Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Rutơ > Bài 37 (Ru-tơ 4:11)  


NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ

BÀI BA MƯƠI BẢY
(Ru-tơ 4:11)

Bài học vừa rồi giống như chúng ta đã thấy cuộc hôn nhân giữa Bô-ô và Ru-tơ. Thực tế, Bô-ô nói: "... và cũng lấy Ru-tơ, người Mô-áp, vợ của Mạc-lôn, làm vợ tôi". Đây là hình ảnh thật tuyệt đẹp về tình yêu của Chúa Cứu Thế Giê-xu đối với chúng ta là con người bị rủa sả. Chúng ta bị rủa sả vì tội lỗi mình, ở dưới cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời nhưng Ngài đã yêu chúng ta "đến nỗi đã ban Con một của Ngài" hầu cho chúng ta có được sự sống đời đời.

Chúa Cứu Thế đã trở nên chàng rể, chúng ta là cô dâu của Ngài. Ê-phê-sô 5:25 "Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh." Chúa Cứu Thế phó mạng sống mình, bị rủa sả hầu cho chúng ta được trở nên một với Ngài. Như tình nghĩa thắm thiết giữa vợ chồng lạ lùng thế nào khiến cho hai người trở nên một thịt, thì sự thắm thiết giữa Chúa Cứu Thế và hội thánh cũng lạ lùng thể ấy. Điều nầy được làm kiểu mẫu bởi Bô-ô và Ru-tơ. Chúng ta được hiệp làm một với Đức Chúa Trời. Chúng ta ở trong Ngài và Ngài ngự trong chúng ta.

Không có ngôn ngữ nào diễn tả rõ ràng rực rỡ hơn bằng câu chuyện được mở ra trước mắt chúng ta trong sách Ru-tơ nầy. Bạn có nhớ? Trong bài học rồi chúng ta đã thấy sự mua Ru-tơ bởi Bô-ô trước mặt "cả dân sự" trong thành. "Cả dân sự" ám chỉ cả thế gian, người được cứu cũng như người không được cứu, tất cả sẽ nhìn thấy Ngài là Đấng cứu chuộc khi Ngài trở lại vinh hiển trên đám mây. Nhưng câu 11 lặp lại đặc biệt nói đến những tín hữu, "Cả dân sự hiện ở nơi cửa, và các trưởng lão, đều đáp rằng: Chúng tôi làm chứng điều đó."

Chúng ta nhớ, "cái cửa" ám chỉ về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài là cái cổng, là cái cửa mà chúng ta phải bước qua để vào thiên đàng. "Cả dân sự hiện ở nơi cửa, và các trưởng lão" là những tín hữu trên khắp thế giới nói rằng: "Chúng tôi làm chứng điều đó." Điều nầy nhấn mạnh rằng Đức Chúa Trời có công tác tuyệt vời cho những tín hữu làm. Trong sự sắp đặt thiêng liêng Ngài đã cho phép chúng ta làm công việc mà Chúa Giê-xu đã bắt đầu làm. Chúa Cứu Thế đến để giảng Tin Lành, Ngài đã trở về cùng Cha, chúng ta là thân thể của Ngài tiếp tục rao giảng Tin Lành.

Chúa Giê-xu tuyên bố trong Mác: "Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người." Đó là nhiệm vụ của tín hữu trên thế gian, chúng ta là những chứng nhân. Điều thú vị là chữ "chứng nhân" trong tiếng Hi-lạp cũng là chữ "tử đạo", có nghĩa là những người hi sinh mạng sống vì Tin Lành. Khi chúng ta xưng mình là chứng nhân có nghĩa là chúng ta sẵn sàng hi sinh mạng sống mình hầu cho người khác có thể được cứu. Trước khi được cứu chúng ta không muốn làm người bà con, người chuộc sản nghiệp. Chúng ta không thương yêu người đồng loại, chúng ta ích kỷ, chỉ muốn làm vui lòng chính mình, dùng người khác cho sở thích riêng của mình. Chúng ta không bao giờ yêu họ vì họ không đáng yêu. Nếu chúng ta có tỏ vẻ yêu họ thì cũng vì sự vinh hiển riêng của chúng ta.

Bây giờ chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời, được sanh lại, chúng ta mong muốn làm theo ý muốn của Ngài. Dù chúng ta không thể trả cho tội lỗi của cả thế gian, tuy vậy chúng ta sẵn sàng làm người chuộc trong ý nghĩa rằng chúng ta là đại sứ của Đấng Cứu Chuộc là Chúa Giê-xu. Chúng ta sẵn sàng làm theo mạng lệnh trong Rô-ma 12:1 "Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em." Đây là chỗ đứng của chúng ta khi chúng ta được sanh lại.

Chúa Cứu Thế đã làm xong công việc và Ngài dùng chúng ta làm nhân chứng cho Ngài. Dĩ nhiên Đức Chúa Trời không chỉ tỏ rằng tất cả đều là thầy giảng. Ngài cũng không bảo rằng tất cả chúng ta đều phải tử vì đạo, bị đốt, bị quăng vào hang sư tử vì Chúa Cứu Thế. Nhưng Đức Chúa Trời bày tỏ rằng dù chúng ta là ai, dù hoàn cảnh thế nào chúng ta cũng đến với Chúa và thưa rằng: Chúa ôi xin dùng con, bằng cách nào đó xin dùng con trong việc mở rộng vương quốc của Đức Chúa Trời. Con muốn nước Ngài được mau đến, con muốn những người khác được sanh lại. Con biết rằng chỉ có Ngài làm công việc cứu rỗi, xin giúp con trở thành chứng nhân cho Ngài.

Chúng ta có thể làm chứng bằng cách phản ảnh mùi hương của Chúa Cứu Thế qua tình yêu thương, sự vui mừng, tiết độ, nhịn nhục, nhơn từ trong đời sống của chúng ta. Dĩ nhiên để bày tỏ trái của Đức Thánh Linh qua đời sống của chúng ta Đức Chúa Trời thường đặt chúng ta vào chương trình thử thách của Ngài. Ngài để người nào đó đến trong đời sống của chúng ta xem thử sự nhịn nhục, kiên nhẫn của chúng có đi đến cuối đường hay không. Ngài làm như vậy để chúng ta có cơ hội quí báu bày tỏ mùi hương của Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Nếu chưa được cứu mà vợ hay chồng, con cái, người làm việc chung làm điều gì quấy với chúng ta thì chúng ta sẽ trả đủa lại giống như người thế gian, chúng ta sẽ sống cay đắng với họ. Nhưng nếu chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời, được sanh lại, thì sự thử thách nầy là cơ hội cho chúng ta nhịn nhục, thực hành sự tiết độ, nói năng nhẹ nhàng, tha thứ, chịu đựng. Đây là cách chúng ta làm chứng cho thế gian rằng chúng ta khác với họ, chúng ta đã trở thành con cái của Đức Chúa Trời. Nhiều người quan niệm rằng ngày Chúa Nhật là ngày phải làm chứng nhân, phải mặc đồ đẹp đi nhà thờ, hát ca ngợi, đưa con cái đi Trường Chúa Nhật nhưng những ngày còn lại trong tuần họ sống theo cách mà họ ưa thích, vì vậy, đời sống của họ giống như người thế gian vậy mà họ tưởng rằng họ cũng làm chứng theo cách nào đó. Dĩ nhiên cách sống như vậy chứng tỏ một cách rõ ràng rằng họ không phải là người làm chứng.

Một điểm trong đời sống của tín hữu được sanh lại đó là chúng ta luôn luôn lúc nào cũng được cứu. Chúng ta không chỉ được cứu vào ngày Chúa Nhật, chúng ta được cứu luôn luôn, do đó trái của Đức Thánh Linh không ngừng nhìn thấy trong đời sống của chúng ta. Tôi không có ý nói rằng tánh xác thịt của chúng ta sẽ không bao giờ nổi dậy. Có lần chúng ta trả đủa lại, nóng giận, thiếu kiên nhẫn... nhưng những điều đó không thể là phản ứng tiếp diễn liên tục trong đời sống của chúng ta. Nếu chúng ta thật sự là con cái của Đức Chúa Trời thì đời sống của chúng ta phải lộ ra trái của Đức Thánh Linh. Mỗi ngày chúng ta nên đến với Chúa và thưa rằng: Chúa ôi, xin tha thứ cho con! Ngày nay có lúc con đã làm điều mà con không nên làm, có lúc con đã không bày tỏ trái của Đức Thánh Linh, xin Ngài tha thứ. Nguyên tắc căn bản của đời sống đó là, tội lỗi không thể lặp đi lặp lại ngày nầy đến ngày khác.

Đời sống của chúng ta là bằng chứng đầu tiên chứng tỏ rằng Chúa Cứu Thế đã trở thành người cứu chuộc của chúng ta. Chúng ta đối xử với vợ chồng, con cái qua những điều chúng ta nói đến, những điều chúng ta ưa thích, qua cách chúng ta sử dụng thì giờ, bằng ngôn ngữ chúng ta dùng. Nếu trong những mẫu đối thoại chúng ta luôn nói về vật chất, những điều vui thú thuộc về thế gian thì chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy con cái chúng ta lớn lên sẽ không ưa thích gì về Tin Lành bởi vì chúng ta không làm chứng cho chúng nó.

Vâng, có thể chúng ta đưa chúng nó đến Trường Chúa Nhật, có thể thỉnh thoảng chúng ta kể những câu chuyện trong Kinh Thánh cho chúng nó. Nhưng nếu đời sống của chúng ta không làm chứng cho chúng nó thì cách tiêu cực chúng ta bảo chúng nó rằng: "Con trai, con gái của ta! Cha mẹ đưa con đi Trường Chúa Nhật, đưa con đi nhà thờ, nhưng tất cả những điều đó không quan trọng, điều quan trọng là vui thú của thế gian, cuộc chơi banh. Hãy xem, cha mẹ để nhiều thì giờ xem tivi, bóng đá, bóng rổ không cần biết ngày đó là Chúa nhật hay ngày gì, không cần quan tâm đến việc Chúa Giê-xu quan trọng thế nào, điều quan trọng là làm ra nhiều tiền, mua thêm đồ đạc mới vào nhà, để thì giờ nhìn ngắm, suy nghĩ, nói về nó. Đây thật sự là điều mà các con nên nghĩ đến".

Chúng ta đi nhà thờ, cầu nguyện xin Chúa tha thứ tội lỗi mình, hát trong ban hát, xin Chúa giúp mình yêu thương người đồng loại nhưng chúng ta cứ giữ trong trí việc nầy việc nọ người hàng xóm làm. Chúng ta để nhiều thì giờ nói về tội lỗi, sự yếu đuối của người khác, hạ người khác xuống. Làm như thế đời sống chúng ta làm chứng rằng chúng ta không thấy Chúa Cứu Thế là người cứu chuộc bao giờ, chúng ta làm chứng rằng chúng ta chưa được cứu. Đó không phải là đời sống của tín hữu được sanh lại. Đời sống của tín hữu được sanh lại có nghĩa là mỗi chi tiết trong đời sống của chúng ta muốn làm chứng, muốn vâng theo luật lệ của Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ không xét đoán mà chỉ để ý tập trung vào những điều đời đời. Đây là cách mà chúng ta muốn làm chứng như những người tại cổng thành.

Dĩ nhiên có những cách khác chúng ta có thể làm chứng. Xin nhớ rằng khi Bô-ô mua Ru-tơ, ông mua tất cả những gì thuộc về nàng, ông mua tất cả đất ruộng. Cũng vậy, khi Chúa Cứu Thế mua chúng ta bằng giá của chính huyết Ngài. Ngài mua tất cả những gì thuộc về chúng ta. Tiền lương mà chúng ta kiếm được là thuộc về Đức Chúa Trời, nó không thuộc về chúng ta. Cái nhà mà chúng ta đang ở và làm chủ thật ra là thuộc về Chúa. Sản nghiệp, tiền bạc trong ngân hàng, tiền mua chứng khoán, thì giờ, sức lực, hay bất cứ cái gì chúng ta có đều thuộc về Chúa. Chúng ta chỉ là người quản gia. Công tác mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta là làm chứng nhân trên thế gian. Bởi vì chúng ta được sanh lại nên chúng ta phải yêu thương người đồng loại, sẵn sàng vâng theo mạng lệnh Chúa là yêu kẻ thù nghịch.

Theo ý nghĩa trong Kinh Thánh, tất cả những người chưa được cứu là kẻ thù của chúng ta vì họ còn là nô lệ cho ma quỉ trong vương quốc tối tăm, ngay cả họ chống lại Chúa Cứu Thế chúng ta cũng phải yêu họ. Không gì làm cho chúng ta vui hơn là thấy một trong những người như vậy trở nên được cứu. Vì thế phải chắc chắn rằng những gì Đức Chúa Trời ban cho chúng ta thì chúng ta phải sử dụng triệt để hầu cho Tin Lành có thể được rao giảng ra. Chúng ta dùng hết sức mình để những gì chúng ta có bằng cách nào đó có thể được dùng cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Chúng ta thật sự sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho người khác. Đó là loại tình yêu mà Chúa Cứu Thế đối với chúng ta.

Chúng ta cũng làm chứng bằng cách chia xẻ Tin Lành qua lời làm chứng, phát chứng đạo đơn. Chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta có cơ hội nói về Chúa cho ai đó. Chúng ta không cần phải có tài ăn nói. Xin nhớ rằng chúng ta không phải là người quảng cáo bán hàng cho Chúa Cứu Thế, chúng ta không thể khiến người ta vào thiên đàng. Chúng ta không thể dùng cách nhẹ nhàng để chiến thắng, để đem họ vào thiên đàng. Chúng ta làm chứng từ chỗ đứng của chúng ta. Đức Chúa Trời là Đấng làm công việc cứu người. Đức Chúa Trời là Đấng tác động lời Ngài vào lòng của người ta. Chúng ta chỉ là chứng nhân, đơn giản công bố Tin Lành Cứu Rỗi lạ lùng. Bạn có thấy vai trò của người tín hữu không? Những người tại cổng thành và mười người trưởng lão đã thấy ý định của Bô-ô khi ông nói rằng ông sẽ lấy Ru-tơ người Mô-áp bị rủa sả làm vợ ông, họ làm chứng về điều đó. Chúng ta cũng vậy, Kinh Thánh chép Chúa Cứu Thế đã hạ mình xuống, bị rủa sả vì chúng ta để chúng ta được Ngài cưới, để được làm vợ Ngài. Đây là điều mà chúng ta muốn làm chứng cho thế gian. Rồi Kinh Thánh tiếp tục: "Nguyện Đức Giê-hô-va làm cho người nữ vào nhà ngươi giống như Ra-chên và Lê-a, là hai người đã dựng nên nhà Y-sơ-ra-ên!" Câu nói nầy thật là buồn cười! Chúng ta ôn lại, Ra-chên và Lê-a là hai vợ của Gia-cốp, Gia-cốp là một trong những tộc trưởng. áp-ra-ham là người bắt đầu cho nước Y-sơ-ra-ên. Ông cưới Sa-ra, Sa-ra sanh Y-sác, Y-sác cưới Rê-bê-ca, Rê-bê-ca sanh Gia-cốp và Ê-sau. Gia-cốp là người chạy trốn qua Cha-ran, cưới Lê-a và Ra-chên. Họ sanh được mười hai con trai và một con gái. Mười hai con trai nầy trở nên những người đứng đầu của mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên.

Câu hỏi buồn cười ở đây là, tại sao họ để tên của Ra-chên trước tên Lê-a? Lê-a là chị và là người Gia-cốp cưới trước. Tại sao họ nói Ra-chên và Lê-a thay vì nói Lê-a và Ra-chên? Nếu Chúa cho phép bài học tới chúng ta sẽ trả lời câu hỏi trên và chúng ta sẽ tìm hiểu xem có ý nghĩa gì sâu sa được ám chỉ ở đây qua câu nói: "Nguyện Đức Giê-hô-va làm cho người nữ vào nhà ngươi giống như Ra-chên và Lê-a, là hai người đã dựng nên nhà Y-sơ-ra-ên!"

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)