Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Đức Chúa Trời Có Biết Không? - 10/2006  


ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ BIẾT KHÔNG?
(1Phierơ 1:2)

Kính thưa quý hội thánh trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Hôm nay chúng ta sẽ cùng học hỏi một phần nhỏ trong 1Phierơ đoạn 1 câu 2 về chủ đề sự chọn lựa theo sự biết trước của Đức Chúa Cha. Chúng ta cùng ôn lại chút ít những gì đã học trong phần chào thăm lần trước. Sau khi sứ đồ Phierơ giới thiệu mình là tác giả con người mà Đức Thánh Linh cảm ứng viết ra thư tín này, ông tiếp tục xác định thành phần người nhận thư. Ông không cho chúng ta một danh sách dài liệt kê tên những người nhận thư trong năm tỉnh Á Châu này. Ông tập trung vào mối tương quan của những tín hữu với thế gian này và với Đức Chúa Trời. Lần trước chúng ta đã học những người nhận thư này là những tín hữu tản lạc khắp nơi trên thế giới. Với thế gian này, họ chỉ là những người khách tạm trú, những người ngoại kiều cư ngụ. Thế gian không phải là quê hương của họ. Họ được đặt để giữa thế gian này nhưng họ không thuộc về nó. Sứ đồ Phierơ gợi ý với chúng ta rằng chúng ta là một dân thuộc thiên quốc và sự cư ngụ của chúng ta trên đất chỉ là tạm thời mà thôi. Lời nhắc nhở này là sự yên ủi lớn cho những tín hữu là người nhận thư 1Phierơ này khi phải trải qua những thử thách, bắt bớ và khó nhọc trên thế gian. Họ nhận ra sự trông cậy mình nơi quê hương đời đời. Họ đặt ao ước mình nơi cơ nghiệp đời đời mà không phải nơi sự ngắn ngủi chóng tàn của thế gian này. Họ tìm kiếm của báu trên trời mà không phải dưới đất.

Những người nhận thư tín này không chỉ được nhận diện bằng mối quan hệ của họ với thế gian này mà còn trong mối quan hệ của họ với Đức Chúa Trời. Thế thì mối quan hệ đó là gì? Ba cụm từ kế tiếp trong câu 2 sẽ trình bày mối tương giao của họ với ba ngôi Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ thấy Đức Chúa Cha, Đức Thánh Linh và Đức Chúa Giêxu Christ được đề cập đến. Mỗi ngôi trong ba ngôi Đức Chúa Trời liên quan cách mật thiết với đời sống và tấm lòng của những tín hữu này. Trong bài học hôm nay, chúng ta sẽ tập trung vào mối tương giao mà những tín hữu này có được bởi sự ban cho của Đức Chúa Cha.

Những người nhận thư này được nhận diện "là những người được chọn theo sự biết trước của Đức Chúa Cha." Chúng ta không nên hiểu lầm rằng điều này có nghĩa là bất kỳ ai đọc thư tín này đều thuộc trong số những người được chọn của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không định rằng bất kỳ ai đọc thư tín này đều được chọn lựa. Nhiều người có thể đọc thư tín này mà không được cứu và không thuộc trong số những người được chọn. Chủ ý của thư tín này là nhấn mạnh rằng thư tín này được ban cho nhằm để khích lệ những người được chọn, cho những người thật sự tin nơi Đấng Christ. Nó nói với những người tin Ngài, những người được chọn, rằng họ cần an tâm vững lòng, rằng họ thật sự là dân sự của Đức Chúa Trời, là con cái Ngài, rằng mối tương quan của họ với Đức Chúa Trời là bền chặt đến nỗi thế gian không thể phân cách họ khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Chúng ta, những người tin nơi Đấng Christ, là những người được chọn lựa, được Đức Chúa Trời biết trước và gìn giữ bởi cánh tay toàn năng của Ngài.

Điều đầu tiên chúng ta cần biết là mối tương giao mà chúng ta đang suy gẫm tại đây là sự tương giao với Đức Chúa Cha, nghĩa là Đức Chúa Trời, là Cha. Một điều không kém phần quan trọng tại đây là phần Kinh Thánh đề cập đến Đức Chúa Trời như là Cha chúng ta. Tại đây Đức Chúa Trời được đề cập đến theo cách đó để nói đến mối tương giao mật thiết của Ngài với dân sự Ngài. Kinh Thánh cho chúng ta biết nếu chúng ta tin nơi Đức Chúa Giêxu, thì chúng ta là con Đức Chúa Trời. Ngài cung ứng nhu cầu của chúng ta. Ngài chăm nom chúng ta. Ngài biết chúng ta như người cha biết con mình vậy. Ngài nhìn thấy nhu cầu của chúng ta. Ngài quan tâm và yêu thương con cái Ngài. Chúng ta phải nhìn thấy mối tương giao của Đức Chúa Trời với dân sự Ngài như là một đặc quyền và ơn phước lớn cho hội thánh. 2Côrinhtô đoạn 6 câu 17 và18 chép: "Bởi vậy Chúa phán rằng: Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân rẽ ra khỏi chúng nó, Đừng đá động đến đồ ô uế, Thì ta sẽ tiếp nhận các ngươi: Ta sẽ làm Cha các ngươi, Các ngươi làm con trai con gái ta, Chúa Toàn năng phán như vậy". Một phước hạnh của việc ra khỏi, phân rẽ khỏi thế gian là chúng ta được gọi là con trai con gái Đức Chúa Trời. 1Giăng đoạn 3 câu 1 chép: "Hãy xem Đức Chúa Cha đã tỏ cho chúng ta sự yêu thương dường nào, mà cho chúng ta được xưng là con cái Đức Chúa Trời." Rôma đoạn 8 câu 15 và 16 chép: "Thật anh em đã chẳng nhận lấy thần trí của tôi mọi đặng còn ở trong sự sợ hãi; nhưng đã nhận lấy thần trí của sự làm con nuôi, và nhờ đó chúng ta kêu rằng: A-ba! Cha! Chính Đức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời." Chúng ta đã được Đức Chúa Trời nhận làm con nuôi, được mang vào ràng của Ngài. Chúng ta được nên con cái Ngài. Chúng ta cần nên ngạc nhiên sửng sốt đến dường nào khi thấy mình được ở trong mối tương giao đó với Đức Chúa Trời.

Đặc quyền làm con và mối tương giao này với Đức Chúa Trời không ban cho bất kỳ ai. Giăng đoạn 1 câu 12 và 13 chép: "Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài, là kẻ chẳng phải sanh bởi khí huyết, hoặc bởi tình dục, hoặc bởi ý người, nhưng sanh bởi Đức Chúa Trời vậy." Quyền làm con được ban cho ai tin nhận Ngài, tiếp nhận Ngài là Chúa và Cứu Chúa của mình. Những ai không thuộc về Đức Chúa Trời cứ ở dưới sự phán xét và thạnh nộ Ngài mà không thuộc gia đình của Ngài. Được làm con cái Đức Chúa Trời là điều chúng ta được nhận lãnh bởi chúng ta được hiệp một với Đấng Christ là Con Đức Chúa Trời. Chỉ bởi tin cậy nơi Ngài, được huyết Ngài tẩy sạch thì chúng ta mới được bảo đảm quyền làm con của mình. Chính Đức Chúa Trời đã kêu gọi chúng ta vào mối tương giao đó. Bởi đó việc có Đức Chúa Trời làm Cha mình là điều hết sức đặc biệt và được trân trọng bởi những ai tin nhận Phúc Âm.

Điều thứ hai tôi muốn chúng ta nhìn thấy là vấn đề sự lựa chọn theo sự biết trước của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh trình bày rất rõ rằng dân sự Đức Chúa Trời được lựa chọn bởi Ngài. Đây không phải là một lẽ đạo mờ nhạt nào đó tìm thấy trong Kinh Thánh mà nó xuất hiện rải rác khắp nơi trong Thánh Kinh. Nó đã được nhìn thấy trong Cựu Ước khi Đức Chúa Trời chọn lựa Ápraham. Ngài kêu gọi Ápraham ra khỏi Urơ và bước vào một mối quan hệ giao ước với Ngài. Không phải Ápraham giơ tay ra hướng về Đức Chúa Trời trước mà chọn lựa Ngài. Không, chính Đức Chúa Trời đã chọn lựa lập giao ước với tôi tớ Ngài là Ápraham. Trong Phục Truyền Luật Lệ Ký đoạn 7, Đức Chúa Trời chỉ rõ cho dân sự Ngài rằng đặc quyền được làm tuyển dân của Ngài hoàn toàn là bởi sự chọn lựa toàn quyền tể trị của Ngài đối cùng họ, bởi tình yêu thương Ngài dành cho họ mà không hề bởi điều gì từ phía bản thân họ, chẳng phải bởi sức mạnh hay sự đẹp đẽ của họ hay bất cứ điều chi khác. Không, đây là bởi sự thương xót lựa chọn Ngài mà Ngài chọn lựa họ. Trong Êphêsô đoạn 1 câu 4 đến 6, sự chọn lựa này lại được nhấn mạnh hơn, "Trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời, bởi sự thương yêu của Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên con nuôi của Ngài bởi Đức Chúa Jêsus Christ, theo ý tốt của Ngài, để khen ngợi sự vinh hiển của ân điển Ngài đã ban cho chúng ta cách nhưng không trong Con yêu dấu của Ngài!" Sự tiền định của Ngài trên dân sự Ngài được trình bày rất rõ ràng. Trong Rôma đoạn 9, sự toàn quyền chọn lựa của Đức Chúa Trời trên dân sự Ngài một lần nữa được biện hộ một cách mạnh mẽ. Kinh Thánh dạy rằng ân điển của Đức Chúa Trời đoái đến những ai Ngài muốn ban cho. Ấy chính Đức Chúa Trời làm sự cứu. Ấy chính Ngài kêu gọi dân sự Ngài đến cùng Ngài. Thế thì nếu chúng ta là những người tin nơi Cứu Chúa Giêxu, chúng ta phải hiểu rằng sự cứu chuộc của chúng ta hoàn toàn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy không phải là điều gì mà chúng ta tự mình kiếm được hay xứng đáng được. Ấy chính bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời đã chọn lựa chúng ta giữa cả thế gian này để thuộc về Ngài. Ân điển chọn lựa của Đức Chúa Trời hoàn toàn là bởi ân điển Ngài mà thôi. Mọi vinh hiển của sự cứu rỗi chúng ta phải được quy về Ngài bởi chúng ta chỉ nhận lãnh ân điển Ngài mà không tự mình kiếm được hay xứng đáng được ân sủng đó, bởi đang khi chúng ta còn là người có tội thì Ngài đã chết vì chúng ta.

Lẽ đạo này là hệ trọng trong thư tín 1Phierơ. Nó nhằm khích lệ dân sự Đức Chúa Trời. Trong đoạn 2 chúng ta lại tìm thấy sự nhấn mạnh ở chủ đề Cơ Đốc Nhân là những người được lựa chọn của Đức Chúa Trời, những người được định sẵn để nhận lãnh sự thương xót của Đức Chúa Trời. Điều này khích lệ chúng ta bởi biết rằng chúng ta được Ngài gìn giữ, rằng Đức Chúa Trời bởi tình yêu thương Ngài đã chọn lựa chúng ta, rằng không điều gì có thể phân cách chúng ta khỏi tình yêu thương Ngài. Lẽ đạo về sự chọn lựa phải là một sự khích lệ và an ủi lớn cho dân sự Đức Chúa Trời.

Phần Kinh Thánh hôm nay cho chúng ta biết chúng ta đã được chọn lựa "theo sự biết trước của Đức Chúa Trời". "Sự biết trước của Đức Chúa Trời" nghĩa là gì? Một số người cho rằng sự chọn lựa của Đức Chúa Trời đặt nền tảng trên đức tin của chúng ta mà đức tin đó đã được Ngài biết trước. Thế có nghĩa là bằng cách nào đó Đức Chúa Trời biết trước những ai sẽ tin Ngài, những ai sẽ chọn lựa Ngài và Ngài chọn lựa những ai sẽ chọn Ngài. Ngài chọn lựa những người sẽ chọn lựa Ngài. Bởi Ngài biết ai cuối cùng sẽ chọn lựa Ngài và rốt lại quyết định của họ là cơ sở cho họ được cứu và được chọn. Rõ ràng quan điểm này đi ngược với sự dạy dỗ của những phần khác của Thánh Kinh. Kinh Thánh dạy chúng ta rõ ràng rằng trước khi chúng ta quay lại cùng Đức Chúa Trời, Ngài đã lựa chọn chúng ta. Rôma đoạn 5 cho chúng ta biết rằng khi chúng ta còn là người có tội thì Ngài đã chết vì chúng ta. 1Giăng đoạn 4 cho chúng ta biết rằng chúng ta yêu Đức Chúa Trời chẳng phải vì chúng ta yêu Ngài trước mà là vì Ngài đã yêu chúng ta trước. Rôma đoạn 3 chỉ rõ rằng chẳng ai tìm kiếm Đức Chúa Trời, dẫu một người cũng không; Nếu không ai tìm kiếm Đức Chúa Trời, làm sao chúng ta trông đợi có ai đó tìm gặp Ngài và chọn lựa Ngài. Chúng ta không chọn lựa Đức Chúa Trời trước mà chính Ngài chọn lựa chúng ta. Chúng ta không tìm kiếm Ngài. Sách Tin Lành Giăng nhắc đi nhắc lại cho chúng ta rằng Ngài tìm kiếm chúng ta và kêu gọi chúng ta vào bầy chiên của Ngài. Sự được chọn của chúng ta không đặt trên nền tảng đức tin được biết trước của chúng ta.

Một tín lý sai lệch nữa đang ngày càng được lan tràn thậm chí trong giới chánh phái là một số người nghi hoặc cả về sự biết trước và sự chọn lựa của Đức Chúa Trời. Một số người gọi tín lý này là "thần học phóng khoáng". Khi đọc những sách vỡ Cơ đốc, chúng ta sẽ thấy nhiều người triển khai tín lý sai lệch này trước thế giới rằng Đức Chúa Trời không thể biết trước sự gì cả bởi sự lựa chọn của con người là tự trị và được thực hiện bên ngoài ý muốn Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không điều khiển gì trên sự lựa chọn của con người và vì vậy Ngài không thể biết điều gì sẽ xảy ra. Sự dạy dỗ này khước từ sự toàn quyền tể trị của Đức Chúa Trời, rằng Đức Chúa Trời không biết mọi sự, rằng không phải mọi sự đều ở dưới sự tể trị của Ngài. Mọi sự có thể xảy ra mà Ngài không biết. Nói như thế là chối bỏ chính đặc tánh của Đức Chúa Trời, nghĩa là chối bỏ sự vô sở bất tri của Ngài.

Thế thì tại đây Kinh Thánh nói đến sự biết trước gì? Rõ ràng rằng điều này bao hàm ý nghĩa, dù không chỉ là thế, rằng Đức Chúa Trời biết trước ai sẽ thuộc trong số con cái Ngài. Không ai mà Ngài không biết. Ngài biết từng tên chúng ta. Ngài biết dân sự Ngài không chỉ trong thời đại này mà xuyên suốt các thế hệ. Ngài biết con trai con gái Ngài. Điều này không chỉ là Ngài biết những ai sẽ tin Chúa Giêxu hay những ai được chọn. Ấy là một sự biết trước gắn liền với sự định trước. Sự biết trước và sự định trước là hai từ có thể được gắn liền với nhau về ý nghĩa. 1Phierơ đoạn 1 câu 20 có dùng một chữ cùng gốc với chữ tìm thấy trong câu Kinh Thánh của chúng ta tại đây, "đã định sẵn trước buổi sáng thế, và hiện ra trong cuối các thời kỳ vì cớ anh em". Chữ "định sẵn" cũng giống như chữ "biết trước". Con cái Chúa đã được Ngài biết trước trước buổi sáng thế. Đức Chúa Trời đã định sẵn. Chữ "biết trước" trong câu 2 tại đây cũng xuất hiện ở Công vụ đoạn 2 câu 23 khi nói về Đấng Christ, "Người đó bị nộp, theo ý định trước và sự biết trước của Đức Chúa Trời, các ngươi đã mượn tay độc ác mà đóng đinh Người trên thập tự giá và giết đi." Câu này cho thấy rằng Đức Chúa Trời đã biết trước và Ngài cũng đã định trước rằng Đấng Christ sẽ chịu chết cho dân sự Ngài. Điều đó thuộc về chương trình toàn quyền tể trị của Ngài. Chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời không thể biết trước nếu Ngài đã không định trước. Chúng ta hãy thử suy nghĩ chốc lát sẽ thấy vấn đề này hợp lý về mặt logic nữa khi chúng ta nghĩ đến bất kỳ chuyển biến nào trong dòng lịch sử. Giả sử Đức Chúa Trời không điều khiển hết cả dòng lịch sử và nếu có biến chuyển gì xảy ra thì biến chuyển đó sẽ dẫn đến những biến thay tiếp theo nữa. Thế thì nếu Đức Chúa Trời không điều khiển mọi sự thì chúng ta phải nói rằng Ngài không điều khiển điều gì cả. Nếu Đức Chúa Trời không định trước và biết trước mọi sự thì Ngài không thể biết hết mọi sự. Sự biết trước không chỉ đơn thuần là Đức Chúa Trời có khả năng biết trước mà nó bao hàm ý nghĩa rằng Đức Chúa Trời đã định trước mọi sự. Không chỉ thế, sự lựa chọn và sự biết trước của Đức Chúa Trời còn có một mối tương quan rõ ràng với nhau. Những ai đã được Ngài định sẵn trước buổi sáng thế cũng được Ngài lựa chọn.

Sự biết trước còn mang ý nghĩa xa hơn. Nó còn bao hàm mối tương quan mật thiết. Bởi khi đọc thấy trong Kinh Thánh chữ "biết" hay gnosis trong nguyên ngữ tiếng Hy Lạp , chữ đó liên quan đến sự biết, sự thân mật, gần gũi rằng Đức Chúa Trời biết sự bên trong. Chúng ta đọc thấy điều đó trong Thi Thiên 139 và trong lời kêu gọi Giêrêmi trong Giêrêmi đoạn 1 câu 4, "Có lời Đức Giê-hô-va phán cùng tôi như vầy: Trước khi tạo nên ngươi trong lòng mẹ, ta đã biết ngươi rồi; trước khi ngươi sanh ra, ta đã biệt riêng ngươi, lập ngươi làm kẻ tiên tri cho các nước." Đức Chúa Trời biết rõ Giêrêmi là ai. Ngài biết sự kêu gọi Giêrêmi. Ngài đã định sẵn điều đó. Ngài biết Giêrêmi cách tường tận. Trong Giăng đoạn 10 câu 14 khi Chúa Giêxu nói về bầy chiên Ngài, Ngài bảo rằng Ngài "quen" chiên Ngài. Ngài biết từng tên của họ. Sự hiểu biết và biết trước đó của Đức Chúa Trời hàm ý rằng Ngài biết chúng ta cách tường tận nếu chúng ta thuộc về Ngài. Thế thì chúng ta đặt câu hỏi cũng là tựa đề của bài học hôm nay của chúng ta rằng "Liệu Đức Chúa Trời có biết không?" Liệu Ngài có biết ai thuộc về Ngài không? Liệu Ngài có biết chúng ta không nếu chúng ta tin nhận Ngài? Chắc hẳn là Ngài biết. Nếu chúng ta là con cái Ngài, Ngài biết chúng ta từ trước buổi sáng thế. Ngài biết chúng ta cách tường tận. Ngài biết chúng ta từ trong lòng mẹ. Ngài biết trước hết mọi sự sẽ xảy đến cho chúng ta (Thi Thiên 139). Ngài đã khiến chúng ta trở nên một với Đấng Christ và khiến chúng ta thuộc riêng về Ngài. Chúng ta được Ngài biết đến. Chúng ta cũng cần biết rằng việc chúng ta được Ngài biết trước khiến chúng ta trở nên giống Đấng Christ là Đấng cũng được biết trước. Chúng ta được hiệp một cùng Ngài.

Sự lựa chọn và biết trước của Đức Chúa Trời là quan trọng. Nó không phải là một lẽ đạo không liên quan gì đến hội thánh chúng ta ngày nay. Ngược lại nó là một sứ điệp về sự bảo đảm chắc chắn cho chúng ta là những người yêu mến Chúa. Nó là một sự bảo đảm rằng chúng ta, những kẻ được chọn của Đức Chúa Trời, đang được Ngài gìn giữ như trong 1Phierơ đoạn 1 câu 3 về sau dạy dỗ chúng ta. Là những người được chọn, chúng ta có thể chắc chắn về sự cứu rỗi của chúng ta như Philíp đoạn 1 câu 6 có chép, "Tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Jêsus Christ." Chúng ta có thể bảo đảm về sự cứu rỗi chúng ta bởi tin nơi ân điển chọn lựa của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta đặt lòng tin nơi Ngài, chúng ta có thể được bình an qua những phút giây thử thách biết rằng không điều gì có thể phân cách chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Đó là sứ điệp của Rôma đoạn 8. Một sử gia Công Giáo nổi tiếng và vợ ông viết trong một tác phẩm của họ về cuộc cải chánh, không hiểu được tín lý về sự lựa chọn, họ vò đầu cố tìm ra nguyên nhân vì sao những nhà cải chánh có thể đứng vững như thế trên lẽ thật của Thánh Kinh và trung tín với Lời Đức Chúa Trời. Rồi họ ngẫm nghĩ về tín lý về sự lựa chọn của những nhà cải chánh và đưa ra ý kiến rằng bởi những người đó tin và được bảo đảm rằng họ được Đức Chúa Trời lựa chọn. Nếu ngày nay chúng ta có sự bảo đảm và bình an đó, chúng ta có thể vượt qua được mọi sự thử thách mà thế gian có thể đem đến bởi chúng ta có thể yên nghỉ trong lẽ thật rằng chúng ta ở trong cánh tay toàn năng của Đức Chúa Trời.

Tuy nhiên, khi suy gẫm về lẽ đạo sự chọn lựa của Đức Chúa Trời này chúng ta phải hiểu rằng nó không ích lợi cho chúng ta trừ khi chúng ta biết rằng chúng ta thuộc trong số những người được chọn hay không. Thế thì một lần nữa chúng ta nêu lên câu hỏi "Làm thế nào chúng ta biết mình thuộc về Đức Chúa Trời và là dân sự Ngài?" Trước tiên, Kinh Thánh dạy chúng ta rõ ràng rằng những người được chọn thì tin Chúa Giêxu. Những người không tin Ngài không thể xưng nhận rằng mình tin bởi ấy chính Thánh Linh của Đức Chúa Trời làm việc trong chúng ta khiến chúng ta tin nhận rằng Chúa Giêxu là Con Đức Chúa Trời là Đấng mà chúng ta phải hướng về để được cứu. Ấy chính Đức Chúa Trời khiến chúng ta tin nhận. Vì thế nếu chúng ta tin nhận Chúa Giêxu và tin cậy Ngài tha thứ tội lỗi chúng ta, chúng ta có thể bảo đảm rằng chúng ta thuộc về Chúa.

Tuy nhiên Kinh Thánh cũng cho chúng ta những cách khác để biết rằng chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời. Bằng chứng của đức tin, của sự hành động của Đức Chúa Trời trên đời sống chúng ta là chúng ta có một tấm lòng tha thiết thống hối về tội lỗi. 2Côrinhtô đoạn 7 nói đến một tấm lòng đau thương xoay hướng khỏi tội lỗi, ao ước muốn làm điều đúng và đẹp lòng Đức Chúa Trời. Đây là những bằng chứng hay kết quả của sự làm việc của Đức Chúa Trời trong chúng ta. Galati đoạn 5 dạy chúng ta bước đi trong Thánh Linh. Rôma đoạn 6 dạy chúng ta rằng chúng ta đã đóng đinh con người cũ của mình mà không còn sống trong nó nữa mà ngày nay chúng ta sống vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Chúng ta đã được sống lại với sự sống mới. Thế thì có những bằng chứng, những kết quả, khi chúng ta hiệp một với Đấng Christ và tin nhận Ngài. Rôma đoạn 8 câu 15 dạy chúng ta rằng Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con Đức Chúa Trời hầu chúng ta có thể có sự bình an, đảm bảo và yên nghỉ biết rằng Tin Lành là thật . Những ai được Đức Chúa Trời lựa chọn có thể yên nghỉ trong sự tin chắc về sự cứu rỗi trong Chúa và trong sự biết rằng mình được Đức Chúa Cha biết trước. Amen.

Lạy Cha chúng con ở trên trời. Lạy Chúa, hôm nay chúng con thật cảm tạ Ngài vì ân điển lựa chọn của Ngài, thể nào Ngài đã toàn quyền chọn lựa dân sự Ngài để thuộc riêng về Ngài. Cảm ơn Ngài vì sự hành động của Ngài trong chúng con. Xin cho mỗi chúng con đều cảm nhận niềm vui vì được cứu, cảm biết ân điển của Chúa Giêxu vì Ngài đã kéo chúng con đến cùng Đấng Christ. Xin cho ngày hôm nay nếu có ai đó đang lắng nghe lời Ngài mà chưa tin nhận, xin Ngài cũng làm việc trong lòng họ nữa hầu họ thật lòng ăn năn mà hiểu được thể nào là được làm con Đức Chúa Trời hầu cũng dâng lời ca ngợi Ngài. Xin Chúa chúc phước cho sự rao giảng lời Chúa hôm nay. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu Christ. Amen.

Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)