DỨT KHỎI TỘI LỖI
(1Phierơ 4:1-6)
Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Một thanh niên đi học đại học, trong lòng rất háo hức bởi giờ đây mình được độc lập, có cơ hội học hỏi những điều mới, gặp gỡ bạn bè mới và sửa soạn bản thân để thật sự vào đời. Ngay cái cuối tuần đầu tiên, người bạn cùng phòng mời anh ta đến một bữa tiệc tùng ăn chơi chào đón năm học mới. Anh ta không biết phải trả lời như thế nào, cuối cùng anh trả lời: "Bạn biết không, tôi là Cơ Đốc Nhân. Tôi không thích đi đến những buổi tiệc tùng như thế." Anh bạn cùng phòng trả lời: "Tùy bạn thôi!" Thế là cuối tuần đó anh bạn ở lại trong ký túc xá một mình.
Một cô gái bắt đầu tìm hiểu một chàng trai mà mình đã để ý từ lâu. Chẳng bao lâu anh chàng bắt đầu tấn công vấn đề quan hệ thể xác, cô bảo anh ta ngưng đi. Anh chàng trả lời: "Thôi đi! Anh biết em cũng sẽ thích mà! Đừng làm ra vẻ một cô gái đoan trang làm gì!" Cô gái giữ ý mình nhưng anh chàng cũng không chịu thua. Cuối cùng anh chàng đứng lên đóng sập cửa phòng mà bỏ đi.
Trong giờ ăn trưa tại phòng ăn với những người làm việc chung, chẳng bao lâu cuộc trò chuyện bắt đầu chuyển hướng về đề tài người chủ với những lời lẽ nặng nhẹ mắng nhiếc, bạn bắt đầu muốn chuyển đề tài nhưng cuộc trò chuyện lại càng trở nên dữ dội hơn. Bạn thu dọn đồ ăn mình đi sang một bàn khác chỉ để nghe họ nói đàng sau bạn rằng: "Anh chàng này làm như ta đây công bình lắm!"
Một em nhỏ đang chơi với bạn, các bạn muốn em cùng tham dự chọc ghẹo một em khác mà bạn bè không thích mấy vì bạn ấy luôn khóc mỗi lần bị bạn chọc ghẹo. Trong thâm tâm em biết làm thế là không tốt, và cha mẹ đã dạy em rằng Cơ Đốc Nhân phải yêu thương tử tế với nhau. Thế thì em nói với bạn là Cơ Đốc Nhân phải yêu thương nhau. Người bạn kia trợn tròn mắt nhìn em và nói: "Tôi không muốn chơi với bạn nữa!"
Chịu khổ để làm điều đúng trước mặt Đức Chúa Trời là điều bình thường chớ không phải là hiếm hoi. Khước từ không dự phần vào những công việc tội lỗi có thể khiến chúng ta bị cô độc. Người xung quanh có thể nhìn thấy chúng ta như là "kỳ lạ, bất bình thường". Điều đáng buồn là tình huống này không chỉ xảy ra giữa vòng những người không tin thôi mà còn giữa những người gọi là tin Chúa nữa. Lắm khi là áp lực của người ta buộc chúng ta phải yên lặng, phải thỏa hiệp, những áp lực nhiều khi cũng hết sức nặng nề. Thế thì làm sao chúng ta đứng vững trước áp lực và thoát khỏi cám dỗ tội lỗi? Làm thế nào chúng ta đứng vững trước một thế giới muốn chúng ta đi theo guồng máy của nó? Sứ đồ Phaolô có một câu trả lời rất đơn giản. Ông bảo chúng ta rằng chúng ta phải nhìn về Đấng Christ.
Khi hướng về Ngài và sự chịu khổ Ngài, chúng ta nhìn thấy hai điều căn bản. Trước tiên, chúng ta nhận ra rằng Chúa Giêxu chịu khổ rất nhiều. Ngài chịu đựng sự thống khổ không dò lường được. Chưa ai từng chịu khổ hơn Ngài vì sự công bình. Thế thì khi chúng ta nhìn vào những khổ nạn của mình khi so với với Đấng Christ, chúng ta thấy không có gì đáng so cả. Chúa Giêxu bị chế nhạo, khước từ, ghét bỏ. Địa vị làm vua của Ngài bị coi thường khi họ mặc cho Ngài áo vua và đội cho Ngài mão gai. Họ bịt mắt Ngài và chế nhạo Ngài. Chúa Giêxu bị chính môn đồ Ngài phản bội là Giuđa, một trong những môn đồ gần gũi Ngài khi giao nộp Ngài. Chính Phierơ cũng đã chối Chúa Giêxu. Chính vị sứ đồ yêu dấu của Chúa Giêxu cũng góp phần vào sự chịu khổ của Ngài. Chúa Giêxu phải chịu khổ nhưng chúng ta nhìn thấy ở Ngài một sự nhẫn nại. Ngài không nghi ngờ tình yêu thương của Đức Chúa Trời mà chăm mắt về mục tiêu là sự cứu rỗi của những người Ngài yêu mến. Nếu chính Chúa Giêxu đã chịu sự khổ sở dường ấy vì Ngài yêu thương chúng ta hết lòng thì chúng ta cũng nên sẵn sàng chịu khổ vì Ngài.
Vị sứ đồ kéo chúng ta đến với Đấng Christ một cách sâu sắc hơn. Ông kéo chúng ta đến với Đấng Christ bảo rằng chúng ta hiệp một với Đấng Christ trong sự chịu khổ Ngài. Sự chịu khổ về phần xác của Đấng Christ là một chủ đề quan trọng xuyên suốt những câu Kinh Thánh này. Từ câu 18, chúng ta đọc thấy Đấng Christ vì tội lỗi chịu chết nhưng về phần hồn thì được sống. Sự chết của Ngài trên thập tự giá không phải là hậu quả của tội lỗi Ngài, chính Phierơ công bố sự vô tội của Đấng Christ, nhưng sự chết Ngài trên thập tự giá là vì tội lỗi chúng ta. Khi Ngài chết trên thập tự giá, chúng ta được hiệp một cùng Ngài. Dường như tay và chân chúng ta cùng bị buộc vào chính Ngài. Ngài chết về phần xác thịt, chúng ta chết đối với xác thịt. Chúng ta được hiệp một với Đấng Christ. Con người tội lỗi cũ của chúng ta bị đóng đinh với Ngài trên thập tự giá. Phierơ đoạn 4 câu 1 nhắc lại điều Phaolô nói đến trong Rôma đoạn 6, "Vì nếu chúng ta làm một cùng Ngài bởi sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ làm một cùng Ngài bởi sự sống lại giống nhau: Vì biết rõ rằng người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài, hầu cho thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không phục dưới tội lỗi nữa. Vì ai đã chết thì được thoát khỏi tội lỗi. Vả, nếu chúng ta đã cùng chết với Đấng Christ, thì chúng ta tin rằng mình cũng sẽ sống lại với Ngài, bởi biết rằng Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, thì chẳng chết nữa; sự chết không còn cai trị trên Ngài." Rôma đoạn 6 từ câu 11 đến 13 cũng thể hiện ý này. Ý tưởng này của Rôma đoạn 6 được trình bày trong ngữ cảnh của phép báp têm. Báp têm là hình bóng của sự chết về phần xác của chúng ta và được sống lại cho Đức Chúa Trời.
Phierơ nói rằng những ai chịu khổ thì đã dứt khỏi tội lỗi. Phierơ không có ý nói rằng bằng cách nào đó chúng ta được nên trọn vẹn bởi sự chịu khổ của chúng ta. Ông không muốn dạy dỗ điều mà trước đây một số người từng làm là tự đánh mình bằng roi hoặc làm cho mình thương tích hầu tẩy rửa lòng mình khỏi tội lỗi, là cách mà nhiều thầy tu thời Trung Cổ đã làm. Phierơ không có ý nói rằng chúng ta cần phải bắt phục tội lỗi mình theo cách này. Ông muốn nói rằng những ai hiệp một với Đấng Christ trong sự chịu khổ Ngài thì đã dứt khỏi tội lỗi, rằng họ không muốn can hệ gì với tội lỗi, đã xây lưng khỏi đời sống tội lỗi rồi. Họ đã chết về tội lỗi bởi mối tương giao với Đấng Christ. Điều này không có nghĩa là chúng ta đã trọn vẹn hết trong mọi việc làm mình nhưng có nghĩa là tội lỗi không còn là điều mà chúng ta cứ đâm bổ vào. Đó không phải là điều thu hút chúng ta. Chúng ta vẫn còn phạm tội nhưng như Phaolô nói trong Rôma đoạn 7 rằng lắm khi chúng ta làm điều mình không muốn làm hoặc không làm điều mình muốn làm. Tội lỗi là điều trái ngược với bản chất con người mới của chúng ta.
Chúng ta ghét bỏ tội lỗi bởi đã được ban cho một sự sống mới để sống theo ý muốn Đức Chúa Trời. Chúng ta không thích đời sống tội lỗi đó, không thấy nó thu hút đối với mình, chúng ta đã dứt khỏi sự mắc bẩy vào những ham muốn nó. Chúng ta đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ. Chúng ta được kêu gọi trang bị cho mình tư tưởng đó. Chúng ta đang bắt tay vào một trận chiến vì thế chúng ta phải sẵn sàng. Điều này nhắc lại sự dạy dỗ trong Êphêsô đoạn 6 rằng chúng ta phải sẵn sàng để chiến đấu cùng mưu kế của ma quỷ. Để đối diện với tội lỗi chúng ta phải đối diện nó với tâm tình của Đấng Christ. Chúng ta phải sẵn sàng đối diện với thử thách cám dỗ có thể đến.
Khi bị cám dỗ, chúng ta đáp lời bằng cách nói rằng: "Không! Tôi đã chết về tội lỗi, không còn sống trong tội lỗi nữa". Khi cám dỗ đến, khi bạn bè áp lực, chúng ta nói: "Tôi không muốn đi xuống con đường ấy nữa bởi tôi đã dứt khỏi tội lỗi. Tôi không muốn can dự gì đến lối sống đó nữa bởi tôi sống cho Đức Chúa Trời. Khi chịu khổ vì sự công bình, chúng ta không bị cám dỗ mà chịu thua. Chúng ta xem sự chịu khổ như là điều vinh dự. Chúng ta thấy rằng khi chúng ta hiệp một với Đấng Christ, chúng ta đã chết đi những dục vọng xác thịt. Ước muốn của chúng ta là sống theo ý Đức Chúa Trời.
Đoạn Kinh Thánh tiếp tục dạy chúng ta rằng chúng ta cần gớm ghiếc khi nhìn về đời sống tội lỗi. Nó không phải là điều hấp dẫn chúng ta nữa mà là điều đáng rủa sả. Chúng ta cần nhìn cách sống cũ đó như là một sự hao phí thời gian, sức lực. Tại sao chúng ta lại muốn trở lại với những gì chúng ta ghét bỏ. Chúng ta đã tiêu đủ thời gian làm theo ý người đời. Đời sống tội lỗi không nên được ngoái nhìn lại với lòng ao ước mà là với sự nhẹ nhõm vì đời sống đó đã qua rồi. Cách chúng ta nhìn về tội lỗi, về cách thế gian đang sống chung quanh chúng ta, phải là vui mừng vì chúng ta đã dứt khỏi nó rồi, vì chúng ta không bị ràng buộc trong sự theo đuổi nó. Chúng ta thỏa lòng trong ân điển Đức Chúa Trời. Chúng ta đã để đủ thời gian trong quá khứ làm theo ý người đời, giờ đây ao ước của chúng ta là làm theo ý Đấng Christ. Nếu chúng ta không tin Chúa từ khi còn nhỏ trong gia đình, khi nhìn trở lại cách sống cũ của mình, nghĩ về sự trống rỗng của nó, về đời sống không có Đức Chúa Trời, không hy vọng, với sự theo đuổi những thú vui vô nghĩa, trái ngược với đời sống chúng ta có được trong Đấng Christ thì chúng ta vui mừng vì được phục hồi với Đấng Christ trong mối tương giao với Ngài.
Điều này cũng có thể thấy được ở những người tin Chúa từ thuở tấm bé, thấy mừng vì mình chẳng phải chịu đựng một lối sống trống rỗng bên ngoài Đấng Christ. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể nhìn vào những buổi tiệc tùng và cách sống buông lung xung quanh chúng ta và nói rằng đây không phải là điều thu hút tôi, không phải là điều đáng ước ao mà là điều đáng tránh né. Sách Truyền Đạo là một ví dụ rõ ràng của vấn đề này. Vua Salômôn đã từng trải mọi sự trong đời mình, đã đưa đến một kết luận rằng: "Mọi sự đều hư không!" Mọi sự đều hư không ngoại trừ việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời và đi theo Ngài.
Vấn đề không phải là chúng ta nên nhìn những người còn bị trói buộc trong cách sống đó với lòng tự hào về sự công bình riêng mình. Thế gian chắc chắn không hiểu được phước hạnh của đời sống sống cho Đấng Christ. Thế gian sẽ nhìn chúng ta với con mắt kỳ lạ: "Sao anh không vui thích những điều mà chúng tôi thích? Tại sao không thỉnh thoảng hưởng lấy vui thú tội lỗi?" Sống theo ý Đức Chúa Trời, chúng ta có thể bị người khác gán cho là người theo đạo đức chủ nghĩa, có thể bị nhìn một cách rất tiêu cực trong thời Cải Chánh. Đôi khi những người quan tâm đến việc sống đời sống tôn vinh hiển cho Đức Chúa Trời, cất bỏ bản ngã tội lỗi khỏi đời sống bị nhìn với cái nhìn này.
Chúng ta hãy xem câu 4 sẽ thấy một sự lựa chọn từ ngữ rất hay tại đây: "chẳng cùng họ theo sự dâm dật bậy bạ ấy" (hay "cơn lụt của sự phóng đãng ấy"). Tôi tin rằng chữ này gắn liền với ý tưởng chúng ta đã học trước đây. Chữ "cơn lụt" gắn liền với sự kiện thời Nô-ê được đề cập trong đoạn 3. Người ta thấy lạ khi chúng ta chẳng cùng dự phần với họ trong cơn lụt. Họ cho rằng chúng ta điên dại vì không chịu nhào ra khỏi tàu. Nhưng sự thật thì chẳng phải là điều ngược lại mới đúng sao? Chẳng phải chúng ta là kỳ lạ mà chính họ mới là kỳ lạ sao? Chúng ta có thể tưởng tượng một phút giây nào đó có lẽ nào Nô-ê nhìn ra khỏi tàu khi mưa bắt đầu trút xuống mà nghĩ rằng: "Phải chi mình ở trong số những người kia!" Khi những người cùng thời bắt đầu chìm xuống như những tảng đá nặng trĩu dưới sự phán xét của Đức Chúa Trời, chắc chắn Nô-ê mừng rằng mình đã chẳng bị quyến dụ bởi đời sống tội lỗi của họ. Chắc chắn Nô-ê vui mừng về sự cứu rỗi mà Đức Chúa Trời đã ban cho. Ông có đời sống trong Đức Chúa Trời vượt hơn hẵn đời sống trong xác thịt. Như những người cùng thời Nô-ê, những ai sống trong tội lỗi sẽ phải chết trong tội lỗi.
Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng ai đi theo con đường này, con đường của cơn lụt phóng đãng sẽ phải khai trình trước mặt Đức Chúa Trời: Đức Chúa Trời sẽ xét đoán kẻ sống và kẻ chết. Những ai ở ngoài Chúa Giêxu Christ, không ở trên "chiếc tàu", sẽ phải bị hư mất dưới sự công bình của Đức Chúa Trời. Thế thì khi chúng ta nhìn về sự chịu khổ, về đời sống chúng ta trong Đấng Christ theo cách này, thì có thể thấy rằng không gì có thể quyến dụ chúng ta đến tội lỗi, không có gì quyến rũ chúng ta phải sống theo cách của thế gian. Con đường của thế gian dẫn đến sự chết. Con đường của Đấng Christ dẫn đến sự sống.
Thế thì chúng ta trở lại với những câu hỏi: Chúng ta sẽ chịu khổ vì sự công bình như thế nào đây? Chúng ta sẽ trả lời thế nào khi những người chung quanh cám dỗ chúng ta phạm tội mà bảo rằng "Hãy đi với tôi"? Các em sẽ làm gì khi bạn bè xui giục các em không vâng lời cha mẹ? Chúng ta sẽ nói gì khi ai đó muốn chúng ta xử tệ với một người khác hoặc làm những điều tội lỗi khác? Chúng ta sẽ làm gì khi người khác muốn chúng ta dự phần vào những công việc mà chúng ta biết không theo ý Chúa? Chúng ta hãy đứng lên, hãy trung tín với Chúa Giêxu Christ! Hãy nhớ rằng chúng ta đã chết về tội lỗi. Không có gì vui thích trong việc theo đuổi những điều đó. Mọi sự đó không đẹp lòng Chúa và chúng ta đã chết về tội lỗi rồi. Chúng ta hãy hướng về Đấng Christ và tự hỏi rằng "Liệu tôi có sẵn sàng chịu khổ vì Ngài không? Liệu tôi có sẵn sàng chấp nhận sự khước từ mà mọi sự đó có thể mang đến cho tôi không?" Hãy nói "Vâng!" chẳng phải vì tự chúng ta mạnh mẽ mà là vì Đấng Christ đã thêm sức cho chúng ta. Đấng Christ đã sẵn sàng phó chính sự sống mình vì chúng ta, chịu khổ và chết trên thập tự giá. Chúng ta cũng hãy mang lấy thập tự giá mình mà theo Ngài. Dục vọng xác thịt không còn sức mạnh trên chúng ta bởi chúng ta đã chết về tội lỗi. Hãy sống cho Đức Chúa Trời. Amen.
Lạy Cha thiên thượng toàn năng của chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài về ân điển của Đấng Christ đã cứu chúng con khỏi sự thạnh nộ và định tội của Ngài. Cảm tạ Ngài vì đời sống chúng con có được trong Đấng Christ mà bởi đó, chúng con đã đóng đinh đời sống tội lỗi mình, không còn sống với nó nữa mà sống cho Đức Chúa Trời. Chúng con cầu xin Ngài giúp chúng con, khi những người không tin cám dỗ chúng con, chúng con có thể đứng vững, chịu khổ vì sự công bình như chính Đấng Christ đã chịu khổ vì chúng con.
Khi người khác chế nhạo chúng con, khi chúng con bị cô lập vì đứng với Đấng Christ, xin cho chúng con được Ngài khích lệ và Thánh Linh Ngài thêm sức biết rằng sự sống trong xác thịt trên thế gian này chẳng là gì khi so với sự sống mà chúng con có được trong Đấng Christ. Xin cho chúng con đối diện với khổ nạn bằng sự kiên nhẫn, được khích lệ trong đức tin, lánh khỏi tội lỗi mà theo Đấng Christ.
Những ai có tấm lòng vẫn còn vương vấn bởi những ước muốn tội lỗi mà không ước muốn chính mình Ngài, chúng con xin Ngài mở mắt họ hầu biết rằng những ai sống trong tội lỗi sẽ phải khai trình trước mặt Đức Chúa Trời và những ai ở ngoài Đấng Christ chắc chắn sẽ phải chịu đoán xét. Xin cho chúng con cứ ở trong Đấng Christ và đi theo Ngài. Chúng con cầu nguyện trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Amen.
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)