Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Vì Cớ Chúng Ta - 7/2007  


VÌ CỚ CHÚNG TA
(1Phierơ 1:12)

Kính Thưa Hội Thánh yêu dấu của Cứu Chúa Giêxu. Điều gì thật sự quyến rũ quí vị, khiến quí vị quan tâm, chiếm lấy suy nghĩ của quí vị hằng giờ, khi quí vị học, đọc hay muốn tìm hiểu cho biết? Tôi biết trong trường hợp các con của tôi, chúng nó rất thích tìm hiểu những điều liên quan đến sinh vật học hoặc động vật học. Chúng nói thật sự bị quyến rũ bởi phía gia đình bên vợ của tôi. Em trai tôi và tôi thường quấy rầy ba vợ tôi mỗi khi chúng tôi đến nhà ông vì trong nhà có hơn mười bộ sách về đề tài nấm mà thôi. Vợ tôi và các con chúng tôi thừa hưởng cái thú đam mê về những vật sống cho nên kệ sách của chúng tôi phản ảnh sự đam mê đó.

Tôi biết có một số người trong vòng chúng ta lại đam mê những thứ khác mà họ có thể kể cho quí vị nghe rất rành mạch những điều họ ưa thích. Một số thì quan tâm đến vấn đề chính trị, thể thao, máy vi tính. Số người khác thì có thú riêng trong nhiều điều khác nữa. Những điều nầy chiếm lấy sự chú ý và quan tâm của chúng ta. Tất nhiên là không có gì sai trong những điều nầy hay trong chúng ta. Nhưng những điều chúng ta quan tâm hay đam mê thuộc về đất nầy không nên che khuất sự chú ý của chúng ta trong sự chuyên tâm tìm kiếm những điều thuộc về Chúa. Tôi ngại rằng ngay cả trong giới Tin Lành có nhiều người trong hội thánh lại đam mê về những điều khác làm cho mất đi lòng thích thú muốn học biết điều thuộc về Chúa. Có nhiều người Kinh Thánh của họ chỉ nằm trên kệ, không được mở ra để học hỏi một cách chuyên cần. Đối với nhiều người thời gian nhóm cầu nguyện không là một phước hạnh mà là một áp bức. Rõ ràng điều nầy đi ngược lại với điều đáng nên làm. Chúng ta là Cơ Đốc nhân không ham thích gì hơn điều mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta trong Chúa Giêxu Christ. Có điều gì khiến chúng ta đam mê hơn điều đó? Khúc Kinh Thánh của chúng ta hôm nay muốn ghi dấu ấn trong chúng ta tính chất lạ lùng của kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời mà chúng ta nhận được từ nơi Đức Chúa Trời. Tôi có quyển sách trên kệ của tôi trong thư viện có tựa là: "Đem Sự Lạ Lùng Trở Vào Ân Điển", sách nầy được viết bởi ông Michael Scott Horton. Ông nầy bây giờ là giảng sư của trường Thần Học Westminster tại California. Tác giả đưa ra điểm nầy rằng có nhiều Cơ Đốc nhân bao gồm nhiều người trong vòng các giáo hội Cải Cách đã không còn thấy tính chất lạ lùng, kinh ngạc của tình yêu thương của Đức Chúa Trời được bày tỏ ra trong Tin Lành của Chúa Giêxu Christ.

Hôm nay chúng ta sẽ để thời gian suy gẫm về sứ điệp của Tin Lành bởi xem xét ba điều. Thứ nhất, sứ điệp Tin Lành là cho chúng ta. Sứ điệp đó cho quí vị và tôi. Sứ điệp đó được ban cho để chúng ta được cứu rỗi. Thứ hai, sứ điệp đó phải được rao giảng. Đó là điều mà chúng ta đang làm phải không? Cuối cùng, rõ ràng sứ điệp Tin Lành đáng được nghiên cứu. Điều đầu tiên mà chúng ta xem xét ấy là sứ điệp của các tiên tri. Sứ điệp của các tiên tri được rao truyền ra để cho chúng ta. Chúng ta học trong kỳ rồi trong câu 10 và 11, đã để thời gian xem xét sứ điệp đã được rao truyền liên quan đến sự đến của Đấng Christ, sự chịu khổ và vinh hiển theo sau. Sứ điệp kêu gọi chúng ta tìm kiếm trong Thánh Kinh hầu cho chúng ta có được sự hiểu biết trọn vẹn hơn về sự cứu rỗi được ban cho chúng ta. Khúc Kinh Thánh nầy dẫn chúng ta đến sứ điệp của các tiên tri và như chúng ta có đề cập đến trong kỳ rồi, Cựu ước rất quan trọng cho chúng ta. Sứ điệp của các tiên tri là chìa khóa để chúng ta hiểu được công việc của Đấng Christ.

Như tôi có đề cập đến trong những bài giảng trước, chúng ta không nhảy từ câu chuyện Ađam và Êva phạm tội trong Sáng Thế Ký đoạn 3 ngay vào thập tự giá của Chúa Giêxu Christ trong các sách Tin Lành. Đức Chúa Trời có một thời hạn, hàng ngàn năm, giữa sự sa ngã và sự đến của Đấng Christ. Qua những năm nầy chúng ta tìm thấy Cựu ước được mở ra, có thể nói là như chiếc hoa của sự cứu chuộc. Bắt đầu bằng một hạt rất nhỏ trong Sáng Thế Ký 3:1 là lời hứa rằng Đức Chúa Trời sẽ sai Đấng làm trung bảo cho chúng ta, là tội nhân, Đấng ấy sẽ giày đạp đầu con rắn. Rồi khi chiếc hoa ấy nở ra chúng ta đọc thấy dòng dõi đó thu hẹp vào dòng dõi của Ápraham, rồi đến Isác, rồi đến Giacốp, xong rồi đến một trong mười hai con trai của ông, và rồi đến gia đình của Đavít. Chúng ta biết rằng đầy tớ chịu khổ của Đức Chúa Trời, Đấng Mêsi sẽ đến trong dòng dõi của Đavít. Dầu vậy khi chúng ta xem Cựu ước từ cái nhìn của những người thời đó chắc chắn kiến thức của họ về Đấng Cứu Chuộc, về đặc tính của Đấng Christ và tính chất công việc của Ngài vẫn còn hạn chế. Không phải vai trò của những tiên tri trong Thánh Kinh không biết gì hết về những gì họ viết. Rõ ràng sứ điệp mà Đức Chúa Trời chuyển qua họ trong Thánh Kinh Cựu ước cũng là cho họ nữa để họ có sự hi vọng trong lời hứa của Đức Chúa Trời, để họ tin vào những lời hứa đó hầu cho họ có thể được cứu. Một số tiên tri thấy rõ bức tranh ai là Cứu Chúa, nhưng Thánh Kinh cũng cho biết rõ rằng một số tiên tri lớn trong Cựu ước như Êsai, Giêrêmi... những tiên tri nầy không thể và đã không thấy được như chúng ta thấy theo cái nhìn của chúng ta ngay cả tiên tri cuối cùng của Cựu ước. Quí vị có nghĩ vậy không? Vị tiên tri cuối cùng của Cựu ước được tìm thấy trong Tân ước là Giăng Báptít. Giăng Báptít là tiên tri cuối cùng trước khi Đấng Christ đến, là người thông báo sự đến của Chúa, nhưng Giăng Báptít không bao giờ thấy trọn được vương quốc của Đức Chúa Trời được ứng nghiệm trọn vẹn khi Đấng Christ chết trên thập tự giá. Ông đã không thấy sự ứng nghiệm của lời hứa mà ông rao ra. Đó là lý do tại sao Chúa Giêxu phán rằng kẻ rất nhỏ trong nước thiên đàng còn lớn hơn Giăng Báptít. Lớn hơn không có nghĩa là về dóc dáng nhưng là lớn hơn trong ý nghĩa họ có được sự hiểu biết trọn vẹn hơn trong sự vinh hiển của sự cứu chuộc của họ, về sự dịu kỳ lạ lùng trong kế hoạch của Đức Chúa Trời được kết quả qua công việc của Chúa Giêxu Christ. Dầu các tiên tri của Cựu ước không hiểu được trọn vẹn sứ điệp của họ nhưng họ hiểu rằng sứ điệp của họ cần phải được viết xuống, ghi lại. Cho nên họ được Chúa cảm ứng để viết, không phải cho riêng họ nhưng cho chúng ta.

Theo như khúc Kinh Thánh nầy, khi chúng ta đọc Thánh Kinh Cựu ước, khi chúng ta đọc qua các tiên tri thì thật sự hiểu rằng những điều đó được viết cho chúng ta. Những điều nầy không được viết để cho chúng ta làm ngơ. Có nhiều người hình như không hiểu được sứ điệp trong Cựu ước cho nên họ nghĩ rằng Tân ước thì tốt hơn. Nhưng Thánh Kinh không phải như vậy. Cựu ước soi sáng tâm trí của chúng ta liên quan đến công việc của Đức Chúa Giêxu Christ. Cựu ước được dùng để cho chúng ta nuôi nấng, được phước. Khải thị từ nơi Đức Chúa Trời khiến chúng ta kinh ngạc về công việc của Đấng Christ. Làm sao hiểu được Tin Lành mà chúng ta đang có nếu không có luật pháp của Chúa bày tỏ ra qua Môise là tiên tri của Đức Chúa Trời? Chúng ta biết được gì về sự hi sinh của Đấng Christ nếu không có hệ thống sinh tế trong Cựu ước, thế nào Ngài đến để làm trọn tế lễ hi sinh đó? Chúng ta biết được gì về sự bất lực của con người không thể tự cứu mình được nếu chúng ta không thấy được chính dân Ysơraên, đã được chính Đức Chúa Trời lựa chọn để làm dân sự Ngài, vẫn cứ rơi vào tội lỗi lần nầy đến lần khác. Chúng ta quá tuyệt vọng cho nên phải nhờ vào ân điển của Đức Chúa Trời giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Chúng ta cần Cựu ước của Thánh Kinh để dạy cho chúng ta biết về Đức Chúa Trời. Những tiên tri trong Cựu ước hiểu được rằng họ viết không chỉ cho riêng họ nhưng cho chúng ta. Quí vị xem trong sách Dân Số Ký đoạn 24, đây là một tiên tri không bình thường nhưng khi ông nói tiên tri liên quan đến dân Ysơraên, trong câu 17, "Tôi thấy Người, nhưng chẳng phải bây giờ; Tôi xem Người, nhưng chẳng phải ở gần; Một ngôi sao hiện ra từ Giacốp, Một cây phủ việt trồi lên từ Ysơraên; Người sẽ đâm lủng Môáp từ đầu nầy tới đầu kia, Hủy diệt dân hay dấy giặc nầy." Ở đây ông không nói về ai khác hơn là Đức Chúa Giêxu Christ. Ông nói trong mấy chữ đầu, "Tôi thấy Người, nhưng chẳng phải bây giờ", ông đã không hiểu được lời tiên tri mà ông được ban cho, "Tôi xem Người, nhưng chẳng phải ở gần", có nghĩa điều nầy còn lâu lắm và ông không thể hiểu được hết.

Trong Phục truyền luật lệ Ký điều tương tự cũng xảy ra cho Môise. Ông nói về một tiên tri, một tiên tri lớn hơn ông. Dầu ông hiểu được tiên tri đó là gì nhưng kiến thức của ông vẫn còn bị hạn chế, ông không biết tiên tri đó là ai. Trong Công vụ các Sứ đồ đoạn 2 sứ đồ Phierơ rao giảng sứ điệp trong ngày Lễ Ngũ Tuần về Đavít, "Nhưng, vì người là đấng tiên tri, và biết Đức Chúa Trời đã thề hứa với người sẽ cho một hậu tự người ngồi trên ngai mình, thì người đã thấy trước và nói trước về sự sống lại của Đấng Christ rằng: Ngài chẳng bị để nơi âm phủ, và xác thịt Ngài chẳng thấy sự hư nát. Đức Chúa Jêsus nầy, Đức Chúa Trời đã khiến sống lại, và chúng ta thảy đều làm chứng về sự đó" (Công-vụ 2:30-32). Đavít thấy điều nầy rất rõ ràng, ông hiểu điều đó trong Thi thiên mà ông viết trong (Thi thiên 16:8-11), nhưng kiến thức của Đavít vẫn còn bị hạn chế không biết cuối cùng Cứu Chúa đó là ai.

Chúng ta thấy đó, sứ điệp của họ là cho chúng ta. Họ viết những sứ điệp đó xuống khi họ được Đức Chúa Trời cảm ứng để cho chúng ta hầu cho chúng ta tin vào Tin Lành, hầu cho chúng ta tin vào Đức Chúa Trời là Cứu Chúa và Chúa chúng ta khi thấy Đức Chúa Trời đã hứa những điều nầy và Ngài làm cho ứng nghiệm, hầu cho chúng ta thấy rằng Ngài thành tín với những lời hứa của Ngài từ Cựu ước vào Tân ước để chúng ta tin vào lời hứa của Ngài bây giờ. Những lời tiên tri đó được ban cho chúng ta để chúng ta hiểu được chiều sâu ý nghĩa của sự cứu chuộc hầu cho chúng ta thấy và hiểu được ý nghĩa thế nào khi chúng ta được cứu khỏi tội lỗi của chúng ta, hầu cho chúng ta kinh ngạc thế nào chi tiết trong Thánh Kinh được ứng nghiệm trong sự đến của Đấng Christ.

Tôi luôn thấy học Thánh Kinh Cựu ước thật quyến rũ như chúng ta học sáng nay trong 1Samuên đoạn 7 thấy thế nào chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời được ứng nghiệm một cách chính xác trong Đấng Christ, và thế nào câu chuyện Cựu ước nầy dạy chúng ta về tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với tội nhân, đối với dân sự của Ngài. Chúng ta thấy những tác giả của Thánh Kinh khi viết lại những khải thị của Đức Chúa Trời họ không viết cho riêng họ. Dầu họ không hiểu được trọn vẹn nhưng họ ghi lại những sứ điệp đó hầu cho chúng ta hiểu được sự đầy đủ của sự cứu rỗi chúng ta. Đây là những phước hạnh của Thánh Kinh nhưng thực tế đối với nhiều người, Kinh Thánh cứ nằm trên kệ, bỏ không, không cảm kích, không cần quan tâm tới, đặc biệt là Cựu ước. Tôi khích lệ quí vị, là dân sự của Đức Chúa Trời, hãy đào sâu vào sự mầu nhiệm nầy, hãy học lời trong đó. Kinh Thánh rất phong phú và xác thực được viết cho chúng ta hầu cho chúng ta được phước. Hãy đọc Kinh Thánh, học Kinh Thánh để điều đó là một phước hạnh cho quí vị.

Sứ điệp Tin Lành đó không chỉ cho riêng chúng ta, câu Kinh Thánh nầy chép rằng sứ điệp đó phải được giảng ra. Có ba điều mà tôi muốn quí vị thấy ở điểm đặc biệt nầy: Thứ nhất, Tin Lành rao giảng ra ở đây được xây dựng trên nền tảng lập ra bởi các tiên tri thời Cựu ước. Sứ đồ Phierơ muốn cho độc giả hiểu được điểm mà ông muốn nhấn mạnh. Ông không nói đến điều trống rỗng, mới mẻ hay tự ông đặt ra. Nếu chúng ta đọc thêm nữa thì chúng ta sẽ thấy rõ ràng hơn trong 2Phierơ 1:16, "Vả, khi chúng tôi đã làm cho anh em biết quyền phép và sự đến của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, thì chẳng phải là theo những chuyện khéo đặt để, bèn là chính mắt chúng tôi đã ngó thấy sự oai nghiêm Ngài", và trong câu 19, "Nhơn đó, chúng tôi càng tin lời các đấng tiên tri chắc chắn hơn, anh em nên chú ý lời đó, như cái đèn soi sáng trong nơi tối tăm..." Ông biết Cựu ước là nền tảng căn bản mà Đức Chúa Trời bày tỏ ra bằng lời của Ngài về sự đến của Đấng Christ. Sứ điệp mà ông và các sứ đồ khác rao giảng dựa vào lời của Đức Chúa Trời được tỏ ra và ông khẳng định về thực tế nầy. Ông muốn độc giả hiểu được rằng đây không phải là sự dạy mới nhưng là sự dạy dỗ dựa vào lời được chép trong Thánh Kinh. Đó là kết quả của lời hứa của các tiên tri. Vì vậy điều nầy cũng đúng cho chúng ta. Chúng ta nên giống như những người ở thành Bêrê hồi xưa trong sách Công vụ các Sứ đồ. Họ học Kinh Thánh, nghe những lời được rao giảng, lắng nghe lời trong Thánh Kinh Tân ước để so sánh với Cựu ước. Chỉ có một sứ điệp và sứ điệp nầy được xây dựng trên điều đã được ban cho hội thánh. Sứ điệp của Đức Chúa Trời, sứ điệp được rao giảng ra được xây dựng trên những gì Đức Chúa Trời ban cho trong Cựu ước.

Thứ nhì, Đức Chúa Trời dùng sự giảng dạy lời của Ngài để đem sứ điệp của Ngài đến dân sự Ngài. Nhiều khi chúng ta hỏi tại sao sự giảng dạy lại rất quan trọng, là điều chính yếu mà chúng ta làm khi chúng ta là dân sự của Đức Chúa Trời nhóm họp lại. John Calvin và nhiều người theo phái cải cách suy ra điều nầy đến độ họ phải đặt tòa giảng ở chính giữa nhà thờ. Họ đặt tòa giảng ở chính giữa bởi họ tin rằng sự rao giảng lời Chúa là nền tảng trong sự giảng dạy Tin Lành. Họ làm điều nầy khác xa với những người trước họ trong giáo hội Công Giáo La mã. Ngay cả ngày nay nếu ta vào nhà thờ của giáo phái Lutheran thì sẽ thấy tòa giảng ở một bên còn bàn tiệc thánh thì để chính giữa vì đối với họ điều nhìn thấy được quan trọng hơn sự lời của Chúa được rao giảng. Rất rõ ràng, chúng ta học trong Thánh Kinh rằng Đức Chúa Trời hành động qua sự giảng dạy dồ dại khi lời của Ngài được rao giảng. Sứ đồ Phaolô giải thích điều nầy trong nhiều chỗ. Trong 1Côrinhtô 1:17-18, ở đây sứ đồ được Chúa cảm ứng chép: "Thật vậy, Đấng Christ đã sai tôi, chẳng phải để làm phép báptem đâu, nhưng để rao giảng Tin Lành, và chẳng dùng sự khôn khéo mà giảng, kẻo thập tự giá của Đấng Christ ra vô ích. Bởi vì lời giảng về thập tự giá, thì những người hư mất cho là điên dại; song về phần chúng ta, là kẻ được cứu chuộc, thì cho là quyền phép của Đức Chúa Trời", và câu 21, "Vì, tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng nhờ sự khôn ngoan Đức Chúa Trời mà nhận biết Đức Chúa Trời, nên Ngài đành lòng dùng sự giảng dồ dại của chúng ta mà cứu rỗi những người tin cậy." Trong Rôma 10:14-18, "Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao? Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao giảng thể nào? như có chép rằng: Những bàn chơn kẻ rao truyền tin Lành là tốt đẹp biết bao! Nhưng chẳng phải mọi người đều nghe theo tin lành đâu; vì Êsai có nói rằng: Lạy Chúa, ai tin lời chúng tôi rao giảng? Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng. Nhưng tôi hỏi: Có phải là họ chưa nghe chăng? Trái lại, tiếng của các sứ giả đã vang khắp đất, và lời của sứ giả đã đạt đến cùng thế gian."

Đức Chúa Trời dùng sự rao truyền, giảng dạy lời của Ngài để thay đổi lòng của dân sự Ngài. Trong sách Tít đoạn 1 câu 3, "Tới kỳ chỉ định, Ngài đã bày tỏ lời của Ngài ra bởi sự giảng dạy, là sự ta đã chịu giao phó theo mạng lịnh Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa chúng ta". Chúng ta có thể tiếp tục xem một số câu Kinh Thánh khác như là 1Timôthê 4:2, sứ đồ Phaolô bảo Timôthê giảng dạy bất luận gặp thời hay không gặp thời. Chúng ta thấy đó, điểm chính của sứ điệp nầy là Tin Lành đến với người ta qua sự giảng dạy. Đây là điều Chúa muốn, đây là mạng lệnh của Ngài. Khi chúng ta giảng dạy lời của Đức Chúa Trời thì sứ điệp Tin Lành được công bố cho thế gian. Vì thế cho nên chúng ta coi trọng thời gian chúng ta nhóm họp lại với nhau khi chúng ta lắng nghe lời của Đức Chúa Trời được rao giảng, khi Thánh Kinh được giải thích cho chúng ta hầu cho chúng ta suy gẫm về công việc của Đức Chúa Trời được hoàn tất.

Thứ ba, chúng ta thấy sứ điệp của Tin Lành được "rao giảng cho anh em bởi những người giảng Tin Lành cùng với Đức Thánh Linh được sai xuống từ trên trời". Sứ điệp Tin Lành được hoàn tất bởi Đức Thánh Linh. Có một số câu Kinh Thánh khác cũng tương tự như câu nầy, 1Côrinhtô 2:4, "Lời nói và sự giảng của tôi chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép". Trong 2Phierơ đoạn 1 sứ đồ Phierơ một lần nữa khẳng định điều nầy. Ông muốn chắc rằng dân sự của Đức Chúa Trời hiểu được rằng sứ điệp không phải đến từ ông. "Chúng tôi không đi theo chuyện huyễn thiêng liêng nhưng chúng tôi rao giảng lời của Đức Chúa Trời", và lời của Đức Chúa Trời đó được đặt ngang hàng với Cựu ước như có chép trong 2Phierơ đoạn 3. Các tác giả của Cựu ước được Đức Thánh Linh cảm ứng để viết những điều họ đã viết thì cũng giống vậy, sứ đồ Phierơ viết cho hội thánh cũng được Đức Chúa Trời cảm ứng.

Cũng vậy, ngày nay khi Thánh Kinh được rao giảng cho hội thánh thì Thánh Linh cùng làm việc với những người rao giảng lẽ thật để hành động trong lòng của dân sự Ngài. Đây là điều khác biệt giữa những giáo hội cận đại và chính thống. Không biết có bao nhiêu người trong quí vị quen thuộc với những giáo hội nầy. Một số người ngày nay cho rằng tự Thánh Kinh không phải là lời của Đức Chúa Trời nhưng nó sẽ trở thành lời của Đức Chúa Trời khi được rao giảng và hành động trong lòng chúng ta. Không, chúng ta là những người tin Chúa tin rằng Kinh Thánh mà chúng ta có là Thánh Kinh. Những lời trên những trang nầy là những lời được Đức Chúa Trời cảm ứng. Những lời nầy chính là lời của Đức Chúa Trời chớ không phải sẽ trở thành lời của Đức Chúa Trời khi được rao giảng vào lòng của chúng ta. Chúng ta biết rằng Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời là Đấng mở lòng của chúng ta để chúng ta tiếp nhận lời của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời dùng sự rao giảng lời của Ngài qua Đức Thánh Linh để thay đổi lòng và đời sống của những người nghe Tin Lành. Những người rao giảng ngày nay rao giảng lời của Đức Chúa Trời và những lời đó được ban cho từ trong Thánh Kinh cho nên chúng tôi thường cầu nguyện rằng qua bài giảng Đức Thánh Linh làm việc trong lòng của những người nghe và ứng dụng lời của Đức Chúa Trời vào lòng của chúng ta.

Cuối cùng, chúng ta muốn hiểu rằng sứ điệp Tin Lành đáng cho chúng ta xem xét. Ấy là cụm từ chót trong 1Phierơ 1:12, "các thiên sứ cũng ước ao xem thấu những sự đó." Chúng ta có bức tranh các thiên sứ nhìn xuống để xem thấy kế hoạch cứu chuộc của Đức Chúa Trời được lộ ra. Không phải họ nhìn xuống với lòng ganh tị, khinh thường con người khi hành động cứu chuộc nầy được làm thay cho con người, nhưng họ nhìn xuống với sự thích thú lớn. Tôi tin rằng các thiên sứ trên trời khi nhìn vào lời của Đức Chúa Trời họ vui thích trong sự cứu rỗi mà Ngài ban cho con người bởi vì chính họ nhìn ngắm sự khôn ngoan và ân điển của Đức Chúa Trời và lấy làm kinh ngạc. Họ hòa đồng cùng các vật thọ tạo khác trong sự ngợi khen Đức Chúa Trời như được chép trong sách Khải Huyền.

Điểm chính của câu Kinh Thánh chúng ta hôm nay là đây: Nếu các thiên sứ trên trời kinh ngạc trước sự cứu rỗi được ban cho nhân loại, cho dân sự của Đức Chúa Trời, mà chính họ không nếm biết được ân điển đó thì chúng ta có nên thích thú hơn họ không? Chúng ta có nên vui thích nhiều hơn họ vui thích không khi nhìn vào sự lạ lùng của sự cứu rỗi của chúng ta vì chúng ta là những người thừa hưởng ân điển nầy? Chúng ta là những người đã được phước bởi sự đến của Đấng Christ. Chúng ta là những người mà tội lỗi được đặt trên Đấng Christ, trên thập tự giá. Chúng ta là những người đã đồng chết với Ngài và cũng được đồng sống lại với Ngài một đời sống mới. Chúng ta đã bị dành cho địa ngục và sự đoán phạt mà bây giờ được ban cho lời hứa rằng sẽ được sống trước sự hiện diện của Ngài trên thiên đàng thì chúng ta nên vui thích trong những lời hứa của Đức Chúa Trời. Chúng ta nên tra xem Thánh Kinh và tra xem một cách cách cẩn thận kế hoạch cứu chuộc của Đức Chúa Trời đã được ban cho chúng ta cách nhưng không.

Vâng, thưa dân sự của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể ưa thích nhiều điều, có thể có nhiều điều bắt lấy sự chú ý của chúng ta nhưng không có điều nào đặc biệt, không có điều nào làm cho chúng ta vui thích hơn. Không nên có điều nào mà chúng ta ham muốn hơn là sự học hỏi lời của Đức Chúa Trời để suy gẫm về ân điển được ban cho trong Đấng Christ. Bởi vì sứ điệp Tin Lành đó thật là thâm thúy, sứ điệp đó thật là thích thú làm sao đối với những người đã nếm biết được sự nhân từ của Đức Chúa Trời. Cầu xin cho chúng ta mỗi ngày càng vui thích hơn trong sự tìm kiếm những điều nầy. Amen.

Lạy Cha chúng con ở trên trời, Chúa ôi xin Ngài tha thứ cho chúng con khi chúng con không vui thích như chúng con đáng phải vui thích trong ân điển được ban cho chúng con cách nhưng không qua Chúa Giêxu Christ, Cứu Chúa của chúng con. Chúa ôi, cầu xin Ngài giúp chúng con yêu mến Chúa Giêxu hơn, giúp chúng con học lời của Ngài và khi chúng con học thì chúng con sẽ hiểu được nhiều hơn về tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng con, hiểu được bề rộng, bề sâu, bề dài, bề cao của tình yêu thương mà Ngài dành cho những người Ngài lựa chọn. Cầu xin Chúa cho chúng con có tinh thần vui mừng trong sự nhận biết lẽ thật của Ngài. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu. Amen.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)