Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Êphêsô > Quyền Vô Hạn Của Ngài - 9/2001  


QUYỀN VÔ HẠN CỦA NGÀI
(Ê-phê-sô 1:19-20)

Tháng Chín 2001

"Và biết quyền vô hạn của Ngài, đối với chúng ta có lòng tin, là lớn dường nào, y theo phép tối thượng của năng lực mình, mà Ngài đã tỏ ra trong Đấng Christ, khi khiến Đấng Christ từ kẻ chết sống lại và làm cho ngồi bên hữu mình tại các nơi trên trời."

Kính thưa hội thánh yêu dấu trong danh Chúa Cứu Thế Giêxu. Hôm nay chúng ta sẽ để thời gian suy gẫm về sự sống lại từ trong kẻ chết của Chúa Cứu Thế Giêxu. Chúng ta sẽ tiến hành bằng cách suy gẫm hai câu Kinh Thánh, câu 19 và 20, "Và biết quyền vô hạn của Ngài, đối với chúng ta có lòng tin, là lớn dường nào, y theo phép tối thượng của năng lực mình, mà Ngài đã tỏ ra trong Đấng Christ, khi khiến Đấng Christ từ kẻ chết sống lại và làm cho ngồi bên hữu mình tại các nơi trên trời."

Có lẽ, đôi khi nhiều người không còn thấy gì đặc biệt khi nói về sự sống lại của Chúa Cứu Thế. Có lẽ trong thực tế chúng ta không còn xúc động bởi tầm vóc vĩ đại của sự kiện cứu chuộc trong lịch sử mà Đức Chúa Trời đã làm thành bởi quyền năng Ngài. Có lẽ, nếu chúng ta kinh ngạc trước quyền năng của Đức Chúa Trời bày tỏ ra trong cuộc sáng thế thì chúng ta nên suy nghĩ về "sự sáng tạo mới" được khởi đầu bởi sự sống lại của Chúa Cứu Thế Giêxu. Thật vậy, khi suy nghĩ về sự sáng tạo mới chúng ta sẽ thấy sự sáng tạo này lớn lao và lạ thường hơn sự oai nghiêm của thế giới vật chất nầy. Chính vì lý do đó mà Phao-lô được linh ứng ghi lại lời cầu nguyện nầy cho các thánh đồ hầu họ cũng biết được sự vĩ đại vô hạn của quyền năng Ngài trong lòng họ. Khi học đến đoạn này của lời cầu nguyện chúng ta đã biết rằng Phao-lô cầu nguyện cho chúng ta biết được ba điều: thứ nhất là biết được sự trông cậy về sự hi vọng, thứ hai là biết được sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển trong Chúa Cứu Thế Giêxu, và thứ ba là biết được quyền vô hạn lớn lao của Ngài mà chúng ta sẽ suy gẫm hôm nay.

Sự cứu rỗi và đức tin được gieo vào lòng chúng ta bởi Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Giê-xu. Đây là một phép lạ của Đức Chúa Trời vượt quá cả sự sáng tạo nữa. Hôm nay chúng ta sẽ suy nghĩ về quyền năng của Đức Chúa Trời đối với chúng ta là những người tin nhận Ngài. Chúng ta sẽ tìm hiểu về sự lớn lao của sự cứu chuộc trong Chúa Cứu Thế. Chúng ta sẽ tiến hành bằng cách trước nhất chúng ta sẽ xem xét thảo luận về quyền lực của tội lỗi và sự chết, kế đến chúng ta sẽ suy nghĩ đến quyền năng được phô bày ra trong sự sống lại của Chúa Cứu Thế, cuối cùng chúng ta sẽ suy gẫm về quyền năng trong sự hiệp một với Chúa Cứu Thế trong sự sống lại của Ngài.

Trước hết xin chúng ta hãy suy nghĩ về quyền lực của tội lỗi và sự chết. Một vài nơi trong Thánh Kinh mô tả quyền lực mạnh mẽ của sự chết và quyền lực của vương quốc tối tăm. Để suy gẫm về quyền năng của sự sống lại của Chúa Cứu Thế trước hết chúng ta hãy tự nhắc nhở về tình trạng bất lực của chúng ta trước tội lỗi và sự chết. Sức mạnh của tội lỗi và sự chống nghịch lại cùng Đức Chúa Trời thật hiển hiện. Người ta chỉ cần mở mắt ra nhìn quanh thế giới mà chúng ta đang sống thì sẽ thấy tình trạng tội lỗi cực kỳ ghê tởm của nó. Nó phô bày bản chất của con người bằng nhiều cách khác nhau, đặc biệt, quí vị có thể thấy tình trạng luông tuồng của thế hệ của chúng ta. Thế nào con người coi thường lời thề hứa trong hôn nhân rồi dẫn đến tình dục trụy lạc. Cùng với sự hưởng thụ, thế giới của chúng ta còn tự cho mình là trung tâm, trung tâm của những điều ác. Một số người nhận xét rằng giờ đây người ta chỉ nghĩ đến chính mình và thế hệ nầy là thế hệ của cái tôi.

Chúng ta thấy thiếu mất sự thờ phượng dâng lên cho Đức Chúa Trời trong xã hội xung quanh chúng ta. Chúng ta cần phải chú ý rằng quyền lực của tội lỗi cũng không vắng bóng trên chúng ta là những người mà tâm trí cũng vẫn còn bị ảnh hưởng của bản chất tội lỗi nầy. Tâm trí chúng ta suy nghĩ và lấy làm lạ rằng mặc dù chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời Toàn Năng và lắng nghe lời Ngài nhưng nhiều lúc chúng ta cũng ở trong trạng thái buồn rầu, giận dữ, cay đắng, thiếu kiên nhẫn, động lòng tham muốn... và những điều giống như vậy. Tội lỗi trong những linh hồn phản loạn chống nghịch xâm chiếm thế gian nầy sau sự sa ngã của con người. Và, ngay tức thì sau cơn nước lụt, con người được mô tả trong Sáng-thế Ký 6:5, "...sự hung ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn".

Rô-ma đoạn 3 mô tả bản chất sa ngã của con người và quyền lực của tội lỗi, "như có chép rằng: Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không. Chẳng có một người nào hiểu biết, Chẳng có một người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời. Chúng nó đều sai lạc cả, thảy cùng nhau ra vô ích; Chẳng có một người làm điều lành, dẫu một người cũng không. Họng chúng nó như huyệt mả mở ra; Dùng lưỡi mình để phỉnh gạt; Dưới môi chúng nó có nọc rắn hổ mang. Miệng chúng nó đầy những lời nguyền rủa và cay đắng. Chúng nó có chơn nhẹ nhàng đặng làm cho đổ máu. Trên đường lối chúng nó rặc những sự tàn hại và khổ nạn, Chúng nó chẳng hề biết con đường bình an. Chẳng có sự kính sợ Đức Chúa Trời ở trước mặt chúng nó" (Rô-ma 3:10-18), "vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời" (Rô-ma 3:23).

Quyền lực của tội lỗi, vâng, quyền lực của tội lỗi mạnh đến nỗi không ai, trừ ra Chúa Giêxu, có thể cự nổi, "vì mọi người đều đã phạm tội". Không ai có thể chế ngự được cám dỗ. Quyền lực của tội lỗi và tối tăm lúc nào cũng chống nghịch lại Đức Chúa Trời thánh khiết và công bình. Rô-ma cũng dạy chúng ta rằng "Vì tiền công của tội lỗi là sự chết". Sự chết đến với vật thọ tạo không phải là chuyện tình cờ, không, nó đến vì cớ sự rủa sả trên tội lỗi của con người. "Vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết", Đức Chúa Trời phán với A-đam và Ê-va như vậy trong vườn Ê-đen. Trong Sáng-thế Ký đoạn 4, ngay tức thì sau khi họ bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen, con trai của họ bị giết, huyết của nó đổ ra trên đất. Sáng-thế Ký đoạn 5 vọng lại điệp khúc: "rồi qua đời", "rồi qua đời", "rồi qua đời"... Thi-thiên 49:15 nói đến tội lỗi là quyền lực của âm phủ. Quyền lực của âm phủ chiến thắng tất cả mọi người, trừ ra Hê-nóc và Ê-li.

Sự kiềm kẹp của tội lỗi và sự chết siết chặt lấy chúng ta đến nỗi chúng ta không thể nhờ cậy sức riêng của mình mà vùng vẫy thoát khỏi sự ràng buộc của nó. Quyền lực của tội lỗi và sự chết bao phủ con người kể cả chúng ta được tóm tắt bởi tiên tri Giê-rê-mi 13:23 trong những lời nầy: "Người Ê-thi-ô-bi có thể đổi được da mình, hay là con beo đổi được vằn nó chăng? Nếu được thì các ngươi là kẻ đã làm dữ quen rồi, sẽ làm lành được". Quí vị thấy không? Chúng ta quá xu hướng về điều ác và tội lỗi đến nỗi chúng ta bất lực trước nó. Với sức riêng của chúng ta, chúng ta không có phương cách nào để chiến thắng hoặc chống cự nó được. Tội lỗi của chúng ta khiến chúng ta đồi bại đến mức hoàn toàn hư hoại. Chúng ta hoàn toàn bất lực trước quyền lực của tội lỗi và sự chết. Tự sức chúng ta, chúng ta chỉ ở dưới sự rủa sả của Đức Chúa Trời tối cao. Quyền lực của tội lỗi và sự chết đã đè bẹp chúng ta.

Thưa dân sự của Đức Chúa Trời, chúng ta thấy đó, chúng ta bị giam giữ trong sự kiềm kẹp của quyền lực của tội lỗi và sự chết nếu chúng ta ở bên ngoài Đức Chúa Trời. Điều đó khá đủ cho những người chủ trương "theo đạo cách dễ dãi". Thánk Kinh dạy chúng ta rằng đó là chuyện không tưởng, ngay cả chỉ nghĩ rằng chúng ta có thể tự mình đến cùng Đức Chúa Trời, bởi lòng của chúng ta lúc nào cũng xu hướng về tội ác. Phải có ai đó có quyền năng vượt xa khỏi chúng ta mới có thể giải thoát chúng ta khỏi sự ràng buộc nầy. Dĩ nhiên khi học Ê-phê-sô đoạn 1 chúng ta đã thấy được cái quyền năng có khả năng thực hiện sự giải cứu đó. Quyền năng ấy được tỏ ra cho chúng ta trong chính Chúa Cứu Thế Giêxu và công việc Ngài. Chỉ trong Chúa Cứu Thế chúng ta mới có quyền năng để chiến thắng sự ràng buộc của tội lỗi và hậu quả của nó là sự chết.

Quyền năng của Chúa Cứu Thế trước nhất được tỏ ra trong sự đắc thắng tội lỗi. Khi bị ma-quỉ cám dỗ, Chúa Giêxu có sa ngã không? Không, khi bị cám dỗ Chúa Giêxu chống trả lại kẻ cám dỗ bằng cách dùng Lời của Đức Chúa Trời đáp lại khiến nó phải ngậm miệng. Khi đối diện với ngày cuối cùng của Ngài, với vấn đề có nên lên thập tự giá hay không, Chúa Giêxu đã thuận phục Cha Ngài, "không theo ý con nhưng theo ý Cha". Theo sách Hê-bơ-rơ, Ngài bị cám dỗ đủ mọi cách nhưng Ngài không hề phạm tội, Ngài trọn vẹn cho đến cuối cùng. Chúa Giêxu, hoàn toàn là người và cũng hoàn toàn là Trời, đã chống trả quyền lực của tội lỗi là quyền lực đã trói buộc mọi người khác trong xích xiềng nô lệ của nó.

Chúa Giêxu thực hiện điều đó bởi quyền năng của Đức Chúa Trời bởi vì Ngài là Đức Chúa Trời. Nhưng cái quyền năng được nhấn mạnh trong khúc Kinh Thánh của chúng ta hôm nay không phải là quyền năng Ngài dùng để đắc thắng tội lỗi mà là quyền năng Ngài tỏ ra trong sự sống lại của Ngài. Quyền năng nầy được chứng tỏ bởi sự đắc thắng trên quyền lực của sự chết. Đó là sự đảo ngược của sự rủa sả. Chúng ta thấy điều nầy rất rõ ràng trong sự Đức Chúa Trời làm cho Chúa Cứu Thế sống lại từ trong kẻ chết, một sự sống lại về thể xác, nghĩa là thân thể Ngài một lần nữa trở nên sống động. Thân thể Ngài trước đó đã được chôn trong phần mộ, không còn hơi thở, không còn cử động và đã chết. Ngài thật sự đã chết nhưng ba ngày sau Ngài sống lại. Chỉ có quyền năng của Đức Chúa Trời mới có thể đảo ngược sự rủa sả như thế. Không có bác sĩ nào trên thế gian nầy có thể đảo ngược sự chết về thể xác của bất cứ ai. Quyền năng của Đức Chúa Trời biểu hiện một cách rõ ràng trong sự sống lại về thể xác của Chúa Cứu Thế Giêxu.

Còn hơn thế nữa, Chúa Cứu Thế không chỉ được phục hồi hơi thở và trí óc, không chỉ những xương cốt của Ngài một lần nữa lại được ban sự sống. Chắc chắn sự sống lại của Ngài bao gồm những điều nầy nữa nhưng nó không hạn chế ở đó. Quyền năng của sự sống lại của Chúa Cứu Thế gắn liền với thực tế rằng Ngài trở nên tội lỗi vì cớ chúng ta; Ngài gánh lấy tội lỗi chúng ta trên vai Ngài trên thập tự giá; Ngài chết; Ngài chịu sự đau đớn và khốn khổ của địa ngục. Khi Ngài chết, Ngài gánh lấy cái giá của sự phán xét của Đức Chúa Trời cho tội lỗi. Ngài chịu sự đau khổ của địa ngục thay cho chúng ta. Nhưng sự chết của địa ngục có thể giữ Ngài được không? Không, bởi sự sống lại sau ba ngày, Chúa Cứu Thế đã chứng tỏ rằng Ngài đã chịu lấy cái giá của cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời, Ngài đã làm trọn những đòi hỏi công chính của Đức Chúa Trời cho tội lỗi của chúng ta. Vì Ngài sống lại nên chúng ta biết rằng tội lỗi chúng ta đã được đền trả, rằng tất cả những ai được Đức Chúa Trời chọn đều được cứu trong Ngài. Thi-thiên 49:7 dạy chúng ta rằng điều nầy không thể được làm trọn bởi ai khác mà chỉ có thể được làm trọn bởi Đức Chúa Trời và qua quyền năng lớn lạ của Ngài.

Chỉ bởi quyền năng của Chúa Cứu Thế tội lỗi chúng ta mới có thể được đền trả. Quyền năng đó được bày tỏ ra trong sự sống lại của Ngài từ trong kẻ chết. Trong sự khiến Ngài sống lại từ kẻ chết, Đức Chúa Trời tỏ ra rằng Ngài chiến thắng tội lỗi và sự chết. Sự sống lại của Chúa Cứu Thế không phải là điều mà chúng ta chỉ nhìn lướt qua giống như một câu chuyện rất lý thú xảy ra cho ai đó cách nay gần hai ngàn năm mà không tái hiện nữa trong đời sống của những người tin Chúa. Không, sự sống lại của Chúa Cứu Thế tỏ cho chúng ta biết rằng chúng ta cũng đã được kêu gọi đến sự sống lại bởi mối dây liên kết với Ngài. Khi Chúa Cứu Thế sống lại cách đây hai ngàn năm chúng ta cũng đã được sống lại với Ngài.

Xin chúng ta đọc với nhau Cô-lô-se 3:1-3, "Vậy nếu anh em được sống lại với Đấng Christ, hãy tìm các sự ở trên trời, là nơi Đấng Christ ngồi bên hữu Đức Chúa Trời. Hãy ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất; vì anh em đã chết, sự sống mình đã giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời. Khi nào Đấng Christ, là sự sống của anh em, sẽ hiện ra, bấy giờ anh em cũng sẽ hiện ra với Ngài trong sự vinh hiển", Rô-ma đoạn 6 cũng mang đại ý đó, "Hay là, anh em chẳng biết rằng chúng ta thảy đều đã chịu phép báp tem trong Đức Chúa Jêsus Christ, tức là chịu phép báp tem trong sự chết Ngài sao? Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp tem trong sự chết Ngài, hầu cho Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy. Vì nếu chúng ta làm một cùng Ngài bởi sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ làm một cùng Ngài bởi sự sống lại giống nhau: vì biết rõ rằng người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài, hầu cho thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không phục dưới tội lỗi nữa. Vì ai đã chết thì được thoát khỏi tội lỗi. Vả, nếu chúng ta đã cùng chết với Đấng Christ, thì chúng ta tin rằng mình cũng sẽ sống lại với Ngài" (Rô-ma 6:3-8).

Quí vị thấy không? Sự chết và sự sống lại của Chúa Cứu Thế Giêxu trong lịch sử bao gồm cả chúng ta là những người tin nhận nơi Ngài. Chúng ta đã chết với Ngài, tội lỗi của chúng ta đã được đền trả bởi Ngài, chúng ta đồng sống lại với Ngài, chúng ta hiệp làm một với Ngài. Quyền năng của sự sống lại của Chúa Cứu Thế là nơi mà chúng ta chạy đến. Xin quí vị chú ý điều nầy, trong Ê-phê-sô đoạn 1 lặp lại mấy lần chữ "quyền" hay "quyền năng", nếu quen thuộc với tiếng Hi-lạp quí vị sẽ thấy 4 chữ khác nhau nhưng đồng nghĩa được dùng cho chữ "quyền năng". Mỗi chữ trong 4 chữ nầy có ý nghĩa trong một phạm vi khác nhau nhưng thực ra đều nói đến quyền năng lớn lao, quyền năng của Đức Chúa Trời đã thay đổi và khiến Con Ngài sống lại. Rõ ràng 4 chữ được dùng ở đây là để nhấn mạnh quyền năng lớn lạ của Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi của chúng ta. Quyền năng lạ lùng đó đã ban đức tin cho chúng ta.

Thưa dân sự của Đức Chúa Trời, đôi khi chúng ta bị cám dỗ bởi nghĩ rằng sự Chúa thay đổi lòng người ta chỉ là một việc có tính cách thụ động hay một việc không mấy gì thú vị. Nhưng khi quí vị hiểu rằng sự đổi mới của quí vị là bởi quyền năng của Đức Chúa Trời hành động trong quí vị, thực tế quí vị đã chết trong tội lỗi của quí vị và được làm sống lại để sống một đời sống mới, quí vị sẽ nhìn xem nó theo cách hết sức thú vị và thâm thúy. Phải có quyền năng của Đức Chúa Trời mới có thể khiến quí vị sống đời sống xa cách tội lỗi, phải có quyền năng của sự sống lại mới có thể khiến cho quí vị từ bỏ đời sống cũ để sống một đời sống mới. Quyền năng ấy giúp chúng ta chiến thắng hiện thân của điều ác.

Không ai có thể chọn Đức Chúa Trời. Ngay cả quí vị cũng không đạt đến sự thông sáng để có thể thông hiểu về Tin Lành hầu có thể chấp nhận lẽ thật của Kinh Thánh. Chỉ bởi quyền năng của Đức Chúa Trời mới khiến quí vị sống lại và biến cải quí vị. Tôi nhớ lại một người bạn của tôi kể về sự thay đổi của anh, anh kể thế nào thình lình anh nhận biết Chúa Cứu Thế như Ngài tự xưng nhận, anh tin nhận Chúa Cứu Thế Giêxu làm Cứu Chúa của anh. Kế đó anh đi đến một người bạn, người bạn nầy đã biết anh trước kia, cố gắng thuyết phục anh cả một buổi tối để trở về đời sống tội lỗi, ngay cả dắt anh đến gặp những người đàn bà để cám dỗ anh. Nhưng quyền năng của Đức Chúa Trời đã thay đổi lòng anh, anh không còn xu hướng về con đường dữ nữa. Anh đã được thay đổi, lòng của anh được ràng buộc với Chúa Cứu Thế, anh không thể nào trở lại con đường cũ, quyền năng của sự sống lại đã thay đổi anh mãi mãi.

Quyền năng của Đức Chúa Trời khiến chúng ta từ chối con đường ác, con đường tội lỗi, khiến chúng ta nhận Chúa Cứu Thế Giêxu là Chúa và Cứu Chúa của mình. Chỉ có Chúa Cứu Thế mới có thể bẻ gảy xiềng xích đó của tội lỗi. Chúng ta cần Chúa Cứu Thế Giêxu và quyền năng của sự sống lại của Ngài. Quyền năng của sự sống lại của Chúa Cứu Thế giúp quí vị thoát khỏi ưu tư về sự chết bởi vì tội lỗi cuối cùng sẽ dẫn đến sự chết, nhưng trong Chúa Cứu Thế chúng ta có sự hi vọng nơi sự sống đời đời. Quyền năng của Đức Chúa Trời sẽ gọi chúng ta ra khỏi phần mộ trong ngày sau rốt để cai trị với Ngài. Chúng ta sẽ không chết nữa, không còn tội lỗi nữa khi chúng ta nhận được trọn vẹn cơ nghiệp của chúng ta. Chúng ta nhận được quyền năng của Đức Chúa Trời qua sự sống lại của Chúa Cứu Thế Giêxu để khước từ sự khôn ngoan của thế gian nầy. Đức tin là quà tặng mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta (Ê-phê-sô 2). Chúng ta "đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình" nhưng đã được "Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ" để khước từ sự khôn ngoan của thế gian mà bước theo sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời là Đấng đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi.

Chúng ta giờ đây có thể sống cho Đức Chúa Trời. Chúng ta không phải là những người hoàn toàn thánh khiết nhưng chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa, chúng ta có khả năng làm điều đúng . Con beo đã thay đổi được vằn của nó nhờ Chúa Cứu Thế Giêxu. Chúng ta được dựng nên mới trong Chúa Cứu Thế. Quyền năng đó ban cho chúng ta là những người tin nhận nơi Ngài. Chúng ta đã chết với tội lỗi và được sống lại để được sống. Quyền năng đó không phải giống như một luồng điện chạy trong người của quí vị một cách thình lình khiến cho quí vị tin nhận Chúa nhưng quyền năng đó là một phép lạ phi thường của Đức Chúa Trời, đã thay đổi lòng của quí vị. Quyền năng của Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi của chúng ta không nên và không thể bị xem thường. Chúng ta thấy quyền năng của sự sống lại mà chúng ta đọc trong Rô-ma 6, cũng ban cho chúng ta sức mạnh để từ bỏ tội lỗi và sống cho Chúa Cứu Thế. Không phải quyền năng ở đâu ngoài kia nhưng quyền năng của sự sống lại của Chúa Cứu Thế ở bên trong chúng ta qua Đức Thánh Linh hành động trong chúng ta giúp chúng ta từ chối con đường tội lỗi để đi theo Chúa Cứu Thế.

Quyền năng của Đức Chúa Trời không chỉ về thuộc linh mà thôi nhưng cũng về thuộc thể nữa. Chúng ta biết rằng những người chết được chúng ta chôn cất trong mồ mả nhưng chúng ta biết rằng nếu họ chết trong Chúa thì họ sẽ không ở luôn trong phần mộ. Sự chết không thắng được, "Hỡi sự chết, sự thắng của mầy ở đâu? Hỡi sự chết, cái nọc của mầy ở đâu?" (1Cô-rinh-tô 15:55). Trong sự sống lại của Chúa Cứu Thế, sự chết không còn cái nọc nữa bởi vì Ngài đã cất nó đi. Chúng ta sẽ được sống lại với Ngài, không chỉ sống lại mà chúng ta sẽ ngồi bên hữu của Đức Chúa Trời, "khiến Đấng Christ từ kẻ chết sống lại và làm cho ngồi bên hữu mình tại các nơi trên trời" (Ê-phê-sô 1:20). Cơ nghiệp của chúng ta là bảo đảm, không gì có thể cất đi. Chúng ta là những người trong Chúa Cứu Thế, là người tin nhận nơi sự sống lại của Cứu Chúa mình, có thể yên tâm trong sự tin tưởng đó. Quí vị thấy không? Chúng ta thật được yên ủi biết bao khi biết được sự cứu rỗi của chúng ta đã được hoàn tất trong năng quyền. Sự chúng ta tin nhận Ngài là điều được làm trọn bởi quyền năng của Đức Chúa Trời chớ không phải của chúng ta. Lời cầu nguyện của Phao-lô là xin cho chúng ta biết được quyền năng đó và kinh nghiệm nó để biết rằng chúng ta đã được khiến cho sống lại để sống một đời sống mới trong Chúa Cứu Thế và nếm biết được quyền năng của Cứu Chúa phục sinh. Amen.

Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con cám ơn Ngài về ân điển mà Ngài đã bày tỏ ra rất rõ ràng trong Chúa Cứu Thế bởi khiến Ngài sống lại từ kẻ chết, và trong sự sống lại của Ngài chúng con yên nghỉ một cách tin tưởng rằng chúng con đã được làm cho sống lại, không chỉ trong tương lai khi chúng con qua đời nhưng ngay cả bây giờ. Chúa đã ban cho chúng con một đời sống mới để từ chối con đường tội lỗi. Chúa đã ban cho chúng con sự tin tưởng để đi ra giữa thế gian đầy sự chết nầy biết rằng chúng con sẽ sống và sẽ sống đời đời. Chúa ôi, chúng con cám ơn Chúa về hi vọng đó và cầu xin rằng mỗi chúng con sẽ yên tâm trong sự nhận biết đó. Xin Chúa giúp cho chúng con chống lại quyền lực của tội lỗi. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Cứu Thế Giêxu. Amen.

Rev. Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)