NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
BÀI BỐN MƯƠi LĂM
(Ru-tơ 4:14E)
Chúng ta đã đánh một cái vòng thật rộng để có thể hiểu được những câu kết luận trong sách Ru-tơ. Xuyên suốt qua sách Ru-tơ chúng ta đã thấy Bô-ô là trung tâm điểm được nhắm vào để làm bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng Cứu Chuộc. Nhưng khi đến những câu kết luận bắt đầu từ câu 13 chương 4, chúng ta tìm thấy rằng trọng tâm không còn nhắm vào Bô-ô là người chuộc nữa nhưng nhắm vào đứa con trai được sanh cho Bô-ô và Ru-tơ. Vì thế để tiếp tục khám phá ra ý nghĩa thuộc linh trong sách Ru-tơ, chúng ta phải xem xét thật cẩn thận những điều mà Đức Chúa Trời thật sự muốn dạy ở đây.
Bây giờ chúng ta sẽ xem câu 13 để tìm thấy những gì Đức Chúa Trời muốn dạy chúng ta. "Như vậy, Bô-ô lấy Ru-tơ làm vợ, người đi lại cùng nàng; Đức Giê-hô-va làm cho nàng được thọ thai và sanh một con trai." Chúng ta có bức tranh về thuộc linh ở đây. Bô-ô làm hình bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu, ông là người bà con gần. Ru-tơ làm hình bóng về những người chưa được cứu trên thế gian, bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời họ đã được cứu, được trở nên vợ của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Từ mối kết hợp vợ chồng nầy, một đứa trai được sanh ra và được gọi là người có quyền chuộc lại.
Chúng ta thấy điều nầy trong câu 14, "Đáng ngợi khen Đức Giê-hô-va chẳng từ chối cho bà một người có quyền chuộc lại; nguyện danh của người trở nên sang trọng nơi Y-sơ-ra-ên!" Câu nói nầy giống như sợi chỉ chạy xuyên suốt trong Kinh Thánh. Bắt đầu trong Sáng-thế-ký chương 3. Sáng-thế-ký 3:15, "Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người." Trong một thời gian dài khi học Kinh Thánh, tôi tự hỏi, ai là người đàn bà mà Đức Chúa Trời muốn nói đến trong câu 15?
Chúng ta biết người đàn bà nầy không bao gồm những người không được cứu trên thế gian không liên quan gì đến Chúa Cứu Thế. Làm sao chúng ta biết được điều nầy? Thứ nhất, Sa-tan không phải là kẻ thù của những người không được cứu trên thế gian, những người chống nghịch lại cùng Đức Chúa Trời. Nó là chủ, là chúa của họ. Họ là nô lệ của nó. Những suy nghĩ và ham muốn của họ đúng theo những gì Sa-tan muốn. Không có sự thù nghịch ở đây. Nhưng có một khía cạnh về người đàn bà nầy đó là sự thù nghịch với Sa-tan. Điều nầy có nghĩa bao gồm những người được sanh lại, những người được trở thành con cái trong vương quốc của Chúa Cứu Thế. Vương quốc của Chúa Cứu Thế có sự thù nghịch với quyền lực của tối tăm là vương quốc của Sa-tan.
Ngay trong giây phút được cứu, chúng ta trở nên kẻ thù của Sa-tan. Sa-tan không còn làm chủ chúng ta nữa. Chúa Cứu Thế Giê-xu là chủ của chúng ta, vì thế chúng ta không còn chiến tranh cùng Đức Chúa Trời, thay vào đó, chúng ta là kẻ thù cay đắng cho Sa-tan. Vì vậy trong Sáng-thế-ký 3:15, "Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ...", "dòng dõi người nữ" có nghĩa là những người ra từ dòng giống loài người được lựa chọn bởi ân điển, những người đã trở nên công dân trong vương quốc của Đức Chúa Trời. Điều nầy bao gồm mọi người từ mọi quốc gia, dân tộc, người Giu-đa lẫn người ngoại bang. Dòng dõi của Sa-tan bao gồm những người không được cứu. Chúa Giê-xu phán trong Giăng 8:44 khi nói đến một số người lúc bấy giờ có mặt tại đó, "Các ngươi bởi cha mình, là ma quỉ, mà sanh ra". Những người không được cứu và cứ ở trong sự không được cứu là dòng dõi của Sa-tan. Chúa Cứu Thế Giê-xu là dòng dõi của người đàn bà có sự thù nghịch với Sa-tan. Ngài đã đến trong dòng dõi của những người tín hữu được sanh lại.
Sự thù nghịch ở đây không phải nói đến toàn thể nhân loại là thù nghịch với Sa-tan, nhưng chỉ về dân tộc của Đức Chúa Trời. Từ dân tộc của Đức Chúa Trời, Đấng Mê-si đã ra đời. Chúng ta thấy điều nầy được chép rất đẹp trong Khải-huyền 12:1, "Đoạn, trên trời hiện ra một dấu lớn: một người đờn bà có mặt trời bao bọc, dưới chơn có mặt trăng, và trên đầu có mão triều thiên bằng mười hai ngôi sao." Mặt trời ở đây là nói đến Chúa Cứu Thế Giê-xu, Ngài là mặt trời công bình. Chúng ta là phần còn sót lại bởi ân điển, được bao bọc bằng sự công bình của Ngài. Chúng ta có mão triều thiên bằng mười hai ngôi sao trên đầu, nghĩa là chúng ta sẽ cai trị cùng với Chúa Cứu Thế.
Chúng ta không học Khải huyền 12 ở đây, nhưng từ chương nầy chúng ta biết rằng người đàn bà sanh một con trai mà Sa-tan chực sẵn để nuốt đứa con của người đi, và trong câu 5, "người sanh một con trai, con trai ấy sẽ dùng gậy sắt mà cai trị mọi dân tộc; đứa trẻ ấy được tiếp lên tới Đức Chúa Trời, và nơi ngôi Ngài." Con trai nầy là Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đến từ người đàn bà là phần sót lại bởi ân điển, bắt đầu từ A-bên cho đến Chúa Giê-xu. Sau khi Chúa Cứu Thế được đem lên trời, người đàn bà đó tiếp tục được Chúa nuôi trong đồng vắng suốt thời kỳ tân ước. Đây là người đàn bà mà Đức Chúa Trời muốn nói đến. Người đàn nầy được đại diện bởi mối liên hệ hôn nhân giữa Bô-ô và Ru-tơ.
Ru-tơ đại diện cho những người đã bị Đức Chúa Trời rủa sả, không cần biết họ đến từ dân tộc nào, được lập gia đình với Bô-ô là hình bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nếu không bởi tình thương chiếu cố của Đức Chúa Trời ban Đấng Mê-si cho, chúng ta sẽ không được làm phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển. Bởi sự lựa chọn lạ lùng của Đức Chúa Trời, một Đấng Mê-si ra từ dòng dõi nầy, là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Bởi vì Đức Chúa Trời hạ mình xuống giống như con người, đặc biệt từ dòng dõi của phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển, Đấng Mê-si, Đấng Cứu Chuộc ra đời, đó là ý muốn nói trong câu 13 ở đây.
Bây giờ chúng ta xem câu 14, "Các người đờn bà nói cùng Na-ô-mi rằng: Đáng ngợi khen Đức Giê-hô-va chẳng từ chối cho bà một người có quyền chuộc lại; nguyện danh của người trở nên sang trọng nơi Y-sơ-ra-ên!" Theo sự kiện trong lịch sử thì rất dễ theo kịp. Những người bạn của Na-ô-mi rất thông cảm cho bà vì bà góa bụa, họ nói "Đáng ngợi khen Đức Giê-hô-va chẳng từ chối cho bà một người có quyền chuộc lại." Câu nầy nghe thấy hơi kỳ một chút khi chúng ta thật sự suy nghĩ kỹ. Tại sao họ nói: "chẳng từ chối cho bà một người có quyền chuộc lại."? Nếu họ có ý nói về mối liên hệ bà con, tại sao họ không nói: chẳng từ chối cho bà một người bà con; nguyện danh của người trở nên sang trọng nơi Y-sơ-ra-ên?
ễ đây chắc chắn là nói về đứa con trai mới được sanh ra. "Nó sẽ an ủi lòng bà, dưỡng già bà; vì ấy là dâu bà vẫn thương bà, đã sanh nó cho bà; nàng quí cho bà hơn bảy con trai.", họ đang nói về đứa con trai được sanh ra cho Ru-tơ và Bô-ô. Theo bối cảnh lịch sử tốt hơn họ nên nói như thế nầy: Đáng ngợi khen Đức Giê-hô-va chẳng từ chối cho bà một đứa cháu, một đứa nối dõi hay một người sẽ nuôi bà. Nhưng theo ý nghĩa thuộc linh chúng ta thấy tại sao Đức Chúa Trời hướng dẫn họ chọn ngôn ngữ kỳ cục nầy: "Đáng ngợi khen Đức Giê-hô-va chẳng từ chối cho bà một người có quyền chuộc lại; nguyện danh của người trở nên sang trọng nơi Y-sơ-ra-ên!".
Xin nhớ rằng Na-ô-mi là hình bóng về dân tộc Y-sơ-ra-ên. Chúng ta cũng đã thấy từ nhiều cái nhìn khác nhau, dân Y-sơ-ra-ên là góa bụa. Họ bị Đức Chúa Trời trừ bỏ, họ không còn là một dân tộc đặc biệt cho Đức Chúa Trời. Giống như dân tộc Y-sơ-ra-ên đã đến hồi tận số, không có tương lai gì cho dân tộc nầy. Hãy suy nghĩ về lịch sử của dân tộc Y-sơ-ra-ên trước khi Chúa Cứu Thế được sanh ra. Trong vòng 400 năm sau khi các tiên tri nhỏ nói tiên tri, không có khải tượng nào được mang đến cho dân tộc Y-sơ-ra-ên. Kinh Thánh lúc đó chưa được chép xong. Vẫn còn thời gian cho Đức Chúa Trời phá tan sự yên lặng giữa thế giới thần linh và thế giới hữu hình, dấy lên những tiên tri để phán cùng dân Y-sơ-ra-ên như Ngài làm sau đó qua Giăng Báp-tít, Phi-e-rơ, sứ đồ Giăng, và qua sứ đồ Phao-lô.
Nhưng trong vòng 400 năm một sự lặng yên như đá về phía Đức Chúa Trời. Chúng ta biết điều nầy vì có một con số rất nhỏ tin nhận Ngài vào thời Chúa Giê-xu được sanh ra, vào lúc Ngài bị đóng đinh. Về phương diện dân tộc, gần như họ không có sự công bình dựa vào sự ra đời của Đấng Mê-si. Thật vậy, trông họ thật hoang vắng, ảm đạm. Họ giống như Na-ô-mi khi trở về Bết-lê-hem, Nhà Bánh và bà nói, "Chớ gọi tôi là Na-ô-mi, hãy gọi là Ma-ra, vì Đấng Toàn năng đã đãi tôi cách cay đắng lắm." Đó là bức tranh về dân tộc Y-sơ-ra-ên, gần như không còn hi vọng gì nữa. Nhưng bây giờ qua thực tế, Đấng Mê-si đã ra đời. Ngài đã cưới "phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển" cho nên còn có hi vọng cho dân Y-sơ-ra-ên.
Chúng ta đã thấy trong Rô-ma 11 chép về cây ô-li-ve, là đại diện cho vương quốc của Đức Chúa Trời trong Chúa Cứu Thế, một số nhánh bị cắt bỏ và chúng ta đã thấy những nhánh bị cắt bỏ đó là dân tộc Y-sơ-ra-ên. ễ đó không nói tất cả các nhánh đều bị cắt bỏ vì vương quốc của Chúa Cứu Thế lúc nào cũng tồn tại. Nhưng dân tộc Y-sơ-ra-ên bị trừ bỏ để khi họ được nhận diện vào vương quốc của Ngài họ phải được tháp lại giống như bất cứ ai trong các dân tộc ngoại bang phải được tháp vào.
Đức Chúa Trời đơn giản chỉ tỏ rằng Đấng Mê-si đã đến thì dân Y-sơ-ra-ên có được hi vọng. "Đáng ngợi khen Đức Giê-hô-va chẳng từ chối cho Y-sơ-ra-ên một người có quyền chuộc lại". Điều nầy được nhấn mạnh trong Rô-ma 11:26, "Đấng Giải cứu sẽ đến từ Si-ôn". Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng Giải cứu đã đến với dân tộc Y-sơ-ra-ên. Ngài là Đấng mở các nguồn hầu cho sự cứu rỗi có thể đến với những người trong dân tộc Y-sơ-ra-ên. Đây là một thực tế rất đẹp được mở ra cho chúng ta trong câu 14. Đức Chúa Trời đã không chấm dứt sự có thể chuộc lại được cho dân tộc Y-sơ-ra-ên. Khi Chúa Cứu Thế đến, người đầu tiên quì gối xuống trước Chúa Giê-xu cách nay 2000 ngàn năm là người Giu-đa. Ngay cả An-ne, Si-me-ôn hay những người chăn chiên trong đêm Chúa Giê-xu được sanh ra đều nhận ra rằng Ngài là Đấng Mê-si. Họ nhận ra rằng Đức Chúa Trời đã không từ chối cho dân Y-sơ-ra-ên một người có quyền chuộc lại.
"Nguyện danh của người trở nên sang trọng nơi Y-sơ-ra-ên!" Chữ "sang trọng" ở đây trong Kinh Thánh thường được dịch là gọi hay cẩu khẩn, "nguyện danh của người được gọi nơi Y-sơ-ra-ên!" Câu "nguyện danh của người được gọi nơi Y-sơ-ra-ên!" có nghĩa gì? Trong Rô-ma 10:13 chúng ta tìm thấy một lời tuyên bố rất đẹp cho chúng ta giải đáp về câu nầy. "Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu." Kêu cầu danh Chúa có nghĩa là chúng ta đang hướng về sự cứu rỗi. Rô-ma 11:9 chép, "Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jêsus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu". Vì vậy kêu cầu danh Chúa có nghĩa là miệng xưng Đức Chúa Jêsus ra và lòng tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, đó là ý nghĩa của sự kêu cầu danh Chúa, nghĩa là chúng ta nhìn lên Chúa là Cứu Chúa của chúng ta.
Chúng ta đọc về Áp-ra-ham trong Sáng-thế-ký 12 và những người khác nữa trong Kinh Thánh, họ cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va. Có nghĩa là họ đặt sự tin cậy của họ vào nơi Chúa là Đấng Mê-si, là Đấng Cứu Chuộc, là Cứu Chúa của họ. Vì vậy, Đức Chúa Trời đang phán ở đây trong Ru-tơ 4:14 rằng, Ngài không từ chối cho dân Y-sơ-ra-ên một người có quyền chuộc lại, Na-ô-mi đại diện cho dân tộc Y-sơ-ra-ên, nguyện danh của Chúa Giê-xu được kêu cầu nơi Y-sơ-ra-ên! Đó có nghĩa là những người thuộc dòng máu của Áp-ra-ham cũng có thể được cứu, cũng có thể kêu cầu danh Chúa. Danh của Ngài sẽ được cầu khẩn, Ngài sẽ được nhìn xem là Đấng Mê-si trong Y-sơ-ra-ên. Tuyệt vời thay! Đây chính xác là cách mà Đức Chúa Trời hé mở kế hoạch cứu rỗi của Ngài.
Khi Chúa Cứu Thế Giê-xu đến, khi Ngài cung cấp sự chuộc tội trên thập tự giá thì Ngài cũng cung cấp sự chuộc tội cho những người còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển ra từ dân tộc Y-sơ-ra-ên. Do đó, người Giu-đa trong thời đó hay người Giu-đa trong thời nay đều có thể tìm thấy sự cứu rỗi giống như những người thuộc các dân tộc khác. Đức Chúa Trời nhơn từ làm sao! Dù cho về phương diện quốc gia họ đã bị trừ bỏ, bị góa bụa. Xem như không còn hi vọng gì cho họ vì Đức Chúa Trời im lặng đối với họ qua nhiều năm. Nhưng lời hứa vẫn luôn còn đó hầu cho sự cứu rỗi có thể đến với dân Y-sơ-ra-ên cũng giống như những dân tộc khác trên thế giới. Ngợi khen Đức Chúa Trời về lòng thương xót tuyệt vời của Ngài!
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)