Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Sự Chịu Khổ - 8/2009  


SỰ CHỊU KHỔ: ĐẤNG CHRIST VÀ CHÚNG TA
(1Phierơ 3:18)

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Sự chịu khổ của Đấng Christ đã được đưa lên hàng đầu trong xã hội chúng ta trong những ngày gần đây. Phần đầu của bộ phim "Sự thương khó của Đấng Christ" của đạo diễn Mel Gilson đã kịch tính hóa một cách sinh động sự chịu khổ kinh khiếp của Đấng Christ trong những giờ phút cuối cùng, đổ máu ra đến chết. Dư luận của giới truyền thông lên án nó là có tính bài Do Thái. Bộ phim đó cũng bất ngờ được ủng hộ bởi sự bạo lực sinh động. Chúng ta cũng thấy sự cuồng nhiệt giữa vòng những người chánh giáo đua nhau đi đến rạp chiếu phim, có người còn thuê cả một rạp chiếu phim như là một công cụ truyền giảng tuyên bố rằng bộ phim này sẽ mang đến một sự phục hưng tâm linh mạnh mẽ trên xứ sở này. Chắc một số trong chúng ta cũng đã biết cá nhân tôi không có ý tán thành ủng hộ bộ phim này không phải vì lý do bộ phim diễn đạt sự bạo lực một cách cụ thể sinh động bởi thật rõ ràng sự đóng đinh là một hành động quả thật là tàn nhẫn. Tôi cũng không phản đối bộ phim này vì nó có tính bài Do Thái bởi Thánh Kinh trình bày rõ cho chúng ta: Người Do Thái, người La Mã, cũng như tất cả chúng ta là những người tin vào Tin Lành của Chúa Giêxu Christ, đều đóng một vai trò trong sự chết của Ngài. Vấn đề tôi không ủng hộ bộ phim này bên cạnh tính Thiên Chúa Giáo rõ rệt của nó là nó dẫn đến sự vi phạm của điều răn thứ 2, theo Bản Tín Lý mở rộng, không cho phép sự trình bày thành kịch của bất kỳ ngôi nào trong ba ngôi Đức Chúa Trời. Hơn nữa, Tân Ước cũng chỉ rõ ràng rằng sự tấn tới của Tin Lành được thực hiện qua sự công bố Lời Đức Chúa Trời. Rôma đoạn 10 câu 17 chép: "Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng." 1Côrinhtô đoạn 1 đến đoạn 3 nói về sự dại dột của sự rao giảng lại là phương pháp mà Đức Chúa Trời dự định để truyền rao Phúc Âm mà không phải bằng sự tác động thị giác của bộ phim "Sự Thương Khó của Đấng Christ". Ngoài ra, chúng ta còn có thể đưa ra câu hỏi rằng người ta có thể mô tả sự chịu khổ của Đấng Christ chính xác đến mức độ nào trên màn ảnh rộng. Đúng là sự chịu khổ của Đấng Christ trên thập tự giá là hết sức dữ dội. Kinh Thánh cho chúng ta biết Chúa Giêxu bị đánh tàn nhẫn, đội mão gai, tay và chân Ngài bị đóng vào thập tự giá và cuối cùng Ngài tắt thở và chết. Sự hành hình trên thập giá được biết là một sự chết tàn ác và hành hạ đau đớn. Sự chịu khổ của Đấng Christ trên thập tự giá hẳn nhiên là đau đớn và kinh khiếp. Tuy nhiên khi suy gẫm về điều đó, chúng ta biết rằng có hàng ngàn người bị xử tử bằng cách ấy, hàng ngàn người đã chịu đựng sự đau đớn thể xác ấy. Thế thì sự chịu khổ của họ có tương xứng hay so sánh được với Đấng Christ không? Câu trả lời là không có gì so sánh được cả. Sự chịu khổ của Đấng Christ không chỉ là thể xác mà rất sâu sắc về tâm linh. Chúng ta thấy sự thống khổ của Chúa Giêxu trong vườn Ghết-sê-ma-nê khi Ngài kêu cầu cùng Đức Chúa Trời rằng xin cho chén khổ này lìa khỏi Ngài. Trước khi đinh ngọn đóng vào tay Ngài, trước khi Ngài chịu đựng một ngọn roi đòn, Ngài đã hết sức đau thương. Sự đau thương đó lên đến cực điểm trong tiếng kêu của Ngài trên thập tự giá: "Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi?" Khi nhìn vào sự chịu khổ của Đấng Christ trên thập tự giá, chúng ta phải hiểu rằng Ngài đã chịu lấy sự khốn khổ của chính hỏa ngục, sự khước từ và thạnh nộ của Đức Chúa Cha. Sự chịu khổ này là lớn hơn điều chúng ta có thể tưởng tượng được. Từ cõi đời đời, Chúa Giêxu Christ luôn ở trong mối gắn bó yêu thương và thông công thật như là một trong ba ngôi Đức Chúa Trời. Giờ đây Chúa Giêxu Christ trên thập tự giá kêu lên rằng Ngài đã bị bỏ bởi Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương Ngài. Sự chịu khổ trên thập tự giá là lớn lao hơn trí hiểu của chúng ta. Chúa Giêxu mang lấy sự rủa sả của tội lỗi. Ngài chết! Và Ngài chết một cách đặc biệt. Ngài chết bởi bị treo trên cây gỗ. Đối với người Do Thái, theo sách Phục Truyền Luật Lệ Ký, là một phần của sự rủa sả, là một biểu tượng của những người bị treo lên giữa trời và đất, bị cả trời và đất khinh ghét. Sự tường thuật về sự thương khó của Đấng Christ tập trung vào sự chối từ này: Chúa Giêxu bị người ta chán bỏ, ghen ghét, chế nhạo và khươc từ thậm chí bởi chính dân sự Ngài, thậm chí một trong các môn đồ Ngài cũng chối bỏ Ngài. Mọi điều đó lên đến cực điểm là sự khước từ bởi trời, bởi Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy rằng sự chịu khổ của Đấng Christ vì chúng ta không thể đo lường được, không thể hiểu hết được.

Theo đoạn Kinh Thánh của chúng ta, sự chịu khổ của Ngài được thực hiện một lần đủ cả. Không cần lặp lại lần nữa. Phierơ nhắc lại tác giả Hêbơrơ khi nhấn mạnh rằng sự chịu khổ của Đấng Christ này đã được trọn, một lần đủ cả. Chúa Giêxu khi ở trên thập tự giá nói rằng "Mọi sự đã được trọn!" Sách Hêbơrơ dạy chúng ta rằng sự hy sinh của Chúa Giêxu không cần phải làm lại một lần nữa như cách các thầy tế lễ Cựu Ước đã phải làm, cứ dâng tế lễ hết lần này sang lần khác. Sự chết của Đấng Christ làm thỏa mãn giá chuộc tội lỗi một lần đủ cả. Hành động tàn ác của sự chịu khổ của Đấng Christ được thực hiện vì tội lỗi chúng ta. Điều này trái ngược với tín lý của giáo hội Công Giáo La Mã về quan điểm của Tiệc Thánh, nghĩa là trong thánh lễ Tiệc Thánh Đấng Christ không bị đóng đinh lặp đi lặp lại mãi. Công việc của Ngài trên thập tự giá đã được trọn.


Khi nhìn vào sự mãnh liệt của sự chịu khổ của Đấng Christ, chúng ta buộc phải nêu lên câu hỏi. Tại sao Đấng Christ lại phải chết một cái chết như thế? Tại sao Ngài lại phải chịu khổ kinh khiếp như thế? Tại sao sự chết của Ngài là cần thiết? Đoạn Kinh Thánh trả lời cho chúng ta trong câu 18 rằng: "Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần". Ngài chết vì tội lỗi. Tội lỗi khiến cho sự chết của Ngài là cần thiết. Nhưng ấy chẳng phải là tội lỗi của chính Ngài. Kinh Thánh cho chúng ta biết Đấng Christ giống chúng ta về mọi mặt nhưng Ngài không hề phạm tội. Khi Chúa Giêxu chết vì tội lỗi, ấy chẳng phải là tội lỗi của Ngài đã khiến đinh đóng vào tay Ngài mà là tội lỗi của chúng ta. Chúa Giêxu chịu khổ vì chúng ta. Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời công bình. Tội lỗi không thể tồn tại trong sự hiện diện Ngài. Những ai xem thường thánh ý Ngài đáng chịu sự thạnh nộ công bình Ngài. Đức Chúa Trời ghét tội lỗi. Ngài ghét tội lỗi vì Ngài thánh khiết. Tội lỗi không thể thoát hình phạt. Một quan án công bình không thể làm ngơ không màng đến sự công chính. Hình phạt cho tội lỗi phải được đền trả. Nếu ai đó muốn được cứu thì phải có ai thật sự công bình để trả hết món nợ. Sự kinh khiếp của sự chịu khổ của Đấng Christ bày tỏ sự trầm trọng của tội lỗi. Đôi khi chúng ta xem nhẹ tội lỗi dường như nó không hề hấn gì và không gây hậu quả gì. Nhưng Kinh Thánh không bao giờ nhìn nhận tội lỗi theo cách đó. Nó là sự chọc giận đối với Đức Chúa Trời và bị Ngài gớm ghiếc. Ấy chính là tội lỗi của chúng ta khiến Chúa Giêxu lên thập tự giá, bị đóng đinh trên cây gỗ, khiến Ngài phải đau đớn kinh khiếp của sự rủa sả. Ấy chính là tội lỗi của chúng ta, không phải tội lỗi của Đấng Christ, đã khiến Ngài lên thập tự giá. Ngài chẳng lên thập tự giá vì Ngài đáng chịu sự hình phạt tội lỗi. Xin chúng ta hãy suy gẫm điều này trong giây lát: Đấng công bình chịu chết, mang lấy án phạt cho những kẻ không công bình. Những người không công bình được ban cho sự sống. Hình phạt của họ đã được trả thay. Đấng Christ đã chết hầu chúng ta được sống. Ngài chẳng chết vì chính mình mà vì chúng ta. Sự chết của Chúa Giêxu là một điều kỳ diệu vì Ngài chẳng làm gì để đáng chịu lấy điều đó. Xin hãy suy nghĩ về cuộc đời của Chúa Giêxu và chức vụ của Ngài. Chúa Giêxu đã làm gì để đáng phải chịu một sự chết tàn nhẫn đến thế? Ngài đã chẳng làm gì nghịch cùng Đức Chúa Trời. Không hề có tội lỗi nào làm hoen ố cuộc đời Ngài trên đất mà phải chịu sự phán xét của Đức Chúa Trời. Ngài chẳng làm gì đáng phải chịu sự rủa sả của Đức Chúa Trời. Một điều kinh ngạc là sự chết của Ngài là do tay những tội nhân hành xử. Tại đây, Chúa Giêxu Christ, Đấng là Chúa và là người trọn vẹn. Kinh Thánh bày tỏ thể nào Ngài chữa lành những kẻ bệnh, mở mắt kẻ mù, khiến kẻ què vác giường mà đi, sứ điệp của Ngài là sứ điệp của tình yêu thương và từ ái. Ngài đối xử yêu thương đối với những ai cần được săn sóc và Ngài cung ứng mọi nhu cầu của họ. Ngài cung ứng nhu cầu to lớn nhất của họ là sự tha thứ tội lỗi. Thế nhưng, bất chấp sự công bình của Ngài, thật ra là chính vì sự công bình Ngài mà Ngài bị người ta khinh ghét. Bất chấp sự tốt lành, rộng lượng Ngài đối với người khác, Ngài vẫn bị đóng đinh trên thập tự giá. Chúa Giêxu đã làm gì? Ngài đã sống đời sống công chính mọi đường thế mà những con người tội lỗi đóng đinh Ngài trên cây gỗ. Đấng công bình chết thế cho kẻ không công bình. Ngài chẳng đáng bị rủa sả. Chúng ta mới đáng chịu điều đó. Qua sự chịu khổ của Đấng Christ, chúng ta được đến cùng Đức Chúa Trời. Đây là mục tiêu của sự chịu khổ Ngài, là nguyên do Đấng Christ phải đến thế gian. Ngài chẳng đến để vui thích sự chịu khổ. Ngài đến vì biết rằng mình có một dân được kêu gọi để làm dân của riêng Ngài. Ngài chết vì yêu thương chúng ta. Ngài chết hầu chúng ta có thể được đến cùng Đức Chúa Trời. Sự thật trong mối tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời là gì? Chúng ta biết rằng khi con người sa ngã trong tội lỗi thì bị xa cách với Đức Chúa Trời. Chúng ta biết thế nào Ađam và Êva bị đuổi ra khỏi vườn Êđen không còn được sống trong mối thông công với Đức Chúa Trời nữa. Họ cần một Đấng cứu chuộc để phục hồi mối tương giao bị gãy đổ đó. Chúng ta trước đây đã từng xa cách Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng bên ngoài Đấng Christ, chúng ta là nghịch thù cùng Đức Chúa Trời. Chúng ta không thể đứng trong sự hiện diện Đức Chúa Trời mà còn sống. Thế nhưng giờ đây, qua huyết báu Đấng Christ trên thập tự giá, chúng ta đã được mang đến cùng Đấng Christ, cùng Đức Chúa Trời như cô dâu mới yêu dấu Ngài. Sự chết của Chúa Giêxu đã bắt chiếc cầu ngang vực thẳm ngăn cách giữa chúng ta với Đức Chúa Trời. Chúa Giêxu chịu khổ hầu chúng ta được cứu. Đấng công bình chịu chết vì kẻ không công bình hầu chúng ta có thể được mang đến cùng Đức Chúa Trời. Kinh Thánh dạy rằng điều đó cũng giống như Đấng Christ dắt tay chúng ta vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời.

Sự chịu khổ của Đấng Christ cần dẫn đến sự ăn năn thật về tội lỗi chúng ta. Nhưng hơn thế nữa, nó cần làm tràn ngập trong chúng ta niềm vui mừng lớn về tình yêu thương lớn lạ của Ngài cho chúng ta. Câu kết của phần này cũng rất quan trọng, "Ngài đã chịu chết, nhưng về phần linh hồn thì được sống." Ngài không bị bỏ nơi phần mộ. Ngài không bị bỏ như kẻ chết vĩnh viễn. Ngài đã được sống lại bởi quyền năng của Thánh Linh. Sự rủa sả của tội lỗi không đắc thắng Ngài. Chúng ta biết Đấng Cứu Chuộc chúng ta đang sống. Ngài đã ở trong phần mộ nhưng Ngài đã sống lại. Ngài đã chết nhưng đã được ban cho sự sống mới. Ngài đã thăng thiên về trời và giờ đây Ngài đang ngồi bên hữu Đức Chúa Trời. 1Côrinhtô đoạn 15 chép rằng sự chết không chiến thắng Ngài, cái nọc sự chết đã bị cất đi. Chúa Giêxu đã cất nó đi rồi. Những ai tin nhận Đấng Christ sẽ sống đời đời trong sự hiện diện Ngài. Đó là sự trông cậy mà chúng ta có được.

Chúa Giêxu không chỉ chết mà Ngài đã sống lại. Chúng ta được ban cho một sự trông cậy sống dành sẵn trên trời cho chúng ta. Không ai có thể phân cách chúng ta khỏi tình yêu thương của Đấng Christ. Trọng tâm của chúng ta trong đoạn Kinh Thánh này và sự chịu khổ của Đấng Christ là một phần của một lập luận rộng hơn mà vị sứ đồ đang triển khai. Chúng ta sẽ sai lầm nếu chỉ dừng tại đây nơi sự chịu khổ của Đấng Christ. Sự chịu khổ Ngài cần được nhìn thấy như là một phần lập luận của vị sứ đồ trong đoạn Kinh Thánh này. Đây là sự lập luận về một sự lớn hơn qua một sự nhỏ hơn. Vị sứ đồ muốn nói rằng nếu Chúa Giêxu đã chịu khổ vì chúng ta theo cách của Ngài, nghĩa là Đấng công bình chịu khổ vì kẻ không công bình, thì chúng ta cũng cần sẵn sàng chịu khổ vì Ngài. Vị sứ đồ không đi quá xa mà không đưa chúng ta trở về lại với Đấng Christ. Sự sống của chúng ta được Đấng Christ ban cho. Chúng ta sống cho Ngài, như kẻ bắt chước Ngài. Chúng ta được hiệp một với Ngài. Như Ngài bị ghen ghét, chúng ta cũng sẽ bị ghét. Như Ngài chịu khổ, chúng ta cũng sẽ chịu khổ. Nhưng rõ ràng rằng sự chịu khổ của chúng ta không phải là để chuộc tội như Đấng Christ, cũng không phải là sự chịu khổ để được tìm kiếm ân huệ của Đức Chúa Trời. Chúng ta không đạt được gì bởi đó. Chỉ sự chịu khổ và sự chết của Đấng Christ có thể làm điều đó. Tuy nhiên, sự chịu khổ của chúng ta có phản ánh sự chịu khổ của Đấng Christ. Nó phản ánh sự chịu khổ Ngài bởi nó được thực hiện vì sự công bình.

Chúng ta phải chịu khổ nhưng chúng ta không nên chịu khổ vì mình đáng bị như thế. Chúng ta không tìm kiếm sự chịu khổ như những người làm những điều xấu, những điều chống nghịch hoặc phạm tội vì vậy phải chịu khổ. Điều đó là trái ngược với sự chịu khổ của Đấng Christ. Sự chịu khổ của Cơ Đốc Nhân được thực hiện vì sự công bình. Chúng ta chịu khổ dù chúng ta đã làm đúng trước mặt Chúa. Nói cách khác, chúng ta không nên chịu khổ theo lẽ công bằng. Chẳng hạn các em nhỏ làm sai thì bị cha mẹ đánh đòn, ấy là sự chịu khổ đáng phải chịu. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng khi phải chịu khổ như Đấng Christ là điều tốt đẹp hơn nhiều. Ngài chẳng bao giờ làm sai mà vẫn phải chịu khổ.

Chúng ta cần chịu khổ cách nhẫn nại. Những phần Kinh Thánh trước dạy chúng ta chớ lấy ác trả ác. Chúng ta cần chịu khổ như Đấng Christ mà không hề có ác tâm đối với kẻ bắt bớ chúng ta. Thay vào đó, chúng ta ao ước họ cũng được biết Chúa nữa. Nói cách khác, như Đấng Christ chịu khổ cách kiên nhẫn, hiền lành, chúng ta cũng cần phải hiền lành và nhẫn nại trong sự chịu khổ mình.

Như Đấng Christ chịu khổ vì một mục tiêu, chúng ta cũng phải có một mục tiêu trong sự chịu khổ mình. Những phần Kinh Thánh trước đã dạy rằng một trong những mối quan tâm của chúng ta trong sự chịu khổ là danh Chúa được tôn cao. Ao ước của chúng ta trong sự chịu khổ là sự cứu rỗi của người phỉ báng chúng ta. 1Phierơ đoạn 3 câu 1 dạy những người vợ rằng: "Hỡi người làm vợ, hãy phục chồng mình, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo Đạo, dẫu chẳng lấy lời khuyên bảo, chỉ bởi cách ăn ở của vợ, cũng đủ hóa theo" . Chúng ta thấy trong sự chịu khổ, chúng ta có thể được sử dụng để tôn vinh Đức Chúa Trời. 1Phierơ đoạn 2 câu 12 chép: "Phải ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, hầu cho họ là kẻ vẫn gièm chê anh em như người gian ác, đã thấy việc lành anh em, thì đến ngày Chúa thăm viếng, họ ngợi khen Đức Chúa Trời." Chúng ta cũng đã học lần trước rằng chúng ta cần "Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em" hầu người khác nhìn thấy sự chịu khổ của Cơ Đốc Nhân trên thế gian này sẽ đặt câu hỏi về sự trông cậy của chúng ta. Chúng ta thấy rằng chịu khổ vì sự công bình, vì Đấng Christ, không thu hút sự chú ý về phía bản thân chúng ta rằng chúng ta quá mạnh mẽ mà chịu đựng được những điều đó. Nó thu hút sự chú ý về Đấng Christ là Đấng mà chúng ta tìm thấy sự trông cậy và sức lực để chịu khổ. Trong sự chịu khổ của chúng ta, người ta cần nhìn thấy Đấng Christ.

Sự chịu khổ của Đấng Christ là nền tảng của sự bảo đảm của chúng ta. Đấng Christ chịu khổ đến chết. Sự bảo đảm mà chúng ta có được là: Nếu ấy đó là điều Đấng Christ kêu gọi chúng ta đến, nghĩa là đến sự tuận đạo vì đức tin, dù sự chịu khổ đến mức ấy, Kinh Thánh hứa rằng chúng ta sẽ được sống lại với sự sống mới. Kinh Thánh hứa rằng không ai có thể phân rẽ chúng ta, dù sự chết đi nữa, khi tình yêu thương của Đức Chúa Trời, cơ nghiệp của chúng ta được bảo đảm, dành sẵn trên trời cho chúng ta. Đức Chúa Trời là sự trông cậy của chúng ta. Sự công chính của Đức Chúa Trời đối cùng tội lỗi đã được thỏa đáp một lần đủ cả trong sự hy sinh của Đấng Christ. Điều đó đưa đến sự khác biệt gì? Nó dẫn đến sự thay đổi cho cả nhân loại. Chúng ta có thể làm như Đấng Christ dạy, không lo sợ về những gì con người có thể làm trên thân thể chúng ta, về những lời nói của kẻ chế nhạo Cơ Đốc Giáo. Chúng ta đã được ban cho sự đắc thắng trong Chúa Giêxu Christ. Xin hãy đứng vững trên sứ điệp và sự trông cậy đó của chúng ta thì chúng ta sẽ không sợ hãi bất cứ điều gì thế gian làm trên chúng ta. Chúng ta được bảo đảm rằng sự chịu khổ của Đấng Christ đã trả hết mọi sự rồi và chúng ta được sự trông cậy về sự sống đời đời. Xin chúng ta hãy chịu khổ như Đấng Christ, với sự nhẫn nại, công bình và vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời.

Lạy Cha thiên thượng quyền năng của chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài về sự chịu khổ của Đấng Christ. Chúng con biết rằng điều đó chẳng phải là không có mục tiêu. Ngài đã làm trọn sự cứu rỗi của chúng con trên thập tự giá. Ngài đã trả giá cho tội lỗi chúng con và khiến chúng con sống lại. Ấy là sự trông cậy và sự yên ủi của chúng con. Xin cho chúng con trong những ngày sống trên đất, làm chứng cho danh Ngài, dù lắm khi Đấng Christ bị chế nhạo bởi đời sống chúng con. Xin cho chúng con đứng vững trên lẽ thật, không sợ con người và được khích lệ bởi sự trông cậy mà Kinh Thánh ban cho chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài vì ân điển Ngài ban cho những kẻ tin Ngài. Xin Ngài ban ơn cho sứ điệp này. Chúng con cầu nguyện trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Amen.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)