Câu Hỏi:
Gần đây có một vấn đề làm cho những bạn trẻ yêu mến Chúa hoang mang ngần ngại khi đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân. Đó là tại sao nhiều đôi vợ chồng Cơ Đốc, thậm chí là những người được xem là rất năng nổ tích cực trong công việc hội thánh, lại không thể hòa hợp với nhau trong hôn nhân? Người này đưa ra lý do khách quan này, kẻ khác đưa ra nguyên nhân chủ quan nọ. Nhưng xét cho cùng, một câu hỏi còn lại là: Đức tin Cơ Đốc không có tác dụng gì trong việc gây dựng hôn nhân sao? Và điều gì là quan trọng nhất trong một mái gia đình Cơ Đốc?
Trả Lời
Cảm ơn bạn đã đưa ra một câu hỏi rất thiết thực cũng là một vấn đề lớn trong hội thánh ngày nay.
Trước tiên, chúng tôi xin nhắc một điều rằng, mỗi chúng ta không ai có thể hiểu hết và lý giải được hết những gì xảy ra trên cuộc đời của người này hay người khác, hay thậm chí là của chính chúng ta nữa. Vì trên hết mọi điều, Chúa là Đấng điều khiển trên mọi sự. Hạnh phúc hay đau khổ, thành công hay thất bại, giàu có hay nghèo nàn hay điều gì đi nữa cũng đều do Chúa cho phép thì mới xảy đến trên đời sống chúng ta. Và khi Chúa cho phép một điều gì xảy đến cho con cái Ngài, Ngài có chương trình và mục đích của Ngài mà con người chúng ta, hoặc thậm chí bản thân người trong cuộc, cũng không dễ dàng gì lý giải được. Vấn đề hôn nhân hạnh phúc hay không cũng phải là do Chúa ban thì mới có được. Vì vậy, trách nhiệm của chúng ta không phải là xem xét để đoán xét hay phán quyết người khác. Điều chúng ta có thể làm được là học tập và suy gẫm cho bản thân mình để tránh đi những sai lầm có thể tránh khỏi trong hôn nhân của bản thân chúng ta. Nói cách khác, nếu như đôi lúc chúng ta phải chấp nhận một số những vấn nạn trong hôn nhân do Chúa cho phép xảy đến mà chúng ta không cách nào tránh khỏi, thì bên cạnh đó cũng có rất nhiều vấn đề trong hôn nhân là do lỗi của chính chúng ta, do chúng ta chưa cẩn thận làm theo Lời Chúa đủ mà dẫn đến xung đột. Sau đây chúng tôi xin chỉ trình bày trong khía cạnh đó, nghĩa là trong khía cạnh những thất bại trong hôn nhân do nguyên nhân chủ quan là chính chúng ta.
Trước khi nói đến đời sống hôn nhân, chúng tôi muốn nói đến hai bạn trẻ đã bước đến hôn nhân như thế nào. Lời Kinh Thánh dạy về hôn nhân Cơ Đốc là trong 2 Côrinhtô 6:14 là "Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin" chắc chúng ta ai cũng biết rõ. Tuy nhiên, vấn đề còn tùy ở mỗi người xem lời dạy đó là quan trọng đến mức nào. Nếu chúng ta thật lòng muốn làm theo Lời Chúa như là tiêu chuẩn hệ trọng nhất cho hôn nhân của chúng ta thì khi bắt đầu tìm hiểu một người khác phái để tính đến hôn nhân, chúng ta sẽ luôn quan tâm đến đời sống tâm linh của người đó. Một vấn nạn lớn là ngày nay có rất nhiều thanh niên thiếu nữ đi đến nhà thờ thường xuyên, hoạt động nhà thờ tích cực.. nhưng tấm lòng chưa thật sự tin nhận Chúa. Vì vậy, vấn đề tìm một người để làm bạn đời cùng niềm tin không chỉ đơn thuần là tìm một người "có đi nhà thờ và tham gia hoạt động trong nhà thờ" mà là tìm một người thật lòng tin Chúa và yêu mến Ngài. Tất nhiên, đây là một vấn đề rất khó vì không ai có thể biết ai có tin Chúa thật lòng hay không và chúng ta cũng không có quyền đoán xét người khác. Tuy nhiên nếu bạn là một người thật lòng yêu mến Chúa và ao ước gây dựng một hôn nhân theo ý Chúa thì bạn sẽ luôn cầu xin Chúa hướng dẫn bạn nhìn thấy thực trạng tâm linh của người bạn đang tìm hiểu. Điều này là lại là một điều rất khó nữa vì đối với tuổi trẻ, tình yêu là mãnh liệt: một khi đã yêu, các bạn trẻ thường mất đi sự sáng suốt mà chỉ thấy người mình yêu thương đó là tốt đẹp, lý tưởng nhất trên đời. Tuy nhiên, Chúa là Đấng tạo nên bạn, Ngài cũng thông hiểu những nóng nảy bồng bột của tuổi trẻ, Ngài có cách dẫn lối bạn nếu bạn thật lòng muốn tìm biết sự dẫn dắt của Ngài cho hôn nhân mình và hoàn toàn đầu phục sự dẫn dắt của Ngài. Chúng tôi đã từng thấy những bạn trẻ gặp nhau trong hội thánh và tiến tới hôn nhân nhưng đời sống hôn nhân của họ thật bi đát bởi một (hoặc cả hai) người chưa thật lòng tin Chúa. Họ chỉ đến với nhà thờ vì một cảm xúc nhất thời nào đó, hoặc vì một động lực nào đó khác hơn là vì chính Chúa Giêxu. Nhưng ai nhìn thấy được lòng người khác ngoài chính Chúa? Vậy nếu bạn sắp bước vào hôn nhân, hãy chân thành quỳ gối xuống trước mặt Chúa một lần nữa xin Chúa cho bạn nhìn thấy người bạn sắp tiến tới đó có thật sự thuộc về Chúa chưa, dù người đó có là ai đi nữa, là một trưởng ban thanh niên, một tín đồ lâu năm hay thậm chí là một mục sư trẻ đi nữa. Và hãy can đảm và bình an chấp nhận sự dẫn dắt của Chúa, đôi khi một sự đổ vỡ trong tình yêu là câu trả lời của Chúa cho bạn, dù rằng khi sự việc mới xảy ra, bạn không thể hiểu được, nhưng biết đâu, Chúa đã biết người bạn đang tìm hiểu đó chưa thật sự thuộc về Ngài dù người đó đang rất tích cực trong các hoạt động hội thánh đến nỗi mọi người, thậm chí cả bạn, đều không nhận biết được thực trạng tâm linh của người đó. Chỉ có Chúa biết rõ ai đang ở trên ngai lòng của một người: chính Ngài hay bản thân người đó hay là một điều gì khác.
Đó là bước đầu tiên. Nếu bạn đã vượt qua được bước đầu tiên đó. Bạn có thể an tâm phần nào vì hôn nhân của bạn đã có một sự đảm bảo lớn, ấy là cả hai bạn đều có một Đấng làm chủ trong đời sống mình. Đấng ấy có quyền và có thể can thiệp vào đời sống hôn nhân của bạn, giúp hai bạn hiểu nhau, tha thứ cho nhau, yêu thương nhau, dù rằng đôi khi bạn phải kiên nhẫn chờ đợi sự làm việc của Ngài trong đời sống cá nhân từng người.
Điều thứ hai, ấy là Lời Chúa dạy gì cho hôn nhân? Êphêsô 5:22-32 (và một số chỗ khác nữa) có dạy về bổn phận vợ chồng với nhau. Tóm tắt lại có hai điều "Chồng hãy yêu vợ" và "Vợ phải vâng phục chồng." Hai điều này chắc bạn cũng đã nghe nhiều lần, có thể thuộc lòng rồi. Nhưng bạn có bao giờ suy nghĩ nghiêm túc rằng bạn sẽ bước vào hôn nhân với quyết tâm làm theo sự dạy dỗ này bất chấp người chồng hay người vợ của bạn đó có ra sao không? Đây là điều tưởng dễ mà rất khó nhất là khi cả hai người không cùng nhất trí làm theo lời dạy dỗ về bổn phận vợ chồng hoặc nếu bạn là người tin Chúa sau khi đã lập gia đình, và chồng (hay vợ) bạn chưa tin Chúa. Dù trong trường hợp nào đi nữa, bạn nên nhớ rằng sự dạy dỗ của Chúa trong hôn nhân là không thay đổi và không có trường hợp ngoại lệ. Nếu bạn xem trong 1Côrinhtô 7:10-16 sẽ thấy rằng thậm chí trong trường hợp một người chưa tin Chúa, Kinh Thánh vẫn dạy người tin Chúa sống theo Lời Chúa và làm gương tốt cho người kia.
Một bạn nam trước ngưỡng cửa hôn nhân thấy không có gì dễ hơn là yêu thương cô dâu tương lai của mình. Vì nếu không yêu thì làm sao cưới làm vợ? Tuy nhiên, khi bước vào hôn nhân, vấn đề sẽ khác đi. Người yêu dễ thương dịu dàng ngày nào có thể bộc lộ những cá tính không dễ thương chút nào khi bước vào hôn nhân. Bởi con người chúng ta dù đã tin Chúa nhưng còn ít nhiều con người tội lỗi của mình, nên vẫn còn yếu đuối, vẫn phạm tội, vẫn có khi ích kỷ, xấu xa... và vì thế gây thương tổn cho người bạn đời của mình. Hoặc cũng có khi do cuộc sống bận rộn, mệt mõi... bạn dễ mất kiên nhẫn, nóng nảy với nhau. Vì thế mạng lịnh tưởng chừng rất đơn giản là "hãy yêu vợ mình" không phải lúc nào cũng dễ thực hiện. Hơn nữa, "yêu" nghĩa là gì, cũng là một vấn đề nữa. Mỗi người có một định nghĩa khác nhau về chữ "yêu". Bạn hãy xem lại phần Kinh Thánh về bổn phận vợ chồng nêu trên cũng như 1Côrinhtô 13 để xét xem mình đã thực hiện chữ "yêu" đó đúng nghĩa hay chưa. Tình yêu theo định nghĩa của Kinh Thánh không chỉ đơn thuần là cảm xúc "nóng bỏng" của con tim mà là một quyết tâm với hành động đi kèm nữa. Nếu bạn nói bạn yêu mà bạn không thể nhịn nhục, không thể tha thứ, hay đoán xét... thì bạn chưa yêu đúng nghĩa. Tình yêu không phải chỉ là yêu vì người ấy rất tốt, rất lý tưởng mà yêu thì chấp nhận người kia với thực chất của người đó và tha thứ, kiên nhẫn trong sự cầu nguyện và hy vọng nơi sự làm việc của Chúa trên người bạn đời của mình. Con người chúng ta rất dễ rơi vào một trong hai thái cực: hoặc là quá gắt gỏng nghĩ rằng khó như vậy vợ mới nể sợ mình, hoặc là quá nuông chìu vợ muốn gì cũng được đến nỗi vợ sai trật cũng không góp ý, chỉ muốn làm cho vợ vui. Quan niệm yêu thương theo Kinh Thánh là "Tình yêu thương hay nhơn từ" nhưng cũng "chẳng làm điều trái phép... chẳng vui về điều không công bình" nữa. Nếu bạn thật sự yêu thương vợ thì không thể vui được nếu thấy vợ mình phạm tội cùng Chúa. Nhiều người chồng rơi vào một sai lầm của định nghĩa tình yêu, nghĩ rằng yêu vợ là cố gắng làm cho thật nhiều tiền, chu cấp cho vợ phủ phê, mặc sức sắm sửa sang trọng hơn người khác... Một lần nữa, Kinh Thánh cũng không dạy yêu thương theo cách đó. Ở đây chúng ta không có đủ thời gian để phân tích hết 1Côrinhtô 13 để hiểu định nghĩa đúng của tình yêu thương. Chúng tôi xin dành cho sự nghiên cứu cá nhân vậy.
Một bạn nữ trước ngưỡng cửa hôn nhân, theo quan niệm phổ biến của người Việt, thấy cũng không khó khi phải vâng phục chồng mình. Tuy nhiên, khi bước vào hôn nhân lại là một thử thách lớn. Trong hôn nhân, vâng phục chồng không chỉ là "chìu ý anh ấy", rằng anh ấy muốn đi ăn phở thay vì đi ăn cháo thì mình cũng nghe lời. Trong hôn nhân, vợ chồng buộc phải cùng quyết định những vấn đề hệ trọng trong gia đình, và nhất là hệ trọng cho con cái sau này. Khi ấy, một người vợ sẽ không thấy dễ dàng khi ý kiến của mình đối lập với ý kiến của chồng. Mỗi người trong chúng ta ai nấy tự nhiên cũng cảm thấy mình là đúng nên rất khó chấp nhận ý của người khác nhất là khi mình thấy ý của người kia là sai. Vì vậy, nếu không quyết tâm vâng lời Chúa, người vợ khó mà vâng phục chồng được. Một điều khó hơn là có lắm trường hợp người vợ thật sự đúng và người vợ cũng biết rõ chồng mình có yếu điểm trong một số khía cạnh nào đó. Hoặc trong những quyết định rất hệ trọng liên quan đến tương lai lâu dài của gia đình và con cái, nếu quyết định sai e dẫn đến những hậu quả không nhỏ. Khi ấy, vâng phục chồng cần một quyết tâm và đức tin lớn nơi người vợ.
Người vợ trước hết phải biết rằng Chúa dạy mình vâng phục chồng và chồng là đầu vợ. Đó là trật tự Chúa đã lập trong gia đình, không phải là "quan điểm phong kiến hay cổ hủ" mà là trật tự và vai trò mà Chúa đã thiết lập để gia đình có thứ tự của nó, cũng giống như trong công ty phải có giám đốc, có phó giám đốc, có nhân viên và công việc sẽ trôi chảy nếu mỗi người làm đúng trách nhiệm và cương vị của mình. Chúa đặt người chồng ở vị trí lãnh đạo gia đình và Ngài sẽ ban ơn đó cho người chồng. Người vợ dù thông minh, tài giỏi đến mấy nhưng Chúa đã không ban cho vị trí đó trong gia đình thì cũng không được phép tự giữ lấy vị trí đó cho mình. Chúng ta phải có đức tin rằng Chúa tể trị và có quyền gìn giữ mái gia đình mình yên ổn nếu mình lấy đức tin vâng theo lời Chúa mà vâng phục chồng, rồi Đức Chúa Trời có thể làm việc qua tất cả những điều đó, bất chấp chồng bạn có quyết định đúng hay sai. Trách nhiệm của người vợ phải là người giúp đỡ chớ không phải là người điều khiển. Vậy những bạn nữ hãy mang lấy cho mình tinh thần của một người giúp đỡ, sẵn sàng thuận phục, sẵn sàng đứng "đàng sau sân khấu", miễn là gây dựng cho chồng mình một cách hiệu quả nhất. Điều này cũng đòi hỏi đức khiêm nhường của người vợ, sẵn sàng góp ý gây dựng, nhưng cũng sẵn sàng chấp nhận nếu phải bỏ đi ý mình.
Đôi lúc Chúa cũng thử thách sự vâng phục của bạn và Ngài cho phép những hậu quả không tốt xảy đến vì một quyết định sai lầm nào đó của người chồng. Nhưng bạn không nên vì đó mà đổi ý, giành lấy quyền quyết định cho mình. Chúa có thể làm việc cho bạn và gia đình bạn ngay cả qua những thất bại nữa. Chắc bạn còn nhớ câu chuyện của Gióp, một người công bình nhưng vẫn gặp phải những vấn nạn mà Chúa cho phép xảy đến. Tuy nhiên, không phải vì thế mà Gióp đổi ý không vâng lời Chúa nữa. Nếu bạn hiểu rằng mọi điều xảy đến trên gia đình bạn đều nằm trong tay Chúa thì bạn sẽ bình an mà vâng phục chồng. Chắc chắn Chúa không bỏ bạn đơn độc.
Chúng tôi cũng nên mở ngoặc một chút tại đây là dù rằng lời Chúa tại đây dạy người vợ phải vâng phục chồng trong mọi việc, không có trường hợp ngoại lệ nhưng là Cơ Đốc Nhân, chúng ta biết mỗi người trong chúng ta trước hết và trên hết là con cái Chúa, nên chúng ta có trách nhiệm phải vâng phục lời Chúa trước. Thế nên, nếu chồng mình bảo mình đi giết người, ăn cắp, thờ hình tượng, gian lận, nói dối hay phạm một tội nào Kinh Thánh cấm rõ ràng thì chúng ta không buộc phải làm theo vì chúng ta trước hết và trên hết là một con cái Chúa và Chúa là trên hết trong đời sống chúng ta.
Ai trong chúng ta chắc cũng đều rất quen thuộc với hai lời dạy này về bổn phận vợ chồng tuy nhiên mức độ chúng ta cam kết thực hiện đến đâu sẽ tác động đến tình trạng hôn nhân của chúng ta. Chúng ta dễ nói rằng "Tôi biết Chúa dạy tôi yêu vợ nhưng vợ tôi rất ích kỷ, hung dữ nên tôi không yêu được" hay "Tôi biết Chúa dạy tôi vâng phục chồng nhưng chồng tôi quá tệ, bỏ bê gia đình, lại hay quyết định sai trật." Tất nhiên chúng ta sẽ có 1001 lý do chính đáng để biện minh cho mình. Nhưng nếu chúng ta quyết tâm vâng theo lời Chúa và xin Chúa giúp sức mình vâng lời Ngài, chúng ta sẽ thấy những điều rất mới trong đời sống gia đình chúng ta khác hơn những lý luận bình thường của con người. Khi ấy, chúng ta sẽ hiểu rằng một khi Chúa, Đấng tạo ra chúng ta, dạy chúng ta điều gì, điều đó chắc chắn là khôn ngoan và thích hiệp cho đời sống chúng ta. Hơn nữa, Ngài không bỏ chúng ta một mình trong đời sống hôn nhân chúng ta, dù một lúc nào đó chúng ta có thể cảm thấy bất lực về người vợ hay chồng mình, Chúa là Chủ mái gia đình chúng ta và Ngài có quyền thay đổi tình thế trong thời điểm của Ngài. Trách nhiệm của chúng ta là vâng theo Kinh Thánh chớ không phải là vận dụng sự khôn ngoan của con người chúng ta để làm khác đi điều Kinh Thánh dạy.
Chúng tôi đã nghe và đọc rất nhiều bài viết tư vấn về hôn nhân liệt kê ra hàng loạt những điều chúng ta nên làm và nên tránh khi đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân và trong hôn nhân. Chúng tôi cũng đồng ý rằng đó là những kinh nghiệm hay của những người đi trước muốn góp nhặt chia sẻ cho những người đi sau. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng những tích lũy đó phải được đặt sau sự dạy dỗ của lời Kinh Thánh. Hơn nữa, là con cái Chúa, chúng ta cũng không nên đem một kinh nghiệm của ai, dù là vĩ nhân hay triết gia, làm tiêu chuẩn sống cho mình vì kinh nghiệm của con người có thể đúng trong trường hợp này mà sai trong trường hợp khác, hoặc đúng trong thời này mà sai trong thời khác. Chỉ có những gì Chúa muốn ghi chép cho chúng ta làm theo trong Kinh Thánh là chân lý tuyệt đối không bao giờ bị "lỗi thời" vì tác giả của nó chính là Đấng điều khiển mọi sự trong mọi thời đại. Chúng tôi đã từng chăm chỉ thực hiện theo rất nhiều lời khuyên khôn ngoan rút tỉa từ kinh nghiệm của những người trưởng thành đi trước. Chúng tôi cũng thấy những điều đó ít nhiều ích lợi nhưng đến một lúc nào đó lại tỏ ra không thích hợp, chỉ làm chúng tôi lo lắng mệt mõi thêm bởi chúng tôi không thể giữ theo hết mọi lời khuyên gọi là khôn ngoan của người xung quanh và lắm lúc dù hết sức giữ đúng, chúng tôi vẫn thất bại. Tuy nhiên, khi chúng tôi bắt đầu nhận ra rằng chỉ có lời Kinh Thánh là chân lý tuyệt đối, chúng tôi cảm thấy đời sống chúng tôi bước vào những trật tự quy luật của nó mà trước đây chúng tôi chưa hề nhận biết, như một cỗ máy khi được hoạt động đúng phương thức do nhà sản xuất hướng dẫn thì hoạt động thật tốt đẹp.
Thế thì, tóm tắt lại vấn đề, chúng ta không thể cứ đổ thừa cho Chúa khi một cuộc hôn nhân Cơ đốc thất bại. Vấn đề là vì hãy còn những người Cơ Đốc chưa nghiêm túc thực hiện lời Chúa dạy trong hôn nhân dù có thể họ rất sốt sắng làm theo những lời dạy khác của Kinh Thánh như : "hầu việc Chúa cách dư dật luôn" "đi khắp thế gian giảng Tin Lành cho mọi người" "cầu nguyện không thôi" "Chớ bỏ qua sự nhóm lại"... Nhưng nếu họ bỏ qua sự dạy dỗ của Kinh Thánh về hôn nhân, hôn nhân của họ vẫn có thê thất bại. Hoặc nếu họ nói rằng mình biết nhưng chưa thực sự thực hành thì vẫn thất bại. Chúa đã có lời Chúa cho chúng ta, nếu chúng ta làm theo thì được phước, còn nếu không làm theo thì đó là trách nhiệm của chúng ta chớ không thể đổ lỗi cho Chúa rằng bởi Chúa không chúc phước cho hôn nhân của chúng ta. Nếu chúng ta cứ ngày đêm cầu nguyện Chúa ban phước cho hôn nhân chúng ta mà không chịu làm theo Lời Chúa dạy trong hôn nhân thì mọi việc cũng chỉ là vô ích mà thôi.
Chúng tôi không muốn thuyết phục bạn tin chúng tôi trong vấn đề hôn nhân nhưng bạn hãy "thử" làm theo lời Chúa đi và kiên nhẫn chờ đợi, bạn sẽ kinh nghiệm những điều rất mới mẻ trong hôn nhân của bạn.
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)