NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
BÀI BỐN MƯƠi SÁU
(Ru-tơ 4:15)
Trong bài học rồi chúng ta đã thấy một lẽ thật rất đẹp trong câu 13 và 14 rằng, Đức Chúa Trời đã cung cấp một người chuộc lại từ dòng dõi của người đàn bà. Chúng ta thấy rằng dòng dõi của người đàn bà là "phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển" tồn tại trong suốt dòng lịch sử. Từ mối kết hợp giữa Đức Chúa Trời với "phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển", Đấng Cứu Chuộc đã ra đời.
Trước hết Đấng Cứu Chuộc nhắm vào dân tộc Y-sơ-ra-ên. Những người bạn của Na-ô-mi nói, "Đáng ngợi khen Đức Giê-hô-va chẳng từ chối cho bà", đó là chẳng từ chối cho dân Y-sơ-ra-ên, "ngày nay một người có quyền chuộc lại; nguyện danh của người được cầu khẩn nơi Y-sơ-ra-ên!" Có nghĩa là những ai thuộc dòng máu của Áp-ra-ham cũng có thể kêu cầu danh của Chúa Cứu Thế Giê-xu để được cứu.
Tiếp tục học câu 15 chúng ta sẽ thấy sự mở rộng của lẽ thật nầy như chúng ta đã bắt đầu thấy được trong câu 13 và 14. Câu 15, "Nó...", đây là người chuộc lại, là đứa con trai được sanh ra trong sự kết hợp giữa Bô-ô và Ru-tơ, "... sẽ an ủi lòng bà, dưỡng già bà; vì ấy là dâu bà vẫn thương bà, đã sanh nó cho bà; nàng quí cho bà hơn bảy con trai." Bây giờ chúng ta hãy xem sự kiện về lịch sử bởi vì lời tuyên bố nầy đã thật sự nói ra, là một phần được ghi lại trong lịch sử cách nay khoảng 3000 năm vào lúc Bô-ô cưới Ru-tơ.
Chúng ta có thể hiểu được rất nhanh tại sao họ nói, "sẽ an ủi lòng bà" (nguyên văn "người phục hồi lại cuộc đời của bà"). Na-ô-mi trở về Bết-lê-hem là một người góa bụa, bà đã rất đau buồn về chồng bà và hai đứa con trai. Bà không có sản nghiệp và bây giờ qua sự kết hợp giữa Bô-ô và Ru-tơ một đứa trẻ đã ra đời trong gia đình của bà. Nói thẳng ra nó không phải là con của bà nhưng trong một ý nghĩa, bà là bà ngoại của nó vì Ru-tơ là dâu của bà. Nàng đã lập gia đình với Mạc-lôn, con trai của bà. Vì vậy đứa bé nầy thuộc về gia đình của Na-ô-mi, chắc chắn là sẽ khôi phục lại sự tin tưởng, vui mừng cho Na-ô-mi.
Bạn có thể thấy được lời chúc mừng của những người nầy khi họ nói với Na-ô-mi "dưỡng già bà", câu nầy khó hơn một chút trừ khi họ nói với bà theo sự kiện lịch sử rằng đứa cháu nầy sẽ cho bà sự ham muốn sống, một mục đích mới cho đời sống. Nó sẽ nuôi dưỡng bà, làm cho bà mạnh mẽ lên. Bà sẽ có được sự vui mừng trong lòng trở lại, rất có thể đây là ý nghĩa trong ngôn ngữ nầy. Rồi họ đến câu kế tiếp không có ý nghĩa chút nào, "vì ấy là dâu bà vẫn thương bà, đã sanh nó cho bà; nàng quí cho bà hơn bảy con trai." Câu nầy thật không có lý chút nào.
Vâng, họ thật sự nói câu nầy với bà và có thể họ có ý nói rằng: Na-ô-mi, dầu sao thì sự việc trở nên rất tuyệt. Bà có được con dâu đã sanh ra được một người kế nghiệp cho Ê-li-mê-léc còn quí hơn bảy đứa con trai nữa. Có thể chỉ là một cách nói phóng đại. Thật ra theo ý nghĩa lịch sử thì không thể nào quí hơn bảy đứa con trai được. Nếu Na-ô-mi có được bảy đứa con trai, xin nhớ là số bảy là số trọn vẹn trong kế hoạch của Đức Chúa Trời, trong dòng máu của bà có nghĩa là bà có được cơ nghiệp rất lớn. Thật ra trong lịch sử không có gì quí hơn là có được bảy đứa con trai. Vì vậy, một lần nữa chúng ta có cảm giác rằng có một điều gì rất quan trọng về thuộc linh cho nên Đức Chúa Trời phán qua câu đặc biệt nầy. Theo ý nghĩa lịch sử thì nó rất kỳ cục dù chúng ta biết rằng câu nầy được nói ra một cách chính xác theo cách như vậy. Chúng ta hãy xem xét câu nầy thật cẩn thận theo ý nghĩa thuộc linh để tìm ra Đức Chúa Trời muốn dạy gì về thuộc linh.
Chúng ta đọc lại câu 15, "Nó...", đây là người chuộc lại, người chuộc lại nầy ra đời từ cuộc hôn nhân giữa Bô-ô và Ru-tơ. Xin nhắc lại, Bô-ô là hình bóng về Đức Chúa Trời, Đấng Cứu Chuộc. Từ trong dòng dõi của "phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển" Đấng Cứu Chuộc đã ra đời là Chúa Giê-xu. Ngài là sản phẩm của mối kết hợp giữa Đức Chúa Trời và loài người. Ngài là Đức Chúa Trời và Con Người. Đấng Cứu Chuộc nầy là Chúa Giê-xu sẽ trở nên người khôi phục lại đời sống của bà. Chữ "phục hồi lại" trong Kinh Thánh thường được dịch là "đem trở về". Ngài sẽ đem cuộc đời bà trở lại. Chữ nầy là cùng một chữ trong Ê-xê-chi-ên 39:25, "Vậy nên, Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Nay ta sẽ đem những kẻ phu tù của Gia-cốp trở về; ta sẽ thương xót cả nhà Y-sơ-ra-ên, và vì danh thánh ta mà nổi ghen."
Nhóm từ "đem... trở về" là cùng một chữ trong tiếng Hê-bơ-rơ được dùng trong Ru-tơ 4:15, "nó sẽ là người phục hồi lại cuộc đời bà". Xin nhớ rằng Na-ô-mi đã đi đến xứ Mô-áp, ở đó bà trở nên góa bụa, mất chồng, trở thành tay trắng, không có sản nghiệp gì cả. Chúng ta thấy điều nầy là bức tranh về dân tộc Y-sơ-ra-ên. Cũng cùng bức tranh nầy được trình bày cho chúng ta ở nhiều chỗ khác trong Kinh Thánh rằng dân Y-sơ-ra-ên bị bắt đi làm nô lệ. Họ bị tan lạc ra giữa các nước khác trên thế giới, làm phu tù. Họ không còn có hi vọng gì nhưng Đức Chúa Trời lặp đi lặp lại nhiều lần về việc đem những phu tù trở về. Đó là những người bị đi làm phu tù sẽ được đem trở về trong sự phước hạnh của Đức Chúa Trời.
Điều đó được nói đến ở đây trong Ê-xê-chi-ên 39. "Vậy nên, Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Nay ta sẽ đem những kẻ phu tù của Gia-cốp trở về; ta sẽ thương xót cả nhà Y-sơ-ra-ên, và vì danh thánh ta mà nổi ghen." Rồi Ngài tiếp tục sau đó, "Chúng nó sẽ mang xấu hổ...", bạn có nhớ Na-ô-mi đã mang xấu hổ, bà đã phạm tội cùng Đức Chúa Trời, trở nên góa bụa? "...và mắc tội lỗi về mọi tội lỗi mà chúng nó đã phạm nghịch cùng ta, khi chúng nó sẽ ở yên trong đất mình, không lo sợ ai hết." Dĩ nhiên, Na-ô-mi đã trở về xứ mình, có phải vậy không? Bà đã trở về Nhà Bánh, không còn lo sợ gì nữa. "Là khi ta sẽ đem chúng nó về từ giữa các dân và thâu lại khỏi các đất của kẻ thù chúng nó, thì ta sẽ được tỏ ra thánh bởi chúng nó ở trước mắt nhiều nước. Chúng nó sẽ biết rằng ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của mình..."
Bạn có thấy? Để đem họ trở về có nghĩa là họ sẽ lại nhìn biết Đức Chúa Trời của họ, "...là khi ta đã đày chúng nó làm phu tù giữa các nước rồi, và đã thâu chúng nó lại đến đất của mình, chẳng để sót một kẻ nào ở đó." Chú ý trong Ê-xê-chi-ên 39, Đức Chúa Trời phán với chúng ta khi nào thì việc nầy sẽ xảy ra. Câu 29, "Ta sẽ không che mặt khỏi chúng nó nữa, vì ta sẽ đổ Thần ta trên nhà Y-sơ-ra-ên, Chúa Giê-hô-va phán vậy." Nói cách khác, Đức Chúa Trời phán rằng khi Ngài đem những phu tù trở về đó là lúc Ngài sẽ đổ Thần Ngài trên nhà Y-sơ-ra-ên.
Khi tra xem Kinh Thánh, chúng ta tìm thấy chỉ có một lần khi Đức Chúa Trời đổ Thần Ngài ra, lần đó là lần nào? Dĩ nhiên, đó là trong Lễ Ngũ Tuần. Đó là lúc Đức Chúa Trời bắt đầu chương trình truyền giảng Tin Lành ra khắp thế giới. Đó là lúc Ngài đổ Thần Ngài ra, và hiển nhiên những người đầu tiên tin nhận nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu là người Giu-đa. Họ thuộc về dân tộc Y-sơ-ra-ên. Đây là điều Đức Chúa Trời muốn nói khi Ngài phán với Na-ô-mi rằng, "nó sẽ trở nên người phục hồi lại cuộc đời của bà". Nghĩa là, Ngài sẽ cung cấp sự cứu rỗi cho dân tộc Y-sơ-ra-ên như chúng ta đã thấy trong Rô-ma 11 và nhiều chỗ khác trong Kinh Thánh điều nầy chỉ thật sự áp dụng cho "một phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển" ra từ dân tộc Y-sơ-ra-ên.
Có một điều thú vị là nhóm từ "đem những phu tù trở về" được tìm thấy ở nhiều chỗ trong Kinh Thánh nhưng cũng tìm thấy trong Thi-thiên, ít nhất là ba chỗ. Thi-thiên được chép trong thời của Đa-vít trước khi dân Y-sơ-ra-ên bị bắt đi làm phu tù. Điều nầy gây sự ngạc nhiên có phải vậy không? Thường thì chúng ta nghĩ câu "đem những phu tù trở về" được nói đến sau năm 722 (T.C.) khi chi phái Y-sơ-ra-ên bị tiêu diệt bởi dân Sy-ri hay sau khi dân Giu-đa bị dân Ba-by-lôn tiêu diệt năm 587 (T.C.). Nhưng mà nầy, chúng ta đọc trong Thi-Thiên 14:7, "Ôi! chớ chi từ Si-ôn sự cứu rỗi của Y-sơ-ra-ên đã đến! Khi Đức Giê-hô-va đem về những phu tù của dân sự Ngài, Thì Gia-cốp sẽ mừng rỡ và Y-sơ-ra-ên vui vẻ."
Bạn thấy không? Câu nầy nói đến sự cứu rỗi ra từ Si-ôn, tất nhiên sự cứu rỗi đến từ Chúa Cứu Thế Giê-xu. Bất cứ khi nào bạn đọc câu "đem những phu tù trở về" bạn có thể hướng vào thập tự giá. Đó là điều Đức Chúa Trời muốn nói. Ngài nói đến sự cứu rỗi có sẵn cho dân tộc Y-sơ-ra-ên cũng như những dân tộc khác trên thế giới. Trong Thi-Thiên 53:6 chúng ta cũng đọc thấy một câu giống như vậy, "Ôi! chớ chi từ Si-ôn sự cứu rỗi của Y-sơ-ra-ên đã đến! Khi Đức Chúa Trời đem về các phu tù của dân sự Ngài, Thì Gia-cốp sẽ mừng rỡ và Y-sơ-ra-ên vui vẻ."
Một điều làm cho tôi đau lắm khi ngày nay tôi nghe có người nói rằng Đức Chúa Trời sẽ cung cấp sự cứu rỗi cho dân Y-sơ-ra-ên, Đấng Giải Cứu sẽ đến. Tôi nghĩ, sao mà bạn có thể nói như vậy được? Nói vậy có nghĩa là bạn phủ nhận thực tế rằng Chúa Giê-xu đã đến. Đấng Giải Cứu, Chúa Cứu Thế đã đến và đã cung cấp sự cứu rỗi cho dân Y-sơ-ra-ên. Có phải bạn phủ nhận việc làm của Chúa Giê-xu trên thập tự giá hay sao? Việc đến của Ngài bộ không ảnh hưởng gì đến dân tộc Y-sơ-ra-ên sao? Làm sao có thể như vậy được? Như chúng ta thấy trong Ê-xê-chi-ên 39, việc đem các phu tù trở về, phục hồi đời sống lại cho dân Y-sơ-ra-ên, như Ru-tơ 4:15 là nói đến thập tự giá. Thực tế điều nầy liên quan đến việc Thánh Linh đổ xuống và sự cứu rỗi đến với họ giống như bao nhiêu người khác.
Thi Thiên 53 nầy là Thi Thiên của Đa vít. Ông nói đến việc đem các phu tù trở về mà trong thời của ông thì không có ai đi làm phu tù. Họ là dân tộc tự do, họ được Đức Chúa Trời ban phước cho đủ mọi mặt, nhưng ông kêu lên rằng "Ôi! chớ chi từ Si-ôn sự cứu rỗi của Y-sơ-ra-ên đã đến!", rồi ông nói khi nào thì sự nầy sẽ xảy ra, đó là "Khi Đức Chúa Trời đem về các phu tù của dân sự Ngài". Ông đang nói đến một sự việc lạ lùng đó là Đấng Mê-si sẽ đến và sẽ cung cấp sự cứu chuộc. Đa vít đã thấy sự đến của Đấng Mê-si, ông tin cậy nơi điều đó, ông là một trong những kẻ còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển. Một lần nữa chúng ta thấy sự đem các phu tù trở về là hoàn toàn đồng nhất với sự cứu rỗi mà Chúa Cứu Thế đã cung cấp bằng cách lên thập tự giá.
Trong một Thi thiên khác, 85:1, 2, "Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã làm ơn cho xứ Ngài, Đem những phu tù của Gia-cốp trở về. Chúa đã tha gian ác cho dân sự Chúa, Và khỏa lấp mọi tội lỗi của họ." Một lần nữa, câu nầy được chép một thời gian rất lâu trước khi dân Y-sơ-ra-ên bị bắt làm phu tù, nhưng Thi thiên nầy chép rằng: "Ngài Đã làm ơn cho xứ Ngài, (Đã) đem những phu tù của Gia-cốp trở về. Chúa Đã tha gian ác cho dân sự Chúa". Nói cách khác, sự cứu rỗi đã có sẵn cho dân sự Ngài trong thời của Đa vít, Sa-lô-môn cũng như có sẵn cho người Giu-đa hay những dân tộc khác trên thế giới ngày hôm nay.
Bất cứ lúc nào bạn đọc Kinh Thánh thấy nói đến việc đem phu tù trở về hay đem trở về quê hương thì bạn có thể tin rằng điều nầy nói đến thập tự giá. Điều nầy chú trọng vào thực tế rằng Đức Chúa Trời sẽ phục hồi lại đời sống của những ai tin cậy vào nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu. Điều đó được nói đến ở đây trong Ru-tơ 4:15 khi họ nói với Na-ô-mi rằng đứa con trai được sanh ra sẽ là người phục hồi lại đời sống của bà. Có nghĩa là qua Đấng Cứu Chuộc nầy, sự cứu rỗi sẽ đến với dân tộc Y-sơ-ra-ên được bà Na-ô-mi làm đại diện trong câu chuyện tình đẹp nầy.
Đọc tiếp, "dưỡng già bà...", chữ dưỡng già có nghĩa là nuôi, cung cấp thức ăn. Về thuộc linh, bởi vì Chúa Cứu Thế đến là người chuộc vì thế dân Y-sơ-ra-ên có thể có được đồ ăn thuộc linh đem đến sự cứu rỗi. Bạn có nhớ Chúa Giê-xu phán: "Ta là bánh của sự sống", Ngài phán: "Phước cho những kẻ đói khát về sự công bình". Đức Chúa Trời dạy chúng ta trong câu 15 nầy rằng, mặc dù dân tộc Y-sơ-ra-ên đã trở thành góa bụa, dù họ bị dứt bỏ, nhánh ô-li-ve bị cắt bỏ vì cớ sự không tin, dầu vậy, vẫn còn có sự sống thuộc linh cho họ. Đời sống thuộc linh của họ có thể được nuôi dưỡng nếu họ đáp lại Tin Lành.
Chúa Cứu Thế không đến chỉ cho người ngoại bang. Ngài cũng đến cho dân Giu-đa nữa. Sự cứu chuộc đến với họ cũng giống như đến với dân tộc ngoại bang. Tất cả chúng ta cùng đứng chung một chỗ. Đức Chúa Trời không tây vị ai hết. Bất cứ ai kêu cầu danh Chúa, xưng nhận Ngài ra thì có thể được cứu. Bạn có được cứu chưa? Bạn có phải là người kêu cầu danh Chúa không? Bạn có phải là người được nuôi dưỡng bởi Đấng Mê-si mà Kinh Thánh nói đến không? Bạn có phải là người được đem trở về từ sự đi làm phu tù không? Phu tù là phu tù cho tội lỗi và ma quỉ. Bất cứ ai trong chúng ta chưa được cứu có thể được đem trở về nếu chúng ta tin cậy vào Chúa Cứu Thế Giê-xu.
"Kìa, hiện nay là thì thuận tiện; kìa, hiện nay là ngày cứu rỗi!" Sự kiên nhẫn và lòng nhân từ của Đức Chúa Trời thật lạ lùng làm sao! Bài học tới chúng ta sẽ xem xét thật kỹ Đức Chúa Trời muốn nói gì khi Ngài phán, "vì ấy là dâu bà vẫn thương bà, đã sanh nó cho bà; nàng quí cho bà hơn bảy con trai."
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)