Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Lời Đời Đời - 01/2008  


LỜI ĐỜI ĐỜI
(1Phierơ 1:23-25)

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Tôi xin hỏi quý vị có mặt tại đây trong tuần trước: "Tuần rồi bài giảng nói về điều gì?", "Liệu chúng ta có suy nghĩ chút gì về bài học đó không hay bài học đó có tác động đến cách sống, cách nghĩ và cách làm của chúng ta trong tuần rồi ra sao?" Chắc chúng ta còn nhớ tuần rồi chúng ta nói về vấn đề yêu thương nhau. Chúng ta cần phải yêu thương nhau cách thật thà, sốt sắng hết lòng, không giả tạo. Chúng ta nói về một tình yêu thương chân thật, không nông cạn mà sốt sắng mạnh mẽ. Ấy là một tình yêu thương tuôn tràn từ một tấm lòng thanh sạch, được tẩy sạch bởi huyết báu Chúa Giêxu. Thế thì tuần rồi chúng ta suy gẫm về mạng lịnh yêu thương nhau. Có lẽ một câu hỏi hay hơn cho hôm nay là "Liệu chúng ta có thực hành bài học yêu thương này chưa?" Tôi xin hỏi các em thiếu nhi xem tuần qua các em đối xử với anh chị em mình trong gia đình ra sao. Các em có cư xử trong tình yêu thương như Kinh Thánh 1Phierơ đoạn 1 câu 22 nói đến không? Đây có phải là cách các em cư xử với ba mẹ các em tuần qua không? Đây có phải là cách các em cư xử với bạn bè và những người lớn khác không? Còn những người lớn chúng ta thì sao? Thử nghĩ đến cách chúng ta cư xử với người bạn đời của mình trong tuần qua. Liệu nó có thật sự phản ánh tình yêu thương mà chúng ta nói đến trong tuần rồi không? Khi chúng ta nghĩ đến những anh em tín hữu khác trong hội thánh, liệu những dòng suy nghĩ của chúng ta có thể hiện tình yêu thương mà Kinh Thánh 1Phierơ đoạn 1 câu 22 nói đến không? Đây có phải là cách chúng ta cư xử với bạn bè mình không?

Có lẽ chúng ta tự nghĩ rằng thực hành tình yêu thương này là rất khó. Nó khó thực hiện trong một số hoàn cảnh nào đó đối với một số người nào đó. Có lẽ chúng ta thấy rằng chúng ta dễ yêu thương một số người nào đó, hoặc trong một thời điểm nào đó khi chúng ta có thời gian nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng cả. Thật ra nó rất trái ngược với xu hướng tự nhiên của chúng ta, với bản ngã tội lỗi của chúng ta. Chúng ta thấy Kinh Thánh chỉ rõ trọng tâm tình yêu thương trong lòng người tín hữu. Đây không phải là một sự tùy ý mà chúng ta có thể chọn lựa làm theo hoặc không làm theo. Đây là sự thể hiện của một tấm lòng được biến cải mà chúng ta có được qua Chúa Giêxu Christ. Khi được hỏi về điều răn lớn nhất, Chúa Giêxu trả lời rằng hai điều răn lớn nhất là hết lòng yêu mến Đức Chúa Trời và yêu thương người lân cận như mình. Chúa Giêxu khi nói chuyện với môn đồ mình trong Giăng đoạn 13 nói rằng Ngài ban cho họ một điều răn mới và điều răn đó là họ phải yêu nhau. 1Côrinhtô đoạn 13 dạy rằng dù chúng ta có nhiều điểm tốt mà không bởi tình yêu thương, thì mọi sự đó chẳng có ích chi. 1Giăng đoạn 3 và 4 chép rằng chúng ta biết mình ở trong Đấng Christ khi chúng ta yêu thương nhau. Mặt kia của ý đó là chúng ta biết chúng ta không ở trong Đấng Christ nếu chúng ta không yêu thương nhau. Kinh Thánh dạy rằng ai nói mình yêu Đức Chúa Trời mà ghét anh em mình là kẻ nói dối tỏ tường. 1Côrinhtô đoạn 3 và 4 cho chúng ta biết Đức Chúa Trời là tình yêu thương và nếu Ngài ở trong chúng ta thì tình yêu thương sẽ được thể hiện trong tính cách của chúng ta. Thế thì chúng ta một lần nữa đặt câu hỏi: "Chúng ta có được tình yêu thương này từ đâu? Làm thế nào chúng ta có được tình yêu thương đó với nhau?" Đoạn Kinh Thánh ngày hôm nay triển khai câu hỏi đó.

Khi nói đến tình yêu thương, trước tiên chúng ta cần biết điều gì không phải là tình yêu thương. Lần trước chúng ta có bàn sơ lược về điều này. Chúng ta đã nói rằng tình yêu thương này không phải là tình yêu thương nông cạn, ủy mị thể hiện trong nền văn hóa ngày nay. Nó cũng không phải là loại tình yêu thương lãng mạn của những phim ảnh, bài hát hay tiểu thuyết ngày nay. Tình yêu thương này cũng không phải là điều tự nhiên mà người ta có được. Nó không phải là điều vốn có trong tính cách chúng ta. Tôi tin rằng điểm này là hết sức quan trọng để hiểu đúng đoạn Kinh Thánh này. Tình yêu thương theo Kinh Thánh này không phải tự nhiên mà là "trái tự nhiên". Nó "trái tự nhiên" không phải theo ý nghĩa là ngược đời, trái khoái. Nó trái tự nhiên bởi nó hoàn toàn trái ngược với bản chất con người tội lỗi của chúng ta. Tình yêu thương Cơ Đốc chân thật chỉ có thể được thể hiện khi một Đấng siêu nhiên đang hành động trong lòng chúng ta. Chúng ta thấy tình yêu thương mà Cơ Đốc Nhân chúng ta cần thể hiện là một tình yêu thương siêu nhiên đặt để trong lòng chúng ta qua sự hành động của Thánh Linh thông qua sự tẩy sạch bởi huyết báu Đấng Christ. Chúng ta cần hiểu rằng tình yêu thương này là trái ngược với bản chất con người. Nhân loại chúng ta bị trói buộc trong xác thịt mình. Galati đoạn 5 câu 19 đến 21 chép: "Vả, các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời." Kinh Thánh đang nói với chúng ta rằng đây là thực trạng của một người ở ngoài Đấng Christ. Đây là thực trạng của con người trong xác thịt sống theo lối sống hư xấu, không thể thật sự thể hiện tình yêu thương Cơ Đốc bởi người đó còn ở trong xác thịt.

Chúng ta cũng cần hiểu rằng tình yêu thương của 1Phierơ đoạn 1 không thể bị hạ thấp thành tính nhân đạo hay hành động tử tế thông thường. Ngày nay có rất nhiều nhà thờ theo xu hướng phóng khoáng làm rất tốt công tác phân phát đồ ăn cho người nghèo, giúp đỡ những người có cần nhưng vẫn không thật sự thực thi tình yêu thương Cơ đốc chân thật. 1Côrinhtô đoạn 13 trình bày rõ điều này. Tại đây Kinh Thánh nói rằng có thể có người phân phát hết gia tài mình cho người nghèo khó, nhưng nếu họ không có tình yêu thương thì điều đó cũng chẳng ra gì. Thế thì một người ban cho hết những gì mình có vẫn có thể không có tình yêu thương. Chúng ta thấy rằng tình yêu thương không thể bị hạ giá xuống thành một hành động tử tế, hay giúp đỡ, khích lệ. Hiển nhiên rằng khi nghĩ đến việc yêu thương người khác thì những điều trên là những khía cạnh đúng đắn của tình yêu thương chân thật theo Kinh Thánh tuy nhiên nó không thể chỉ là thế. Tình yêu thương theo Kinh Thánh tập trung vào Đấng Christ. Nó không thể tách rời khỏi lẽ thật và Phúc Âm. Nó thanh sạch, ghét tội lỗi. Nó bắt nguồn từ lẽ thật. Lần trước khi nói về tình yêu thương, tôi hơi ái ngại rằng chúng ta sẽ cho rằng điều chúng ta cần có để gọi là sống yêu thương là phải tử tế hơn chút nữa. Điều tôi muốn nhấn mạnh là mối liên hệ giữa chúng ta với Đấng Christ là tâm điểm của việc chúng ta sống yêu thương với anh em mình. Tình yêu thương Cơ Đốc thật là điều có một không hai. Nó khác biệt với thế gian. Nó nâng lên một mức độ khác hẳn với điều chúng ta nhìn thấy nơi con người trên thế gian. Nó không thuộc xác thịt mà thuộc tâm linh. Điều này có nghĩa là nó không quan tâm đến việc thỏa mãn bản thân chúng ta hay thỏa đáp nhu cầu con người mà tập trung vào tấm lòng trước mặt Đức Chúa Trời. Tình yêu thương chân thật không phải là tự nhiên mà là trái tự nhiên. Nó không bị giới hạn thời gian mà là đời đời. Nó không thuộc thế gian này mà thuộc thiên đàng. Nó không do con người tạo ra mà được Đức Chúa Trời tạo ra.

Vì thế khả năng yêu thương nhau bằng tấm lòng thanh sạch gắn bó chặt chẽ với sự lại sanh. Nó bắt nguồn từ sự hiệp một của chúng ta với Đấng Christ. Nó không thể được thực hành một cách đúng đắn theo cách của Thánh Kinh nếu tấm lòng chúng ta không được thay đổi bởi huyết báu Đấng Christ, Đấng thanh tẩy tấm lòng chúng ta. Khả năng yêu thương anh em của chúng ta gắn bó chặt chẽ với việc tấm lòng chúng ta được biến cải bởi Tin Lành của Đấng Christ. Chúng ta không thể yêu thương như Đấng Christ đã kêu gọi chúng ta trừ khi điều này trước tiên phải trở nên chân thật trong lòng chúng ta. Chúng ta để ý thấy điều này áp dụng cho từng mạng lịnh trong 1Phierơ đoạn 1. Mỗi mạng lịnh này đều đặt nền tảng trong Tin Lành. Chúng ta được kêu gọi "lấy sự trông cậy trọn vẹn đợi chờ ơn sẽ ban cho mình trong khi Đức Chúa Giêxu Christ hiện ra". Chúng ta có thể vâng theo mạng lịnh đợi chờ yên nghỉ đó là vì cớ Tin Lành. Chúng ta được truyền phải nên thánh bởi Đức Chúa Trời là thánh và chúng ta ở trong Đấng Christ. Chúng ta được truyền phải lấy lòng kính sợ mà ăn ở bởi Đức Chúa Trời là Đấng Phán Xét và Ngài đã cứu chúng ta bởi huyết của Đức Chúa Giêxu Christ. Giờ đây chúng ta được kêu gọi yêu thương bởi chúng ta đã được lại sanh. Mỗi mạng lịnh được châm rễ trong mối tương quan của chúng ta với Đấng Christ bởi chúng ta đã được biến cải và trở nên một người mới.

Việc thực thi tình yêu thương Cơ Đốc trước tiên là kết quả của một đời sống được tái sinh theo 1Phierơ đoạn 1 câu 23 "Anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hay hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời." Sự tái sanh là yếu tố thiết yếu để có thể yêu thương. Điều này nhắc cho chúng ta cuộc trò chuyện của Chúa Giêxu với Nicôđem. Ngài nói với vị thầy giáo của dân Ysơraên rằng ông phải được sanh lại. Nicôđem băn khoăn "Làm sao tôi có thể được sanh lại? Tại sao phải thế? Tôi phải vào lòng mẹ và được sanh lại làm sao được?" Chúa Giêxu bảo với ông rằng ông phải được sanh lại bởi Thánh Linh, được sanh lại từ trên cao. Ngài muốn nói với Nicôđem rằng sự sanh ra trên đất của ông mà thôi là chưa đủ. Sự sanh ra trên đời này đã khiến ông sanh ra trong dòng dõi Ađam và ở dưới sự rủa sả và định tội của Đức Chúa Trời bởi ông là một tội nhân. Sự ra đời trên đất này là chưa đủ, ông phải được tái sanh, được biến cải, được làm nên mới. Kinh Thánh chỉ rõ rằng bản chất cũ của chúng ta còn thiếu hụt. Sự thiếu hụt đó tất nhiên có liên hệ đến tội lỗi của Ađam đầu tiên. Chúng ta đã thừa kế bản chất tội lỗi của ông. Bản chất cũ tội lỗi của chúng ta cứ xu hướng về điều ác. Nó không xu hướng về điều lành. Khi nghĩ đến con người cũ, chúng ta nghĩ đến điều gì đó phải chết đi. Tân Ước nói đến ý này rất nhiều lần. Trong Giăng đoạn 12 câu 24, Chúa Giêxu dạy: "Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu hột giống lúa mì kia, chẳng chết sau khi gieo xuống đất, thì cứ ở một mình; nhưng nếu chết đi, thì kết quả được nhiều." Cũng thế, Cơ Đốc Nhân chúng ta cần phải chết về tội lỗi và sự thống khổ mình, chúng ta cần chịu đóng đinh với Đấng Christ và được sống lại trong sự sống mới nếu chúng ta muốn có tình yêu thương này với nhau. Rôma đoạn 6 dạy rằng chúng ta đã được chết về tội lỗi và được sống lại đời sống mới để hầu việc Đức Chúa Trời. Con người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh với Đấng Christ, bị cột trên thập tự giá. Con người cũ gắn chặt với tham dục xác thịt nay đã chết trong Đấng Christ. Khả năng yêu thương anh em của chúng ta tìm thấy trong sự biến cải tận gốc rễ cương vị bản chất của chúng ta. Chúng ta đã được sống lại trong sự sống mới. Sự sống và bản ngã tội lỗi cũ của chúng ta đã chết. Chúng ta đã được sanh lại để sống cho sự vinh hiển của Đấng Christ. Chúa Giêxu đã chết. Ngài trả giá cho tội lỗi chúng ta. Con người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài. Nếu không được sanh lại, chúng ta vẫn còn bị trói buộc vào tội lỗi mình, những tâm tính tội lỗi của tấm lòng xác thịt vẫn còn nổi bật trong đời sống chúng ta, vẫn chiếm ưu thế trong tấm lòng chúng ta. Chỉ khi được tái sanh, chúng ta mới có thể thật sự muốn yêu thương như Đức Chúa Trời đã kêu gọi chúng ta.
Chúng ta cũng để ý rằng sự được lại sanh này là một sự thụ động. Đây không phải là điều mà chúng ta tích cực dự phần vào mà là một công việc được thi hành cho chúng ta. Đây là công việc của Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta. Tình yêu thương Cơ đốc chân thật chỉ có thể diễn ra trong một tấm lòng đã được làm nên mới bởi chính Đức Chúa Trời. Chính Đức Chúa Trời phải thi hành sự tái sanh này trong lòng chúng ta. Nếu từ trong lòng chúng ta biết mình chưa được tái sanh, chúng ta không tin Chúa Giêxu Christ, chúng ta muốn có tình yêu thương này, chúng ta muốn ở trong Đấng Christ thì chúng ta phải quỳ gối xuống cầu xin Đức Chúa Trời mở lòng chúng ta. Chúng ta phải hết lòng tìm kiếm Ngài, xin Ngài ban ân điển cho chúng ta để được hiểu và tin nhận Ngài.

Kinh Thánh tiếp tục bàn đến tính chất của sự tái sanh này. Sự tái sanh bởi Đức Chúa Trời không phải là điều ngắn ngủi chóng qua mà là điều không hư nát, nó trường tồn không thể bị phá diệt. Từ ngữ đó đã được dùng khi nói đến cơ nghiệp của chúng ta trong câu 4, "cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, không suy tàn." Đó là hạt giống đã được trồng trong lòng chúng ta nếu chúng ta thật sự là Cơ Đốc nhân. Hạt giống của sự được tái sanh là hạt giống chẳng hư nát. Philíp đoạn 1 câu 6 chép: "Tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Jêsus Christ." Công việc của Đức Chúa Trời một khi đã được khởi sự không thể kết thúc trước khi được hoàn tất. Nói cách khác, Kinh Thánh tại đây bảo đảm cho chúng ta rằng đức tin và sự tái sanh mà Đức Chúa Trời đã thực hiện trong chúng ta là điều mà chúng ta có thể đặt lòng tin cậy.

Tính không hư nát của sự tái sanh của Cơ Đốc Nhân có liên hệ trực tiếp đến việc nó được hoàn tất bởi Lời Đức Chúa Trời, bởi vì Lời Đức Chúa Trời cũng có những đặc tính đó. Lời Đức Chúa Trời là phương tiện Đức Chúa Trời dùng để tác động vào lòng chúng ta. Lời Đức Chúa Trời gắn bó trực tiếp đến hạt giống như trong thí dụ về người gieo giống. Hạt giống được trồng chính là Lời Đức Chúa Trời. Một khi nó châm rễ trong lòng người tín hữu, nó không thể bị lung lay mà cứ lớn lên bởi Lời Đức Chúa Trời là năng quyền và sống động, sắc hơn gươm hai lưỡi (Hêbơrơ 2:12). Cũng chính bởi lời ấy của Đức Chúa Trời mà thế gian này được dựng nên. Sáng Thế Ký đoạn 1 cho chúng ta thấy khi Đức Chúa Trời phán thì thế gian được dựng nên. Tuy nhiên điều kỳ diệu hơn là cũng chính bởi Lời ấy mà tấm lòng của dân sự Ngài cũng được tái tạo. Bởi lời năng quyền của Đức Chúa Trời, tội lỗi chúng ta được tha thứ và chúng ta được tái sanh. Lời Đức Chúa Trời là phương tiện mà bởi đó chúng ta tiếp nhận và tin nơi Đức Chúa Giêxu Christ.

Lời Đức Chúa Trời cũng liên hệ mật thiết đến Tin Lành của Chúa Giêxu Christ. Lời ấy cũng gắn bó chặt chẽ hơn nữa với chính Chúa Giêxu theo như Giăng đoạn 1, Chúa Giêxu là Ngôi Lời. Vì thế khi nghĩ đến Lời Đức Chúa Trời hằng sống và bền vững đến đời đời, chúng ta có thể nghĩ đến Chúa Giêxu là Đấng ngự trong lòng chúng ta qua Thánh Linh. Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết rằng bởi Lời được viết ra của Đức Chúa Trời mà đức tin đến trong lòng người tin. Rôma đoạn 10 câu 17 chép: "Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng." Đức Chúa Trời dùng Lời thánh của Ngài, mà trong đó chúng ta được đọc về Lời sống là chính Đấng Christ, để hành động tận trong lòng những con cái Ngài. Lời ấy sống động, năng quyền, bền vững và luôn hiện hữu trong lòng những kẻ tin.

Lời Đức Chúa Trời trái ngược với đặc tính hữu hạn của đời sống con người chúng ta. Sứ đồ Phierơ, trong sự linh ứng của Đức Chúa Trời, trích dẫn Êsai 40 tại đây. Đời sống chúng ta trong thế gian này đến rồi đi như cây cỏ. Chúng ta có thể nhìn bên ngoài và thấy thể nào những cánh hoa cỏ dại nở rồi tàn. Chỉ cần vài tháng nắng hạn là toàn bộ đám cỏ bên ngoài sẽ khô chết hết. Nó đi theo mùa tiết. Nó tồn tại một mùa rồi đi. Sự sống chúng ta cũng đến rồi đi. Như hoa cỏ, nó tan biến mất. Sự vinh hoa của con người cũng như hoa cỏ. Không có gì bền vững trong chính bản thân chúng ta cả. Nhưng Lời Đức Chúa Trời còn lại đời đời. Lời Đức Chúa Trời thiết lập những sự bền vững, hằng còn trong lòng chúng ta, là những điều không thể cất bỏ đi được. Đó là điều còn lại đời đời. Hãy suy nghĩ về điều này. Chúng ta là hữu hạn. Chúng ta có sự sống đến rồi đi. Nhưng nếu chúng ta tin nơi Chúa Giêxu Christ, nếu Lời Đức Chúa Trời ở trong lòng chúng ta thì chúng ta sẽ có sự sống đời đời. Đây là điều mà Lời Đức Chúa Trời đã làm trong chúng ta: ban cho chúng ta sự vĩnh cữu đời đời, là điều có lẽ mà mọi người trên thế gian đều ao ước. Họ ước uống được nguồn nước trẻ mãi không già để sống mãi mà không chết. Tuy nhiên niềm hy vọng hảo huyền đó không bao giờ thành hiện thực. Nhưng những ai tin cậy Đức Chúa Trời, có Lời Ngài sống trong lòng mình, sẽ sống đời đời.

Chúng ta cần tự hỏi tại sao vị sứ đồ Phierơ tập trung vào Lời Đức Chúa Trời và tính chất bền vững của nó. Điều này có gì liên hệ đến việc yêu thương anh em cách sốt sắng hết lòng? Điều gì liên kết những câu này với nhau? Tôi tin rằng Phierơ đang nhấn mạnh ở đặc điểm duy có của tình yêu thương Cơ Đốc: tình yêu thương Cơ đốc vượt ra khỏi giới hạn hữu hạn của thế gian đời này và được nâng lên đến nước trời. Chúng ta cần hiểu tình yêu thương này mà chúng ta đang có ngay trong đời này là một tình yêu thương thiên thượng, một tình yêu thương phản ánh chính đặc tính của Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy nghĩ đến tác động của tình yêu thương đó. Trước tiên, chúng ta thấy tình yêu thương chúng ta có với nhau không phải là tạm thời hữu hạn. Nó không chỉ tồn tại cho đời sống này mà thôi. Nó là một tình yêu thương đời đời. Chúng ta thường nghe những đôi bạn trẻ nói với nhau "Anh sẽ yêu em mãi mãi đời đời kiếp kiếp." Tuy nhiên, thật ra chỉ có Cơ Đốc Nhân mới thật sự từng trải tình yêu thương đó. Điều này là sâu nhiệm và chân thật. Cơ Đốc Nhân chúng ta, được thừa hưởng sự sống đời đời, trong hiện tại đang bước vào mối tương giao đời đời với nhau. Cơ Đốc Nhân thật chúng ta có một mối thông công không bao giờ kết thúc. Trong hiện tại chúng ta đang sống sự sống tạm bợ của đời này. Chúng ta được sanh lại vào một mối tương giao đời đời với dân sự Đức Chúa Trời. Khi chúng ta tiếp tục từ sự sống này bước vào sự sống kế tiếp, chúng ta sẽ thấy tình yêu thương chúng ta với nhau sẽ càng sâu sắc và vững bền hơn. Khi chúng ta ra khỏi đời sống này bước vào sự sống kế tiếp, chúng ta sẽ thấy tình yêu thương đó được nên trọn vẹn. Tình yêu thương này khởi sự trong hiện tại nhưng rõ ràng là một sự phản ảnh tình yêu thương thiên thượng. Tình yêu thương này không chóng tàn, không dâng lên rồi hạ xuống. Nó bền vững như chính lời Đức Chúa Trời vững bền trong chúng ta.

Bởi lời Đức Chúa Trời ở trong chúng ta đời đời, chúng ta cần nhìn người khác với một cái nhìn hoàn toàn khác đi. Bởi đoạn Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng chúng ta được nâng lên trên nước đời đời, chúng ta có cái nhìn hoàn toàn khác đối với người xung quanh. Chúng ta có đôi mắt của Đấng Christ. Chúng ta không chuyên chú vào bản thân mình. Chúng ta không bị trói buộc bởi những gì của thế gian này. Chúng ta không nhìn người khác với tư tưởng rằng "Họ làm được gì cho tôi đây? Họ làm lợi gì cho tôi đây?" Chúng ta không chăm vào bản thân mình mà chăm vào người khác. Chúng ta nhìn thấy tầm quan trọng của đời sống họ và sự cứu rỗi họ. 2Côrinhtô đoạn 5 bắt đầu bằng cách bàn về nhà trên đất này mà chúng ta đang sống là tạm bợ. Tuy nhiên chúng ta có một nhà không bởi tay người ta làm ra, là nhà đời đời. Vị sứ đồ Phaolô đang đưa chúng ta đến nước trời, giúp chúng ta nhận ra mình là ai: chúng ta là dân thiên quốc. Chúng ta không bị trói buộc bởi những gì trên đất này như những người khác xung quanh chúng ta. Sứ đồ Phaolô không có ý chối bỏ thế giới này. Ông bảo rằng chúng ta cũng có một mục tiêu, một cương vị trên đất này. Chúng ta hướng mắt về cõi đời đời nhưng chúng ta còn đang sống trong thân thể hữu hạn này vì thế chúng ta có một cách sống đặc biệt. Câu 14 đến 16 chép: "Vì tình yêu thương của Đấng Christ cảm động chúng tôi, và chúng tôi tưởng rằng nếu có một người chết vì mọi người, thì mọi người đều chết, lại Ngài đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã chết và sống lại cho mình. Bởi đó, từ rày về sau, chúng tôi không theo xác thịt mà nhận biết ai nữa; và, dẫu chúng tôi từng theo xác thịt mà nhận biết Đấng Christ, song cũng chẳng còn nhận biết Ngài cách ấy đâu." Chúng ta thấy điều ông nói trong câu 16 là có một sự đổi thay trong suy nghĩ của ông, rằng ông không theo xác thịt mà nhận biết ai nữa. Đây chính là cách chúng ta nhận biết hết thảy mọi người trước khi chúng ta tin nhận Chúa. Chúng ta nhìn thấy mọi người trong cái nhìn xác thịt mà không phải trong cái nhìn đời đời. Tuy nhiên, cái nhìn chúng ta đã thay đổi. Chúng ta đã có cái nhìn khác đi. Chúng ta nhìn mọi sự trong Đấng Christ một cách thuộc linh. Vì thế chúng ta yêu thương theo mối tương giao đời đời của chúng ta với Đức Chúa Trời. Khi hiểu được sự thay đổi trong cách nhìn và bắt đầu nhìn người khác không phải bằng cái nhìn xác thịt mà bằng cái nhìn thiên thượng thì chúng ta sẽ hiểu được tình yêu thương Cơ đốc là đặc biệt độc đáo. Tình yêu thương Cơ Đốc tìm thấy trong sự khích lệ lẫn nhau trong đức tin. Vấn đề không chỉ là tử tế với nhau mà là nhìn thấy người khác như cách Đấng Christ nhìn vậy. Đây là sự nhìn thấy người khác trong mối tương giao đời đời của họ với Đức Chúa Trời. Khi nhìn người khác theo cách đó, chẳng phải chúng ta ao ước người ta cũng nhìn biết Cứu Chúa đã sống lại nên chúng ta cũng làm chứng về Tin Lành cho họ sao? Nếu chúng ta có tình yêu thương Cơ Đốc chân thật với con cái chúng ta, chúng ta sẽ nhìn thấy chúng như là những người cần biết Tin Lành của Đấng Christ. Khi nhìn anh em chúng ta theo cách đó, khi thấy anh em nãn lòng trong sự tranh chiến, chúng ta cần đến với họ khích lệ họ trên bước đường theo Chúa. Chúng ta sẽ hướng họ nhìn về Đấng Cứu Thế đã sống lại hầu họ không vấp ngã. Chúng ta sống với đôi mắt nhìn về cõi đời đời. Chúng ta nhìn người khác với con mắt của Đấng Christ. Yêu thương người khác với thái độ đó là đặc biệt khác với tình yêu thương bình thường khác.

Thế nên tôi khích lệ chúng ta trong tuần lễ tới hãy suy gẫm về đoạn Kinh Thánh mà chúng ta học lần này. Xin hãy suy nghĩ về tình yêu thương mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta cách nhưng không trong Đấng Christ và thể nào tình yêu thương đó có thể được phản ánh trong cách chúng ta đối với nhau. Ấy là một tình yêu thương chỉ có được nếu tấm lòng chúng ta đã được Đấng Christ biến cải. Nếu ai đó trong chúng ta chưa tin nhận Chúa Giêxu, tôi xin Chúa cho quí vị hãy nói chuyện với một anh em tín hữu chúng tôi và được khích lệ trong chiều hướng đó, hầu chúng tôi có thể bày tỏ cho quí vị về Lời Đức Chúa Trời, hầu Lời Ngài sẽ châm rễ trong lòng quí vị. Chính công việc Đức Chúa Trời đã biến cải tấm lòng chúng ta trong Đấng Christ. Đã được ban cho Lời đời đời bền vững trong chúng ta, xin chúng ta hãy yêu thương nhau như là sự phản ánh chân thật của tình yêu thương Đấng Christ đối với người khác. Một lần nữa, xin chúng ta hãy là những Cơ Đốc Nhân yêu thương, một hội thánh yêu thương! Amen.

Lạy Cha thiên thượng quyền năng của chúng con. Ngài đã nói với chúng con trong Lời Ngài rằng chúng con được kêu gọi hãy yêu thương nhau. Chúng con biết rằng tình yêu thương chân thật không phải là điều tự chúng con có được mà là công việc của Ngài trong lòng chúng con hầu chúng con có thể bày tỏ tình yêu thương chân thật với nhau. Xin cho Lời Ngài sống động dư dật trong chúng con, là Lời bền vững đời đời. Xin cho Cơ Đốc Nhân chúng con hiệp cùng nhau trong mối thông công yêu thương, khích lệ nhau trong đức tin, là nguồn phước cho nhau và cùng nhau vâng phục ý muốn Ngài. Xin Ngài chúc phước trên sự giảng dạy Lời Ngài. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu Christ. Amen.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)