HÃY NÊN THÁNH
(1Phierơ 1:14)
Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Quý ông bà anh chị có bao giờ để thời gian suy gẫm về thiên đàng chưa? Khi một người thân của chúng ta qua đời mà chúng ta biết người đó yêu mến Chúa, chúng ta nghĩ đến người đó đang ở trên trời với Chúa. Đôi khi chúng ta nghĩ đến sự qua đời của chính mình, hoặc khi Chúa Giêxu đến và chúng ta được cất lên trời để sống với Chúa đời đời. Chúng ta có bao giờ để thời gian hình dung hội thánh Đấng Christ sẽ quay quần bên ngai thánh trên trời chiêm ngưỡng Đấng Cứu Chuộc yêu dấu của chúng ta như thế nào không? Trong khi ý tưởng phải đối diện Đức Chúa Trời, Đấng chủ tể của trời đất, có thể đáng kinh khiếp cho những người không tin, chắc chắn nó không đáng sợ đối với những ai trông đợi nơi Đấng Christ cho sự cứu rỗi của mình. Đối với chúng ta, tư tưởng về thiên đàng chính là sự khích lệ. Nó xoa dịu tâm trí băn khoăn và yên ủi tâm linh chúng ta. Nó mang đến sự vui mừng cho lòng chúng ta. Nó làm đầy lòng chúng ta với sự trông đợi.
Kinh Thánh cho chúng ta những nét sơ lược về cơ nghiệp trên trời của chúng ta. Khải Huyền đoạn 4 và 5 cho chúng ta hình ảnh về ngai Đức Chúa Trời. Quanh ngai là những thiên sứ đang quây quần thờ phượng Đức Chúa Trời. Chung quanh ngai thánh đó (Khải 5, 6) có rất đông người không đếm xiết, bao gồm hết thảy những người xưng nhận và yêu mến Chúa Giê xu, Cứu Chúa mình. Đám đông người này mặc áo trắng dài hướng về Đấng Christ, Đấng Cứu Chuộc họ, Chiên Con đã bị giết. Những người này đang nhóm lại trước mặt Chúa nơi Giêrusalem mới. Chỗ khác trong Khải Huyền mô tả Giêrusalem mới là thành có đường lát vàng. Nó là trời mới đất mới với vườn Êđen mới có cây sự sống nhưng không có cây biết điều thiện và điều ác mà con người đã ăn lấy khi sa ngã. Thiên đàng được mô tả là nơi không có tội lỗi, khổ sở. Chúa cho chúng ta biết rằng tại đó nước mắt sẽ được lau ráo. Sẽ không có sự đói, khát hay đau đớn hay sự chết. Khi chúng ta ở trên trời là dân thánh của Đức Chúa Trời, chúng ta ở trong sự bao bọc ấm áp của Ngài. Chúng ta đứng trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. 1Côrinhtô đoạn 2 câu 9 chép: "Ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng người chưa nghĩ đến, nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài." Thiên đàng là niềm ao ước của tâm linh chúng ta. Nó là sự trông đợi, niềm hy vọng của chúng ta. Đó là điều mà Chúa Giê xu đã mua lấy cho chúng ta, là mục tiêu của sự cứu rỗi chúng ta, mục tiêu của đức tin chúng ta, sự cứu rỗi của linh hồn chúng ta. Đây là điều mà bởi ân điển nhưng không Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta là những người tin Ngài. Đây là niềm hy vọng của chúng ta. Đây không phải là một niềm hy vọng có thể thành hiện thực mà cũng có thể không mà là một niềm hy vọng chắc chắn mà Đức Chúa Trời ban, châm rễ trong chính lời hứa Ngài.
Thế thì 1Phierơ đoạn 1 câu 14 mà chúng ta học hôm nay có liên quan gì đến sự suy gẫm về thiên đàng? Nếu đọc kỷ đoạn Kinh Thánh này trong ngữ cảnh của nó, tôi tin rằng chúng ta sẽ nhận thấy đây chính là điều mà sứ đồ Phao lô, trong sự linh ứng của Đức Chúa Trời, muốn chúng ta tưởng đến. Ông muốn tâm trí chúng ta hoàn toàn hướng đến thiên đàng. Những câu đầu của 1Phierơ đoạn 1 nhiều lần hướng tâm trí chúng ta đến điều này. Câu 4 nói đến "cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, không suy tàn, để dành trong các từng trời cho anh em" , câu 9 nói "nhận được phần thưởng về đức tin anh em, là sự cứu rỗi linh hồn mình." Xuyên suốt đoạn Kinh Thánh, chúng ta được hướng đến sự vinh hiển khi Đức Chúa Giêxu Christ hiện ra. Chúng ta được nhắc nhở về điều sẽ đến cho Cơ Đốc nhân. Câu 13 chẳng phải là một mạng lịnh kêu gọi chúng ta "lấy sự trông cậy trọn vẹn đợi chờ ơn sẽ ban cho mình trong khi Đức Chúa Jêsus Christ hiện ra" sao? Vị sứ đồ muốn nói gì trong câu đó? Ông muốn nói rằng chúng ta cần đặt sự trông cậy mình vào lời hứa về nước trời mà Đấng Christ đã ban cho chúng ta. Đó là điểm mà chúng ta đã nói đến trong câu 13, nghĩa là chúng ta phải suy gẫm về sự trông cậy đó. Chúng ta sẽ ngạc nhiên khi nhận thấy biết bao lần Thánh Kinh dạy chúng ta suy tưởng đến cơ nghiệp trên trời của chúng ta. Côlôse đoạn 3 câu 1 chép: "Vậy nếu anh em được sống lại với Đấng Christ, hãy tìm các sự ở trên trời, là nơi Đấng Christ ngồi bên hữu Đức Chúa Trời." Tít đoạn 2 câu 13 chép: "đương chờ đợi sự trông cậy hạnh phước của chúng ta, và sự hiện ra của sự vinh hiển Đức Chúa Trời lớn và Cứu Chúa chúng ta, là Đức Chúa Jêsus Christ." 1Côrinhtô đoạn 9 câu 24 chép: "Anh em há Chúa Giê-xu biết rằng trong cuộc chạy thi nơi trường đua, hết thảy đều chạy, nhưng chỉ một người được thưởng sao? Vậy, anh em hãy chạy cách nào cho được thưởng." Ý tưởng này cũng tương tự như ý tưởng trong Hêbơrơ đoạn 12 câu 1 và 2 rằng chúng ta cần phải chạy cuộc đua với đôi mắt chăm xem Đấng Christ.
Khi nhìn vào hội thánh, tôi tin rằng hội thánh ngày nay quá ít suy tưởng đến những gì mà ân điển Đức Chúa Trời đã mang đến cho chúng ta. Sự thiếu suy tưởng đến ân điển đó, ơn phước đã hứa mà Đức Chúa Trời ban cho hội thánh Ngài. Sự thiếu suy tưởng này là thiệt hại cho hội thánh. Sự vui mừng của lời hứa Đức Chúa Trời trong Đấng Christ hiện ra cách trọn vẹn khi Ngài trở lại lúc nào cũng nên đặt trước mắt chúng ta. Chúng ta nên yên nghỉ trọn vẹn trong sự trông cậy đó. Sự thiếu suy gẫm trong tâm trí và tấm lòng chúng ta dẫn đến sự nãn lòng. Nó dẫn đến sự thiếu niềm vui. Nó dẫn đến sự thiếu ca ngợi và tạ ơn. Nó dẫn đến sự cám dỗ mạnh mẽ hơn, dẫn dụ chúng ta trở về với cách sống cũ. Cám dỗ của thế gian này sẽ trở nên mạnh mẽ hơn đối với những ai không chuyên tâm trọn vẹn vào ân điển sẽ hiện ra khi Đấng Christ trở lại. Điêu này không có nghĩa là Cơ Đốc nhân chúng ta được kêu gọi sống thoát ly thực tế, hướng về thiên đàng đến nỗi không sống đúng trên đất này. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng chúng ta ở trong thế gian này nhưng chúng ta không thuộc về nó. Sự chuyên tâm về thiên đàng nói đến trong đoạn Kinh Thánh này tác động đến cách sống chúng ta trên đất này. Kinh Thánh dạy rằng sự trọn vẹn của thiên đàng trên một phương diện nào đó vẫn còn trong cõi tương lai mà chúng ta còn trông đợi. Kinh Thánh cũng dạy rằng phần thưởng trên trời trên một phương diện khác đã có trong hiện tại. Êphêsô đoạn 1 và 2 nói rằng giờ đây chúng ta đang ngồi với Đấng Christ trên trời. Chúng ta đã được ban cho sự sống đời đời. Giờ đây bởi Thánh Linh Đức Chúa Trời, chúng ta đang nếm biết sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta. Êphêsô đoạn 2 cho biết Thánh Linh Đức Chúa Trời là của cầm của thiên đàng. Thế thì dù chúng ta đã nếm biết thiên đàng, chúng ta vẫn còn trông đợi sự trọn vẹn của nó. Đây là điều đoạn Kinh Thánh muốn chúng ta suy tưởng đến: suy tưởng đến đời sống chúng ta trong ánh sáng của những gì Đức Chúa Trời đã ban cho người tin Ngài, suy tưởng đến thiên đàng, đặt sự trông cậy trọn vẹn trên ân điển ban cho chúng ta cách trọn vẹn khi Đức Chúa Giê xu Christ hiện ra.
Sự trông cậy này sẽ tác động đến cách sống chúng ta. Một nhà giải kinh nói rằng những câu từ 14 đến 16 là sự ứng dụng sự trông cậy vào hành động thực tế. Ứng dụng thực tế sự trông cậy trọn vẹn sẽ dẫn đến sự khước từ những phần thưởng của sự sống tại thế này. Nó dẫn đến một ao ước mãnh liệt hơn hướng về sự thánh khiết: Nên thánh như Đức Chúa Trời chúng ta là thánh. Câu 14 đưa ra sự trái ngược giữa đời sống làm con cái Chúa và đời sống cũ của chúng ta. Chúng ta là con cái Ngài. Đức Chúa Trời là cha chúng ta. Kinh Thánh muốn chúng ta ghi nhớ mối tương giao đó. Chúng ta có mối tương giao cha-con với Đức Chúa Trời. Chúng ta là con cái Ngài. Đây là mối tương giao mà chúng ta yêu mến. 1Giăng đoạn 3 câu 1 dạy chúng ta, "Hãy xem Đức Chúa Cha đã tỏ cho chúng ta sự yêu thương dường nào, mà cho chúng ta được xưng là con cái Đức Chúa Trời". Thật là tuyệt vời cho chúng ta được làm con Đức Chúa Trời. Bởi ân điển chúng ta đến gần Đức Chúa Trời như là Cha chúng ta, bởi ý muốn Ngài (Giăng 1:12). Là con cái, chúng ta phải vâng phục Ngài. Chúng ta không ao ước gì hơn là thuộc về gia đình Đức Chúa Trời. Thế nhưng chúng ta chẳng phải trong địa vị đó từ ban đầu phải không? Trước đây chúng ta đã từng là con cái của sự tối tăm, của ma quỷ, con cái của sự rủa sả Đức Chúa Trời. Nhưng từ khi tin nhận Chúa, chúng ta được nhận làm con Ngài bởi ý muốn Ngài. Là những con cái vâng lời, những người được đón nhận vào gia đình Đức Chúa Trời, chúng ta không còn làm theo đời này, không còn bị trói buộc bởi những dục vọng trước đây. Những đam mê ham thích trước đây của chúng ta không còn nữa khi chúng ta thấy sự sống mình trong Đấng Christ. Những điều đó không còn quan trọng đối với chúng ta. Chữ "chớ có làm theo" trong câu 14 chỉ xuất hiện tại đây và trong Rôma đoạn 12 câu 2, "Đừng làm theo đời này". Ý nghĩa căn bản của nó là chúng ta không lấy những gì của thế gian này làm kiểu mẫu đời sống mình. Chúng ta đã được Tin Lành biến cải, một sự biến cải tận gốc rễ trong tâm trí và tấm lòng chúng ta cho phép chúng ta được giải phóng khỏi những tham muốn chìu theo tội lỗi. Có những sự vĩ đại hơn đã chiếm giữ tấm lòng chúng ta hơn là dục vọng.
Sách báo khiêu dâm là một ngành công nghệ lớn trên đất nước chúng ta. Chúng ta thấy rằng sự mê đắm này làm tan vỡ hôn nhân và hủy phá những mối tương giao. Nó dẫn đến những sự lạm dụng, cảm giác trống trải. Đây là điều mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng ra một cách tốt lành cho quan hệ hôn nhân lại bị suy thoái trong xã hội chúng ta. Người ta lao vào đó để tìm kiếm khoái cảm nhất thời, sự thỏa mãn nhất thời những ham muốn xác thịt của mình. Những ai đã tin nhận Chúa giờ đây không còn bị mê đắm bởi những điều đó nữa. Họ là những người mà tâm trí hướng về những sự trên trời với ao ước hướng về mối tương giao của họ với Đức Chúa Trời. Sự thỏa thích của họ tập trung vào sự hầu việc Ngài. Họ nhận rõ sự chóng tàn của cách thỏa mãn này và sự trống rỗng sau hết của nó. Bởi đó họ khước từ dục vọng cũ đó. Mắt và tấm lòng chúng ta đặt nơi thiên thượng.
Một dục vọng cũ mà chúng ta có thể nói đến nữa là ham muốn vật chất. Thế giới chúng ta đang bị mê hoặc bởi điều này. Những mẫu quảng cáo trên truyền hình chúng ta nói rằng chúng ta không nên thỏa mãn cho đến khi chúng ta có nhiều, nhiều hơn nữa: chúng ta chỉ cần có thêm một thứ này nữa thôi rồi chúng ta có thể vui được. Chúng ta đang sống trong một thế giới bị mê đắm bởi của cải. Người ta làm việc nhiều nhiều giờ hơn để kiếm nhiều tiền hơn hầu có thể vui chơi nhiều hơn. Cuối cùng khi nghĩ đến những vật chất này, mọi sự đều sẽ trở nên vô nghĩa. Khi người ta qua đời không thể đem gì theo được. Người ta qua đi như hơi thở. Một người có sự trông cậy nơi thiên đàng không bị mê đắm bởi những sự theo đuổi đó. Của cải vật chất không phải là nguồn vui thỏa của họ. Như sứ đồ Phaolô nói trong Philíp đoạn 4, họ có thể thỏa lòng trong dư dật hay trong thiếu thốn. Những gì làm mê đắm thế gian này là chóng qua. Nhưng chúng ta, nếu tin Đấng Christ, có được chính thiên đàng, một quà tặng vĩ đại hơn nhiều mọi của cải trên đất này.
Một ham muốn nữa làm mê đắm thế giới này là ham muốn sự sống và sức khoẻ. Không có gì sai khi có của cải. Không có gì sai khi ước muốn mạnh khoẻ. Không có gì sai trật trong mối quan hệ tình dục lành mạnh trong hôn nhân. Tuy nhiên đôi khi những điều này bị hoen ố bởi thế gian này. Ham muốn sự sống và sức khoẻ của nhiều người trên thế gian này thường bắt nguồn từ sự khiếp sợ hay khước từ sự chết. Nó trở nên một sự mê hoặc người ta khát khao muốn sống càng lâu và càng khoẻ mạnh càng tốt. Đối với những Cơ Đốc nhân với sự trông cậy nơi Chúa, chúng ta sống để hầu việc Ngài. Nếu Chúa ban cho chúng ta sự sống và khoẻ mạnh, chúng ta cảm tạ Chúa bởi chúng ta có nhiều sức lực cơ hội để làm như Chúa muốn. Như sứ đồ Phaolô có nói "sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy." (Philíp 1:21). Chúng ta không sợ điều có thể xảy ra trong tương lai.
Sự mê tham của thế giới có thể là quyền lực, sức mạnh, ảnh hưởng. Ham muốn quyền lực và sức mạnh thường dẫn đến bạo lực và căm tức. Chúng ta thấy điều này nơi nhiều người nhẫn tâm nâng mình cao lên bất chấp thiệt hại cho người khác. Tuy nhiên đối với Cơ Đốc nhân, quyền lực không phải là tất cả. Ngược lại, chúng ta ao ước khiêm nhường và hầu việc.
Chúng ta thấy một người ngoại sống thế nào khi sống theo dục vọng bản thân, điều gì chiếm giữ tâm trí người đó? Người đó sống dường như hết thảy niềm vui và ao ước của mình đều phải được thỏa mãn trong đời này, trong hiện tại bởi hết thảy mọi sự anh ta có thể thấy được là ở đời này. Anh ta không thể nhìn thấy điều gì bên ngoài nó được. Những mơ ước, khát vọng của anh ta phải được thỏa mãn bởi anh ta không thể nhìn thấy những gì bên ngoài thế giới này. Cuộc sống của một người không tin là "hãy ăn, hãy uống vì ngày mai chúng ta sẽ chết". Chúng ta thấy thể nào quan điểm về cõi tương lai chi phối cách sống của họ. Cách nhìn của họ về sự chung kết của cuộc đời mình ảnh hưởng cách sống hiện tại của họ. Thế nhưng mọi việc sẽ ra sao nếu có điều gì đó xảy ra với kế hoạch của họ? Giả sử họ bị một chứng bịnh nào đó, hay qua đời? Giả sử một mối quan hệ mà họ hết lòng yêu mến bị đổ vỡ? Giả sử họ mất tiền bạc, của cải, hay không thể chi trả nổi hết mọi thứ mình ao ước? Giả sử những mơ ước của họ không thành? Khi ấy sự trống rỗng của cuộc đời này đè bẹp họ. Khi ấy lời dạy của sách Truyền đạo thật ý nghĩa đối với họ, "Hư không của sự hư không, hư không của sự hư không, thảy đều hư không." Điều đó trở nên một thực tế vĩnh viễn cho họ. Hy vọng tan nát, thất vọng xen vào cùng với sự chán nãn. Đời sống này không thể mang đến cho họ niềm hy vọng lâu bền nào.
Cơ Đốc nhân không dại dột đến nỗi cho rằng đời sống này là tất cả. Đối với Cơ Đốc nhân, hy vọng và mắt chúng ta chuyên về Đấng Christ. Tấm lòng và mắt chúng ta không hướng về những dục vọng mơ ước chóng tàn. Niềm vui và ao ước của chúng ta đặt nơi những sự trên cao. Hiểu biết của chúng ta về ngày chung thẩm ảnh hưởng cách sống chúng ta. Khi nhận ra sự chóng tàn của đời sống này, sự chóng qua của những dục vọng cũ của mình, và nhận thấy niềm vui thiên thượng cho những ai ở trong Chúa, chúng ta sẽ muốn sống cho Ngài trong mọi hoàn cảnh. Dù hoàn cảnh có ra sao, chúng ta có thể thỏa lòng bởi thiên đàng thuộc về chúng ta, ân điển của Đấng Christ thuộc về chúng ta. Chúng ta có hết thảy mọi sự chúng ta cần. Chúng ta có thể sống cho Đấng Christ mà không phải phiền hà hay lo âu bởi những ham muốn đời này. Chúng ta đặt sự yên nghỉ và trông cậy mình trong ân điển của Chúa Giê xu Christ sắp hiện ra. Chúng ta hướng tâm trí mình về những gì trên trời.
Khi chúng ta vật lộn với tội lỗi, bị cám dỗ bởi cách sống cũ, hãy hướng tâm trí mình về những gì trên cao, hãy suy gẫm về cơ nghiệp trên trời mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta thì những tham dục cũ sẽ biến mất. Làm thế nào chúng ta có thể thắng được tội lỗi tranh chiến với chúng ta mỗi ngày? Hãy suy gẫm về sự vinh hiển của sự sống trước mặt Đấng Tạo Hóa của trời và đất nơi thiên đàng thì những điều đó sẽ không còn lôi kéo chúng ta như trước nữa. Đừng làm theo những ham muốn của đời sống cũ với những vui thú chóng tàn của nó, những mơ ước lụi tàn. Xin hãy đặt sự trông cậy chúng ta trong Đấng Christ và cơ nghiệp thiên thượng mà Ngài đã mua lấy cho chúng ta. Khi ấy dù đời sống này có ra sao, chúng ta có thể sống vui mừng, cảm tạ cho Đức Chúa Trời bởi thiên đàng thuộc về chúng ta còn thế gian này sẽ chóng qua. Amen.
Lạy Cha quyền năng thiên thượng của chúng con. Khi tâm trí chúng con đã được nâng lên hướng về thiên đàng là nơi chúng con biết rằng nếu tin nhận Ngài chúng con sẽ sống ở đó đời đời trong sự vui mừng phước hạnh trọn vẹn, trong mối tương giao tuyệt hảo với Ngài. Xin cho chúng con hướng tâm trí mình về những sự trên cao. Xin cho những dục vọng cũ của chúng con qua đi bởi chúng chỉ là trống rỗng, chóng qua khi nhìn về chúng trong ánh sáng của cõi đời đời. Xin ban ơn cho chúng con đắc thắng. Xin cho chúng con đặt lòng mình trọn vẹn nơi sự hiện ra của Đấng Christ. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu Christ. Amen.
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)