Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Đức Tính Của Sự Khiêm Nhường - 3/2010  


ĐỨC TÍNH CỦA SỰ KHIÊM NHƯỜNG
(1Phierơ 5:5-7)

Kính thưa hội thánh yêu dấu trong danh Chúa Cứu Thế Giêxu. Chúng ta đến phần kết thúc của sách 1Phierơ và kết luận thư tín nầy thêm vào vài khích lệ cho các hội thánh. Trước hết thư tín được linh ứng nầy đề cao trưởng lão là người chăn bầy của Đức Chúa Trời dẫn dắt dân sự của Đức Chúa Trời bằng sự chăm sóc dịu dàng như chúng ta học trong kỳ rồi. Trong khúc Kinh Thánh hôm nay ông tiếp tục nói với thành viên của hội thánh, khích lệ họ sống đời sống thuận phục, đời sống khiêm nhường theo những khích lệ mà chúng ta sẽ suy gẫm hôm nay.

Khi xem phần đầu của câu 5 quí vị chú ý thấy sự khích lệ nhắm vào những bạn trẻ trong hội thánh. Dầu tôi mong đợi các bạn trẻ chú ý đến toàn bộ bài giảng hôm nay tôi muốn các bạn suy nghĩ cẩn thận về khúc Kinh Thánh ở đây đặc biệt nói với các bạn. Khi nói đến người trẻ tuổi tôi nghĩ rằng khúc Kinh Thánh nầy không chỉ nói đến các em thiếu nhi, thiếu niên trong tuổi trung học hay thanh niên mà thôi nhưng cũng nói với những người lớn còn trẻ. Khúc Kinh Thánh nầy bảo các bạn cư xử với những người trưởng lão trong hội thánh cách thuận phục. Có một số người hiểu rằng những người trẻ phải thuận phục người lớn tuổi hơn, đó là cách mà bản NIV dịch khúc Kinh Thánh nầy là những người trẻ tuổi được kêu gọi phải thuận phục những người lớn tuổi hơn. Chắc chắn nguyên tắc ấy vang lại phần khác trong Thánh Kinh dạy rằng những người trẻ trong hội thánh phải kính trọng người già hơn họ. Nhiều lần tôi băn khoăn khi thấy những các em nhỏ hay các bạn trẻ cư xử với cha mẹ của họ hay thành viên khác trong hội thánh tỏ ra không tôn trọng hay không kính trọng đối với người lớn tuổi.

Nhưng điểm trọng tâm của khúc Kinh Thánh nầy thì hẹp hơn. Nó gây sự chú ý cho những người trẻ tuổi về mối quan hệ của họ đối với những trưởng lão trong hội thánh. Chữ trưởng lão trong câu 5 là cùng một chữ trong câu 1. Câu 1 nói đến những người giữ chức vụ trưỡng lão trong hội thánh dùng chữ Presbuterouj mà chúng ta dịch lại là Trưởng Lão, có nghĩa được cai trị bởi những trưởng lão. Câu 5 cũng liên kết với phần đầu bằng chữ "Cũng" chỉ tỏ rằng có mối liên quan giữa những điều theo sau và những điều đã nói trước. Nói cách khác, khúc Kinh Thánh nầy bảo các bạn là những người trẻ thuận phục những trưởng lão trong hội thánh. Thuận phục dưới quyền của họ khi họ thi hành chức vụ đó. Rất quan trọng cho các người trẻ hiểu rằng thuận phục dưới quyền của trưởng lão trong hội thánh không phải trở thành lệ thuộc dưới con người. Những trưởng lão được bảo trong những câu trước rằng trách nhiệm của họ không phải để cai trị bèn là để phục vụ các bạn. Khiêm nhường, phục vụ, nêu gương. Không phải để bắt nạt hay điều khiển các bạn mà là phục vụ các bạn. Tuy vậy, các bạn là dân sự của Đức Chúa Trời được kêu gọi thuận phục lời của Đức Chúa Trời khi lời ấy được rao giảng ra bởi những trưởng lão trong hội thánh. Vì vậy, hỡi những bạn trẻ, khi các trưởng lão đến với các bạn để dạy các bạn lời của Chúa thì các bạn phải lắng nghe. Khi họ giảng dạy lẽ thật của Thánh Kinh thì các bạn phải nhận biết rằng không phải họ đơn giản truyền cho các bạn mạng lệnh mà họ tự đặt ra hay từ ý riêng của họ, nhưng họ dạy các bạn điều mà Đức Chúa Trời muốn có nơi các bạn.

Rõ ràng điều nầy không chỉ giới hạn nơi những người trẻ. Sách Hêbơrơ cho chúng ta biết điều nầy áp dụng cho mọi người trong hội thánh. Những người trong hội thánh phải vâng phục những người cầm quyền trên họ. Nhưng trong khúc Kinh Thánh đặc biệt nầy sứ đồ Phierơ muốn nhấn mạnh điểm nầy nơi các bạn trẻ trong hội thánh. Có thể các bạn hỏi: Tại sao? Tại sao chỉ những người trẻ tuổi trong hội thánh được kêu gọi phải thuận phục các trưởng lão trong hội thánh. Có lẽ thường những người trẻ tuổi có khuynh hướng từ chối thẩm quyền trên họ. Họ không thích lắng nghe những ai đến với họ và bảo họ phải sống thế nào trước mặt Chúa. Nhiều người trẻ tuổi nghĩ rằng họ biết nhiều hơn những trưởng lão của họ vì vậy họ cần phải đặc biệt chú ý đến những lời cảnh cáo dạy dỗ của các trưởng lão kêu gọi họ trở lại cùng Chúa Cứu Thế. Những trưởng lão được kêu gọi canh giữ linh hồn của họ đặc biệt là trong trường hợp của những người trẻ tuổi. Có lẽ bởi vì có một số người trẻ nghĩ rằng đây là thời điểm trong cuộc đời, họ có sự tự do để giải quyết tư tưởng phóng túng của họ. Họ nghĩ rằng vào một thời điểm nào đó trong tương lai họ sẽ trở lại cùng Chúa Cứu Thế, nhưng bây giờ "Tôi muốn sống theo cách của tôi". Với những người như vậy các trưởng lão phải đến để dạy họ thuận phục theo Đấng Christ, thuận phục theo lời của Đức Chúa Trời.

Những người trẻ tuổi trong hội thánh, các em nhỏ, các bạn thanh niên được kêu gọi phải thuận phục. Thuận phục có nghĩa là vâng lời, quy phục dưới sự quản lý và dạy dỗ của Đức Chúa Trời. Có lẽ các bạn trẻ bây giờ đang suy nghĩ rằng chỉ khi nào mình ngồi trước mặt các trưởng lão và bị các ông quở trách thì mình mới thuận phục các ông trưởng lão, và có lẽ điều đó không thường xảy ra cho các bạn. Thật ra ý nghĩa nó rộng hơn điều đó nhiều. Khúc Kinh Thánh ám chỉ về tác động giữa các bạn trẻ và những người có chức vụ là các trưởng lão. Điều nầy dẫn đến nhiều điểm: Những người trẻ được kêu gọi phải lắng nghe sự giảng dạy qua sự phục vụ của các trưởng lão. Tôi không có ý nâng tôi lên hay bảo các bạn phải đặc biệt chú ý đến tôi là như là một nhân vật quan trọng nhưng trong ý nghĩa tôi được kêu gọi như là một trưởng lão trong hội thánh để rao giảng lời của Đức Chúa Trời. Các em nhỏ bây giờ phải lắng nghe lời của Đức Chúa Trời. Tôi được kêu gọi làm trưởng lão trong hội thánh của Chúa Cứu Thế để rao giảng về Ngài, dạy về sự bị đóng đinh của Ngài để các em quì gối xuống trước mặt Ngài. Các em phải lắng nghe những lời đó và thuận phục theo lời đó. Chính các em phải quì gối xuống trước Chúa Cứu Thế, đi theo Ngài và phục vụ Ngài bởi vì đó là con đường duy nhất dẫn đến sự cứu rỗi. Điều nầy ám chỉ rằng các em còn nhỏ tuổi phải lắng nghe bài giảng. Tôi nghĩ đôi khi có những người trẻ tuổi nghĩ rằng buổi nhóm như ngày nay, lắng nghe bài giảng là chuyện của người lớn làm, và người lớn cần, đây không phải là điều mà mình phải chú ý đến. Nhưng Thánh Kinh cho chúng ta biết rằng các em phải thuận phục dưới quyền trưởng lão khi mà Kinh Thánh được phân tích cho các em nghe Chúa Nhật nầy đến Chúa Nhật khác trong công tác giảng dạy của hội thánh cũng như sự dạy dỗ mà các em nhận được từ các trưởng lão trong những dịp khác.

Không chỉ tại đây mà thôi, một số trong các em đã từng trải trong những tháng qua, những trưởng lão đến thăm các em trong dịp thăm viếng gia đình. Thỉnh thoảng khi chúng tôi thăm viếng các em trong dịp thăm viếng gia đình thì chúng tôi có dịp nói với các em về những vấn đề hay về những tội đã vi phạm trong gia đình. Là những người trẻ các em phải lắng nghe sự thi hành, dạy dỗ, huấn luyện từ các trưởng lão trong những dịp như vậy. Đôi khi có người được gọi vào văn phòng, có mục sư, trong một cách rất nghiêm túc để nhận sự cố vấn của một trong những trưởng lão của hội thánh. Là những người trẻ, các bạn được kêu gọi phải lắng nghe họ, thuận phục dưới quyền họ khi họ ban phát lời Chúa cho các bạn. Kinh Thánh cho chúng ta biết, đặc biệt là những người trẻ, phải thuận phục các trưởng lão không phải vì họ có uy quyền nhưng bởi vì họ được ban cho quyền bởi Đức Chúa Trời và trách nhiệm coi sóc linh hồn các bạn. Họ muốn các bạn biết Chúa Cứu Thế, bị đóng đinh trong Ngài để theo Ngài.

Phần khích lệ thứ nhì dành cho tất cả mọi người. Quí vị chú ý thấy khúc Kinh Thánh nầy chuyển từ phần đầu nói với các bạn trẻ trong hội thánh đến tất cả quí vị "Hết thảy đối đãi với nhau phải trang sức bằng khiêm nhường". Điểm chính của phần kế tiếp liên quan đến tính nết. Phải có đức tính khiêm nhường. Chúng ta được bảo trong khúc Kinh Thánh nầy rằng chúng ta phải "trang sức" bằng khiêm nhường. Rất thú vị khi biết rằng chữ được dùng ở điểm đặc biệt nầy, chữ "trang sức" (mặc lấy) là một chữ nói đến bộ áo được dùng bởi những nô lệ. Ý định dùng một chữ không bình thường trong phần đặc biệt nầy để nhấn mạnh ở điểm chúng ta được kêu gọi để phục vụ. Chúng ta là nô lệ của Đức Chúa Trời, đầy tớ của Đấng Chí Cao. Nó nhắc đến sự hạ mình của Chúa Cứu Thế khi quí vị suy nghĩ lại chức vụ của Ngài trên đất. Ngài lấy khăn vấn mình và với chậu nước Ngài bắt đầu rửa chân cho các môn đồ Ngài như là một đầy tớ. Ngài tự mặc lấy cho Ngài bộ áo bày tỏ sự khiêm nhường của Ngài. Thực tế chúng ta cũng phải mặc lấy sự khiêm nhường gợi ý rằng sự khiêm nhường của chúng ta hiển nhiên đối với tất cả mọi người. Chúng ta phải mặc lấy nó nghĩa là chúng ta được nhìn thấy như là một đầy tớ khiêm nhường của Đức Chúa Trời. Sự khiêm nhường đó phải thành thật chớ không phải khiêm nhường giả dối. Sự khiêm nhường giả dối tìm cách để nâng mình lên, nhưng sự khiêm nhường thật thì hạ mình xuống, lo đến nhu cầu và hoàn cảnh của người khác trước khi lo cho mình.

Rõ ràng khi chúng ta lật qua những trang của Thánh Kinh thì không có gương nào lớn hơn gương khiêm nhường của Chúa Cứu Thế. Sự khiêm nhường của Chúa Cứu Thế được nói đến trong Philíp đoạn 2, khúc Kinh Thánh mà chúng ta đọc trước trong buổi nhóm. Tôi muốn chúng ta suy nghĩ về sự khiêm nhường của Chúa Cứu Thế buổi sáng hôm nay. Hãy suy nghĩ về điều mà Chúa Cứu Thế đã làm, Ngài từ cõi thiên đàng xuống trần gian nầy sống một thời gian trên đất. Hãy suy nghĩ về sự khiêm nhường của Chúa Cứu Thế khi Ngài thật sự là Đức Chúa Trời mang lấy xác thịt của con người. Hãy suy nghĩ về sự khiêm nhường của Chúa Cứu Thế khi Ngài là Vua của các vua, Chúa của các chúa trở nên một đầy tớ ngay cả rửa chân. Hãy suy nghĩ về sự khiêm nhường của Chúa Cứu Thế khi Ngài có thể gọi hàng chục ngàn thiên sứ đến bảo vệ Ngài nhưng thay vào đó Ngài tự nguyện lên thập tự giá. Hãy suy nghĩ về sự khiêm nhường của Chúa Cứu Thế trong ý nghĩa Ngài không từng bị đau đớn, không từng chịu đau khổ nhưng khi Ngài ở trên đất nầy Ngài phải từng trải sự buồn rầu và thống khổ. Hãy suy nghĩ về sự khiêm nhường của Chúa Cứu Thế là Đấng mà các thiên sứ hát khi Ngài xuống trần để rồi cuối cùng bị con người từ bỏ. Hãy suy nghĩ về sự khiêm nhường của Chúa Cứu Thế là Đấng ngang bằng với Đức Chúa Trời nhưng tự đặt mình dưới quyền của Đức Chúa Trời. Ngài làm tất cả những điều đó vì cớ chúng ta. Như Philíp đoạn 2 cho chúng ta biết "Ngài tự bỏ mình đi" để phục vụ chúng ta. Đây là dấu thật của sự khiêm nhường. Nó được làm vì cớ dân sự của Đức Chúa Trời, của Ngài.

Sự khiêm nhường thật nầy được đòi hỏi nơi chúng ta như Chúa Cứu Thế đã đến để tha thứ cho dân sự Ngài. Chúng ta là dân sự Ngài phải sẵn sàng và vui lòng tha thứ cho người khác ngay cả khi chúng ta bị lăng mạ hay bất công. Chúng ta phải vui lòng và sẵn sàng tha thứ. Chúng ta cũng phải sẵn sàng phục vụ, làm những công việc tầm thường là những công việc có thể không ai muốn làm. Chúng ta phải sẵn sàng phục vụ. Chúng ta không nên tự nghĩ rằng mình hơn người khác nhưng chúng ta phải coi người khác như tôn trọng hơn mình. Chúng ta thấy khúc Kinh Thánh kêu gọi chúng ta làm ngược lại với sự kiêu hãnh. Sự kiêu hãnh chú ý đến chính mình, đến những điều mình làm và muốn mọi người biết đến. Nhưng tinh thần của sự khiêm nhường không tìm kiếm sự ghi nhận, không tìm kiếm sự khen ngợi, nhưng yên lặng, sẵn sàng, tự nguyện hiến dâng chính mình. Đó là bản tính và tinh thần của chính Chúa Cứu Thế.

Nhưng sự khiêm nhường trong khúc Kinh Thánh của chúng ta không chỉ hạn chế trong mối liên hệ của chúng ta với người khác nhưng cũng nói đến cách chúng ta sống trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời nữa. Đây là sự dạy dỗ trong câu 6 bảo chúng ta: "Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến ký thuận hiệp Ngài nhắc anh em lên". Chúng ta được kêu gọi hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời. Hạ mình xuống trước Đức Chúa Trời ám chỉ vài điều. Điều đầu tiên là nhìn nhận tình trạng tội lỗi của mình. Nó bắt đầu với sự nhận biết rằng chúng ta đã phạm tội và không xứng đáng với ân điển, sự thương xót hay biệt đãi của Đức Chúa Trời. Rằng chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào ân điển của Ngài. Không gì chúng ta có thể góp phần vào sự cứu rỗi của chính chúng ta. Ấy chính là sự kiêu hãnh cho rằng chúng ta tự tin vào sức mình, rằng chúng ta cách nào đó xứng đáng trong sự góp phần vào sự cứu rỗi của chính chúng ta. Sự khiêm nhường đến với Chúa với tấm lòng đau thương, đến trước bàn tay quyền năng của Đức Chúa Trời và nói rằng: "Con bất lực Chúa ôi. Con hoàn toàn lệ thuộc vào sự thương xót của Chúa. Xin Chúa tha thứ tội lỗi và sự tồi tàn của con". Sự khiêm nhường đến trước Chúa với tấm lòng đau thương thống hối.

"Hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời" còn có nghĩa thuận phục theo sự thử thách của đời sống. Đường lối của Đức Chúa Trời cao hơn đường lối của chúng ta. Có nhiều lần chúng ta phải chịu sự thử thách lớn. Có nhiều lần chúng ta nghĩ chúng ta không thể hiểu nổi hay chịu đựng nổi. Nhưng trước mặt Đức Chúa Trời chúng ta không được chống lại. Trước Đức Chúa Trời chúng ta không được than phiền về sự thử thách của đời sống. Trước Đức Chúa Trời chúng ta không được tưởng rằng chúng ta biết nhiều hơn Đức Chúa Trời. Trước Đức Chúa Trời chúng ta phải thuận phục với thực tế rằng Đức Chúa Trời biết rõ hơn chúng ta và qua sự thử thách của đời sống chúng ta vẫn nhận biết sự chăm sóc của Chúa. Sự khiêm nhường đòi hỏi chúng ta trao mọi điều lo lắng cho Đức Chúa Trời như câu 7 chép. Đòi hỏi chúng ta tin cậy vào Đức Chúa Trời là Đấng chăm sóc chúng ta. Tin cậy Đức Chúa Trời ngay cả bên ngoài có vẻ như không theo ý muốn của chúng ta. Dầu thế nào đi nữa chúng ta vẫn tin cậy nơi Ngài, biết rằng Ngài yêu thương chúng ta và sẽ khiến mọi sự có ích lợi cho chúng ta. Trông cậy nơi Chúa, biết và tin rằng Ngài quan tâm đến chúng ta.

Cần phải có sự khiêm nhường mới có thể thuận phục theo ý muốn tối thượng của Đức Chúa Trời. Cần phải có sự khiêm nhường mới nhìn nhận rằng chúng ta không hiểu được đường lối của Chúa. Cần phải có sự khiêm nhường mới có thể thuận phục theo ý muốn đó của Chúa và hạ mình xuống trước Ngài.

Theo khúc Kinh Thánh nầy thì tại sao chúng ta phải hạ mình xuống? Câu 5 cho chúng ta biết rằng "Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo". Đức Chúa Trời chống kẻ kiêu ngạo. Đây là chủ đề mà chúng ta tìm thấy nhiều chỗ trong Thánh Kinh. Nhiều lần trong Thi-thiên, trong Châm-ngôn chúng ta được cho biết người khiêm nhường được nâng lên và những ai đứng với sự kiêu ngạo thì bị đánh hạ xuống. Chúng ta thấy không chỉ trong những khúc Kinh Thánh đó nhưng trong những câu chuyện Thánh Kinh kể lại. Chúng ta đọc về sự kiêu ngạo của Cain và sự khiêm nhường của Abên trong việc mang của lễ đem dâng và thế nào tên của Abên được đề cao và Cain bị hạ xuống. Hãy suy nghĩ về tháp Babên nơi mà con người trong sự kiêu ngạo của họ nghĩ rằng họ có thể xây cái tháp cao đến tận trời và tự họ chu cấp cho họ, thế nào điều đó dẫn đến sự bị rủa sả. Chúng ta đọc thấy sự khoe khoang của Gôliát trước đạo quân của Chúa trước khi chúng ta đọc thấy sự suy sụp và sự chết của hắn. Chúng ta đọc về sự kiêu ngạo của Nêbucátnếtsa và thế nào ông bị khiến trở thành con thú trong đồng ruộng. Người nầy đến lượt người khác, những ai đứng với sự kiêu hãnh, đều bị hạ xuống trước tay quyền phép của Đức Chúa Trời. Điểm chính ở đây là gì? Ấy là những ai tự tin cậy vào chính mình cuối cùng đều bị sự phán xét của Đức Chúa Trời. Những ai không chịu quì gối xuống xưng nhận tội lỗi của mình trước mặt Chúa sẽ bị hư mất đời đời trong hồ lửa địa ngục.

Đức Chúa Trời chống cự những ai kiêu ngạo, nhưng câu Kinh Thánh tiếp tục "mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường". Những ai đến với Chúa với tấm lòng thống hối, với tinh thần sẵn sàng và tự nguyện phục vụ Chúa, những người đó được ban ơn, được thương xót. Những ai nhìn nhận rằng họ không thể nhờ cậy vào điều gì khác hơn là ân điển của Chúa Cứu Thế sẽ được ban cho ân điển đó. Thánh Kinh cho chúng ta biết chúng ta phải khiêm nhường bởi vì đến kỳ thuận hiệp thì Chúa sẽ nhắc chúng ta lên. Những ai khiêm nhường bây giờ, thuận phục theo đường lối của Chúa và sự dẫn dắc của Ngài, những ai đến với Chúa với tấm lòng thống hối sẽ được nhắc lên những chỗ trên thiên đàng. Đây cũng là sự dạy dỗ trong Philíp đoạn 2. Chúng ta thấy Chúa Cứu Thế qua sự hạ mình xuống của Ngài bây giờ được đem lên làm Vua trên thiên đàng. Cũng vậy, những ai trong Chúa Cứu Thế sẽ được nhắc lên, họ sẽ được ban cho món quà thiên đàng. Vì vậy, khi chúng ta thuận phục chịu đựng thử thách của đời sống nầy, chúng ta có lời hứa và sự bảo đảm rằng những ai hạ mình xuống trước ý muốn của Đức Chúa Trời bây giờ, cũng sẽ được ban cho sự vui mừng của thiên đàng. Kính thưa hội thánh yêu dấu, buổi sáng hôm nay chúng ta được khích lệ:
- Những người trẻ phải thuận phục những trưởng lão. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều đó, chúng ta hãy lắng nghe lời của Đức Chúa Trời và thuận phục dưới quyền của họ.
- Tất cả chúng ta hãy hạ mình xuống trước Đức Chúa Trời và người khác. Là dân sự của Đức Chúa Trời, qua Đức Thánh Linh Ngài ngự trong chúng ta, lập đức tính nầy, đức tính khiêm nhường, thành đức tính của lòng chúng ta.

Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con cầu xin Chúa ban cho chúng con một tinh thần khiêm nhường thật sự hầu cho chúng con đến trước Ngài như là đầy tớ khiêm nhường nhìn nhận rằng chúng con không thể góp phần gì được vào sự cứu rỗi của chính chúng con, rằng chúng con cần có ân điển của Chúa Cứu Thế được ban cho nhưng không bởi Ngài. Chúa ôi chúng con cầu xin Chúa tỏ ân điển Ngài cho chúng con và ban cho chúng con tinh thần khiêm nhường.

Chúng con cũng cầu xin Ngài ban cho những người trẻ tuổi tấm lòng thuận phục khi họ lắng nghe lời của Đức Chúa Trời dạy họ qua những trưởng lão. Chúng con cầu xin Chúa cho họ được ban cho tinh thần lắng nghe lời Ngài và tự nguyện thuận phục theo. Cầu xin Chúa cho lòng chúng con ghi nhận sứ điệp nầy và kết quả trong tuần lễ tiếp theo. Chúng con cầu nguyện trong danh của Chúa Cứu Thế Giêxu. Amen.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)