SẴN SÀNG - CHUẨN BỊ - XUẤT PHÁT
(1Phierơ1:13)
Kính thưa hội thánh yêu dấu của Cứu Chúa Giêxu Christ. Một vận động viên giỏi cần biết tập trung. Một người giỏi về một môn nào đó yêu cầu phải để tâm vào công việc trước mặt mình. Nếu chúng ta đã từng xem những cuộc thi thể thao Olympic, người ta hay đưa tin những bài phỏng vấn những vận động viên. Người ta thường đặt câu hỏi rằng những vận động viên đã chuẩn bị thế nào trước khi họ vào cuộc tranh giải. Nhiều người trả lời rằng họ tập trung hết sức vào trách nhiệm phía trước. Họ tự ôn luyện trong trí mình trong mỗi giai đoạn sẽ trải qua. Họ trù tính vào cuộc thế nào, nhắm về mức kết thúc và mục tiêu thắng cuộc. Mọi sự chi phối phải vứt bỏ ra khỏi tâm trí của họ. Sự ồn ào của đám đông khích lệ, áp lực gia đình, sự căng thẳng của ngày thi đấu phải được dẹp đi khi họ hướng về mục tiêu. Họ cần phải chuẩn bị tâm trí mình đứng trước cuộc thi được bày ra trước mắt.
Khi suy nghĩ về đời sống Cơ Đốc nhân: chúng ta phải sống như thế nào cho Chúa, chúng ta cũng cần phải có thái độ đó khi dấn bước trên cuộc hành trình Cơ Đốc của mình mà một đoạn Kinh Thánh khác so sánh nó với một cuộc đua. Tâm trí và tấm lòng của chúng ta phải được chuẩn bị cho chuyến hành trình đó. Tôi đặt tựa đề cho bài giảng hôm nay như chúng ta thấy trong tờ chương trình "Sẵn Sàng, Chuẩn bị, Xuất Phát". Và khi tiến hành bài giảng hôm nay tôi cũng muốn dùng ba chữ đó để chia phần cho bài giảng nữa. "Sẵn Sàng", chúng ta sẽ bàn về ý nghĩa của một chữ nhỏ, chữ "Vậy" trong câu Kinh Thánh của chúng ta, chữ đầu tiên trong câu 13. Chúng ta sẽ bàn về chữ nầy để xem chữ nầy có ý nghĩa gì và chữ nầy khiến chúng ta sẵn sàng thế nào. "Chuẩn Bị", chúng ta sẽ bàn về những chữ "hãy bền chí như thể thắt lưng" và "hãy tiết độ". "Xuất Phát", chúng ta sẽ xem xét về sự yên nghỉ trong sự trông cậy nơi Đức Chúa Giêxu Christ.
Trước hết xin chúng ta hãy xem "Sẵn Sàng" có ý nghĩa gì. Chữ "Vậy" trong câu 13 là rất quan trọng, là chữ không nên bị bỏ qua khi đọc trong Thánh Kinh. Chữ nầy bày tỏ rằng nó kết nối những chữ trước và sau nó. Theo văn phạm nó được xem là một liên từ. Chữ nầy được dùng để nối liền hai phần của câu: phần trước nó và phần đang đề cập đến. Chữ nầy liên kết hai phần với nhau nói cho chúng ta biết rằng điều đề cập sau là kết quả của điều đã được nói đến trước đó. Bởi vì điều nói đến trước là đúng, vậy nên, điều đề cập sau là kết quả phải xảy ra. Nói cách khác chữ nầy thỉnh thoảng được gọi là lối trình bày mệnh lệnh. Trong những thơ tín khác, chúng ta thấy chữ này đôi khi phân cách giữa thể trình bày và thể mệnh lệnh, nghĩa là phân cách giữa lời trình bày về sự mô tả chúng ta là ai và mạng lịnh cho chúng ta. Sứ đồ Phaolô thường nói đến trong nhiều đoạn Kinh Thánh: "Vì lẽ ...vậy nên anh em phải làm điều nầy" (Rôma 12, Hêbơrơ 12) Tại đây cũng tương tự như thế: Mệnh lệnh trong câu Kinh Thánh của chúng ta ở đây đặt trên nền tảng của điều được nói đến trước đó.
Bởi công việc của Ba Ngôi Đức Chúa Trời như chúng ta thấy trong câu 1 và 2: Đức Chúa Trời đã chọn chúng ta, khiến chúng ta nên thánh, rải trên chúng ta huyết của Đấng Christ nhờ vậy giờ đây chúng ta tìm được sự yên nghỉ trong sự trông cậy ban cho chúng ta trong Đấng Christ; Bởi vì chúng ta được ban cho cơ nghiệp một cách nhưng không hoàn toàn bởi ân điển của Đức Chúa Trời, bởi sự vui mừng của sự cứu rỗi chúng ta như trong câu 6 đến câu 9, cho nên chúng ta phải sống cách nầy. Bởi vì đức tin của chúng ta được đặt trên lời hứa của Đức Chúa Trời qua các tiên tri như trong câu 10 đến câu 16, cho nên chúng ta hiện nay chúng ta được kêu gọi sống theo cách nầy khi chúng ta yên nghỉ hoàn toàn trong sự trông cậy của sự cứu rỗi chúng ta và rằng giờ đây chúng ta cứ sống đời sống thánh khiết như bài học lần tới chúng ta sẽ học. Bởi vì đức tin của chúng ta đặt trên những lời hứa nầy cho nên chúng ta có thể sống như thế.
Khả năng yên nghỉ của chúng ta, khả năng nên thánh của chúng ta lệ thuộc hoàn toàn vào sự nhận biết chúng ta là ai và điều gì được ban cho chúng ta trong Đấng Christ. Nó được châm rễ trong ân điển. Nó là nền tảng hết sức quan trọng. Nếu chúng ta muốn sống đời sống thánh khiết trên thế gian nầy, trước tiên chúng ta cần hiểu mình là ai trong Đấng Christ. Chúng ta cần hiểu rõ ân điển của Đấng Christ. Chúng ta không thể mong đợi tìm thấy sự yên nghỉ trên thế gian nầy bên ngoài ân điển. Chúng ta không thể trông mong sẽ được thánh khiết trong đời sống nầy nếu trước tiên chúng ta không được thay đổi bởi Tin lành của Chúa Giêxu Christ và biết được chúng ta là ai trong Ngài.
Nếu mỗi tuần tôi lên đây chỉ để dạy cho chúng ta phải sống cách nào là sai lầm. Nếu tôi chỉ hướng dẫn chúng ta phải sống theo cách nầy cách nọ, Chúa nhật nầy qua Chúa nhật kia mà không bao giờ nói đến căn bản của đời sống, về Đấng Christ, về chúng ta là ai trong Đấng Christ thì chúng ta sẽ không bao giờ mong đợi đạt đến mục đích của sự thánh khiết. Điều nầy rất hệ trọng vì có nhiều người làm ngược lại hoàn toàn. Họ tìm kiếm sự yên nghỉ, sự hi vọng của mình ở ngoài Đấng Christ. Điều đó chỉ vô nghĩa mà thôi. Làm sao ai đó có thể có được sự trông cậy và yên nghỉ khi ở ngoài Chúa Giêxu Christ? Không có sự yên nghỉ, không có sự trông cậy cho họ! Nhiều người nghĩ rằng cần phải đạt đến mức độ nào đó của sự thánh khiết, tốt lành rồi khi đó họ sẽ nhận được ân điển của Đức Chúa Trời. Điều đó là không thể!
Chúng ta không thể nào thắng được tội lỗi của chúng ta chỉ bởi ý chí của chúng ta. Chúng ta không thể tự mình đủ sức thắng hơn tội lỗi của chúng ta. Điều đó phải được đặt nơi nền tảng chúng ta là ai trong Đấng Christ bởi Ngài có quyền khiến chúng ta thắng hơn tội lỗi của chúng ta. Nếu không đặt trên ân điển, chúng ta sẽ giống như cây không có rễ, như chúng ta đã học. Khi gặp cám dỗ, chúng ta sẽ dễ dàng vấp ngã chỉ bởi một làn gió nhẹ. Chúng ta không thể đứng vững nếu trước tiên chúng ta không được châm rễ nơi Đấng Christ. Chúng ta không thể đứng được mà sẽ ngã xuống như những cây không có rễ. Chúng ta bị cám dỗ trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Chúng ta bị cám dỗ để làm theo điều nghịch lại với lời của Đức Chúa Trời và bởi đó không được nên thánh. Chúng ta cần phản ứng như thế nào? Chỉ bởi bổn phận thôi sao? Chắc chắn chúng ta được giao cho bổn phận trong lời của Đức Chúa Trời nhưng trước tiên chúng ta cần nhận biết được địa vị của chúng ta trong Đấng Christ. Chúng ta chuẩn bị tinh thần để chống lại cám dỗ khởi sự bằng suy nghĩ về địa vị của chúng ta và điều Đấng Christ đã làm cho chúng ta khi Ngài chết trên thập tự giá để cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Khi suy gẫm về địa vị của chúng ta trong Đấng Christ, có thể nào chúng ta khăng khăng làm điều ngược lại với lời của Đức Chúa Trời? Chúng ta thấy, trước tiên chúng ta cần được châm rễ nơi ân điển của Đức Chúa Trời, tâm trí của chúng ta cần hướng về đó, để rồi khi chúng ta đối diện với thế gian mình đang sống, chúng ta có thể sống cho Ngài. Chữ "Vậy" trong câu Kinh Thánh của chúng ta rất quan trọng bởi nó đưa ra bối cảnh và nền tảng mà bởi đó chúng ta được kêu gọi bước vào cuộc đua trước mặt chúng ta. Để sẵn sàng cho cuộc chạy thi, trước tiên chúng ta phải biết Đấng Christ. Đó là ý của "Sẵn Sàng", còn "Chuẩn Bị" có ý nghĩa gì?
"Chuẩn Bị" bao gồm hai điều, "hãy bền chí như thể thắt lưng" và "tiết độ". Khái niệm "bền chí như thể thắt lưng" có lẽ xa lạ đối với hầu hết chúng ta bởi thời nay chúng ta không thắt lưng. Chúng ta không hề nghe nhắc đến cụm từ nầy nhưng vào thời Phierơ hay trong Cựu ước thì nó có nghĩa là chuẩn bị hành động. Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã xem những bức tranh những người trong thời đó. Họ mặc áo choàng dài. Những áo choàng dài nầy thì thích hợp khi mặc đi phố hoặc đứng đâu đó nhưng nếu phải làm công việc gì nặng nề thì chúng sẽ gây cản trở. Nếu phải đi đường dài hoặc chạy thì rất bất tiện khi mặc loại áo nầy. Trong trường hợp như vậy thì họ sẽ kéo vạt áo và cuốn vào dây nịt lưng của họ và họ gọi đó là "thắt lưng". Cuốn vạt áo choàng dài vắt vào dây lưng để sẵn sàng cho hành động. Chúng ta thỉnh thoảng cũng dùng cụm từ tương tự như vậy. Khi nói đến sẵn sàng bắt tay vào việc thì chúng ta dùng cụm từ "xắn tay áo". Chúng ta xắn tay áo lên để sẵn sàng làm việc và làm công việc một cách có hiệu quả.
Chúng ta cũng thấy cụm từ "thắt lưng" đã được nói đến trong lịch sử của Ysơraên. Xuất Êdíptô Ký đoạn 12 nói đến lễ Vượt Qua khi dân Ysơraên chuẩn bị rời khỏi xứ Êdíptô, là nơi họ đang trong ách nô lệ và họ phải làm theo cách nầy "Vậy, ăn thịt đó, phải như vầy: Dây lưng cột, chân mang giày, tay cầm gậy, ăn hối hả; ấy là lễ Vượtqua của Đức Giêhôva." (Xuất 12:11) "Dây lưng cột" có nghĩa là "thắt lưng", họ được bảo là phải "thắt lưng" để sẵn sàng cho cuộc hành trình. Họ phải chuẩn bị sẵn sàng, sẵn sàng ra đi hầu có thể rời khỏi xứ nô lệ mà đi về đất hứa. Đây là tinh thần mà chúng ta cần phải có. Đây là cách mà chúng ta nên suy nghĩ. Mọi chướng ngại ngăn trở chúng ta hướng về Chúa cần phải cất đi. Hêbơrơ 12:1-2 cũng có ý tương tự, "Thế thì, vì chúng ta được nhiều người chứng kiến vây lấy như đám mây rất lớn, chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta, lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta, nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời." Ở đây vị sứ đồ một lần nữa khuyên chúng ta gạt qua một bên mọi sự ngăn trở khiến chúng ta không đi được đến cuối cuộc hành trình. Chúng ta cần phải dẹp bỏ con đường tội lỗi, từ chối nó hầu có thể sống cho sự vinh hiển Đức Chúa Trời. Chúng ta cần dẹp bỏ những vướng bận của thế gian nầy, những của cải vật chất nó, thay vào đó tập trung vào những gì thuộc về trời, là những điều "chân thật, đáng tôn, thánh sạch..." Tâm trí của chúng ta cần phải tẩy sạch những tội lỗi, vướng bận của thế gian mà chuyên tâm luôn về Chúa. Cho nên "bền chí như thể thắt lưng" nghĩa là tâm linh chúng ta phải tỉnh táo trước sau như một, sẵn sàng phục vụ Chúa, sẵn sàng bước đi trên chuyến hành trình của đời sống Cơ Đốc vì sự vinh hiển của Chúa.
Ý thứ hai của phần nầy nói "hãy tiết độ" . Chữ nầy có nghĩa ngược lại với "say rượu". Nói cách khác chúng ta không nên say sưa nhưng phải tỉnh táo. Chúng ta cần phải có tâm trí sáng suốt. Người say không thể nào phán đoán đúng được và rất dễ lẫn lộn. Chúng ta không được như thế, chúng ta cần phải có một tâm linh thật sự tập trung. Tâm trí của chúng ta cần phải tập trung vào sự hầu việc Chúa về mọi mặt theo ơn mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Chúng ta cần phải suy gẫm về công việc của Đức Chúa Trời. Trong câu 13 chúng ta biết người say mặc áo choàng dài thì không thể vững vàng, rất dễ vấp ngã. Chắc chắn là họ chưa sẵn sàng để chạy cuộc đua đặt trước mặt họ. Cũng vậy, khi dấn bước trên con đường hướng về mục tiêu của chúng ta là thiên đàng, tâm trí chúng ta cần phải sáng suốt, sẵn sàng phục vụ Chúa, châm rễ vững vàng trong ân điển của Ngài. Tâm trí chúng ta phải được dâng hiến cho sự hầu việc Chúa để sẵn sàng cho cuộc đua trước mặt chúng ta. 1Phierơ 1 gợi ý nhiều hơn về một chuyến hành trình. Giống như dân Ysơraên đi qua đồng vắng, chúng ta sẵn sàng, chuẩn bị dấn bước trên chuyến hành trình hướng về cơ nghiệp của chúng ta.
Có một sự liên kết giữa điểm thứ nhất và thứ nhì của tôi. Khi chúng ta suy nghĩ về dân Ysơraên đi qua đồng vắng, họ cần phải thắt lưng để sẵn sàng ra đi. Chúng ta hiểu rõ rằng đây là ân điển của Đức Chúa Trời. Trước tiên Đức Chúa Trời phải hành động cho dân Ysơraên. Nếu dân Ysơraên quyết định thắt lưng và rời khỏi xứ Êdíptô theo cách và thời điểm của họ, có thể họ đã bị tiêu diệt bởi quân đội Êdíptô. Nhưng Đức Chúa Trời có ý định giải cứu dân Ysơraên và Ngài ban cho họ quyền năng sức lực để chiến thắng hầu cho dân Ysơraên có thể thắt lưng mà ra đi. Cũng vậy, khi chúng ta suy nghĩ về đời sống Cơ Đốc nhân, trước hết Đức Chúa Trời phải chạm đến lòng chúng ta bằng ân điển. Kế đó, trên nền tảng công việc mà Đức Chúa Trời đã hành động, chúng ta mới có thể thắt lưng tâm trí của chúng ta để phục vụ Ngài và tỉnh táo mà làm.
Giờ đây chúng ta đã sẵn sàng để xuất phát. Mệnh lệnh tại đây là yên nghỉ hoàn toàn trên sự trông cậy về ân điển được ban cho mình khi Đức Chúa Giêxu Christ hiện ra. Đây là mạng lệnh chính của câu Kinh Thánh nầy. Đây là động lực chính của câu 13. Đây là điều mà chúng ta cần tập trung sự chú ý của chúng ta: Trông cậy hoàn toàn vào ân điển được ban cho mình khi Đức Chúa Giêxu Christ hiện ra. Có một điều rất thú vị khi xem khúc Kinh Thánh nầy. Chúng ta được bảo phải trông cậy hoàn toàn vào ân điển nhưng khi xem trong câu 3 chúng ta thấy rằng chúng ta được ban cho sự trông cậy đó: "Ngợi khen Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài lấy lòng thương xót cả thể khiến chúng ta lại sanh, đặng chúng ta nhờ sự Đức Chúa Jêsus Christ sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông cậy sống". Câu 3 hàm ý đây là điều chúng ta được ban cho bởi Đức Chúa Trời. Đây là hành động của Đức Chúa Trời ban ân điển cách nhưng không cho chúng ta hầu cho chúng ta có được sự trông cậy. Giờ đây trong câu 13 chúng ta được kêu gọi đáp lại sự trông cậy sống đó và đặt lòng trông cậy nơi Chúa. Giờ đây chúng ta cần tìm thấy sự yên nghỉ nơi sự trông cậy được ban cho chúng ta. Đây không phải là sự trông cậy không chắc chắn mà là sự tin chắc nơi lời hứa của Chúa hầu chúng ta yên nghỉ một cách vững vàng nơi lời hứa của ân điển của Đức Chúa Trời.
Là Cơ Đốc nhân chúng ta có thể yên nghỉ nơi lời hứa của Đức Chúa Trời. Chúng ta tin Ngài, tin cậy Ngài và biết rằng điều Đấng Christ đã làm trên thập tự giá là đủ cả: nó đền trả tội lỗi chúng ta, thỏa mãn sự đòi hỏi công chính của Đức Chúa Trời. Chúng ta tin rằng những ai tin nơi Ngài thì được bảo đảm sự sống đời đời trong Ngài. Chúng ta được kêu gọi chăm xem phần thưởng. Chúng ta chuyên chú vào mục tiêu đức tin của chúng ta là sự cứu rỗi linh hồn chúng ta. Chúng ta hãy đặt sự trông cậy mình vào ân điển Ngài. Đây là điều chúng ta có thể có và kinh nghiệm được trong hiện tại trên thế gian mà chúng ta đang sống. Sự trông cậy của chúng ta không phải nơi vật chất trên thế gian nầy, hay nơi gia đình, hoặc nơi tiền bạc, bạn bè. Nó được tìm thấy trong Đấng Christ. Chúng ta biết không gì có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương của Ngài. Như trong Rôma đoạn 8, ngay cả sự chết cũng không thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương của Đức Chúa Trời. Chúng ta, là Cơ Đốc nhân, được Đức Chúa Trời ban cho thiên đàng một cách nhưng không. Khải Huyền cho chúng ta thấy thiên đàng tuyệt vời làm sao: Đường lát vàng, sự buồn rầu không còn nữa, nước mắt được lau ráo khỏi mắt chúng ta; Không còn tội lỗi, không còn chịu khổ. Đây là điều mà Đức Chúa Trời ban cho những ai tin nơi Ngài. Chúng ta có thể tin cậy vào lời hứa của Ngài. Chúng ta có thể yên nghỉ và tìm thấy sự bình an nơi những lời hứa ấy. Đang khi thế giới đầy dẫy những xáo trộn, chúng ta có thể yên nghỉ nơi sự trông cậy mà Đức Chúa Trời ban cho. Chúng ta tập trung vào điều mà Đấng Christ đã làm trọn cho chúng ta. Chúng ta chăm xem phần thưởng của chúng ta.
Chúng ta sẽ thấy rất hay khi nhìn vào điều nầy trong mối liên hệ với Đấng Christ. Khi chúng ta chăm xem lời hứa, chúng ta đang làm như Đấng Christ đã làm. Hêbơrơ đoạn 12 câu 1 và 2 dạy chúng ta "...quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta, lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta." Đây là điều chúng ta được dạy phải làm theo. Tuy nhiên, chúng ta thực hiện được điều đó như thế nào? Chúng ta phải làm điều đó bằng cách "nhìn xem Đấng Christ, là cội rễ và cuối cùng của đức tin chúng ta." Ngài đã làm gì? Ngài đã "vì sự vui mừng đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời." Điều Chúa Giêxu đã làm khi còn ở tại thế là Ngài hướng về sự vui mừng trước mặt mình, về sự hoàn tất sự cứu rỗi của chúng ta, về Đức Chúa Trời và phần thưởng thiên thượng của Ngài. Ngài được ban cho đặc quyền ngồi bên hữu Đức Chúa Trời.
Khi xem xét những gì dành sẵn cho chúng ta là Cơ Đốc nhân, chẳng phải chúng ta cũng như thế sao? Chúng ta hướng lòng mình về sự vui mừng đặt trước chúng ta đã làm trọn bởi Chúa Giêxu Christ, và chúng ta cũng được ban cho lời hứa được ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ là dân sự Ngài. Như Đấng Christ, chúng ta được ban cho đặc quyền, được nâng lên, được phước như Ngài. Như Đấng Christ chịu lấy những sự khổ sở và thử thách của đời sống này, chịu điều sỉ nhục, thì chúng ta chịu đựng những khổ sở, đau đớn, sự chế nhạo mà người ta dành cho Cơ Đốc nhân như thế nào? Chúng ta làm điều đó bằng cách đặt sự vui mừng của Tin Lành trước mặt chúng ta, ghi nhớ sự trông cậy của sự cứu rỗi chúng ta. Đoạn Kinh Thánh dạy chúng ta lấy sự trông cậy trọn vẹn đợi chờ ơn sẽ ban cho mình bởi chúng ta cũng sẽ được ngồi với Đấng Christ.
Thế thì, khi nghĩ về cuộc đua này, tâm trí chúng ta phải tập trung và châm rễ từ ân điển Đức Chúa Trời. Chúng ta hiểu chính mình, trước hết hiểu chúng ta là ai: là người được Đức Chúa Trời chọn lựa, được cứu chuộc bởi huyết Đấng Christ, được ban cho một cơ nghiệp đời đời, biết rằng chúng ta phải bền chí như thể thắt lưng, tiết độ, sẵn sàng phục vụ, với tâm linh chuyên chú vào Tin Lành. Chúng ta phải lấy sự trông cậy trọn vẹn đợi chờ ơn sẽ ban cho mình, tin cậy nơi lời hứa của Đức Chúa Trời. Chỉ khi ấy chúng ta mới có thể giựt giải trong cuộc chạy đua. Amen.
Lạy Cha thiên thượng quyền năng của chúng con. Cầu xin Ngài ban cho chúng con sự hiểu biết về sứ điệp của Ngài hôm nay. Xin ban ơn cho chúng con hiểu được chúng con là ai trong Đấng Christ, hầu chúng con có thể hiểu được sự tuyệt vời của ơn phước mà chúng con đã được ban cho, cơ nghiệp không ô uế suy tàn được hứa cho chúng con, sự bảo đảm về sự sống trong sự hiện diện Ngài hầu chúng con sẽ luôn vui mừng và biết ơn về điều đó. Khi suy gẫm về ân điển đó, xin cho điều đó ban cho chúng con sức lực khi đối diện với vấn nạn hầu chúng con sẵn sàng chạy cuộc đua đặt trước chúng con hầu chúng con sống cho Ngài. Xin cho chúng con vứt đi những gì khiến chúng con xa cách Ngài, dẹp đi những gì ngăn trở chúng con hầu việc Ngài. Xin cho tâm trí chúng con chuyên chú vào sự hầu việc Ngài hầu chúng con có thể thánh khiết như chính mình Ngài là thánh khiết. Xin khiến chúng con lấy sự trông cậy trọn vẹn đợi chờ ơn sẽ ban cho mình trong khi Đấng Christ hiện ra, sự trông cậy về sự sống đời đời. Xin cho điều đó nâng đỡ chúng con vượt qua mọi khổ sở, thử thách. Chúng con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Giêxu Christ. Amen.
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)