Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Rutơ > Bài 44 (Ru-tơ 4:14D)  


NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ

BÀI BỐN MƯƠi BỐN
(Ru-tơ 4:14D)

Chúng ta đã đi một vòng để cố gắng hiểu được những câu kết thúc trong Ru-tơ chương 4. Đặc biệt, trong bài học rồi chúng ta đã xem xét Rô-ma 9, 10 và 11 nói về dân tộc Y-sơ-ra-ên và tương lai của họ. Chúng ta thấy trong những đoạn nầy Đức Chúa Trời nói về dân Y-sơ-ra-ên cố gắng giữ luật pháp để được xưng công bình vì thế họ bị cắt bỏ khỏi Ngài.

Dầu sao đi nữa Đức Chúa Trời không từ bỏ họ tất cả. Ngài đã có ý định đến để cứu dân Ngài. Trong Rô-ma 11:2, "Đức Chúa Trời chẳng từng bỏ dân Ngài đã biết trước." Chữ "biết trước" ở đây có nghĩa gì? Có phải Ngài nói rằng Ngài sẽ không bỏ dân Y-sơ-ra-ên mà Ngài đã biết trước liên quan đến kế hoạch vinh hiển mà Ngài có cho họ không? Chữ "biết trước" ở đây giống một chữ khác được dùng trong Rô-ma 8:29. "Đối với những người Ngài đã biết trước thì(*) Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài, hầu cho Con nầy được làm Con cả ở giữa nhiều anh em." Bạn thấy chữ "biết trước" ở đây được dùng liên quan đến sự cứu rỗi. Không phải dùng cho một dân tộc mà Ngài biết, nhưng liên quan đến những người Ngài định trước để được cứu.

Chúng ta cũng phải cẩn thận ở đây khi đọc Đức Chúa Trời biết trước những người mà Ngài sẽ định trước để được cứu. Có nhiều người dạy rằng Đức Chúa Trời biết trước những người sẽ đáp lại lời mời gọi của Tin Lành. Ngài nhìn xuống thế gian nầy trong thời gian trước và thấy rằng có những người quan tâm đến Tin Lành và đó là những người mà Ngài định trước để được cứu. Nói chung ai cũng thích lời dạy đó, về cá nhân, tôi cũng thích như vậy vì ít ra tôi cũng có chút công trạng trong sự cứu rỗi mà tôi có được. Dĩ nhiên điều đó không đúng với Lời Kinh Thánh dạy. Kinh Thánh bảo cho chúng ta biết rằng: "Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không. Chẳng có một người nào hiểu biết, chẳng có một người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời."

Kinh Thánh cho biết chúng ta đã chết trong tội lỗi mình, chúng ta là những xác chết về thuộc linh. Cho nên ý kiến cho rằng Đức Chúa Trời biết trước một số người sẽ đáp lại Tin Lành thì không đúng theo Kinh Thánh. Đức Chúa Trời biết tôi từ trước khi sáng thế. Ngài biết tôi là một tội nhân tồi tàn, thối rửa. Bản chất của con người tôi là phản loạn, chống nghịch lại Ngài; là một người không quan tâm gì đến sự cứu rỗi. Đây là cách mà Ngài biết tôi trước và cũng biết bạn trước bạn trước như vậy, dù bây giờ bạn là một tín hữu được sanh lại. Nhưng Đức Chúa Trời trong quyền tể trị tối cao của Ngài, lấy làm vui lòng quyết định ai Ngài sẽ cứu.

Ai là người mà Ngài muốn cứu đó là việc của Ngài. Không một ai trong chúng ta xứng đáng với sự cứu rỗi. Ngài đặt tên cho những ai mà Ngài sẽ cứu. Ngài biết trước họ là những tội nhân gớm ghiếc xấu xa nhưng bất chấp điều đó, Ngài định trước cho họ được vào sự cứu rỗi. Đó là điều Rô-ma 11:2 muốn nói khi Đức Chúa Trời phán: "Đức Chúa Trời chẳng từng bỏ dân Ngài đã biết trước." Những người Ngài biết trước là những người Ngài dự định cứu. Đức Chúa Trời ban những người đó cho Chúa Cứu Thế như chúng ta đã học bài học vừa rồi trong Giăng 6:37, 39. Những người nầy được định sẵn để được sự cứu rỗi. Ngài gọi họ, Ngài xưng công bình cho họ. Nghĩa là Ngài khiến họ được công bình trước mặt Đức Chúa Trời bằng cách lên thập tự giá để đền trả tội lỗi cho họ.

Đức Chúa Trời tiếp tục trong Rô-ma 11 và chỉ ra rằng "có một phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển" tin Ngài trong thời của Ê-li. Ê-li tưởng rằng chỉ có một mình ông tin Đức Chúa Trời, tưởng rằng Ngài đã từ bỏ dân Y-sơ-ra-ên hoàn toàn, sự cứu rỗi không còn nữa. "Nhưng Đức Chúa Trời đáp lại thể nào? Ta đã để dành cho ta bảy ngàn người nam chẳng hề quì gối trước mặt Ba-anh." Trong thời Chúa Giê-xu rao giảng Tin Lành có những môn đồ, có An-ne, có Si-mê-ôn, có Ma-ri Ma-đơ-len là những người tin nhận Chúa. Điều nầy được nhấn mạnh trong câu 5 của Rô-ma 11, "Ngày nay cũng vậy, có một phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển."

Bạn biết không? Đôi khi có những người giảng muốn giảng về sự lựa chọn, về tiền định như là Đức Chúa Trời chọn người vào trong sự phục vụ nào đó. Vâng, đúng vậy khi chúng ta được cứu, chúng ta được chọn để hầu việc Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta không đủ tiêu chuẩn để hầu việc Đức Chúa Trời cho đến khi chúng ta được chọn để được cứu. Đó là bức tranh trội hơn cả về sự lựa chọn trong Kinh Thánh. Đức Chúa Trời lựa chọn, chúng ta là dân tộc được lựa chọn... Những ai được chọn là được chọn để được sự cứu rỗi. Chúng ta phải được cứu trước rồi mới có thể được Chúa dùng để phục vụ Ngài như là đại sứ của Ngài.

Trở lại dân tộc Y-sơ-ra-ên, Rô-ma 11:7, "Vậy thì làm sao? Ấy là dân Y-sơ-ra-ên chẳng được điều mình tìm; song những kẻ lựa chọn thì đã được, và những kẻ khác thì bị cứng lòng". Dân tộc Y-sơ-ra-ên đã đến hồi chấm dứt. Họ không còn là dân tộc được lựa chọn nữa. Bạn có còn nhớ? Cũng trong Rô-ma 11 nầy Đức Chúa Trời vẽ bức tranh về dân Y-sơ-ra-ên là cây ô-li-ve. Điều gì đã xảy ra cho cây ô-li-ve nầy? Ngài phán trong câu 20, 21, "Phải lắm; các nhánh đó đã bị cắt bởi cớ chẳng tin, và ngươi nhờ đức tin mà còn; chớ kiêu ngạo, hãy sợ hãi. Vì nếu Đức Chúa Trời chẳng tiếc các nhánh nguyên, thì Ngài cũng chẳng tiếc ngươi nữa."

Theo hình ảnh ở đây không phải tất cả các nhánh đều bị cắt bỏ. Sau đó Ngài phán những nhánh bị cắt bỏ đó được tháp lại. Câu 24, "Nếu chính ngươi đã bị cắt khỏi cây ô-li-ve hoang thuận tánh mình, mà được tháp vào cây ô-li-ve tốt nghịch tánh, thì huống chi những kẻ ấy là nhánh nguyên sẽ được tháp vào chính cây ô-li-ve mình!" Những người được tháp lại là những người "còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển". Chú ý hình ảnh nầy, trước khi họ được tháp vào thì họ đã bị cắt bỏ, những nhánh bị cắt bỏ thì bị chết, không còn sự sống nữa.

Đức Chúa Trời đã dứt bỏ dân Y-sơ-ra-ên. Họ trở nên góa bụa, không còn sản nghiệp trên phương diện của một dân tộc. Nhưng "có một phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển" ra từ dân tộc Y-sơ-ra-ên, những nhánh nầy được tháp lại với cây ô-li-ve. Lúc đó cây ô-li-ve trở nên dân Y-sơ-ra-ên đời đời, hay dân Y-sơ-ra-ên thuộc linh. Dân Y-sơ-ra-ên nầy không phải chứa đựng dân tộc Y-sơ-ra-ên nhưng chứa đựng một số từ dân Y-sơ-ra-ên và dân ngoại là những người được tháp vào. Cây ô-li-ve trước khi bị cắt được làm kiểu mẫu bởi Na-ô-mi trong sách Ru-tơ. Bà ở tại Nhà Bánh, lập gia đình với Ê-li-mê-léc, có sản nghiệp nhưng bà bị cắt bỏ, trở nên góa bụa, không sản nghiệp, giống như những nhánh bị cắt bỏ. Mặt khác, Ru-tơ giống như nhánh được tháp vào vì nàng lập gia đình với Bô-ô, là người chuộc sản nghiệp. Nàng là người sẽ nhận được sản nghiệp.

Chúng ta tiếp tục câu 25, "ấy là một phần dân Y-sơ-ra-ên đã sa vào sự cứng lòng, cho đến chừng nào số dân ngoại nhập vào được đầy đủ." Sự cứng lòng vẫn cứ còn trên dân Y-sơ-ra-ên, trừ ra những người "còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển", "cho đến chừng nào số dân ngoại nhập vào được đầy đủ". Nói cách khác, cho đến khi một người ngoại bang sẽ được cứu mà chưa được cứu thì sẽ còn sự cứng lòng nơi dân Y-sơ-ra-ên. Rồi Đức Chúa Trời giải thích tại sao có một phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển, tại sao những nhánh nầy được tháp lại vào cây ô-li-ve, tại sao vẫn còn có người tin Chúa ra từ dân Y-sơ-ra-ên.

Ngài phán, "vậy thì cả dân Y-sơ-ra-ên sẽ được cứu, như có chép rằng: Đấng Giải cứu sẽ đến từ Si-ôn, Cất sự vô đạo ra khỏi Gia-cốp". Điều nầy được làm kiểu mẫu bởi Bô-ô. Ông là hình bóng về Đấng Mê-si, là Đấng giải cứu. Ngài đến hầu cho những người "còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển" có thể được cứu. Khi dân Y-sơ-ra-ên được đem ra khỏi Ai-cập, khi họ ở dưới thời cai trị của Đa-vít, Sa-lô-môn, Đức Chúa Trời đối xử với họ rất đặc biệt. Bởi vì họ cứ khăng khăng tỏ ra công bình trước mặt Đức Chúa Trời bằng cách giữ luật pháp, đồng thời họ cũng phạm tội tà dâm về thuộc linh cho nên họ bị cắt bỏ.

Để nhấn mạnh điều nầy và để không còn thắc mắc thêm gì nữa chúng ta xem trong câu 30-32. Đức Chúa Trời nhìn xem dân Y-sơ-ra-ên cũng giống như tất cả dân tộc khác trên thế giới. "Lại như khi trước anh em đã nghịch cùng Đức Chúa Trời, mà bây giờ được thương xót bởi sự nghịch của họ, thì cũng một thể ấy, bây giờ họ đã nghịch, hầu cho cũng được thương xót bởi sự thương xót đã tỏ ra với anh em. Vì Đức Chúa Trời đã nhốt mọi người trong sự bạn nghịch, đặng thương xót hết thảy." Điều nầy có nghĩa là sẽ "có một phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển" đến từ mọi dân tộc, dù họ thuộc dân Do-thái, Liên-xô, Trung-hoa, Mỹ hay Anh. Đó là những nét chính mà Đức Chúa Trời vẽ ra cho chúng ta.

Bạn biết không? Trong vòng hai ngàn năm qua, bắt đầu từ thập tự giá, chúng ta có đến với dân tộc Y-sơ-ra-ên để tìm kiếm Tin Lành không? Bạn phải đối diện với câu hỏi đó. Chúng ta có đến với họ không? Dĩ nhiên là không. Năm 1948, khi dân Y-sơ-ra-ên trở về xứ của họ, chắc chắn không còn lúc nào hơn lúc đó, dân Y-sơ-ra-ên sẽ quay lại với Đức Chúa Trời là Đấng Mê-si của họ. Nhiều tiên tri hiện đại nói tiên tri rằng điều nầy sẽ xảy ra. Nhưng họ ở đó suốt hơn mấy mươi năm qua, trên phương diện dân tộc, họ vẫn cứ ở trong sự không tin của họ giống như họ đã làm trong lịch sử.

Nhiều người trích câu Kinh Thánh trong Ma-thi-ơ 24, khi nào cây vả ra lá thì Chúa gần đến. Họ nói rằng dân Y-sơ-ra-ên bây giờ đã trở lại thành một dân tộc, chúng ta sẽ thấy sự vinh hiển đến với họ. Vâng, rất đúng khi nói cây vả ra lá là nói đến dân Y-sơ-ra-ên. Tôi nhìn nhận như vậy theo lời tiên tri của Đức Chúa Trời về sự phục hồi quốc gia Y-sơ-ra-ên. Nhưng chú ý điểm nầy "Hãy nghe lời ví dụ về cây vả, vừa lúc nhành non, lá mới đâm". ễ đây không nói đến trái phải không? Giống như lúc Chúa rủa cây vả, cây vả chỉ có lá nhưng không có trái. Nếu cây vả không có trái thì sẽ bị rủa sả nữa. Vì vậy khi cây vả có lá, chúng ta biết rằng chúng ta đang ở gần thời kỳ cuối cùng, và thực tế cây vả không có trái. Cũng vậy, hai ngàn năm qua trên phương diện quốc gia dân Y-sơ-ra-ên không có kết quả. Trong Kinh Thánh không có chỗ nào nói rằng họ sẽ trở lại với Cứu Chúa Giê-xu. Bởi vì Đức Chúa Trời không còn đối xử với dân tộc Y-sơ-ra-ên theo cách đó nữa.

Đức Chúa Trời đã cắt bỏ họ như chúng ta thấy qua nhiều cách trong bài học nầy. Vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi đọc trong Lu-ca 21:20, "Vả, khi các ngươi sẽ thấy quân lính vây thành Giê-ru-sa-lem, hãy biết sự tàn phá thành ấy gần đến." Có nhiều người tin rằng lời tiên tri nầy đã được ứng nghiệm vào năm 70 sau Chúa khi Giê-ru-sa-lem bị tàn phá bởi Titus, hoàng tử La-mã. Điều nầy có thể được ứng nghiệm, trước năm 1948 gần như chúng ta có thể nói như vậy. Nhưng Lu-ca 21 chép tiếp, "thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày đạp, cho đến chừng nào các kỳ dân ngoại được trọn" (Câu 24). Các kỳ dân ngoại được trọn là kỳ tận thế. Lúc đó dân Y-sơ-ra-ên không còn là một quốc gia nữa vì đó là ngày phán xét.

Thực tế nước Y-sơ-ra-ên được phục hồi lại vào năm 1948 chỉ rõ rằng lời tiên tri nầy không thể nào được ứng nghiệm vào năm 70 sau Chúa. Bởi vì ở đây nói rằng họ sẽ bị giày đạp cho đến khi tận thế, vì vậy chúng ta không ngạc nhiên khi thấy những quốc gia xung quanh Y-sơ-ra-ên đang tìm cách tiêu diệt họ. Dĩ nhiên họ vẫn còn cứ ở trong sự phản loạn, chống nghịch lại cùng Đức Chúa Trời. Họ không quay lại cùng Chúa Cứu Thế để nhận Ngài là Đấng Mê-si của họ. Kinh Thánh chỉ tỏ rằng những ai chống nghịch lại cùng Đức Chúa Trời sẽ gặt lấy sự hủy diệt.

Chúng ta hãy trở lại Ru-tơ 4:13, "Như vậy, Bô-ô lấy Ru-tơ làm vợ, người đi lại cùng nàng; Đức Giê-hô-va làm cho nàng được thọ thai và sanh một con trai." Chúng ta biết theo câu Kinh Thánh nầy, đứa con trai là người chuộc sản nghiệp bởi vì trong câu kế tiếp chép rằng: "Đáng ngợi khen Đức Giê-hô-va chẳng từ chối cho bà một người có quyền chuộc lại" , và câu 15 chỉ tỏ rằng đứa con trai nầy được Ru-tơ sanh ra.

Theo sự kiện lịch sử Đức Chúa Trời lập một lời tuyên bố rất đơn giản: Đức Chúa Trời ban phước cho sự kết hợp vợ chồng nầy giữa Bô-ô và Ru-tơ, một đứa trai đã được sanh ra, sẽ có cơ nghiệp cho Bô-ô và Ru-tơ. Không cần phải giải thích xa hơn. Nhưng về ý nghĩa thuộc linh chúng ta tự hỏi không biết Đức Chúa Trời muốn nói gì khi Ngài phán, "Bô-ô lấy Ru-tơ làm vợ, người đi lại cùng nàng; Đức Giê-hô-va làm cho nàng được thọ thai và sanh một con trai" và đứa con trai nầy là người chuộc lại sản nghiệp. Bài học tới chúng ta sẽ xem xét điều ám chỉ về thuộc linh ở đây.

(*) Trong bản dịch tiếng Việt thiếu phần trước nầy của câu 29.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)