ĂN Ở CÁCH HIỆP MỘT (Tiếp theo)
(Êphêsô 4:5)
Tháng Ba 2003
"Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp têm"
Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong Cứu Chúa Giêxu Christ. Những câu đầu trong Êphêsô đoạn 4 muốn nhấn mạnh một chủ đề rất quan trọng. Đó là chủ đề mà chúng ta đã bắt đầu học trong lần trước: chủ đề về sự hiệp một Cơ Đốc. Là hội thánh của Đức Chúa Trời, chúng ta rất cần hiểu rằng sự hiệp một Cơ Đốc không phải là một điều có hay không có cũng được. Không phải chúng ta có thể nói "Ồ, tất nhiên nếu mọi người đều sống hòa hảo được với nhau thì hay biết mấy" theo kiểu ủy mị nào đó. Nhưng đó là một sự hiệp một đặt nền tảng trên chính Đấng Christ. Đó là một sự ban cho của Đức Chúa Trời cho hội thánh Ngài. Ấy là điều mà Đấng Christ cầu thay cho hội thánh Ngài trong Giăng đoạn 17 rằng chúng ta sẽ được hiệp một như chính Đức Chúa Trời và Đấng Christ cũng hiệp một vậy.
Sự hiệp một của thân thể Đấng Christ là một phần của công việc Đức Chúa Trời. Đó là một phần của công việc của Đấng Christ trong việc làm đảo ngược những hậu quả ghê gớm của tội lỗi. Thử nghĩ xem sự hiệp một của nhân loại đã bị phá vỡ khi nào? Tất nhiên chúng ta thấy rằng nó bị phá vỡ khi con người sa ngã, sự sa ngã của Ađam và Êva. Rõ ràng, sự gãy đổ trước nhất là sự gãy đổ trong mối thông công giữa Đức Chúa Trời và con người. Thế nhưng Sáng Thế Ký đoạn 3 trong phần nói về sự sa ngã của con người cũng chỉ rõ rằng nó có tác động đến mối tương giao của con người với nhau. Sự hiệp một giữa Ađam và Êva bị tác động rất rõ ràng. Chúng ta thấy Ađam, người chồng của Êva, lại nói với Đức Chúa Trời rằng "Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi..." Thay vì hiệp một với nhau, Ađam lại chỉ tội vợ mình. Ađam lúc bấy giờ không còn đứng trong cương vị của một người chồng nữa mà của một nguyên cáo. Hậu quả của tội lỗi thật rõ ràng. Sáng Thế Ký 11 trong câu chuyện tháp Babên cho thấy sự hiệp một của con người bị phá vỡ còn nặng nề hơn khi con người muốn xây một cái tháp cao đến tận trời hầu có thể bằng Đức Chúa Trời. Khi ấy con người bị Đức Chúa Trời chia rẽ ra, bị Ngài rủa sả bằng sự lộn xộn các thứ tiếng. Sự lộn xộn các thứ tiếng đó gây nên sự phân chia thành nhiều quốc gia và dân tộc trên thế giới. Vì cớ tội lỗi nên không còn có sự hiệp một giữa con người với nhau nữa.
Chúng ta thấy trong Công vụ đoạn 2 có một sự đảo ngược lại sự rủa sả đó. Khi các sứ đồ nói về Chúa Giêxu sống lại từ trong kẻ chết và về trời, họ nói các thứ tiếng và mọi người ở đó đều hiểu được. Công vụ đoạn 2 mô tả rõ ràng rằng tội lỗi đã chia cắt nhân loại nay đã bị đảo ngược. Tin Lành của Chúa Giêxu đem lại sự hiệp một. Sự phân rẽ lớn nhất trong Kinh Thánh thời Cựu Ước là sự phân rẽ giữa tuyển dân của Đức Chúa Trời, dân Do Thái, và người ngoại. Một lần nữa trong Êphêsô đoạn 2 và 3 nhấn mạnh sự đảo ngược của điều đó, thể nào giờ đây cả người Do Thái lẫn người ngoại có thể đứng trước mặt Đức Chúa Trời như là dân sự của Ngài. Chính Tin Lành của Chúa Giêxu đã mang lại sự hiệp một giữa hai nhóm riêng biệt này. Ngài hiệp một những người trước đây phân rẽ.
Sự hiệp một này của dân sự Đức Chúa Trời trên đất tại nơi hội thánh Đấng Christ là một hình ảnh có tính cách tiên báo. Nó hướng về về một sự hiệp một trọn vẹn của dân sự Đức Chúa Trời và hội thánh Ngài trên trời vào ngày cuối cùng. Sự hiệp một của chúng ta qua Chúa Giêxu phải được hiểu như là một trong những phước hạnh thiên thượng mà Đức Chúa Trời ban cho hội thánh Ngài. Ấy là điều mà hội thánh phải yêu mến và tìm kiếm. Chúng ta đôi khi phải căng thẳng khi nói đến sự hiệp một của hội thánh Đức Chúa Trời do nơi ước muốn của chúng ta muốn gìn giữ sự thanh sạch của hội thánh Đấng Christ. Điều này là rất tốt. Ao ước tránh khỏi sự hiệp một với những điều sai trật một lần nữa được nói đến cách rõ ràng khi chúng ta đọc trong 2Côrinhtô đoạn 6. Êphêsô đoạn 4 trình bày rất rõ ràng rằng sự hiệp một mà chúng ta có được phải châm rễ trong lẽ thật Tin Lành của Chúa Giêxu Christ. Chúng ta thấy thật rõ ràng rằng sự hiệp một được ban cho hội thánh đó lập nền trên Tin Lành và Tin Lành lập nền trên Lời Kinh Thánh là Lời hiệp chúng ta là những tín đồ thật lại với nhau lại làm một.
Lần trước chúng ta nói đến sự hiệp một của chúng ta về phương diện sự hiệp một của một thân thể. Chúng ta đã nói về sự hiệp một mà chúng ta có được bởi một Thánh Linh. Chúng ta cũng nói về sự hiệp một mà chúng ta có được bởi một sự trông cậy của sự kêu gọi, là chính sự trông cậy trên trời. Hôm nay chúng ta muốn tiếp tục học hỏi về sự hiệp một, sự hiệp nhất của thân thể Đấng Christ trong khía cạnh được trình bày trong Êphêsô đoạn 4 câu 5. Trước tiên chúng ta muốn xem xét sự hiệp một chúng ta có được trong một Chúa, kế đến là sự hiệp một chúng ta có được trong một đức tin và cuối cùng là sự hiệp một chúng ta có được trong một phép báp têm.
Như đã trình bày lần trước, sự hiệp một của hội thánh được thực hiện theo gương mẫu sự hiệp một của Đức Chúa Trời. Như tôi có đề cập đến trước đây, trong Giăng đoạn 17 Chúa Giêxu cầu nguyện rằng chúng ta sẽ được hiệp một như chính Cha và Đấng Christ cũng hiệp một vậy. Nhưng rõ ràng với ngữ cảnh của chúng ta trong Êphêsô đoạn 4 đây rằng Thánh Linh cũng bao gồm trong sự hiệp một đó. Cả 3 ngôi Đức Chúa Trời đều được trình bày tại đây: Đức Thánh Linh, Đức Con và Đức Cha. Cả 3 ngôi được đề cập đến như là những ngôi vị bởi chính bản tánh mình đã hiệp một thân thể Đấng Christ. Câu 5 đề cập rõ ràng đến ngôi 2 của ba ngôi Đức Chúa Trời. Chúa Giêxu được đề cập đến nhiều lần trong Tân Ước bởi từ "Chúa". Chúa Giêxu là đầu của hội thánh. Ngài là "Chúa" của hội thánh. Đáng chú ý nhất là trong 1Côrinhtô đoạn 8 câu 5 và 6 nhắc lại điều chúng ta đang nói đến tại đây rằng chúng ta hiệp một và chúng ta có một Chúa là Chúa Giêxu Christ.
Sự hiệp một của hội thánh tập trung vào chính Đấng Christ trong nhiều khía cạnh và thể hiện rõ ràng trong nhiều phương diện. Chúng ta được gọi là Cơ Đốc Nhân. Danh xưng của chúng ta được kết chặt với chính Chúa Giêxu Christ. Ấy chính mối liên hệ đó xác định chúng ta là ai và nói với người khác chúng ta là ai. Chúng ta là những tội nhân được Chúa Giêxu cứu chuộc. Ngài là sự trông cậy của chúng ta. Ngài là sứ điệp mà chúng ta rao ra cho thế gian. Danh xưng của chúng ta được hiệp một với Ngài. Bên ngoài Chúa Giêxu, bao nhiêu người trong chúng ta sẽ có mặt ở nơi này ngày hôm nay? Chúng ta được hiệp một chung quanh Tin Lành của Đấng Christ. Không có Đấng Christ, chắc chúng ta đã không có mặt ở đây. Chắc sẽ không có gì khiến chúng ta phải hiệp một với nhau trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Tôi hy vọng rằng sự dự phần của chúng ta vào hội thánh tại đây không chuyên chú vào việc gặp gỡ những bạn bè bạn hữu mà chúng ta quý mến. Tôi hy vọng nó không chú mục vào bất cứ một cá nhân nào, rằng chúng ta nhóm họp tại đây là vì chúng ta yêu mến Chúa Giêxu Christ chúng ta, vì chúng ta biết những gì Ngài đã làm cho chúng ta. Chính Ngài là nguyên nhân vì sao chúng ta nhóm họp hàng tuần để ca ngợi Ngài.
Niềm tin nơi Chúa Giêxu cũng hàm ý rằng chúng ta cùng có chung một cái nhìn về Chúa Giêxu là ai. Sự hiệp một của chúng ta trong Đấng Christ gắn chặt với sự xưng nhận đức tin của chúng ta về Đấng Christ là ai. Chúng ta phải tin rằng Giêxu, Đấng xưa kia ra đời trong máng cỏ, không chỉ là một con người. Ngài là Đức Chúa Trời trong xác thịt. Nếu hôm nay chúng ta nói rằng "Tôi tin Chúa Giêxu xưa là một con người thiện hảo, một tấm gương đạo đức cho chúng ta noi theo, một người thầy giỏi dạy chúng ta nhiều điều khôn ngoan tuyệt diệu", thì chưa đủ. Điều đó cũng chưa đủ cho chúng ta có thể hiệp một với dân sự Đức Chúa Trời. Chúng ta không hiệp một với những tín đồ của giáo hội Chứng Nhân Giêhôva hay những giáo hội phóng khoáng là những giáo hội khước từ thần tính của Chúa Giêxu. Chúng ta cũng không hiệp một với giáo hội Mormon là giáo hội khước từ Đấng Christ là Con độc sanh của Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy rằng sự hiệp một của chúng ta được lập nền trên đức tin của chúng ta nơi một Chúa, một Chúa Giêxu Christ, Đấng vừa là Đức Chúa Trời vừa là con người. Ngài vừa là Đức Chúa Trời vừa là con người, là Đấng duy nhất có thể giải cứu chúng ta khỏi tội lỗi.
Tuy nhiên sự hiệp một của chúng ta trong Chúa Giêxu còn đi xa hơn thế nhiều bởi chúng ta cũng phải tin tưởng nơi công việc đã hoàn tất của Chúa Giêxu Christ chúng ta. Chúng ta hiệp một với nhau bởi cùng một niềm tin nơi công việc của Chúa Giêxu, rằng Ngài chết thế tội lỗi chúng ta và Ngài sống lại từ trong kẻ chết. Ấy là đức tin nơi sự tha thứ tội mà chúng ta tìm thấy nơi Chúa Giêxu và chỉ tìm thấy được nơi Ngài mà thôi. Xin chúng ta cùng mở ra trong 1Côrinhtô đoạn 1 câu 13. Tại đây sứ đồ Phaolô được sự linh cảm của Đức Chúa Trời nêu lên một câu hỏi cho hội thánh khi ông nhìn thấy sự chia rẽ đang tấn công hội thánh Côrinhtô: "Đấng Christ bị phân rẽ ra sao? Có phải Phaolô đã chịu đóng đinh trên cây thập tự thế cho anh em, hay là anh em đã nhơn danh Phaolô mà chịu phép báp têm sao? Tôi tạ ơn Đức Chúa Trời, vì ngoài Cơ-rít-bu và Gai-út, tôi chưa từng làm phép báp têm cho ai trong anh em, hầu cho chẳng ai nói rằng anh em đã nhơn danh tôi mà chịu phép báp têm. Tôi cũng đã làm phép báp têm cho người nhà Sê-pha-na; ngoài nhà đó, tôi chẳng biết mình đã làm phép báp-têm cho ai nữa. Thật vậy, Đấng Christ đã sai tôi, chẳng phải để làm phép báp têm đâu, nhưng để rao giảng Tin Lành, và chẳng dùng sự khôn khéo mà giảng, kẻo thập tự giá của Đấng Christ ra vô ích".
Chúng ta thấy rằng sứ đồ Phaolô khi rao giảng Tin Lành cho người Côrinhtô thì điều gì là quan trọng nhất mà ông muốn nhấn mạnh? Ông không phải là một nhà truyền đạo chú trọng vào cá nhân. Ông không cố lôi kéo người ta đến với mình. Ông cố đưa người ta đến với Đấng sống lại duy nhất là Cứu Chúa Giêxu Christ, đến với niềm hy vọng của Tin Lành hầu họ có thể được giải phóng khỏi tội lỗi và sự thống khổ mình, hầu được cứu bởi ân điển. Ông muốn họ hiểu được rằng chỉ có sự cứu rỗi trong Đấng Christ và rằng chúng ta được hiệp một trong Ngài là Đấng chịu đóng đinh. Mối dây mà chúng ta chia sẻ trong Đấng Christ hiệp một chúng ta lại với nhau. Bởi Tin Lành này chúng ta được cứu. Chúng ta đặt lòng tin nơi công việc mà Đấng Christ đã làm thay cho chúng ta nơi thập tự giá. Đây là điều kết nối chúng ta lại với nhau như là dân sự của Đức Chúa Trời. Đây có lẽ là điều mà thế gian không hiểu được. Họ nhìn chúng ta là những Cơ đốc nhân như những người tin mù quáng hay những người quá tự hào mà tin rằng chỉ có một con đường cứu rỗi, một hy vọng duy nhất trong Chúa Giêxu Christ. Kinh Thánh trình bày rõ ràng rằng không có một Tin Lành nào khác, không có phương cách nào khác hầu chúng ta được cứu rỗi. Chỉ có một Chúa, chỉ một Đấng có thể giải quyết ổn thỏa mối tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời. Dân sự Đức Chúa Trời là một sự bực dọc cho nhiều người, nhưng ấy chính là điều kết nối chúng ta lại với nhau.
Cuối cùng, khi chúng ta nghĩ đến Đấng Christ là Chúa duy nhất, chúng ta cũng nghĩ đến việc chúng ta chỉ có một Chủ. Chúng ta không theo ai khác. Theo như Êphêsô đoạn 4 phần sau có chép Chúa Giêxu là đầu hội thánh. Chúng ta là những người theo Ngài. Ngài cai trị trên chúng ta. Chúng ta xem trong Mathiơ đoạn 23 từ câu 8 đến câu 12, Chúa Giêxu đưa ra vấn đề này rất rõ ràng với môn đồ Ngài "Nhưng các ngươi đừng chịu người ta gọi mình bằng thầy; vì các ngươi chỉ có một Thầy, và các ngươi hết thảy đều là anh em. Cũng đừng gọi người nào ở thế gian là cha mình; vì các ngươi chỉ có một Cha, là Đấng ở trên trời. Cũng đừng chịu ai gọi mình là chủ; vì các ngươi chỉ có một Chủ, là Đấng Christ. Song ai lớn hơn hết trong các ngươi, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi. Kẻ nào tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống, còn kẻ nào hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên." Chỉ có một Chủ, một Thầy mà chúng ta theo và Vị Thầy đó tất nhiên là Chúa Giêxu Christ. Điều này không có nghĩa là tôi không được kêu gọi để giảng dạy Lời Chúa, nhưng tôi chỉ giảng dạy với thẩm quyền mà Đấng Christ đã ban cho tôi và tôi hy vọng rằng mình chỉ giảng dạy những gì Đấng Christ đã giảng dạy. Ấy chính Đấng Christ là Chủ chúng ta. Ngài là Đấng mà chúng ta được kêu gọi bước theo. Ngài là Đầu chúng ta. Chúng ta là những đầy tớ vâng theo Ngài. Ngài là Chúa và Chủ của hội thánh Ngài và chúng ta được hiệp một với tư cách là dân sự của Đức Chúa Trời, là tôi tớ trung tín bước theo Ngài.
Nếu chúng ta hiệp một xung quanh một Chúa thì chúng ta cũng hiệp một bởi một đức tin. Các nhà chú giải Kinh Thánh vẫn tranh luận về ý nghĩa của chữ "đức tin", rằng đức tin chỉ có nghĩa là sự tin cậy nơi Chúa, một sự việc có tính chất chủ quan từ bên trong của chúng ta hay có nghĩa là một sự việc có tính khách quan, một lòng tin khách quan nơi những lẽ thật của Kinh Thánh. Tôi tin rằng khi chúng ta học hỏi phần còn lại trong sách Êphêsô thì đức tin bao gồm cả hai phương diện trên. Đức tin là sự tin tưởng nương cậy nơi Đức Chúa Trời. Nhưng rõ ràng rằng nó cũng liên hệ đến một hiểu biết đúng đắn về công việc của Đấng Christ. Thế thì một đức tin khiến chúng ta hiệp một đó trước nhất chỉ về đức tin xưng nghĩa, một đức tin cứu rỗi, đức tin mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Ấy là ý nghĩa căn bản mà sách Êphêsô nói đến về đức tin. Và điều đầu tiên mà chúng ta nhận thấy về đức tin đó được nói đến trong sách Êphêsô trong đoạn 1 và 2 là, đức tin đó là công việc của Đức Chúa Trời.
Êphêsô đoạn 2 trình bày rất rõ ràng "Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, đều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình." Chúng ta thấy rằng đức tin được nói đến trong Êphêsô đoạn 2 là một đức tin đặt nơi Tin Lành của Chúa Giêxu Christ. Ấy là công việc của Đức Chúa Trời toàn năng trong chúng ta. Cũng vậy khi chúng ta đọc trong Mathiơ đoạn 16, Chúa Giêxu hỏi Phierơ "Còn các ngươi thì xưng ta là ai?", Phierơ trả lời rằng "Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống." Khi ấy Chúa nói cùng Phierơ rằng "Chẳng phải thịt và huyết tỏ cho ngươi biết điều này đâu, bèn là Cha ta ở trên trời vậy." Đức tin nơi Chúa Giêxu Christ là một điều hành động trong lòng chúng ta bởi chính Đấng Christ. Ngài cất cái vẩy khỏi mắt chúng ta. Ngài khiến kẻ mù được nhìn thấy. Ấy chính Ngài ban cho chúng ta đức tin đó hầu chúng ta có thể tin nhận. Sự xưng nhận đức tin chung của chúng ta có một nguồn gốc chung, nó bắt nguồn nơi công việc Đức Chúa Trời trong đời sống quý vị và đời sống tôi. Chúng ta được hiệp một bởi cùng một công việc đó của Đức Chúa Trời thông qua Thánh Linh Ngài trong đời sống chúng ta: công việc của đức tin.
Thứ hai chúng ta thấy rằng đức tin đó cũng bao gồm sự tin tưởng nơi những điều giống nhau. Rõ ràng là trên một khía cạnh nào đó về những gì đã được trình bày về đức tin tại đây có một sự hiệp một về tín lý. Có một sự hiệp một trong niềm tin của chúng ta nơi thẩm quyền và sự giảng dạy của Kinh Thánh và một lòng sẵn sàng thuận phục sự dạy dỗ ấy. Một giáo lý đúng đắn là rất quan trọng cho sự hiệp một của chúng ta. Tôi không muốn nói rằng sự hiệp một của chúng ta có nghĩa rằng chúng ta phải tán đồng với nhau một trăm phần trăm trong mọi vấn đề về giáo lý. Vì nếu như vậy thì chắc hết thảy chúng ta mỗi người đều phải là một giáo hội cho cá nhân mình bởi chúng ta đều là tội nhân và sự hiểu biết Kinh Thánh của chúng ta đôi khi bị hạn chế bởi tình trạng tội lỗi của chính chúng ta. Đó không phải là ý tại đây. Tuy nhiên chúng ta vẫn có một sự hiệp nhất trong sự giảng dạy của Kinh Thánh và hiểu biết của chúng ta trong vấn đề cốt lõi, ấy là niềm tin nơi Cứu Chúa Giêxu.
Chúng ta có một nền tảng chung trong sự hiểu biết của chúng ta về Kinh Thánh. Điều này chắc hẳn sẽ được trình bày trong phần sau của Êphêsô đoạn 4 từ câu 13 đến câu 15 khi nói về sự chúng ta tiếp tục lớn lên trong sự hiểu biết Đấng Christ "cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhơn, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ." Tại đây cũng có nói đến những người bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, nhưng chúng ta phải lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật, để trong mọi việc chúng ta đều được thêm lên trong Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ. Vị sứ đồ hiểu rằng trên đất này chúng ta cứ phải tiếp tục lớn lên trong sự hiểu biết Kinh Thánh và một ao ước rằng chúng ta có thể đạt đến sự hiệp một trong giáo lý và đức tin nơi Đức Chúa Trời mà sẽ được trọn vẹn khi Đấng Christ trở lại. Thế nhưng rõ ràng rằng chúng ta vẫn có một sự hiệp một xung quanh lẽ thật của Tin Lành, nghĩa là sự hiệp một của dân sự Đức Chúa Trời phải xoay quanh những giáo lý mà Kinh Thánh giảng dạy. Một đức tin hiệp chúng ta lại với nhau và đức tin đó châm rễ nơi Lời Kinh Thánh là nơi mà kế hoạch cứu chuộc được mặc khải cho chúng ta.
Đức tin hiệp một cũng có nghĩa rằng chúng ta được cứu bởi đức tin mà thôi. Chúng ta để ý rằng Kinh Thánh không nói chúng ta được cứu bởi đức tin cộng thêm với điều gì đó khác nữa. Kinh Thánh không nói rằng chúng ta được cứu bởi đức tin và phép cắt bì. Điều này sứ đồ Phaolô có trình bày trong sách Galati. Cũng chẳng phải bởi đức tin cộng với sự vâng theo luật pháp mà chúng ta được cứu. Nhưng ấy là bởi đức tin mà thôi, là đức tin nơi Tin Lành của Cứu Chúa Giêxu Christ, tin tưởng nơi lời hứa của Đức Chúa Trời, không đi theo hay hầu việc một Tin Lành khác, theo như sách Galati có nói đến những người dẫn dắt và giảng dạy một "tin lành" lầm lạc đáng bị anathem. Chúng ta được hiệp một trong đức tin nơi Cứu Chúa Giêxu Christ và chúng ta nhận ra rằng chúng ta được cứu bởi đức tin mà thôi, và ấy chính là công việc của Chúa Giêxu trong lòng chúng ta.
Cuối cùng phân đoạn Kinh Thánh hôm nay dạy rằng chúng ta được hiệp một trong một phép báp têm. Chúng ta phải hiểu rằng sự cứu rỗi và hiệp một của chúng ta không quan hệ với chính sự kiện chịu báp têm. Không phải là việc chúng ta chịu phép báp têm đã biến cải chúng ta một cách thần bí hay đổ đầy ân điển trên chúng ta như giáo hội Công Giáo La Mã tin tưởng. Không có gì thần bí trong phép báp têm cả. Điều rõ ràng ở đây là phép báp têm là một thánh lễ nhưng điều quan trọng hơn là thánh lễ đó mang hình bóng gì và nó là dấu hiệu chỉ về điều gì. Thánh lễ báp têm là hình bóng của việc rửa sạch tội bởi dòng huyết của Cứu Chúa Giêxu. Nó cũng giống như phép cắt bì được thực hiện hầu chúng ta được biệt riêng ra khỏi thế gian. Chúng ta đặc biệt không giống những người khác. Nó gắn liền với bước khởi đầu của chúng ta bước vào hội thánh hữu hình của Chúa Giêxu. Chúng ta được hiệp một với nhau bởi phép báp têm đó. Chúng ta được hiệp một bởi phép báp têm trong lòng chớ không chỉ là phép báp têm bằng nước dù chắc chắn nó cũng bao hàm ý đó. Chúng ta được hiệp một với nhau với tư cách là những người được báp têm vào một danh của Ba ngôi Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải chỉ là một dấu hiệu bên ngoài nhưng chính là ý nghĩa của dấu hiệu đó đóng ấn cho những ai đặt lòng tin vào những lời hứa tượng trưng bởi dấu hiệu đó. Chung quanh phép báp têm trong lòng là cách mà chúng ta hiệp một và được biệt riêng khỏi thế gian. Chúng ta đã được Đức Chúa Trời biệt riêng cho sự hầu việc Ngài.
Tại hội thánh có một hình ảnh tuyệt vời về sự hiệp một mà Đấng Christ đã trả giá mua lấy. Ấy chẳng phải chỉ là sự hiệp một giữa chúng ta với nhau mà thôi mà còn là sự hiệp một giữa những tín hữu khắp nơi trên thế giới. Chúng ta thấy rằng là con cái Chúa, chúng ta không cô lập mình tại đây ở nhà thờ Bothell hay Everett này nhưng chúng ta cùng hiệp nhau với những tín hữu ở các nơi trên thế giới của những màu da, dân tộc và cá tính khác nhau. Chúng ta có thể khác nhau về tiếng nói ngôn ngữ nhưng sự hiệp một của chúng ta tìm thấy nơi chính Chúa Giêxu của chúng ta. Sự hiệp một này kêu gọi chúng ta yêu thương nhau. Nếu chúng ta hiệp một chung quanh những điều đó, chúng ta được kêu gọi phải quan tâm sâu sắc lẫn nhau hầu khích lệ nhau trong đức tin. Chúng ta là anh chị em của nhau trong đức tin, là thành viên của cùng một gia đình, là chi thể của một thân thể. Chúng ta có thể có những quan niệm khác nhau về âm nhạc, thần học hay có những cá tính khác nhau mà lắm lúc cũng không thích hợp với nhau. Thế nhưng sự gắn bó của chúng ta sâu sắc hơn những điều đó nhiều bởi sự gắn bó của chúng ta là ở trong Chúa Giêxu. Chúng ta hiệp một với nhau trong tình yêu thương và đức tin của chúng ta trong Chúa Giêxu Christ. Trong khi chờ đợi sự hiệp một trọn vẹn của chúng ta trên trời, ngay trong hiện tại chúng ta phải cố gắng sống với mục tiêu đó. Chúng ta phải phấn đấu hoàn thiện sự gắn bó của chúng ta với nhau trong tình yêu thương và kiên nhẫn. Chúng ta hãy giữ gìn sự hiệp một đó trong hội thánh chúng ta tại đây, theo đuổi nó như một trong những ân tứ mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Đấng Christ đã phá vỡ sự thù nghịch không chỉ giữa Đức Chúa Trời với con người mà còn giữa chúng ta là dân sự của Ngài với nhau. Ngài đã đảo ngược sự rủa sả của Satan và phục hồi chúng ta lại trong sự hiệp một. Thật là tốt khi nhìn khắp cả nhà thờ này để trông thấy nhiều khuôn mặt khác nhau từ những nền văn hóa khác nhau, những miền đất khác nhau và biết rằng điều đó không là vấn đề gì vì tất cả chúng ta đều thuộc về Đấng Christ. Chúng ta có cùng một Chúa, một đức tin, một phép báp têm. Chúng ta hãy yêu thương nhau như những người hiệp một với nhau trong Ngài. Amen.
Lạy Chúa, chúng con cảm ơn Ngài vì sự hiệp một mà Ngài đã trả giá mua lấy cho hội thánh Ngài. Chúa ơi, điều trước đây từng phân rẽ chúng con nay đã được đảo ngược lại bởi tình yêu thương của Đấng Christ cho dân sự Ngài, đến nỗi ngày nay chúng con có được một sự gắn bó vượt xa hơn tình bằng hữu hay những mối quan tâm giống nhau. Sự gắn bó của chúng con là công việc của Ngài trong chúng con. Thánh Linh Ngài thay đổi tấm lòng và đời sống chúng con. Chúng con cầu xin cho sự hiệp một này được hiển hiện giữa vòng chúng con khi chúng con yêu thương, cầu nguyện, khích lệ và gây dựng lẫn nhau trong đức tin và trong sự hiểu biết Đấng Christ. Chúng con cầu xin Chúa cho chúng con với tư cách là một hội thánh hiệp một của Ngài được tiếp tục lớn lên trong sự hiểu biết Tin Lành của Đấng Christ hầu chúng con có thể tấn tới trong sự trọn vẹn của sự hiệp một. Chúng con nóng nảy trông đợi một ngày khi sự hiệp một của chúng con sẽ được trọn vẹn khi dân sự Ngài nhóm nhau chung quanh ngai Ngài, ca ngợi Ngài trong sự thông hiểu trọn vẹn và tình yêu thương trọn vẹn. Lạy Chúa, chúng con cầu xin Ngài cho chúng con ngay giờ đây được dự phần vào phước hạnh đó. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu. Amen.
Rev. Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)