Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Sẵn Sàng Biện Giải - 7/2009  


SẴN SÀNG BIỆN GIẢI
(1Phierơ 3:15-17)

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Trọng tâm của đoạn Kinh Thánh chúng ta hôm nay tập trung vào tinh thần sẵn sàng chia sẻ Phúc Âm của chúng ta, nói với người khác về sự trông cậy của chúng ta. Chúng ta được kêu gọi chuẩn bị sẵn sàng trả lời câu hỏi của những người nhìn thấy cách sống Cơ Đốc của chúng ta giữa sự thử thách và bởi đó muốn tìm hiểu căn nguyên của sự trông cậy của chúng ta. Là mục sư, tôi thấy rằng đây là lĩnh vực mà nhiều Cơ Đốc Nhân thấy mình thiếu sót nhiều. Họ thấy rằng mình không sẵn sàng, hay không đủ ơn để làm chứng về niềm tin của mình. Họ thường sợ phải làm chứng về Tin Lành bởi không chắc mình sẽ nói gì đây hoặc lo ngại rằng sẽ phải trả lời những câu hỏi mà mình không chắc câu trả lời phải thế nào. Họ không ngần ngại gì khi giải bày đức tin cho những anh em cùng đức tin, hướng dẫn học Kinh Thánh, tham gia những công tác phục vụ khác trong phạm vi hội thánh nhưng lại hết sức căng thẳng khi chia sẻ Phúc Âm với những người chưa tin. Thường điều này dẫn đến một mặc cảm tội lỗi bởi họ biết mình phải làm gì nhưng lại quá ngần ngại hay lo sợ đến nỗi không thể đứng lên làm chứng được. Họ biết họ cần làm chứng cho Đấng Christ nhưng lại không làm được. Không hẳn là họ lo ngại bị người khác chế giễu, cũng không hẳn họ ngại nói với người khác về Chúa, hay nói rằng họ tin nơi Đấng Christ, nhưng là sự lo ngại rằng mình không thể biện giải một cách đúng đắn về đức tin để trả lời những câu hỏi mà người ta có thể nêu ra. Làm thế nào chúng ta có thể vượt qua được nỗi lo sợ này? Làm thế nào chúng ta có thể sẵn sàng chia sẻ Tin Lành ân điển cho người khác, làm chứng nhân cho Cứu Chúa yêu dấu của chúng ta không phải vì mặc cảm tội lỗi hay vì nghĩa vụ mà với sự tự tin vững vàng thúc giục bởi tình yêu thương với Đấng Christ và với tha nhân.

Đoạn Kinh Thánh chúng ta bắt đầu với câu 15 rằng: "nhưng hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình". Ấy là khởi điểm của sự đắc thắng nỗi sợ hãi phải làm chứng cho người khác. "Tôn Chúa làm thánh trong lòng" nghĩa là biệt riêng Ngài ra làm Chúa của tấm lòng chúng ta. Là Chúa trong lòng chúng ta, Ngài cai trị những ao ước, tư tưởng, hành động, đời sống của chúng ta, mọi khía cạnh trong đời sống chúng ta. Đấng Christ là quan trọng nhất trong đời sống chúng ta. Không ai thân thiết với chúng ta như Chúa Giêxu. Không mối quan hệ nào, dù quan hệ vợ chồng hay con cái, quý báu hơn mối tương giao của chúng ta với Đấng Christ. Đấng Christ là trọng tâm của đời sống chúng ta. Thuộc về Đấng Christ là vương miện của sự tồn tại của chúng ta, là nguồn cậy trông của chúng ta, là điều ban cho chúng ta sự bình an. Ngài là kho tàng quý báu nhất. Khi nghĩ về Đấng Christ theo cách này, nghĩ đến những gì Ngài ban cho chúng ta trong sự cứu rỗi chúng ta, chúng ta sẽ thấy rằng chỉ có Đấng Christ là quan trọng hơn hết. Mọi cách cư xử chúng ta xuất phát từ mối tương giao quan trọng hơn hết mà chúng ta có được với Ngài. Chúng ta sống cho Ngài, vì sự vinh hiển Ngài. Chúng ta yên nghỉ trong lời hứa của Ngài và trong sự trông cậy nơi sự sống lại của Ngài. Đấng Christ là tất cả cho chúng ta. Khi chúng ta nắm lấy điều này, khi thật sự tin vào sự trông cậy mà Ngài ban cho, khi chúng ta biết chắc rằng Ngài là con đường cứu rỗi duy nhất cho chúng ta và chúng ta tin cậy nơi Ngài thì chúng ta thấy rằng nỗi sợ hãi con người của chúng ta sẽ tan chảy đi. Nỗi sợ hãi về những câu hỏi mà chúng ta có thể sẽ phải trả lời cũng bị dẹp qua một bên bởi chúng ta biết rằng đây là điều quan trọng hơn hết mà chúng ta có thể mang đến cho người khác. Chúng ta muốn người khác cũng có được sự tin tưởng, bình an, hy vọng, niềm vui mà chúng ta có được trong Đấng Christ. Đây là ao ước trong lòng chúng ta, là điều thúc giục chúng ta. Bởi chúng ta tin tưởng điều này, say sưa trong điều này, chúng ta cũng muốn nói với người khác về Chúa Giêxu. Giống như khi chúng ta đã đính hôn để tiến tới hôn nhân, chúng ta có giữ kín điều đó không báo cho bạn bè biết không? Không! Người chiếm trọn tình yêu, sự quan tâm, yêu thích của chúng ta trở nên đề tài đầu tiên của mọi cuộc trò chuyện của chúng ta. Chúng ta muốn người khác biết người phối ngẫu của chúng ta là tuyệt vời đến thế nào. Thế thì mối tương giao của chúng ta với Đấng Christ còn hơn thế nhiều nếu chúng ta thật sự yêu mến Đấng Christ, hiểu biết Ngài và những gì Ngài đã làm cho chúng ta, liệu chúng ta có muốn tôn vinh danh Ngài trước con người không? Thế thì chúng ta được dạy phải tôn Đấng Christ làm Chúa làm thánh trên hết mọi sự để biết tình yêu thương của Ngài cho chúng ta và bởi đó tuôn tràn ra ao ước muốn nói với người khác về Ngài.

Đoạn Kinh Thánh tiếp rằng chúng ta phải sẵn sàng biện minh cho sự trông cậy đã được ban cho mình. Tại đây trong nguyên ngữ tiếng Hy Lạp là "apologia", từ chữ đó mà ra chữ "apology" trong tiếng Anh. Biện hộ cho đức tin của chúng ta không phải là nhận mình sai trật theo như nghĩa thường thấy của chữ "apology" trong tiếng Anh mà lại là hoàn toàn trái ngược, nghĩa là đưa ra lời biện giải để chứng minh rằng mình đúng khi bảo vệ lẽ thật của Kinh Thánh. Đôi khi chúng ta thấy chữ "apologetics" nghĩa là sự biện giải đạo Tin Lành. Đây là từ ngữ chính quy. Trong sách Công vụ và những chỗ khác, sứ đồ Phaolô được kêu gọi đưa ra lời biện giải về đức tin trước những người cầm quyền và nói với họ về sự thật của sự sống lại của Đấng Christ, làm chứng về sự chết và sự sống lại của Ngài và giờ đây Ngài đã giải hòa chúng ta với Đức Chúa Trời nếu chúng ta tin nhận Ngài. Chúng ta phải sẵn sàng trả lời mọi sự hỏi lẽ về đức tin chúng ta như thế.

Chúng ta phải trả lời mọi sự hỏi lẽ như thế nào? Chúng ta phải cư xử làm sao? Trong văn phòng tôi chất đầy một kệ sách với những bộ sách dày cộm của nhiều tác giả khác nhau về Biện giải đạo. Thế nhưng có phải sự biện chứng về Tin Lành đòi hỏi sự hiểu biết thấu đáo hết về những kiến thức ghi trong những bộ sách dày cộm kia hầu chúng ta có khả năng đưa ra những lập luận vững chải để biện chứng cho Tin Lành không? Chúng ta có cần phải là những triết gia lỗi lạc hay những nhà thần học với những tư tưởng sâu sắc để có thể trả lời cho đúng cho danh Chúa không? Nếu thế thì chắc Tin Lành đã thất bại lâu rồi bởi chẳng mấy ai chịu khó đọc cho xong hết những quyển sách ấy. Chẳng mấy ai quan tâm nhiều đến những lập luận logic về sự tồn tại của Đức Chúa Trời. Tôi không có ý nói rằng những tài liệu nghiên cứu này là kém quan trọng. Những tài liệu đó có thể giúp ích cho sự biện chứng đức tin. Tuy nhiên tri thức về những lập luận đó không phải là thiết yếu cho chúng ta có thể trung tín biện chứng về đức tin. Sẵn sàng trả lời mọi sự hỏi lẽ có nghĩa là hiểu biết điều Đấng Christ đã làm cho chúng ta.

Điều này khá là đơn giản. Chúa Giêxu đã làm gì cho chính chúng ta? Niềm hy vọng chúng ta có được là gì? Nếu thật sự là Cơ Đốc Nhân, chúng ta nói lên từ trong sâu thẳm của một tấm lòng đã được Thánh Linh biến cải. Ấy chính là sự hiểu biết Thánh Kinh giúp chúng ta có thể nói với người khác về những gì Đấng Christ đã làm cho chúng ta. Chỉ giải thích về công việc của Chúa Giêxu Christ và biện chứng với người khác rằng "Tôi biết Cứu Chúa tôi đang sống! Tôi biết tôi sẽ thấy Chúa tôi trong đất người sống. Tôi biết rằng trong Đấng Christ tội lỗi tôi đã được thứ tha." Chúng ta không cần biết hết hàng loạt những lập luận. Một bà cụ lớn tuổi không học thức cũng có thể nói lên lời làm chứng ích lợi hơn một nhà thần học tài ba nhất. Chúng ta vẫn có thể có được một lời chứng trung tín, một sự biện chứng cho đức tin từ một người không có lợi thế về trí tuệ. Một trẻ em, như con cái chúng ta chẳng hạn, có thể sang nhà hàng xóm và nói với bạn chúng về Chúa Giêxu Christ và qua đó trả lời với người khác về sự trông cậy mà chúng ta đang có được. Chúng ta không cần đợi đến khi trưởng thành, đến khi học thuộc lòng hết những đoạn Kinh Thánh. Không! Chỉ cần chúng ta biết Chúa Giêxu, nếu Ngài ở trong lòng chúng ta thì chúng ta có thể chia sẻ và trả lời cho sự trông cậy của chúng ta. Dĩ nhiên chúng ta rất cần nắm vững Lời Chúa, có thể trình bày rõ ràng cho người khác về lẽ thật của ân điển Đức Chúa Trời. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng ta phải chờ đợi đến khi chúng ta đạt đến một trình độ hiểu biết nào đó mới làm chứng về Ngài. Chỉ cần chúng ta yêu mến Chúa thì chúng ta đã sẵn sàng để trình bày lời chứng về ân điển bởi chúng ta biết nó là thật, nó tuôn tràn ra từ một tấm lòng đã được Đức Chúa Trời biến cải, tấm lòng châm rễ trên sự dạy dỗ của Thánh Kinh. Chúa Giêxu trong Luca đoạn 12 nói với môn đồ Ngài rằng họ không cần phải sợ con người mà cần phải sợ Đức Chúa Trời. Khi phải đứng trước mặt những người có thẩm quyền, họ không cần phải lo sợ phải nói gì. Thánh Linh Đức Chúa Trời sẽ ban lời nói cho họ. Thế thì nếu Thánh Linh Đức Chúa Trời ngự trong chúng ta, nếu chúng ta biết và đã từng trải tình yêu thương của Đấng Christ thì chúng ta đã sẵn sàng để nói với người khác về Ngài. Dĩ nhiên chúng ta có thể trang bị bản thân nhiều hơn với sự hiểu biết Thánh Kinh, học hỏi những lập luận đặt nền tảng trên Thánh Kinh từ những tài liệu khác, nhưng nếu chúng ta biết Chúa Giêxu, đã tôn Ngài làm thánh trong lòng mình thì chúng ta có thể và sẵn sàng để biện minh cho đức tin chúng ta.

Thế thì đức tin mà chúng ta biện chứng cho ấy là gì? Niềm hy vọng mà chúng ta có được là gì mà chúng ta nói cho người khác? Sứ đồ Phierơ nói trong thư tín của ông rằng niềm hy vọng mà chúng ta có được là một niềm hy vọng sống. Ấy là niềm hy vọng châm rễ trong sự chết và sống lại của Chúa Giêxu. Chúng ta đã được rải huyết Ngài. Điều này có nghĩa là gì? Ấy có nghĩa là sự rủa sả của tội lỗi chúng ta đã được cất đi. Chúng ta là tội nhân cần ân điển Đức Chúa Trời. Không ai trong chúng ta có thể đứng trước sự hiện diện Ngài mà còn sống trừ khi tội lỗi chúng ta đã được tẩy sạch. Hết thảy chúng ta đều có tội và bị hoen ố bởi tội lỗi. Chúng ta cần ân điển của Đấng Christ. Chúng ta cần được tẩy sạch tội lỗi mình. Sự trông cậy sống mà chúng ta đã được ban cho là Chúa Giêxu đã chết trên thập tự giá và sống lại trong sự sống mới và Ngài đã ban cho chúng ta sự sống trong Ngài, sự sống đời đời không bao giờ qua đi, niềm hy vọng về thiên đàng đã được giữ cho chúng ta nơi thiên quốc. Thế thì khi người khác nhìn thấy sự chịu khổ của Cơ Đốc Nhân và hỏi chúng ta rằng chúng ta có niềm hy vọng gì, chúng ta có thể nói rằng: "Niềm hy vọng của tôi châm rễ trong sự chết và sống lại của Chúa Giêxu Christ là Đấng đã chết cho tôi và sống lại ban cho tôi sự sống đời đời." Chúng ta có thể thấy điều này khi đi dự một tang lễ Cơ Đốc. Gần đây tôi có nói chuyện với giáo sĩ Murry Uomoto về sự khác biệt giữa đám tang Cơ Đốc và đám tang ở Nhật Bản mà tại đó không có sự tuyên xưng đức tin. Khi người ta nhìn thấy sự khác biệt đó họ sẽ đến với chúng ta và hỏi rằng: "Làm sao anh có thể vui mừng dù trong hoàn cảnh đau đớn?" Chúng ta có thể trả lời rằng: "Ấy là bởi niềm hy vọng của chúng tôi trong Chúa." Trước sự chết của những người tuận đạo trong thời Cải Chánh, người ta nói rằng khi thân thể của những người đó bị thiêu đốt thì họ đã nhóm lên một ngọn lửa tràn ngập cả nước Anh. Sự chết là một mục vụ bởi người ta bắt đầu hỏi lý do vì sao người này có sự trông cậy, làm sao anh ta có thể chịu đựng nổi những sự như thế. Ấy là bởi sự trông cậy về sự sống đời đời trong Đấng Christ. Điều này cũng được nhìn thấy trong những điều khác trong đời sống chúng ta nữa. Có thể những đứa trẻ hàng xóm cười nhạo các em vì các em đi nhà thờ và hỏi các em vì sao các em đi nhà thờ. Đó có thể là một cơ hội, một cánh cửa cho các em làm chứng rằng các em đi nhà thờ vì tin Chúa Giêxu, yêu mến Ngài và vì Ngài đã tẩy sạch tội lỗi các em. Khi ai đó đến với chúng ta và hỏi rằng: "Làm sao anh có thể sống bình an trong một thế giới đầy chiến tranh, tiếng đồn về giặc giã và khủng bố? Làm sao anh có thể sống bình an trong một thế giới đầy xáo trộn?" Điều này có thể cho chúng ta một cơ hội để trả lời, rằng: "Tôi có thể sống bình an vì tôi sống với tác giả của sự bình an, Đấng Ban sự bình an là Chúa Giêxu Christ." Người khác nhìn vào chúng ta và chúng ta cởi mở tiếp nhận những câu hỏi. Họ có thể hỏi chúng ta rằng: "Tại sao bạn là Cơ Đốc Nhân? Tại sao bạn không thể tham dự vào những việc mà tất cả những người khác vẫn làm? Điều gì khiến bạn khác biệt?" Khi ấy, chúng ta hãy trả lời cho họ về niềm hy vọng mà chúng ta có được trong Chúa Giêxu Christ.

Chúng ta cũng cần đưa ra câu hỏi rằng chúng ta cần có thái độ thế nào trong mối quan hệ với những người ở thế gian khi biện giải cho Tin Lành. Chúng ta cần có tinh thần hiền hòa mà không phải là ngạo mạn. Chúng ta không được tỏ ra rằng: "Chúng tôi biết nhiều hơn các bạn, lập luận của chúng tôi cao xa hơn các bạn nhiều, các bạn thấp kém hơn chúng tôi bởi các bạn không hiểu biết lẽ thật". Chúng ta không nên tỏ ra kẻ cả với những hiểu biết của chúng ta mà phải tiếp nhận người khác với thái độ tôn trọng, cư xử cách khiêm nhường khi trình bày lẽ thật của Tin Lành là điều đã tác động sâu sắc đến chúng ta. Hãy xử sự với người khác cách tử tế. Tôi đã từng nghe có những trường hợp người làm chứng lại khiến người khác xây khỏi Tin Lành thay vì kéo người ta đến. Chúng ta hãy có tinh thần như Đấng Christ, nói ra Tin Lành với sự hiền lành khiêm nhường.

Chúng ta cũng cần làm chứng với sự hiền hòa và kính sợ. Tại sao chúng ta phải "kính sợ"? Tất nhiên chúng ta không phải sợ con người. Chúng ta vừa được dạy không nên sờn lòng vì con người. Kinh Thánh chỉ rõ rằng khi chúng ta nói đến sự kính sợ, không phải chúng ta kính sợ con người mà kính sợ Đức Chúa Trời. Khi nói đến sự kính sợ Đức Chúa Trời, chúng ta không nói rằng chúng ta phải sống trong sự kinh sợ hãi hùng về Đức Chúa Trời. Chúng ta là những tội nhân được tha tội nếu là kẻ được chọn của Ngài. Chúng ta không cần phải kinh hãi trước mặt Đức Chúa Trời. Nhưng sống kính sợ trước mặt Đức Chúa Trời có nghĩa là chúng ta sống vâng phục. Chúng ta được kêu gọi làm chứng về sự hy vọng sống trong chúng ta trong sự kính sợ và trung tín trước mặt Đức Chúa Trời.

Chúng ta cũng cần phải có "lương tâm tốt... ăn ở lành... trong Đấng Christ". Khi chúng ta ăn ở lành trong Đấng Christ là chúng ta đang làm chứng cho Ngài. Để ý rằng mọi điều này là "trong Đấng Christ". Ấy chẳng phải là những việc thiện hảo mà chúng ta tự sức mình làm được mà là điều Đấng Christ làm thành trong chúng ta. Chúng ta cần có một lương tâm tốt trước thế gian hầu khi họ gièm pha chúng ta thì họ liền bị hổ thẹn.

Chúng ta được kêu gọi làm chứng về Tin Lành với tinh thần khiêm nhường và tấm lòng muốn sống cho Chúa. Đoạn Kinh Thánh hôm nay kêu gọi chúng ta sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong chúng ta. Chúng ta hãy tận dụng hết cơ hội thuận tiện như Cô-lô-se đoạn 4 chép. Chúng ta hãy nói với người khác về tình yêu thương của Đấng Christ. Chúng ta cần làm điều đó bởi yêu mến Chúa và bởi lòng yêu thương anh em nữa. Đừng hỗ thẹn rao danh Chúa ra. Đừng cảm thấy rằng chúng ta chưa sẵn sàng rao giảng Lời Ngài. Nếu chúng ta yêu mến Ngài, hãy đi ra rao giảng. Hãy nói cho người khác về sự hy vọng đó. Nếu chúng ta biết những gì Đấng Christ đã làm thì chúng ta đã sẵn sàng để rao ra điều đó. Chúng ta cần phải châm rễ trong Lời Thánh Kinh hầu trưởng thành luôn trong khả năng rao giảng cho người khác về ân điển Đấng Christ đã ban cho chúng ta. Amen.

Lạy Cha thiên thượng toàn năng của chúng con. Chúng con cầu xin Ngài chuẩn bị tấm lòng chúng con bằng cách kéo chúng con đến gần Ngài, ban cho chúng con sự hiểu biết sâu nhiệm hơn về những gì Ngài đã làm cho chúng con hầu chúng con được lôi cuốn trong tình yêu thương Ngài đến nỗi chúng con muốn nói với người khác về điều đó. Xin cho môi miệng chúng con không ngần ngại rao giảng Lời Ngài hầu khi có cơ hội chúng con có thể trả lời những câu hỏi đưa ra cho chúng con. Xin cho chúng con sống đời sống tin kính trước thế gian hầu họ đến và hỏi chúng con về niềm hy vọng trong chúng con. Xin cho hội thánh chúng con đứng vững như ánh sáng và trung tín với sự kêu gọi của chúng con. Xin cho mỗi một người trong chúng con, trong bất cứ vị trí nào Ngài đặt để, cũng làm chứng nhân vững vàng cho Ngài. Chúng con cầu nguyện trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Amen.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)