. Chúng ta cần hiểu địa vị của chúng ta tại đây chỉ là tạm thời. Chúng ta là những người khách bộ hành tại đây. Thế gian không phải là nhà chúng ta.

Trong khi đó, chúng ta được dạy phải sống cách hòa bình với những người chung quanh chúng ta. Trong nhiều cách, chúng ta được kêu gọi sống giống như dân Ysơraên trong Giêrêmi đoạn 29. Khi ấy dân Ysơraên đang bị bắt làm phu tù. Trong lúc ấy, Giêrêmi được Đức Chúa Trời sai nói tiên tri cùng họ, bảo họ hãy xây nhà để ở, trồng vườn để ăn trái, cưới vợ, sanh con trai con gái, dựng vợ gả chồng cho con (câu 5). Thế rồi ông cũng nói tiếp, dạy họ hãy cầu nguyện cho sự bình an của thành. Họ phải xây dựng đời sống họ trong giai đoạn nào đó tại Babylôn. Họ phải tham dự vào đời sống của xứ sở đó miễn là nó không vi phạm đến sự hầu việc Đức Chúa Trời của họ. Chúng ta cũng thấy điều này là đúng với vấn đề dự phần vào chính phủ nữa. Những người Giuđa như Đaniên, Sađơrắc, Mêsác và Abếtnêgô, Mạcđôchê phục vụ cho nhà cầm quyền ở Babylôn. Tuy nhiên họ phải làm mọi sự đó với đôi mắt hướng về Giêrusalem. Họ không bao giờ được lãng quên sự liên hiệp thật của họ là nơi đâu. Họ phải luôn nhìn về xứ cơ nghiệp của họ, sẵn sàng lắng nghe tiếng gọi của Đức Chúa Trời kêu gọi họ trở về quê hương. Đây không phải là cơ nghiệp đời đời của họ. Họ không được trở nên gắn bó quá với xứ ở tạm đến nỗi quên đi Ysơraên. Mục tiêu của họ không phải là biến Babylôn thành một nền chính trị thần quyền mới mà là hướng về cơ nghiệp của mình. Bởi đó khi Đaniên cầu nguyện trong xứ Babylôn, ông hướng về thành Giêrusalem mà cầu nguyện. Bởi hội thánh được mô tả như là dân Ysơraên mới của Đức Chúa Trời trong 1Phierơ đoạn 1 và 2, nếu Đức Chúa Trời đã định cho chúng ta thiết lập một nền chính trị thần quyền trên đất này thì Ngài đã không phán trong 1Phierơ đoạn 1 câu 1 rằng chúng ta là những khách bộ hành, hoặc cơ nghiệp chúng ta được giành sẵn trên trời. Chúng ta không tìm kiếm sự thống lĩnh chính phủ mà ngược lại, trong 1Phierơ đoạn 2, chúng ta được dạy không tìm cách thống lĩnh mà "phục theo" nhà cầm quyền là những người được đặt để trên chúng ta. Chúng ta không được kêu gọi thống trị mà là hạ mình, phục vụ trong cộng đồng của chúng ta. Chúng ta không được làm những người dấy loạn, kẻ gây rối, phản nghịch. Chúng ta không được làm kẻ ngang nghịch trong xã hội. Chúng ta cần là người cố gắng hết sức sống hòa thuận với mọi người mà không phải là những cái gai dưới mắt nhà cầm quyền, gây khó khăn khổ sở cho những người phải thiếp lập trật tự.

Đây là một đạo lý khá khác biệt với những gì mà người Do Thái trong thời Phierơ hay làm. Trong thời ấy có những người Do Thái sốt sắng cứ chiến đấu không ngừng với nhà cầm quyền La mã tìm cách lật đổ gánh nặng của La mã với ý đồ thần học đằng sau là tái lập nền chính trị thần quyền Do Thái. Đây quả là một quan điểm đạo đức khác biệt bởi những người Do Thái đương thời của Phierơ, là những người có tiếng về sự cứng cỏi và chống đối đến nỗi sau đó hoàng đế La Mã phải phái một đạo quân từ La Mã đập tan sự chống đối trong Ysơraên, hủy diệt thành Giêrusalem vào năm 70 sau Chúa. Cơ Đốc Nhân không được kêu gọi sống theo cách đó. Theo sứ đồ Phierơ, Cơ Đốc Nhân cần thuận phục nhà cầm quyền và tôn trọng thẩm quyền đó.

Đoạn Kinh Thánh kêu gọi chúng ta vâng phục nhà cầm quyền trong mọi điều hợp pháp. Tôi tin rằng điều này không phải là sự dạy dỗ mới của vị sứ đồ Phierơ mà là điều chính Chúa Giêxu cũng đã từng dạy. Trong Mathiơ đoạn 22 câu 21 trong câu chuyện những người Pharisi hỏi Chúa Giêxu xem có nên liên hiệp với Sêsa hay với Đức Chúa Trời, Chúa Giêxu trả lời: "Vậy, hãy trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa; và trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời." Đây là điều mà Đấng Christ không chỉ đề cập đến mà chính Ngài cũng làm gương cho chúng ta bằng hành động. Chính Chúa Giêxu vâng phục nhà cầm quyền trong những điều hợp pháp. Ngài đến trước Bônxơ Philát và Ngài thuận phục thẩm quyền của ông. Ngài thuận phục đến nỗi chịu chết trên thập tự giá. Chúa Giêxu thực hành những gì Ngài giảng dạy trong đời sống mình. Vị sứ đồ Phaolô cũng giảng dạy như thế trong Rôma đoạn 13 câu 1 đến 3, "Mọi người phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình; vì chẳng có quyền nào mà chẳng đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định."

Tuy nhiên chúng ta cũng cần hiểu rằng những quyền đó không là tối thượng mà có giới hạn. Chúng ta đọc trong Công vụ đoạn 4 khi Phierơ và Giăng bị bắt giữ trước mặt nhà cầm quyền, sứ đồ Phierơ nói rất đúng rằng: "Chính các ông hãy suy xét, trước mặt Đức Chúa Trời có nên vâng lời các ông hơn là vâng lời Đức Chúa Trời chăng?" Sứ đồ Phierơ muốn nói rằng chúng ta cần vâng lời Đức Chúa Trời hơn là vâng lời người ta. Thế thì Đức Chúa Trời có thẩm quyền trên hết mọi nguyên tắc của con người. Miễn là những phép tắc này không mâu thuẫn với ý muốn Đức Chúa Trời, chúng ta được kêu gọi phải vâng phục. Đoạn Kinh Thánh cho thấy phạm vi của mạng lịnh này bao gồm hết thảy loài người. Câu 13 chép: "Vì cớ Chúa, hãy phục theo mọi phép tắc loài người lập lên, hoặc vua, như đấng rất cao". Tại đây nguyên ngữ tiếng Hy Lạp có thể dịch sát từng chữ là "theo mọi con người thọ tạo". Tại đây muốn nhấn mạnh rằng nhà cầm quyền cũng là con người và hành động như một vật thọ tạo. Vua hay nhà cầm quyền cũng là con người. Tại sao điều này lại là quan trọng trong thời đó? Nó quan trọng vì Sêsa lúc bấy giờ thấy mình là một đấng phải được thờ phượng. Ông tự xem mình như một vị thần. Sứ đồ Phierơ bảo rằng "Không! Sêsa cũng như anh em, cũng là một con người thọ tạo. Tuy nhiên, bởi ông được ban cho thẩm quyền đó, chúng ta cần vâng phục ông." Tít đoạn 3 câu 1 và 2 kêu gọi chúng ta vâng phục nhà cầm quyền, bày tỏ sự khiêm nhường với mọi người. Chúng ta cũng cần hiểu một điểm tại đây khi Phierơ nói đến việc vâng phục những thẩm quyền con người, ông không chỉ nói đến những thẩm quyền công chính mà thôi, ông không chỉ đề cập đến những người cai trị có thiện ý với Cơ đốc giáo. Nếu nhìn vào bối cảnh của sách này, chúng ta thấy ngữ cảnh của nó là thời buổi bị bắt bớ, thời buổi hội thánh đang chịu khổ. Chính sứ đồ Phierơ cuối cùng cũng bị giết vì Tin Lành. Thế nhưng bất chấp sự tranh chiến mà hội thánh phải trải qua, hội thánh vẫn được kêu gọi phải vâng phục một cách nhẫn nại và khiêm nhường trước nhà cầm quyền. Thậm chí khi chịu bất công, họ được kêu gọi phải kiên nhẫn chờ đợi sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời. Trong Rôma đoạn 12 câu 19 chép: "Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo ứng." Thế thì khi chúng ta còn sống trên đất thấp này, làm công dân của một đất nước có thẩm quyền chính phủ trên chúng ta, chúng ta được kêu gọi phải vâng phục những thẩm quyền quanh chúng ta.

Điều này có ý nghĩa thực tiển gì đối với chúng ta? Điều đó có nghĩa rằng trong năm nay chúng ta phải đóng thuế nghiêm chỉnh đầy đủ. Chúng ta không được ăn cắp của chính phủ. Chúng ta không được biện minh cho sự gian lận của mình và dâng hiến một phần nào đó mà chúng ta lợi ra được đó cho nhà thờ. Chúng ta được kêu gọi trả lại cho Sêsa những gì của Sêsa. Vâng phục nhà cầm quyền có nghĩa là tuân thủ luật giới hạn tốc độ, tôn trọng thẩm quyền mà Đức Chúa Trời đặt để và luật pháp của quốc gia. Điều này có nghĩa rằng chúng ta nói sự thật và nói năng cách tử tế đối với những người có thẩm quyền trên chúng ta, tôn trọng nhân viên cảnh sát. Chúng ta tôn trọng họ vì họ được đặt trong vị trí có thẩm quyền. Chúng ta không dùng những lời lẽ khiếm nhã với những nhân viên chức trách tại sân bay vì làm việc chậm quá. Chúng ta tôn trọng họ vì Đức Chúa Trời đã đặt để họ trong vị trí đó. Với xóm giềng, chúng ta không lừa gạt họ. Chúng ta chỉ làm những điều phải lẽ khi sống trên đất này. Chúng ta tìm kiếm đời sống vâng phục nhà cầm quyền là những người được đặt để có thẩm quyền trên chúng ta. Thư tín 1Phierơ nói rằng chúng ta là người tự do. Chúng ta đã được Đấng Christ giải phóng và trở nên công dân nước Trời. Chúng ta được tự do, được tự do để vâng phục Đấng Christ. Tuy nhiên chúng ta không được dùng sự tự do mình để làm theo ý thích riêng. Chúng ta dùng sự tự do khỏi tội lỗi và sự thống khổ mình để làm điều tốt.

Câu 17 cũng rất hay, một phần vì cấu trúc của nó. Trước đây có lần tôi có đề cập đến một cấu trúc văn chương gọi là cấu trúc chéo. Tại đây chúng ta cũng có một cấu trúc chéo, nghĩa là hai câu đầu và cuối tương tự và hai phần giữa tương tự với nhau. Chữ "kính" là chữ đóng khung cấu trúc chéo này: "Hãy kính mọi người... tôn trọng vua." Sự tôn trọng này tập trung vào những người bên ngoài hội thánh. Ở giữa của cấu trúc chéo này là sự yêu thương anh em và sự kính sợ Đức Chúa Trời. Chúng ta cần có sự tôn trọng đối với mọi người và đối với vua. Tuy nhiên có một sự khác biệt giữa sự tôn trọng dành cho mọi người và sự tôn trọng cho Đức Chúa Trời và hội thánh Ngài. Khi xem xét hai dòng tương đương này, chúng ta thấy hẳn là nó làm giảm giá trị của vua. Vua không thể tự xem mình cao hơn dân chúng. Ông cũng nhận lãnh sự tôn trọng như mọi người khác bởi chính ông cũng là một con người. Chúng ta được kêu gọi tôn trọng chức vụ mà vua được ban cho. Trong khi chúng ta được kêu gọi tôn trọng mọi người, tôn trọng nhà cầm quyền, chúng ta được kêu gọi "yêu anh em", yêu thương các thánh đồ. Tại đây hàm ý một cường độ mạnh hơn trong tình yêu thương mà chúng ta dành cho anh em tín hữu Đấng Christ với nhau. Cuối cùng, chúng ta được kêu gọi kính sợ Đức Chúa Trời. Chúng ta được kêu gọi kính sợ Đức Chúa Trời vì Ngài là Đức Chúa Trời, Ngài là Đấng tạo hóa của trời và đất. Ngài là Đấng Phán Xét. Ngài là Đấng cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Chúng ta phải kính sợ Đức Chúa Trời. Sự vinh hiển lớn nhất và sự tôn quý cao nhất dâng lên Đức Chúa Trời.

Đoạn Kinh Thánh tiếp tục dạy chúng ta tại sao chúng ta phải làm những điều này. Tại sao chúng ta phải sống vâng phục nhà cầm quyền. Trước tiên, chúng ta phải vâng phục vì Chúa. Tôi tin rằng tại đây vị sứ đồ không nói đến cụ thể về Đức Chúa Cha mà chủ yếu là về Đấng Christ. Điều này có nghĩa là chúng ta được dạy phải làm điều đó vì Đấng Christ, vì chúng ta được kêu gọi phục sự Ngài. Cụ thể là chúng ta cần hiểu rằng chúng ta đại diện cho Đấng Christ tại thế gian mà chúng ta đang sống đây giữa những đồng bào quanh chúng ta. Khi suy nghĩ về điều này, chúng ta rất giống như những người sống xa xứ. Chúng ta đại diện cho đất nước mình. Chúng ta có thể thấy mình là một trong những đất nước mạnh trên thế giới. Chúng ta có thể vui mừng trong sự tự do mà chúng ta được ban cho như là một phần của xứ sở này. Thế nhưng chúng ta có nên đi đây đó mà khoác lác về điều đó mà cho rằng bằng cách nào đó chúng ta đã được ban cho một đặc quyền nên chúng ta phải được người khác phục vụ cho chúng ta trước? Chúng ta có nên đi đây đó cư xử cách cao ngạo không? Chúng ta biết rằng cách cư xử của chúng ta tại nước ngoài tạo ấn tượng xấu hoặc tốt với những người tiếp xúc với chúng ta. Cơ Đốc Nhân chúng ta cũng thế. Cách chúng ta cư xử tại nơi chúng ta đang sống đây gây tiếng xấu hay tốt cho Đấng Christ là Đấng mà chúng ta thuộc về vương quốc Ngài. Chúng ta là vị đại sứ của Ngài. Vì thế, chúng ta thật cần phải vâng phục nhà cầm quyền mà Đức Chúa Trời đã đặt để trên chúng ta.

Thứ hai, chúng ta được kêu gọi vâng phục vì chức vụ này đã được Đức Chúa Trời phong chức, theo sứ đồ Phierơ, "để phạt kẻ làm dữ và khen người làm lành". Đây là phận sự Đức Chúa Trời đặt để cho họ. Chúng ta thấy rõ rằng một số nhà cầm quyền thực hiện điều này ở một mức độ nào đó. Nhưng đây là trách nhiệm của họ. Đây là nguyên nhân tại sao nhà cầm quyền được lập ra. Chúng ta thấy điều này rõ hơn trong Rô ma đoạn 13 từ câu 1 đến câu 3, "Mọi người phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình; vì chẳng có quyền nào mà chẳng đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định. Cho nên ai chống cự quyền phép, tức là đối địch với mạng lịnh Đức Chúa Trời đã lập; và những kẻ đối địch thì chuốc lấy sự phán xét vào mình. Vả, các quan quyền không phải để cho người làm lành sợ, mà để cho người làm dữ sợ." Chúng ta được kêu gọi vâng phục vì Đức Chúa Trời đã chỉ định điều đó để hạn chế sự dữ trong xã hội và khích lệ sự lành.

Thứ ba, chúng ta được kêu gọi vâng phục thẩm quyền con người vì đó là ý Đức Chúa Trời. Rõ ràng là bấy nhiêu đó lẽ ra cũng đủ cho chúng ta. Bởi Đức Chúa Trời truyền dạy chúng ta, nên chúng ta là những người mà tội lỗi đã được tẩy sạch bởi huyết Đấng Christ, bởi lòng biết ơn về những gì Ngài đã làm cho chúng ta, cần phải sẵn sàng thuận phục. Đây là điều Đức Chúa Trời răn dạy chúng ta. Chúa Giêxu phán nếu chúng ta yêu mến Ngài thì vâng giữ lời Ngài.

Thứ tư, chúng ta được kêu gọi vâng phục vì bởi đó chúng ta làm nín lặng sự dại dột của người ta. Chúng ta thấy rằng nếu chúng ta bị lên án vì là kẻ gây rối thì chúng ta đáng phải chịu kết án. Chúng ta muốn người ta nhìn vào Cơ Đốc Nhân và nhìn thấy nơi họ những điều tốt đẹp, hiệp lẽ và công chính, hầu nếu họ tìm cách chỉ trích, họ vẫn có thể chỉ trích, nhưng họ vẫn phải nhìn nhận những điều tốt lành mà họ nhìn thấy và bởi đó mà ngợi khen Đức Chúa Trời trong ngày Chúa thăm viếng (1Phierơ 2:12). Chúng ta không nên mang lấy sự đoán phạt cho chính mình vì những hành vi chống nghịch của chúng ta đối cùng những người cai trị mà Đức Chúa Trời đã đặt để cầm quyền trên chúng ta.
Thế thì chúng ta cần phải liên hệ với nhà cầm quyền thế nào? Đoạn Kinh Thánh hôm nay kêu gọi chúng ta vâng phục, tôn trọng thẩm quyền mà Đức Chúa Trời đặt để. Là chức khâm sai của Đấng Christ, là đại diện của nước Trời, chúng ta hãy thể hiện Đấng Christ một cách trung tín và đáng trọng. Mục tiêu của chúng ta không phải là thống lĩnh, cũng không phải là rút lui khỏi nhà cầm quyền, mà là tôn vinh Đức Chúa Trời giữa vòng con người, làm chứng nhân, làm lời chứng cho sự hành động của Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta qua Đấng Christ, hầu người khác nhìn thấy sự làm chứng của chúng ta sẽ được thu hút đến mối tương giao với Đức Chúa Trời. Là những công dân tin kính, chúng ta có thể và cũng nên tham dự vào những đặc quyền được ban cho chúng ta với tư cách là công dân của đất nước này, chúng ta cần khiêm nhường và sẵn sàng phục vụ đất nước chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cần làm mọi sự luôn với nhận thức rằng quốc tịch tối cao của chúng ta không phải là tại nơi này mà tại nước Đức Chúa Trời, mà tại đó chúng ta đặt trọn sự quan tâm nơi Ngài, là Vua chúng ta và là Đấng Cầm Quyền của chúng ta. Amen.

Lạy Cha thiên thượng toàn năng của chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài vì lời thánh của Ngài. Chúng con cảm tạ Ngài đã khiến chúng con nên công dân của nước Trời qua huyết báu Đấng Christ. Xin cho chúng con, là dân sự Ngài, có thể bày tỏ điều đó trong mối quan hệ của chúng con với nhà cầm quyền. Xin cho chúng con là những công dân tốt hầu trong mối tương quan với nhà cầm quyền, chúng con bày tỏ sự tôn trọng, và lời chứng của chúng con được rõ ràng trong mọi hành động và lời nói của chúng con. Chúng con cũng xin Ngài ở cùng nhà cầm quyền của chúng con nữa bởi Ngài truyền dạy chúng con cầu thay cho họ hầu họ lãnh đạo một cách đúng đắn và công chính. Xin cho họ trừng phạt những kẻ làm ác, khen ngợi và khích lệ những người làm lành. Xin ban phước cho chúng con. Chúng con cũng cảm tạ Ngài về đất nước mà chúng con đang sống đây trong khi chúng con đang đi trên chuyến hành trình trên đất này. Chúng con cầu nguyện trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Amen.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)