ĐẾN VỚI HÒN ĐÁ SỐNG
(1Phierơ 2:5)
Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Nếu quay lại với Cựu Ước trong 1Sử Ký chúng ta thấy vua Đavít đã từng ao ước xây một nhà cho Đức Giêhôva của ông. Vua Đavít muốn xây dựng một nhà là nơi Đức Chúa Trời sẽ ngự giữa dân sự Ngài, một nhà lâu bền của Ngài giữa dân Ysơraên. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời trong sự toàn quyền tể trị của Ngài phán bảo ông rằng việc xây một nhà cho Ngài phải chờ đợi đến khi con trai ông lên ngôi cai trị. Đây sẽ là một công tác được giao cho con trai ông mà không phải cho ông. Thế nhưng lòng sốt sắng muốn xây nhà cho Đức Chúa Trời thiêu đốt Đavít. Nếu ông không thể xây nhà đó, ông muốn làm mọi sự mình có thể làm được để sửa soạn cho sự xây cất đó. 1Sử ký đoạn 22 ghi chép lại thể nào Đavít cho thợ đục đá cho đền thờ. Những thợ này sẽ tiếp tục làm cho đến thời của Salômôn. Chúng ta cũng đọc thấy trong 1Sử Ký đoạn 29 về việc Đavít giao phó cho Salômôn việc xây cất đền thờ, "Đa-vít nói với cả hội chúng rằng: Salômôn, con trai ta, chỉ một mình con đó mà Đức Chúa Trời đã chọn, hãy còn trẻ tuổi non nớt, và công việc lại lớn lao; vì cái đền đó chẳng phải cho loài người đâu, bèn là cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Ta đã hết sức sắm cho đền của Đức Chúa Trời ta, nào vàng dùng về đồ làm bằng vàng, nào bạc dùng về đồ làm bằng bạc, nào đồng dùng về đồ làm bằng đồng, nào sắt dùng về đồ làm bằng sắt, nào gỗ dùng về đồ làm bằng gỗ, lại sắm những ngọc bích, ngọc để khảm, ngọc chiếu sáng, ngọc đủ các màu, và các thứ đá quí, cùng đá cẩm thạch trắng rất nhiều." Chúng ta thấy Đavít chuẩn bị cho nhà Đức Chúa Trời bằng cách thâu trữ vật liệu và giao phó cho Salômôn. Trong số những vật liệu này chúng ta thấy có đá. Những đá này được chuẩn bị để xây dựng đền thờ thánh của Đức Chúa Trời. Khi Đavít qua đời, chúng ta đọc thấy về việc Salômôn xây dựng đền thờ Đức Chúa Trời. Hết hòn đá này chồng lên hòn đá khác và nền đền thờ Đức Chúa Trời được xây dựng nên. Khi nhìn vào đền thờ này và kiến trúc của nó, chúng ta thấy nó là một kiến trúc lạ thường. Trong buổi lễ cung hiến, chúng ta có thể tưởng tượng dân sự phải ngỡ ngàng trước vẽ đẹp của kiến trúc bằng đá vĩ đại đứng sừng sững giữa thành Giêrusalem, kiến trúc làm gia tăng nét duyên dáng của khung trời Giêrusalem. Nhưng họ còn không kinh ngạc cho bằng khi sự vinh hiển của Đức Chúa Trời giáng xuống đền thờ trong đám mây và chính Đức Chúa Trời chiếm hữu nhà này. Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời tràn ngập đền thờ. Thế thì chúng ta thấy cuối 1Sử Ký và đầu 2Sử ký chép về sự xây dựng đền thờ Đức Giêhôva, đền thờ vinh hiển của Salômôn.
Thế nhưng đền thờ vinh hiển của Salômôn không còn mãi bởi chúng ta đọc thấy trong Êxêchiên đoạn 10 răng sự vinh hiển của Đức Chúa Trời lìa khỏi đền thờ và đi lên về phía đông Giêrusalem. Chẳng bao lâu sau đó tác giả Ca Thương ngồi trên một đống đá mà trước đây đã từng là thành Giêrusalem. Ông than khóc về sự sụp đổ của thành Giêrusalem, đặc biệt là của đền thờ. Những vách đá nguy nga của nó giờ đây chỉ là một đống gạch vụn. Đền thờ Đức Chúa Trời đã bị hủy phá. Trong thời Exơra, Nêhêmi, dân Ysơraên trở về từ chốn phu tù tại Babylôn và nền của đền thờ mới được đặt. Nhưng sự vinh hiển của đền thờ này lu mờ so với đền thờ trước. Chúng ta đọc thấy trong Exơra đoạn 3 rằng những người đặt nền cho đền thờ này trong ngày lễ cung hiến đền thờ đã khóc vì hai lẽ: Thứ nhất, sự vinh hiển của nó kém so với đền thờ Salômôn; Thứ hai, họ khóc vì vui mừng vì một lần nữa đền thờ Đức Chúa Trời lại ở giữa họ. Tiếng khóc đau thương và vui mừng của họ hòa lẫn nhau. Chúng ta thấy sự vinh hiển của đền thờ này lu mờ so với đền thờ trước. Dù sau đó Hêrốt có tu bổ đền thờ này, cuối cùng nó cũng bị hủy diệt. Chúa Giêxu nói tiên tri về sự hủy diệt đền thờ này bởi tay người La mã vào năm 70 sau Chúa. Một lần nữa không còn hòn đá nào chồng lên hòn đá nào. Đền thờ Đức Chúa Trời lại bị tiêu hủy.
Đền thờ đâu rồi? Nó bị tiêu hủy rồi sao? Đền thờ này không còn cần thiết nữa sao? Không! Đền thờ Đức Chúa Trời không hoàn toàn bị tiêu hủy. Những tiên tri của Cựu Ước đã nói về sự phục hồi đền thờ. Họ nói đến sự vinh hiển mới của nó. Aghê đoạn 2 nói về sự vinh hiển của đền thờ mới, đền thờ sau rốt, còn lớn hơn sự vinh hiển của đền thờ thứ nhất. Khải Huyền đoạn 11 và những nơi khác cũng nói đến sự tồn tại của đền thờ trong hiện tại. Sự tồn tại liên tục của đền thờ cũng là điều quan trọng cho chúng ta là những Cơ Đốc Nhân là vì ý nghĩa tượng trưng của nó. Đền thờ là nơi ngự của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời ngự giữa dân sự Ngài, tương giao thông công với họ. Đây là nơi mà người ta có thể thờ phượng Đức Chúa Trời. Thế thì đền thờ này ở đâu? Chúng ta có thể đi đâu để thờ phượng Đức Chúa Trời? Liệu chúng ta có nên trông đợi sự xây dựng lại đền thờ Giêrusalem này không? Ông nội tôi trước kia vẫn trung tín hàng tháng gởi tiền dâng vào quỹ chuẩn bị xây lại đền thờ ở Do Thái. Ông trông đợi ngày mà đền thờ Đức Chúa Trời sẽ được xây dựng lại trên núi Siôn. Ông trông đợi sự phục hồi của kiến trúc vật chất của đền thờ, tin rằng đền thờ này sẽ rạng rỡ hơn những đền thờ trước nó và người ta từ mọi nơi trên thế giới sẽ đến ngưỡng mộ đền thờ này cả về kiến trúc vật chất và sự vinh hiển của nó. Có phải Đức Chúa Trời dự định cho một sự trình diễn to lớn hơn và tốt đẹp hơn của đền thờ xưa đã chết đi không? Theo Kinh Thánh thì không phải thế, đặc biệt là nếu chúng ta đọc đoạn Kinh Thánh hôm nay. Sự vinh hiển của đền thờ Tân Ước không phải là ở tại kiến trúc vật chất của nó mà là vì nó là một đền thờ sống. Nó không phải là một đền thờ vật chất mà là một đền thờ thiêng liêng. Nó không bị suy tàn đổ nát như những đền thờ trước kia. Nó không phải là một đền thờ của đất thấp này mà là một đền thờ thuộc về trời đời đời mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta trong thời Tân Ước. Là người tin Chúa, chúng ta là một phần của đền thờ mới này. Chúng ta chính là đền thờ của Đức Chúa Trời. 1Phierơ đoạn 2 câu 5 cho chúng ta biết chúng ta là những đá sống thờ phượng Đức Chúa Trời không phải tại Giêrusalem hay một địa điểm tìm thấy trên bản đồ mà lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy Ngài. Theo đoạn Kinh Thánh của chúng ta, chúng ta là những hòn đá xây dựng nên đền thờ mới của Đức Chúa Trời.
Chúng ta để ý những đặc điểm của đền thờ mới vinh hiển này. Thứ nhất, nó là đền thờ sống, "Anh em cũng như đá sống, được xây nên nhà thiêng liêng." Điều này rõ ràng biệt riêng đền thờ này khỏi những hòn đá chết bất động của đền thờ Cựu Ước. Khi đọc qua phần đầu của 1Phierơ, chúng ta chắc sẽ thấy sự sống là mối quan tâm của vị sứ đồ trong sách này. Trước đó chúng ta đã đọc về sự trông cậy sống mà chúng ta được ban cho qua Chúa Giêxu Christ. Chúng ta đọc về sự sống lại của Đấng Christ từ sự chết và về sự sống lại của chính chúng ta trong Đấng Christ. Trong câu 4, chúng ta đọc thấy Đấng Christ, là hòn đá góc nhà, thật sự đang sống. Chúa Giêxu là hòn đá sống. Thế thì chúng ta thấy đền thờ mới này là đền thờ sống và sự sống nó là từ nơi Cứu Chúa sống của nó. Chúng ta không thể có sự sống mà không bởi Ngài. Chúng ta chết mất trong tội lỗi và sự vi phạm của chúng ta và bị buộc dưới sự rủa sả của nó. Nếu không có Đấng Christ, chúng ta đang chết mất. Vị trí của chúng ta trong đền thờ mới này xuất phát từ mối tương giao của chúng ta với đá góc nhà, là Đấng sống. Chúng ta liên kết với Ngài, gắn bó với Ngài, hiệp một với Ngài. Chúng ta sống động là bởi chúng ta hiệp một với Đấng Christ. Trong sự chết và sự sống lại của Đấng Christ, chúng ta là những người đã chết mất nay được khiến cho sống lại. Bởi đó, chúng ta làm thành đền thờ mới của Đức Chúa Trời. Vì thế, ấy là sự sống châm rễ trong Đấng Christ. Cách chúng ta trở nên một phần của đền thờ sống của Đức Chúa Trời là ở trong mối liên hệ trong giao ước với hòn đá góc nhà.
Thứ hai, chúng ta thấy nhà đang được xây là một nhà thiêng liêng. Vấn đề muốn đề cập tại đây là đây là đền thờ thuộc linh chớ không phải là đền thờ vật chất. Đây là đền thờ được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Khi đọc các sách Phúc Âm, chúng ta thấy Đấng Christ ở giữa chúng ta rõ ràng là hình ảnh trọn vẹn của một đền thờ trên đất. Đức Chúa Trời hiện diện giữa dân sự Ngài. Đấng Emmanuên, nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta, là đền thờ thật của Đức Chúa Trời. Khi Đấng Christ thăng thiên về trời, Ngài vẫn còn hiện diện giữa chúng ta qua Thánh Linh Ngài. Chúng ta đọc thấy trong Cựu Ước rằng khi đền thờ được cung hiến, đám mây vinh hiển của Đức Chúa Trời giáng xuống tràn ngập đền thờ. Qua sự bao phủ đó Đức Chúa Trời bày tỏ rằng Ngài đang ở giữa họ. Sự vinh hiển Ngài ở giữa họ. Trong Tân Ước, tương tự chúng ta cũng thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời giáng xuống qua Thánh Linh Ngài không phải trên một đền thờ bằng gỗ đá mà trên một dân. Trong ngày lễ Ngũ Tuần, chúng ta đọc thấy Thánh Linh giáng lâm và những lưỡi bằng lữa ngự trên các môn đồ đầu tiên, trên hội thánh của Đấng Christ. Trong ngày lễ Ngũ Tuần, chúng ta có dấu hiệu rõ ràng rằng những người đó và mọi tín hữu trong Đấng Christ được đầy dẫy Thánh Linh Đức Chúa Trời và bởi đó mà trở nên đền thờ của Đức Chúa Trời trong thời Tân Ước. Sự thật này được nhấn mạnh lại nhiều lần trong nhiều đoạn Kinh Thánh khác nhau, đáng chú ý nhất là trong 1Côrinhtô đoạn 6 câu 18 và 19, "Hãy tránh sự dâm dục. Mặc dầu người ta phạm tội gì, tội ấy còn là ngoài thân thể; nhưng kẻ buông mình vào sự dâm dục, thì phạm đến chính thân thể mình. Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao?" 2Côrinhtô đoạn 6 và Êphêsô đoạn 2 câu 19 đến 21 cũng thể hiện ý đó. Chúng ta là đền thờ mới của Đức Chúa Trời. Thánh Linh Đức Chúa Trời ngự trong chúng ta ban cho chúng ta sự sống khiến chúng ta nên những đền thờ của Đức Chúa Trời. Vì thế chúng ta cần nhìn thấy mình như nơi ngự của Đức Chúa Trời. Bởi ơn Đức Chúa Trời, chúng ta đã được trở nên nhà Đức Chúa Trời.
Thứ ba, chúng ta thấy đền thờ này vẫn còn đang được tiếp tục xây dựng mà chưa hoàn tất. Những hòn đá mới vẫn còn đang được thêm vào khi được Chúa Giêxu Christ ban sự sống. Sự xây dựng này sẽ tiếp tục cho đến khi Chúa Giêxu Christ trở lại thế gian, khi đủ số những hòn đá sống, khi cuối cùng nhà Đức Chúa Trời được hoàn tất. Đấng Christ còn tiếp tục xây dựng hội thánh Ngài cho đến giờ phút đó, kêu gọi những người có tấm lòng bằng đá mà ban cho họ tấm lòng bằng thịt, khiến họ trở nên một phần của đền thờ sống của Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy hằng ngày, thậm chí ngay hôm nay, Đấng Christ đang thêm vào nhà Ngài những linh hồn mới để thờ phượng Ngài.
Khi hiểu rằng chúng ta là những đá sống trong nhà Đức Chúa Trời, chúng ta thấy điều này thật sự lớn lạ. Chúng ta là một phần sống động của một đền thờ sống. Đức Chúa Trời ngự giữa chúng ta. Chúng ta đang ở trong mối tương giao ngọt ngào với Chúa bởi Đấng Christ đã kéo chúng ta vào nhà thánh của Ngài. Kinh Thánh cho chúng ta biết khi hai ba người trong chúng ta nhóm nhau lại thì Đức Chúa Trời ở giữa chúng ta. Điều này tất nhiên được hoàn tất qua công việc của Đấng Christ, là Đấng thanh tẩy đền thờ, khiến chúng ta được thánh khiết và đẹp lòng Đức Chúa Trời. Xin hãy suy nghĩ về điều này: chúng ta nhóm họp nhau tại đây chỉ là vài thành viên nhóm nhau tại ngôi nhà thờ này, nhưng chúng ta là những đá sống trong đền thờ vĩ đại của Đức Chúa Trời. Có thể chúng ta không phải là những hòn đá nổi bật trong đền thờ, có lẽ chúng ta ở trong góc nào đó trong nhà Đức Chúa Trời nhưng chúng ta vẫn là một phần của nơi ngự của Đức Chúa Trời toàn năng và chúng ta ở trong mối thông công với Ngài. Chẳng khi nào chúng ta thôi không ở trong sự hiện diện Ngài.
Hãy suy nghĩ về ý nghĩa to lớn của điều này. Khi Êxêchiên, vị tiên tri Cựu Ước, nhìn lại đền thờ Giêrusalem, ông thấy rằng đền thờ đó đã bị ô uế, sa bại vì tội lỗi của những thầy tế lễ và của dân sự. Đền thờ phải là một nơi thánh, là nơi thờ phượng Đức Chúa Trời thật, được biệt riêng ra cho sự thờ phượng đó. Không được phép mang điều gì ô uế vào đó. Ai muốn bước vào sự hiện diện Đức Chúa Trời phải cẩn thận, phải làm trọn mọi nghi thức liên quan đến sự thánh khiết trong Cựu Ước. Thế nhưng dân sự Đức Chúa Trời đã làm ô uế đền thờ. Họ không xứng đáng đứng trong sự hiện diện Ngài. Cũng vậy, ngày nay chúng ta được kêu gọi phải sống thánh khiết nếu chúng ta thuộc về Chúa và là một phần của đền thờ Ngài. Rõ ràng rằng sự thánh khiết đó không thể tìm thấy trong tự bản thân chúng ta mà chỉ ở trong Chúa Giêxu Christ, Đấng tẩy sạch chúng ta khỏi mọi sự không công bình, huyết Ngài rửa sạch chúng ta khỏi mọi tội lỗi và sự thống khổ chúng ta. Huyết Ngài làm trọn mạng lịnh của Đức Chúa Trời mà chúng ta đọc thấy trong 1Phierơ đoạn 1 rằng "Hãy nên thánh, vì ta là thánh." Nếu chúng ta là một phần của đền thờ của Đức Chúa Trời chí cao, chúng ta được kêu gọi phải nên thánh. Chúng ta nên thánh vì tội lỗi chúng ta đã được tẩy sạch bởi huyết Đấng Christ mà cũng là vì chúng ta hầu việc Ngài, sống cho Ngài và dẹp bỏ cách sống thế gian. Bởi chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời, Ngài ngự trong chúng ta, thì sự không công bình còn chỗ nào để tồn tại trong lòng chúng ta nữa chăng? Đức Chúa Trời ngự trong chúng ta và tội lỗi không thể tồn tại cùng với Ngài. 1Côrinhtô đoạn 6 khi nói đến sự cám dỗ dạy rằng chúng ta cần nhận ra chúng ta là đền thờ của Đức Thánh Linh, vì vậy chúng ta không được phép làm cho mình ra ô uế bởi những tội lỗi của thế gian bởi thân thể chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời chí cao và Thánh Linh của Đức Chúa Trời ở trong chúng ta.
Nếu chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời, là những đá sống của đền thờ, đền thờ là một nơi thờ phượng Đức Chúa Trời, được xây dựng nên với mục tiêu rõ ràng rằng Đức Chúa Trời phải được thờ phượng và vinh hiển trong ngôi nhà đó. Và chúng ta, những đá sống trong đền thờ mới vinh hiển mà Đức Chúa Trời đã xây dựng trong Đấng Christ, đã được hiệp lại với nhau cho mục tiêu đó: thờ phượng Đức Chúa Trời, tôn vinh Ngài và vui thỏa trong Ngài mãi mãi. Ấy là mục tiêu của chúng ta, là nguyên nhân tồn tại của chúng ta. Chúng ta đã được ban cho sự sống trong Đấng Christ, và là những đá sống, chúng ta không thể nín lặng mà phải kêu lên ca ngợi Đức Chúa Trời chúng ta. Chúng ta phải tràn đầy ao ước muốn bày tỏ sự thờ phượng của chúng ta cho Đức Chúa Trời.
Thứ ba, là những đá sống trong đền thờ Đức Chúa Trời, chúng ta được bảo đảm về sự hiện diện lâu bền không bao giờ dứt của Đức Chúa Trời. Ở trên, chúng ta đã biết đền thờ Cựu ước đã bị đổ nát nhưng ngôi nhà mà Đức Chúa Trời đã xây dựng trong Đấng Christ, ngôi đền thờ sống này của Đức Chúa Trời, là trường tồn. Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ ra khỏi đó. Sự trường tồn này được ban cho chúng ta bởi chúng ta được gắn chặt vào hòn đá góc nhà là đá không hề rúng động. Sự vinh hiển Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ lìa khỏi đền thờ sống này. Sự thánh khiết của đền thờ này được bảo đảm vĩnh viễn qua huyết và sự công bình của Đấng Christ. Ngài đã hứa với chúng ta rằng sẽ không bao giờ bỏ chúng ta. Ngài nói với chúng ta rằng "Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế." Đền thờ này, làm bằng chính những tín hữu, sẽ không bao giờ sụp đổ.
Chúng ta là những đá sống trong nhà thiêng liêng của Đức Chúa Trời. Chúng ta không muốn trở về với những hòn đá chết của một đền thờ đã đi qua. Chúng ta không ao ước xây dựng lại một ngôi nhà bằng gỗ đá để rồi hằng năm chúng ta phải làm chuyến hành hương đến đó. Không! Chúng ta là một phần của một đền thờ mới vinh hiển hơn, một đền thờ hiệp một với Đấng Christ, là hòn đá góc nhà. Chúng ta là những đá sống, được xây nên nhà thiêng liêng. Chúng ta là căn nhà mà Đức Chúa Trời xây, nơi Đức Chúa Trời ngự, nơi Ngài được thờ phượng, nơi chúng ta được thông công ngọt ngào với Chúa chúng ta. Amen.
Lạy Cha thiên thượng toàn năng của chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài vì đoạn Kinh Thánh tuyệt vời này cho chúng con biết rằng chúng con được xây nên nhà thiêng liêng của Đức Chúa Trời. Chúng con cảm tạ Ngài vì mối thông công chúng con có được với Ngài qua Đấng Christ, là hòn đá góc nhà, mà qua đó chúng con được làm nên thánh khiết và đẹp lòng trước mặt Ngài. Xin cho chúng con, là đền thờ Ngài, có thể tôn vinh hiển xứng đáng cho danh Ngài. Xin cho danh Ngài được thờ phượng với tâm thần và lẽ thật trong sự thánh khiết. Xin Ngài cứ hiện diện giữa chúng con. Chúng con cầu nguyện trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Amen.
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)