HAM THÍCH SỮA
(1Phierơ 2:2-3)
Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Chắc chắn ai trong chúng ta cũng đã từng nghe tiếng khóc gào của một em bé khát sữa. Thật ra khi soạn bài tôi hy vọng Caleb, Jonathan hay Timothy sẽ cho tôi một sự minh họa sinh động về ý này sáng hôm nay bằng một tiếng khóc thật to nhưng cuối cùng điều đó không xảy ra.
Chắc chúng ta cũng đã từng nghe tiếng khóc khát sữa của một em bé sơ sinh phá tan sự tĩnh lặng của đêm khuya và ông bố xoay qua thúc vợ mình bảo rằng "Em bé của em đói rồi kìa!" Hoặc các em thiếu nhi đang đi trên xe và ba mẹ bảo rằng "Còn hai mươi phút nữa thì đến nhà" mà em nhỏ mới sanh của các em đã bắt đầu khóc. Các em có thể cố gắng dỗ bé, nói chuyện với bé nhưng bé không chịu. Mẹ các em mới bảo các em đưa cho bé một núm vú nhưng bé cũng không chịu, bé chỉ thích sữa mà thôi. Thế thì mẹ bảo bé rằng mình gần về đến nhà rồi và bé phải đợi. Nhưng trong thời gian chờ đợi thì bé cứ khóc càng ngày càng lớn suốt đường về. Các em muốn bé nín khóc nhưng các em biết rằng cách duy nhất cho bé nín là cho nó sữa. Chúng ta thấy dù em bé hiểu biết rất ít về thế giới xung quanh nó, nó không thể trình bày rõ ràng nhu cầu cần sữa, dù nó không biết gì về sinh học, nhu cầu cơ thể hay mục tiêu của sữa, dầu vậy nó cứ đòi sữa một cách dữ dội liên tục. Bé không biết thể nào sữa khiến cơ thể bé lớn lên nhưng bé biết rằng mình đói bụng. Bé biết rằng mình thích sữa và sữa là ngọt ngào cho bé. Khi nó muốn sữa, nó có thể bày tỏ điều đó bằng một cách mà chúng ta có thể hiểu được: "Cho con sữa! Cho con sữa liền đi!" Chúng ta thấy con trẻ muốn được uống sữa. Ao ước đó thường được thể hiện một cách sốt sắng, nóng nảy, bền bĩ và thường xuyên. Một em bé không thỏa mãn chỉ với một lần uống sữa. Sự khát khao của nó cứ phải được thỏa đáp mãi.
Trong đoạn Kinh Thánh chúng ta hôm nay, vị sứ đồ so sánh sự khao khát của Cơ Đốc Nhân đối với Lời Chúa như cơn khát sữa của một em bé sơ sinh. Hôm nay chúng ta cùng xem đoạn Kinh Thánh, trước tiên là sự khát sữa của Lời Chúa của chúng ta, thứ hai, là bản chất của sữa ấy, thứ ba, là thể nào sữa ấy khiến chúng ta lớn lên trong sự cứu rỗi của chúng ta và cuối cùng, là sự ngọt ngào của sữa ấy.
Đầu tiên, chúng ta sẽ xem xét sự khao khát sữa của Lời Đức Chúa Trời. Vị sứ đồ so sánh ao ước học hỏi và được nuôi dưỡng trong Lời Đức Chúa Trời của chúng ta với khao khát của một đứa trẻ sơ sinh với sữa mẹ. Trở lại trong 1Phierơ đoạn 1 câu 23, chúng ta thấy sự so sánh giữa một Cơ Đốc nhân với một trẻ sơ sinh được vị sứ đồ Phierơ khởi xướng. Bởi tại đó, đoạn Kinh Thánh nói đến việc chúng ta được lại sanh bởi Lời Đức Chúa Trời. Ông quay lại ý niệm này trong đoạn 2 câu 2. Bằng hình ảnh này, ông vẽ nên một bức tranh hết sức sinh động trong tâm trí của độc giả về thái độ họ cần có đối với Lời Đức Chúa Trời. Sự so sánh này làm sáng tỏ trong tâm trí chúng ta thể nào chúng ta cần khao khát Lời Chúa. Nếu chúng ta là Cơ Đốc nhân thật trong Chúa, chúng ta sẽ đói khát Lời Chúa, chúng ta sẽ hết sức ao ước Lời ấy. Chúng ta biết rằng chúng ta cần được nuôi dưỡng bởi Lời Ngài. Khi nghĩ đến Lời Đức Chúa Trời trong mối liên hệ với đứa trẻ khát sữa, chúng ta nhận ra rằng chúng ta không thể thỏa mãn với chỉ một bữa ăn mà thôi. Chúng ta cứ khao khát Lời Ngài không thôi như một em bé cứ khóc hoài đòi sữa. Khi thiếu vắng Lời Chúa một thời gian, tấm lòng chúng ta chắc hẳn khao khát Lời ấy.
Một bé sơ sinh không cần phải được thuyết phục rằng sữa là bổ dưỡng cho nó. Nó không cần được dạy hay ép buộc rằng nó phải uống sữa này. Không! Sự khát sữa của nó là từ trong bản chất tự nhiên của nó. Khi nó đói thì bao tử nó gởi thông tin cho não bộ nó và nói "Tôi cần ăn!" và nó khóc đòi ba mẹ cho nó sữa. Chúng ta không cần ép nó uống sữa như thể nó chẳng thích sữa. Nó muốn sữa, khao khát sữa, nó không bỏ qua một cữ sữa vì quá mê chơi với bạn. Nó không tìm chuyện gì khác để làm thay vì uống sữa. Nó không ngủ nướng mà bỏ sữa. Thật ra nó còn đánh thức ba mẹ nó dậy khi nó đói bụng. Nói cách khác, khi đọc đoạn Kinh Thánh này và sự so sánh tại đây, chúng ta cần phải có ao ước giống như vậy đối với Lời Đức Chúa Trời. Lòng khao khát này không chỉ được thể hiện trong đoạn Kinh Thánh này mà thôi mà còn được diễn đạt trong những đoạn Kinh Thánh khác nữa. Thi Thiên 42 câu 1, "Đức Chúa Trời ôi! linh hồn tôi mơ ước Chúa, Như con nai cái thèm khát khe nước. Linh hồn tôi khát khao Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời hằng sống: Tôi sẽ đến ra mắt Đức Chúa Trời chừng nào?" Trước giả Thi Thiên mô tả khao khát của mình là được ở trong sự hiện diện của Chúa để được lắng nghe Lời Ngài và được Ngài ban phước. Thi Thiên 119 câu 97 và 98 chép, "Tôi yêu mến luật pháp Chúa biết bao! Trọn ngày tôi suy gẫm luật pháp ấy. Các điều răn Chúa làm cho tôi khôn ngoan hơn kẻ thù nghịch tôi, Vì các điều răn ấy ở cùng tôi luôn luôn." Trước giả Thi Thiên có một lòng say mê, yêu mến chân thành với Lời Chúa. Ông không cần ai thuyết phục mình học hỏi Lời ấy. Ông muốn được đọc và nghe luật pháp Đức Chúa Trời. Ông yêu mến luật pháp ấy.
Chúng ta cũng thấy rằng nếu không được thỏa đáp, lòng khao khát Lời Chúa ấy lại càng mãnh liệt hơn. Cơ Đốc nhân thật nếu bị tách rời khỏi Lời Chúa lại càng khao khát Lời ấy nhiều hơn. Như em bé không được cho sữa một lát thì lại càng khóc lớn hơn đòi sữa, chúng ta là những người yêu mến Chúa nếu thiếu thốn Lời Chúa lại càng tìm kiếm Lời Ngài mãnh liệt hơn. Chúng ta cần phải cứ tìm kiếm mãi cho đến khi có được cơ hội học hỏi suy gẫm Lời Chúa. Nếu chúng ta đã từng phải ăn kiêng, không được ăn một số loại thức ăn nào đó thì chúng ta sẽ hiểu được sức mạnh của khao khát này. Sau một thời gian, điều duy nhất hiện diện trong tâm trí chúng ta là có được những thức ăn phải kiêng cữ đó. Một em bé sơ sinh không được uống sữa cũng vậy. Thế thì vấn đề ở đây là sự khao khát chiếm giữ chúng ta. Lời Đức Chúa Trời là sự khao khát của con cái Ngài giống như một em bé sơ sinh khoẻ mạnh khao khát sữa.
Thế nhưng chúng ta khao khát gì khi nói rằng chúng ta ham thích sữa thiêng liêng của đạo. Nếu đọc trong 1Côrinhtô đoạn 3 từ câu 1 đến câu 3 và Hêbơrơ đoạn 5, chúng ta sẽ đọc thấy về sữa của đạo này. Trong những phân đoạn kể trên, "sữa" không được hoàn toàn dùng theo ý khen ngợi. Nó mang hàm ý về những gì căn bản, sơ yếu dành cho những người mới tin. Tuy nhiên Cơ Đốc nhân không nên chỉ thỏa lòng với "sữa" mà cần phải tìm kiếm sữa ấy luôn hầu không chỉ học hỏi những lẽ đạo sơ học mà suy gẫm những sự sâu nhiệm trong Lời ấy. Thế thì "sữa" được hiểu theo cách đó. Ý của những đoạn Kinh Thánh đó là chúng ta không nên chỉ thỏa lòng với "sữa" của Lời Chúa mà cần phải lớn lên đến mức ăn được đồ ăn cứng, nghĩa là sự sâu nhiệm trong Lời Đức Chúa Trời. Thế nhưng trong 1Phierơ đoạn 2 không đề cập đến sự trái ngược giữa sữa và đồ ăn cứng. Tại đây không hề có ý nói rằng sữa là không tốt cho Cơ Đốc Nhân mà là sự bổ dưỡng cho người tín hữu bất chấp hạn tuổi nào. Đoạn Kinh Thánh chúng ta cũng không có ý khích lệ Cơ Đốc nhân hài lòng với sự đơn giản sơ học trong lẽ thật Tin Lành thay vì đào sâu vào sự sâu nhiệm của Phúc Âm. Trọng tâm của đoạn Kinh Thánh này là ở nơi thái độ của chính chúng ta với Lời Đức Chúa Trời, nghĩa là chúng ta cần phải khao khát Lời ấy như trẻ con khát sữa vậy. Thế thì chúng ta cần phải khao khát điều gì? Chẳng phải là lẽ đạo sơ học, nhưng là Lời Đức Chúa Trời nói chung. Chúng ta cần phải khao khát Lời Chúa, là Lời vừa được đề cập đến trong đoạn trước (1Phierơ 1:23-24).
Lời Đức Chúa Trời là Lời cứu rỗi. Ấy chính Lời Đức Chúa Trời cho chúng ta biết thể nào chúng ta được giải cứu khỏi tội lỗi và sự thống khổ mình. Lời Đức Chúa Trời cũng cho chúng ta biết chúng ta đều là tội nhân, đáng lẽ phải chịu sự định tội của Đức Chúa Trời dưới sự phán xét và công chính Ngài nếu chúng ta cứ không ăn năn và ở ngoài Đấng Christ. Ấy chính Lời này cho chúng ta biết những lẽ thật ấy và kêu gọi chúng ta đến với đức tin nơi Đấng Christ hằng sống. Ấy chính Lời Đức Chúa Trời khiến chúng ta đối diện với tội lỗi mình và kéo chúng ta đến với Chúa Giêxu Christ. Lời Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự sống mới trong Đấng Christ. Lời Đức Chúa Trời cho chúng ta biết những gì Đấng Christ đã làm cho chúng ta, rằng Ngài dang tay trên thập tự giá để chết cho bạn, rằng Ngài đến thế gian này với mục tiêu đã định trước đó, hạ mình xuống hầu chịu chết để bạn có thể được cứu. Lời Đức Chúa Trời nói đến sự sống lại của Ngài và trong sự sống lại của Đấng Christ, chúng ta là những người ở trong Ngài cũng được sống lại trong sự sống mới. Lời Đức Chúa Trời dạy chúng ta thể nào chúng ta cần sống đời sống mới vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời. Lời Đức Chúa Trời cho chúng ta biết về cơ nghiệp thiên thượng đã được mua cho chúng ta. Lời Đức Chúa Trời chính là Tin Lành. Ấy chính Lời này đã được giảng ra cho chúng ta. Đây chính là Lời mà chúng ta cần ao ước.
Chúng ta cũng để ý rằng đoạn Kinh Thánh không chỉ nói đến bất kỳ "đạo" nào mà nói đến "sữa thuần khiết của đạo". Chúng ta khao khát sự thuần khiết của sữa ấy. Khi Lời Đức Chúa Trời được rao giảng, chúng ta cần ước muốn Lời ấy được rao giảng cách trung thực. Khi học hỏi, chúng ta muốn hiểu biết Kinh Thánh cách đúng đắn. Chúng ta không hài lòng với sự hiểu biết Lời Chúa một cách hời hợt. Chúng ta muốn một Tin Lành thuần khiết không pha tạp. Chúng ta muốn một Tin Lành trọn vẹn sâu nhiệm. Chúng ta muốn hiểu biết lẽ thật. Chúng ta muốn dẹp bỏ sự dạy dỗ sai lệch và chắc chắn chúng ta không hài lòng với những ai trình bày điều gì đó chưa đúng với chân lý. Chúng ta ao ước Lời chân thật của Đức Chúa Trời. Trong những năm gần đây, có một mối quan ngại về loại sữa hộp cho bé được gởi sang các nước nghèo sợ rằng loại sữa đó sẽ được pha chế bằng thứ nước không tinh khiết, còn vi khuẩn hay vi trùng khiến cho thứ sữa được chế với dụng ý duy trì sự sống trờ thành nguyên nhân khiến các em bé đau yếu hay thậm chí tử vong. Lời Chúa nếu không được giảng dạy cách trung thực cũng thế. Chúng ta ao ước Lời thuần khiết của Đức Chúa Trời bởi Lời Đức Chúa Trời nếu bị pha tạp, diễn giải sai lệch có thể không dẫn chúng ta đến với Tin Lành, đến sự sống mà còn dẫn chúng ta đi xa khỏi lẽ thật. Chúng ta muốn Lời thuần khiết của Đức Chúa Trời, sự giảng dạy châm rễ trong Lời không sai lầm của Đức Chúa Trời tìm thấy trong Kinh Thánh. Đây chính là điều chúng ta ao ước mình được nuôi dưỡng với, là điều chúng ta cần.
Kinh Thánh tiếp tục dạy rằng ấy chính là sự học hỏi Lời Đức Chúa Trời này dẫn đến sự cứu rỗi. Sự học hỏi Lời Đức Chúa Trời cách trung tín là thức ăn, là điều mà Đức Chúa Trời ban cho hội thánh Ngài để khiến chúng ta lớn lên. Chúng ta cần được nuôi nấng bởi Lời Đức Chúa Trời để được mạnh khoẻ về tâm linh. Những ai không ở trong Lời Đức Chúa Trời, không tự mình học hỏi Lời ấy, không lắng nghe sự giảng dạy Lời Chúa có khuynh hướng đi sai, cảm thấy xa cách khỏi sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Nhiều người kinh nghiệm trong lòng rằng nếu họ đi lạc khỏi Lời Đức Chúa Trời, họ cũng cảm thấy sự giảm sút trong sự gần gũi với Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta ngừng không uống Lời Chúa thì chúng ta bắt đầu chết mất. Lời Đức Chúa Trời là phương tiện Đức Chúa Trời dùng để nuôi dưỡng tâm linh chúng ta. Chúng ta phải được nuôi dưỡng trong Lời Đức Chúa Trời hầu lớn lên trong sự hiểu biết ân điển của Đức Chúa Trời bởi chính mình Đức Chúa Trời được mặc khải trong Lời Ngài.
Kinh Thánh cho chúng ta thấy kế hoạch cứu rỗi toàn quyền của Đức Chúa Trời được giải tỏ, chúng ta nhìn thấy vì sao trong vườn Êđen Ngài phán hứa sẽ ban một Đấng giày đạp đầu con rắn, chúng ta nhìn thấy nhu cầu của Ápraham là người được gọi ra khỏi xứ Urơ, khỏi đời sống theo thế gian trước đây của mình để đi đến xứ Canaan để trở thành tuyển dân của Đức Chúa Trời, thể nào từ dòng dõi Đavít, một Vị Vua đã đến cai trị là Đấng Cứu Chuộc cho dân sự Đức Chúa Trời. Chúng ta nhìn thấy trong luật pháp của Đức Chúa Trời, trong những thầy tế lễ, trong đền tạm, công việc của Đấng Christ được bày tỏ ra qua sự dâng chiên và dê làm của tế lễ cho dân sự Đức Chúa Trời. Kinh Thánh từ đầu đến cuối hướng chúng ta đến với Đấng Christ. Mọi sự nói cho chúng ta về Ngài. Khi chúng ta học hỏi những điều đó, chúng ta cần phải thấy háo hức bởi được lớn lên trong sự hiểu biết Đức Chúa Trời. Chúng ta nhìn thấy kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời được bày tỏ ra trước mắt chúng ta và chúng ta biết rằng chính là cho chúng ta mà Đức Chúa Trời đã ban cho một Đấng Cứu Thế. Vì Đức Chúa Trời yêu thương hội thánh Ngài mà Đấng Christ phải đến thế gian hầu cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Chúng ta thấy Kinh Thánh hướng mắt chúng ta nhìn thẳng về Đấng Christ, mục tiêu của sự cứu rỗi chúng ta. Kinh Thánh cho chúng ta biết những gì Ngài đã làm và chúng ta được lôi cuốn đến tình yêu mến đối với Ngài càng hơn. Kinh Thánh cũng được dùng để khích lệ chúng ta trong sự tranh chiến. Chúng ta vẫn thường bị đánh bại bởi sự tấn công liên tục của ma quỷ hay sự cám dỗ của chính chúng ta và chúng ta cần được khích lệ bởi Lời Chúa. Trong những lúc khó khăn tranh chiến, chúng ta vẫn thường không thấy bảo đảm rằng Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Lời Đức Chúa Trời khiến chúng ta lớn lên và chúng ta cần có Lời đó.
Cuối cùng, câu 3 dạy chúng ta rằng sự khao khát Lời Chúa xuất phát từ sự chúng ta đã nếm biết Lời Ngài là ngọt ngào, rằng "Chúa là ngọt ngào". Nếu chúng ta đã nếm biết sự tốt lành của Lời Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ đói khát Lời ấy. Nếu điều này là đúng thì điều ngược lại cũng đúng nữa, nghĩa là nếu chúng ta chưa nếm biết Lời Chúa thì chúng ta sẽ không khao khát tìm kiếm nó. Nếu chúng ta biết và tin vào sự cứu rỗi mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta trong Đấng Christ thì chúng ta sẽ không thỏa lòng với sự hiểu biết hiện tại của chúng ta về Đấng Christ, chúng ta sẽ muốn biết nhiều hơn, muốn đào sâu Lời Chúa. Chúng ta biết rằng nếu học hỏi Kinh Thánh, chúng ta sẽ được phước. Chúng ta biết vì đã được nếm biết bằng kinh nghiệm của mình. Càng học, chúng ta cần hiểu biết sự chân thật của nó, chúng ta càng được kéo đến gần Ngài hơn hầu nhìn thấy và nếm biết Chúa là tốt lành. Phần Kinh Thánh này rõ ràng là dựa trên Thi Thiên 34 câu 8, "Khá nếm thử xem Đức Giêhôva tốt lành dường bao! Phước cho người nào nương náu mình nơi Ngài!" Chúng ta liên tục cần được nhắc nhở về sự tốt lành của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta đã nếm biết thì chúng ta sẽ ao ước. Tôi thấy điều này thật là đáng tiếc trong thế giới ngày nay, thậm chí trong vòng những người Cơ Đốc là nơi cần phải có sự khao khát Lời Chúa mà lại thiếu vắng điều ấy, tại đó Kinh Thánh lại được cất kỷ trên giá sách không dùng tới, những trang giấy không hề có vết nhăn. Sự khước từ Lời Đức Chúa Trời đó là một nan đề thật. Họ hài lòng với sự nuôi dưỡng Lời Chúa mỗi tuần một lần và không hề có một sự khao khát thật muốn được học hỏi Lời Chúa nhiều hơn. Nếu chúng ta đang trong tình trạng đó thì chúng ta chẳng nên đặt câu hỏi rằng liệu chúng ta có thật sự nếm biết Chúa là ngọt ngào chưa. Chúng ta chẳng muốn nghe nhiều hơn thể nào Đức Chúa Trời đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi và sự thống khổ chúng ta sao? Tâm linh chúng ta chẳng kêu lên rằng "Lạy Chúa! Xin nuôi con bằng Lời Ngài" như một em bé khóc "cho con sữa nữa đi" sao?
Lời Chúa là Lời sống, ban cho chúng ta sự cứu rỗi, ban cho chúng ta sự sống, thay đổi đời sống chúng ta chớ chẳng phải là không liên quan thích hợp cho chúng ta. Chúng ta không thể nói rằng mình đã biết hết Lời Chúa, rằng không còn gì trong Lời ấy để chúng ta đào sâu hơn mà chưa được những học giả Kinh Thánh vĩ đại nhất đào sâu nghiên cứu. Chúng ta hãy tự hỏi mình "Liệu chúng ta có khao khát được nghe giảng dạy Lời Chúa, ở trong Lời Ngài trong giờ tỉnh nguyện cá nhân của chúng ta không?" Chúng ta thấy rằng trong sự giảng dạy và đọc Kinh Thánh, chúng ta được học về Đấng Christ, về kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Hãy suy nghĩ về điều này. Tôi không muốn quý vị ra về với mặc cảm tội lỗi. Nếu chúng ta còn ở ngoài Chúa, không biết Ngài, không ước muốn hầu việc Ngài thì chúng ta nên cảm thấy mình có tội. Nhưng nếu chúng ta là con cái thật của Đức Chúa Trời, chúng ta cần ra về với tấm lòng khao khát Lời Chúa.
Lời nói của tôi không thể thuyết phục quý vị rằng quý vị cần có Lời Đức Chúa Trời, hay đơn giản là thúc ép quý vị đọc Kinh Thánh nhiều hơn hay đi nhà thờ trung tín hơn. Tự chúng ta phải nếm biết Lời Chúa, nếm biết sự ngọt ngào của Chúa và một khi đã thật sự nếm biết thì tự trong sâu thẳm tấm lòng của chúng ta sẽ có một sự khao khát nơi Lời Chúa mà không thể được thỏa mãn bởi một vài lần được nuôi mình bằng Lời Ngài. Chúng ta sẽ không thể hài lòng với sự ăn nuốt Lời Chúa mỗi tuần một lần như thế thôi mà sẽ tìm mọi cơ hội để học hỏi và lắng nghe Lời Ngài. Điều này là tự nhiên trong bản chất chúng ta nếu chúng ta là con cái Chúa. Khi chúng ta đói khát, chúng ta đói khát Lời Chúa. Sự khao khát Lời Chúa là vấn đề của tấm lòng. Điều này phải là chân thật. Chúng ta cần phải có một sự khao khát chân thật chỉ được thỏa mãn bởi sữa của Lời Đức Chúa Trời. Tôi cầu nguyện rằng hết thảy chúng ta thật sự nếm biết Chúa là ngọt ngào hầu khao khát Lời thánh Ngài. Amen.
Lạy Cha thiên thượng toàn năng của chúng con. Hôm nay cầu xin Chúa cho chúng con có lòng nóng nảy khao khát Lời Chúa. Xin cho điều này không chỉ khiến chúng con nhóm họp nhau để thờ phượng Chúa, để lắng nghe sự giảng dạy của Lời Ngài, mà còn thúc đẩy chúng con học hỏi Lời Ngài cách riêng tư hầu chúng con học hỏi, được nuôi dưỡng bởi Lời Ngài hầu chúng con được no đủ. Khi chúng con suy gẫm về sự trọn vẹn của ân điển Ngài, xin cho chúng con nếm biết và nhìn thấy rằng Ngài là ngọt ngào. Nguyện sữa của Ngài là ngọt ngào cho chúng con. Xin cho chúng con được thu hút đến với Lời Ngài không phải là vì ép uổng mà vì tấm lòng yêu mến chân thành muốn hiểu biết Đấng Christ và Lời Ngài nhiều hơn. Chúng con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Giêxu Christ. Amen.
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)