Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Ngợi Khen Đức Chúa Trời Vì Sự Trông Cậy Sống - 02/2007  


NGỢI KHEN ĐỨC CHÚA TRỜI VÌ SỰ TRÔNG CẬY SỐNG
(1Phierơ 1:3)

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Hôm nay chúng ta muốn suy gẫm đôi điều về sự hưởng ứng của chúng ta trước công tác cứu chuộc của Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta. Nếu chúng ta thật sự tin nhận Chúa, tin nhận Tin Lành đã được rao giảng cho chúng ta thì chúng ta sẽ đáp lại như thế nào? Chúng ta đáp lại thế nào với ân điển cứu chuộc của Đức Chúa Trời? Khi đọc 1Phierơ, chúng ta thấy giữa những thử thách mà vị sứ đồ nhiều lần đề cập đến, vị sứ đồ kêu gọi chúng ta đáp lại bằng sự ngợi khen Đức Chúa Trời vì Ngài đã cứu chúng ta. Ân điển Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta phải đáp lại. Có lẽ đúng hơn chúng ta không nói rằng nó đòi hỏi sự đáp lại của chúng ta mà đúng ra nó khiến chúng ta không thể không đáp lại. Ấy là kết quả tự nhiên của một tấm lòng được biến cải. Nó tuôn tràn một cách tự nhiên từ sự hiểu biết về sự nhân từ sâu rộng của Đức Chúa Trời và những đặc quyền tuyệt vời khi thuộc về Đấng Christ. Tấm lòng chúng ta không thể không thốt ra lời ca ngợi "Ngợi khen Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Giêxu Christ chúng ta" Sự hưởng ứng dẫn đến lời ngợi khen Đức Chúa Trời.

Khi đọc trong Thánh Kinh, có lẽ chúng ta có thể tìm ra rất nhiều nghĩa của chữ "ngợi khen". Tại đây, nó có nghĩa là Ngài đáng được ca ngợi, tôn vinh, danh Ngài đáng được tôn cao. Ngài phải được hướng đến như là cội rễ và cuối cùng của sự cứu rỗi của chúng ta và Ngài phải được ngợi khen vì điều đó. Nó kêu gọi sự đáp lại từ tấm lòng chúng ta. Nếu bạn thật sự được Chúa cứu thì sự ngợi khen Chúa tuôn ra như là kết quả của công việc này. Chữ "ngợi khen" tại đây trong nguyên ngữ tiếng Hy Lạp là eulog"htoj (eulogetos) là chữ mà từ đó trong tiếng Anh chúng ta có chữ "eulogy" nghĩa là bài tán dương. Chúng ta hay nghe từ này tại những tang lễ. Bài tán dương thường ca ngợi cuộc đời của người quá cố, tán dương cuộc đời và thành tựu của người đó. Tại đây chúng ta được kêu gọi chúc tán Chúa không phải vì Ngài đã chết mà là vì chúng ta phải tôn vinh Ngài về sự trông cậy về sự cứu rỗi mà Ngài đã ban cho những người tin Ngài. Ngài phải được ca ngợi tôn vinh bằng cả tấm lòng. Ca ngợi Đức Chúa Trời là kết quả tự nhiên của một cuộc đời được Ngài biến cải. Đức Chúa Trời của chúng ta cần phải được chúc tụng bởi hết thảy mọi người tin cậy nơi Ngài. Trong bài học hôm nay chúng ta muốn nêu lên câu hỏi "Ai là Đấng cần phải được ngợi khen và tại sao Ngài đáng được ngợi khen?"

Đến với câu hỏi "Ai là Đấng đáng được ngợi khen?", chúng ta thấy không khó tìm ra câu trả lời. Câu 3 cho chúng ta thấy khá rõ rằng sự ngợi khen phải hướng đến Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Giêxu Christ chúng ta. Khi xem xét lời ngợi khen này, chúng ta thấy nó không phải là hoàn toàn mới. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều đoạn khác trong Kinh Thánh mà trong đó Đức Chúa Trời được ngợi khen. Thi Thiên 41 câu 13 chép: "Đáng ngợi khen Giêhôva Đức Chúa Trời của Ysơraên. Từ trước vô cùng cho đến đời đời! Amen, Amen!" Thi Thiên 72 câu 18 chép: "Đáng ngợi khen Giêhôva Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời của Ysơraên." Thi thiên 106 câu 48 chép: "Đáng ngợi khen Giêhôva, Đức Chúa Trời của Ysơraên, Từ trước vô cùng cho đến đời đời mãi mãi! Cả dân sự khá nói: Amen! Halêlugia!" Luca đoạn 1 câu 68, "Ngợi khen Chúa, là Đức Chúa Trời của Ysơraên." Chúng ta tìm thấy những từ ngữ này xuất hiện nhiều lần trong Kinh Thánh. Đức Chúa Trời đáng được ngợi khen bởi mối tương giao của Ngài với dân Ysơraên, mà Kinh Thánh gọi là con cái Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời được ngợi khen bởi Ngài đã khiến dân sự Ngài bước vào mối tương quan đó. Tuy nhiên, trong Tân Ước, trọng tâm chuyển từ mối tương quan giữa Đức Chúa Trời và Ysơraên sang mối tương quan giữa Đức Chúa Trời và Con Ngài là Đấng làm đại diện cho dân Ysơraên thật, là Đấng sống đời sống mà dân Ysơraên Cựu Ước đáng lẽ phải nên sống, sống trọn vẹn theo tiêu chuẩn của Lời Đức Chúa Trời. Trong 2Côrinhtô đoạn 1 câu 3, Êphêsô đoạn 1 câu 3, 1Phierơ đoạn 1 câu 3, Đức Chúa Trời được ngợi khen bởi Ngài sai Con Ngài đến thế gian. Ngài được ngợi khen bởi đã sai Con Một Ngài để cứu chuộc dân sự Ngài. Chúng ta thấy Đấng Christ trở nên trọng tâm của hội thánh, trọng tâm của phước lành mà hội thánh nhận lãnh từ Đức Chúa Trời, mà bởi đó Đức Chúa Trời được chúc tụng vì đã sai Con Một Ngài.

Đoạn Kinh Thánh của chúng ta hôm nay đề cập đến mối tương quan giữa Đức Chúa Trời và Chúa Giêxu. Đức Chúa Trời là Cha của Đức Chúa Giêxu Christ. Tại đây chúng ta không nên hiểu rằng Chúa Giêxu là vật thọ tạo, rằng Ngài có sau Đức Chúa Cha, rằng có một sự sản sinh thực hữu ra Chúa Giêxu. Đúng ra, tại đây chỉ muốn đề cập đến mối tương giao giữa Chúa Giêxu và Đức Chúa Cha. Kinh Thánh nhiều lần bày tỏ Chúa Giêxu hoàn toàn là Đức Chúa Trời (Giăng đoạn 1, Hêbơrơ đoạn 1). Ngài thật sự và vĩnh viễn là Đức Chúa Trời. Ngay trong đoạn Kinh Thánh hôm nay cũng bày tỏ Đấng Christ là Đức Chúa Trời. Chúa Giêxu được ban cho danh hiệu là "Chúa" là danh hiệu của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước. Chúa Giêxu hoàn toàn là Đức Chúa Trời và cũng hoàn toàn là người. Ngài cần được nhìn nhận trong mối quan hệ với Đức Chúa Trời như là Con Đức Chúa Trời. Mối tương giao cha-con này không có nghĩa rằng Chúa Giêxu là thấp hơn Đức Chúa Trời hay không hoàn toàn là Đức Chúa Trời mà chỉ nói đến mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và Con Ngài. Khi nhìn về Đấng Christ, chúng ta thấy Ngài sẵn sàng thuận phục Cha. Khi đọc sách Tin Lành Giăng, chúng ta thấy Chúa Giêxu nhiều lần bảo các môn đồ Ngài và dân chúng chung quanh mình rằng Đức Chúa Trời sai Ngài xuống thế gian để chết thay dân sự Ngài để rồi sống lại với sự sống mới. Chúa Giêxu sẵn lòng lên thập tự giá, Ngài sẵn sàng thuận phục Cha, hạ mình xuống thành một con người hầu có thể cứu cho mình một dân. Bởi Chúa Giêxu được Đức Chúa Cha sai phái, Đức Chúa Cha đáng được sự ngợi khen. Đức Chúa Trời được ngợi khen bởi đã sai Con Một Ngài là Con rất yêu dấu Ngài hầu cứu chuộc dân sự Ngài, hầu giải cứu họ khỏi tội lỗi và sự thống khổ. Thế thì trọng tâm của chúng ta khi nghĩ đến công việc Đức Chúa Trời trong Con Ngài là tán mỹ Ngài về mối tương giao của Ngài với Con Ngài. Chúng ta dâng sự ngợi khen và vinh hiển cho Đức Chúa Cha về công việc của Ngài trong sự cứu rỗi chúng ta.

Kinh Thánh trình bày tiếp một cách cụ thể về những gì chúng ta cần ca ngợi Đức Chúa Trời. Chúng ta cần ngợi khen Ngài vì "lòng thương xót cả thể" của Ngài. Khi nói đến "sự thương xót", chúng ta nói đến điều gì đó không xứng đáng mà lại được. Không ai trong chúng ta có thể đứng trước mặt Chúa mà nói rằng "Lạy Chúa, con xứng đáng được ân điển Ngài bởi con đã sống trung tín trước mặt Ngài. Ngài phải thưởng cho con sự giàu có của thiên đàng." Không ai trong chúng ta có thể làm điều đó mà còn mong đứng nổi và sống động trước mặt Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nói rất rõ với chúng ta rằng chúng ta đều đã phạm tội. Bất kỳ người nào thành thật xét mình trước tấm gương của luật pháp Đức Chúa Trời cũng đều biết rằng mình có tội. Chúng ta tự mình không xứng đáng đứng trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta phạm tội, đáng bị rủa sả và hình phạt. Chúng ta phạm tội và bởi đó, nếu không có Đấng Christ, chúng ta đáng chịu sự rủa sả đời đời. Không ai trong chúng ta có thể thay đổi tình trạng của mình và khiến mình được hòa thuận cùng Đức Chúa Trời. Chúng ta đều chết mất trong tội lỗi và sự vi phạm chúng ta (Êphêsô đoạn 2). Chúng ta không xứng đáng với ân điển Đức Chúa Trời. Chúng ta là thù nghịch cùng Đức Chúa Trời bởi tội lỗi chúng ta. Tất cả chúng ta đều không xứng đáng với ân điển Đức Chúa Trời mà đáng chịu sự thạnh nộ Ngài. Nhưng sự thương xót của Đức Chúa Trời thật giàu có cả thể. Đức Chúa Trời không thể làm ngơ với tội lỗi bởi Ngài là một Đức Chúa Trời công bình. Tội lỗi phải được đền trả mà không thể bỏ đi như chưa từng có điều gì xảy ra. Chúng ta phải được chuộc. Điều này đã được làm trọn: "Khi chúng ta còn là người có tội thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết." Khi nói đến sự thương xót cả thể, chúng ta nhìn về sự hy sinh và thống khổ lớn lao của Đấng Christ trên thập tự giá, sự đau đớn sâu xa của Ngài trong vườn Ghếtsêmanê khi mồ hôi Ngài đổ ra như những giọt máu lớn, khi Ngài chịu khổ trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta nhìn thấy sự thống khổ Ngài khi Ngài chịu khổ trên thập tự giá và cuối cùng chết thay chúng ta. Khi nhìn về những điều đó, chúng ta không thể nghi ngờ gì về sự thương xót cả thể của Ngài, sự nhân từ lạ lùng Ngài. Chúng ta nhìn thấy tình trạng tội lỗi của mình, sự bất xứng của chúng ta trước mặt Chúa, chúng ta thấy mình cần được thương xót đến dường nào. Khi ấy chúng ta không thể không dâng lời ngợi khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Giêxu Christ chúng ta về sự thương xót lớn lao của Ngài. Chúng ta biết sự thương xót của Chúa Giêxu Christ, chúng ta yêu mến Ngài và đáp lại sự thương xót đó, chúng ta sống cho Ngài và tôn vinh Ngài bằng tấm lòng chúng ta.

Sự ca ngợi Đức Chúa Trời được nhìn thấy trong sự thương xót cả thể Ngài và nó được trình bày cụ thể hơn cho chúng ta khi nói rằng Đức Chúa Trời đã "khiến chúng ta lại sanh... mà có sự trông cậy sống." Tại đây Kinh Thánh nói chúng ta được "lại sanh". Sự lại sanh nhắc lại cho chúng ta Giăng đoạn 3. Tại đây là câu chuyện Nicôđem đến với Chúa Giêxu đang ban đêm. Chúa Giêxu nói với ông rằng ông không thể được cứu nếu không được lại sanh. Nicôđem gãi đầu không hiểu làm thế nào một người đã trưởng thành có thể trở vào lòng mẹ mà được sanh lại một lần nữa. Chúa Giêxu chắc chắn không nói về sự sanh lại về phần xác mà nói đến sự sanh lại từ trên. Thánh Linh Đức Chúa Trời thay đổi đời sống chúng ta, cất bỏ bản chất cũ của chúng ta, khiến chúng ta sống lại một đời sống mới cho Ngài. Rôma đoạn 6 nói rằng chúng ta đã chết về tội lỗi và sống lại một sự sống mới. Ấy là sự lại sanh. Được sanh lại bởi Đức Chúa Trời là được dựng nên mới, được dự phần trong vương quốc thiên thượng. Chúng ta không còn tập trung vào những gì của thế gian này mà vào những gì ở trên cao. Chúng ta đã được sanh lại vào sự sống mới. Đời sống chúng ta giờ đây chuyên chú vào Đấng Christ và việc sống theo Ngài. Trong sự ra đời lần thứ nhất của chúng ta, chúng ta biết tất cả chúng ta đều được sanh ra để phải chết. Hết thảy chúng ta đều sẽ chết vì cớ tội lỗi. Nhưng trong sự sanh lại của chúng ta, chúng ta được ban cho lời hứa về sự sống đời đời. Chúng ta sẽ không chết nếu chúng ta đã được sanh lại. 1Phierơ đoạn 1 câu 23 chép: "anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hay hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời." Chúng ta đã được lại sanh để được sống đời đời. Chẳng phải chúng ta sẽ sống đời đời tại nơi thế gian tội lỗi này. Những ai tin nhận Đức Chúa Trời sẽ sống đời đời trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Sự sanh lại này mang đến cho chúng ta sự trông cậy, niềm hy vọng sống.

Sự trông cậy sống tại đây không chỉ là một ước muốn. Chúng ta hay nói về sự hy vọng theo ý nghĩa đó. Chẳng hạn như "Tôi hy vọng điều này sẽ thành hiện thực", "Tôi hy vọng có được chiếc xe đạp vào ngày sinh nhật." Tuy nhiên chúng ta không biết hy vọng đó có thành hiện thực không. Chắc chắn sự trông cậy (hy vọng) Kinh Thánh nói đến tại đây không giống như vậy. Kinh Thánh tại đây nói đến một sự trông cậy chắc chắn, một điều gì đó mà chúng ta có thể nương dựa trên đó, một điều mà chúng ta biết chắc sẽ thành hiện thực. Ấy là một sự chắc chắn. Những ai tin nhận Chúa có thể tin cậy nơi sự đảm bảo của lời hứa Đức Chúa Trời. Nó là sự trông cậy "sống" bởi mối liên hệ của nó với việc chúng ta được ban cho sự sống đời đời trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Ấy là một sự trông cậy sống ban cho chúng ta sự bảo đảm về những sự đời đời. Không gì có thể phân cách chúng ta khỏi tình yêu thương Đức Chúa Trời nếu chúng ta đã được Thánh Linh Đức Chúa Trời tái sanh. Đây là sự trông cậy sống bởi nó bảo đảm cho chúng ta rằng cơ nghiệp được đề cập đến trong câu 4 là thuộc về chúng ta. Ấy là một sự trông cậy sống ban cho chúng ta sự yên ủi lớn ngay trong đời này. Nó là một sự trông cậy sống bởi nó tác động đến chúng ta ngay trong đời này. Nó ban cho chúng ta sự bình an, niềm vui, thỏa lòng mà không có vấn nạn nào của thế gian này có thể cất đi. Chúng ta có một sự trông cậy sống châm rễ và đặt nền trên lời hứa của Đức Chúa Trời, sự bình an bảo đảm trong mọi cảnh huống của cuộc đời biết rằng không điều gì có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đấng Christ nếu chúng ta thuộc về Ngài. Ấy là một sự trông cậy chỉ có thể hiểu biết được bởi những ai thật sự tin nhận nơi Tin Lành của Chúa Giêxu Christ.

Cuối cùng, chúng ta thấy sự trông cậy sống được ban cho chúng ta không phải bởi chính chúng ta mà là bởi sự sống lại của Chúa Giêxu từ kẻ chết. Đôi khi Cơ Đốc Nhân chúng ta để nhiều thời gian cho sự chết của Chúa Giêxu bởi biết rằng trong sự chết đó, tội lỗi của dân Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài. Ngài trả giá cho tội lỗi chúng ta. Tuy nhiên, những ai thật sự tin Chúa không thể chỉ nhìn vào sự chết của Đấng Christ mà cho rằng sự cứu rỗi của họ đã được hoàn tất trong sự chết ấy, dường như sự sống lại là không cần thiết. Sự sống lại của Chúa Giêxu Christ là hoàn toàn cần thiết y như sự chết của Ngài vậy. Chúa Giêxu cần thỏa đáp sự rủa sả của luật pháp nhưng Ngài phải đắc thắng sự rủa sả. Nếu Ngài đã chẳng đắc thắng sự rủa sả thì chúng ta cũng đã chẳng đắc thắng. Trong 1Côrinhtô đoạn 15 khi nói về tầm quan trọng của sự sống lại, Kinh Thánh nói rằng nếu Đấng Christ đã chẳng sống lại thì lời giảng của các sứ đồ chỉ là trống rỗng, đức tin của tín hữu cũng chẳng có nghĩa lý gì và các sứ đồ chỉ là những người làm chứng dối. Nếu Đấng Christ đã chẳng sống lại thì đức tin chúng ta là vô ích và chúng ta vẫn còn trong tội lỗi mình, những kẻ đã ngủ trong Đấng Christ cũng đã hư mất. Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy nơi Đấng Christ trong đời này mà thôi thì chúng ta là những kẻ khốn nạn hơn hết. Kinh Thánh tiếp tục khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết của sự sống lại của Đấng Christ. Ấy là trong sự sống lại của Đấng Christ mà chúng ta có được hy vọng đắc thắng sự chết. Không chỉ tội lỗi chúng ta được đền trả mà chúng ta còn có niềm hy vọng về sự đắc thắng mộ phần. Côlôse đoạn 1 nói Đấng Christ sanh trước nhất từ trong kẻ chết. Côlôse đoạn 3 từ câu 1 đến 3 dạy chúng ta là những người ở trong Đấng Christ được hiệp một cùng Ngài trong sự chết của Ngài và trong sự phục sinh của Ngài nữa. Như Chúa Giêxu đã sống lại từ trong kẻ chết, như Laxarơ ra khỏi phần mộ (Giăng 11), chúng ta, nếu tin nơi Chúa Giêxu, cũng sẽ được sống lại. Đây không chỉ là một thực tế của tương lai sau khi chúng ta qua đời mà là một thực tế của hiện tại. Chúng ta, những người đã chết trong tội lỗi, giờ đây đang sống cho Đấng Christ. Đấng Christ đã đắc thắng sự rủa sả. Ngài đã làm thỏa mãn yêu cầu công chính của nó trong chính mình Ngài. Hết thảy những ai ở trong Ngài cũng được sống lại và được ban cho sự sống mới. Đây là một thực tế hiện tại và cũng là một thực tế đời đời. Chúng ta có niềm hy vọng về sự sống đời đời bởi sự sống lại của Đấng Christ. Nếu chúng ta tin Chúa Giêxu, tin nơi sự chết và sống lại của Ngài, thì chúng ta có sự hy vọng về sự sống đời đời trong sự hiện diện Ngài. Đây là Tin Lành mà chúng ta trân trọng yêu mến nếu chúng ta thật thuộc về Chúa. Đây là Tin Lành âm thầm tác động lên mọi khía cạnh trong đời sống chúng ta.

Nếu chúng ta không hiểu sự trông cậy phước hạnh này của Tin Lành, làm sao chúng ta có thể sống cho Chúa? Làm sao chúng ta có thể sống đẹp lòng Ngài bởi điều đòi hỏi nơi chúng ta là đáp lại những gì Đức Chúa Trời đã làm, đáp lại điều Thánh Linh làm trong lòng chúng ta? Điều đó được thúc đẩy bởi lòng biết ơn và tình yêu đối với Đức Chúa Trời. Thế thì nếu chúng ta còn chưa nếm biết sự tốt lành của Ngài thì làm sao chúng ta có thể sống cho Ngài? Đây là vấn đề của tấm lòng. Làm sao chúng ta có thể ca ngợi Chúa trừ khi trước nhất chúng ta đã hiểu mình được ban cho niềm hy vọng sống qua sự sống lại của Chúa Giêxu từ trong kẻ chết. Làm sao chúng ta có thể thật sự chúc tụng Ngài nếu chúng ta chưa hiểu được sự trông cậy này? Nếu chúng ta đã nếm biết sự tốt đẹp của Chúa, nếm biết sự trông cậy sống phước hạnh này, đã nhìn thấy sự nhơn từ dư dật Ngài thì chúng ta sẽ tán mỹ danh Ngài. Chúng ta sẽ ngợi khen danh ấy hàng ngày. Chúng ta sẽ quỳ gối xuống mà nói rằng "Lạy Chúa, đây là điều quan trọng nhất mà con có thể tưởng đến, rằng con biết con đã được chuộc khỏi tội lỗi và sự thống khổ con, khỏi sự rủa sả vì Ngài đã trả giá cho nó. Trong sự nhân từ dư dật Ngài thông qua sự sống lại của Chúa Giêxu, Ngài đã ban cho con sự trông cậy không hề héo tàn." Chúng ta không thể ca ngợi Chúa được nếu chúng ta không hiểu sứ điệp Tin Lành này và khi ấy tình yêu và sự ca ngợi của chúng ta dành cho Ngài chỉ nghèo nàn mà thôi. Tin Lành là trung tâm điểm của mọi đời sống Cơ Đốc. Nếu chúng ta hiểu Tin Lành, chúng ta sẽ ca ngợi Chúa chúng ta. Xin hãy cùng tôi ca ngợi Chúa. Xin cho lời ca ngợi đó xuất phát từ mối tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời. Amen.

Lạy Cha thiên thượng của chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài vì cơ hội được lắng nghe lời Ngài. Cảm ơn Ngài vì chúng con được nhắc nhở thể nào chúng con đã được giải cứu khỏi tội lỗi và sự thống khổ chúng con chẳng phải vì chúng con xứng đáng được điều đó hay vì chúng con quá thiện hảo mà là bởi sự nhơn từ dư dật của Ngài, là Đấng đã ban cho chúng con sự sống mới trong Đấng Christ, lời hứa về sự sống đời đời, niềm hy vọng được sống trong sự hiện diện Ngài nơi không có tội lỗi, không có khổ đau, khi mọi điều đó đều qua đi. Thật là một đặc quyền cho chúng con được thuộc về Ngài! Lạy Chúa, danh lớn lạ lùng Ngài thật đáng ngợi khen! Ngợi khen Đức Chúa Trời Cha Đức Chúa Giêxu Christ vì đã sai Con Ngài đến thế gian hầu chúng con được sự sống! Xin những lời đó xuất phát từ tấm lòng của mỗi chúng con. Xin cho chúng con tôn thờ và ca ngợi Ngài về sự cứu rỗi diệu kỳ đó. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu Christ. Amen.

Dịch từ bài giảng của Rev. Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)