TRÁNH XA TỘI LỖI
(1Phierơ 2:11)
Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Câu 11 đánh dấu sự mở đầu của một phần mới của thơ tín 1Phierơ này. Lần trước chúng ta đã kết thúc phần đầu bằng câu 9 và 10 của đoạn 2. Phần đầu này mang nội dung chính là: đặc điểm của hội thánh Tân Uớc là dân Ysơraên mới. Như dân Ysơraên xưa, chúng ta đang trên một chuyến hành trình về xứ cơ nghiệp chúng ta. Thế gian mà chúng ta đang sống đây chỉ là một nơi cư trú tạm thời mà thôi. Kinh Thánh chỉ ra rằng thế gian này trên một khía cạnh nào đó phải được so sánh như đồng vắng mà chúng ta đang đi ngang qua đầy những khổ đau, thử thách, tranh chiến. Cuộc hành trình qua miền đất này đôi khi có thể rất mệt nhọc và thách thức nhưng sự trông cậy của chúng ta được bảo đảm (1Phierơ đoạn 1), lời hứa của Đức Chúa Trời là chắc chắn. Chúng ta cứ đi tiếp. Lời hứa của Đức Chúa Trời là chắc chắn và Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Chúng ta là dân của riêng Ngài. 1Phierơ đoạn 2 câu 11 và 12 là phần giới thiệu của phần hai của sách này. Hai câu này bắt đầu cho phần lớn nhất hay là phần thân của thơ tín này. Mối quan tâm chính của nó là về cách sống của dân sự Đức Chúa Trời đang đi trên cuộc hành trình. Chúng ta, những khách bộ hành, cần cư xử thế nào trong những ngày trên đất? Chúng ta cần sống thể nào trong sự nhìn nhận thiên đàng là quê hương chúng ta?
Dù bước vào phần mới, chúng ta có thể thấy rõ từ phần Kinh Thánh hôm nay của chúng ta rằng phần thứ hai này được xây dựng trên phần thứ nhất. Hai phần này đan kết với nhau và không thể được hiểu rõ mà không thể hiểu phần thứ nhất. Câu 11 nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đang trên một cuộc hành trình thuộc linh như là dân Ysơraên mới. Chúng ta rất cần ghi nhớ điểm đó khi học tiếp phần thứ hai này. Việc ghi nhớ chúng ta là ai giúp chúng ta có thể hiểu biết đúng vị trí của chúng ta trên thế gian này bởi đó mà hiểu biết được mình phải sống thế nào trên đất này. Thế thì hôm nay chúng ta muốn cùng học hỏi câu 11 bằng cách trước tiên, xem xét mạng lịnh được ban cho tại đây. Thứ hai, chúng ta sẽ xem xét bốn lý do tại sao chúng ta cần quan tâm đến mạng lịnh này.
Trong câu 11, sứ đồ Phierơ thúc giục độc giả của ông "phải kiêng những điều xác thịt ưa thích". "Kiêng cữ" điều gì đó có nghĩa là tránh xa điều đó đi. Trong nguyên ngữ tiếng Hy Lạp, chữ này có nghĩa là tránh né hay tách mình khỏi. Chữ này được dùng trong thì hiện tại, hàm ý rằng đây không phải là điều chúng ta làm một lần mà thôi hay thỉnh thoảng mới làm mà là điều chúng ta liên tục thi hành. Chúng ta liên tục kiêng cữ những điều xác thịt ưa thích. Đây chính là ý chính của đoạn này. chúng ta cần tránh nó đi, cẩn thận không đặt mình vào hoàn cảnh mà mình phải bị cám dỗ để thỏa mãn những điều ưa muốn tội lỗi của xác thịt. Có lẽ chúng ta có thể nhìn thấy rõ hơn bằng cách nhìn ngược lại, từ một góc cạnh khác. "Kiêng cữ những điều xác thịt ưa thích" hàm ý rằng chúng ta phải đến gần những điều tốt lành. Chúng ta cần tránh xa những gì tội lỗi, xác thịt và đến gần những gì tốt lành. Đây cũng là điều sứ đồ Phaolô đề cập đến trong Philíp đoạn 4 câu 8, "Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều cho chơn thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thánh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến." Đây là những điều mà dân sự Đức Chúa Trời chúng ta cần phải đến gần. Chúng ta chạy trốn khỏi những ước muốn xác thịt của thế gian. Chúng ta đến gần những đặc tính thể hiện nước thiên đàng. Chúng ta trốn khỏi những dục vọng xác thịt mà đến gần những gì tin kính. Khi nói đến những dục vọng xác thịt, vị sứ đồ rõ ràng muốn nói đến những gì liên hệ với con người cũ thế gian ích kỷ của chúng ta.
Chúng ta cần hiểu rằng tại đây vị sứ đồ không thúc giục chúng ta kiêng cữ mọi sự gì mang đến cho chúng ta những sự vui thích về thể xác dường như mọi điều gì liên quan đến thân thể chúng ta đều tự nhiên xem là gian ác. Đó là quan điểm của những người theo phái Platon trong thời của Chúa Giêxu nhưng đó không phải là điều mà Kinh Thánh muốn trình bày tại đây. Không phải là mọi điều gì thuộc thân thể này đều tự nó là sai trật cả. Đức Chúa Trời đã tạo ra những sự vui thích và Ngài tạo ra nó vì lợi ích của chúng ta. Thân thể tự nó không phải là gian ác. Đức Chúa Trời đã tạo ra sự thích thú cho thể xác mà khi được vận dụng một cách đúng đắn theo ý Chúa để chúng ta được vui hưởng. Sự thích thú của xác thể có thể được tận hưởng trong sự làm vinh hiển danh Chúa. Thế thì không phải mọi điều gì mang lại cho chúng ta niềm vui và sự vui thích đều phải bị cấm đoán. Nhưng sự ham muốn xác thịt là những điều tồn tại chỉ phục vụ cho xác thịt mà thôi. Ấy là những ham muốn khiến chúng ta rời mắt khỏi Đấng Christ mà chăm vào những gì của thế gian này. Ấy là những điều nhắm vào mục tiêu là sự thỏa mãn cho bản thân, ích kỷ; không tìm kiếm sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà chỉ để thỏa mãn ước muốn tội lỗi của riêng chúng ta. Rõ ràng là những ham muốn được đề cập trên đây là tội lỗi. Ấy là sự khẳng định của ý muốn riêng chúng ta bên trên ý muốn Đức Chúa Trời. Kinh Thánh lên án những điều này. Kinh Thánh dạy chúng ta hãy tránh xa những điều đó và đừng can dự gì đến chúng. Thật ra khi Kinh Thánh tại đây nói đến dục vọng xác thịt, Kinh Thánh muốn nói đến sự gắn bó với thế gian. Kinh Thánh có vài chỗ chỉ ra những dục vọng xác thịt này là gì. 1Phierơ đoạn 4 câu 2 và 3 chép: "Hầu cho còn sống trong xác thịt bao lâu thì chớ lại theo những sự người ta ưa thích, một phải theo ý muốn Đức Chúa Trời. Ngày trước cũng đã đủ làm theo ý muốn người ngoại đạo rồi, mà ăn ở theo tà tịch, tư dục, say rượu, ăn uống quá độ, chơi bời, và thờ hình tượng đáng gớm ghiếc." Những ham muốn xác thịt cũng được tóm tắt trong Galati đoạn 5 câu 16 đến 21, "Vậy tôi nói rằng: Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt. Vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với của Thánh Linh, Thánh Linh có những điều ưa muốn trái với của xác thịt; hai bên trái nhau dường ấy, nên anh em không làm được điều mình muốn làm. Nhưng, ví bằng anh em nhờ Thánh Linh chỉ dẫn, thì chẳng hề ở dưới luật pháp. Vả, các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời." Cuối cùng, chúng ta cùng xem trong Rôma đoạn 8 câu 5 đến 7, "Thật thế, kẻ sống theo xác thịt thì chăm những sự thuộc về xác thịt; còn kẻ sống theo Thánh Linh thì chăm những sự thuộc về Thánh Linh. Vả, chăm về xác thịt sanh ra sự chết, còn chăm về Thánh Linh sanh ra sự sống và bình an; vì sự chăm về xác thịt nghịch với Đức Chúa Trời, bởi nó không phục dưới luật pháp Đức Chúa Trời, lại cũng không thể phục được." Chúng ta thấy rằng những dục vọng xác thịt nói đến trong đoạn Kinh Thánh tại đây hoàn toàn thuộc về con người cũ của chúng ta, những ham muốn tội lỗi cũ của chúng ta bày tỏ sự tham mê những thú vui chóng tàn của thế gian này. Ấy có phải là những điều khiến chúng ta sao lãng khỏi đời sống và sự phục sự thiên thượng không? Tôi tin rằng chúng ta rất cần suy nghĩ đến những dục vọng xác thịt trong từng đời sống cụ thể của chúng ta. Điều gì đang khiến chúng ta sao lãng không suy tưởng đến Đấng Christ? Chúng ta đang đặt điều gì vào chỗ của Đức Chúa Trời? Nhiều người khi nghĩ đến dục vọng xác thịt thì hay nghĩ đến những dục vọng liên quan đến tình dục. Đúng là trong danh sách những tội lỗi mà chúng ta vừa đọc qua đây, dục vọng xác thịt rõ ràng có liên hệ với sự gian dâm, ô uế, luông tuồng. Những điều đó là đáng gớm ghiếc dưới mắt Đức Chúa Trời. Những điều đó rõ ràng là sự vi phạm những gì Đức Chúa Trời dự định trong giới hạn của hôn nhân. Những điều này cũng khiến chúng ta phạm tội cùng Đức Chúa Trời khiến chúng ta không suy tưởng đến những điều thánh khiết thanh sạch. Bởi đó chúng ta rất cần tránh xa những điều đó, những điều cám dỗ chúng ta phạm tội về tình dục. Thế nên, Cơ Đốc Nhân chúng ta cần phải rất thận trọng với những gì chúng ta xem, đọc, loại nhạc chúng ta nghe, chương trình truyền hình chúng ta mở xem trên truyền hình. Hãy xét xem những điều này có dẫn dụ chúng ta phạm tội không? Kinh Thánh dạy chúng ta phải tránh xa những điều đó. Đừng liên hệ với sự luông tuồng đang bao bọc lấy thế gian mà chúng ta đang sống. Chúng ta không nên dự phần vào sách báo khiêu dâm và những điều tương tự như thế.
Tuy nhiên rõ ràng rằng khi nói đến những dục vọng xác thịt, đây không phải là những điều duy nhất mà chúng ta cần tránh. Chúng ta đọc thấy công việc của xác thịt bao gồm cả sự ghen ghét, buồn giận, ganh ghét. Tuôn đổ sự giận dữ của mình, mất sự tự chủ, không tôn trọng nhau như những người được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, không yêu thương nhau như Đức Chúa Trời muốn chúng ta là sự làm trọn tấm lòng ích kỷ, ham muốn của riêng mình. Chúng ta cần chạy trốn khỏi những điều đó và sống trong tình yêu thương nhau. Cũng thế, Đức Chúa Trời đã dựng nên đồ ăn, rượu theo một cách mà chúng ta có thể thưởng thức một cách khôn ngoan. Kinh Thánh chỉ rõ rằng những điều đó không nên được lạm dụng. Dùng những điều đó chỉ để thỏa mãn bản ngã tội lỗi của chúng ta, thỏa mãn những điều của xác thịt là sai. Chúng ta cần tránh khỏi những điều đó. Đức Chúa Trời cấm sự tham ăn và ghiền rượu. Có nhiều điều khác chúng ta có thể kể đến. Chẳng hạn như thể thao, khi được nâng lên đến mức tưởng chừng như được người ta thần tượng, tán thưởng, hưởng ứng quá đáng hơn cả những điều thuộc về Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng có thể kể đến công việc làm khi chúng ta trở nên "ghiền làm việc" khi chúng ta dốc hết sự quan tâm chúng ta trên công việc mà chúng ta đang làm mà khi đó chúng ta chễnh mãng không lo tưởng đến đời sống tâm linh của gia đình chúng ta hoặc chính chúng ta. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngược lại. Những người lười biếng, không để tâm gì đến việc vâng phục người chủ mà Đức Chúa Trời đã đặt trên mình trong một thời điểm nào đó cũng đang làm theo xác thịt. Chúng ta cần trung tín trong sự phục vụ trong công việc làm của mình. Có người thì lại đề cao căn nhà, đồ đạc, tài sản. Những điều này cũng có thể là sự thỏa mãn ham muốn xác thịt của chúng ta. Đây là những điều khiến chúng ta chăm vào những gì của thế gian này, khiến chúng ta đánh giá cao và ham muốn những gì của thế gian và rời mắt khỏi Đức Chúa Trời. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng mọi sự, dù ăn hay uống, đều phải được làm vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Toàn bộ đời sống Cơ Đốc của chúng ta là một nỗ lực thiên thượng. Mục tiêu và định hướng của nó là nước Trời. Chúng ta phải tránh xa khỏi những tội lỗi và ham muốn của đời này.
Nhưng tại sao chúng ta cần tách mình khỏi những ham muốn đời này đó? 1Phierơ đoạn 2 câu 11 nói rằng chúng ta là những "kẻ rất yêu dấu". Đọc qua đoạn Kinh Thánh này chúng ta thấy rõ rằng tại đây nói đến những người nhận thơ của Phierơ. Đây là thái độ của Phierơ đối với độc giả của ông. Điều này là thật bởi ông thật sự quan tâm đến đời sống tâm linh của họ. Ông gọi họ là "kẻ rất yêu dấu" bởi họ là kẻ rất yêu dấu của Đức Chúa Trời. Họ thuộc về gia đình yêu dấu của ông bởi họ thuộc về gia đình yêu dấu của Đức Chúa Trời. Chúng ta kiêng cữ khỏi những ham muốn xác thịt bởi chúng ta là dân sự của riêng Đức Chúa Trời. Đây là chủ đề của câu 9 và 10 trước đó. Chúng ta được Đức Chúa Trời yêu mến, chọn lựa, quý báu. Ngài đã ban cho chúng ta chính Con Một Ngài để chết trên thập tự giá vì chúng ta. Là dân của riêng Ngài, chúng ta không ao ước gì hơn là được Ngài yêu mến và đáp lại Ngài bằng lòng yêu mến. Đời sống này còn gì lớn lao hơn là được làm kẻ yêu dấu của Đức Chúa Trời. Còn điều gì khiến mắt chúng ta nhìn về thiên đàng hơn là lòng yêu mến Chúa Giêxu Christ? Điều khiến chúng ta thôi không chăm về Đấng Christ là điều chúng ta nên kiêng cữ đi. Điều gì cám dỗ chúng ta không vâng phục Chúa kính yêu của chúng ta thì chúng ta cần tránh đi. Thế thì việc chúng ta là kẻ rất yêu dấu của Đức Chúa Trời khiến chúng ta sống đúng đắn, khiến chúng ta có một tâm trí thiêng liêng.
Thứ hai, đoạn Kinh Thánh cũng cho chúng ta một nguyên nhân nữa vì sao chúng ta cần kiêng cữ khỏi ham muốn xác thịt. Ấy là vì sứ đồ Phierơ thúc giục chúng ta như thế, "Hỡi kẻ rất yêu dấu, anh em như người ở trọ, kẻ đi đường, tôi khuyên..." chúng ta hãy để ý cách dùng chữ tại đây bày tỏ một sự khẩn nài chân thành. Vị sứ đồ không chỉ nói rằng "Đây là điều tôi khuyên anh em nhưng tùy anh em muốn nhận lấy hay không cũng được". Không, tại đây chúng ta cảm nhận một thái độ khẩn nài của Phierơ khi ông hướng lời kêu gọi mình về những độc giả. Chúng ta nghe trong cách nói của Phierơ âm điệu của một người cha gọi đứa con sắp bước ra chỗ xe đang chạy tới. "Dừng lại! Đừng làm thế! Cẩn thận!" Nói cách khác, ông đang nói rằng "Hỡi dân sự Đức Chúa Trời, có những mối hiểm họa thật! Đây là chuyện sống chết! Anh em phải lắng nghe! Hãy chạy khỏi, kiêng cữ khỏi những tội lỗi này! Đừng lao vào đó! Đây là vấn đề của sống chết của tâm linh anh em!" Thế thì chúng ta được kêu gọi phải lắng nghe bởi sứ đồ Phierơ, trong sự linh ứng viết ra đoạn Kinh Thánh này, tin rằng chúng ta rất cần phải nghe: "Tôi khuyên phải kiêng những điều xác thịt ưa thích, là điều chống trả với linh hồn."
Chúng ta được kêu gọi phải kiêng cữ bởi chúng ta là những người ở trọ, kẻ đi đường. Chúng ta là những người khách lạ trên thế gian này. Đây là sứ điệp của vị sứ đồ. Thế gian này không phải là quê hương chúng ta. Nguyên bản Hy Lạp cho chúng ta hai chữ "người ở trọ" và "kẻ đi đường" Những chữ này nói với chúng ta rằng chúng ta, trước hết, là người ngoại quốc. Nơi này không phải là quê hương chúng ta. Đây là một xứ lạ đối với chúng ta. Đây là nơi chúng ta đang sống nhưng chẳng phải là quê hương chúng ta. Chúng ta thật sự cần hiểu rằng mình là công dân trên trời. Ấy chính là nơi ấy, nơi cơ nghiệp chúng ta, mới là quê hương chúng ta. Bởi đó, không có sự gắn bó thật sự giữa chúng ta với nơi này. Nếu chúng ta đi du lịch sang Trung Quốc chẳng hạn, chúng ta sẽ thấy rõ ràng rằng ấy là nơi chúng ta đến cư trú tạm thời. Nơi ấy chẳng phải là nhà của chúng ta. Chúng ta ở trong nhà trọ nhưng chúng ta không đi mua sắm tủ lạnh, lò và đặt nền móng xây nhà nếu chúng ta chỉ là người du lịch lại đó. Đây là nơi mà chúng ta đang đi ngang qua. Quốc tịch của chúng ta là ở Hoa Kỳ là nơi chúng ta đang cư trú. Đây là nhà chúng ta. Thế thì chúng ta không có sự gắn bó thật sự nào với nơi mà chúng ta đến tham quan. Một ý nữa là chúng ta không chỉ là người ngoại quốc mà thôi, chúng ta đang đi ngang qua. Đây là nơi chúng ta đi ngang qua và sẽ rời khỏi đó nên chúng ta sẽ không xây đắp nền tảng của sự tồn tại chúng ta tại nơi đất thấp, đồng vắng này.
Nếu chúng ta cho rằng thế gian này là chỗ ở lâu dài cho mình thì cũng chẳng hơn gì việc dân Ysơraên xưa cho rằng đồng vắng là cơ nghiệp của họ. Đồng vắng không phải là quê hương họ. Họ không ở đó mãi. Đất hứa đượm sữa và mật ở trước mặt họ. Đó mới là quê hương họ. Tạm thời họ sống trong lều trại. Cũng thế, chúng ta cần hiểu trình trạng của chúng ta tại đây trên đất này là tạm thời. Đây không phải là nơi chúng ta sẽ cư ngụ. Chúng ta nhận ra sự không lâu bền của xứ sở mà chúng ta đang cư trú. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta không mang gì theo được như câu nói rằng "chúng ta không kéo xe chở hàng theo sau chiếc xe tang được." Thế thì, con cái Chúa chúng ta nắm những gì của thế gian này một cách lỏng lẻo, chúng ta đang trông đợi nước Trời. Tuy nhiên đó không phải là thái độ tiêu biểu của những ai thuộc thế gian này. Đa số người khác tin rằng đây là nhà của mình và họ bám vào nó và những gì của thế gian này dường như mọi sự chỉ có thế. Thế nhưng anh em yêu dấu của tôi, mọi sự chẳng phải chỉ có thế! Quê hương chúng ta là trên trời là nơi mà những sự lớn lao hơn nhiều đang chờ đợi chúng ta.
Cuối cùng, đoạn Kinh Thánh dạy chúng ta rằng những ham muốn xác thịt này "chống trả với linh hồn." Những điều dụ dỗ chúng ta phạm tội, cám dỗ chúng ta đi sai lạc khỏi Đức Chúa Trời, muốn chúng ta chết mất, không phải vì lợi ích chúng ta mà chống trả chúng ta! Chúng không hỗ trợ cho đời sống chúng ta mà nghịch cùng sự sống chúng ta! Chúng nghịch cùng sự thạnh vượng phần hồn của chúng ta. Chúng tìm cách kéo chúng ta trở về với đời sống cũ trước đây của chúng ta trong sự trống rỗng dưới hiểm họa của sự rủa sả của Đức Chúa Trời. Một lần nữa, chúng ta có thể suy nghĩ đến dân Ysơraên khi đi trong đồng vắng và những điều cám dỗ họ không chuyên tâm về Đức Chúa Trời. Chúng ta nhớ thể nào dân Ysơraên đói khát và thể nào họ lằm bằm nghịch cùng Đức Giêhôva vì không có đồ ăn nước uống. Tại đây không phải là họ không cần đồ ăn và nước uống nhưng đáng lẽ họ phải có thái độ cầu xin tin cậy Đức Chúa Trời sẽ ban cho họ đồ ăn biết rằng Đức Chúa Trời thật sự sẽ cung ứng. Dân Ysơraên không có thái độ đó. Họ lằm bằm oán trách Đức Chúa Trời. Họ để tâm vào những gì của thế gian này mà bảo rằng nếu họ còn ở trong xứ Êdíptô lại còn tốt hơn. Dân Ysơraên cũng bị cám dỗ ham muốn những người nữ ngoại bang. Dân Ysơraên bị cám dỗ cưới gả với những người nữ Môáp là điều rõ ràng không cho phép. Họ bị xui khiến bởi những ham muốn đời này của mình. Sự thiếu tin cậy của họ tỏ ra khi Môise lên núi trong bốn mươi ngày. Khi ông trở xuống, dân Ysơraên đã làm một tượng bò con vàng. Một lần nữa, mắt họ xây khỏi những gì thiên thượng và họ muốn có điều gì đó cụ thể để đặt lòng tin tưởng. Chúng ta thấy sự ham muốn quyền lực của Côrê, Đathan và Abiram khi họ muốn lật đổ Môise và Arôn. Những điều này là thuộc xác thịt. Những điều này là sự cám dỗ cho họ. Cuối cùng chúng dẫn đến sự rủa sả và chết mất trong đồng vắng cho dân Ysơraên vì tội lỗi của họ. Khi xem xét những tội lỗi nghịch cùng linh hồn chúng ta, chúng ta thấy rõ sự tranh chiến là vì linh hồn của chính chúng ta. Cuộc tranh chiến của chúng ta là nghịch cùng tội lỗi, là những điều khiến chúng ta quay hướng về đời sống cũ của chúng ta. Giống như vợ Lót, là người đã được gọi để cứu thoát khỏi Sôđôm và Gômôrơ nhưng vì bị cám dỗ bởi những vật chất của Sôđôm và Gômôrơ nên quay nhìn lại để rồi hóa thành tượng muối. Vị sứ đồ Phierơ đang nói rằng "Đừng làm thế! Anh em chẳng thấy rằng sự gắn bó với những gì của đời này chỉ thoáng qua mà thôi sao? Hãy coi chừng! Tránh xa nó đi! Hãy tránh xa những gì khiến anh em không chăm xem Đấng Christ và dẫn anh em đến sự thỏa mãn những ham muốn xác thịt!"
Chính Chúa Giêxu cũng nhấn mạnh sự trầm trọng của việc bị lôi cuốn vào lối sống tội lỗi. Chúa Giêxu phán: "Vậy nếu con mắt bên hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy móc mà quăng nó cho xa ngươi đi... Lại nếu tay hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy chặt mà liệng nó cho xa ngươi đi; vì thà chịu một phần thân thể ngươi phải hư, còn hơn là cả thân thể vào địa ngục." (Mathiơ 5:29-30) Tất nhiên, Chúa Giêxu không nói theo nghĩa đen bảo rằng chúng ta nên móc mắt hay chặt tay đi. Ngài muốn nhấn mạnh cho chúng ta tầm quan trọng của việc chạy trốn khỏi đời sống tội lỗi khiến chúng ta đi sai lạc khỏi Đức Chúa Trời. Anh em yêu dấu, cuộc tranh chiến mà chúng ta đang đối diện ngày nay trong sâu thẳm tấm lòng chúng ta nghịch cùng tội lỗi là rất thật. Cơ Đốc Nhân chúng ta phải dấn thân vào đó. Chúng ta không thể cứ đơn giản nhận mình là tội nhân và cứ miệt mài trong những điều đó. Không! chúng ta chạy khỏi nó như sứ đồ Phierơ nài khuyên chúng ta bởi nó chống trả linh hồn chúng ta. Êphêsô đoạn 6 dạy chúng ta rằng chúng ta phải mang lấy khí giới của Đức Chúa Trời để bước vào trận chiến này. Chúng ta phải dấn thân vào trận chiến này và không được chủ quan tự mãn. Xin đừng rời mắt khỏi phần thưởng đặt trước mặt chúng ta. Xin đừng rời mắt khỏi những gì Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta. Xin tư tưởng và tấm lòng chúng ta đặt nơi những sự thiêng liêng, những gì công bình thanh sạch và tốt lành. Xin chúng ta trốn khỏi những gì dẫn đến sự chết. Trốn khỏi sự chống nghịch Đức Chúa Trời. Trốn khỏi những gì của thế gian này đang cám dỗ chúng ta rời mắt khỏi Chúa Giêxu Christ. Trong mọi sự, ăn hoặc uống, thức hay ngủ, lúc làm việc hay lúc vui chơi, hãy làm vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời.
Lạy Cha thiên thượng quyền năng của chúng con. Ngài đã kêu gọi chúng ta xông ra trận tiền, chiến đấu cùng ham muốn xác thịt, là điều chống trả cùng linh hồn chúng con. Xin cho chúng con kiêng cữ khỏi những ham muốn xác thịt, tránh xa chúng đi. Xin cho chúng con chăm xem Đấng Christ, chăm xem những gì chúng con đã được ban cho trong Đấng Christ. Nguyện chúng con được đắc thắng trong Đấng Christ, đắc thắng tội lỗi chúng con và sống vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời. Chúng con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Giêxu Christ. Amen.
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)