KÊU XIN ĐẤNG PHÁN XÉT
(1Phierơ 1:17)
Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Khi còn nhỏ, tôi hay thích học thật giỏi trong lớp giáo lý. Nếu trong lớp ngày đó chỉ có một học sinh học thuộc bài chăm chỉ thì học sinh đó thường là tôi. Khi đến ngày làm kiểm tra, tôi luôn đạt điểm cao nhất lớp. Hôm nay tôi không đứng đây khoe khoang về sự sáng dạ hay thiêng liêng của mình. Chắc chắn rằng trong lớp tôi có nhiều học sinh khác xuất sắc hơn nhưng bản thân tôi có động lực lớn hơn để học thật giỏi, bởi ba tôi là mục sư chủ tọa. Không những thế, ba tôi còn là giáo viên dạy lớp giáo lý đó. Không chỉ ông luôn chăm chỉ kiểm tra buộc tôi phải học bài trước, mà tôi còn biết rằng trong khi những đứa trẻ khác có thể về nhà và không để cha mẹ chúng hay biết chúng đã phá phách thế nào trong lớp giáo lý, ba mẹ tôi lúc nào cũng biết rõ tôi hành xử ra sao. Tôi biết rằng nếu tôi chỉ cố gắng không hết lòng thì ba mẹ tôi sẽ không vui và chắc tôi sẽ bị phạt.
Trong đoạn Kinh Thánh hôm nay, vị sứ đồ Phaolô đang nói đến mối tương giao chúng ta với Đức Chúa Trời. Mối tương giao này là một động lực thêm vào để Cơ Đốc nhân chúng ta chiêm nghiệm và suy gẫm một cách nghiêm túc rằng mình phải sống cho Đức Chúa Trời một đời sống tin kính và thánh khiết. Vì Đức Chúa Trời là Cha chúng ta và Ngài cũng là đấng phán xét của chúng ta nên chúng ta muốn sống trước mặt Ngài với hết cả lòng kính sợ trong mọi việc làm mình. Trong bài học hôm nay, tôi muốn chúng ta tập trung vào ba điểm: Thứ nhất , trọng tâm về cõi tái lai là điều mà đoạn Kinh Thánh hướng chúng ta đến; thứ hai, mối tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời là Cha chúng ta; cuối cùng, chúng ta sẽ suy nghĩ thế nào là sống kính sợ.
Trước tiên, chúng ta cần nhận ra đoạn Kinh Thánh chúng ta vẫn tập trung vào trọng tâm về sự lai thế. Đôi khi chúng ta cũng không thật sự hiểu ý nghĩa của từ này. Chữ này trong tiếng Anh là "eschatology", có nguồn gốc từ một từ ngữ Hy Lạp là eskatos, nghĩa là cuối cùng. Khi nói đến khái niệm này trong giới chánh thống giáo, chúng ta nói đến những gì sẽ xảy đến vào thời kỳ cuối cùng khi Chúa Giêxu Christ trở lại. Thuyết lai thế là ngành học về những sự cuối cùng. Khi nói đến những gì thuộc sự lai thế chúng ta có thể nói đến những gì của ngày cuối cùng, những gì vô hạn mà không hữu hạn, đời đời mà không tạm bợ, thiên thượng mà không thuộc đời này. Chúa Giê xu được gọi là Chiên Con của ngày cuối cùng. Sự dâng tế lễ trong thời Cựu Ước được thực hiện chỉ về sự đến của Đấng Christ. Tuy nhiên những của hy sinh đó là tạm thời, qua đi. Phải có một của tế lễ tối hậu. Chúa Giê xu là Chiên Con ấy. Ngài là của tế lễ tối hậu mà không cần có của tế lễ nào nữa. Ngài trả giá chuộc tội lỗi một lần đủ cả. Ngài là Chiên Con cuối cùng.
Khi nói rằng đoạn Kinh Thánh chúng ta vẫn tập trung vào sự lai thế, chúng ta cũng hàm ý rằng chúng ta luôn đang tập trung vào nước thiên đàng. Chúng ta luôn được lôi cuốn vào những gì của ngày cuối cùng. Cách sống chúng ta gắn bó chặt chẽ với niềm tin chúng ta vào những sự cuối cùng. Chúng ta đang sống trong hiện tại nhưng hướng mắt về ngày cuối cùng. Điều này được đề cập xuyên suốt phần Kinh Thánh này. Chúng ta sống với niềm hy vọng bởi chúng ta đã được ban cho một cơ nghiệp đời đời. Chúng ta có thể chịu khổ bởi chúng ta nhìn về sự cứu rỗi chúng ta. Chúng ta có thể khước từ những dục vọng cũ của thế gian này bởi sự trông cậy chúng ta đặt nơi ân điển sẽ bày tỏ trong ngày Đức Chúa Giê xu Christ hiện ra. Chúng ta sống thánh khiết vì chúng ta nhìn về Đức Chúa Trời là Đấng tối thượng trên hết mọi sự. Chúng ta phải nên giống như Ngài. Chính là khi nhận ra mình là ai khi đứng trước Đức Chúa Trời của trời và đất mà chúng ta có thể sống như là những Cơ Đốc nhân giữa thế gian này. Thế thì tâm trí và tư tưởng chúng ta cần phải hướng về điều đó.
Câu 17 tiếp tục nhắm vào trọng tâm về ngày cuối cùng. Tại đây trọng tâm là ý tưởng Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, cũng là một Đấng Phán Xét không thiên vị. Khi đang còn sống trong hiện tại, hết thảy chúng ta cần phải hiểu rằng một ngày nào đó chúng ta đều phải ứng hầu trước mặt Đức Chúa Trời là Đấng Phán Xét. Không ai được miễn trừ. Chúng ta sẽ đứng trước Đấng Phán Xét này, hoặc được tuyên bố là công bình và được ban cho ân điển của Đức Chúa Trời để bước vào sự yên nghỉ đời đời, hoặc bị công bố là có tội và bị quăng vào sự rủa sả đời đời của Đức Chúa Trời trong hồ lửa và sự định tội. Kinh Thánh dạy rất rõ về điều này. Đức Chúa Trời sẽ trở lại phán xét mọi dân tộc. Ngài sẽ phán xét họ tùy công việc họ. Hết thảy những ai ở ngoài Đấng Christ đều sẽ bị định tội. Chỉ những ai mà sự công bình và việc làm của mình châm rễ trong Đức Chúa Giê xu Christ mới được cứu. Chỉ những người đó mới có thể đứng trước Đấng Phán Xét mà được Ngài xưng là trắng án.
Tôi nhớ tại một buổi học Kinh Thánh trong ban thiếu niên có lần chúng tôi được xem một đoạn phim video của R.C. Sproul. Trong đoạn phim đó, ông than rằng đa số mọi người, đặc biệt là giới trẻ, không đang sống với cái nhìn về ngày cuối cùng. Chúng ta xu hướng về cách sống tội lỗi của chúng ta để suy nghĩ về cuộc sống hiện tại mà thôi. Chúng ta chỉ nhìn thấy những gì ngay trước mắt mình tại đây. Đa số những người trẻ hầu như không hề nghĩ rằng một ngày nào đó họ phải khai trình về cách sống của mình trên đất này. Họ không hề ý thức rằng một ngày nào đó họ cũng phải ứng hầu trước Đấng Phán Xét công bình này. Vì vậy mà họ không thấy cần một Đấng Cứu Chuộc. Vì vậy, trong loạt video đó, R.C. Sproul muốn hướng chúng ta về những gì sẽ xảy đến trong ngày cuối cùng hầu chúng ta nhận ra rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ đứng trước mặt Chúa.
Đoạn Kinh Thánh lần này muốn thức tỉnh chúng ta khỏi sự lừa dối, ngây thơ, khước từ thực tế này. Nó chỉ ra sự chóng tàn của thế gian này. Điều này được trình bày ra trong câu 17 rằng đây là cách chúng ta cần nên sống "trong thời kỳ ở trọ này." Chúng ta hãy cùng suy nghĩ ý tứ chứa đựng tại đây. Giống như khi chúng ta bước vào nhà anh chị chúng ta, và anh chị chúng ta bảo rằng "Trong thời gian ở đây, em cứ tự nhiên mở tủ lạnh sử dụng những gì em cần." Tuy nhiên, qua đó chúng ta cũng hiểu rằng họ không có ý nói chúng ta sẽ ở lại ngôi nhà đó mãi. Đây là sự ở tạm thôi. Nếu chúng ta ở lâu quá chắc họ cũng nổi giận nữa! Thế thì nhóm từ trên chuyển tải ý nghĩa rằng đây không phải là nhà chúng ta mà chỉ là nơi chúng ta ở tạm. Vậy nên chúng ta đang ở tạm trong sự sống này và một ngày nào đó chúng ta sẽ đứng trước Đức Chúa Trời toàn năng của vũ trụ này. Đức Chúa Trời là Đấng Phán Xét công bình. Sứ điệp của Thánh Kinh là "Anh em phải ở trong Đấng Christ. Đời sống anh em phải phản ánh điều đó." Khi học tiếp trong câu 18 về sau, Kinh Thánh dạy chúng ta thể nào chúng ta cần được tẩy sạch bởi huyết báu Chúa Giê xu hầu đứng trước Đấng Phán Xét ấy. Thế thì đoạn Kinh Thánh tại đây hướng chúng ta về sự cuối cùng, về thực sự rằng Đức Chúa Trời sẽ là Đấng Phán Xét chúng ta.
Thứ hai, đoạn Kinh Thánh tại đây muốn chúng ta suy nghĩ đến mối tương giao của chúng ta với Đấng Phán Xét này. Chúng ta liên hệ như thế nào với Đấng Phán Xét này? Chúng ta liên hệ với Ngài như con với Cha. Điều này không phải là mới lạ với chúng ta. Chúng ta đã đọc thấy điều này trong câu 14, "anh em đã nên như con cái hay vâng lời." Chúng ta là con cái Đức Chúa Trời, vì thế Ngài là Cha chúng ta. Câu 2 gọi Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha. Đoạn Kinh Thánh hướng chúng ta về ý tưởng rằng Đức Chúa Trời là một người cha đối với con mình. Chắc hẳn điều này không có gì mới lạ. Đức Chúa Trời đã được đề cập đến là Cha của dân Ysơraên. Chúng ta được dạy trong bài cầu nguyện chung cầu nguyện cùng "Cha chúng con ở trên trời". Rôma đoạn 8 nói rằng chúng ta có thể đến gần ngai Đức Chúa Trời gọi Ngài là "Abba". "Abba" trong tiếng Hy Lạp là một từ ngữ thân mật để gọi người cha, một chữ mà một đứa trẻ dùng để gọi ba mình. Việc Đức Chúa Trời được sánh như cha chúng ta mang theo trọn vẹn hàm ý của sự làm cha. Đức Chúa Trời là Cha trong ý nghĩa là Ngài săn sóc dân sự Ngài. Ngài là người Cha cung ứng nhu cầu cho con. Con cái Ngài nhận lãnh tình yêu thương. 1Giăng đoạn 3 câu 1 chép: "Hãy xem Đức Chúa Cha đã tỏ cho chúng ta sự yêu thương dường nào, mà cho chúng ta được xưng là con cái Đức Chúa Trời; và chúng ta thật là con cái Ngài. Ấy là vì đó mà thế gian chẳng biết chúng ta, vì họ chẳng từng biết Ngài." Nhưng cùng với địa vị làm cha cũng là sự kỷ luật nữa. Đoạn Kinh Thánh hôm nay kêu gọi chúng ta tương giao cùng Cha mình, kêu cầu Ngài, đến với Ngài trong sự cầu nguyện. Chúng ta biết Ngài là ai. Còn Ngài thậm chí biết chúng ta còn rõ hơn nữa.
Kinh Thánh dạy chúng ta rằng bởi mối quan hệ này mà chúng ta cần phải sống cách kính sợ. Câu 17, "Nếu anh em xưng... bằng Cha", nếu xem trong nguyên ngữ tiếng Hy Lạp, chỗ này có thể dịch là "Bởi anh em xưng... bằng Cha." Bởi chúng ta gọi Ngài là Cha nên chúng ta cần sống kính sợ Ngài. Điều này không có nghĩa là những ai không xưng Ngài bằng Cha thì không cần kính sợ Ngài. Thật ra họ lại còn phải kính sợ hơn chúng ta nữa bởi họ vẫn còn ở dưới sự phán xét của Đức Chúa Trời. Còn chúng ta, bởi kêu cầu Cha, biết Ngài là ai, chúng ta nên sống cách kính sợ. Chúng ta biết Ngài là thánh khiết. Chúng ta biết rằng sự thánh khiết đó bao hàm Ngài công bình mọi đường. Chúng ta biết rằng Ngài đòi hỏi sự công bằng trọn vẹn. Tội lỗi không thể được khoan nhượng trong sự hiện diện Ngài. Chúng ta biết Đức Chúa Trời chúng ta là Đấng Phán Xét công bình và vì thế chúng ta cần sống trong sự kính sợ tin kính. Bởi biết Ngài nên dân sự Ngài lại càng phải sống kính sợ hơn. Bởi ở trong mối tương giao cùng Ngài, chúng ta đứng trước mặt Ngài trong sự kính sợ, vâng phục. Chúng ta sợ làm ô danh Ngài, sợ mình không được tẩy sạch bởi huyết Đấng Christ.
Thứ ba, chúng ta sẽ tập trung vào điều mà đoạn Kinh Thánh dạy chúng ta như là kết quả của những điều trên. Kinh Thánh nói "hãy lấy lòng kính sợ mà ăn ở trong thời kỳ ở trọ đời này" nghĩa là gì? Tôi tưởng rằng mình đang ở trong mối tương giao yêu thương với Đức Chúa Trời liệu giờ đây chúng ta có nên sợ hãi khi ra mắt Ngài? Có hai mối nguy hiểm tại đây khi nhìn vào nguyên ngữ tiếng Hy Lạp và từ ngữ này trong ngữ cảnh. Một là chúng ta nhấn mạnh quá đến nỗi trở nên sợ hãi khi đứng trước mặt Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, mặt khác cũng có mối nguy hiểm là chúng ta cho rằng sự kính sợ Đức Chúa Trời không có nghĩa lý gì với chúng ta nữa. Đây không chỉ là một sự kính trọng chúng ta dành cho cha trên đất của chúng ta. Vấn đề còn nhiều hơn thế nữa. Chúng ta thấy sự kính sợ của Cơ Đốc nhân không phải là sự kinh hoảng đối với Đức Chúa Trời. Khi đến trước ngôi Ngài khi Đấng Christ từ trời trở lại và chúng ta gặp Ngài, chúng ta sẽ không run rẩy sợ rằng Đức Chúa Trời sẽ bất ngờ đổ sự thạnh nộ Ngài trên chúng ta. Không, chúng ta vững vàng đứng trước Ngài. Chúng ta không kinh hoảng chết cứng trước mặt Ngài.
1Giăng đoạn 4 dạy chúng ta rằng tình yêu thương trọn vẹn mà chúng ta được ban cho trong Đấng Christ cất bỏ mọi sự sợ hãi. Chúng ta không cần phải khiếp hãi. Thái độ đó dành cho những người không tin. Khải Huyền dạy rằng khi Đức Chúa Trời đến bày tỏ chính Ngài là Đấng Phán Xét vào ngày cuối cùng thì những kẻ ác sẽ trốn trong núi xin rằng núi hãy đè trên họ bởi họ quá khiếp hãi phải đứng trong sự hiện diện Đức Chúa Trời. Họ muốn trốn khỏi sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Thế thì chúng ta không cần phải có thái độ đó bởi Cơ Đốc nhân chúng ta nhìn về Đức Chúa Trời như là Cha mình, là cha gần gũi mà chúng ta yêu thương và vui thích trong sự hiện diện Ngài.
Mặt khác, từ ngữ tiếng Hy Lạp tại đây là chữ phobos mà từ đó chúng ta có từ ngữ tiếng Anh là "phobia", nghĩa là "sự ám ảnh". Một số bản dịch Kinh Thánh khác dịch chữ này là "kính sợ". Khi xem xét từ ngữ này, tôi thấy chữ "kính sợ" có vẻ hơi yếu. Chúng ta thường hiểu nó như là tôn trọng, tôn kính. Tất nhiên, những khái niệm này cũng thích hợp cho mối tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên điều mà sứ đồ Phierơ kêu gọi chúng ta tại đây là xa hơn sự tôn kính với Đức Chúa Trời. Nó không phải là kinh khiếp Ngài. Nó là sự kính sợ nhìn nhận rằng Ngài là Đấng Phán Xét và chúng ta, là dân sự Ngài, không muốn thấy mình đứng bên phía nghịch cùng Ngài. Đây là sự kính sợ của một đứa con lỡ bất tuân cha mình, một sự kính sợ thúc đẩy chúng ta sống cho Ngài, theo ý muốn Ngài. Ấy là sự kính sợ kéo chúng ta lại với thập tự giá bởi biết rằng nếu phải ứng hầu trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta cần ân điển của Đấng Christ. Ấy là sự kính sợ theo ý nghĩa rằng chúng ta tôn trọng Đức Chúa Trời làm Đấng Tạo Hóa của trời và đất. Ngài là Đấng Phán Xét của thế gian. Vì thế chúng ta muốn ở trong tình yêu thương Ngài mà không phải trong sự thạnh nộ Ngài.
Tôi tin rằng sự so sánh giữa chúng ta và dân Ysơraên sự ra khỏi Aicập hướng về sự cứu rỗi mình và sự tiếp nhận cơ nghiệp cũng được hàm chứa trong 1Phierơ đoạn 1. Khi nghĩ đến dân Ysơraên khi đi qua sa mạc hướng về đất hứa, rồi khi họ đến núi Sinai, tại đó cả dân sự mặc quần áo tốt đẹp nhất ra mắt Đức Chúa Trời tại chân núi Sinai. Họ nghe tiếng Ngài phán dạy họ về luật pháp và họ đứng đó với lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Như lời một bài hát rằng "Đấng Christ làm yên lặng tiếng sấm rền của luật pháp", tiếng Đức Chúa Trời không còn mang đến cho chúng ta một luật pháp định tội những ai ở trong Đấng Christ. Tuy nhiên điều đó không làm giảm đi sự cung kính chúng ta dành cho một Đức Chúa Trời thánh, Đấng Phán Xét công bình.
Kinh Thánh nhiều lần nói đến sự kính sợ Đức Chúa Trời. Đáng chú ý nhất là sách Châm Ngôn nhiều lần nhắc đi nhắc lại liên quan đến sự khôn ngoan. Sự kính sợ Đức Giêhôva là khởi đầu sự khôn ngoan bởi sự kính sợ Ngài dẫn chúng ta đến sự vâng phục Ngài trong mọi việc làm, lời nói, tư tưởng mình. Sự kính sợ Đức Giêhôva được đề cập đến nhiều lần trong sách Lêviký nữa. Nó liên quan đến luật pháp Đức Chúa Trời, giao ước giữa Đức Chúa Trời và dân sự Ngài. Thế thì khi suy niệm về sự kính sợ Đức Chúa Trời, sống tin kính, nó hàm ý rằng chúng ta sống đời sống phục sự Đức Chúa Trời vĩ đại là Đấng đã bước vào mối tương quan giao ước với chúng ta như cha với con, như Đấng yêu thương chúng ta dù rằng cũng là Đấng Phán Xét chúng ta.
Đoạn Kinh Thánh chúng ta dạy dỗ chúng ta cùng một điều này: Đức Chúa Trời là Cha; Đức Chúa Trời là Đấng Phán Xét công bình; chúng ta phải luôn sống với thái độ tôn trọng lẽ thật đó và hướng mắt về những gì sẽ đến trong ngày cuối cùng. Chúng ta, là dân sự Đức Chúa Trời, phải luôn sống trong sự kính sợ tôn kính Ngài. Amen.
Lạy Cha thiên thượng quyền năng của chúng con. Chúng con ra mắt Ngài. Ngài là Cha chúng con. Ngài là Đấng Phán Xét công bình. Chúng con đến nhận biết rằng chúng con phải được làm hòa cùng Ngài bởi huyết Đấng Christ. Chúng con đến với lòng kính sợ nhận rằng Ngài là thánh khiết và công bình. Xin cho chúng con làm những con cái hay vâng lời, sống cho Ngài và cho sự vinh hiển Ngài. Cầu xin Ngài tha thứ những tội lỗi của chúng con. Xin bày tỏ lòng nhân từ Ngài cùng chúng con, rửa sạch chúng con hầu chúng con có thể ứng hầu trước mặt Ngài một cách thánh sạch như những con cái vâng lời. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giê xu Christ. Amen.
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)