Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Dự Phần Trong Sự Rải Huyết - 12/2006  


DỰ PHẦN TRONG SỰ RẢI HUYẾT
(1Phierơ 1:2)

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Đọc những câu đầu của thư tín 1Phierơ này, chúng ta thấy rõ nó được gởi cho những độc giả là người tin Chúa. Bởi đó, trong sự linh ứng của Đức Chúa Trời, sứ đồ Phierơ muốn chúng ta hiểu được đặc tính thật của những Cơ Đốc Nhân: Bản chất thật của họ là gì trong mối tương quan với thế gian và với Đức Chúa Trời. Những đặc điểm mô tả này được trình bày trong phần giới thiệu là một nguồn động viên khích lệ chân thật cho hội thánh. Nó còn đặt nền tảng cho phần còn lại của thư tín 1Phierơ này. Phần mở đầu này trước tiên dạy chúng ta thể nào những Cơ Đốc Nhân nên nhìn về chính mình trong mối tương quan với Đức Chúa Trời. Trước hết, nó cho chúng ta biết rằng chúng ta là những người kiều ngụ rải rác, những người ngoại quốc trên thế gian này. Là Cơ Đốc Nhân, chúng ta không nên gắn bó với thế gian này dường như nơi chất chứa kho tàng của mình. Điều này còn nói lên rằng những thử thách và khổ đau của thế gian này là những điều tạm bợ chóng qua. Trong phần sau, nó cho chúng ta biết rằng những thử thách này chỉ ít lâu mà thôi. Cơ nghiệp đời đời đang chờ đợi chúng ta. Là những người được chọn của Đức Chúa Trời, Kinh Thánh cho chúng ta biết chúng ta được Ngài chọn lựa từ cõi đời đời. Chúng ta được Ngài biết rõ tường tận từ trước buổi sáng thế. Chúng ta được Ngài chọn lựa chỉ bởi ân điển và sự toàn quyền lựa chọn của Ngài mà không bởi việc làm nào của riêng chúng ta. Là những người được chọn, chúng ta cũng được thánh hóa bởi Đức Thánh Linh, được biệt riêng ra khỏi thế gian để làm một dân thánh cho Ngài, làm tuyển dân của Ngài (1Phierơ 2:9). Thánh Linh của Đức Chúa Trời ứng dụng sự trông cậy của Tin Lành vào dân sự Ngài khiến họ được biệt riêng ra khỏi thế gian. Đặc điểm cuối của những người được chọn tập trung vào công việc của Đấng Christ và nó đúc kết công việc của ba ngôi Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi của chúng ta. Chúng ta thấy cả ba ngôi Đức Chúa Trời hành động để cứu chuộc một dân tộc cho Đức Chúa Trời.

Thế thì đặc điểm của hội thánh trong mối tương giao với Đấng Christ là gì? Điều gì được làm trọn bởi sự lựa chọn của Đức Chúa Trời trên chúng ta và bởi sự thánh hóa của dân sự Đức Chúa Trời? Hiểu biết của chúng ta về đặc tính của Cơ Đốc Nhân lên đến đỉnh điểm trong sự nhìn biết công việc của Đấng Christ cho chúng ta. Sự Đấng Christ rửa sạch tội lỗi chúng ta là cao điểm của vấn đề. Vì vậy, hôm nay chúng ta muốn cùng học hỏi công việc của Đấng Christ đã làm vì chúng ta. Chúng ta sẽ xem xét hai điểm. Thứ nhất, chúng ta sẽ học hỏi về sự vâng phục. Thứ hai, chúng ta sẽ học hỏi về sự rải huyết.

Trước tiên, chúng ta sẽ cùng xem xét về sự vâng phục được đề cập đến trong phần Kinh Thánh của chúng ta: "cho sự vâng phục và rải huyết của Đức Chúa Giêxu Christ" . Xu hướng trước tiên của chúng ta khi đọc phần này là cho rằng sự vâng phục này là sự vâng phục của chúng ta đối với Đấng Christ, sự vâng phục bắt nguồn từ lòng yêu mến của chúng ta đối với Ngài. Chúa Giêxu phán "Nếu ai yêu mến ta, thì vâng giữ lời ta." Êphêsô đoạn 2 câu 10 chép, "vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Giêxu Christ để làm việc lành." Chúng ta thật được kêu gọi vâng phục Chúa và phục sự Ngài. Điều này cũng được nhấn mạnh một lần nữa trong đoạn 1 này khi nói đến chúng ta nên thánh mà sống đời sống vâng phục Đấng Christ. Tuy nhiên, đây có phải là ý của câu 2 này không? Tôi cho rằng ở đây sứ đồ Phierơ muốn nói đến một ý khác hơn là sự vâng phục cá nhân của chúng ta. Cả hai điểm "vâng phục" và "sự rải huyết" đều liên hệ đến Đấng Christ, và là công việc của chính Ngài. Tại đây không trực tiếp nói đến sự vâng phục của cá nhân chúng ta mà là sự vâng phục của Chúa Giêxu. Chữ "vâng phục" đi liền với Đấng Christ cũng như chữ "sự rải huyết" vậy.

Cơ Đốc Nhân phải hiệp một trong sự vâng phục của Đấng Christ. Đôi khi chúng ta gọi ý niệm này là sự vâng phục chủ động của Đấng Christ. Chúng ta không chỉ được rửa sạch tội bởi Đấng Christ chết thế cho chúng ta, trả nợ tội chúng ta trên thập tự giá, dù rằng chắc chắn đó cũng là một phần của công việc của Đấng Christ, mà chúng ta còn được ban cho sự công chính của Ngài. Sự vâng phục trọn vẹn của Ngài được quy cho chúng ta. Rôma đoạn 4 dạy rằng chúng ta đã được che phủ trong sự công chính của Đấng Christ. Khi Đức Chúa Trời nhìn chúng ta, Ngài đang nhìn chúng ta qua chính Đấng Christ. Chúng ta nhận lãnh sự công bình của Đấng Christ, sự vâng phục trọn vẹn của Ngài đối với luật pháp, hầu chúng ta có thể xứng đáng dự phần cơ nghiệp Ngài trên trời. Đây là điều Đấng Christ đã làm cho chúng ta. Ngài đã chủ động vâng phục hết thảy luật pháp của Đức Chúa Trời. Ngài đã ban cho chúng ta sự công chính trọn vẹn của Ngài hầu chúng ta có thể đứng trước mặt Chúa như những tôi tớ trọn vẹn của Ngài. Ấy chính là sự vâng phục của Đấng Christ đang được nói đến ở đây.

Xuất Êdíptô ký đoạn 24 cho chúng ta biết dân sự Đức Chúa Trời hứa họ sẽ vâng phục và trung tín với Đức Chúa Trời nhưng lịch sử dân Ysơraên cho thấy rằng họ đã chẳng làm được điều đó. Họ cứ thất bại không thể vâng giữ luật pháp Đức Chúa Trời. Điều này chẳng phải cũng giống như chính đời sống chúng ta sao? Dù biết ý Chúa, chúng ta đã bao lần thiếu sót? Bao nhiêu lần chúng ta thấy sự vâng phục của chúng ta không đạt đến đòi hỏi lớn lao của luật pháp Đức Chúa Trời? Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng ngay cả công việc thiện hảo nhất của chúng ta cũng bị hoen ố bởi tội lỗi. Chúng ta không chỉ được tha thứ tội lỗi mà còn được bao phủ bởi sự công bình và vâng phục trọn vẹn của Đấng Christ. Rõ ràng rằng sự vâng phục của Đấng Christ có liên quan đến sự vâng phục của chúng ta. Nếu Đấng Christ đã luôn vâng phục thì chúng ta, là những người trong Đấng Christ, những người hiệp làm một với Ngài cũng phải bắt chước Ngài như Kinh Thánh trong 1Côrinhtô đoạn 11 có dạy dỗ chúng ta. Chúng ta phải sống như ảnh tượng Ngài, làm theo ý muốn Ngài. Chúng ta đã được hiệp một với Ngài. Bằng cớ của sự hành động của Đấng Christ bên trong chúng ta thể hiện ra bằng sự vâng phục của chính chúng ta. Đấng Christ đã vâng phục trọn vẹn và Ngài khiến chúng ta được tiếp nhận trước mặt Đức Chúa Cha.

Tại đây chúng ta được cho biết chúng ta không chỉ được thánh hóa, được biệt riêng ra bởi Thánh Linh vì sự vâng phục của Đấng Christ mà chúng ta còn được biệt riêng ra bởi sự rải huyết Ngài. Khi nghĩ đến sự rải huyết của Chúa Giêxu, chúng ta không thể không trở về với Cựu Ước. Rõ ràng rằng tại đây một hình ảnh của Cựu Ước đã được sử dụng. Trong Hêbơrơ đoạn 9 từ câu 19 đến 22 có chép: "Lúc Môise phán mọi điều răn của luật pháp cho dân chúng, có lấy máu của bò con và dê đực, với nước, dây nhung đỏ tía và nhành ngưu tất rảy trên sách cùng trên cả dân chúng, mà nói rằng: Nầy là huyết của sự giao ước mà Đức Chúa Trời đã dạy lập với các ngươi. Đoạn, người cũng lấy huyết ấy rảy đền tạm cùng mọi đồ thờ. Theo luật pháp thì hầu hết mọi vật đều nhờ huyết mà được sạch: không đổ huyết thì không có sự tha thứ." Trong Cựu Ước, sự tẩy sạch được thực hiện bởi sự rải huyết. Huyết tượng trưng cho sự làm nên thánh, làm nên tinh sạch. Trong Xuất Êdíptô ký đoạn 24 khi giao ước được lập với dân Ysơraên, Môise lấy huyết của bò và dê rải lên dân sự. Lêviký đoạn 16 từ câu 14 đến 19 khi nói đến lễ chuộc tội chép rằng: "Người cũng phải lấy huyết con bò tơ đó, dùng ngón tay rảy trên nắp thi ân, về phía đông, và rảy bảy lần về phía trước nắp thi ân. Đoạn, người giết con dê đực dùng về dân chúng làm của lễ chuộc tội; đem huyết nó vào phía trong bức màn; dùng huyết con dê đực đó cũng như đã dùng huyết con bò tơ, tức là rảy trên nắp thi ân và trước nắp thi ân vậy. Người vì cớ sự ô uế, sự vi pham và tội lỗi của dân Ysơraên phải làm lễ chuộc tội cho nơi thánh và cho hội mạc ở giữa sự ô uế của họ. Khi thầy tế lễ vào đặng làm lễ chuộc tội nơi thánh cho đến khi người ra, thì chẳng nên có ai ở tại hội mạc; vậy, người sẽ làm lễ chuộc tội cho mình, cho nhà mình, và cho cả hội chúng Ysơraên. Đoạn, người ra, đi đến bàn thờ ở trước mặt Đức Giêhôva, đặng làm lễ chuộc tội cho bàn thờ; người lấy huyết con bò tơ đực và con dê đực, bôi chung quanh những sừng của bàn thờ. Rồi dùng ngón tay rảy huyết bảy lần trên bàn thờ, làm cho bàn thờ nên sạch và thánh, vì cớ những sự ô uế của dân Ysơraên."

Thế thì chúng ta thấy trong ngày lễ chuộc tội, ngày Đức Giêhôva lập giao ước với dân sự Ngài, có sự rải huyết. Chúng ta đặt câu hỏi vì sao. Những đoạn Kinh Thánh trên, đặc biệt là đoạn Lêvi ký 16 cho chúng ta thấy sự rải huyết được thực hiện vì sự ô uế và tội lỗi của họ nghịch cùng Đức Chúa Trời. Sự rải huyết liên quan đến sự rửa sạch, sự chuộc tội. Chúng ta thử suy nghĩ tại sao sự rải huyết lại mang ý nghĩa đó. Sự rải huyết rõ ràng liên quan đến sự cất đi sự sống, trong Cựu Ước là sự sống của một con vật, bò, dê hay chiên. Khi giết con sinh tế, người ta lấy máu của sự sống ra khỏi nó. Đó là sự nhắc nhở luôn cho dân Ysơraên về tình trạng tội lỗi của họ. Tiền công của tội lỗi là sự chết. Qua sự chết của con sinh họ nhìn thấy sự công chính của Đức Chúa Trời bày tỏ ra nghịch cùng họ và tội lỗi của họ. Nó tỏ ra cho họ một cách rất rõ ràng rằng tội lỗi của họ đòi hỏi một sự thỏa đáp, một sự trả giá. Sự chết là án phạt xứng đáng cho sự chống nghịch luật pháp Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể tưởng tượng những người đang đứng xung quanh Môise trong Xuất Êdíptô ký đoạn 24 khi ông lấy huyết con bò rải trên dân sự và họ thấy huyết chảy từ đầu xuống vấy trên quần áo mình. Họ được nhắc nhở một cách rõ ràng rằng máu mà mắt họ thấy đó là điều họ đáng phải chịu. Họ đáng phải chịu điều đó bởi họ đã phạm tội. Chính quần áo họ vấy máu. Họ có thể xem mình hiệp làm một với con sinh bị giết. Máu rơi trên họ bởi họ đáng chết. Tại đây cũng là hình bóng về sự hiệp một của họ trong sự chết của con sinh. Chiên con chết thay cho họ. Như Ápraham kéo con chiên đực ra khỏi bụi cây thay cho Ysác, con sinh tế tại đây cũng chết thay cho họ. Đây là hình ảnh của sự chuộc tội cho họ, sự trả giá cho tội lỗi của họ hầu sự công chính của Đức Chúa Trời được thỏa đáp. Huyết rải trên họ làm hình bóng rằng họ được tẩy sạch tội lỗi, tội lỗi họ đã được đền trả và họ đã được làm nên thánh sạch.

Điều chúng ta nhìn thấy trong Cựu Ước chỉ là một hình bóng mà không phải là thực sự. Trong Đấng Christ, hình bóng đó được thay thế bởi sự thật. Chúa Giêxu là Chiên Con của Đức Chúa Trời. Ngài là của tế lễ tối cao. Ngài là Đấng chết trên thập tự giá cho một dân tội lỗi. Huyết Ngài đổ ra từ đầu, lưng và tay Ngài. Ngài chết hầu chúng ta có thể sống. Chúng ta được rải huyết Ngài. Nếu xem Xuất Êdíptô ký đoạn 24, chúng ta thấy được rải huyết Chúa Giêxu cũng giống như huyết Ngài được vảy lên trên chúng ta. Chúng ta hiệp một với Chiên Con. Ngài chết thế chỗ cho chúng ta. Ngài mang lấy sự chết mà chúng ta đáng phải chịu. Chúng ta được rải huyết Ngài, được rửa sạch bởi huyết ấy nếu chúng ta tin nơi Ngài. Giống như hình ảnh này trong Xuất Êdíptô ký đoạn 24 tượng trưng cho giao ước của Đức Chúa Trời với dân Ysơraên, họ được rải huyết và tẩy sạch tội lỗi, chúng ta là những người trong Chúa ngày nay cũng được rải huyết Chúa Giêxu. Chúng ta có một của tế lễ cao trọng. Sách Hêbơrơ cho chúng ta biết rằng hết thảy huyết bò, dê hay chiên không thể chuộc tội nhân loại. Nhưng Đấng Christ có thể làm điều đó. Đấng Christ, là Đấng vừa là Đức Chúa Trời vừa là con người, có thể đứng vào chỗ chúng ta trên thập tự giá. Huyết Ngài thỏa đáp đòi hỏi công chính của sự rủa sả và thạnh nộ Đức Chúa Trời đối cùng tội lỗi. Đấng Christ chết trên thập tự giá. Huyết Ngài đổ ra. Ngài là của tế lễ sau hết. Huyết Ngài được rải trên nắp thi ân trước ngai Đức Chúa Trời. Giờ đây chúng ta có thể bước vào nơi chí thánh để ở với Ngài. Chúa Giêxu đã tẩy sạch chúng ta. Nếu chúng ta tin nhận Ngài, Ngài sẽ rửa sạch hết mọi tội chúng ta. Huyết Ngài đã tẩy sạch chúng ta. Chúng ta hiệp làm một với Chiên Con của Đức Chúa Trời. Chúng ta hiệp làm một với sự hi sinh Ngài. Ngài chết thay cho chúng ta.

Hêbơrơ đoạn 9 từ câu 19 đến 22 nói rõ Chúa Giêxu là Đấng lớn hơn Môise. Hình bóng đó đã được thành thực hữu trong Chúa Giêxu. Tội lỗi chúng ta được tẩy sạch. Chúng ta được mặc lấy sự công chính trọn vẹn của Đấng Christ. Giờ đây chúng ta được nên những người xứng đáng dự phần trong vương quốc trên trời. Đó chính là cương vị chúng ta nếu ở trong Đấng Christ.

Chúng ta đã được chọn lựa bởi Đức Chúa Cha bởi sự biết trước Ngài. Chúng ta đã được thánh hóa, biệt riêng ra bởi Thánh Linh hầu chúng ta có thể nhận lãnh sự vâng phục trọn vẹn của Đấng Christ và được rửa sạch bởi sự rải huyết Ngài. Chúng ta cần nhận ra rằng không phải bất kỳ ai đọc 1Phierơ đều là Cơ Đốc Nhân thật trong Chúa Giêxu. Tuy nhiên những tín hữu thật sẽ tìm được sự an ủi thật. Nếu chúng ta chưa được điều đó và những đặc điểm trên chưa phải là của chúng ta, chúng ta cần cầu xin Chúa mở lòng chúng ta hầu chính chúng ta được huyết Ngài rửa sạch, được ban cho sự vâng phục trọn vẹn của Ngài, hầu chúng ta có thể đứng trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời và sống như một con dân được chọn của Ngài. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng chúng ta hãy tin nhận Cứu Chúa Giêxu Christ và chúng ta sẽ được cứu bởi huyết Ngài và bởi sự vâng phục Ngài. Amen.

Lạy Cha thiên thượng quyền năng của chúng con. Hôm nay chúng con cảm tạ Ngài vì cơ hội được nghe Lời Ngài, thể nào Ngài làm việc trong lòng con cái Ngài. Xin ban cho chúng con lỗ tai nghe được, mắt thấy được hầu chúng con có thể hiểu được công việc của Đấng Christ, sự vâng phục trọn vẹn của Ngài vì chúng con, sự rửa sạch chúng con thông qua sự rải huyết Ngài. Xin cho chúng con tìm thấy sự yên nghỉ và bình an trong một thế gian nhiều vấn nạn bởi biết rằng Đấng Cứu Chuộc chúng con đã chết thay chúng con và Ngài đã sống lại trong sự sống mới để chúng con được sống với Ngài. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu Christ. Amen.

Dịch từ bài giảng của Rev. Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)