Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Lời Của Các Tiên Tri Được Ứng Nghiệm - 6/2007  


LỜI CỦA CÁC TIÊN TRI ĐƯỢC ỨNG NGHIỆM
(1Phierơ 1:10-11)

Kính thưa hội thánh của Cứu Chúa Giêxu yêu dấu của chúng ta. Tôi muốn quí vị suy nghĩ về tâm trạng của tín hữu trong thời Cựu Ước. Quí vị hãy tưởng tượng, giả sử quí vị là tín hữu của thời Cựu Ước trước khi Đấng Christ đến trong thế gian. Khi quí vị học Thánh Kinh bày tỏ ra ý muốn của Đức Chúa Trời, dĩ nhiên quí vị chỉ học trong Cựu Ước mà thôi vì lúc đó chỉ có Cựu ước, chắc chắn quí vị sẽ ngạc nhiên không hiểu những lời tiên tri có nghĩa gì, và làm sao những lời tiên tri đó dám kết luận với sự tiên đoán như vậy, làm sao lại đi đến những kết luận như thế. Rõ ràng các thánh đồ thời Cựu ước ở trong thế bất lợi so sánh với chúng ta là những người được sanh ra phía bên nầy của thập tự giá, là những người thuộc về hột thánh thời Tân ước. Khi nói ở trong thế bất lợi không có nghĩa là sự cứu rỗi của họ khác với của chúng ta bởi vì chúng ta tin rằng họ cũng được cứu nhờ ân điển qua Chúa Cứu Thế Giê-xu khi họ trông đợi Ngài đến. Họ được cứu bởi đức tin của họ nơi Ngài nhờ ân điển của Đức Chúa Trời cũng giống như chúng ta không khác gì cả. Nhưng đối với những tín hữu thời Cựu ước thì giống như họ nhìn xem cái bóng mà thôi. Như nhìn xem một cái bóng trên tường. Họ không thể thấy được chi tiết dầu họ thấy hình dáng ở trên đó. Thật tội nghiệp nếu so sánh với người thấy được hình ảnh thật.

Khi đọc trong Cựu ước chúng ta thấy cái nền được đắp lên và rất quan trọng cho chúng ta ngày hôm nay vì Cựu ước đặt cái nền cho chúng ta hiểu được Tin lành của Chúa Giê-xu Christ, mục đích của việc Ngài đến trần gian và tính chất căn bản của sự cứu rỗi của chúng ta. Vì vậy Cựu ước rất quan trọng và rất cần thiết cho chúng ta. Nhưng những người trong Cựu ước chỉ hi vọng. Họ chỉ có thể trông mong trong sự hi vọng về lời hứa của Đức Chúa Trời hứa với họ về Đấng Cứu Chuộc của họ. Trong khi đó thì chúng ta được vinh dự thấy được những lời hứa trong Cựu ước được ứng nghiệm. Hôm nay chúng ta sẽ xem trong 1Phierơ 1:10-11 và sẽ suy gẫm về khải thị được ban cho các thánh đồ trong thời Cựu ước, đặc biệt là khải thị ban cho các tiên tri bởi xem xét ba điều. Thứ nhất, chúng ta muốn xem ai là những tiên tri trong thời Cựu ước. Thứ nhì, chúng ta muốn hiểu sứ điệp đó muốn nói gì. Cuối cùng, chúng muốn biết sự ứng nghiệm của sứ điệp đó. Đầu tiên, chúng ta tìm hiểu xem ai là những tiên tri mà sứ đồ Phierơ muốn nói đến ở đây khi ông được Chúa cảm ứng viết rằng "các đấng tiên tri đã tìm tòi suy xét..." Có một số bản giải kinh cho rằng ông đang viết về những tiên tri trong thời Tân ước, nhưng tôi nghĩ cảnh văn ở đây bác bỏ ý kiến đó. Mới đầu chúng ta nghĩ rằng những tiên tri nầy là những tác giả của các sách sau cùng của Cựu ước như Êsai, Giêrêmi, Êxêchiên, Đaniên và mười hai tiểu tiên tri trong các sách sau cùng của Cựu ước. Nhưng có phải Phierơ chỉ muốn nói đến những tiên tri nầy là những tiên tri tìm tòi suy xét về sự hiện đến của Đấng Christ? Tôi tin rằng ông không chỉ muốn nói đến những đại tiên tri và tiểu tiên tri.

Khi xem bản Kinh Thánh trong nguyên văn Hêbơrơ chúng ta thấy bản nầy chia ra làm nhiều phần, một trong những phần đó là tiền tiên tri và phần khác là hậu tiên tri. Hậu tiên tri là những tiên tri mà chúng ta nói đến như Êsai, Giêrêmi, Êxêchiên, Đaniên và mười hai tiểu tiên tri. Tiền tiên tri là những tác giả của các sách lịch sử như Giôsuê, Các quan xét, Samuên, Các vua, Sử ký. Những sách nầy cũng được cho là các sách tiên tri. Rõ ràng, chúng ta thấy những lời nầy là lời của Đức Chúa Trời và những ai được kêu gọi để nói ra lời Đức Chúa Trời là những tiên tri. Vậy thì chúng ta cho rằng các tiên tri chỉ nằm trong số các tác giả sách tiên tri và tác giả các sách lịch sử thôi sao? Không, khi xem trong Thánh Kinh chúng ta thấy rằng trong Phục Truyền Luật lệ Ký đoạn 18 chép Môise cũng là tiên tri. Môise nói rằng trong tương lai sẽ có một tiên tri khác giống như ông, như Môise, dĩ nhiên tiên tri đó là Đấng Christ. Môise tự cho mình là tiên tri, ông hiểu được vai trò của ông là tiên tri. Dưới con mắt của Chúa và của dân sự ông nói ra lời của Đức Chúa Trời. Cho nên khi khúc Kinh Thánh nầy nói đến các tiên tri thì cũng bao gồm các sách ngũ kinh của Môise nữa. Thực tế, khi xem khúc Kinh Thánh nầy chúng ta có thể nói rằng điều chép ở đây bao gồm cả Cựu ước. Những tiên tri trong Cựu ước được Chúa cảm ứng để viết ra Thánh Kinh, họ chép ra chính lời của Đức Chúa Trời và những lời của Đức Chúa Trời nầy chỉ về sự đến của Đấng Christ. Điều nầy bao gồm tất cả những người viết cách sách trong Cựu ước. Rất sai lầm khi chúng ta giới hạn "các đấng tiên tri" thuộc về một nhóm đặc biệt hay một phần nào đó trong Cựu ước của Thánh Kinh.

Khi hiểu rằng điều nói đến ở đây bao gồm tất cả Cựu ước thì chúng ta học được một vài điều về bản tính của các đấng tiên tri trong câu 10. Quí vị thấy, "các đấng tiên tri đã tìm tòi suy xét". Chữ tìm tòi "nghĩa là tìm cho biết thời kỳ nào và thời kỳ cách nào mà Thánh Linh Đấng Christ ở trong lòng mình đã chỉ cho, là khi làm chứng trước về sự đau đớn của Đấng Christ và về sự vinh hiển sẽ theo sau." Rõ ràng chúng ta tin rằng Đức Thánh Linh cảm ứng họ, Đức Thánh Linh ở trong lòng của họ và ban cho họ sứ điệp mà họ phải rao truyền. Chúng ta cũng thấy có những cá nhân được Chúa cảm ứng để viết Thánh Kinh. Chúng ta học biết về sự sốt sắng của họ, chúng ta học biết về lòng ham muốn tìm tòi những điều thuộc về Đức Chúa Trời. Họ không đơn giản viết ra những chữ nầy và rồi không suy gẫm về nó. Không, khi họ được ban cho những lời của Đức Chúa Trời họ mong muốn tìm biết ý nghĩa của nó. Họ mong muốn biết được những sự ứng nghiệm của những lời tiên tri đã ban cho họ. Có sự mong muốn thật sự khi họ được cảm ứng để viết ra những trang của Thánh Kinh. Họ mong muốn biết được sự ứng nghiệm của những lời nầy. Họ muốn ngày cứu rỗi đến. Họ đã nghe trong lời của Đức Chúa Trời về sự cứu rỗi đó. Họ biết họ nói gì nhưng họ muốn biết điều đó xảy ra. Họ muốn thấy sự ứng nghiệm. Họ trông đợi điều đó như Simêôn đã trông đợi ngay trước khi Đấng Christ đến. Ông nói: "... con mắt tôi đã thấy sự cứu vớt của Ngài". Các đấng tiên tri cũng có cùng một sự trông đợi và ao ước thấy được Đấng Cứu Chuộc đã hứa để họ biết được thời điểm của sự hiện đến của Ngài. Họ ao ước, trông đợi và hết sức mong muốn.

Một lần nữa quí vị hãy đặt cương vị của mình vào những người viết xuống những lời tiên tri của Đức Chúa Trời. Khi Môise ngồi xuống viết sách Sáng Thế Ký ông viết câu 15 của đoạn 3 về lời hứa của Đức Chúa Trời sau khi sự sa ngã của con người. Trong Sáng Thế Ký 3:15 ông viết, "Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người." Khi Môise viết xuống khúc Kinh Thánh nầy để khi dân Ysơraên đọc nó thì họ hướng về một hậu tự, một người sẽ được sanh trong dòng dõi của Êva sẽ đến để giày đạp đầu con rắn là ma quỉ. Họ hướng về điều đó nhưng họ không có sự hiểu biết trọn vẹn ai sẽ là hậu tự, điều nầy được tỏ bày ra khi chúng ta bắt đầu học Thánh Kinh. Chắc chắn Môise tự hỏi ai là người nầy, ma quỉ cùng với vương quốc của nó cuối cùng sẽ bị thua trận ra sao. Khi Môise ngồi xuống để viết những luật lệ đặc biệt về sự dâng của tế lễ ông phải ngạc nhiên về những nguyên tắc đặc biệt mà Đức Chúa Trời ban cho. Tại sao lại quá đặc biệt, tại sao bao gồm tất cả những chi tiết? Đức Chúa Trời muốn dạy chúng ta điều gì về cách thức của sự cứu rỗi? Ngài muốn dạy chúng ta điều gì về kế hoạch tối thượng của Ngài trong sự cứu chuộc? Khi ông ngồi xuống để viết đoạn 18 của sách Phục truyền luật lệ ký nói đến một tiên tri lớn hơn ông chắc ông tự hỏi ai là người đó. Ai là tiên tri lớn hơn ta sẽ dẫn dắt dân sự của Đức Chúa Trời và ban cho họ lời của Ngài?

Trong Thi Thiên 44:23 và những câu tiếp theo, "Hỡi Chúa, hãy tỉnh thức! Nhơn sao Chúa ngủ? Hãy chỗi dậy, chớ từ bỏ chúng tôi luôn luôn. Cớ sao Chúa giấu mặt đi, Quên nỗi hoạn nạn và sự hà hiếp chúng tôi? Vì linh hồn chúng tôi bị phục dưới bụi tro; Thân thể chúng tôi dính vào đất. Xin Chúa hãy chỗi dậy mà giúp đỡ chúng ta, Hãy vì sự nhơn từ Chúa mà chuộc chúng tôi." Tác giả Thi Thiên cầu xin được sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, được Chúa khải thị về sự cứu chuộc, ông trông đợi Đấng Christ. Khi tiên tri Êsai chép về sự chịu khổ của Đấng Christ trong Êsai 53. Ở đây Êsai dạy về sự chịu khổ của Đức Chúa Trời, chắc ông ngạc nhiên lắm khi được Đức Chúa Trời cảm ứng để viết những điều nầy, chắc ông tự hỏi ai là người đầy tớ chịu khổ, là Đấng sẽ đến để chuộc dân sự Ngài, sẽ chết và được sống lại? Ta có thể nói nhiều điều về những tiên tri, có nhiều khúc Kinh Thánh mà chúng ta có thể trưng dẫn nhưng quí vị có cảm giác được khi các tiên tri trong Cựu ước viết Kinh Thánh họ ngồi đó với lòng háo hức trong sự biết trước và tìm tòi cẩn thận những gì Đức Chúa Trời hướng dẫn họ viết. Lòng mong muốn của các tiên tri nầy là sự hiện đến của Đấng Christ để cứu chuộc dân sự Ngài để giải thoát dân sự Ngài khỏi tội lỗi và sự khốn khổ. Đây là sự cứu rỗi của họ, đây là điều mà họ thích thú muốn biết. Họ mong ước dân sự của Đức Chúa Trời được cứu. Đây là những người mà theo Hêbơrơ 11:39 chép, "Hết thảy những người đó dầu nhơn đức tin đã được chứng tốt, song chưa hề nhận lãnh điều đã được hứa cho mình." Họ trông đợi sự hiện ra của Đấng Christ nhưng không hiểu được trọn vẹn. Chúng ta đọc trong Đaniên đoạn 12 thế nào Chúa khải thị cho Đaniên sứ điệp đó và được đóng ấn lại, được giấu. Ông không hiểu nổi sự tuyệt vời của sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời sẽ đến khi Đấng Christ đến trong thế gian.

Chúng ta đã biết ai là "các đấng tiên tri" rồi, bây giờ với lòng háo hức muốn hiểu thêm chúng ta sẽ hỏi: Điểm trọng tâm của sứ điệp nầy là gì? Trong 1Phierơ 1:10-11 nhấn mạnh hai điểm trọng tâm của sứ điệp tiên tri, thứ nhất là sự chịu khổ của Đấng Christ và thứ nhì là sự vinh hiển theo sau. Cả hai nói đến sự vinh hiển sẽ đến với chúng ta. Các tiên tri trong Cựu ước dạy chúng ta rằng Đấng Christ phải chịu khổ để cứu chuộc dân sự Ngài. Chúng ta thấy điều nầy và quí vị có thể học được trong nhiều khúc Kinh Thánh trong Cựu ước. Trong các sách lịch sử chúng ta thấy có những người làm hình bóng, kiểu mẫu về Đấng Christ. Chúng ta cũng thấy được điều nầy trong các sách tiên tri trong Thánh Kinh. Điều nầy cũng được thấy trong các khúc Kinh Thánh mà chúng ta đã đề cập đến như Sáng Thế Ký 3:15. Câu Kinh Thánh nầy cho chúng ta biết dòng dõi người nữ sẽ giày đạp đầu con rắn, nhưng câu nầy không nói là dòng dõi người nữ sẽ không bị đau đớn tổn thương mà cho biết là dòng dõi người nữ sẽ bị cắn gót chân. Vì vậy dòng dõi người nữ sẽ bị sự đau đớn và chịu khổ. Một lần nữa nếu chúng ta đọc Êsai đoạn 53 chúng ta sẽ thấy Ngài gánh lấy tội lỗi của chúng ta, gánh lấy sự buồn bực của chúng ta. Thực tế Ngài phải chịu những lằn roi, những hình phạt mà chúng ta đáng phải chịu. Đấng Christ phải chịu khổ sở. Ngài phải chịu đau đớn, thống khổ trên thập tự giá. Đấng Christ phải chịu khổ vì cớ dân sự của Ngài.

Chúng ta nhớ khi các tiên tri giảng dạy họ thường hay nói về sự rủa sả của Đức Chúa Trời. Họ nói về sự rủa sả, hăm dọa, nổi giận của Đức Chúa Trời nghịch cùng những tội nhân phản loạn, nghịch cùng dân Ysơraên bội nghịch. Nhiều lần họ bị cảnh cáo về sự phán xét của Đức Chúa Trời đang chờ đợi họ. Khi đọc sách Ca Thương, chúng ta thấy một dân sự đau khổ, buồn rầu vì họ chịu sự hình phạt của Đức Chúa Trời. Dân Babylôn đã đánh dân Ysơraên và hủy diệt thành Giêrusalem. Chúng ta thấy rất rõ trong Cựu ước sự đau khổ mà tội lỗi mang đến dựa vào sự phán xét công chính của Đức Chúa Trời. Vì vậy các tiên tri phải giải quyết câu hỏi nầy như thế nào? Làm sao dân Ysơraên được thoát khỏi sự đoán phạt? Làm sao họ có thể được cứu chuộc khỏi sự đau đớn, chịu khổ dẫn đến bởi hậu quả của chính tội lỗi của họ? Làm sao họ có thể chạy trốn khỏi cơn giận của Đức Chúa Trời chống nghịch lại cùng tội lỗi? Họ cần có một Đấng Cứu Chuộc. Đây là sứ điệp của các tiên tri. Họ cần một người gánh hình phạt thay. Ai đó có thể đứng thay vào chỗ của họ, ai đó phải trả cái giá, ai đó có thể cất đi tội lỗi của họ. Toàn bộ nghi thức dâng của lễ trong Cựu ước là hình bóng chỉ về sự chết mà Đấng Christ phải chịu, phải trải qua thay thế cho chúng ta.

Hêbơrơ 10:4 cho chúng ta biết huyết của bò đực, dê đực không thể cất tội lỗi của con người được. Huyết của một người khác cũng không đền trả cho tội lỗi của chúng ta được. Không, phải chính Đức Chúa Trời và cũng là con người là Chúa Giêxu Christ mới có thể gánh lấy cái giá của tội lỗi của chúng ta, mới có thể mang lấy hình phạt của chúng ta. "Tiền công của tội lỗi là sự chết". Những ai muốn được tự do khỏi sự hình phạt được các tiên tri nói đến thì phải tin nhận Đấng Christ. Họ phải đến với Chúa để nhận được sự tha thứ. Họ phải biết rằng Ngài gánh lấy sự khổ sở đau đớn của họ. Ngài đền trả cái giá cho tội lỗi. Những tiên tri thời Cựu ước đã nói trước. Họ đã trông đợi, họ đã tiên đoán, họ đã mong mỏi điều đó. Habacúc chép trong sách của ông, "Chúa ôi, cho đến chừng nào sự đoán xét công bình của Chúa mới đến cho kẻ gian ác, cho đến chừng nào dân sự của Chúa mới được giải cứu?" Ông trông đợi ngày đó.

Ở đây cũng nói đến sự vinh hiển theo sau. Đấng Christ không chỉ chịu khổ thế cho chúng ta nhưng rõ ràng những ai ở trong Đấng Christ sẽ được sự vinh hiển lớn. Những lời hứa trong Cựu ước rất nhiều. Trong Êsai 55, Xachari 14, Êxêchiên 37 chúng ta thấy Đức Chúa Trời làm cho sống lại dân sự đã chết để trở thành dân của Ngài. Ngài đem họ vào vương quốc đời đời của Ngài là vương quốc không bao giờ bị rúng động. Ngài ban phước cho họ không xiết kể để họ luôn luôn thỏa lòng. Sẽ không còn đói khát, bệnh tật, phản nghịch. Đó là lời hứa của thiên đàng trong Cựu ước. Dân sự của Chúa sẽ họp lại ở dưới sự chăm sóc của Ngài cho đến đời đời. Đây là sự vinh hiển theo sau sự chịu khổ của Đấng Christ bởi vì Ngài không chỉ chịu khổ mà thôi nhưng cũng được sống lại một đời sống mới hầu cho chúng ta sẽ sống với Ngài cho đến đời đời trong sự vinh hiển. Đây là sứ điệp của các tiên tri. Sứ điệp nầy báo trước sự đến của Đấng Christ và sự giải cứu mà Ngài mang đến. Chúng ta thấy sứ điệp nầy được ứng nghiệm chớ không đơn giản chỉ được nói đến hay tiên đoán trong Cựu ước. Bây giờ Đấng Christ đã đến rồi, Ngài đã sống lại từ trong kẻ chết, Ngài đã làm thành những điều mà các tiên đã nói rằng Ngài sẽ làm. Trong các sách Tin Lành chúng ta đã đọc nhiều lần như thế nầy, những lời hứa nầy được chép để cho được ứng nghiệm lời đã chép trong Êsai hay trong các sách luật pháp.

Chúa Giêxu cho chúng ta biết tất cả những luật pháp và lời tiên tri sẽ được ứng nghiệm. Trong Luca đoạn 24 khi Chúa Giêxu trên đường về làng Emmaút với hai môn đồ trẻ, Ngài phán: "Hỡi những kẻ dại dột, có lòng chậm tin lời các đấng tiên tri nói! Há chẳng phải Đấng Christ chịu thương khó thể ấy, mới được vào sự vinh hiển mình sao? Đoạn, Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh Thánh". Kinh Thánh, Môise nói tiên tri về sự chịu khổ của Đấng Christ, Chúa Giêxu nói với họ, và bấy giờ trong thì hiện tại họ đã thấy Đấng Christ sống lại. Họ đã thấy Ngài chịu khổ mấy ngày trước nhưng những điều nầy phải xảy ra hầu cho ứng nghiệm lời Kinh Thánh trong Cựu ước rằng Đấng Cứu Chuộc của Ysơraên đã đến trong Đấng Christ. Khi đọc xuyên sách Hêbơrơ chúng ta đọc thấy rõ ràng nhiều lời tiên tri trong Cựu ước đã được ứng nghiệm trong Đấng Christ. Trong Hêbơrơ đoạn 11:40 Đức Chúa Trời phán: "Vì Đức Chúa Trời có sắm sẵn điều tốt hơn cho chúng ta, hầu cho ngoại chúng ta ra họ không đạt đến sự trọn vẹn được." Đức Chúa Trời đã ban cho dân sự trong Cựu ước lời chứng rất tốt qua đức tin nhưng Ngài ban cho chúng ta điều tốt hơn bởi vì chúng ta đã được thấy sự khải thị được ứng nghiệm. Chúng ta đã thấy Đấng Christ. Chúng ta đã biết những gì Ngài đã làm cho chúng ta. Chúng ta đã thấy kế hoạch của Đức Chúa Trời được ứng nghiệm trong sự đến của Đấng Christ mặc dầu chúng ta vẫn còn trông đợi sự hoàn tất cuối cùng khi Đấng Christ trở lại.

Ở đây khúc Kinh Thánh nầy rất quan trọng, 1Phierơ 1:10-11, bởi vì nó dạy cho chúng ta cách thế nào để giải thích Cựu ước, nó dạy cho chúng ta điểm lớn của "sự hài hòa". Sự hài hòa là chữ dùng cho sự giải thích hay giúp cho sự hiểu biết về những câu trong Kinh Thánh. Chúng ta được kêu gọi tìm kiếm Đấng Christ trong Cựu ước. Có một số người làm giảm giá trị của Cựu ước bởi cho rằng trong đó chỉ có những bài học đạo đức, phải sống như thế nào hay không nên sống như thế nào. Thánh Kinh cho chúng ta biết đây không phải là điểm mà Cựu ước muốn nói. Những tiên tri trong Cựu ước đã viết những điều hầu cho chúng ta đoán trước sự hiện ra của Đấng Christ. Mỗi khúc Kinh Thánh đều chỉ về Ngài và nhu cầu chúng ta cần có Ngài. Ngài là nhu cầu lớn nhất của chúng ta. Ngài là Đấng mà chúng ta phải sốt sắng tìm tòi xem xét với lòng mong muốn hiểu biết khi chúng ta học trong Cựu ước. Khi chúng ta học những lời trong Cựu ước và khi chúng ta thấy những lời đó được ứng nghiệm trong Tân ước chúng ta có thể biết về Đấng Christ một cách mật thiết hơn. Đấng Christ là trung tâm điểm của sự cứu rỗi của chúng ta. Dĩ nhiên Đức Chúa Trời là Đấng lựa chọn chúng ta và Đức Thánh Linh hành động trong lòng chúng ta. Thánh Kinh chỉ cho chúng ta đến với Đấng Christ và công việc của Ngài, và Đức Thánh Linh là Đấng được Chúa Giêxu sai xuống thế gian để nhắc nhở chúng ta về những gì Đấng Christ đã làm là một phần trong trách nhiệm của Ngài là một trong ba ngôi của Đức Chúa Trời.

Trong khi chúng tôi đi nghỉ hè có một đề tài mà chúng tôi bàn luận vào một buổi tối đó là sự giảng dạy và ứng dụng. Gia đình chúng tôi có ba mục sư, một trưởng lão và hai chấp sự. Khi chúng tôi gặp nhau, đây là những đề tài mà chúng tôi hay bàn: giảng dạy và nuôi dưỡng tín hữu. Rất là có phước khi thuộc vào trong một gia đình như vậy nhưng một trong những vấn đề mà chúng tôi bàn đó là sự giảng dạy. Chúng tôi biết rằng trong hội thánh có một điều mong muốn lớn nhất là có sự ứng dụng rất thực tế. Chúng ta phải sống như thế nào, làm sao chúng ta thắng được tội lỗi hay là chúng ta phải sống đời sống hôn nhân và gia đình như thế nào. Những điều nầy rõ ràng là rất quan trọng, là dân sự của Chúa, chúng ta được kêu gọi để sống làm vinh hiển danh Chúa. Chúng ta đến với Chúa và ăn năn khi chúng ta phạm tội. Nhưng nhiều khi chúng ta thiếu sự mong muốn nghe hay biết về công việc của Đấng Christ, để chú ý vào những gì Ngài đã làm, để suy nghĩ về những gì Ngài đã làm cho chúng ta. Thật sự khi chúng ta suy nghĩ về điều nầy thì chúng ta thấy được đây là điều áp dụng lớn nhất trong tất cả. Mối liên hệ mà chúng ta có trong Đấng Christ là điều cần thiết nhất cho sự cứu rỗi của chúng ta. Nó là nhu cầu lớn nhất của chúng ta giúp chúng ta thoát khỏi tội lỗi, thoát khỏi sự rủa sả.

Các tiên tri trong Cựu ước hiểu được nhu cầu nầy, đặc biệt là những người nói tiên tri ngay trước khi dân Ysơraên bị tiêu diệt. Đối với họ, họ nhìn thấy sự hăm dọa của sự rủa sả của Đức Chúa Trời rất là thực tế khi đội quân của kẻ thù đứng trước cửa sẵn sàng để mang sự rủa sả đến trên dân Ysơraên vì cớ sự phản nghịch không ngừng của họ đối với Đức Chúa Trời. Họ biết rất rõ ràng, họ nhận thấy rằng họ cần có một Đấng giải cứu họ khỏi sự rủa sả. Họ cần có ai đó giải cứu họ khỏi tội lỗi. Thưa dân sự của Đức Chúa Trời, nhu cầu của chúng ta không kém gì của họ. Dầu chúng ta không có kẻ thù đứng trước của nhưng chúng ta cần được cứu khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vì cớ tội lỗi của chúng ta. Sự trông đợi của chúng ta đối với Đấng Christ, đối với Đấng Cứu Chuộc không kém gì của họ. Sự chuộc tội cho chúng ta bởi sự cứu rỗi của Ngài đã được bày tỏ trọn vẹn trong Tân ước. Đối với chúng ta điều đó cần phải được hoàn tất cho nên ao ước tìm kiếm Ngài của chúng ta để biết Ngài, biết sự chịu khổ của Ngài thế cho chúng ta, để tắm trong sự chiến thắng vinh hiển của Ngài, cần phải lớn hơn những tiên tri của thời cổ. Những điều mà họ đoán trước thì chúng ta đã thấy được ứng nghiệm. Những điều mà họ còn hoang mang tự hỏi thì chúng ta đã biết. Những điều họ còn đang chờ đợi thì đã đến. Chúa Giêxu là hi vọng của chúng ta. Ngài là sự vui mừng của chúng ta. Ngài là sự cứu rỗi của chúng ta. Hãy tin nhận Ngài thì sẽ được cứu, Thánh Kinh cho chúng ta biết như vậy. Có sứ điệp nào vinh hiển hơn sứ điệp của sự hi vọng đó? Amen.

Lạy Cha rất cao của chúng con ở trên trời, Chúa ôi chúng con cám ơn Ngài về sự vinh hiển mà Ngài tỏ ra trong lời của Ngài để khải thị về Đức Chúa Giêxu Christ. Chúa ôi chúng con biết rằng Ngài đã chịu khổ vì cớ tội lỗi của chúng con. Chúng con biết Ngài đã trả cái giá đó. Chúng con biết những ai tin nhận Ngài thì sẽ kinh nghiệm được sự vinh hiển của sự cứu rỗi. Chúa ôi chúng con cầu nguyện cho những ai chưa biết Ngài, vẫn còn ở dưới sự phán xét và rủa sả. Chúng con cầu xin họ biết được những gì các đấng tiên tri đã nói để họ thấy và biết được Chúa Giêxu Christ. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu Christ. Amen.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)