Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Xa Mặt Nhưng Không Cách Lòng - 5/2007  


XA MẶT NHƯNG KHÔNG CÁCH LÒNG
(1Phierơ 1:8-9)

Kính thưa hội thánh yêu dấu của Cứu Chúa Giêxu. Trong sự nghiên cứu của chúng ta về sách 1Phierơ cho đến điểm nầy, rất rõ ràng sứ đồ Phierơ bày tỏ sự quan tâm đến thực tế trong hiện tại của đời sống Cơ Đốc nhân. Chúng ta là những người tin Chúa đang trên đường hướng về cơ nghiệp của chúng ta. Sứ đồ Phierơ được Chúa cảm ứng để viết sách nầy không phải có ý định truyền đạt tư tưởng trừu tượng của thần học về những khái niệm không liên quan đến từng trải hằng ngày của đời sống Cơ Đốc nhân.

Trong những câu mở đầu của đoạn 1, những tín hữu thời Tân Ước được so sánh với dân Ysơraên thời Cựu Ước. Chúng ta được nhắc nhở về dân Ysơraên thế nào họ đã lao vào sự rời khỏi xứ Êdíptô để bắt đầu cuộc hành trình hướng về xứ là cơ nghiệp của họ. Chúng ta cũng được gọi để hiểu rằng chính chúng ta cũng là dân lưu lạc, như những người đang hành trình hướng về cơ nghiệp của chúng ta. Lưu lạc, được chọn bởi Đức Chúa Trời, được nên thánh bởi Đức Thánh Linh, được dự phần trong sự rải huyết giống như dân Ysơraên thời xưa khi đi trong đồng vắng. Khi bước đi trong cuộc hành trình trong đồng vắng là thế gian nầy chúng ta hiểu rằng cơ nghiệp được dành sẵn cho chúng ta và chúng ta được gìn giữ để lãnh cơ nghiệp đó. Chúng ta được yên tâm bởi sự bảo đảm chắc chắn của lời hứa của Đức Chúa Trời. Không gì trong cuộc hành trình mà chúng ta đang dự phần nầy có thể ngăn trở sự cứu rỗi cuối cùng của dân sự của Đức Chúa Trời. Vì cớ đó chúng ta nên vui mừng dầu bây giờ trong thực tế đời sống Cơ Đốc nhân có thể bị nhiều thử thách, chịu khổ giống như dân Ysơraên trong đồng vắng phải trải qua nhiều thử thách hoạn nạn. Chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy rằng chúng ta cũng chịu nhiều khó khăn, đau buồn và những sự khác giống như vậy trong cuộc sống. Tuy nhiên, không giống như dân Ysơraên than phiền, cằn nhằn trước mặt Đức Chúa Trời, ngay cả trong sự thử thách chúng ta được bảo rằng hãy vui mừng vì thật sự đức tin của chúng ta được thử nghiệm và danh của Chúa được vinh hiển trong sự thử thách.

Thư tín nầy rất thực tế, nó không hứa hẹn một đời sống an nhàn cho những ai đến trong sự nhận biết Đức Chúa Giêxu Christ. Thư nầy cho chúng ta biết rằng chúng ta phải chịu nhiều sự khó khăn, chiến đấu trong của đời sống, có thể bởi sự bắt bớ nơi đức tin của chúng ta hay sự chịu khổ bởi hoàn cảnh chung của đời sống. Đức tin chúng ta bị thử thách và Đức Chúa Trời làm việc trong chúng ta để nó được xác nhận và minh chứng và cuối cùng là qui vinh hiển về cho Đức Chúa Trời. Quí vị thấy lá thư nầy rất thiết thực liên quan đến đời sống của tín hữu trên chuyến hành trình của họ hướng về cơ nghiệp đời đời. Trong câu 8 và 9 của khúc Kinh Thánh nầy sứ đồ viết tiếp về thực tế hiện tại của tín hữu. Chúng ta sẽ xem xét thực tế hiện tại mà chúng ta từng trải trong ba điểm sau: Thứ nhất, chúng ta muốn xem xét về sự thiếu sự trông thấy, thực tế chúng ta không thể thấy Đấng Christ. Thứ hai, chúng ta muốn xem xét mối liên hệ cá nhân của chúng ta với Đấng Christ. Cuối cùng, chúng ta muốn xem về sự trông cậy hiện nay của chúng ta về sự cứu rỗi được ban cho bởi Đấng Christ.

Điều đầu tiên chúng ta được nhắc nhở bởi những câu nầy rằng thực tế hiện nay chúng ta, là những tín hữu, không thể thấy được Đấng Christ. Chúng ta không thể thấy được Ngài. Ngài không đứng trước mặt chúng ta dưới dạng có thể nhìn thấy được khi chúng ta nhóm họp lại đây. Chữ "không thấy" được nhắc đến hai lần ở đây trong câu 8, "Ngài là Đấng anh em không thấy", và "dầu bây giờ anh em không thấy Ngài". Chữ nầy được diễn tả bằng hai cách khác nhau. Dầu sứ đồ Phierơ đã thấy Đấng Christ nhưng thực tế hầu hết những tín hữu mà Phierơ viết thư nầy cho đã không thấy Đấng Christ. Họ không thấy Ngài bằng chính con mắt của họ. Không những họ không thấy Ngài nhưng bây giờ họ cũng đang không thấy Ngài bởi vì thực tế tất cả những tín hữu hiện nay không thấy Ngài. Chúng ta đã không thấy Ngài và hiện nay chúng ta cũng không trông thấy Ngài.

Trong một ý nghĩa nào đó điều nầy khác nhiều với từng trải của chính sứ đồ Phierơ. Sứ đồ Phierơ là người đã từng cùng ở, cùng đi với Đấng Christ trong thời gian gần ba năm khi ông làm môn đồ phục vụ Ngài. Sứ đồ Phierơ đã từng đi trên những con đường mà chính Chúa đã đi. Ông là một trong những môn đồ gần gũi với Đấng Christ. Sứ đồ Phierơ là người làm chứng về những phép lạ của Chúa. Ông thấy nhiều người được chữa lành. Thực tế bà gia của ông là người bị bệnh, ông đã thấy Đức Chúa Giêxu Christ chữa lành bà ngay trong nhà của bà và sau đó bà chờ dậy phục vụ họ. Ông thấy và làm chứng về sự dạy dỗ của Đấng Christ. Ông ngồi dưới chân của Ngài, ông thấy tình yêu thương của Chúa đối với người khác và chính ông cũng kinh nghiệm tình yêu thương của Ngài đối với ông. Ông thấy trong vườn Ghếtsêmanê sự khổ sở kinh khủng của Đấng Christ khi Ngài khóc và cầu nguyện dốc lòng ra với Đức Chúa Trời. Phierơ là người đã chứng kiến cái chết thảm khốc của Đấng Christ trên thập tự giá và cũng là một trong những người đầu tiên nơi mộ mà người ta chôn Ngài trong buổi sáng phục sinh. Ông nói chuyện với Cứu Chúa phục sinh trong một vài lần khác nhau. Ông cùng với một số các môn đồ khác nhìn thấy Đức Chúa Giêxu thăng thiên lên trời cho đến khi Ngài khuất giữa đám mây và ông nghe lời hứa của thiên sứ rằng, giống như Ngài đã thăng thiên, Ngài sẽ trở lại. Tất cả những điều đó nói đến mối liên hệ gần gũi mà ông có với Đấng Christ. Ông đã có mối liên hệ cá nhân với Đấng mà ông yêu mến và quan tâm. Ông thấy Đấng đã phó chính mình Ngài cho ông. Phierơ nầy sau tất cả những điều đó, bên bãi biển đã được Chúa Giêxu hỏi ba lần, "Phierơ, ngươi yêu ta chăng?" và cả ba lần Phierơ đều trả lời "Vâng" ông yêu Ngài. Chúng ta thấy mối liên hệ cá nhân thân mật mà sứ đồ Phierơ có với Đấng Christ, mặt đối mặt không phải là từng trải của bất cứ Cơ Đốc nhân nào ngày hôm nay. Chúng ta đã không thấy Ngài và ngay bây giờ cũng không thấy Ngài.

Có lẽ có một số người trong Cơ Đốc giáo ước ao rằng nếu họ có thể thấy Chúa. Sẽ dễ dàng yêu Chúa Giêxu hơn nếu chúng ta có thể thấy Ngài, nói chuyện với Ngài và kể cho Ngài nghe tất cả những nan đề của chúng ta. Sẽ dễ dàng tin nhận nơi Chúa Giêxu Christ hơn nếu chúng ta có thể thấy Chúa Giêxu làm phép lạ như sứ đồ Phierơ đã trông thấy, nếu chúng ta chứng kiến được sự sống lại của Ngài. Chắc chắn là nếu chúng ta có thể thấy Ngài bằng mắt nầy thì mối liên hệ cá nhân của chúng ta với Ngài sẽ được tăng lên nhiều hơn. Chỉ bởi sự tiếp xúc cá nhân với Ngài có lẽ chuyến hành trình mà chúng ta đang đi đây, chuyến hành trình hướng về cơ nghiệp của chúng ta sẽ dễ dàng hơn nếu sự hiện diện của Ngài với chúng ta có thể trông thấy được. Thánh Kinh cho chúng ta biết rằng chúng ta sống bởi đức tin chớ không phải bởi mắt thấy. Trong Giăng đoạn 20, sứ đồ Thôma đã không tin nơi Đấng Christ, ông đòi hỏi rằng ông phải thấy Chúa, dấu đinh nơi tay Chúa và dấu đâm bên hông Ngài thì lúc đó ông mới tin rằng Chúa Giêxu đã được sống lại từ sự chết. Chúa Giêxu cần phải đối diện với Thôma nghi ngờ nầy để nói và chỉ cho ông rằng Ngài thật sự là Cứu Chúa đã sống lại, rồi Ngài nói thêm sau đó rằng: "Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy!" Những kẻ đó là chúng ta. Dầu chúng ta không thấy Ngài bây giờ nhưng chúng ta không nghi ngờ về sự hiện diện của Ngài với chúng ta. Khi Đức Chúa Giêxu về trời Ngài sai Đức Thánh Linh đến với chúng ta như lời hứa của Ngài trong sách Tin Lành Giăng. Ngài phải về trời thì Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời mới có thể ở cùng chúng ta.

Hiện nay chúng ta không thấy Ngài nhưng không có nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ nhìn thấy Ngài. Câu 7 cho chúng ta biết rằng chúng ta sẽ thấy Đấng Christ, Đấng Christ sẽ hiện ra trong ngày cuối cùng. Câu 8, "dầu bây giờ anh em không thấy Ngài", những chữ nầy ngụ ý một ngày nào đó chúng ta sẽ thấy Ngài. chúng ta sẽ thấy Ngài mặt đối mặt cùng với đám đông từ mọi dân tộc mọi thứ tiếng như trong sách Khải huyền chép. Chúng ta sẽ thấy Cứu Chúa phục sinh là Chiên Con đã bị giết. Chúng ta sẽ nhìn Ngài mặt đối mặt. Có phải sự không nhìn thấy của hiện tại phá hoại mối tương giao cá nhân hiện nay của chúng ta với Đấng Christ? Theo khúc Kinh Thánh của chúng ta thì không phải vậy. Mối tương giao cá nhân hiện nay của chúng ta có thể và cũng đáng nên thắm thiết. Dầu chúng ta không thấy Ngài nhưng chúng ta yêu mến Ngài. Tại sao chúng ta yêu mến Ngài? Tại sao lòng chúng ta được kéo đến Chúa Giêxu dầu chúng ta không thể thấy Ngài? Tại sao chúng ta bị ép phải yêu mến Ngài? Tại sao? Bởi vì Ngài yêu chúng ta trước. Tại sao chúng ta yêu Ngài? Bởi vì Ngài đã chịu khổ vì chúng ta. Ngài gánh lấy cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vì cớ tội lỗi của chúng ta. Ngài gánh chịu một cái chết thảm khốc trên thập tự giá. Ngài gánh chịu sự từ bỏ của chính Cha Ngài. Ngài kêu lên: "Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?" (Mác 15:34).

Tại sao chúng ta yêu mến Đức Chúa Giêxu? Bởi vì Ngài cứu chúng ta thoát khỏi sự đoán phạt đời đời. Chúng ta xứng đáng phải ở trong địa ngục. Đó là số phận của chúng ta nếu chúng ta ở ngoài Đấng Christ vì cớ tội lỗi của chúng ta, vì cớ sự gian ác của chúng ta và sự phản loạn của chúng ta chống nghịch lại cùng Đức Chúa Trời nhưng Chúa Giêxu gánh lấy hết. Tại sao chúng ta yêu Ngài? Bởi vì Ngài ban cho chúng ta một cơ nghiệp đẹp đẽ, hoàn hảo và không bao giờ hư đi hay phai tàn. Ngài ban cho chúng ta sự sống đời đời mà chính Ngài đã sống lại từ sự chết và lên trời trước chúng ta. Ngài ban cho chúng ta sự cứu rỗi nầy. Ngài ban cho chúng ta một chỗ ngoài sức tưởng tượng của chúng ta, nơi mà chưa có mắt nào thấy, chưa có tai nào nghe. Tuyệt vời thay những điều mà Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho chúng ta! Tại sao chúng ta yêu mến Đức Chúa Giêxu Christ? Bởi vì Ngài thăng thiên về trời và sai Thánh Linh Ngài xuống thế gian nầy hầu cho Ngài có thể ở cùng chúng ta cho đến tận thế. Tại sao chúng ta yêu mến Đấng Christ? Bởi vì hiện nay Ngài đang quan tâm đến chúng ta và cầu thay cho chúng ta. Ngài yêu hội thánh Ngài. Ngài yêu chúng ta như con cái của Ngài, như dân sự của Ngài.

Tại sao chúng ta yêu mến Đấng Christ? Chúng ta yêu mến Ngài bởi vì chúng ta biết Ngài một cách cá nhân vì Ngài đã bày tỏ Ngài ra cho chúng ta trong lời của Ngài. Trong lời của Ngài, chúng ta nghe Ngài phán với chúng ta. Chúng ta có thể học biết nhiều hơn về Ngài, chúng ta có thể biết Ngài một cách riêng tư và yêu mến Ngài. Chúng ta có thể nói chuyện với Ngài bằng lời cầu nguyện hằng ngày của chúng ta. Chúng ta thờ phượng Ngài qua những bài hát thánh ca. Sự bình an và yên nghỉ của chúng ta được tìm thấy hoàn toàn ở trong Đấng Christ. Vâng chúng ta yêu mến Ngài. Dầu chúng ta chưa từng thấy Ngài nhưng chúng ta vẫn có thể có mối liên hệ nồng thắm với Ngài. Dầu chúng ta không thấy Ngài bây giờ nhưng chúng ta cũng tin Ngài. Khi nói đến "tin Đấng Christ" không có nghĩa là tin Ngài có thật nhưng có nghĩa là chúng ta đặt sự tin cậy của mình vào Ngài. Chúng ta nhận biết rằng chúng ta tin tưởng và lệ thuộc vào Ngài trong mọi sự. Chúng ta có đức tin vào những lời hứa của Ngài và biết những lời hứa đó là thật. Chúng ta được yên nghỉ vì chúng ta tin tưởng vào Đấng Christ là Cứu Chúa của chúng ta, là Đấng lớn hơn Môise. Chúng ta có Đấng giải cứu lớn hơn, Đấng cầu thay lớn hơn. Chúng ta có Đấng dẫn dắt chúng ta đi tận vào xứ mà chúng ta có cơ nghiệp nơi đó. Đấng mà chúng ta có là Đấng Christ. Chúng ta đi theo Ngài. Dầu chúng ta không thấy Ngài nhưng chúng ta không nao núng trong sự tin cậy của chúng ta nơi Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, tin rằng Ngài đã thật sự chết, tha thứ tội lỗi của chúng ta được sống lại trong sự sống mới.

Bất chấp sự không nhìn thấy, mối tương giao cá nhân của chúng ta trong hiện tại với Đấng Christ là một điều được biểu lộ qua sự vui mừng thật. Như chúng ta nhắc đến lần rồi, đây không phải là nụ cười giả tạo trên khuôn mặt của chúng ta hầu cho những người xung quanh nghĩ rằng chúng ta vui. Đây không phải là một điều ngoài da nhưng là một sự mạnh mẽ, thành thật, châm rễ trong sự vui mừng của Tin Lành. Sự vui mừng có thể vượt quá sự buồn rầu, vượt quá sự chịu khổ. Sự vui mừng mà chúng ta có thể kinh nghiệm được ngay cả mắt chúng ta đẫm lệ hay chúng ta phải qua sự thử thách, đau buồn. Đây là sự vui mừng không gì có thể lay chuyển được. Sự vui mừng sâu xa không diễn tả được. Sự vui mừng vì chúng ta an tâm bởi biết rằng không gì có thể phân cách chúng ta khỏi Đức Chúa Trời. Đó là sự vui mừng bám vào sự hi vọng của sự cứu rỗi của chúng ta bởi vì chúng ta biết rằng điều đang chờ đợi chúng ta là lời hứa của thiên đàng. Đây là sự vui mừng vì biết rằng chúng ta không còn bị đoán phạt. Ấy là sự vui mừng mà lời lẽ không thể nào diễn tả được. Chúng ta thấy trong câu Kinh Thánh của chúng ta: "...vui mừng lắm một cách không xiết kể..." Chúng ta không thể dùng lời để diễn tả sự vui mừng của sự cứu rỗi của chúng ta được.

Quí vị có thể thấy được điều nầy đặc biệt là khi quí vị giải thích cho người chưa tin tại sao quí vị tin Chúa. Khi quí vị nói cho họ biết sự bình an, sự vui mừng mà quí vị có, sự hi vọng của sự cứu rỗi, sự tự do khỏi sự đoán phạt của Đức Chúa Trời, sự hi vọng của sự sống đời đời, khi quí vị đang cố gắng giải thích sự vui mừng, sự bình an và mối liên hệ của quí vị có với Đấng Christ là Đấng chết thay cho quí vị thì quí vị sẽ nhận lấy cái nhìn nghi ngờ, kinh ngạc. Hoặc có khi có người nghĩ quí vị bị lầm lạc hay duy tâm. Quí vị sẽ thấy môi miệng của quí vị không thể tìm được lời để diễn tả thực tế của sự vui mừng mà quí vị từng trải thực sự một cách mạnh mẽ nếu quí vị biết Chúa. Nó được châm rễ trong Chúa Cứu Thế Giêxu, nó là sự vui mừng hiện nay. Đó là thực tế hiện tại mà chúng ta kinh nghiệm được trong sự nhận biết Đấng Christ. Đó là sự vui mừng hưởng trước sự vui mừng của thiên đàng như câu Kinh Thánh chép, "...vui mừng lắm một cách không xiết kể và vinh hiển". Có một lời chú giải tôi đọc được trong tuần nầy mà tôi nghĩ rất là chính xác: "Đó là sự vui mừng của thiên đàng trước khi ở thiên đàng". Sự vui mừng mà chúng ta, là Cơ Đốc nhân từng trải được là sự vui mừng của thiên đàng trước khi chúng ta về trên thiên đàng. Chúng ta đã nếm biết sự cứu rỗi của chúng ta. Chúng ta biết được sự nhân từ của Đức Chúa Trời. Chúng ta biết rằng cơ nghiệp của chúng ta được dành sẵn cho chúng ta trên thiên đàng. Chúng ta biết được sự vui mừng của sự cứu rỗi như là thực tại trong đời sống nầy. Đây là lý do tại sao chúng ta hát ngợi khen Đức Chúa Trời, đây là lý do tại sao chúng ta cảm tạ Ngài trong lời cầu nguyện của chúng ta. Đây là sự vui mừng mà chúng ta kinh nghiệm phía bên nầy của thiên đàng. Chúng ta đọc trong sách Khải huyền đoạn 5, đoạn 11 thì thấy đám đông không đếm được đứng trước ngôi trên thiên đàng mặc áo trắng. Họ làm gì ở đó? Họ làm cùng một điều là biểu lộ sự vui mừng và biết ơn từ trong đáy lòng họ đến với Chúa về những gì Chúa ban cho họ. Một sự vui mừng trọn vẹn, thật vui mừng biết bao khi họ đứng trước mặt Đấng Cứu Chuộc yêu dấu của họ. Sự vui mừng đó chúng ta đang có ngay bây giờ, chúng ta đã nếm trước rồi phải không nếu chúng ta biết Đức Chúa Giêxu Christ. Sự vui mừng đó là sự vui mừng không xiết kể.

Cuối cùng tôi muốn nói sơ về sự trông cậy hiện nay mà chúng ta kinh nghiệm trong Đấng Christ. Trong câu 9 nhắc đến "nhận được phần thưởng về đức tin anh em, là sự cứu rỗi linh hồn mình." Trước hết chúng ta cần phải hiểu rằng sự cứu rỗi nhận được không phải là trong tương lai dầu trong một ý nghĩa nó là thực tế của tương lai nhưng nó cũng là thực tế trong hiện tại. Thánh Kinh thường lặp lại lời tuyên bố nói về đời sống của chúng ta trong Đấng Christ ngay bây giờ. Chúng ta được cứu bây giờ. Nếu chúng ta tin nhận nơi Ngài thì chúng ta đã được ban cho sự sống mới. Nếu chúng ta tin nhận nơi Chúa và Đức Chúa Trời làm việc trong lòng chúng ta thì không ai có thể phân cách chúng ta khỏi tình yêu thương của Đấng Christ. Nếu chúng ta là người tin Chúa thật thì chắc chắn không có gì ngăn trở chúng ta khỏi cơ nghiệp của chúng ta. Cơ nghiệp đó đã được dành sẵn cho chúng ta trên thiên đàng. Chúng ta đã được cứu. Đây là điều mà chúng ta nhận được từ nơi Đức Chúa Trời. Đây là công việc của Ngài là "Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Jêsus Christ." Đây là thực tế trong hiện tại. Thứ hai, không có gì quan trọng hơn là sự cứu rỗi linh hồn của chúng ta vì nó là mục tiêu của đức tin của chúng ta. Xin chúng ta suy nghĩ về điều nầy một chút. Tại sao việc tin nhận Chúa rất là quan trọng? Tại sao rất quan trọng khi chúng ta nói nhiều đến được cứu hay sự cứu rỗi? Bởi vì Thánh Kinh cho chúng ta biết nếu ở ngoài Chúa Giêxu Christ chúng ta sẽ bị đoán phạt. Chúng ta sẽ bị đoán phạt cho đến đời đời. Chúng ta phải chịu khổ trong lửa và nỗi đau đớn của địa ngục là nơi sâu bọ chẳng hề chết. Những ai không biết Chúa Cứu Thế chắc chắn sẽ bị sự trừng phạt nầy. Linh hồn họ vị xử phạt. Tại sao chúng ta cần phải được cứu? Bởi vì chúng ta không muốn trải qua những điều đó. Thánh Kinh cho chúng ta biết rằng người tin Chúa thì không bị đoán phạt bởi vì chúng ta đã được cứu bởi huyết báu của Đấng Christ là Đấng chết thay cho chúng ta. Chúng ta được cứu khỏi sự đoán phạt và được ban cho sự sống mới, sự sống không bao giờ chấm dứt trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Sách Khải huyền cho chúng ta biết "Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa; vì những sự thứ nhứt đã qua rồi." Đức Chúa Trời là sự sáng và chúng ta sẽ ở trước mặt Ngài. Chúng ta đã được cứu. Sự cứu rỗi của chúng ta vượt quá sự suy nghĩ của chúng ta, là điều mà chưa có tai nào nghe, chưa có mắt nào thấy. Chúng ta có sự hi vọng trong hiện tại là sự hi vọng thật mà chúng ta kinh nghiệm được trong đời sống nầy, khi chúng ta trải qua sự thử thách và chịu khổ trên đất nầy. Khi chúng ta trải qua những giai đoạn khó khăn thì chúng ta sẽ trông cậy vào những gì trên đất nầy phải không? Không! Mắt chúng ta nên tập trung nơi Đấng Christ và sự sống đời đời trên thiên đàng mà chúng ta được ban cho bởi Ngài.

Hôm nay chúng ta sẽ dự tiệc thánh. Trong lễ tiệc thánh có những vật chúng ta nhìn thấy được là bánh và rượu. Bánh và rượu nầy là tượng trưng cho thân thể và huyết của Đấng Christ nhưng nó không thật sự là thân thể và huyết của Đấng Christ. Dù nó không phải là thân thể thật của Đấng Christ nhưng chúng ta chắc rằng chúng ta được hiệp làm một với Chúa qua Đức Thánh Linh. Dù chúng ta không thấy Ngài hôm nay nhưng chúng ta được nhắc nhở qua tiệc thánh nầy rằng Ngài yêu chúng ta, Ngài phó mạng sống Ngài cho chúng ta, Ngài chịu khổ và chết trên cây thập tự vì chúng ta. Để đáp lại, lòng chúng ta cảm động để yêu Ngài trong sự yêu mến của chúng ta dành cho Ngài. Chúng ta được kéo vào mối tương giao mật thiết với Ngài. Dầu chúng ta không thấy Ngài bây giờ, trong sự dự tiệc thánh chúng ta được bảo đảm rằng chúng ta sẽ thấy Ngài, chúng ta sẽ cùng dự tiệc với Ngài trong sự vinh hiển trong tiệc cưới lớn của Chiên Con. Nơi đó chúng ta sẽ thấy Ngài mặt đối mặt. Khi dự tiệc thánh chúng ta được bảo đảm có sự hiệp một với Đấng Christ. Khi dự tiệc thánh chúng ta được khích lệ yêu mến và tin nhận Ngài. Khi dự tiệc thánh chúng ta đầy sự vui mừng vì sự cứu rỗi. Vì vậy hôm nay khi dự tiệc thánh xin chúng ta suy nghĩ về những điều nầy hầu cho chúng ta được khích lệ khi chúng ta bước đi trên chuyến hành trình, chuyến hành trình qua đồng vắng là đất nầy. Xin chúng ta hãy hướng về ngày mà chúng ta sẽ nhận được sự đầy trọn của cơ nghiệp của chúng ta. Amen.

Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúa ôi chúng con cám ơn Ngài về lời của Ngài vì lời Ngài ban cho chúng con sự khích lệ, bình an, yên nghỉ và sự vui mừng. Chúa ôi chúng con cầu xin Ngài cho chúng con cảm động để tin nhận và tin cậy nơi Ngài là sự hi vọng duy nhất cho sự cứu rỗi của chúng con. Cầu xin Chúa cho chúng con được kéo đến gần trong mối tương giao mật thiết với Ngài là Đấng của tình yêu và sự vui mừng. Chúa ôi chúng con cầu xin Ngài giúp chúng con tin nhận và tin cậy vào nơi Ngài và lời hứa của Ngài. Chúng con trình dâng những điều nầy lên Ngài và cầu nguyện trong danh Đức Chúa Giêxu Christ. Amen.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)