Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Rutơ > Bài 1 Lời Dẫn Nhập  


NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ

BÀI MỘT - Lời Dẫn Nhập

Chúng ta sẽ bắt đầu học lời Chúa trong sách Ru-tơ là một trong những sách ngắn nhất trong Kinh Thánh. Có lẽ nhiều người trong chúng ta gặp khó khăn khi tìm sách nầy, chúng ta biết sách nầy trong Kinh Thánh nhưng không biết nằm ở khoảng nào.

Sách Ru-tơ nằm ngay sau sách Các quan xét. Đầu tiên trong Kinh Thánh chúng ta có năm sách luật pháp của Chúa gọi là Ngũ kinh của Môi-se. Kế đó là sách Giô-suê chép lại giai đoạn dân Y-sơ-ra-ên bắt đầu vào xứ Ca-na-an dưới sự lãnh đạo của Giô-suê. Sau đó là sách Các quan xét, sách Các quan xét chép lại thời gian 360 năm trong lịch sử của Y-sơ-ra-ên trước khi họ có vị vua đầu tiên là Sau-lơ.

Theo sau sách Các quan xét là sách Ru-tơ ghi lại câu chuyện của một gia đình trong thời các quan xét, có lẽ xảy ra trong thời gian Hê-li xét xử dân Y-sơ-ra-ên trước khi Sa-mu-ên xuất hiện. Sách Ru-tơ có lẽ được chép trong lúc Hê-li còn nhỏ hoặc một thời gian ngắn trước khi Hê-li ra đời. Chúng ta biết được điều nầy vì sách Ru-tơ ghi lại câu chuyện trong đời ông cố của vua Đa-vít và chúng ta biết được chính xác thời gian mà vua Đa-vít cai trị trên dân Y-sơ-ra-ên. Đa-vít là một người yêu mến Chúa, được Chúa đưa lên làm vua sau Sau-lơ, từ dòng dõi Đa-vít ra các vị vua của Giu-đa và sau đó là Chúa Giê-xu Christ. Sách Ru-tơ chép lại câu chuyện của Bô-ô là ông cố của vua Đa-vít, Bô-ô sống tại thành Bết-lê-hem, thành Bết-lê-hem là nơi mà sau nầy Đa-vít được sanh ra và lớn lên và cũng được gọi là thành Đa-vít.

Chúng ta sẽ bắt đầu tìm hiểu và khám phá ra những điều bí mật mà Chúa đã giấu trong câu chuyện tình nầy. Thật ra phải gọi sách Ru-tơ là một câu chuyện tình rất tuyệt đẹp. Có khi chúng ta tự hỏi, không hiểu tại sao Chúa lại để câu chuyện nầy trong Kinh Thánh? Chúng ta sẽ lập lại câu hỏi đó nhiều lần khi chúng ta đi sâu hơn trong lúc chúng ta tìm hiểu về sách nầy. Trước hết chúng ta sẽ lướt sơ qua câu chuyện tình đã thật sự xảy ra trong lịch sử nầy, sau đó chúng ta sẽ trở lại và xem xét từng chi tiết trong câu chuyện và tìm ra thêm những lẽ thật thuộc linh mà chúng ta cần biết.

Sách Ru-tơ được bắt đầu bằng câu chuyện của một gia đình mà người chồng là Ê-li-mê-léc và vợ là Na-ô-mi, hai con là Mạc-lôn và Ki-li-ôn, họ sống tại thành Bết-lê-hem. Có một cơn đói kém xảy ra trên vùng đất Bết-lê-hem. Ê-li-mê-léc và Na-ô-mi đã đưa cả gia đình đi đến một xứ của người ngoại bang là Mô-áp để tránh nạn đói. Khi ở xứ Mô-áp, Mạc-lôn và Ki-li-ôn đã cưới hai người nữ Mô-áp, một người tên là ọt-ba, người kia là Ru-tơ. Hai người nữ nầy thuộc về một dân tộc mà dân Y-sơ-ra-ên xem là một dân ngoại bang đã bị rủa sả và không được quyền cưới gả với họ. Sau nầy chúng ta sẽ xem xét kỹ lưỡng hơn về ý nghĩa của sự rủa sả nầy. Dầu sao đi nữa những việc nầy đã xảy ra trong lịch sử để Chúa mở ra cho chúng ta thấy những lẽ thật thuộc linh kỳ diệu của Ngài.

Trở lại, chúng ta thấy gia đình nầy sống tại Mô-áp khoảng 10 năm nhưng thảm kịch nầy tiếp đến thảm kịch khác. Ê-li-mê-léc qua đời để lại Na-ô-mi góa bụa và hai con trai, sau đó Mạc-lôn và Ki-li-ôn cũng thác, chúng ta thấy tại đây một hoàn cảnh rất đáng thương. Na-ô-mi góa bụa không chồng, không con cùng với hai nàng dâu cũng góa bụa.

Kế đến, Na-ô-mi dự tính sẽ trở về quê hương của bà là Bết-lê-hem vì tại Mô-áp nầy bà không còn gì nữa, đây là một quyết định lớn mà bà phải làm. Bà bảo hai nàng dâu ở lại, còn bà thì sẽ trở về quê hương của bà. Na-ô-mi đã khuyến khích họ ở lại Mô-áp vì nơi đây họ còn có gia đình, cha mẹ, bà con, họ có thể tái giá và sanh con vì có thể họ còn rất trẻ. Nếu họ đến Bết-lê-hem, họ sẽ bị dân Giu-đa khinh rẽ và xem họ như một dân bị rủa sả. ọt-ba đã đồng ý với đề nghị của Na-ô-mi và quyết định ở lại. Còn Ru-tơ thì không chịu rời khỏi mẹ chồng, nàng nói: "Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ tức là dân sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi; mẹ thác nơi nào tôi muốn thác và được chôn nơi đó. Ví bằng có sự chi khác hơn sự chết phân cách tôi khỏi mẹ, nguyện Đức Giê-hô-va giáng họa cho tôi".

Thật đẹp đẽ biết bao tình cảm mà Ru-tơ đã dành cho Na-ô-mi và dân sự của bà. Rồi Na-ô-mi trở về và Ru-tơ cùng đi với bà đến Bết-lê-hem. Họ về đến Bết-lê-hem trong một hoàn cảnh thật là cơ cực, nghèo khổ, góa bụa. Khi thấy họ, cả thành đều cảm động, người ta hỏi nhau: "Ấy có phải Na-ô-mi chăng?" Người đáp: "Chớ gọi tôi là Na-ô-mi, hãy gọi là Ma-ra, vì Đấng Toàn năng đã đãi tôi cách cay đắng lắm". Ma-ra có nghĩa là cay đắng. Bà đã sai lầm khi quyết định ra đi để rồi bây giờ trở về với hai bàn tay trắng, mất tất cả.

Khi về đến Bết-lê-hem, khó khăn đầu tiên họ phải giải quyết là làm sao kiếm được đồ ăn để sống. Theo phong tục thời bấy giờ thì những người nghèo được quyền mót lúa trong ruộng. Chúa đã ra luật pháp cho dân Y-sơ-ra-ên là những người gặt không được gặt kỹ quá, nếu làm rớt cũng không được lượm lại vì đó là phần để dành cho những người nghèo ở trong xứ. Những người nghèo đi theo sau con gặt để lượm những bông lúa hoặc trái bắp rơi rớt nhờ đó họ mới có phương tiện để sinh sống.

Trong câu chuyện tình đẹp nầy chúng ta thấy Na-ô-mi đã bảo Ru-tơ đi mót lúa trong ruộng hầu cho họ có thức ăn để sống. Ru-tơ đã đi đến cánh đồng của một người bà con của Na-ô-mi là Bô-ô. ễ đó Ru-tơ được đối đãi rất tử tế, cô bắt đầu mót lúa trong ruộng, kế đến chúng ta thấy là Bô-ô bắt đầu để ý đến người nữ Mô-áp nầy. Thật ra thì mọi người trong thành đều biết câu chuyện của Na-ô-mi khi bà trở về, dẫn theo người con gái dân Mô-áp, là dân đã bị rủa sả và câu chuyện thương tâm của họ. Nhưng Bô-ô đã không nhìn Ru-tơ theo cái nhìn đó, thật sự Bô-ô là một người rất giàu có, là chủ điền, dòng dõi thượng lưu trong xứ.

Điều mà mọi người có thể mong đợi là Bô-ô sẽ rất khinh thường người con gái ngoại bang nầy, nhưng khi đọc câu chuyện chúng ta thấy Bô-ô đã đối xử rất là tử tế với Ru-tơ. Ông ra lệnh cho những đầy tớ để cho nàng mót, dẫu ở giữa những bó lúa và thỉnh thoảng làm bộ bỏ rớt cho nàng lượm lấy, ông đã nói những lời nói rất tử tế với nàng. Sau đó chúng ta thấy Ru-tơ đã đi đến một đề nghị rất táo bạo là có lẽ nàng nên tiến xa hơn trong mối liên hệ giữa nàng và Bô-ô. Với luật lệ trong thời đó rất có thể Bô-ô được quyền cưới Ru-tơ để tiếp nối gia đình cho Ê-li-mê-léc là người đã qua đời không người nối dõi, cũng như thay cho Na-ô-mi.

Cuối cùng thì chúng ta thấy là Bô-ô đã cưới Ru-tơ, thật giống như một câu chuyện đời xưa về một hoàng tử và cô bé nhà quê hay những câu chuyện tình khác mà người ta đặt ra. Câu chuyện được chấm dứt bằng một sự vui mừng lớn của Ru-tơ và Na-ô-mi bởi lòng tử tế của người đàn ông tuyệt vời là Bô-ô, đã cưới Ru-tơ là một người phụ nữ khiêm nhường và trung thành với mẹ chồng của mình.

Một tình tiết rất thích thú trong câu chuyện nầy, Bô-ô là ông cố của vua Đa-vít và cũng là ông tổ của Chúa Giê-xu Christ. Vì Bô-ô cưới Ru-tơ, cho nên Ru-tơ cũng trở thành tổ tiên của Đa-vít và của Chúa Giê-xu chúng ta. Dòng máu của dân Mô-áp qua Ru-tơ đã chảy qua cuộc đời của Đa-vít và cuộc đời của Chúa Giê-xu. Thật là một trường hợp thích thú và đầy ý nghĩa chứng tỏ Chúa Giê-xu xuống thế gian trở thành một con người thật, sanh ra trong một dòng dõi mang dòng máu của nhiều dân tộc.

Nhiều người đọc câu chuyện nầy chỉ thấy giống như một câu chuyện tình đẹp, hấp dẫn, thơ mộng. Đó là lý do làm cho nhiều nhà thần học đặt câu hỏi, không biết tại sao Đức Chúa Trời chép câu chuyện nầy trong Kinh Thánh? Có vài bài chú thích đưa ra hình ảnh đám cưới của Bô-ô và Ru-tơ là hình bóng về lễ cưới của Đấng Christ với hội thánh, Ru-tơ là hình ảnh của con người tội lỗi và Bô-ô là hình ảnh của Chúa Cứu thế. Điều nầy thì rất dễ hiểu vì chúng ta thấy Kinh Thánh nói Bô-ô là "người bà con", chữ "người bà con" cũng có nghĩa là "người cứu chuộc". Dĩ nhiên, Chúa Giê-xu là người cứu chuộc, Ngài đã chuộc chúng ta khi chúng ta còn ở dưới sự rủa sả của tội lỗi và cưới chúng ta. Chúng ta sẽ thấy lễ cưới nầy thật sự khi Chúa Giê-xu trở lại, và đám cưới Chiên Con như Kinh Thánh đã nói.

Khi chúng ta học câu chuyện nầy trong Kinh Thánh, có lẽ chúng ta sẽ đi từng câu, từng chữ để tìm ra những ý nghĩa sâu hơn. Lý do là vì lời Chúa trong sách Mác 4:33-34 chép: "Ấy bởi nhiều lời thí dụ như cách ấy mà Ngài giảng đạo cho họ, tùy theo sức họ nghe được. Ngài chẳng hề giảng cho chúng mà không dùng thí dụ..." Khi Chúa Giê-xu sống trên đất, Ngài đã giảng dạy bằng cách chỉ dùng thí dụ mà thôi, điều nầy cho chúng ta biết khải thị tự nhiên của Đức Chúa Trời cho con người chúng ta thường bằng thí dụ, đó là cách mà Đức Chúa Trời đến với chúng ta. Chúa Giê-xu đã liên tục dùng nhiều thí dụ, cho nên chúng ta cũng hiểu là cả Kinh Thánh, Lời của Chúa là một dãi thí dụ liên tục, chúng ta sẽ hiểu đó là cách mà Đức Chúa Trời phán với con người trong suốt lịch sử vì cả Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, mà Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời. Ngài đã giảng dạy bằng nhiều thí dụ cho nên chúng ta hiểu rằng trong suốt Kinh Thánh chúng ta sẽ gặp nhiều thí dụ nữa.

Chúng ta thử tìm hiểu thí dụ có nghĩa gì. Thí dụ được hiểu cách đơn giản nhất là câu chuyện thuộc về đất nhưng mang ý nghĩa thuộc về trời. Có hai loại thí dụ, thí dụ có thể là một câu chuyện được Chúa kể để dạy dỗ nhưng câu chuyện đó không xảy ra trong lịch sử. Như khi Chúa nói nước thiên đàng giống như một người ra biển đánh cá, hay lúa mì, cỏ lùng, và mùa gặt, những sự việc nầy không nhất thiết phải xảy ra trong lịch sử, mục đích Chúa dùng nó để dạy cho chúng ta hiểu về lẽ thật thuộc linh, dạy cho chúng ta hiểu về nước thiên đàng, dạy cho chúng ta về chương trình cứu rỗi tuyệt vời của Chúa.

Có một loại thí dụ khác nữa trong Kinh Thánh, chúng ta tìm thấy trong câu chuyện của tiên tri Ô-sê được Chúa bảo đi cưới một người k nữ. Dĩ nhiên, câu chuyện nầy có xảy ra thật trong lịch sử nhưng qua đó Chúa dùng nó để dạy cho chúng ta biết một lẽ thật thuộc linh sâu sắc hơn. Khi Chúa Giê-xu làm phép lạ, khi Chúa chữa người bị bệnh bại hay khi Chúa chữa người bệnh phung, đây là những câu chuyện thật sự xảy ra trong lịch sử, nhưng qua những câu chuyện nầy Chúa dạy cho chúng ta những bài học thuộc linh rất quí báu.

Trước khi chúng ta được cứu, chúng ta là những người bại, chúng ta là những người phung, những người ô uế, không có hy vọng gì chúng ta đuợc chữa lành. Vào thời đó chắc chắn không có hy vọng gì chữa lành cho người bệnh phung, nhưng khi Chúa Giê-xu phán thì người phung trở nên sạch, những vết phung trên cả thân thể người biến mất. Cũng vậy, khi Chúa phán với lòng của chúng ta, khi Chúa mở con mắt thuộc linh của chúng ta và làm cho chúng ta sạch tội, chúng ta được trong trắng trước mặt Chúa. Sự chữa lành người phung là một việc xảy ra trong lịch sử qua đó Chúa hướng dẫn chúng ta về mặt thuộc linh để hiểu được chương trình cứu rỗi của Chúa.

Thực tế giống như vậy được áp dụng cho nhiều sự việc đã xảy ra trong lịch sử đã được chép lại trong suốt Kinh Thánh. Những câu chuyện nầy được chép lại không chỉ để cho chúng ta biết nó được xảy ra vào thời gian nào trong lịch sử, nhưng đồng thời cũng cho chúng ta hiểu sâu hơn trong lẽ thật thuộc linh. Tính chất nầy rất cao trong sách Ru-tơ, chúng ta sẽ tìm thấy lặp đi lặp lại nhiều lần chương trình cứu rỗi tuyệt vời của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại. Chúng ta sẽ bắt đầu tìm hiểu thật kỹ lưỡng sách Ru-tơ với hi vọng là chúng ta sẽ tìm ra những mõ vàng thuộc linh được Chúa giấu trong sách nầy.

Xin Chúa ban phước cho Bạn một cách dư dật.

"Nhơn đó tôi yêu mến điều răn Chúa hơn vàng, thậm chí hơn vàng ròng." Thi Thiên 119:127

"Đức Chúa Giê-xu phán rằng: Ta là Bánh của Sự Sống; ai đến cùng ta chẳng hề đói, và ai tin ta chẳng hề khát." Giăng 6:35

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)