NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
BÀI MƯỜI HAI
(Ru-tơ 2:12-13)
Trong bài học vừa rồi chúng ta học đến câu 12 và bắt đầu xem xét câu hỏi: Đức Chúa Trời muốn nói gì khi Ngài nói với Ru-tơ qua Bô-ô: "nàng đã đến núp dưới cánh Giê-hô-va Đức Chúa Trời của y-sơ-ra-ên; cầu xin Ngài thưởng cho nàng cách trọn vẹn"? Phần thưởng gì mà Đức Chúa Trời ban cho những người tin cậy nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Trước hết, chúng ta biết rằng sự cứu rỗi của chúng ta hoàn toàn bởi ân điển của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh chép trong Ê-phê-sô 2:8-9, "Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình." Không có trường hợp nào sự cứu rỗi của chúng ta hay một phần của sự cứu rỗi liên quan đến việc làm của chúng ta. Nhưng điều gì xảy ra khi chúng ta được cứu? Đức Chúa Trời ban thưởng cho chúng ta điều gì trong sự cứu rỗi của chúng ta? Trong Rô-ma 8:32 chúng ta đọc những chữ thật đầy ý nghĩa, "Ngài đã không tiếc chính con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự (all things) luôn với Con ấy cho chúng ta sao?" Nói cách khác, Đức Chúa Trời ban tất cả mọi sự cho chúng ta, nghĩa là không có sự hạn chế.
Chúng ta sẽ xem thêm những câu khác trong Kinh Thánh về những gì Ngài ban cho chúng ta hay chữ phần thưởng có nghĩa gì. Hê-bơ-rơ 1:2, "rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi con Ngài, là con mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật (all things), lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian". Hãy ghi nhớ trong trí câu nầy: "Chúa Cứu Thế Giê-xu kế tự muôn vật" và trở lại Rô-ma 8:17, "Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự: kẻ kế tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Đấng Christ". Ô! ở đây nói về chúng ta là những người được cứu thì cũng là kẻ kế tự. Bạn thấy sự liên hệ của câu nầy với Rô-ma 8:32 không? "thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự (all things) luôn với con ấy cho chúng ta sao?" Theo Hê-bơ-rơ 1:2 thì Chúa Giê-xu kế tự muôn vật (all things), thực tế Ngài là Cứu Chúa, là Đấng Cứu chuộc của thế gian. Rô-ma 8:17 chép, chúng ta là kẻ đồng kế tự với Đấng Christ, sẽ thừa hưởng cơ nghiệp giống như Chúa Giê-xu.
Bạn có thể nghĩ ra điều gì nữa cộng thêm vào những gì mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta qua chương trình cứu rỗi của Ngài không? Tôi thường nghe nói về nhiều người làm công việc Chúa dữ dội, cố gắng giảng đạo, làm việc lành vì họ tin rằng vào ngày sau rốt, Đức Chúa Trời sẽ thưởng cho họ một cách đặc biệt, Ngài sẽ trả công cho họ về những công việc lành mà họ làm. Làm sao có thể được khi mà Đức Chúa Trời đã ban tất cả mọi sự nằm trong chương trình cứu rỗi, mà Chúa Giê-xu là kế tự muôn vật? Không còn gì nữa để ban cho, không còn gì nữa có thể cộng thêm vào. Bạn thấy không? Chúng ta không thể cộng thêm vào ân điển của Chúa. Tên cướp trên thập tự giá được cứu ở giờ phút chót của cuộc đời hắn hay sứ đồ Phao-lô làm việc chăm chỉ cả đời của ông trong việc rao giảng Tin Lành, cả hai cùng có một phần thưởng trọn vẹn, họ là kẻ kế tự của muôn vật. Không cách nào chúng ta có thể nghĩ ra phương pháp để làm cho công việc của chúng ta có giá trị thêm, để được lãnh phần thưởng. Chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời là ân điển, là quà tặng và bao gồm tất cả những gì mà Ngài có thể ban cho chúng ta.
Hãy xem ngôn ngữ đầy ý nghĩa trong Sáng-thế-ký 15:1, "Sau các việc đó, trong sự hiện thấy có lời Đức Giê-hô-va phán cùng Áp-ra-ham rằng: Hỡi Áp-ra-ham! ngươi chớ sợ chi; ta đây là một cái thuẫn đỡ cho ngươi, phần thưởng của ngươi là lớn lắm" (Trong tiếng Anh "là phần thưởng lớn của ngươi"). Hãy suy nghĩ câu nầy, "Chính Đức Chúa Trời là phần thưởng cho ai đặt đức tin mình nơi Ngài". Bạn không thể nào thêm vào Chúa điều gì nữa. Khi Đức Chúa Trời trở nên phần thưởng lớn của chúng ta, chúng ta đã đạt đến điểm cao nhất của sự ban thưởng rồi. Ngài là phần thưởng trọn vẹn, Ngài và tất cả những gì Ngài có thì đã ban cho chúng ta như là phần thưởng trong chương trình cứu rỗi của Ngài.
Một phần trong sự cứu rỗi mà Chúa ban cho chúng ta là những ơn phước khi chúng ta trung tín bước theo Ngài trên thế gian nầy. Bất cứ ai trong chúng ta đã đặt sự tin cậy vào Chúa Giê-xu và muốn bước theo Ngài một cách vâng phục, thì sẽ khám phá ra rằng Chúa ban cho chúng ta hết ơn phước nầy đến ơn phước khác. Chúng ta có sự vui mừng về sự cứu rỗi, vui mừng khi thấy người khác được cứu, vui mừng vì hướng dẫn gia đình bước theo sự tin kính Chúa, vui mừng khi chúng ta vâng phục Chúa, vui mừng nhận ra rằng tội lỗi của chúng ta đã được đền trả. Chúng ta được bảo đảm rằng chúng ta sẽ không bị quăng vào địa ngục, chúng ta có sự nhận biết lạ lùng về sự hiện diện của Chúa Giê-xu trong đời sống của chúng ta, biết rằng Ngài sẽ không bao giờ rời bỏ chúng ta vì Kinh Thánh nói như vậy. Nhưng đó không phải là công giá của những gì chúng ta làm. Đây là tất cả những gì xảy ra khi chúng ta được cứu, là một phần trong ân điển mà Ngài ban cho chúng ta vì chúng ta được cứu.
Đức Chúa Trời không mắc nợ bất cứ ai trên mặt đất nầy. Bất cứ lúc nào bạn có sự suy nghĩ trong trí của bạn rằng: "Đức Chúa Trời mắc nợ tôi về những điều tôi làm; tôi được cứu, tôi hãnh diện về sự cứu rỗi của tôi, nhưng Đức Chúa Trời mắc nợ tôi vì tôi làm việc rất sốt sắng, phải có một phần thưởng cho tôi", xin hãy từ bỏ suy nghĩ đó đi. Đức Chúa Trời không bao giờ mắc nợ chúng ta về những gì chúng ta làm, bởi vì không có gì chúng ta làm đáng cho Ngài chú ý tới. Chỉ có lý do duy nhất là Đức Chúa Trời nhìn xem chúng ta với lòng thương xót, nhân từ; với lòng yêu thương. Bởi ân điển của Ngài, Ngài cho chúng ta được làm kẻ kế tự, đây là điều mà tư tưởng chúng ta cần tập trung vào. Phần thưởng trọn vẹn đến với chúng ta là sản phẩm của ân điển Ngài.
Các môn đồ gặp rắc rối khi đối diện với câu hỏi nầy. Sau khi họ từ bỏ cả gia đình, mọi sự để theo Chúa Giê-xu và họ tự hỏi không biết có phần thưởng đặc biệt nào cho họ không. Phi-e-rơ hỏi Chúa trong Lu-ca 18:28-30 "Nầy, chúng tôi đã bỏ mọi sự mình có mà theo thầy. Đức Chúa Giê-xu phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, người nào vì cớ nước Đức Chúa Trời mà bỏ nhà cửa, cha mẹ, anh em, vợ con, thì trong đời nầy được lãnh nhiều hơn, và đời sau được sự sống đời đời". "Và đời sau được sự sống đời đời". đó là phần cuối trong chương trình cứu rỗi của chúng ta. Cả thân thể, linh hồn được ở với Chúa Giê-xu, chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự sống đời đời. Tất cả những điều đó là bởi ân điển của Chúa mà thôi.
Khi Kinh Thánh nói về mão triều thiên, "lãnh mão triều thiên của sự sống" "mão triều thiên vinh hiển" , tất cả những mão triều thiên nầy là hình bóng bày tỏ rằng chúng ta được chiến thắng. Chúng ta chiến thắng không phải vì những gì chúng ta làm. Chúng ta chiến thắng vì Chúa Giê-xu đã làm, chiến thắng trong Chúa Giê-xu, vì vậy mão triều thiên vinh hiển, mão triều thiên sự sống là sản phẩm của ân điển Đức Chúa Trời. Không có một con người nào, dù cho sống thánh thiện đến đâu, có thể dự phần công sức mình để xứng đáng nhận những phần thưởng nầy. Tất cả những gì chúng ta nhận là quà tặng của Đức Chúa Trời. Đó là phần thưởng trọn vẹn mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta bởi vì chúng ta đặt sự tin cậy mình nơi Ngài như chúng ta đọc trong Ê-phê-sô 2:8-9, đức tin nơi Ngài cũng là quà tặng bởi ân điển Ngài. "Ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta".
Trở lại câu 12, Bô-ô nói với Ru-tơ: "Nguyện Đức Giê-hô-va báo đáp điều nàng đã làm; cầu xin Ngài thưởng cho nàng cách trọn vẹn" Bô-ô có thể không biết chính xác những gì ông nói, chắc chắn là ông không biết sự sâu sắc khôn ngoan trong câu nói của ông, nhưng Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã nói qua ông để ban cho chúng ta một nền tảng, tập trung sự chú ý của chúng ta vào phần thưởng mà Đức Chúa Trời ban cho những ai tin nhận Ngài, phần thưởng đó không tùy thuộc vào công trạng gì cả. Chữ Giê-hô-va có nghĩa là Đức Chúa Trời cứu rỗi, một danh xưng của Đức Chúa Trời đặc biệt chỉ về Chúa Giê-xu, là Đấng đến như là người cứu chuộc của chúng ta.
Tiếp tục, chúng ta thấy phản ứng của Ru-tơ đối với lời lẽ tử tế nhân từ của Bô-ô. (Câu 13) "Nàng thưa rằng: Hỡi chúa! chúa đã an ủi và giục lòng kẻ tôi tớ chúa, cầu chúa lấy lòng ân huệ đãi tôi, dẫu rằng tôi không đồng bực cùng các tớ gái chúa!" Khi chúng ta đọc câu chuyện tình nầy, với những mẫu đối thoại giữa Bô-ô và Ru-tơ giống như là hai người bắt đầu quen nhau. Bô-ô là chủ ruộng, là người giàu có và quyền thế, Ru-tơ là một người ăn xin, là khách lạ đến từ Mô-áp. Chàng bắt đầu cư xử với nàng bằng tất cả sự trìu mến, còn nàng thì thật sự khiêm nhường đáp lại lòng tử tế đó. Nàng trả lời: "Hỡi chúa! chúa đã an ủi và giục lòng kẻ tôi tớ chúa, cầu chúa lấy lòng ân huệ đãi tôi". Khi đọc ngôn ngữ nầy, chúng ta ngạc nhiên tự hỏi, tại sao nàng lại chọn ngôn ngữ nầy? Có nhiều việc khác nàng có thể nói với Bô-ô. Nếu đặt chúng ta trong cương vị của Ru-tơ chắc chắn là chúng ta có nhiều lời lẽ để nói với Bô-ô. Nhưng nàng chọn ngôn ngữ nầy thật thận trọng dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh bởi vì Đức Chúa Trời muốn dạy chúng ta một lẽ thật thuộc linh sâu sắc qua những lời nói nầy. Bạn đã biết Bô-ô là hình bóng về Chúa Cứu Thế hay là Đức Chúa Trời như chúng ta đã thấy lặp đi lặp lại nhiều lần. Sau nầy khi học đến đoạn 3 và 4, chúng ta sẽ thấy ông được trình bày như là một người bà con của Ru-tơ, người cứu chuộc. Chúng ta sẽ thấy chương trình cứu rỗi được xem thấy từ khía cạnh nầy đến khía cạnh khác khi chúng ta xem xét những lời đối thoại của Bô-ô, Ru-tơ hay là Na-ô-mi. Ở đây nàng nói: "cầu chúa lấy lòng ân huệ đãi tôi". Đó là lời tuyên bố của những ai tìm kiếm sự cứu rỗi.
Khi chưa được cứu, đứng trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta không xứng đáng với bất cứ điều gì. Chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời để xin ân huệ của Ngài, cầu xin Ngài đoái đến chúng ta với lòng nhơn từ thiên thượng của Ngài để Ngài có thể tha thứ tội lỗi của chúng ta. Chúng ta sẵn sàng nhìn nhận Ngài là 'chúa tôi', chúng ta sẵn sàng hạ mình trước mặt Ngài, sẵn sàng phó thác đời sống mình cho Ngài. Khi Ru-tơ cầu xin ân huệ nơi Bô-ô là người mà nàng xưng là 'chúa tôi', thì cũng giống như vậy, chúng ta đến với Chúa Cứu Thế Giê-xu để cầu xin ân điển của Ngài. Chúng ta sẵn sàng nhìn nhận Ngài là "Chúa của đời sống tôi, tôi không còn muốn đi theo ý riêng mình nữa, tôi chỉ muốn tin cậy nơi Ngài".
Chúng ta thấy nàng nói: "chúa đã an ủi và giục lòng kẻ tôi tớ chúa". Chữ an ủi ở đây là một chữ rất thú vị, bởi vì chữ nầy được dùng và gây ấn tượng rất sâu sắc trong sách Ê-sai 40:1. Đức Chúa Trời nói với dân Y-sơ-ra-ên về việc Ngài sẽ tiêu diệt họ vì tội lỗi của họ, về việc Ngài sẽ khiến sự tàn phá giáng trên họ để trừng phạt tội lỗi của họ. Đồng thời, Ngài lại mang đến cho họ một thông điệp của ân điển, nói với họ về sự Đấng Mê-si hiện đến, "Đức Chúa Trời của các ngươi phán rằng, hãy yên ủi, hãy yên ủi dân ta. Hãy nói cho thấu lòng Giê-ru-sa-lem, và rao rằng sự tranh chiến của nó đã trọn; tội lỗi nó đã được tha; nó đã chịu gấp hai từ tay Đức Giê-hô-va vì các tội mình". Rồi Ngài tiếp tục nói đến sự dọn đường cho Chúa Cứu Thế Giê-xu trong câu 10,11: "Nầy, Chúa Giê-hô-va sẽ lấy quyền năng mà đến; Ngài dùng cánh tay mình mà cai trị. Nầy, sự ban thưởng Ngài ở nơi Ngài, sự báo trả Ngài ở trước mặt Ngài. Ngài sẽ chăn bầy mình như người chăn chiên; thâu các con chiên con vào cánh tay mình và ẳm nó vào lòng; từ từ dắt các chiên cái đương cho bú".
Ai đã đến như là người chăn hiền lành? Ai đã đến để tìm và cứu kẻ bị mất? Dĩ nhiên, đó là Chúa Cứu Thế Giê-xu, điều nầy được gắn liền với Ê-sai 40:2, "tội lỗi nó đã được tha". Chúa Cứu Thế đến như là người chăn hiền lành, bước lên thập tự giá để đền trả tội lỗi cho những ai đặt sự tin cậy của mình nơi Ngài. Trong bối cảnh nầy Chúa nói trong câu 1: "Hãy yên ủi, hãy yên ủi dân ta. Hãy nói cho thấu lòng Giê-ru-sa-lem, và rao rằng sự tranh chiến của nó đã trọn; tội lỗi nó đã được tha". Để nói những lời yên ủi với dân Y-sơ-ra-ên thì Ngài nói rằng Đức Chúa Trời đã cung cấp sự cứu rỗi, Đức Chúa Trời đã giải quyết vấn đề tội lỗi của họ. Ngài bày tỏ rằng họ không còn tranh chiến với Ngài nữa, họ được hòa thuận với Ngài. Đó là điều được thấy trong Ru-tơ 2:13 khi nàng nói với Bô-ô, "chúa đã an ủi và giục lòng kẻ tôi tớ Chúa".
Thêm một lần nữa, nàng không nghĩ đến sự phong phú thuộc linh trong câu mà nàng nói, nàng nói với Bô-ô theo cách của loài người. "Ông thật là niềm an ủi cho tôi nhiều lắm." Nhưng trong bối cảnh của Kinh Thánh, câu nầy chỉ đến một điều rất tuyệt vời cho chúng ta. Những ai đã đặt sự tin cậy của mình vào Chúa Cứu Thế Giê-xu đã được an ủi theo như ý nghĩa của Ê-sai 40, nghĩa là tội lỗi của họ đã được tha. Họ đã đến với dòng huyết của Chúa Cứu Thế Giê-xu và không còn phải trả lời cho tội lỗi của họ nữa. Chúng ta xem tiếp, "giục lòng kẻ tôi tớ chúa" , hãy để ý chữ nầy: "giục lòng". Tại sao Đức Chúa Trời khiến cho Ru-tơ dùng chữ nầy? Chúng ta sẽ xem xét tiếp trong bài học tới.
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)