Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Thư Tín Cho Những Người Tha Hương - 9/2006  


THƯ TÍN CHO NHỮNG NGƯỜI THA HƯƠNG
(1Phierơ 1:1)

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Tôi còn nhớ lúc học tiểu học, một trong những điều tôi được học là học viết một lá thư. Giáo viên dạy chúng tôi rằng có những thể thức để viết thư, chẳng hạn chúng ta phải đề ngày viết thư, tên người nhận thư, rồi đến dòng đầu "(Ai đó...) thân mến", rồi đến phần chính của lá thư mà trong đó chúng ta bày tỏ ý tưởng của mình, sau đó cuối thư là chữ ký của chúng ta hầu người nhận biết ai gởi thư. Cấu trúc của một lá thư như thế cũng giống như những bức thư trong thời của Kinh Thánh. Khi đọc bức thư 1Phierơ này, như những thư tín khác của Kinh Thánh, chúng ta thấy nó có một cấu trúc rất quen thuộc. Các bức thư trong Kinh Thánh bắt đầu và kết thúc với những yếu tố tương tự nhau dù chúng có những cấu trúc hơi khác nhau. Những bức thư trong thời kỳ này bắt đầu bằng lời trình bày tên người gởi thư. Người ta không cần chờ đến cuối thư mới biết ai viết thư đó. Ngay đầu thư là tên người viết thư, kế tiếp là tên người nhận thư, rồi sau đó là lời chào thăm hay một kiểu chúc phước. Nhiều lá thư bằng tiếng Hêbơrơ thường dùng chữ "shalom" hay "bình an". Chúng ta có thể thấy hầu hết các thư tín trong Tân Ước đều theo những cấu trúc đó. Đôi khi chúng ta đọc phần chào hỏi này của những lá thư của chính chúng ta hoặc những thư tín Kinh Thánh như là một phần thông thường không có nội dung gì quan trọng. Chúng ta dễ dàng lướt nhanh phần chào thăm và đi thẳng vào phần nội dung chính của thư. Tuy nhiên, chúng ta không thể làm thế khi đọc những thư tín của Thánh Kinh bởi những thư tín này hàm chứa đầy ý nghĩa và mục tiêu ngay từ đầu thư. Đối với thư tín này, phần trình bày cá nhân những người nhận thư được ghi ra hầu những chủ đề trong nội dung thư được thể hiện ngay từ đầu. Vì thế chúng ta thật không nên bỏ qua phần chào thăm mà đi thẳng vào phần nội dung thư. Hôm nay chúng ta sẽ cùng học hỏi câu đầu tiên của thư tín này.
Dòng đầu thư cho người đọc biết người viết sách này: "Phierơ, sứ đồ của Đức Chúa Giêxu Christ" Tôi chắc rằng chúng ta rất quen thuộc với Phierơ. Ông là một trong những môn đồ của Chúa Giêxu, một trong những người thân tín nhất với Ngài. Chúng ta còn nhớ tên Phierơ không phải là tên gốc của ông. Phierơ trước đây tên Simôn, theo tiếng Hêbơrơ là Simêôn. Chính Chúa Giêxu trong lần đầu tiên gặp Simôn (Giăng 1:42) nói rằng tên ông sẽ không phải là Simôn nữa mà là Phierơ, nghĩa là "hòn đá". Chúa Giêxu đặt tên lại cho Phierơ. Tôi chắc rằng điều này là hết sức hệ trọng đối với Phierơ bởi bản thân ông giờ đây hiệp làm một với Đấng Christ. Theo văn hóa Hêbơrơ, khi một người được ai đó đặt tên thì hàm ý rằng người đó thuận phục dưới người đặt tên cho mình. Hành động đó hàm ý một thẩm quyền. Bằng cách đặt tên cho Phierơ, Chúa Giêxu nói rằng Ngài có thẩm quyền trên ông và ông thuận phục dưới Ngài. Chúa Giêxu đặt cho ông cái tên là "đá" và Ngài có chủ ý khi đặt tên đó bởi khi đọc trong các sách Phúc Âm, chúng ta thấy Chúa Giêxu nói rằng Ngài sẽ đặt hội thánh Ngài trên đá đó. Chúng ta không nên cho rằng Chúa Giêxu ý muốn nói Ngài sẽ lập hội thánh Ngài trên chính Phierơ. Ngài sẽ lập hội thánh Ngài trên lời xưng nhận đức tin mà Phierơ đã xưng ra trước mặt Ngài rằng: "Chúa là Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời hằng sống." (Mathiơ 16:16) Ấy chính trên lẽ thật đó mà hội thánh sẽ được lập nên. Phierơ là một hòn đá nhưng ông là hòn đá được xây trên Hòn Đá của Mọi Thời Đại. Ông là một chứng nhân trung tín suốt đời mình cho Hòn Đá này. Chúng ta sẽ thấy điều này một lần nữa khi ông được Đức Chúa Trời linh ứng viết thư tín này. Khi xem xét tên Phierơ, chúng ta thấy có một sự chơi chữ với tên của ông trong đoạn 2 khi ông nói đến "hòn đá góc nhà" và "hòn đá sống". Phierơ hàm ý rằng tên ông bày tỏ rằng ông cũng là một hòn đá sống trong đền thờ của Đức Chúa Trời tối cao.

Sứ đồ Phierơ được rất nhiều người biết đến. Ông không cần phải giới thiệu dài dòng cho hội thánh. Ông được mọi người biết là một sứ đồ thân tín của Chúa Giêxu. Tuy nhiên trong thư tín này ông không tự đề cao bản thân mà bảo rằng mình chính là "vị sứ đồ" của Chúa Giêxu. Trọng tâm của lá thư không phải là ông mà là Đấng Christ. Ngay từ đầu thư, ông nhìn thấy sự nhận diện của mình ở trong chính danh Chúa Giêxu. Đây cũng nên là cách chúng ta nhìn thấy bản thân mình khi chúng ta thuộc về Chúa, rằng bản thân chúng ta gắn liền với Chúa Giêxu, rằng chúng ta không đề cao bản thân mình mà tôn vinh chính Chúa Giêxu. Nếu chúng ta là tín đồ của Chúa Giêxu, danh hiệu của chúng ta phải được gắn liền với Ngài. Chúng ta ở dưới thẩm quyền của Ngài, tình nguyện thuận phục Ngài. Chúng ta cũng được Ngài đặt tên: Chúng ta mang danh là "Cơ Đốc Nhân". Nếu tin Ngài, chúng ta là dân sự Ngài và Ngài biết tên chúng ta.

Phierơ không cần biện minh cho thẩm quyền sứ đồ của mình như một số thư tín của sứ đồ Phaolô. Cương vị sứ đồ của Phierơ cho ông thẩm quyền. Thư tín của ông phải được tiếp nhận trong ánh sáng đó. Ông là người đến với người đọc với thẩm quyền của chính Đấng Christ. Lời ông đang nói không phải là của riêng ông mà là lời Đức Chúa Trời. Họ phải tiếp nhận lá thư đó với thái độ tôn kính và vâng lời bởi nó được gởi đến cho họ với thẩm quyền của Chúa. Trong Luca đoạn 10 câu 16, Chúa Giêxu nói khi Ngài sai các môn đồ đi "Ai nghe các ngươi, ấy là nghe ta; ai bỏ các ngươi, ấy là bỏ ta: còn ai bỏ ta, ấy là bỏ Đấng đã sai ta." Thế thì Chúa Giêxu nói rằng người ta cần phải lắng nghe các môn đồ Ngài là người đến mang theo Lời Ngài. Họ có thẩm quyền của Ngài bởi họ đến với Lời của chính Đức Chúa Trời. Chúng ta không nên bị lừa dối mà cho rằng bởi thư tín này nhắc đến tên Phierơ, một con người như tôi và quí vị, làm giảm đi thẩm quyền của sự linh ứng của bức thư. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng thư tín này là lời Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời viết ra lời Ngài dùng những tác giả là con người còn lời trong đó chính là Lời Ngài. 2Phierơ 1:21 chép: "Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời."

Đây cũng là cách chúng ta phải đón nhận thư tín này. Đức Chúa Trời phán qua sứ đồ Phierơ. Khi chúng ta lắng nghe lời của thư tín này chúng ta phải hiểu rằng chúng ta đang lắng nghe lời của chính Đức Chúa Trời vì sứ đồ Phierơ nói bởi sự cảm động của Thánh Linh. Ông đến với chúng ta với thẩm quyền sứ đồ. Hêbơrơ đoạn 1 và Êphêsô 2:20 dạy rằng nền tảng hội thánh được lập trên các tiên tri và sứ đồ. Họ đến với chúng ta với thẩm quyền của những người được Đức Chúa Trời sai phái. Chúng ta phải thuận phục sự dạy dỗ của Lời Đức Chúa Trời và đây chính là Lời Đức Chúa Trời.

Câu 1 không chỉ xác định danh vị của Phierơ trong Đấng Christ và thẩm quyền sứ đồ của ông. Nó còn bắt đầu xác định cho chúng ta ai là những người nhận thư. Những tín hữu này cũng được nhận diện trong Đấng Christ. Chúng ta sẽ học biết thêm về điều này trong những lần tới. Tuy nhiên tại đây trong câu 1 ông mô tả họ là những người hành hương hay những người khách lạ. Sự mô tả đó có ý nghĩa như thế nào? Điều Phierơ muốn truyền đạt tại đây là họ là những người ngoại quốc, người tạm trú và nơi họ đang sống đây chỉ là tạm thời mà thôi. Nói cách khác, họ là những người ngoại kiều cư trú tại đó. Thế gian họ đang sống đây không phải là quê hương của họ mà quê hương thật của họ là một nơi khác. Tại đây Phierơ đang mô tả hình ảnh những người xa quê, quê hương của họ không thuộc thế gian này mà ở trên trời.

Thật vậy, chúng ta sống trên thế gian này nhưng chúng ta không thuộc về nó. Sứ đồ Phierơ đang nhấn mạnh rằng chúng ta không thuộc về thế gian này. Là những Cơ Đốc Nhân, thế gian này không phải là quê hương lâu dài của chúng ta. Chúng ta có một nơi ở khác tốt hơn. Chúng ta thuộc về thế gian này trong ý nghĩa rằng Đức Chúa Trời đã đặt để chúng ta tại đây trong thời điểm này nhưng đây không phải là quê hương của chúng ta, không phải là nơi chúng ta sẽ ở mãi. Điều này chỉ cho chúng ta tính chất tạm thời của nơi ở hiện tại này. Chúng ta cần suy nghĩ đến những gì huyết Chúa Giêxu mang đến cho chúng ta. Khi Chúa Giêxu chết trên thập tự giá, Ngài tha thứ tội lỗi chúng ta. Ngài trả giá cho tội lỗi chúng ta, xóa sạch khỏi chúng ta những tội lỗi đó. Ngài chịu lấy sự rủa sả của Đức Chúa Trời trên tội lỗi chúng ta. Và bởi đó Ngài đã mang đến cho dân sự Ngài một quê hương trên trời là quê hương đời đời cho chúng ta.

Khi nói chúng ta là những người ngoại quốc kiều ngụ, trên nhiều phương diện chúng ta giống như Ápraham, Ysác và Giacốp. Sáng Thế Ký đoạn 15 câu 13 chép: "Đức Giêhôva phán cùng Ápram rằng: Phải biết rằng, dòng dõi ngươi sẽ ngụ trong một xứ chẳng thuộc về chúng nó, làm tôi mọi cho dân xứ đó và bị họ hà hiếp bốn trăm năm." Sáng Thế Ký đoạn 17 câu 8 chép: "Ta sẽ cho ngươi cùng dòng dõi ngươi xứ mà ngươi đương kiều ngụ, tức toàn xứ Canaan, làm cơ nghiệp đời đời. Vậy, ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ." Sáng Thế Ký đoạn 23 câu 4 ghi lại lời của Ápraham: "Ta là một khách kiều ngụ trong vòng các ngươi; xin hãy cho một nơi mộ địa trong xứ các ngươi, để chôn người thác của ta." Nhiều chỗ khác trong Kinh Thánh nói đến ý tương tự như thế. Ápraham được kêu gọi ra khỏi xứ Urơ, ra khỏi cái thế giới không tin nơi Đức Chúa Trời. Ông được Đức Chúa Trời gọi đi đến Canaan hầu đi theo Ngài. Ông là người khách kiều ngụ trong xứ Canaan. Ông không thuộc về xứ đó. Hêbơrơ đoạn 11 câu 13 đến 16 cho chúng ta thấy rất rõ khi nói về những tổ phụ của Ysơraên, "Hết thảy những người đó đều chết trong đức tin, chưa nhận lãnh những điều hứa cho mình; chỉn trông thấy và chào mừng những điều đó từ đằng xa, xưng mình là kẻ khách và bộ hành trên đất. Những kẻ nói như thế, tỏ rõ rằng mình đương đi tìm nơi quê hương. Ví thử họ đã tưởng đến nơi quê hương mà mình từ đó đi ra, thì cũng có ngày trở lại, nhưng họ ham mến một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời; nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã sắm sẵn cho họ một thành." Chúng ta thấy Đức Chúa Trời đã kêu gọi dân Ysơraên ra. Ngài đã kêu gọi Ápraham ra khỏi Urơ. Nếu Ápraham muốn trở về nơi chốn cũ, ông chắc đã trở về với thế gian và cứ ở dưới sự phán xét của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên ông đã hướng về một quê hương tốt hơn, hướng về lời hứa của Đức Chúa Trời là lời hứa chân thật và cuối cùng trở thành sự thật cho cả Ysơraên. Nếu chúng ta ở trong Đấng Christ, chúng ta nhận ra bản chất tạm bợ của nơi ở hiện tại của chúng ta. Chúng ta hết thảy đều ý thức được điều này, rằng sự sống này đến rồi đi. Chúng ta nhận ra rằng thế gian này không phải là quê hương chúng ta. Chúng ta nên nhận ra rằng đây không phải là nơi chúng ta sẽ ở đời đời. Điều này nên chi phối trên cách chúng ta nhìn nhận thế gian này. Nếu nhận ra rằng mình chỉ là những khách hành hương tại đây, chúng ta không nên xây đắp quê hương lâu bền cho mình tại chốn này hoặc cho rằng đây là quê hương của chúng ta. Chúng ta sẽ không vun đắp của cải chúng ta tại đây trên đất này mà tìm kiếm những sự trên cao. Chúng ta sẽ đối diện những sự tranh chiến thử thách trên đất này như là những gì tạm bợ sẽ qua. Chúng ta sẽ cai trị với Đức Chúa Trời ở trên trời là nơi không còn có khốn khổ đau đớn. Chúng ta sẽ sống nhìn về ngày chúng ta được đón nhận vào cơ nghiệp trên trời của chúng ta. Chúng ta hiểu địa vị của chúng ta trong Đấng Christ nên sẽ không bị trói buộc trong những gì của thế gian này hay bị vây phủ bởi sự bất an của nó. Mắt chúng ta cần hướng về thiên đàng, về những gì chúng ta đã được ban cho, về quê hương không thể bị rúng động. Lắm lúc chúng ta cứ bám vào những gì trên đất này và bị khốn khó thử thách. Chúng ta là những khách bộ hành trên đất này. Đây không phải là quê hương của chúng ta. Hãy hướng mắt chúng ta về những gì mà huyết Chúa Giêxu đã mang đến cho chúng ta.

Kinh Thánh tại đây còn cho chúng ta biết rằng không những chúng ta là những khách lạ trên đất này mà chúng ta còn trong số những người tản lạc, rải rác. Chữ "những kẻ lưu lạc" cũng được dùng trong Giăng đoạn 7 câu 35 để nói đến những người Giuđa tản lạc trong khắp vương quốc La Mã. Thật ra người Do Thái bị tản lạc khắp thế giới. Công vụ đoạn 8 câu 1 cho chúng ta biết Cơ Đốc Nhân cũng bị tản lạc khắp thế giới. Đoạn Kinh Thánh này không chỉ nói đến những người Do Thái mà còn nói đến hết thảy những Cơ Đốc Nhân. Địa vị của chúng ta trong Đấng Christ ấy là chúng ta thuộc về dân Ysơraên mới. Chúng ta cũng tản lạc khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên chúng ta không tản lạc mãi. Êsai đoạn 56 câu 7 và 8 nói về dân ngoại như sau: "Thì ta sẽ đem họ vui mừng trong nhà cầu nguyện ta. Của lễ thiêu và hi sinh họ dâng trên bàn thờ ta, sẽ được nhận lấy; vì nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc. Chúa Giêhôva, Đấng nhóm dân tan lạc của Ysơraên, phán như vầy: Dân nó đã được nhóm lại rồi, ta sẽ còn nhóm các dân khác lại về cùng nó." Rõ ràng rằng Đức Chúa Trời đã dự định trước những người ngoại được ở trong số những người Ysơraên bị tản lạc được nhóm họp về hầu tin nhận Chúa Giêxu. Nhiều chỗ khác trong sách Êxêchiên cũng thể hiện ý tưởng này. Êxêchiên đoạn 34 câu 13 và 14 chép: "Ta sẽ đem chúng nó ra khỏi giữa các dân; ta sẽ nhóm chúng nó lại từ các nước, và đem chúng nó về trong đất riêng chúng nó. Ta sẽ chăn chúng nó trên các núi của Ysơraên, kề khe nước, và trong mọi nơi có dân cư trong nước. Ta sẽ chăn chúng nó trong những đồng cỏ tốt, và chuồng chúng nó sẽ ở trên các núi nơi đất cao của Ysơraên; ở đó chúng nó sẽ nghỉ trong chuồng tử tế, và ăn cỏ trong đồng cỏ màu mỡ, tức là trên các núi của Ysơraên." Nói cách khác, Đức Chúa Trời sẽ kêu gọi từ mọi miền trên thế giới những người sẽ nhận lãnh cơ nghiệp đời đời. Êxêchiên đoạn 36 câu 24 chép "Ta sẽ thâu lấy các ngươi khỏi giữa các dân; ta sẽ nhóm các ngươi lại từ mọi nước, và đem về trong đất riêng của các ngươi." Chúng ta thấy Chúa dạy chúng ta trong 1Phierơ đoạn 1 câu 1 này rằng chúng ta là những người du hành trên đất. Đây không phải là quê hương chúng ta. Chúng ta thuộc về một dân tộc tản lạc, là dân Ysơraên thật của Đức Chúa Trời. Chúng ta, dù là người ngoại, cũng được ở trong số những người được kêu gọi về xứ. Các sách tiên tri nói rõ điều này. Đặc biệt nếu đọc trong Xachari đoạn 2, chúng ta sẽ thấy một lời kêu gọi rất rõ ràng cho dân Ysơraên thật hãy đi ra khỏi Babylôn. Nếu chúng ta đang thuộc về Babylôn, đang thuộc về thế giới của sự bạn nghịch, Đức Chúa Trời đang kêu gọi chúng ta hãy trở về đất hứa. Dân Ysơraên sẽ không định cư lập nghiệp trong xứ ngoại quốc này và hiệp làm một với dân ngoại. Họ phải phân cách ra hầu khi Đức Chúa Trời kêu gọi họ, họ sẽ được gọi trở về đất hứa. Giống như thế, chúng ta cũng phải lắng nghe lời kêu gọi của Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta ra khỏi thế gian này hầu chúng ta không cứ ở trong thế gian này. Chúng ta cần được Chúa kêu gọi hầu ăn năn và tin nhận Chúa Giêxu Christ, nhận ra rằng chỉ trong Ngài chúng ta mới có sự cứu rỗi đang được nói đến trong 1Phierơ đoạn 1. Trong một giai đoạn nào đó, chúng ta, dân sự của Đức Chúa Trời, có thể bị tản lạc khắp nơi trên thế giới. Chúng ta có thể là số ít. Chúng ta có thể là những người tạm trú. Tuy nhiên, cuối cùng chúng ta đặt sự trông cậy mình nơi quê hương đời đời mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi chúng ta đến.

Là dân Ysơraên mới của Đức Chúa Trời, là những người khách du hành trên thế gian này, chúng ta cũng được kêu gọi sống thích hiệp như thế. Chúng ta được kêu gọi sống khác biệt với thế gian này. Sứ điệp này luôn bày ra trước mặt chúng ta trong sách 1Phierơ. Vị sứ đồ nói với chúng ta rằng sự khổ sở của thế gian này qua đi và chúng ta sẽ bước vào sự vinh hiển đời đời và trong những ngày tháng còn lưu lại dưới đất thấp này, chúng ta cần nên sống như những người khách lạ, những người tạm trú, những người thuộc về vương quốc đời đời. Cách tốt nhất để hiểu được điều này là tự tưởng tượng rằng mình đang sống ở nước ngoài khi những người xung quanh nói tiếng nói khác và có diện mạo khác chúng ta, khi ấy liệu chúng ta sẽ nổi bật hẳn khỏi số còn lại như thế nào. Ấy là cách mà sứ đồ Phierơ, bởi sự linh ứng của Đức Chúa Trời, dạy chúng ta cần nên sống: Chúng ta cần sống như những người khách lạ, những người tạm trú, những người khác biệt bởi chúng ta đi theo Chúa Phục Sinh. Chúng ta cần tìm sự khích lệ và trông cậy trong sự cứu rỗi mà Chúa Giêxu mang đến cho chúng ta.

Sứ điệp của sách 1Phierơ có thể được tóm tắt trong 1Phierơ đoạn 5 câu 10, "Đức Chúa Trời ban mọi ơn đã gọi anh em đến sự vinh hiển đời đời của Ngài trong Đấng Christ, thì sau khi anh em tạm chịu khổ, chính Ngài sẽ làm cho anh em trọn vẹn, vững vàng, và thêm sức cho." Chúng ta để ý có một sự khác biệt rõ rệt vào cuối sách. Ở đầu sách, chúng ta là những người khách du hành, tản lạc. Ở cuối sách, vị sứ đồ cầu nguyện rằng chúng ta được trọn vẹn, vững vàng và thêm sức. Ao ước của ông là khi đọc qua sách này, chúng ta có thể hiểu được đời sống chúng ta được giấu kín trong Đấng Christ và nhận biết sự bình an, an ủi và ân điển mà Ngài mang đến cho chúng ta. Xin chúng ta nhận ra chính mình trong Đấng Christ. Xin đừng vững lập trên thế gian này. Xin hãy chăm về sự cứu rỗi của chúng ta và đặt sự trông cậy mình trong Chúa Giêxu Christ. Amen.

Lạy Cha quyền năng thiên thượng của chúng con. Chúng con là một dân đi qua trên đất này. Thế gian này không phải là quê hương chúng con. Xin cho chúng con cứ chăm mắt về phần thưởng, về sự cứu rỗi mà Chúa Giêxu đã mua lấy cho dân Ngài. Xin điều đó yên ủi chúng con qua những giây phút thử thách khó khăn. Xin ban ơn cho chúng con hầu chịu đựng được. Xin cho chúng con sống phân biệt ra như những thầy tế lễ nhà vua, như một dân tộc thánh khiết sống cho sự vinh hiển Ngài hầu người khác có thể nhìn thấy rằng chúng con là khác biệt, rằng chúng con không thuộc về thế gian này mà thuộc về Đấng Christ. Xin cho điều đó ảnh hưởng đến cách sống hằng ngày của chúng con hầu chúng con không bị trói buộc bởi những ham muốn của xác thịt. Xin cho tâm trí chúng con hướng về những gì trên cao. Chúng con cầu nguyện nhân danh Chúa Giêxu Christ. Amen.

Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)